ĐẶT TÊN CHO CON: HOÀNG SA
Vậy là Trung Quốc đã cướp Hoàng Sa của chúng ta gần nửa thế kỷ. Xem lại ảnh này lần nào cũng rưng rưng: Chị Ngô Thị Kim Thanh 28 tuổi một tay ngăn nước mắt một tay bấu chặt con trong bụng tại lễ truy điệu chồng, Hạm phó chiến hạm Nhật Tảo Nguyễn Thành Trí. Chị đã làm khai sinh cho con như một lời gửi gắm: tên Nguyễn Thanh Triết, tự Hoàng Sa.
Hoàng Sa cũng là lời thề chung của người Việt.
Tôi đã gặp và đã viết trên báo Thanh Niên tháng 3.2008 về một trường hợp khác đặt tên con tên đảo.
Năm 1993 tôi ra Trường Sa. Nghề phóng sự/bút ký dạy tôi phải kiểm tra kiến thức về nơi sắp đến viết. Và tôi chợt nhận ra trong đầu tôi cũng như trong tủ sách cá nhân chẳng có gì đáng kể về hai quần đảo cửa ngõ biển Đông của Tổ quốc.
Chưa hết, trước khi xuống tàu ra Trường Sa, tôi qua đêm tại Nha Trang, và tôi đã nhận được bài học lớn.
Trên bãi biển Nha Trang, tôi tình cờ gặp người thầy cũ hồi còn ngồi ghế giảng đường Đại học Sư phạm Huế trước bảy lăm. Ông là một giảng viên thỉnh giảng đến từ học viện hải quân quân đội Sài Gòn. Về nước sau khi tốt nghiệp tiến sĩ hải dương ở Nhật thì ông bị động viên.
Chỉ hai giờ môn nhiệm ý “Con người và môi trường sống” ông đã để lại trong tôi hai lời dặn có sức nặng đặc biệt: “Du khảo địa lý cho ta thấy được, sờ nắn được lịch sử, cho ta tình yêu nước rất cụ thể”. Và “Anh chị sinh viên hãy dùng từ đất nước thay cho từ sông núi, giang sơn vốn là khái niệm Tổ quốc của lục địa Trung Hoa, nơi có núi cao sông dài. Việt Nam ta đất tới đâu biển theo tới đó, đất nước mới là khái niệm Tổ quốc của người Việt”.
Tất nhiên vị thầy cũ không thể nhận ra tôi, một trong hàng trăm sinh viên dự buổi giảng của ông 20 năm trước. Tôi tự giới thiệu và xin ông được cho tham khảo tài liệu về biển đảo Việt Nam trước khi ra Trường Sa. Ông vui vẻ nhận lời, lại còn mời về nhà.
Vào đến sân tôi gặp hai cậu trai sinh đôi ra chào khách. Ông giới thiệu tên từng em: Đây Quang Ảnh, đây Hữu Nhật… Rồi cúi hôn bé gái trên xe đạp ba bánh vừa trờ đến, ông tiếp: Còn đây Duy Mộng, cách hai anh đến mười tuổi, là thời gian tôi ở trại cải tạo…
Về khách sạn, tôi chong đèn đọc bản dịch luận án của ông. Lần đầu tiên tôi xúc động bởi những trang văn khoa học. Lần đầu tiên tôi được khai ngộ về biển đảo Tổ quốc.
Rồi tôi giật mình xấu hổ khi đọc đến Quang Ảnh, Hữu Nhật và Duy Mộng là tên ba đảo lớn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tôi đã vô tâm nghe lướt qua khi người thầy cũ trang trọng giới thiệu tên những đứa con…
Liên tục hai năm 1815, 1816 vua Gia Long đã cử Suất đội thủy quân Phạm Quang Ảnh đưa đoàn khảo sát ra Hoàng Sa. Liên tục những năm 1833, 1834, 1835, 1836 vua Minh Mạng đã cử các Suất đội Phạm Hữu Nhật, Lê Duy Mộng, Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên cùng Đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm trụ chủ quyền, dựng bia, lập miếu, trồng cây, đo đạc, vẽ bản đồ…
Các vua Nguyễn về sau đã lấy tên những người có công đặt tên cho các đảo. Những cái tên Việt Nam của người Việt Nam.
Rồi gần hai trăm năm sau, tôi gặp một người Việt đặt tên con tên đảo, những hòn đảo đau đáu chờ ngày trở về với đất mẹ Việt Nam.
Khép sách lại, bên ngoài mặt trời vừa nhô lên mặt biển Nha Trang, tôi bâng khuâng viết vào nhật ký, cũng là khắc vào lòng:
HÃY NHỚ LẤY NHỮNG CÁI TÊN KHÔNG ĐƯỢC PHÉP LÃNG QUÊN!
Fb Vĩnh Quyền
Fb Vĩnh Quyền
(Trích "Sổ tay người yêu nước mình")
Gửi ý kiến của bạn