Chấn động: Công ty CP Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát sử dụng đất, đá nhiễm Dioxin từ sân bay Biên Hòa vào dự án lấp sông Đồng Nai !
(Báo Thời Nay, số 551 ra ngày thứ Năm 07/5/2015)
Các cơ quan chức năng của Việt Nam từng ngày, từng giờ đang đấu tranh đòi công lý cho những nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin do chiến tranh để lại. Vậy, liệu việc phát tán chất độc hóa học dioxin tại sân bay Biên Hòa có thể chấp nhận được không khi sức khỏe, sinh mạng hàng triệu người bị đe dọa?
NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM RÕ
Một vấn đề đặt ra: Đâu là điểm đến của một khối lượng khổng lồ đất, đá có nhiễm chất độc hóa học sau khi được đưa ra từ sân bay Biên Hòa? Ở đây có thể thấy rất rõ là những sản phẩm đất, đá thành phẩm là phục vụ cho các công trình xây dựng hoặc kè sông, kè biển…
Trong đó, một trong những nghi án của việc đã sử dụng đất, đá từ sân bay Biên Hòa là Công ty CP Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát (Toàn Thịnh Phát) vào dự án lấp sông Đồng Nai mà dư luận thời gian gần đây đặc biệt quan tâm (?). Dự án có diện tích 8,4 ha, với tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng được Toàn Thịnh Phát khởi công vào tháng 9-2014, với mục đích lấn sông Đồng Nai nhằm cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị khu trung tâm TP Biên Hòa. Theo Toàn Thịnh Phát, dự án đã tổ chức san lấp được khoảng 70% khối lượng công trình, với khoảng 400/600 nghìn m³ đất, đá.
Theo nguồn tin chúng tôi được một lãnh đạo sân bay Biên Hòa cho biết: “Một khối lượng lớn đất, đá từ trong sân bay được Toàn Thịnh Phát lấy và vận chuyển bằng cả đường bộ lẫn đường sông”.
Như vậy, Toàn Thịnh Phát có sử dụng đất, đá vào việc lấp sông hay không và với số lượng bao nhiêu đang rất cần sự vào cuộc từ cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ.
Trong khi đó, việc lấp sông làm dự án của Toàn Thịnh Phát không chỉ là việc ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Đồng Nai mà nếu như việc sử dụng nguồn đất, đá tại sân bay Biên Hòa đang thật sự đe dọa đến sức khỏe, mạng sống của hàng chục triệu người dân hiện đang trực tiếp sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai vào sinh hoạt hằng ngày.
Đặc biệt, dự án nằm ngay cạnh họng nước của nhà máy nước Biên Hòa hằng ngày có khoảng 1,5 triệu người dân sử dụng và cách đó khoảng hơn một km là nhà máy nước cung cấp nguồn nước sạch cho gần chục triệu người dân TP Hồ Chí Minh.
Một thực tế là trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, tại các chiến trường quân đội Mỹ đã rải chất độc hóa học dioxin, và hậu quả của di chứng chất độc hóa học để lại rất nặng nề.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam từng ngày, từng giờ đang phải đấu tranh đòi lại công lý cho những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Vậy, hậu quả sẽ ra sao đối với những người dân đang sử dụng nguồn nước tại sông Đồng Nai?
Sáng ngày 28-4, chúng tôi có mặt tại xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu tìm gặp một chủ đại lý chuyên cung cấp đất san nền, tên là Sử. Theo người dân địa phương, Sử là một trong những người có nguồn đất tốt, giá lại hợp lý và khi trao đổi trực tiếp Sử đã quả quyết ở vùng này không ai có giá đất san nền rẻ bằng, có thể giảm khoảng 10% giá tại các hầm. Sử cho biết: “Nguồn đất chính được lấy từ hầm của một người tên Chức và một số hộ dân quanh sân bay Biên Hòa tự khai thác rồi bán”.
Nhưng khi vừa đề cập đến nguồn đất, đá của Toàn Thịnh Phát đã sử dụng vào việc lấp sông Đồng Nai, Sử đứng bật dậy, dùng mũ bảo hiểm, bàn nhựa… lao vào hành hung chúng tôi, thậm chí dùng chân đạp đổ cả xe máy của phóng viên. Trước khi bỏ đi, người này dằn mặt bằng câu: “Thích không, tao điện cái là chúng mày không còn đường về”.
Được biết, bà Linh là đại lý lớn chuyên vận chuyển, cung cấp đất, đá cho các dự án xây dựng, công trình giao thông trong và ngoài địa phương và đồng thời là người cung cấp đến hơn 30% lượng đất, đá cho dự án lấp sông Đồng Nai của Toàn Thịnh Phát.
Như vậy, ở đây có thể thấy được nếu không có gì uẩn khúc, không liên quan gì đến việc nguồn cung cấp đất, đá cho Toàn Thịnh Phát lấy từ trong sân bay Biên Hòa thì cớ gì người tên Sử này lại hành hung phóng viên? Trong khi đó, theo đánh giá của các nhà khoa học, do việc sau khi máy bay quân đội Mỹ đi rải chất độc hóa học về đều súc, rửa máy bay ở những hồ nước trong và ngoài sân bay, nên diện tích đất bị nhiễm dioxin không chỉ riêng trong sân bay Biên Hòa, mà còn phát tán một lượng rất lớn ra những vùng lân cận.
ĐẤT, ĐÁ NHIỄM ĐỘC ĐI KHẮP MIỀN TÂY?
Hằng ngày, đất phủ mặt và đất trộn đá tại sân bay Biên Hòa sau khi khai thác được các chủ đại lý bán lẻ móc nối với doanh nghiệp khai thác để bán cho người dân, công trình san lấp mặt bằng vùng lân cận.
Giá đất một xe ben loại 15 tấn nếu mua tại bãi khoảng từ 210 nghìn đến 250 nghìn đồng/xe và xe của đại lý chở đến công trình trong pham vị từ 500 m đến một km thì có giá từ 500 đến 550 nghìn đồng/xe.
Giá của các loại sản phẩm này có thể tăng theo quãng đường và đối tượng mua trực tiếp. Còn lại, đối với các sản phẩm đá hầu hết được đưa lên xà-lan và chuyển thẳng đến các tỉnh miền tây tiêu thụ.
Quãng thời gian từ ngày 23 đến 26-4, tại bến cảng Công ty TNHH Cù Lao Xanh và một cảng mới được đưa vào hoạt động (không tên) tại ấp Thái Sơn, xã Bình Hòa, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh nhộn nhịp của hàng chục xà-lan loại từ 300 đến 500 tấn với nhiều loại biển kiểm soát như LA 01500, BL 7979, SG 4744, SG 6382… chen nhau ra vào “ăn” đá.
Quãng thời gian từ ngày 23 đến 26-4, tại bến cảng Công ty TNHH Cù Lao Xanh và một cảng mới được đưa vào hoạt động (không tên) tại ấp Thái Sơn, xã Bình Hòa, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh nhộn nhịp của hàng chục xà-lan loại từ 300 đến 500 tấn với nhiều loại biển kiểm soát như LA 01500, BL 7979, SG 4744, SG 6382… chen nhau ra vào “ăn” đá.
Nhiều tàu như BL 7979, SG 6382… phải đợi đến hai ngày mới đủ hàng để rời cảng.
Hoạt động của các xà-lan ra vào cảng lấy đá ngay giữa ban ngày. Việc ra vào của các xà-lan thường phải dựa theo chu kỳ con nước lên - xuống của sông Đồng Nai. Vào buổi sáng sớm nước lên, các xà-lan xuôi theo dòng nước từ phía miền tây, TP Hồ Chí Minh… cập các cảng tại ấp Thái Sơn để lấy đá.
Nếu xà-lan đã đầy hàng sớm sẽ rời cảng theo hướng miền tây nhưng chỉ đi được khoảng vài km, đến khu vực cầu Hóa An hoặc khu vực cầu vượt tuyến cao tốc Long Thành - Giầu Dây đoạn giữa huyện Long Thành, Đồng Nai và quận 9, TP Hồ Chí Minh neo đậu. Đến đêm tối khi nước, rút xà-lan được nhổ neo, xuôi theo dòng nước.
Sáng ngày 24-4, chúng tôi đã quyết định dùng ghe nhỏ bám theo xà-lan LA 01500 - 00576, rời cảng Cù Lao Xanh lúc 10 giờ 30 phút chở đầy đá chủ yếu là loại 1-2 cm và 2-4 cm. Chỉ xuất phát được khoảng hơn một km, xà-lan đã neo đậu ngay gần phía cầu Hóa An.
Dường như việc bám theo của chúng tôi đã bị bại lộ nên chủ ghe quanh quẩn mãi đến hơn tám giờ tối xà-lan mới bắt đầu xuất phát. Nhưng chỉ đi được khoảng gần 10 km, qua cầu Đồng Nai xà-lan này tiếp tục neo lại và đợi thêm ba xà-lan khác cùng vận chuyển đá từ hướng cảng ở ấp Thái Sơn đi tới. Đến hơn 10 giờ đêm cả ba xà-lan này mới cùng xuất phát. Khi đêm đến điểm căn cứ duy nhất để bám đuôi là nhờ vào ánh sáng lòe nhòe của ánh đèn báo hiệu của xà-lan.
Tuy nhiên, cả ba xà-lan đi đến đoạn ngã ba sông Đồng Nai khu vực giáp ranh quận 2 - quận 9, TP Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai lại tiếp tục thả neo và phải đợi đến khoảng hơn hai giờ sáng ngày 25-4 mới nổ máy đi tiếp. Đến gần bốn giờ sáng, đến đoạn ngã ba sông khu vực cầu Phú Mỹ, quận 7 bất ngờ một xà-lan (mục tiêu chúng tôi đang theo dõi) rẽ vào một con rạch hướng về phía quận 9 và đi khoảng 500 m thì neo lại.
Chờ mãi đến khoảng 5 giờ 30 phút chúng tôi quyết định tiến sát đến xà-lan và phát hiện biển số kiểm soát của xà-lan đã bị thay đổi.
Chờ mãi đến khoảng 5 giờ 30 phút chúng tôi quyết định tiến sát đến xà-lan và phát hiện biển số kiểm soát của xà-lan đã bị thay đổi.
Đến lúc này mới chợt hiểu trong lúc neo đậu đoạn ngã ba sông các xà-lan này đã đổi đèn báo hiệu cho nhau để đánh lạc hướng theo dõi và “cắt đuôi”. Như vậy, xà-lan LA-01500-00576 mà chúng tôi bám theo từ đầu, đã xuôi dòng hướng ra biển Cần Giờ để về khu vực miền Tây.
Sáng ngày 25-4, quay lại các cảng tại ấp Thái Sơn, khung cảnh nhộn nhịp nơi đây không hề suy giảm. Hàng loạt xà-lan đã “ăn” đủ đá và chỉ chờ để xuất bến.
Hơn 9 giờ, chúng tôi quyết định tiếp tục bám theo xà-lan SG 6382 và đến đoạn ngã ba sông Đồng Nai đoạn giáp giữa quận 9 và quận 2 (TP Hồ Chí Minh) xà-lan này thả neo. Chờ trời tối hẳn, hơn 19 giờ xà-lan SG 6382 mới nhổ neo xuôi theo dòng nước. Lúc này, xà-lan BL 7979 cũng bắt kịp và cùng xuôi theo hướng ra biển Cần Giờ.
Trong suốt quá trình bám theo các xà-lan hai đêm, ba ngày trên sông Đồng Nai chỉ thấy duy nhất có lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy Đồng Nai xuất hiện nhưng lại không hề kiểm tra các xà-lan nêu trên.
Không khó để trả lời những câu hỏi chúng tôi vừa nêu, nếu cơ quan chức năng vào cuộc."
Ghi chú: vì bài viết trích từ
Nguồn:https://www.facebook.com/chungtaybaovesongdongnai
Nên có những từ không thích hợp với người Việt hải ngoại.
Ghi chú: vì bài viết trích từ
Nguồn:https://www.facebook.com/chungtaybaovesongdongnai
Nên có những từ không thích hợp với người Việt hải ngoại.
Gửi ý kiến của bạn