Càng sống lâu, càng trải nghiệm nhiều, Trung càng tin vào số của mỗi người, dù là bác sĩ, thuần về khoa học.
Có nhiều người nằm một chỗ, mất ý thức, vật vã, ỉa chây đái lì, cả nhà 3 - 4 người phải xúm vào chăm đến kiệt sức, trầm cảm, vậy mà gần 10 năm vẫn chưa chết được. Có người đang cười nói sang sảng, tuổi xuân phơi phới tự nhiên lăn đùng ra và chết.
Cũng như ba người đang nằm trên xe cấp cứu này đây, sao không sớm hơn 1 giờ hay muộn hơn một giờ mà là ngay giờ phố tan tầm, kẹt xe cơ chứ?
Liệu có kịp không?
Có bao giờ chúng ta hỏi chính bản thân rằng: Liệu mình có kịp làm những điều mình ước mơ, ấp ủ và có kịp trao cho nhau những lời thương, những lời biết ơn, những lời xin lỗi trong khi cuộc sống không đợi, vô thường không đợi?
Bạn biết không, hồi xưa đó, mỗi khi kẹt xe, mỗi khi khói bụi, mỗi khi đường phố ngập sau cơn mưa là mỗi khi Trung dằn dỗi Sài Gòn: Chẳng biết Sài Gòn có gì vui mà mọi người chen lấn? Chẳng biết Sài Gòn có gì hạnh phúc trong những căn nhà hẻm, chật chội, ngột ngạt không một lối thoát hiểm, hễ có cháy là chết hết cả nhà?
Còn bây giờ thì Trung đã hiểu ra, vì ở Sài Gòn người ta tìm được nguồn sống.
Như Trung bao năm cố rời Sài Gòn ra tỉnh lẻ nào đó sống với trăng sao, cỏ cây nhưng mãi chẳng rời đi được!
Kiểu như chú Trịnh viết: "Nhiều đêm muốn đi - về con phố xa. Nhiều đêm muốn quay về, ngồi yên dưới mái nhà ...".
Bản chất con người luôn là vậy phải không, đứng núi này trông núi nọ, chẳng bao giờ bằng lòng với những gì mình có!
Trung lại thì thầm vừa đủ cho mình nghe: Nếu đã thấy, đã chạm được sự thật cuộc đời, già đi, bệnh tật, khổ đau và chết mà người nào còn mải mê, còn hào hứng sống, còn tha thiết danh lợi ... thì người đó một là anh hùng hai là bậc giác ngộ.
Nhưng cũng có thể là một người bình thường, đơn thuần. Ừ thì cứ sống vậy thôi. Chứ làm sao khác hơn được!
Những ai sống một cách đơn thuần, đôi khi là một đặc ân của số phận hay Thượng Đế dành cho họ!
Mãi suy nghĩ Trung về tới nhà lúc nào không hay .... Hai hàng cây nguyệt quế nơi hiên nhà được tắm gội đã đời khoe màu xanh biên biếc.
Cỏ cây vẫn xanh vẫn rì rào dù nắng hay mưa ....
Trung chợt nghĩ có phải người biết thiền là người biết để đám mây trắng bay đi, để cơn mưa rơi xuống ... thay vì cho rằng mọi thứ phải khác đi.
Hồi xưa Trung từng nghĩ bỏ hết lộng lẫy trang phục khoác lên mình chiếc áo lam, bỏ hết ồn ào phố thị tìm lên ngôi chùa hẻo lánh ở non cao, bỏ hết mọi si mê danh lợi tìm niềm vui trong lời kinh tiếng kệ là tu, là có thể sống an lạc ....
Nhưng rồi Trung hiểu ra chẳng qua đó là một cuộc chạy trốn, một sự hoán đổi, một sự dối lừa chính mình tinh vi, bỏ điều này để nắm lấy điều kia, bỏ tham đắm thế gian để tham đắm niết bàn ....
Bây giờ thì Trung nghĩ:
Sống một cuộc đời bình thường mới là cuộc tu hành vĩ đại!
Chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ già bệnh tật, lẩn thẩn những ngày cuối đời mà không thấy nặng gánh, khổ đau ... là một cuộc tu hành vĩ đại.
Đi làm vất vả, tìm được đồng tiền lương thiện nuôi sống chính bản thân và gia đình mình giữa một xã hội nhiễu nhương đầy cám dỗ ... là một cuộc tu hành vĩ đại.
Và chúng ta thương được nhau, nhìn nhau mà cảm thông ... cũng là một cuộc tu hành vĩ đại.
Mỗi sáng còn được thức giấc, còn được thở, còn được cảm nhận với tất cả giác quan ... và chúng ta thấy biết ơn điều này, quyết sống một cuộc đời bình thường, tự nhiên, thay vì hình thức này nọ, điểm tô này nọ ... đó là giác ngộ!
NGUYỄN BẢO TRUNG
NGUYỄN BẢO TRUNG
Gửi ý kiến của bạn