Bộ Tổng Tham Mưu Nam Việt nhận chân được tầm quan trọng của Xuân Lộc, rằng thị xã này không những là một vị trí phòng thủ trọng yếu mà còn là nơi có thể giúp khơi dậy tinh thần chiến đấu vốn đã xuống quá thấp sau sự tan rã của hai quân đoàn I và II ở vùng giới tuyến và vùng cao nguyên. Nếu quân Miền Nam có thể làm cho phe Miền Bắc chịu sự thảm bại ê chề tại Xuân Lộc, thì cơn khủng hoảng quân sự hiện nay có cơ may đảo ngược lại được.
Kế hoạch chiến đấu của Tướng Toàn hòng bảo vệ thủ đô là vận dụng lưu động tính để dồn lực vào các địa điểm đang bị tấn công, đồng thời phá tan đội hình đối phương. Vào hôm 11 tháng Tư, ông triệu hồi Lữ Đoàn 3 Thiết kỵ từ Tây Ninh xuống, giao nhiệm vụ khai thông QL 1 từ ấp Hưng Nghĩa đến ngã ba Dầu Giây. Cùng lúc đó, tiểu đoàn giữ an ninh cho dân tị nạn ở Hàm Tân được bốc khẩn cấp trở lại Xuân Lộc bằng trực thăng.
Về đến Hưng Nghĩa, Lữ Đoàn 3 Thiết kỵ lập tức bị chận đứng bởi SĐ 6 BV trên QL 1 ở mặt phía đông của ấp nầy. Chuẩn Tướng Khôi cho một trong các lực lượng đặc nhiệm của mình mở mũi tấn công chính dọc theo quốc lộ, trong khi đó ông điều động lực lượng thứ nhì tiến thốc lên hướng bắc. Tuy nhiên, các lực lượng của ông vẫn không khai thông được quốc lộ.
Quan trọng hơn nữa, vào sáng 11 tháng Tư, Tướng Toàn gửi Lữ Đoàn 1 Dù do Trung Tá Nguyễn Văn Định làm tư lệnh đến Xuân Lộc để trợ lực cho SĐ 18. 1 Dù là một trong những đơn vị trừ bị chiến lược cuối cùng của quân đội NV. Trong suốt hai ngày, Tướng Toàn vận dụng hầu như mọi phương tiện trực thăng còn lại để chở ba tiểu đoàn Dù và một tiểu đoàn pháo binh xuống một khu vực gần Tân Phong. Đây được coi như là cuộc tấn công trực thăng vận cuối cùng của chiến tranh Việt Nam. Theo nguồn tin của phía VNCH : “Tất cả trực thăng của hai sư đoàn Không Quân 3 và 4, tổng cộng một trăm chiếc Hueys, chuyển vận hơn hai ngàn quân Dù xuống mặt trận. Các trung đội pháo binh Dù được trực thăng Chinook chở thẳng đến BCH Dù đóng cạnh bên BCH SĐ 18. Hai tiểu đoàn bộ binh Dù được thả ngay trên đầu địch để tái chiếm QL 1.” Sau khi thả quân xong các trực thăng đón dân và thương binh đưa về hậu cứ.
Về phần Tướng Đảo ông cũng có quyết định điều binh riêng của mình. Mặc dù bị gián đoạn và đang bị ăn pháo, Trung Đoàn 52 vẫn giữ phòng tuyến từ phía nam ngã ba Dầu Giây, ở ấp Phan Bội Châu, chạy lên phía bắc dọc theo QL 20 tới điểm xa nhất trên Đồi Móng Ngựa. Khác với Tiểu Đoàn 1 ở ấp Phan Bội Châu, không thành phần nào khác của trung đoàn đối mặt với cuộc tấn công bằng bộ binh. Tuy nhiên, Tiểu Đoàn 1 đang phải chịu áp lực địch thường xuyên. Ấp Phan Bội Châu gồm những căn nhà gạch nằm ngay trong một đồn điền cao su và dễ trở thành mục tiêu cho pháo binh. Từng trái từng trái đạn đại bác rót xuống đầu quân phòng thủ. Khi trận pháo vừa ngưng thì bộ đội bắt đầu xung phong. Tiểu Đoàn 1 đẩy lui được nhiều đợt nhưng bù lại họ phải chịu nhiều tổn thất.
Mặc dù áp lực đang đè lên Tiểu Đoàn 1, vào sáng ngày 10 tháng Tư, Tướng Đảo ra lệnh cho Tiểu Đoàn 2 của Trung Đoàn 52, di chuyển vào Xuân Lộc để tăng sức cho thị xã. Sau khi len lỏi được qua phòng tuyến địch, tiểu đoàn này bắt tay với Trung Đoàn 43 vào chiều ngày 12. Cũng trong hôm đó, một tiểu đoàn Dù đánh một trận ác chiến với một tiểu đoàn của SĐ 7 BV ở nam Xuân Lộc. Vào ngày 13 tháng Tư, Tướng Đảo cho hai tiểu đoàn Dù khác tiến dọc theo Quốc Lộ 1 để tấn công Sư Đoàn 7 ở phía đông thị xã. Một trong hai tiểu đoàn Dù tấn công và chọc thũng được một lỗ nơi phòng tuyến của SĐ 7 tại ấp Bảo Định, nhờ vậy một tiểu đoàn khác có thể tiến tới và bao vây Tiểu Đoàn 8, Trung Đoàn 209 CS.
Tướng Văn Tiến Dũng thay đổi đại kế hoạch của Tướng Trần Văn Trà
Sau thất bại ở Đồng bằng sông Cửu Long và ở Xuân Lộc, Tướng Văn Tiến Dũng xen vào để kềm hãm kế hoạch vĩ đại của Tướng Trần Văn Trà. Sự kháng cự quyết liệt của binh sĩ NV chứng tỏ điều ông phân tích trước đây là đúng. Với vai trò chỉ huy chiến dịch, hôm 13 tháng Tư, ông gửi điện cho Tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham Mưu đề nghị bây giờ nên ngưng tấn công, đợi đạo quân còn lại kéo đến đông đủ rồi mới đánh tiếp. Tướng Dũng cũng trình bày với Tướng Giáp rằng hai quân đoàn 1 và 3 không thể nào tiến vào Sài Gòn kịp trước ngày 15 tháng Tư. Hiện tại cũng đang có vấn đề về tiếp tế, đặc biệt là đạn cho xe tăng và trọng pháo. Điều Tướng Trà phàn nàn trước đây về sự thiếu hụt tiếp liệu nay chứng tỏ là không sai. Trong khi bộ đội Bắc Việt dồn lực lượng vào chiến trường B-2, nguồn vật lực không đủ để cung cấp cho quân số đông với những trận giao tranh lớn.
Bộ Chính Trị miễn cưỡng chấp nhận trì hoãn cuộc tấn công. Tổng Bí Thư Lê Duẩn điện Tướng Dũng ra lệnh phải bắt đầu tấn công lại không được trễ hơn tuần cuối cùng của tháng Tư. Tướng Giáp cũng gửi tiếp sau đó một công điện khác, bảo Tướng Dũng : “Kế hoạch toàn diện của cuộc tấn công phải đảm bảo rằng một khi bắt đầu hành động thì phải tung ra những đợt tấn công hết sức mãnh liệt và liên tục, lớp này chồng lên lớp kia, cho đến khi hoàn toàn thắng lợi. Tấn công khơi mào ở các khu vực ngoại vi trước và chuẩn bị lực lượng nắm lấy cơ hội đánh sâu vào trung tâm Sài Gòn từ nhiều hướng. Đây là hướng dẫn căn bản và cũng là một trong những điều chắc chắn đưa đến chiến thắng.” Bộ Chính Trị cũng hoan hỷ chấp thuận đề nghị của Tướng Dũng rằng chiến dịch sắp đến sẽ được đặt tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Nhìn thấy số viện binh bên Nam Việt tung thêm vào chiến trường, cấp lãnh đạo quân sự Miền Bắc bắt đầu tái lượng định tình hình và vạch ra những kế hoạch mới. Các báo cáo bắt đầu đến tay Tướng Trà cho ông hay rằng Quân Đoàn 4 buộc lòng phải lui binh, điều khiến ông trở nên hết sức lo lắng. Quân đoàn này “than phiền về việc thiếu hụt đạn cho tất cả các loại vũ khí, và đặc biệt là ba sư đoàn 341, 6 và 7 đều đang kiệt sức vì đã chiến đấu liên tục từ khi cuộc giao tranh dọc theo QL 20 bắt đầu.”
Vào chiều 11 tháng Tư, sau cuộc bàn thảo giữa Trần Văn Trà, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ và các cán bộ cao cấp khác, Tướng Trà được gửi đến bộ chỉ huy Quân Đoàn 4 để lượng định tình hình, đồng thời nếu thấy cần thì nắm quyền chỉ huy đơn vị này luôn. Hơn nữa ông đang mang theo bên mình các chỉ dẫn chiến thuật mới.
Đối với Tướng Trà, ông thấy xấu hổ khi kế hoạch vĩ đại của mình bị tan tành vì gặp phải sức đề kháng quá quyết liệt của quân địch, đặc biệt với Lê Đức Thọ, và đối thủ Văn Tiến Dũng, ở kề bên. Hơn nữa Tướng Trà phạm phải lỗi lầm vì đã không nghe các hướng dẫn trước khi tấn công của Tổng Tham Mưu là phải vô hiệu hóa phi trường Biên Hòa trước khi mở cuộc tấn công vào Xuân Lộc.