1:50 SA
Thứ Năm
25
Tháng Tư
2024

Văn học Việt Nam Cộng Hòa: 20 năm "chói sáng" và "huy hoàng"

27 Tháng Tư 202312:24 CH(Xem: 1589)

Văn học Việt Nam Cộng Hòa: 20 năm "chói sáng" và "huy hoàng"

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.04.27
Văn học Việt Nam Cộng Hòa: 20 năm "chói sáng" và "huy hoàng"
Nhà thơ Hoàng Hưng trong một sự kiện hồi tháng 01/2023 tại đường sách TPHCM, phát biểu về cuốn sách "Chỉ tại con chích chòe" và tác giả sách Dương Tường
blank họa sỹ Trần Nguyệt Lâm

Nền văn học của Việt Nam Cộng Hòa trải dài hai thập kỷ ở miền Nam Việt Nam trước đây xứng đáng được đánh giá là một chương sử “chói sáng” và là một thành tựu “rất huy hoàng” trong toàn lịch sử văn học Việt Nam và thời kỳ hiện đại, một ý kiến từ trong giới văn học, nghệ thuật và báo chí độc lập tại Việt Nam nêu quan điểm với Đài Á Châu Tự Do hôm 26/4/2023.

“Cũng như tất cả những người yêu văn học mà không có định kiến gì về chính trị, tôi nghĩ rằng mấy mươi năm của nền văn học của Việt Nam Cộng Hòa phải nói là một chương sử quá chói sáng trong lịch sử của nền văn học Việt Nam nói chung và văn học hiện đại Việt Nam nói riêng,” từ Sài Gòn, nhà thơ, dịch giả, nhà báo Hoàng Hưng chia sẻ nhận định trên quan điểm riêng với RFA Tiếng Việt, trong dịp 48 năm biến cố 30/4/1975 của Việt Nam đang được đánh dấu.

Theo nhà thơ Hoàng Hưng, nền văn học Việt Nam Cộng Hòa vốn trải dài trong giai đoạn từ 1954-1975 có kích thước, tầm vóc “rất lớn” với ít nhất năm đặc điểm mà theo ông là nổi bật. 

“Thứ nhất, đó là một thời kỳ mà văn học phát triển rất mạnh mẽ và so sánh kể cả với văn học thời kỳ tiền chiến, nền văn học này cũng vượt trội hẳn, có thể thấy ngay qua số lượng tác giả được ghi nhận có tên tuổi cũng tới vài trăm, hay là về số lượng các tạp chí chuyên về văn học, cũng có hàng chục tạp chí trong số đó có nhiều tờ rất nổi tiếng. Cũng từ đó, có thể thấy tính chuyên nghiệp của nền văn học trong thời kỳ này rất cao. Chuyên nghiệp ở chỗ nào, tôi chỉ lấy một ví dụ nhỏ là số lượng tác phẩm của từng tác giả rất lớn…

Đặc điểm thứ hai là sự phong phú, đa dạng, rất nhiều giọng, nhiều chiều, nhiều tư tưởng, nhiều quan điểm, mà có cái hay là đều chung sống hòa bình với nhau, không hề có sự đố kị hay là đàn áp nhau. Một thí dụ quan trọng nhất là ở tư tưởng chính trị chẳng hạn, có thể thấy trong hàng ngũ nhà văn miền Nam cũng đa dạng… 

Về phương pháp, sáng tác và phong cách cũng thấy rất đa dạng, phong phú, vẫn còn sót lại của chủ nghĩa lãng mạn, rồi dân dã, sự trở lại của cổ phong, rồi tả thực, siêu thực v.v…, tức là có đủ các phương pháp và phong cách. Chỉ cần nói về thơ chẳng hạn và nêu vài cái tên đã thấy sự khác nhau ghê gớm thế nào, ví dụ Thanh Tâm Tuyền, đến Tô Thùy Yên, Nguyễn Đức Sơn, đến Bùi Giáng, đến Nguyên Sa, rồi Phạm Thiên Thư. Có thể thấy sự khác nhau là ghê gớm, từ thơ tự do, thơ cổ phong, thơ lục bát, thơ văn xuôi, chung sống thoải mái.

Đặc điểm thứ ba, đây là một nền văn học thấm đẫm tinh thần tự do và nhân bản, không mang một ý đồ phục vụ chính trị nào, có thể nói nhiều lúc tạo cảm tưởng là “phi chính trị” … Tinh thần phi chính trị như thế đương nhiên có nhiều yếu tố có lợi cho đối thủ. Trong khi ngược lại, ở miền Bắc là một nền văn học hoàn toàn tuyên truyền, tuyên truyền cho chiến tranh, chiến đấu mà có người còn dùng từ thậm xưng lên là một nền “văn học trại lính”. Tinh thần của văn chương Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ này là như thế, không có chính trị, nhưng tất cả những gì thuộc về con người thì đều được tự do bộc lộ, không có một ngăn cản, hạn chế gì.”

vanchuong01.jpg
"Giai Thoại Làng Nho" của Lãng Nhân do nhà Nam Chi Tùng Thư xuất bản tại Sài Gòn năm 1964 và cuốn "Giai Thoại Văn Chương Việt Nam" của Thái Bạch do nhà sách Xuân Thu xuất bản năm 1958. Ảnh: Quốc Phương/RFA

Một nền văn học tự do, nhân bản đúng nghĩa

Tới đây, trên tư cách tự nhận là một người có điều kiện đọc khá nhiều về văn học Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn 1954-1975 mà không phải là một nhà lý luận, hay phê bình, nhà thơ Hoàng Hưng mở một dấu ngoặc về vấn đề kiểm duyệt, ông so sánh điều này giữa hai nền văn học ở hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội đối nghịch nhau trên mảnh đất Việt Nam thời kỳ đó, ông nói:

“Trong ý này, có một điều liên quan sự kiểm duyệt, ở miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa có một hệ thống kiểm duyệt công khai, nhưng nhiều nhà văn thuật lại nói hệ thống này chỉ kiểm duyệt những gì quá bất lợi cho chính quyền, mà người ta cũng chỉ “bỏ đi một số dòng, câu chữ”, hay một hai tác phẩm không được cho xuất bản, nhưng làm rất công khai và người ta có quyền khiếu nại về chuyện đó, chứ không như là ở văn học miền Bắc thời đó nói rằng không có kiểm duyệt.

Nhưng thực ra hệ thống kiểm duyệt vô cùng chặt chẽ với sự kiểm duyệt bằng cả một hệ thống con người, từ Ban Tuyên giáo cho đến công an, cho đến Bộ Văn hóa, và quan trọng hơn, điều này làm cho các nhà văn lâm vào một tình trạng gọi là phải tự kiểm duyệt, nếu không sẽ không an toàn trong đời sống, nên khi từ ngòi bút họ viết ra, họ đã phải tự kiểm duyệt rồi, không thể làm điều gì mà trái với tư tưởng, đường lối của đảng Cộng sản cả. Cho nên khó có một nền văn học tự do và nhân bản đúng nghĩa.” 

Nói tiếp về các đặc điểm mà cũng có thể được coi là những giá trị, là di sản nổi bật của nền văn học Việt Nam Cộng Hòa trong hai thập niên từ 1954-1975, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, nhận định:

“Đặc điểm thứ tư của nền văn học thời kỳ này là có một sự ảnh hưởng rất mạnh mẽ về triết học, về triết lý, đó là điều mà ngay ở thời kỳ văn học gọi là tiền chiến cũng chưa rõ… Những ảnh hưởng của triết học phương Tây quá rõ, như là hiện sinh, rồi đến hiện tượng luận, cho đến phân tâm học, có ảnh hưởng đến các nhà văn rất là lớn, hay chưa hẳn là triết học, nhưng những tư tưởng triết lý sống của phương Tây lúc ấy cũng du nhập rất mạnh, như tư tưởng nữ quyền, giải phóng phụ nữ… 

Điều đó có tác động rất rõ đối với văn học Việt Nam Cộng Hòa, với sự hình thành mạnh mẽ một lớp nhà văn nữ rất là nổi, từ Túy Hồng, rồi Nguyễn Thị Hoàng, Thụy Vũ v.v… Đấy là đặc điểm khác với văn học miền Bắc và đương nhiên nó khác cả với thời kỳ tiền chiến nữa, văn học thời tiền chiến chưa có những hiện tượng như thế.”

nhathoHoangHung-2.jpg
Nhà thơ Hoàng Hưng tại chi nhánh báo Văn Nghệ ở TPHCM năm 2002. Nguồn: nhiếp ảnh gia Dương Minh Long

Thấm đẫm tính triết học và chất lượng rất cao

Theo nhà thơ Hoàng Hưng, yếu tố tư tưởng và triết học phương Đông, trong đó có Phật giáo cũng có tác động và in dấu ấn đối với văn học Việt Nam Cộng Hòa trong hai thập niên lịch sử trước 30/4/1975, ông nói tiếp:

“Thế nhưng cũng không phải chỉ có triết học phương Tây, mà một điều thứ hai không kém phần là triết lý Phật giáo, cũng trong giai đoạn này, những sách về Phật giáo ra mắt rất nhiều, có thể nói là một cuộc Phục hưng về Phật giáo trong lịch sử của Việt Nam. Tức là từ các sách của những nhà xuất bản như Lá Bối của thày Thích Nhất Hạnh, rồi rất nhiều những sách kinh, sách Phật giáo, tôn giáo được dịch thuật, như là Krishnamurti, Osho, rồi Suzuki.

Cho nên những điều này tác động rất lớn đến đời sống tinh thần của người miền Nam và đương nhiên tác động đến các nhà văn mà chúng ta đã biết, có rất nhiều tác giả nổi tiếng ở miền Nam lúc bấy giờ được ưa chuộng, mà đã chuyên chở được tinh thần và ý thức Phật giáo như là Thích Nhất Hạnh, Tuệ Sĩ, Phạm Thiên Thư, và ngay cả lời bài hát của Trịnh Công Sơn cũng là văn học, cũng là thơ mà thấm đẫm triết lý Phật giáo.”

Về đặc điểm thứ năm của nền văn học Việt Nam Cộng Hòa, ông Hoàng Hưng nói tiếp:

“Đó là nó tiếp tục tiếp thu được những trào lưu nghệ thuật phương Tây đương thời, điều này tôi cho là sự tiếp tục của nền văn học giai đoạn thời kỳ tiền chiến… Đến thời kỳ sau năm 1954, các tác giả mà phần lớn là những người có Tây học, đọc được sách ngoại ngữ, và dịch thuật rất nhiều, đã có sự tiếp nhận được rất nhiều những phương pháp nghệ thuật, các trào lưu nghệ thuật mới lúc đó của phương Tây như là siêu thực, hiện sinh, phi lí, hay là dòng ý thức, điều này rất rõ trong nhiều tác phẩm. 

Đến đây, tôi muốn nói đến một bộ phận nữa đó là sách dịch, bộ phận rất lớn, có thể nói đây là một thời kỳ dịch thuật rất quý báu đối với đời sống tinh thần của người ở miền Nam nói chung, chứ không chỉ nói riêng đối với văn học, tức là rất nhiều sách về triết học, xã hội học, khoa học xã hội, nhân văn, tiểu thuyết của phương Tây được dịch ra ồ ạt… Số có chất lượng rất là đông đảo và có thể nói đây là một kho báu đối với chúng tôi, là những người gọi là nhà văn, nhà báo, người viết lách ở miền Bắc mà sau 30/4/1975 vào Nam, mà ra các ‘chợ sách vỉa hè’ thì có thể ôm không biết bao nhiêu sách dịch như vậy về, còn ở miền Bắc, do hoàn cảnh chiến tranh, cũng chỉ dịch được một số tác phẩm, không nhiều lắm, mà chủ yếu từ tiếng Nga là nhiều”.

vanchuong02.jpg
"Lều Chõng" của Ngô Tất Tố, in lần thứ ba do nhà Mai Lĩnh xuất bản, năm 1958, do nhà sách Tân Sinh đứng ra phát hành; và Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huình-Tịnh Paulus Của (Dictionnaire Annamite), Tome I (từ A-L) in tại nhà in Văn Hữu, Chi Lăng, Gia Định, 1974. Ảnh: Quốc Phương/RFA

Đối xử của chính quyền Việt Nam gần đây với dòng văn học này

Bình luận về đối xử của chính quyền của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam đối với dòng văn học Việt Nam Cộng Hòa, trong dịp này nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng đề cập một trong số nhiều tài liệu mà theo ông thể hiện dường như bước đầu đã có sự dịch chuyển ít nhiều trong quan điểm, chính sách và cách thức đối xử của nhà nước và chính quyền cộng sản Việt Nam, ông cho hay:

“Nhận thức về nền văn học miền Nam Việt Nam trước đây vẫn còn nhiều mơ hồ, thế nhưng dần dần qua mấy chục năm nay, đã có những chuyển biến khá tốt, theo tôi, tuy vẫn còn nhiều e dè và lẻ tẻ. Gần đây tôi tình cờ đọc được một bài báo cho thông tin rất thú vị ở trên báo Nhân dân cuối tuần, số ngày 13/9/2016 viết về đề tài này, mà tôi xin trích dẫn lại nguyên văn có đoạn viết như sau:

‘Nói chung trong khoảng 10 năm sau ngày giải phóng, tinh thần cơ bản của các nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật là ngăn chặn, chống, phê phán, đấu tranh, quét sạch văn hóa nô dịch, đồi trụy, lai căng; xóa bỏ những xuất bản phẩm phản động, khiêu dâm; trừng trị nghiêm khắc những ai cố ý vi phạm các quy định của Nhà nước…’

Kinh hoàng đến như thế, nhưng mà ở đoạn kết của bài báo này, thì lại viết rằng: ‘…quan điểm chính thức được khẳng định hiện nay là, ủng hộ việc đẩy mạnh nghiên cứu, chọn lọc phổ biến các giá trị đích thực của văn học nghệ thuật miền nam trước 1975 trên tinh thần hòa hợp dân tộc để hàn gắn vết thương, đoàn kết mọi người cùng nhìn về một phía, thực hiện hòa hợp dân tộc bằng con đường văn hóa văn nghệ. Dĩ nhiên trên thực tế, câu hỏi về cách ứng xử như thế nào đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật của các tác giả miền nam trước 1975 là vấn đề khó có được câu trả lời cụ thể và thấu đáo.’”

Đưa ra bình luận thêm về quan điểm này của chính quyền Việt Nam thông qua bài báo nói trên của báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận, truyền thông của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, nhà thơ Hoàng Hưng nói:

“Tác giả bài báo này ký tên là Hạnh Nguyễn mà không biết là ai, nhưng điểm thú vị là ở câu cuối này, tức là về nguyên tắc họ nói như vậy, tất nhiên phải có chỉ đạo ở một cấp cao hơn là báo Nhân Dân, báo này dẫu sao cũng là tiếng nói chính thức của Đảng Cộng sản, nhưng nói như vậy, còn khi xử lý trên những trường hợp cụ thể, tác giả, tác phẩm cụ thể, thì vẫn còn nhiều rắc rối.

Tôi đơn cử dẫn chứng vào năm 2007, công ty sách phương Nam ra được bốn tập sách của Dương Nghiễm Mậu, là nhà văn được coi là tiêu biểu về phương pháp sáng tác mới mẻ, lập tức bị nhà văn Vũ Hạnh, cũng là nhà văn ở miền Nam Việt Nam ngày xưa, với lập trường cộng sản, phê phán rất kịch liệt, sau đó thì im thít, không ai dám in tiếp nữa. Hay sau đó cũng ra được tác phẩm của nhà văn Lê Xuyên, rồi cũng bị phê phán ác liệt, dẫn đến cũng lại im thít, không ái dám xuất bản tiếp nữa.

Hay ngay trường hợp của tôi mới đây cũng khá thú vị để hiểu vấn đề, tức là gần đây vì các websites (trang mạng) bị tường lửa hết, ngay cả Văn Việt là website của chúng tôi cũng bị tường lửa, tất cả các website nói chung mà không phải của nhà nước, đều bị tường lửa nên rất khó vào. Cho nên tôi có một ý tưởng là đưa lại hồ sơ văn học miền Nam thời Việt Nam Cộng Hòa lên lại trên Facebook, đưa lại trên một chuyên trang về văn học nghệ thuật mà là Facebook cá nhân.

Lập tức trang bị đánh phá ngay, bị chặn, không làm sao có thể đưa lên được gì cả, rồi bị cảnh cáo, bị khóa danh khoản tùm lum, có những cảnh cáo, cảnh báo rất buồn cười, bởi vì khi chúng tôi đăng đầu tiên mấy tác phẩm của Phạm Thiên Thư, tức là mấy tác phẩm đã được xuất bản công khai ở Việt Nam bây giờ, không phải là chính trị hay gì, mà lập tức tôi đã bị cảnh cáo rằng đã ‘vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng’.

Tức là họ có một lực lượng nào đó, mà họ vẫn không muốn cho sự xuất hiện của văn học miền Nam này một cách đàng hoàng; có thể lẻ tẻ một hai cuốn thì được, còn khi đưa ra giới thiệu cả một kho về văn học miền Nam là họ không cho!”

Tuy có những sự việc trên, trong dịp 48 năm đánh dấu biến cố 30/4/1975 với Việt Nam, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng vẫn đặt kỳ vọng ở tương lai:

“Đến một lúc nào đấy mà tôi chưa biết, điều này sẽ do những nhà chính trị cân nhắc, nhưng không thể không đặt nền văn học này thành một mảng của văn học Việt Nam nói chung, mà không có phân biệt bắc, nam, không phân biệt chính kiến, vì đó đúng là một thành tựu của văn học Việt Nam, một thành tựu rất huy hoàng, cho nên nó sẽ được thành một mục nghiên cứu đàng hoàng, khách quan và thấu đáo.

Tôi mong rằng một ngày nào đó gần đây sẽ như vậy và trong giới nghiên cứu có rất nhiều người sẵn sàng làm việc đó, nhưng họ cũng phải được tạo thuận lợi là sự bật đèn xanh của hệ thống chính trị như một điều tất nhiên, còn nếu không họ sẽ không được cho phép xuất bản, giảng dạy và sẽ rất hạn chế, không có ai bỏ công đi làm việc mà không rõ rằng có được công bố hay không.

Nhưng tôi nghĩ rằng nếu mà người cầm quyền sáng suốt và thực sự như là câu của báo Nhân Dân nêu lên rằng thực sự muốn một sự hòa giải, hòa hợp, để toàn dân Việt Nam có thể chung sống với nhau, đoàn kết với nhau vì những mục tiêu lớn, mà trước mắt của chúng ta là những vấn đề phải đối phó như chủ quyền của đất nước, vấn đề phát triển về kinh tế, văn hóa như thế nào;

Nhất là những nhà lãnh đạo của Đảng mấy năm gần đây phát biểu ‘rất đề cao văn hóa’, coi văn hóa như ‘động lực phát triển’, vấn đề là phải nhìn văn hóa một cách toàn diện, không định kiến, không bị ý thức hệ dẫn dắt, rằng văn học miền Nam chính là thành tựu của văn hóa dân tộc, phải xác định, khẳng định như thế để mà nghiên cứu các giá trị của nó, để mà tiếp tục phát huy, phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật của Việt Nam,” nhà thơ, dịch giả, nhà báo Hoàng Hưng, thành viên sáng lập Ban vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam, chia sẻ với RFA Tiếng Việt trên quan điểm riêng hôm 26/4/2023 từ Sài Gòn. 

RFA
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tư 2024(Xem: 244)
Tôi là người Việt về thăm quê thì mắc mớ gì mà gọi tôi là ‘Việt Kiều’?! Đáng lý ra nên gọi là ‘Kiều Bào’.
01 Tháng Tư 2024(Xem: 284)
rõ ràng, hơi mắc. Dân Việt, tội thay, không những đã bị hớ mà còn mua nhầm đồ giả và đồ đểu nữa cơ!
25 Tháng Ba 2024(Xem: 352)
thế nhưng trên thế giới này có rất nhiều người đều đang vắt óc suy nghĩ làm thế nào để chỉ bỏ ra một chút công sức hay một chút tiền mà có được nhiều thứ.
04 Tháng Ba 2024(Xem: 551)
Nhưng những ai đã từng sống ở nước ngoài, mà phản đối ý kiến của tôi, thì tôi sẽ rất vui và sẵn lòng được chất vấn.
05 Tháng Hai 2024(Xem: 541)
Đúng là một thảm kịch của lịch sử hỏa xa Đông Dương! Nếu đường xe lửa này không bị tháo gỡ
01 Tháng Hai 2024(Xem: 589)
văn kiện... để thoả hiệp với giặc, chấp nhận đất, biển, đảo của mình thuộc về giặc là đắc tội với dân tộc
18 Tháng Giêng 2024(Xem: 507)
Hoàng Sa, xa vời ơi Hoàng Sa! Tên người ngân buồn như bản thánh ca…
18 Tháng Giêng 2024(Xem: 486)
Anh chiến sĩ, là anh lính chiến VNCH, là nhơn vật quan trọng trong toàn bài hát. Vì anh lính mới có "chúc anh vui bước đường công danh"
02 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 592)
Sống tủi làm chi đứng chật trời! Sống nhìn thế giới hổ chăng ai?
27 Tháng Mười 2023(Xem: 950)
Đừng bắt những đứa trẻ yêu nước khi chúng chưa biết yêu bản thân mình. Đừng bắt những đứa trẻ yêu nước khi người lớn không yêu nước
27 Tháng Mười 2023(Xem: 885)
"khu rừng bê tông", sẽ không ai có thể nói rằng dưới mặt nước là một thành phố xinh đẹp đã tìm ra cách để sống với thiên nhiên.
22 Tháng Tám 2023(Xem: 1440)
Hào quang lịch sử, vinh quang quá khứ, dân tộc anh hùng, bốn nghìn năm văn hóa...... sẽ chỉ là một thứ huy chương cũ kỹ treo trên tường một căn nhà đã dột nát
18 Tháng Tám 2023(Xem: 1196)
tôi không thể nhận ơn huệ từ kẻ khác, nhưng tôi đã trên con đường trở về nơi chốn của mình: tôi là người Việt.
09 Tháng Tám 2023(Xem: 1080)
Ngoài phố, gió bắt đầu lạnh, từng tốp học sinh chạy tập thể dục rầm rập trên vỉa hè, những chiếc áo khoác thêu cờ quốc gia ở sau lưng. Và Tony biết, sau lưng của mỗi công dân luôn là một Tổ quốc.
01 Tháng Sáu 2023(Xem: 1736)
Các anh hãy làm nhạc hay hơn nó, có tài năng hơn nó để vĩnh cửu như nó … Dèm pha, mai mỉa, xúc phạm nó vô nghĩa! Nó càng bất tử
08 Tháng Ba 2023(Xem: 1840)
trực tiếp góp ý nhẹ nhàng trong tinh thần xây dựng để hội đoàn càng ngày càng phát triển tốt đẹp hơn, thay vì mình đứng bên ngoài cứ chê trách.
13 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2298)
Và chúng ta thương được nhau, nhìn nhau mà cảm thông ... cũng là một cuộc tu hành vĩ đại.
31 Tháng Mười 2022(Xem: 2493)
Sống sót sau chiến tranh là một điều may mắn, nhưng nhiều khi tôi nghĩ, sống sót để làm gì mới là điều đáng nói, phải không anh?
26 Tháng Bảy 2022(Xem: 2487)
Và nguyên nhân chính của mọi thảm trạng trên đất nước ngày nay là cơ chế độc tài CS. Do đó, thay đổi mà Việt Nam cần là thay đổi cơ chế CS đang thống trị
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2585)
Một động tác nhỏ nhưng rất văn hoá và nhân văn, một hình ảnh cao đẹp hết sức, phải đáng trân trọng và phổ biến trong xã hội ngày nay
27 Tháng Năm 2022(Xem: 3106)
những kẻ có những cái đầu to quá khổ nhưng bộ óc không chỉ teo bé mà còn chứa đầy những thứ giống hệt thứ cám mà người Thái sản xuất ở Việt Nam.
24 Tháng Năm 2022(Xem: 2949)
Cuộc sống này ta tạo nên nó chỉ mười phần trăm, còn chín mươi phần trăm là tùy thuộc cách ta tiếp nhận nó!
06 Tháng Năm 2022(Xem: 3335)
hình ảnh qua sự sụp đổ đầy oan khiên , vô lý của 1 chế độ hoàn toàn chính đại, hoàn toàn oai hùng...
29 Tháng Tư 2022(Xem: 2623)
Buổi lễ chấm dứt vào hồi 17 giờ 50 phút và mọi người đã rời khỏi dinh Độc Lập dưới cơn mưa đầu mùa nặng hạt và mây đen giăng phủ cả bầu trời…
22 Tháng Tư 2022(Xem: 2991)
Ps: Bài học này thật sự quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Những điều chân thành từ tấm lòng của bạn không phải ai
19 Tháng Tư 2022(Xem: 3075)
chỉ biết thật đau trong lòng. Cây viết dường như đã hết mực Những ngón tay bấm máy run run.
21 Tháng Ba 2022(Xem: 2986)
Người hạnh phúc nhất không phải là người có tất cả những thứ tốt nhất. Họ chỉ trân trọng mọi thứ mà họ có.
01 Tháng Hai 2022(Xem: 3098)
Trước giờ vẫn nghe câu “Thắng làm vua, thua làm giặc” và “Kẻ thắng viết nên lịch sử”, nhưng chưa từng thấm thía nó như lúc này!
25 Tháng Giêng 2022(Xem: 3426)
Chúc mọi người ai là chủ nợ thì đòi được đầy đủ. Ai là con nợ thì trả trong hoan hỉ. Cả nhà cùng vui nhân dịp xuân về.
18 Tháng Giêng 2022(Xem: 3296)
Vậy là Trung Quốc đã cướp Hoàng Sa của chúng ta gần nửa thế kỷ. Xem lại ảnh này lần nào cũng rưng rưng
16 Tháng Giêng 2022(Xem: 3548)
Mấy chục năm nay, ở Việt Nam người ta bỏ tiếng Nga để quay sang học tiếng Anh nhưng càng học tiếng Anh thì lại càng ra tiếng... U
21 Tháng Mười Một 2021(Xem: 4342)
Đã đến lúc phải tôn vinh đúng mức các thầy cô giáo, đặc biệt là ở bậc tiểu học, trả lương xứng đáng, và dĩ nhiên phải sàng lọc để chọn đúng những người
15 Tháng Chín 2021(Xem: 4282)
Hãy biến mỗi ngày thành một ngày có ý nghĩa và tràn ngập niềm vui; hãy lưu lại cho thế hệ sau những điều tốt đẹp.
29 Tháng Tám 2021(Xem: 4438)
cụ Biden dĩ nhiên sẽ là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Nhưng tất cả những người đã bỏ phiếu cho cụ sẽ liên đới chịu trách nhiệm trước lịch sử
29 Tháng Tám 2021(Xem: 4565)
Đủ rồi các bạn hỉ? ! Xin tạm biệt. Xin lắng chúc lòng thương nhớ quê hương đã mầt và thương xót cho đất nước và người dân A Phú Hản xa xôi kia.
27 Tháng Bảy 2021(Xem: 5279)
Chúng ta thật sự chỉ còn có thể trông cậy vào nhau để sống còn trong trận cuồng phong Covid này. KHÔNG CÒN AI KHÁC!
26 Tháng Bảy 2021(Xem: 4835)
từng dòng người tháo chạy khỏi Sài Gòn. Bởi Sài gòn không còn đủ sức cưu mang họ.... Sài gòn bệnh nặng rồi.
21 Tháng Bảy 2021(Xem: 4213)
Xin đừng vì cảm xúc nhất thời hay vì lấy thành tích cho phong trào của hội nọ hội kia mà tổ chức ra những việc không có giá trị và lãng phí tình cảm thực sự của người dân như vậy nữa.
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 3878)
phần ăn giấm giúi cho nhau dưới gầm bàn quyền lực. Tuổi trẻ đó, thời đại đó, sẽ không khác gì dành cho loài dã thú.
08 Tháng Sáu 2021(Xem: 4688)
Nếu bạn muốn mối quan hệ của mình thành công, hãy luôn nhớ mang theo sự tử tế và vị tha. Chắc chắn, sẽ có rất nhiều thách thức phải đối mặt và vượt qua
18 Tháng Tư 2021(Xem: 5853)
Toàn thế giới không có một chính quyển dân chủ tiên tiến nào mà phải quản tri đất nước sau hàng rào sắt thép hay đít của những người lính chiến
10 Tháng Ba 2021(Xem: 5968)
Một đứa trẻ sinh trưởng và lớn lên trong gia đình khoan hậu, thiện lương cũng sẽ mang trái tim hiền lành, nhân duyên tốt,
26 Tháng Hai 2021(Xem: 6045)
Nên, đĩa CD với bài hát “Huế Tình Yêu Của Tôi” mà bạn gửi, tôi xin cất lại. Bởi vì như tôi đã nói “Huế Tình Yêu Của Tôi.” Chỉ còn là một nỗi đau.
28 Tháng Giêng 2021(Xem: 4976)
mà lại đi bỏ một người có tâm, có tài thực sự để lựa một cụ già vừa lẫn vừa ễnh bụng với cả trăm triệu Nhân Dân Tệ
25 Tháng Giêng 2021(Xem: 4939)
cũng như chính họ sẽ là nhân tố chính để từng bước biến thế giới này nằm dưới tay kiểm soát của các chính quyền độc tài toàn trị.
21 Tháng Giêng 2021(Xem: 5188)
Giờ này deep state chỉ còn biết vò đầu bứt tóc than trời : Không có cái dại nào giống dại nào, sao lại để con chốt qua sông !!
09 Tháng Giêng 2021(Xem: 5501)
Tôi muốn nói, đã phạm một tội tày trời: đó là sự phản bội. Một cựu T.T Trump nay mai sẽ chết đi, còn lưu danh thiên cổ.
29 Tháng Mười Một 2020(Xem: 5323)
Trump đã quá dũng cảm khi đối đầu với họ cùng con bạch tuộc khổng lồ TQ chỉ với vũ khí hiến pháp và luật pháp Mỹ. Liệu nhân cách Mỹ có chiến thắng được lực lượng quái thú kia không...?
15 Tháng Mười Một 2020(Xem: 5507)
Tóm lại các nhà đầu tư trên thế giới đã nhận ra điều này ngay sau ngày bầu cử. Sẽ không có gì thay đổi mấy
15 Tháng Mười Một 2020(Xem: 5098)
đất nước hùng mạnh là lòng dân. Ý dân là ý trời. Hôm qua tui đã thấy ý dân muốn gì.