Tôi vừa đọc trên báo Hà Tĩnh mẩu tin đáng chú ý. Tin cho hay hội phụ nữ tỉnh này đang ráo riết gom góp thực phẩm gửi vô Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Trong đó có một món rất đặc biệt: nhút mít.
Nhút mít là trái mít xanh bào nhỏ, phơi nắng cho săn lại, trộn với muối, rau ngổ phơi khô và bột bắp, cho vô lu muối lên, khoảng 5 ngày sau thì ăn.
Ngoài nhút mít, phụ nữ Hà Tĩnh còn góp đậu phộng, tép khô, buồng chuối xanh mới chặt, trái bí mới hái… gởi vô Sài Gòn.
Tôi nhìn những tấm hình, những tấm băng rôn và những nụ cười chân chất, không biết nên nghĩ sao cho phải.
Miền đất giàu sản vật nay thiếu đói, vì sao?
Đất phương Nam giàu có sản vật. Thịt, cá, tôm, cua, rau, trái ngập đồng, ngập chợ. Cho dù một tuần nay Sài Gòn chỗ này chỗ kia thiếu rau, trứng gia cầm khó mua hoặc lên giá gấp hai, ba lần, thì cũng không phải Sài Gòn đã đói, hay đã thiếu.
Những ngày đầu cách ly xã hội, chính quyền TP HCM lúng túng trong điều phối lưu thông thực phẩm cung cấp vào thành phố, vội vã đóng hơn nửa số chợ truyền thống, đóng toàn bộ 3 chợ đầu mối, siêu thị cứ dính 1 ca F0 cũng lập tức đóng cửa toàn bộ… Chỉ trong vài ngày bỗng mất đi đến 70% nơi cung cấp thực phẩm tươi sống, gần 15 triệu con người choáng váng.
Nghịch lý là người bên trong choáng váng vì bỗng nhiên khó mua rau thịt, giá cả tăng cao, nhưng người bên ngoài còn choáng váng hơn nữa vì rau trái ngập đồng nhưng không ai tiêu thụ.
Trong khi dân Sài Gòn cười cợt khoe mớ rau trên facebook "có rau có trứng chứng tỏ nhà giàu", mang cái icon mặt cười có hàm răng dính miếng rau xanh ngắt chọc ghẹo nhau khắp nơi, thì nông dân và thương lái khóc ròng.
Báo chí viết cũng khá đủ về chuyện này:
"Ông Nguyễn Văn Thuận, một nhà vườn trồng nhãn Đồng Tháp xã An Nhơn, huyện Châu Thành, mấy ngày qua như "ngồi trên đóng lửa". Vườn nhãn Thái hơn một hecta của ông đến ngày thu hoạch nhưng thương lái bặt tăm. Trong khi đó, giá nhãn cũng lao dốc còn 10.000-15.000 đồng một kg, giảm hơn 50% so với trước dịch bùng phát.
"Vườn nhà tui cần phải bán hơn 20 tấn, còn toàn cù lao này từ đây đến cuối tháng sẽ có thu hoạch suốt, nhưng chưa ai bán được. Hàng trăm tấn nhãn chỉ có nước chờ giải cứu", ông Thuận chia sẻ.
Ông Ngô Sĩ Tiến, Trưởng phòng Kinh doanh, Nông trường Sông Hậu cho biết, bình thường mỗi ngày có 30-40 chuyến xe tải (6,5-8 tấn) vào lấy hàng chở đi cung ứng cho các chợ đầu mối tại TP HCM. Nhưng hiện không còn xe nào vào nhận hàng nữa, thương lái cũng không đến.
Từ cuối tháng 4 đến nay, Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng tiêu thụ giảm mạnh, giá đã rớt nhiều lần. Xoài cát Hoà Lộc giá tại vườn ở 25.00-30.000 đồng mỗi kg nay còn chưa tới 10.000 đồng nhưng thương lái không mua. Xoài Đài Loan 8.000-10.000 đồng mỗi kg giảm còn 500-1.000 đồng cũng không bán được.
Hiện người buôn bán lẻ vào nông trường mua xoài cát Hoà Lộc chở đến các chợ nông thôn tiêu thụ với số lượng thấp. Đối với xoài Đài Loan, nhiều chủ vườn kêu cho các thương lái, nhà xe tải nhưng cũng không ai nhận." (Trích VnExpress 10/7/2021).
Báo Lao Động ngày 14/7/2021 chạy một cái tít ấn tượng: "Miền Tây giữa dịch COVID-19, trái chín không ai mua, cá cua không ai ngó."
Bài báo viết: "Ông Trần Văn Hơn (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết: Hơn 10 công chanh không hạt của ông đến kỳ thu hoạch mà thương lái không thấy một người. "Chanh không hạt cả vùng không bán được, rụng xanh dưới mương luôn rồi".
Ông Trần Văn Cương (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) có 2ha nuôi kết hợp tôm, cua, cá cũng lắc đầu ngao ngán: "Cua gạch son hiện nay người ta trả chỉ 350.000 đồng/kg, thấp hơn cách đây 3 tháng đến 200.000 đồng/kg".
Cái "thiếu", cái "đói" của TP HCM hoàn toàn không phải là do không còn rau, không còn thịt mà ăn. Cái thiếu đói này là hậu quả của sự quan liêu, thiếu kiến thức trong điều phối lưu thông và ổn định thị trường của chính quyền TP HCM. Chịu sửa sai, tháo gỡ nó thì chỉ nội trong 3 tiếng đồng hồ, Sài Gòn lập tức trở lại ngập rau, ngập thịt.
Cho nên, kêu gọi người dân ở những vùng vốn đã nghèo khó như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình… quyên góp từng trái bí, từng hộp nhút, mớ tép khô, mớ đậu phộng, bó rau, buồng chuối xanh… tiếp tế cho Sài Gòn để làm gì?
Quà tặng của những miền quê nghèo khó, chắt chiu từ những người dân quê nghèo khó, nghe thương đến xót lòng. Song, giá trị tình cảm thì cao đến mức không thể đo, còn giá trị thực tế thì… có đáng không?
Vận chuyển trong thời tiết nắng nóng suốt hơn ngàn cây số, bảo quản không đúng cách, tốn hàng chục triệu cho công sức, chi phí, liệu khi vô được Sài Gòn hay Bình Dương, nó có còn ăn được không hay đã úa vàng, héo quắt?
Liệu những hộp nhút đầy tình cảm kia có được mở ra hay vì lạ lẫm và vì—xin nói thẳng thắn, nghèo khó quá so với mặt bằng đời sống của người dân phía Nam nói chung, nên sẽ được múc ra một ít nếm thử rồi bỏ xó lăn lóc, thậm chí vứt vào thùng rác?
Có đáng không? Có hợp lý không?
Xin đừng vì cảm xúc nhất thời hay vì lấy thành tích cho phong trào của hội nọ hội kia mà tổ chức ra những việc không có giá trị và lãng phí tình cảm thực sự của người dân như vậy nữa.
Nguyễn Hoàng An