TAO NGỘ TRÊN SÔNG
Nhắc đến những chuyện vui buồn đời nghệ sĩ, tôi không sao quên được những ngày đầu khi tôi mới gia nhập “làng hia mão”. Năm 1948, tôi theo gánh hát Tiếng Chuông (Bầu Cang). Hồi đó người ta gọi là “ghe hát”, chớ không gọi là đoàn hát cải lương như bây giờ, vì các gánh hát lưu diễn ở miền Tây phần lớn đều được di chuyển bằng ghe chài, ghe bầu hay đò máy.
Thời đó, việc giao thông đi lại của nhiều quận, huyện ở miền Tây phải theo sông, rạch hoặc kinh đào, đường bộ ít được mở mang, lại có nhiều cầu nhỏ, cầu khỉ nên xe cộ khó qua lại được. Ghe hát di chuyển theo sông rạch mất rất nhiều thời gian, gặp nhiều trắc trở khó khăn, nhưng cũng có nhiều kỷ niệm rất vui, rất đẹp ở các làng xã ven sông mà ghe hát có dịp ghé bến.
Tết năm 1948, gánh Tiếng Chuông bán giàn hát ở chợ quận Cà Mau. Ghe hát rời bến Châu Đốc khoảng 3 giờ sáng, đến 5 giờ chiều mà vẫn còn lênh đênh trên sông Cái. Ghe chài di chuyển quá chậm vì tàu kéo nhỏ, máy yếu, lại gặp con nước ngược. Ở dưới ghe một ngày một đêm, mọi người đều cảm thấy tù túng, khó chịu. Một số đào, kép rủ nhau “bày binh bố trận”, sát phạt nhau trong khoang ghe. Tuy là đánh bài ăn thua nhỏ nhưng cũng ồn ào như nhóm chợ chồm hổm.
Tôi rủ anh Trường Xuân (kép độc), anh Tuấn Sĩ (Kép mùi), Hề Lòng và anh Năm Khạp (đờn kìm) lên mui ghe ngồi chơi để tránh cái ồn ào và nóng bức trong khoang ghe. Gió chiều trên sông nghe mát rượi. Cảm giác thật là khoan khoái, dễ chịu. Tôi ngồi lơ đễnh nhìn hai bờ sông, cây cối xanh tươi. Theo lời anh tài công thì độ 8 giờ tối mới tới vàm vô sông Cà Mau, vậy là khúc sông nầy có thể là gần ranh tỉnh giữa Sóc Trăng và Bạc Liêu. Cây cối xanh um mà tôi thấy dài theo hai bờ sông có thể là vườn cây ăn trái như cây nhãn, hay xoài tượng, xoài cát. Đến Cà Mau thì hai bờ sông có nhiều cây đước, cây mắm hay gốc bần, bên trong xa là đồng đưng, lác, chớ không có vẻ trù phú như nơi mà ghe hát đang được kéo qua. Dòng sông hẹp dần, chúng tôi có thể thấy người đi trên bờ. Anh Năm Khạp cao hứng, lấy đờn kìm ra đờn, Tuấn Sĩ ca vọng cổ. Trường Xuân xuống ghe lấy rượu đế và biểu vợ anh nướng vài con khô cá sặc để nhậu lai rai mới có hứng mà ca. Ông Bầu Cang biểu anh Mười “ampli”đem micro và ampli pile (thứ dùng để quảng cáo) cho chúng tôi dùng vì theo ông, gió sông lồng lộng như vậy, đờn ca gì cũng không nghe được. Các cô đào Ngọc An, Bé Hoàng Vân, Lệ Thơ (vợ kép Tám Cao, hiện nay là soạn giả Thanh Cao) cũng lên mui ghe, chung vui đờn ca tài tử. Tuấn Sĩ ca trước, rồi tới đào Ngọc An, bé Hoàng Vân, chị Lệ Thơ ca vài bài bản nhỏ trong tuồng “Trộm Mắt Phật”. Anh Sáu Xíu lấy đờn cò ra hòa điệu với anh Năm Khạp đờn kìm. Tiếng đờn câu ca được máy ampli phóng lớn, vang vang trên sông, bay đến các ngôi nhà ngói, nhà tranh trên hai bờ sông nên nhiều người bước ra nghe. Vì ghe chài di chuyển chậm, đào kép lại ngồi trên mui ghe, tiếng đờn tiếng ca nghe lồng lộng nên dân chúng càng lúc càng tập trung theo hai bờ sông nghe hát. Bây giờ tôi mới biết thâm ý của ông Bầu Cang: nếu ông bảo đào kép theo ghe ca quảng cáo, chắc là không ai chịu hoặc nếu có chịu thì ông cũng phải trả tiền lương. Còn bày ra cuộc chơi, đào kép vui vẻ dự vào mà việc quảng cáo gánh hát của ông cũng thực hiện được. Khán giả trên bờ vỗ tay khen, các nghệ sĩ hứng chí ca không biết mệt, chỉ có ông Bầu Cang tủm tỉm cười, thỏa mãn, tin tưởng ngày mai ông sẽ tha hồ hốt bạc...
Khởi Nghiệp Của Một Cô Đào
Có mấy chiếc ghe thương hồ chở cây hoa kiểng, cây quít, cây tắc vô chợ Cà Mau bán dịp Tết, thấy ghe hát đờn ca vui, cũng bớt mái chèo, cặp theo be ghe chài mà nghe ca. Họ còn thưởng tiền và yêu cầu ca những bài mà họ thích. Tuấn Sĩ, Ngọc An được thưởng tiền nhiều nhất, Tuấn sĩ thừa thắng xông lên, làm luôn một bài vọng cổ “Ông lái đò”:
(nói lối)... Mấy năm qua mấy mùa khói lửa, lão đã chứng kiến biết bao nhiêu cảnh hưng vong của thế sự...
Vọng cổ
... thăng trầm, Nước mắt già nua pha lẫn nước xuôi dòng,
Bất giác lão đưa tay rờ lên mái tóc thì sau cuộc ba đào nó đã trắng như bông.
(thơ Vân Tiên)
Chuyện đời như cánh phù du,
Sớm còn tối mất dạ sầu mà chi,
Sang giàu như áng mây bay
Mới vừa thấy đó phủi tay không còn
Hò… ơ... Nước giữa dòng có khi trong khi đục
Người ở đời có lúc nhục lúc vinh
Gẫm ai vô sự như mình
Đò ngang một chuyến... Ho.. ơ... Đò ngang một chuyến mặc tình nắng mưa.
(thơ Vân Tiên)
Thân già gạo chợ nước sông
Khỏe thì đưa khách mệt nằm xả hơi
Sang giàu mặc kẻ đua bơi
Công danh như thể bèo trôi giữa dòng
Ai dại ai khôn gẫm lại vẫn không bằng đời của lão.
Còn trời còn nước còn sông, Còn cây đa bến cũ còn ông chèo đò.
Khán giả trên bờ vỗ tay và la lớn:
“Hay lắm... Ca hay lắm!”
Bỗng dưới ghe thương hồ có một cô gái lên tiếng hỏi: “Các anh các chị là nghệ sĩ cải lương, ca vọng cổ đương nhiên là hay rồi, các anh các chị dám hò đối đáp với tụi tui hông?”.
Chúng tôi đang ú ớ, chưa biết tính sao, ông Bầu Cang ngồi trước mũi ghe, nói khích:
- Liệu được hông bây? Hò mà thua, mất mặt “bầu cua” à nghen.
Hề Lòng tự ái:
- Muốn chơi thì chơi luôn. Nè, mời cô leo qua ghe chài, ở đây có mi cờ rô, hò lớn tiếng cho bà con nghe chơi.
Cô gái không đợi mời lần thứ hai, lần ghe nhỏ của cô tới gần chỗ có thể leo lên ghe chài. Tía của cô đỡ dưới chân, Tám Cao và Tuấn Sĩ nắm hai tay, kéo cô lên. Ai hò trước? Hò “cái gì đây”? Tám Cao, Tuấn Sĩ, Hề Lòng bàn thảo rù rì.
Cô gái cầm micro: Em thử giọng à nghe...
“Tới đây hỏng hát thì hò... Ơ... Hỏng phải con cò... Hò
ơ... Hỏng phải con cò ngóng cổ mà nghe.
Hề Lòng nói:
“Để tui... Hò ơ... Đờn cò lên trục kêu vang, Qua còn thương bậu... bậu khoan có chồng, Muốn cho nhơn nghĩa đạo đồng, Qua đây thương bậu... ờ... hơ... Qua đây thương bậu hơn chồng bậu thương...
Cô gái hò:
“Hò… ơ... Em thấy anh, em cũng muốn chào, Sợ rằng chị Cả... Sợ rằng chị Cả dắt dao trong mình.” Hề Lòng:
“Hò... ơ... Anh đâu phải mê bông quế mà bỏ phế cái bông lài,
Quế thơm ban ngày, lài ngát ban đêm, ơ... Hò... ơ... Bông quế lại với bông lài,
Anh quyết bẻ hết, hò… ơ... anh quyết bẻ hết, khỏi ai cằn nhằn... ơ...
Cô gái:
Hò… ơ... Lấy ai, lấy khính chồng người,
Lấy chồng kiểu đó... Hò... ơ... Lấy chồng kiểu đó, lấy chồng cùi sướng hơn.
Tám Cao thấy Hề Lòng loay hoay, không “nhập đề” được, bèn cứu bồ. Tám Cao hò:
Hò... ơ... Gạo Ba Thắt trắng như bông bưởi
Nước phông tên tiền rưỡi một đôi,
Sài Gòn vui lắm em ơi
Lấy anh về đó... ờ... lấy anh về đó, một đời sướng thân.
Tám Cao, danh ca vọng cổ nên giọng rất trong, hơi hò âm vang lảnh lót, cô gái có vẻ có cảm tình, cô gái liếc Tám Cao, đuôi mắt bén như dao.
Cô gái hò:
“Hò... ơ... Bớ người không quen ơi...
Nghe anh than em cũng muốn thương nhiều,
Nhưng hoa đà có chủ, khó chiều dạ anh,
Bình bồng ở giữa Giang Tân,
Bên tình bên nghĩa... Hò... ơ...
Bên tình bên nghĩa, biết thân bên nào? ơ...
Tám Cao hò:
Hò... ơ... Bớ nầy em ơi,
Nhứt lê, nhì lựu, tam đào,
Bên tình bên nghĩa... Hò... ơ,
Bên tình bên nghĩa, bên nào cũng thân... ơ...
Tiếng cô gái:
“Hò... ơ... Nói vậy mà chơi,
Chớ gió thổi hiu hiu, lục bình trôi riu ríu, Xin anh đừng bận bịu cái điệu chung tình... ờ...
Con nhạn bay cao khó bắn,
Hò... ơ... Con cá ở ao quỳnh...
con cá ở ao quỳnh cũng khó câu...ơ...
Tuấn Sĩ dành micro, nói:
Cho tôi hò với chớ! Tuấn Sĩ hò:
Hò... ơ... Cây trên rừng hóa kiểng, Cá dưới biển hóa long,
Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong, Anh đi hát lục tỉnh giáp vòng... ờ...
Đến đây trời khiến...hò... ơ... đến đây trời khiến đem lòng thương em... ơ.
Tiếng cô gái:
Hò... ơ... Má em dặn là...
Gái kiếm chồng nơi giàu sang nương tựa, Đặng sáng với chiều lên ngựa xuống xe,... ơ...
Chớ đừng lấy bạn hát theo ghe chài...
Sáng ngồi lườn, tối nằm be,
Để thân con gái má phấn không người chở che... ơ...
Hò... ơ... Không người chở che, nó cũng uổng đời... ơ.
Tuấn Sĩ hò:
Hò... ơ... Em mà chịu lấy anh đây,
Chẳng phải đi cấy đi cày nữa đâu,
Ngồi trong rạp hát ăn trầu, Ngồi trong rạp hát ăn trầu.
Có hai thế nữ... Hò... ơ...
Có hai thế nữ đứng hầu hai bên... ơ...
Tiếng cô gái:
Hò... ơ... Tía má em dặn rằng...
Lấy chồng chớ lấy chồng xa,
Lấy chồng kép hát đi ta bà thế gian, Tưởng là sung sướng tấm thân, Nay đình mai chợ... Hò... ơ...
Nay đình mai chợ, gian truân cả đời... ơ...
Trường Xuân nãy giờ im tiếng, bây giờ mới xen vô, hò:
Hò... ơ... Phải nói gì em mới chịu tin đây?
Đôi ta chẳng được xum vầy
Khác chi cánh nhạn lạc bầy kêu sương.
Nhạn lạc bầy nhạn thương nhạn nhớ,
Anh xa nàng... hò... ơ... anh xa nàng anh khổ lắm nàng ơi.
Cô gái chưa kịp hò trả lời thì tía của cô gọi ơi ới:
- Bớ Kim, nước lớn đang chảy xiết vô chợ, con mau xuống ghe chèo riết đi con!
Cô gái còn nuối tiếc cuộc hò đối đáp vui vẻ, chưa kịp về ghe mình thì ông Bầu Cang xuất hiện, cười hề hề, đưa một tấm carte visite của ông và nói:
- Cô Kim, tôi tặng cô tấm carte nầy. Bất kỳ khi nào và bất kỳ ở đâu, khi cô gặp ghe hát Tiếng Chuông thì cô cứ tới phòng vé, chìa tấm carte nầy ra là cô có quyền lấy vé mời xem hát... Bao nhiêu vé cũng được. Cô cứ coi như gánh hát nhà đi. Nhớ nhe, một kỷ niệm tao ngộ trên sông.
Cô gái nhận món quà bất ngờ đó và nói:
- Cám ơn ông Bầu, thế nào em cũng sẽ tới kiếm ông Bầu!
Cô Kim trở về ghe của mình, hai tía con nương theo con nước đang đổ mạnh hướng về chợ, chèo ghe xa ghe chài của chúng tôi cho tới khi mất dạng. Trường Xuân bật cười ha hả, cái giọng cười bất hủ của anh rồi nói:
- Ông Bầu chơi kiểu cha! Tụi nầy tốn công dọn cỗ, ông ngồi không mà nhào vô đớp một cách ngon lành. Đúng là chơi cái kiểu Papa mà.
Bầu Cang nói:
- Mậy! Mầy hay nói bậy nói bạ! Tao đớp cái gì mà mầy nói tao đớp?
Trường Xuân:
- Thì cô Kim đó! Tụi nầy hò chọc ghẹo, ba bốn đứa hè nhau hò, bao vây cô ta. Cô ta một mình chống đỡ, không theo ai mà cũng không thua ai. Bỗng ông xen vô, đưa một tấm danh thiếp và cô ta đã hẹn: Thế nào em cũng sẽ tới kiếm ông Bầu. Đó, hỏng phải là ông phỏng tay trên của tụi tui sao?
Bầu Cang:
- Tao già rồi, răng cỏ đâu mà nói đớp với hỏng đớp? Tụi bây trẻ, thấy gái thì chỉ nghĩ tới cái nọ cái kia... Còn tao đó hả...
Tuấn Sĩ cười mơn:
- Ông không nghĩ cái nọ, cái kia, ông chỉ làm cái kia cái nọ thôi!
Mọi người cười ồ lên vì câu nói ám chỉ của Tuấn Sĩ, nhưng ông Bầu Cang vẫn bình tĩnh, nói như muốn phân bua với bà Năm Phát là vợ của ông đang đứng theo dõi cuộc đùa cợt nãy giờ.
- Tụi bây quên tao là ông Bầu gánh hát, gặp một đứa con gái đẹp, có giọng hò tốt, lại dạn dĩ không sợ ai, không mắc cỡ, tao nghĩ là làm sao để nó theo gánh hát để đào tạo nó thành đào hát. Tao chắn chắn nó sẽ nổi danh không thua ai đâu. Tao cá với tụi bây, cô Kim đó sẽ xin theo học hát ở gánh hát của mình. Tao đưa cho tấm danh thiếp của tao là để cô Kim mạnh dạn tới sân khấu đó.
Đúng như lời tiên đoán của ông Bầu Cang, sau Tết, cô Kim tìm tới ghe hát Tiếng Chuông, xin theo học hát và trở thành cô đào với cái tên: Nữ danh ca KIM ANH. Cô Kim Anh đã một thời lừng danh trên sân khấu Thanh Minh đóng cặp chung với anh Út Trà Ôn.
(Trường Xuân - Trường Xuân trọc)
Nguyễn Phương
Nguyễn Phương
Gửi ý kiến của bạn