Chuẩn bị đại hội Thủ Đức, kỷ niệm 65 năm thành lập quân trường
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gắn cấp bậc cho một SVSQ Thủ Đức trong ngày lễ ra trường. (Tài liệu của Hội Thủ Đức trên Website)
Nguyên Huy/Người Việt
WESTMINSTER (NV) – “Cho đến hôm nay hơn 40 bàn tại nhà hàng Paracel đã được anh em các khóa ghi danh kín hết, tính ra sẽ có hơn 400 cựu SVSQ trừ bị Thủ Đức đến tham dự ngày Đại hội này.” Đó là lời thông báo vui mừng của cựu SVSQ trừ bị Thủ Đức, Nguyễn Trọng Thu, trưởng ban tổ chức cho phóng viên Người Việt biết.
Đại hội kỷ niệm 65 năm thành lập Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức được tổ chức tại nhà hàng Hoàng Sa Paracel Seafood trên đường Brookhurst trong thành phố Westminster vào ngày Chủ Nhật 23 tháng 10.
Ban tổ chức cho biết, chủ đề của đại hội năm nay là “Giữa Quê Người Tôi Hát Tên Anh” để bầy tỏ lòng thương nhớ tri ân các đồng môn Thủ Đức đã hy sinh, các chiến binh VNCH đã mất một phần thân thể nơi chiến trường nhân ngày những cựu SVSQ Thủ Đức nhớ về Quân Trường Mẹ, Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức.
Đã từ nhiều năm qua, từ khi thành lập Hội Ái Hữu Cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức Nam California, năm nào hội cũng tổ chức ngày Quân Trường Bộ Binh Thủ Đức được thành lập để những người con yêu của tổ quốc có dịp gặp lại nhau sau ngày ra trường, sau những ngày tháng chiến trận khắp 4 vùng chiến thuật, sau những ngày tháng ngục tù trong trại cải tạo và sau những ngày tháng gian truân lập lại cuộc đời.
Thế nên, mỗi năm một lần gặp nhau, những cữu SVSQ Thủ Đức hầu như chưa thỏa lòng hội ngộ nên trong năm còn có nhiều buổi họp khóa, hội ngộ liên khóa…
“Đại hội năm nay có phần đặc biệt là lễ Truy Điệu sẽ được tổ chức long trọng, phần tưởng nhớ ghi công những đồng ngũ đã hy sinh và đặc biệt là để vinh danh những đồng ngũ Thương Phế Binh còn lại ở quê nhà. Chủ đề đại hội năm nay là để ‘Thay một lời cảm tạ những hy sinh mất mát của đồng ngũ, để chúng tôi còn được sống sót đến ngày hôm nay,’” Trưởng Ban Tổ Chức Nguyễn Trọng Thu nói.
Cựu SVSQ Nguyễn Trọng Thu cho biết thêm, trong phần lễ Truy Điệu, ban tổ chức đã chọn ca sĩ Hồng Trúc, có giọng thiên phú trong sáng, rung cảm đọc bài Văn Tế truy điệu. Hồng Trúc sẽ như một hình ảnh thay thế cho hàng triệu người dân VNCH đến nay vẫn còn ghi đậm lòng tri ân đến với những người lính đã hy sinh cho sự yên vui của mình trong suốt những năm trời chinh chiến.
Phần diễn văn khai mạc, trưởng ban tổ chức sẽ đề cập đến hai điểm chính, thứ nhất là cùng nhau kỷ niệm ngày sinh của Quân Trường Mẹ, nêu lên tinh thần Cư An Tư Nguy cho đến ngày nay vẫn chưa mất trong tâm tưởng của những người đã xuất thân từ Quân Trường Thủ Đức. Thứ hai nhắc nhở nhau rằng chúng ta còn sống được là nhờ những người đã nằm xuống những anh em Thương Phế Binh đồng thời cũng nhắc nhở nhau rằng tình Huynh Đệ Chi Binh khó thể nào phai mờ được.
Chủ tọa cho buổi đại hội năm nay là cựu Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị, Khóa I Thủ Đức, một vị niên trưởng luôn luôn cùng sinh hoạt với anh em, lưu tâm đến anh em và đóng góp quí báu nhiệt tình với Quân Trường Mẹ, dù nay quân trường đã không còn nữa.
Văn nghệ, với lính, không thể không thiếu. Cả một thời chiến tranh là cả một giai đoạn âm nhạc đã tô thắm cho dòng văn học nghệ thuật miền nam khiến cho kẻ xâm lược chỉ chiến thắng được về sự tàn bạo quân sự theo thời thế quốc tế, nhưng đã bại liệt trước dòng văn học nghệ thuật ca nhạc này.
Một chương trình văn nghệ phụ diễn sẽ là những khúc ca một thời chinh chiến. Mở đầu sẽ là phần đồng ca ca khúc “Cám Ơn Anh” của nhạc sĩ Trúc Hồ để nói lên tinh thần của buổi đại hội.
Phần sau chót là vui chơi trong một đêm dạ vũ với một dàn ca nhạc sĩ mà nhiều người từng là những “người em gái hậu phương” ngày nào.
Trường bộ binh Thủ Đức được thành lập sau khi sát nhập hai trường Sĩ Quan Thủ Đức và trường Sĩ Quan Nam Định vào những năm đầu thập niên 50. Bốn năm sau khi thành lập, vào năm 1955, trường được giao phó thêm nhiệm vụ đào tạo chuyên viên các ngành trong Quân Đội Quốc Gia Việt Nam và cải danh là “Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức gồm Bộ Binh, Thiết Giáp, Pháo Binh, Công Binh, Truyền tin, Quân Cụ, Thông vận Binh (Quân Vận sau này) và Quân Chính.
Tháng 7 năm 1964, với nhiều nhiệm vụ đào tạo mới trường được đổi tên là Trường Bộ Binh Thủ Đức cho đến ngày tàn cuộc chiến.
Khi Đại Tá Lam Sơn về làm chỉ huy trưởng năm 1962, ông đã lấy phương châm cho trường là “Cư An Tư Nguy” ghi trên phù hiệu và quân kỳ, có nghĩa là“muốn sống yên ổn, phải nghĩ đến lúc hiểm nguy” hiểu rộng ra là “Muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh.”
Trường Bộ Binh Thủ Đức là một trong những quân trường lớn nhất của VNCH. Tổng kết cho đến năm 1974, trường đã đào tạo cho QLVNCH trên 80 ngàn sĩ quan ưu tú, có mặt trên khắp 4 vùng chiến thuật.
Qua những lệnh động viên từng phần Thời Đệ I Cộng Hòa cho đến tổng động viên Thời Đệ II Cộng Hòa, 99% tuổi trẻ học thức miền nam đều đi vào quân ngũ. Trên 2/3 số này được xuất thân từ Quân Trường Thủ Đức.
Đời quân ngũ đã đi vào tâm tư tình cảm tuổi trẻ khi vào đời nên gần như cả đời họ cứ vẳng nghe được tiếng nói “Thủ Đức Gọi Ta Về” như một lời nhắc nhủ rằng trách nhiệm của kể “thất phu” vẫn còn đeo đẳng trên vai chưa chấm dứt được.
Gửi ý kiến của bạn