Ông ghé vào thăm trường và chạy ngay lại trước mặt thầy giáo, chào hỏi lễ phép mà nói rằng: “Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?”. Rồi ông ngoảnh lại khuyên bảo học trò rằng: “Ta bình sinh, nhất là ơn cha, ơn mẹ, sau ơn thầy ta đây, vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay”.
Chuyện ông Carnot thì ai cũng biết. Nhất là những người có tuổi, đã từng học, từng đọc Quốc văn giáo khoa thư ngày xưa! Câu chuyện thật đơn sơ mà cảm động. Một ông quan to, về ngang trường làng, ghé thăm thầy cũ, nay đã già nua nhưng vẫn còn tiếp tục dạy học, từ thế hệ này sang thế hệ khác không thay đổi trừ mái tóc đã bạc phơ vì năm tháng...
Ông quan to không kêu chính quyền địa phương sắp đặt đâu ra đó để đón mình, không phải làm vệ sinh dọn dẹp trường ốc, trang hoàng lộng lẫy với băngrôn, biểu ngữ chào mừng này nọ; cũng không có cảnh dâng hoa, bánh nước rộn ràng; đặc biệt không bắt học trò đứng hai bên làm hàng rào danh dự. Nhưng cảm động nhất là hình ảnh một ông quan to “chạy ngay lại trước mặt thầy giáo, chào hỏi lễ phép” trong lúc thầy vẫn điềm nhiên giảng dạy cho các trò nhỏ trong lớp.
Thầy chẳng cần biết có ông quan to tới, chẳng cần chạy vội ra cổng trường tở mở đón tiếp, rồi hộ tống ông quan vào lớp tham quan và huấn thị này nọ. Thầy vẫn dạy học bình thường như mọi ngày. Quan là quan với ai chứ không quan với thầy. Với thầy thì vẫn là cậu học trò nhỏ bé, rắn mắt, tinh nghịch ngày xưa đã từng bị thầy véo tai, khẻ tay, bắt quì xơ mít!
Sau khi chào hỏi thầy giáo một cách lễ phép xong, ông nói: "Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?". Chỉ có thế. Tôi là Carnot đây, như thằng Tèo, thằng Tí, thằng Mít, thằng Đực đây, không kèm các học vị bằng cấp giáo sư tiến sĩ này nọ, cũng không kèm chức tước cấp trung ương, cấp địa phương này khác. Đơn giản là thằng Tèo, thằng Tí thân thương của ngày xưa!
Ông Carnot chính là một tổng thống Pháp. Thời đó để cải thiện nền giáo dục nước Pháp, người ta đặc biệt quan tâm đến các thầy cô giáo bậc tiểu học. Bởi chính các thầy cô giáo bậc tiểu học mới là người xây dựng nền móng cho cả lâu đài học vấn của mỗi công dân.
Trí dục, thể dục và nhất là đức dục, nhằm đào tạo ra một con người - tiên học lễ, hậu học văn - chính là từ cấp bậc nền tảng này. Ở nước ta hiện nay học sinh tú tài làm những bài văn khủng khiếp, chính tả sai be bét, chấm câu không rành... cũng bắt nguồn từ việc đã bỏ bê cái gốc mà ra!
Đã đến lúc phải tôn vinh đúng mức các thầy cô giáo, đặc biệt là ở bậc tiểu học, trả lương xứng đáng, và dĩ nhiên phải sàng lọc để chọn đúng những người tài năng và đức độ. Ngành sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học cũng phải được quan tâm đầu tư tương xứng. Đó là cách căn cơ nhất cho tương lai.
(*) Ông Marie François Sadi Carnot là tổng thống thứ tư của Đệ tam Cộng hòa Pháp từ năm 1887 đến 1894.
Chuyện ông Carnot…
ĐỖ HỒNG NGỌC
ảnh: Marie François Sadi Carnot
Gửi ý kiến của bạn