SÔNG GIANH CHẢY GIỮA LÒNG HÀ NỘI
Giới thiệu: Nếu ai đã có dịp đi Kyoto, Nhật Bản nhưng chưa biết trước khu nhà rộng năm ngàn mét vuông của cựu bí thư tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành có thể đoán sai khu biệt thự của ông ta là một trong những cung điện của hoàng gia Nhật ngày xưa.
Người viết cũng định viết một bài về Trần Đình Thành nhưng nghĩ lại đã viết rồi, không phải một bài mà nhiều bài và cũng không chỉ mới đây mà từ 20 năm trước. Năm 2005, trong một bài viết để trao đổi với tác giả Nguyễn Hòa trên diễn đàn Talawas người viết đã có dịp mô tả sự khác nhau giữa đời sống của một cán bộ trung ương và đời sống của những người dân chui rúc dưới chân cầu Long Biên. Đó không phải là sự khác nhau giữa giàu và nghèo mà sự khác nhau giữa những kẻ nắm quyền lực và những người không có bất cứ một thứ quyền gì.
Mười bảy năm sau, các hiện tượng tham nhũng diễn ra trầm trọng hơn nhưng bản chất phát sinh ra các hiện tượng đó vẫn không thay đổi. Một khi bản chất của cơ chế chính trị chưa thay đổi thì các hiện tượng xã hội phản ảnh từ bản chất cũng sẽ không thay đổi ngoại trừ thời gian và mức độ tác hại. Bài viết "Sông Gianh Chảy Giữa Lòng Hà Nội" dưới đây không chỉ bàn chuyện tham nhũng mà còn nhiều vấn đề khác giúp cho các bạn trẻ có cái nhìn rộng hơn về nhiều lãnh vực chính trị và xã hội dưới chế độ CS.
---------------
Sau loạt bài nhân dịp đánh dấu 30 năm kể từ mùa bão lửa 1975, tôi tự nhủ, từ nay nếu có viết, nên viết về tương lai hơn là quá khứ. Tuy nhiên khi đọc hai bài viết “ ’Gọi tên cuộc chiến’ hay xuyên tạc sự thật?" trên báo Nhân Dân được nối qua mạng talawas và sau đó "Đất nước mình đã khác nhiều lắm so với những ngày tôi từ chiến trường trở về" trên talawas của anh Nguyễn Hòa trong loạt bài tranh luận đặt tên cho cuộc chiến giữa anh và giáo sư Lê Xuân Khoa, tôi lại không thể cầm lòng.
Và cũng để đáp lại lời mời của anh "tôi mong bạn đọc nào đó đã dành thời gian theo dõi cuộc trao đổi này hãy “thử” đánh giá điều tôi nhận ra có chính xác hay không?", tôi xin mạo muội đóng góp vài ý kiến chung quanh hai bài viết của anh chứ không dám gọi là "đánh giá". Bài viết của tôi không nhằm xen vào cuộc tranh luận giữa anh và giáo sư Lê Xuân Khoa, tuy nhiên, để tôn trọng quyền trả lời trước của giáo sư, tôi chỉ gởi bài này cho talawas sau khi bài của Giáo sư Lê Xuân Khoa được công bố.
Anh Nguyễn Hòa viết: "Một người nghiên cứu nghiêm cẩn sẽ không bao giờ lấy thâm niên làm việc ở thời quá khứ ra “bảo lãnh” cho hoạt động nghiên cứu ở thời hiện tại?
Kinh nghiệm bao giờ cũng là vốn quý, chỉ có chủ nghĩa kinh nghiệm mới sai. Hệ quả tiêu cực của chủ nghĩa kinh nghiệm là tính chủ quan, và chủ quan nào cũng dẫn đến bảo thủ, hẹp hòi.
Anh viết "sai lầm luôn luôn là khả năng có thể xảy ra, nếu người nghiên cứu lấy “cái” chủ quan của mình để luận chứng cho “cái” khách quan của sự vật - hiện tượng?"
Tôi là dân kỹ thuật chứ không học trường lý luận hay theo một "phương pháp luận" nào nhưng tôi cũng nghĩ cuộc vận hành của mọi sự vật và hiện tượng là một cuộc vận hành mang tính biến diệt, từ dạng này sang dạng khác, từ trạng thái này sang trạng thái khác. Không ai có thể dùng cái chủ quan tĩnh của mình để đánh giá một cái khách quan động của sự vật và hiện tượng. Và nếu có, đó chính là một sai lầm nghiêm trọng cần phải thay đổi.
Áp dụng lý luận đó vào điều kiện chính trị Việt Nam, việc duy trì cơ chế chính trị độc đảng (chủ quan) lỗi thời là một cản trở lớn đối với nhu cầu phát triển (khách quan) của đất nước. Cố bám vào đường lối chủ quan lạc hậu và sai lầm, giới lãnh đạo đảng và nhà nước CS Việt Nam đã và đang dẫn đất nước đi vòng quanh trong ngõ cụt tối tăm nhưng vẫn tự dối lòng và lừa dối nhân dân đó chính là con đường thời đại.
So với sự phát triển của nhân loại trong mọi lãnh vực, sau 30 năm, Việt Nam chẳng những không bước thêm bao nhiêu bước; trái lại, về kinh tế, nhiều nơi trên đất nước vẫn "con trâu đi trước cái cày đi sau" và đạo đức thì đang trở về gần với thời sơ khai nô lệ, nghĩa là thời kỳ mọi của cải đều có thể mua bán, trao đổi, kể cả mua bán, trao đổi chính con người như trường hợp của hàng ngàn cô gái Việt đang làm tôi mọi tình dục ở Đài Loan.
"Đất nước mình đã khác nhiều lắm" so với những ngày anh từ chiến trường trở về, nhưng anh về 30 năm rồi chứ đâu phải mới về năm ngoái, năm kia?
Những đổi thay mà anh thấy chỉ là phên dậu bên ngoài thoạt trông có vẻ trang nhã hơn, sáng sủa hơn nhưng không làm cho căn nhà Việt Nam bền vững với thời gian và vươn cao theo thời đại. Những đổi mới có tính cách vá víu, nói theo kiểu đá banh là "câu giờ" đó không phải là những đổi thay cơ bản để đẩy nền kinh tế ra khỏi quỹ đạo lạc hậu. Con số 410 đô-la lợi tức tính theo đầu người hàng năm, chẳng những thấp mà còn không nói lên một cách trung thực đời sống của đại đa số người dân Việt Nam vì mức sống chênh lệch quá xa giữa giàu và nghèo, giữa thành phố và thôn quê, giữa trong đảng và ngoài đảng, giữa cán bộ biết móc ngoặc và công nhân viên lương thiện.
Trong lúc một thiểu số đảng viên cao cấp và gia đình họ sống trong biệt thự có máy điều hòa, nghỉ ngơi trong các khách sạn bốn sao, năm sao, ăn uống trong nhà hàng đắt tiền, con cái họ đang ngồi trong các giảng đường đại học tư ở Mỹ với học phí trung bình 40 ngàn đô-la một năm chưa kể tiêu dùng cá nhân, tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam chưa hề được đặt chân đến khách sạn Sofitel Plaza, Caravelle, con cái họ vẫn thất học và nhiều nơi trên đất nước, sau gần 30 năm vẫn chưa có điện để thắp sáng những căn nhà tối tăm heo hút. Mức lợi tức cá nhân 410 đô-la một năm đã bị xếp vào hạng nghèo nhất thế giới, nhưng bao nhiêu phần trăm trong 80 triệu dân Việt Nam có cái may mắn được nghèo như thế, thưa anh Hòa? Anh không cần phải vào viện thống kê để tìm câu trả lời, chỉ cần bước xuống chân cầu Long Biên, hỏi những người dân đang sống chui rúc dưới gầm cầu kia lợi tức hàng năm của họ là bao nhiêu.
Không cần phải là một nhà phân tích chính trị hay một giáo sư kinh tế học, bất cứ ai với những hiểu biết căn bản đều có thể nhận ra rằng ngọn núi đang chắn ngang con đường tiến hóa của dân tộc Việt Nam không có tên nào khác hơn là ngọn núi độc tài, độc đảng. Nói một cách tương tự, ngày nào cơ chế chính trị độc đảng, độc tài, độc quyền như hiện nay tại Việt Nam chưa được thay đổi ngày đó sẽ không có một hướng đi đích thực nào dành cho dân tộc Việt Nam. Điều anh nhấn mạnh "sai lầm luôn luôn là khả năng có thể xảy ra" đã và đang xảy ra từng ngày, từng đêm trên đất nước mình đấy anh Hòa ạ.
Anh viết: "Thiết nghĩ trong xu thế khép lại quá khứ, hướng về tương lai như hôm nay, nhắc lại quá khứ không phải nhằm khơi dậy lòng hận thù, nhưng khi vấn đề đã được đặt ra thì cần phải được xem xét cẩn trọng."
Vâng, phải "xem xét cẩn trọng", phải "khép lại quá khứ", phải "hướng về tương lai". Nếu thế xin anh cùng tôi hô lớn, một: hủy bỏ điều 4 hiến pháp, hai: giải tán quốc hội bù nhìn, ba: ứng cử và bầu cử tự do không phải thông qua Mặt trận Tổ quốc, bốn: tôn trọng các quyền tự do căn bản của con người đã được minh định trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, năm, sáu, bảy, tám... và nhiều nữa anh Hòa ạ.
Nói tóm lại, cả thượng tầng kiến trúc tồn tại từ thời Stalin còn sống, phải hủy bỏ mới đúng là "khép lại quá khứ, hướng về tương lai". Giới lãnh đạo đảng không ngớt kêu gọi xóa bỏ quá khứ nhưng họ chưa làm một điều gì cụ thể và căn bản để chứng minh sự thành thật của họ muốn hướng đến tương lai chung cho các thế hệ Việt Nam mai sau.
Trong lúc tôi vô cùng kính trọng những tiếng nói dân chủ vọng lên từ miền Bắc, những bản án dài hạn hơn nhiều mà đảng Cộng sản đã dành cho những nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền phát xuất miền Nam cho thấy rằng, ba trăm năm sau, con sông Gianh cách ngăn dân tộc từ thời Trịnh Nguyễn vẫn còn chảy, không phải ở Quảng Bình mà chảy ngay giữa lòng Hà Nội, chảy trong tư duy của những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam. Tương tự, những phân chia ngăn cách Bắc Trung Nam từ thời thực dân chẳng những không được lấp lại, trái lại mỗi ngày bị đảng đào sâu thêm.
Chính sách trả thù đã thể hiện không những đối với những người cầm súng, những viên chức chính quyền cũ mà còn áp dụng một cách tàn nhẫn đối với gia đình họ, con cái họ và thậm chí còn mở rộng đến nhiều triệu người dân vô tội chỉ vì họ sống bên này sông Bến Hải. Sau 1975, trong lúc hàng trăm ngàn sĩ quan và viên chức Việt Nam Cộng Hòa bị tù đày trong rừng sâu nước độc, hàng triệu thân nhân họ cũng đã gánh chịu nhiều cực hình không kém phần độc ác. Tôi đã gặp những đứa bé miền Nam có cha mà như không cha, có mẹ mà như mất mẹ, sống lang thang đầu đường cuối chợ. Tôi đã gặp những đứa bé miền Nam thông minh nhưng không có một cơ hội đến trường, chỉ biết đứng bên ngoài cổng trường mà khóc. Đảng nói gì chưa với những mái tóc xanh kia?
Anh viết: "Đối với tôi, lòng yêu nước không phải là một khái niệm mơ hồ, chung chung, mà là một khái niệm cụ thể, thiết thực. Bởi thực tế cho thấy, người ta có thể hô hào và quảng bá rùm beng cho “lòng yêu nước nồng nàn” của bản thân, nhưng hành động thực tế lại chứng minh ngược lại"
Vâng, lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam rất cụ thể, được tính bằng xương, đong bằng máu chứ không phải mơ hồ. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc đã phải không ngừng chiến đấu để bảo vệ quyền tồn tại trong suốt chiều dài thời gian lịch sử, ở đó, mỗi ngọn núi, mỗi con sông đã mang đầy chứng tích của những cuộc chiến tranh tự vệ khốc liệt, nơi tổ tiên chúng ta đã phải đổ quá nhiều máu xương và nước mắt để có được. Nếu không nhờ tinh thần tự chủ đó, ngày nay Việt Nam không phải là nước Việt Nam mà là tỉnh Việt Nam, giống như tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây hay đã chịu chung số phận của Mãn Châu, Nội Mông, Tây Tạng. Nhưng yêu nước là một tình yêu cần được soi sáng và hướng dẫn bằng trí tuệ chứ không phải là một thứ tình yêu cực đoan và mù quáng. Yêu nước cũng chẳng phải là một độc quyền dành cho ai và cũng không ai có quyền định nghĩa yêu nước theo kiểu của mình.
Trong cuộc đấu tranh tranh chống thực dân Pháp nhiều gian khổ của dân tộc Việt Nam, không phải chỉ miền Bắc chống Pháp còn miền Nam thì theo Pháp, không phải chỉ những người theo cộng sản mới gọi là đánh Pháp và người không chiến đấu trong hàng ngũ cộng sản là ôm chân Pháp. Không, từ sông lạch miền Nam đến núi rừng Việt Bắc, nhân dân Việt Nam đã tùy theo điều kiện địa lý, hoàn cảnh chính trị của mỗi miền, và cả của mỗi người để đánh đuổi thực dân. Có vị chủ trương cứng rắn, có vị chủ xướng ôn hòa, có vị chủ trương võ lực, có vị chủ xướng Duy Tân. Nhưng nếu họ cùng có một tấm lòng vì nước, có một đức tính trung thành và chung thủy với quê hương, nhân dân Việt Nam vẫn biết ơn họ và lịch sử Việt Nam sẽ ghi công họ.
Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam thì khác, chưa đánh đuổi được ngoại xâm đã tàn sát không nương tay những người Việt Nam yêu nước mà họ nghĩ sẽ tranh quyền đoạt lợi với họ sau này. Từ 1954, họ lại một lần nữa lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, đẩy hàng triệu thanh niên Việt Nam vào chỗ chết cho các mục tiêu bành trướng ý thức hệ cộng sản, cho quyền lợi của đàn anh Trung Cộng, Liên-Xô dưới hình thức cuộc chiến tranh gọi là "Chống Mỹ cứu nước" lầm lạc vô cùng.
Anh ca ngợi lòng yêu nước của Nguyễn Thái Học chỉ vì ông đã hy sinh, tuy nhiên, nếu ông còn sống và tiếp tục lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng trong giai đoạn 1945, đảng Cộng sản cũng chẳng buông tha cho ông đâu. Số phận của Nguyễn Thái Học có thể cũng giống như Trương Tử Anh, Khái Hưng, Phạm Quỳnh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm và hàng ngàn người Việt Nam yêu nước khác mà thôi.
Anh kết án những người lãnh đạo các đảng phái không cộng sản là "những kẻ sau này phải sinh tồn dưới cái ô che chở của người Pháp và người Mỹ", thế ngoài tài liệu tuyên truyền của đảng, anh đã gặp các vị đó chưa? Anh đã đọc các sách vở tài liệu của họ viết chưa? Tôi đã gặp các vị đó, đã lắng nghe họ trang trải nỗi lòng, đã đọc sách vở của họ, qua đó, tôi hiểu tại sao họ không thắng được cộng sản.
Anh biết tại sao không? Họ nhân hậu quá, họ yêu nước chân thành quá, họ Việt Nam quá. Muốn chiến thắng cộng sản họ phải giết chết cái Việt Nam tính trong con người họ. Họ đã không làm được điều đó, và kết quả, họ thua.
Thật đúng như anh viết: "Bởi thực tế cho thấy, người ta có thể hô hào và quảng bá rùm beng cho “lòng yêu nước nồng nàn” của bản thân, nhưng hành động thực tế lại chứng minh ngược lại".
Trong suốt hai cuộc chiến, những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh ngược lại như thế đấy anh ạ. Họ khai thác triệt để những khái niệm thiêng liêng về quê hương, đất nước bởi vì họ biết đó là những điểm yếu, những đặc điểm tâm lý dễ bị khích động, rất nhạy cảm trong tâm hồn của con người Việt Nam. Họ đã lợi dụng xương máu của hàng triệu đồng bào để biến mơ ước tươi đẹp của những người đã chết thành cơn ác mộng hãi hùng phủ trùm lên cả dân tộc. Họ đã biến dải non sông đầy tình đồng bào ruột thịt thành một nhà tù mênh mông, lấy thể chế chính trị độc tài thay cho hiến pháp, lấy đấu tranh tiêu diệt lẫn nhau làm thước đo của mức độ phát triển xã hội. Họ đối xử với những người cùng chung huyết thống còn tệ bạc hơn các dân tộc văn minh đối xử với thú vật.
Anh viết: " ...tôi liên tưởng tới lời một nhân vật người Mỹ trong bộ phim truyền hình Việt Nam - cuộc chiến tranh 10.000 ngày đã ví chính quyền Sài Gòn giống như một “bộ áo giáp” trong viện bảo tàng, chỉ cần động vào là đổ".
Thưa anh, không đợi nhân vật người Mỹ trong bộ phim Việt Nam - cuộc chiến tranh 10.000 ngày ví von so sánh, chính tôi cũng đã nhiều lần nói thế. Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam. Miền Nam của tôi và hy vọng cũng là của anh, không phải là miền Nam hoàn toàn trong sạch. Miền Nam có những cấp lãnh đạo mang quốc tịch Pháp, mang tên André, Pierre, thích gọi nhau bằng "toa, moa" hơn là tiếng "mày, tao" thân thương quen thuộc. Miền Nam có những người lính Mỹ mắt xanh, da trắng đến từ bên kia địa cầu nhưng không mang theo tư tưởng dân chủ của Thomas Jefferson hay tinh thần cách mạng của Thomas Pain, trái lại mang theo rất nhiều đô-la và súng đạn. Thế hệ chúng tôi đứng trước ngã năm, ngã bảy nhiễu nhương phân hóa đó, cũng đã nhiều đêm không ngủ được khi nghĩ về tương lai đất nước. Chúng tôi đã từng giận dữ hét lên phải làm gì và làm gì! Sự tham nhũng, lộng quyền, lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ của một số lãnh đạo miền Nam chính là "bộ áo giáp" mà nhân vật trong phim Việt Nam - cuộc chiến tranh 10.000 ngày ám chỉ. Chiếc áo đó đã làm tôi đau nhức mỗi khi nghĩ đến.
Thế nhưng đó cũng chỉ là chiếc áo thôi anh ạ, dù là áo giáp, chứ không phải da thịt, không phải trái tim, không phải hơi thở, không phải máu xương của miền Nam. Một nhà lãnh đạo chính phủ có thể hư hỏng, tham ô, lộng quyền trong giai đoạn nào đó nhưng thể chế dân chủ thì không. Miền Nam có tất cả những cơ cấu, nhân tố cần thiết để xây dựng căn nhà dân chủ. Anh hãy hỏi các đảng viên cộng sản đã một thời biểu tình, gây sách động, tranh đấu công khai trong các đô thị miền Nam sẽ biết ai đã từng bảo vệ và che chở họ, không phải “Bác và Đảng” đâu anh, chính các cơ cấu dân chủ pháp trị ở miền Nam đã bảo vệ quyền tự do ngôn luận và an ninh cho cá nhân họ. Nếu họ đấu tranh với những hành động tương tự ở miền Bắc thì họ đã về cõi âm từ lâu rồi.
Trên con đường miền Nam tuy đầy ổ đạn nhưng đã có những bóng cây xanh của hy vọng, có những hạt mầm dân chủ được gieo trồng và hàng triệu người đã dùng máu mình tưới lên những hạt mầm dân chủ đó như tôi có lần đã viết trên talawas trong bài “Ba mươi năm nhìn lại chiến tranh”. Ý thức dân chủ đó chính là linh hồn, là trái tim, là hơi thở của một đất nước đang cố gắng vươn lên trong mưa sa bão táp. Hẳn nhiên những hạt mầm xanh non, mong manh mới nhú lên trên dải đất vừa thoát ra khỏi ách thực dân làm sao chịu đựng nổi vòng xích T54 hay sức công phá của B40, của đại pháo 130 ly do Liên-Xô, Trung Quốc cung cấp dồi dào, phải không anh?
Anh viết: "Sự sống còn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng hoàn toàn lệ thuộc vào người Mỹ mà bằng chứng là ngay đầu những năm 60 của thế kỷ 20, nó đã rệu rã đến mức không có khả năng chống lại phong trào giải phóng, buộc Mỹ phải lộ diện với một đạo quân viễn chinh khổng lồ và những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ. Vũ khí Mỹ, đô-la Mỹ, hàng hóa Mỹ đã nuôi sống một bộ máy chính quyền trong vài chục năm, và cuối cùng, nó không thể tránh khỏi sự sụp đổ tất yếu"
Xin anh đừng quên tổng số viện trợ quân sự mà Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác giúp cho Hà Nội là 2 triệu 362 ngàn 581 tấn, bao gồm một danh sách dài của các loại vũ khí, từ 3 triệu 600 ngàn khẩu súng cá nhân cho đến 458 máy bay chiến đấu và hàng vạn đại pháo, tên lửa nhiều loại.
Họ không phải là "lực lượng tiến bộ, yêu hòa bình trên thế giới" đâu anh. Liên-Xô cung cấp súng đạn cho đảng Cộng sản Việt Nam chỉ vì chiến tranh Việt Nam đã giúp làm chậm lại cuộc chạy đua vũ khí với Mỹ mà chính họ đang dần dần kiệt quệ. Trung Quốc cung cấp súng đạn cho đảng Cộng sản Việt Nam chỉ vì nhân dân Việt Nam đã chết thay cho họ để bảo vệ và bành trướng biên giới về phía nam. Nhận viện trợ của họ chẳng khác gì nhận cái vòng kim cô chứ chẳng vinh dự gì đâu anh Hòa ạ.
Bằng chứng, 30 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, các lãnh đạo đảng vẫn loay hoay không biết làm sao tháo được cái vòng kim cô Trung Quốc ra. Trong ly rượu sâm-banh của các tên lái buôn chiến tranh chúc tụng nhau ở Nhân dân đại sảnh Bắc Kinh, ở điện Kremlin tối 30 tháng 4 năm 1975, có máu của đồng bào Việt Nam đổ xuống khắp ba miền. Trong tiếng cười rạng rỡ của các chủ tịch nhà nước, các tổng bí thư trong đêm liên hoan mừng chiến thắng tối 30 tháng 4 năm 1975, có nước mắt của hàng triệu bà mẹ Việt Nam khóc cho những đứa con của mẹ đã gởi xác ở Trường Sơn, Khe Sanh, Bình Long, Trị Thiên, An Lộc.
Hôm nay, cơn lũ chiến tranh tuy đã qua đi nhưng trên cánh đồng Việt Nam vẫn còn phơi đầy thân xác anh em, thịt xương của đồng bào ruột thịt. Non sông liền một dải nhưng lòng người còn vạn nẻo phân ly.
Như tôi đã viết trong vài bài trước, số phận các quốc gia nhược tiểu thì ở đâu và thời nào cũng vậy, nếu tương hợp với quyền lợi của đế quốc thì sống và ngược lại thì chết. Bởi vì mục đích của Đảng Cộng sản Việt Nam rất tương hợp với quyền lợi của Liên-Xô và Trung Quốc nên đảng Cộng sản Việt Nam thắng, trong lúc nhiều cấp lãnh đạo miền Nam phải tự sát hay sắp hàng đi vào tù bởi vì quyền lợi của nhân dân miền Nam không còn tương hợp với sách lược thế giới của Mỹ sau cuộc viếng thăm Bắc Kinh của tổng thống Nixon.
Tuy nhiên, miền Nam sụp đổ không chỉ vì thiếu vũ khí Mỹ hay đô-la Mỹ như anh nói thôi đâu mà vì không có nhà thơ nào sáng tác nổi những câu thơ như thế này:
Chúng ta đang ở trên đầu chúng nó
Đại bác ta sau rèm tre ngảnh cổ
Trông xuống khoanh đồi nọ
Ngon như một đĩa thịt bò tươi
Ở dưới kia chúng nó đang cười
Cười đi nhé các con ơi rồi chết...
(“Bắn đi”, Tố Hữu)
Khi ví những người bên kia chiến tuyến, dù người đó là Pháp, Mỹ hay đồng bào cùng máu mủ với mình, như một đĩa thịt bò tươi, quả thật trong người tác giả không còn một chút gì để gọi là nhân tính. Có những "nhà thơ cũng phải biết xung phong" và không nhân tính như thế trong hàng ngũ, chủ nghĩa cộng sản chiến thắng là phải và miền Nam sụp đổ là chuyện không thể nào tránh khỏi.
Không giống như tuổi trẻ trong quân đội miền Nam, các thế hệ thanh niên miền Bắc bị đánh bùa mê đến nỗi chỉ biết hận thù, đấu tranh, giết chóc. Suốt đời họ được huấn luyện để thừa hành chứ không phải để đặt vấn đề hay để chọn một hướng đi đích thực cho đời mình. Khái niệm về sự chọn lựa gần như không có trong chương trình giáo dục. Nếu họ biết thế nào là ý nghĩa của hai chữ chọn lựa và có quyền chọn lựa một cuộc đời riêng, họ không dại gì chọn để chết. Nếu họ có cơ hội thấy được cái sai và mặt trái của chế độ mà họ đã lớn lên và có quyền lực để chống lại những cái sai trái đó, tuổi trẻ miền Bắc đã không cảm thấy "lòng phơi phới dậy tương lai" khi phải "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" đâu anh.
Thanh niên miền Bắc bị tuyên truyền rằng đồng bào miền Nam đang rên siết, đói khát dưới gót giày đế quốc Mỹ và ngày đêm chờ đợi họ vào để "giải phóng khỏi xích xiềng đế quốc." Thế nhưng thực tế đã trái ngược. Đồng bào miền Nam đã bỏ cả làng mạc, ruộng vườn, nhà cửa, lưng cõng mẹ già, tay bế con thơ để tìm đường lánh nạn, và khi không còn đất để chạy họ phải ôm nhau mà ra biển. Họ không theo chân đế quốc đâu anh. Nếu anh hỏi tôi vào sáng ngày 12 tháng 6 năm 1981, lúc còn lênh đênh trên biển, muốn đi về đâu, tôi sẽ trả lời anh, tôi muốn đi đến bất cứ nơi nào trên trái đất miễn nơi đó không phải là quê hương tôi.
Một nhà văn Tây phương đã viết "người ta chỉ yêu quê hương khi nào quê hương còn đáng để được yêu", đó là trường hợp của quê hương Việt Nam sau 1975. Quê hương không bao giờ là chùm khế ngọt nếu sống ở đó con người bị đối xử như con vật, nếu sống ở đó con người không có quyền nói những điều họ muốn nói, hát những bài hát họ yêu thích, viết những dòng thơ họ muốn viết.
Với cách tư duy theo định hướng xã hội chủ nghĩa, anh có thể kết án tôi phản bội nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Không anh ạ. Tôi yêu nước tôi. Tôi yêu đồng bào tôi. Tôi đã đau lòng đến độ rơi nước mắt khi xem đoạn phim phóng sự của đài MSNBC chiếu cảnh những bé gái Việt Nam chỉ 8 tuổi, ra giá bán dâm bằng tiếng lóng "yum yum", "bom bom" với những người ngoại quốc bằng tuổi ông nội mình ở Campuchia. Chúng không phải Miên, Lào gì đâu, chúng nói tiếng Việt và được xuất khẩu từ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sang đấy anh Hòa ạ.
Tôi có thể ngồi đây đem từng câu, từng ý, từng lời của anh ra phân tích. Nhưng rồi để làm gì?
Tôi không tin là anh không thấy sự thật, nhưng nghĩ rằng anh đã cố tình biện hộ cho một chế độ đã gây ra quá nhiều đau thương tang tóc cho dân tộc Việt Nam. Có lần tôi đã viết, một băng cướp ngân hàng không thể di chuyển hàng tỉ đô-la ra khỏi nhà băng nếu không có kẻ đưa đường, người dẫn lối, không có tay trong, tay ngoài, bao che, thờ ơ, dung túng. Tương tự, đảng Cộng sản Việt Nam sau 30 năm vẫn còn tiếp tục trấn áp nhân dân Việt Nam bởi vì, ngoài nhà tù và sân bắn, họ cũng đã được dung túng, bao che, thờ ơ và thỏa hiệp. Và những người đã thờ ơ, thỏa hiệp cho họ trong 30 năm qua không ai khác hơn là những người Việt Nam có quyền hạn tinh thần, có trách nhiệm xã hội, có kiến thức văn hóa nhưng đã vì chút địa vị cá nhân, miếng cơm manh áo mà binh vực, bao che cho họ.
Mặc dù tôi dùng ngôi thứ nhất và thứ hai trong suốt bài viết, nhưng nếu anh đọc kỹ, sẽ thấy trọng tâm nhắm vào chế độ chứ không phải vào anh. Anh đã chiến đấu trong chiến tranh và tôi chưa hề cầm súng nhưng chúng ta vẫn cùng một thế hệ. Anh sống sót trong chiến tranh, tôi sống sót trong hòa bình. Bom đạn không rơi trúng anh, sóng lớn không đánh tôi văng xuống biển. Trong số 5 triệu người đã chết trong cuộc chiến không có tên anh và tên tôi.
Tôi luôn giữ trong lòng niềm cảm thông chân thành dành cho đồng bào tôi nói chung và tuổi trẻ nói riêng sinh ra và lớn lên ở miền Bắc. Tôi luôn tự nhủ nếu xưa kia ông tổ tôi không vào Nam rồi tôi cũng sinh ra ở miền Bắc và cũng chưa chắc làm gì hơn các anh ngoài việc mang súng lên đường. Trong chiến tranh, viên đạn không chờ anh hỏi từ đâu tới trước khi ghim vào tim anh, các anh phải bắn hay bị bắn, nhưng tôi cũng nghĩ rằng 30 năm là một thời gian quá đủ, quá dài để suy nghĩ, để đánh giá lại quá khứ, để thấy ai là người chung thủy và ai là kẻ vong ơn.
Sống sót sau chiến tranh là một điều may mắn, nhưng nhiều khi tôi nghĩ, sống sót để làm gì mới là điều đáng nói, phải không anh?
Trần Trung Đạo