Trưa hôm qua, vợ mình bắt gặp hình ảnh này trước cổng bệnh viện 175. Một ông cụ chân không dép run lẩy bẩy ngồi trên chiếc xe cũ mèm, cho con trai chở về nhà.
Anh này kể, ông cụ bị té, nhập viện đã mấy ngày. Nghe tin sau ngày 23/8, thành phố sẽ siết chặt phong toả, anh sợ không vào viện chăm cha được nên đành đưa ông cụ về. Hôm qua là một ngày cực kỳ bất an, hỗn loạn của Sài Gòn, người dân đổ ra đường mua thực phẩm, thuốc men dự trữ. Gọi mãi vẫn không bắt được chiếc taxi nào, xe cứu thương thì càng bất khả lúc này, anh đành chở cha về trên chiếc honda cà tàng của mình.
Ông cụ ngồi sau lắc lư, người con dù đi thật chậm và cố níu cha mình mà vẫn không giữ vững nổi. Loạng choạng đến mức cả hai cha con suýt té.
Vợ mình đi sau phải chạy lên đưa tấm vải che nắng của cô cho anh con trai. Anh quấn, buộc cha lại vào lưng anh. Nhưng vẫn bất thành, vì ông cụ quá yếu. Hết cách, anh ra giữa đường chặn xe xin đi nhờ. May sao có chiếc xe bán tải dừng lại, họ đồng ý chở giúp ông cụ về nhà, còn anh đi xe máy theo sau. Anh bật khóc cảm ơn vì nếu không có sự giúp đỡ thì không biết hai cha con sẽ ra sao.
Mình xem ảnh vợ chụp mà không khỏi xót xa. Đường từ viện về nhà họ gần bảy cây số. Nếu hôm qua, họ không gặp được tài xế tốt bụng thì sẽ như thế nào? Vì đâu nên nỗi đoạn trường này?
Mình nhận ra, cái xe máy cà tàng tòng tọc này là hình ảnh miêu tả đúng nhất về Sài Gòn sau 3 tháng chống dịch. Tất cả đã kiệt sức rồi.
------
Trên đây là câu chuyện của anh Tú Bi Nguyễn chia sẻ với Ký ức đại dịch giữa những ngày Sài Gòn đuối sức, bộn bề giữa nỗi sợ và nỗi lo.
Ký ức của chúng ta rồi có quên đi những ngày tháng này? Lịch sử dịch bệnh có ghi lại nỗi sợ, nỗi lo của chúng ta hay chỉ để lại những con số thống kê?
Gửi ý kiến của bạn