DÂN VIỆT CHỈ THÍCH “NHẬN” KHÔNG THÍCH “CHO”?
Cách đây nhiều năm, khi cô em Janet Nguyễn còn là nghị viên của thành phố Garden Grove, ít nhất một lần tôi chứng kiến thái độ làm việc cho dân của cô, và cảm nhận được thái độ của một dân cử được dân bầu là như thế nào.
Có một cặp vợ chồng gốc Việt, mua một căn mini Market (chợ nhỏ) ngay góc đường Habor và Garden Grove, nơi thuộc quyền quản trị của thành phố mà Janet làm nghị viên.
Ngôi chợ của họ có môn bài bán rượu nồng độ không cao (beer and wine license), do nhu cầu buôn bán ở khu vực đó, họ nộp đơn xin được đổi môn bài sang loại có nồng độ rượu cao hơn, với hy vọng sẽ thúc đẩy việc buôn bán được nhiều hơn.
Nếu không có ai phản đối thì mọi việc cũng được suông sẽ, nhưng không ngờ cảnh sát trưởng của thành phố Garden Grove đưa lý do là khu vực của ngôi chợ là khu vực có tội ác cao ( High Crime), nên viết thư yêu cầu thành phố bác bỏ đơn của cặp vợ chồng này, trong cuộc điều trần (hearing) của hội đồng thành phố (theo luật định thì các môn bài rượu và thuốc lá phải trãi qua cuộc điều trần và bỏ phiếu của các nghị viên và thị trưởng)
Lúc đó tôi còn cộng tác với tờ Việt Weekly ( lúc còn “lá cải” chưa có những bài mang màu sắc chính trị quốc - cộng) cặp vợ chồng này tìm đến tôi, với ý định tố cáo thái độ của viên cảnh sát trưởng Garden Grove với báo chí.
Lúc đó tôi gọi cho Janet Nguyễn xem có thể giúp cho cặp vợ chồng này hay không, vì họ dồn hết gia tài mua ngôi chợ, nếu buôn bán không được thì coi như sạt nghiệp.
Sau khi lắng nghe hoàn cảnh của 2 vợ chồng, Janet không dám hứa điều gì, nhưng cô nói sẽ tận sức thuyết phục các đồng viện xem có thể giúp họ hay không.
Ngày điều trần (hearing) có mặt của tôi, Janet cho triệu tập viên cảnh sát trưởng lên và yêu cầu ông này trình bày lý do bác bỏ đơn xin nâng cấp môn bài rượu của ngôi chợ.
Viên cảnh sát trưởng viện cớ rằng nơi ngôi chợ tọa lạc là khu vực có mức độ tội ác cao (high crime), nhân viên cảnh sát dưới quyền của ông không đủ để thường xuyên tuần tra, và ngôi chợ có dán những tấm plastic đen ngoài kính, khiến cho cảnh sát bị mất tầm nhìn vào trong chợ mỗi khi có vấn đề v.v..
Cặp vợ chồng trên cũng có 3 phút mỗi người để trình bày hoàn cảnh khó khăn của họ.
Sau khi nghe hai bên xong Janet quay sang hỏi viên cảnh sát trưởng hàng loạt những câu hỏi, và đưa ra những số liệu về mức độ tội ác trong thành phố, khiển trách ông cảnh sát trưởng đã không làm đủ vai trò và không đủ khả năng lãnh đạo sở cảnh sát thành phố, thay vì tìm cách tạo an toàn hơn cho thành phố bớt đi những tội ác, thì ông lại tìm cách tạo sự tiện nghi cho bản thân và sở cảnh sát.
Cuối cùng cô kết luận, nếu viên cảnh sát trưởng không rút lại lá thư yêu cầu ngăn chận việc nâng cấp môn bài rượu cho cặp vợ chồng gốc Việt, thì có thể trong cuộc họp hội đồng lần kế tiếp, cô sẽ đề xuất thay thế vị trí của ông bằng một người có khả năng hơn, và trước mặt thị trưởng cùng 3 nghị viên còn lại, cô tuyên bố sẽ bỏ phiếu chấp thuận cho cặp vợ chồng trên được nâng cấp môn bài rượu.
Kết quả 4-1, Janet đã thành công khi thuyết phục được thị trưởng và 2 nghị viên khác bỏ phiếu thuận, chỉ duy nhất một phiếu chống, và được thông qua.
Cặp vợ chồng này mừng rối rít cám ơn lia lịa, tôi cám ơn Janet, và Janet yêu cầu tôi đừng đăng câu chuyện lên báo, vì không muốn có những tranh cãi không cần thiết, tôn trọng Janet, tôi đã bỏ không đăng bài phóng sự về vụ này.
Thời gian thay đổi mọi thứ.
Nhiều năm sau, tờ Việt Weekly phải đóng cửa vì những kẻ chủ trương tờ báo trở thành công cụ cho viên chức CS, Janet Nguyễn từ một cô nghị viên bé nhỏ của thành phố chỉ có khoảng 175,000 cư dân, rồi trở thành giám sát viên quản trị cả quận với dân số khoảng 3 triệu người, và giờ đây trở thành Thượng Nghị Sĩ tiểu bang California nằm trong số 40 người cai quản cả ngân sách gần 6,000 tĩ Mỹ kim của toàn tiểu bang với 33 triệu dân.
Tôi thì về cộng tác với BBC Việt Ngữ và một vài đài truyền hình địa phương.
Chúng tôi dường như đã quên mất câu chuyện cũ, bất ngờ tuần trước tôi gặp lại cô vợ đẩy xe vào ngôi chợ sát cạnh nhà hàng của tôi, tôi gần như không nhận ra, sáng sủa hơn, ăn mặc đồ hiệu, miệng nói liên tục hoàn toàn khác hẳn với cái dáng ũ rũ khóc lóc hơn một thập niên trước, khi cô và chồng đến gỏ cửa nhờ tôi.
Cô này khoe vài năm sau, 2 vợ chồng bán ngôi chợ đó cho một người khác, có lời hơn $100,000 nhờ vào cái môn bài bán rượu mạnh, rồi chạy qua Las Vegas mua nhà đầu tư gì đó, bây giờ thì có vài miếng đất ở VN muốn bán để đem tiền về Mỹ trở lại, đại khái là vậy.
Tôi hỏi có hổ trợ cho Janet trong những cuộc tranh cử sau này không, thì cô vợ tỏ vẽ lúng túng, nói có quyên góp trong mấy buổi gây quĩ của Janet. Tôi không nói gì, về tìm lại các lần gây quĩ tranh cử của Janet, trong các danh sách hoàn toàn không hề có tên của cặp vợ chồng này, trong lòng tự nghĩ, phải chăng người Việt Nam sống dưới xã hội của CS quá lâu, nên khi qua Mỹ một thời gian, họ chưa gội rữa hết cái văn hóa ích kỷ, họ chỉ muốn “nhận” mà không hề “cho” ai điều gì?
Những thành phần như cặp vợ chồng nói trên hiện đang có mặt ở nơi tôi ở khá nhiều, nhất là những người sang Mỹ sau năm 2000 trở lại đây, họ trở thành một đám “bầy đàn”, cứ cái gì khai trương, tặng quà thì họ kéo đến đông như kiến rồi …biến mất, sau đó thì ở những quán cafe, họ bắt đầu đem chuyện người này thất bại, người kia mất nhà ra bêu rếu. Những cơ sở nào khai trương, tặng quà cho khách thì họ đến nhận xong về quăng bỏ thùng rác, khi thấy mấy món qua đó với họ không có giá trị gì.
Với tôi, những thành phần ích kỷ và tham lam này đang có khuynh hướng ngày một đông đảo hơn ở Bolsa và những nơi có đông đảo người Việt sinh sống, và đây chính là một trong những nguy cơ tiềm ẩn có thể xóa bỏ cái nét văn hóa đẹp của cộng đồng Việt vốn có từ những thập niên 70,80, nếu mọi người không nhận thức ra và tìm cách ngăn chận.
Hy vọng những người đến sau sẽ hiểu được, xã hội Hoa Kỳ vốn luôn có sự công băng tương đối, nếu bạn nhận của ai một điều gì, thì cũng nên cho ra một điều khác, chỉ có “nhận” và không muốn “cho”, đó chỉ là thứ ‘khôn vặt” chứ không phải là thông minh, dù bạn có tiền, thì vẫn chỉ nhận được sự khinh rẽ của mọi người xung quanh.
Trần Nhật Phong FB