KHAI DÂN TRÍ TRƯỚC KHI CÁCH MẠNG GIẢI CỘNG
Các nhà “ xã hội dân sự “ bảo rằng: Muốn tiến hành cách mạng toàn triệt giải trừ toàn trị việt cộng, trước tiên phải khai dân trí, bằng không là đặt cây cày trước con bò.
Tôi nghe thấy thiệt là phát sợ, bởi vì tôi không hiểu các vị ấy trí thức tới mực nào mà xem thường người dân như vậy?!
Tôi xin kể năm ba trường hợp, người dân Việt Nam, đồng bào của tôi hiểu biết về áp bức, bất công, tự do, dân chủ, kinh tế tư sản và sở hữu toàn dân.
Mười ngày sau ngày tháng tư phỏng giái, một bửa ông chú của tôi bán thịt ngoài chợ Biên Hòa cầm tờ báo Saigon phỏng giái quơ quơ trước mặt và biểu: Mầy coi đó, bửa trước biểu thằng Thiệu độc tài mà Saigon có cả chục tờ báo dày cộm đọc mệt nghỉ. Bây giờ kách mạng dìa, Saigon chỉ có một tờ báo mỏng lét như vầy. Có đọc thì đọc, hổng đọc thì thôi!
Ông chú tôi chỉ học lớp nhứt trường tỉnh mà phân biệt dân chủ độc tài, tự do báo chí gọn bân. Tôi cũng tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh Saigon và làm việc có trên 13 năm chớ đâu phải ít. Vậy mà biểu tôi nói ngẫu hứng về dân chủ, độc tài, tự do báo chí bằng đôi ba câu đơn giản như ông chú của tui thì chịu thua.
Ngày tốt nghiệp Tiến sĩ khoa cuốc đất trên Hoàng Liên Sơn về thực hành nghề trên khu kinh tế mới Bảo Lộc, Di linh, một bửa ngồi nghỉ, vấn thuốc rê bập, bác già người xứ Quảng trôi giạt lên đây, chỉ tay vào buội trà, chép miệng bảo: Ngày trước, chủ tư nhân, buội trà to bằng cái nia, cành lá sum xuê, tươi tốt. Bây giờ làm chủ tập thể, buội trà xác xơ như manh chiếu rách!
Vậy đó, liệu các vị tiến sĩ kinh tế học mác xít có diễn đạt về “ sở hữu cá thể “ và “ sở hữu toàn dân “ được ngon lành như dzậy hay không?
Có người sẽ nói rằng, dù sao các bác già ấy sống từng trải qua hai chế độ VNCH và toàn trị việt cộng nên mới có kinh nghiệm sống như vậy. Tôi lại nói về các em thanh niên nghèo sống trên núi rừng Việt Bắc.
Cậu thanh niên cầm cày cho đội 12 Rau xanh K5, trại cải tạo Tân Lập, Vĩnh Phú một bửa vui miệng kể: Em bị tù vì can tội “ hiếp người yêu?!” Chẳng là em yêu con gái của chủ nhiệm Hợp tác xã. Nhà nghèo nhưng mẹ vì thương, gắng gượng sắm lễ vật đến xin dạm hỏi. Họ chê nghèo không chịu gả con. Em tức mình hẹn người yêu ra chỗ vắng làm chuyện “ ván đã đóng thuyền, gạo thổi thành cơm.” Họ bắt đưa ra tòa kêu án 7 năm tù vì tội hiếp dâm. Bác coi đó, em cầm cày như thế nầy mà đi cày chui cho người có ruộng phần trăm ( ruộng hương hỏa cho lại sau sửa sai cải cách ruộng đất ) mỗi ngày được trả 10 đồng. Họ không cho, bắt em vào làm cho hợp tác xã, trả lương bằng lương thực trị giá 40 đồng một tháng, nghĩa là họ ăn khống của em mỗi tháng trên 200 đồng. Để rồi chê em nghèo không chịu gả con. Như vậy lá áp bức, bất công.
Một bửa được phân công quét dọn nhà lô. Em nhỏ phục dịch cán bộ quản giáo là tù tự giác, nghĩa là sắp mãn án nên đi lại tự do không theo đội. Em vui miệng tỉ tê kể: Em là con của thầy cô giáo trung học. Năm 12 tuổi em ăn cắp một lô hàng thương nghiệp trị giá 200 đồng, bị bắt đi cải tạo hành chánh ở trại “ dạy nghề thiếu nhi “ 6 tháng. Năm 14 tuổi em chôm một lô hàng trị giá 700 đồng, bị đưa ra tòa kêu án 4 năm tù, bỏ vào trại tù hình sự người lớn. Bố giận em từ bỏ. Mẹ vì thương chắt chiu thăm nuôi đã được mười mấy kỳ rồi, còn vài kỳ nữa là em được về với mẹ.
Hỏi: Bây giờ cháu lớn rồi, kỳ nầy về chắc lo tu tỉnh làm ăn phụ giúp bố mẹ?
Đáp: Không, kỳ nầy cháu sẽ làm khôn hơn. Kiếm một số tiền lớn giúp bố mẹ nuôi dạy các em rồi có vào lại đây thì vào. Bố mẹ em làm việc cần mẫn, lo lao động cải thiện mà nhà vẫn túng thiếu, các em nheo nhóc trong khi người ta ngồi mát ăn bát vàng. Như vậy là bất công!
“ Một bức hình nói hơn ngàn chữ “. Một bức hình xâm trên thân thể nói lên ngàn lời:
Một bửa đứng xếp hàng chờ lãnh “ sắn dui “ ( thay cơm ) cho tổ, nghe tiếng cười giởn phía sau. Ngoảnh nhìn lại thấy hai em nhỏ tù hình sự vừa cười giởn vừa đi tới. Thấy chú tù chánh trị miền Nam nhìn, một em trật ngực áo phô ra hình xâm “ nữ thần Tự do “. Phía dười xâm một chữ rõ to: Liberté. Ý em muốn nói: Em là người tự do như chú tù miền Nam Tự do. Em kia cũng trật ngực áo, trên ngực xâm hình chiếc thuyền mang “ thập tự giá “ đang nghiêng ngả trên sóng ba đào. Phía dưới xâm ba chữ S.O.S thiệt bự. Ý em muốn báo cho chú tù miền Nam hay: Đạo Chúa của em đang lâm nguy!
Vậy đó, đồng bào của tôi, trẻ già từ Bắc chí Nam, sống trong gông cùm, áp bức bất công cộng sản, tự thân trải qua nghèo khổ, nhọc nhằn, chỉ biết phản kháng chế độ tàn ác, bất nhân ấy một cách tiêu cực là vi phạm luật lệ do chế độ ấy áp đặt, để rồi lâm thân tù tội đau đớn, tủi nhục!
Hiển nhiên, đồng bào ít học của tôi không thể thuyết lý về tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Lại càng không biết gì về chánh trị đa nguyên, đa đảng. Nhưng đồng bào của tôi biết đau đớn nhọc nhằn vì bị áp bức, bất công, bị cấm đoán phụng thờ đạo Chúa, biết tức giận vì lao động cực khổ mà nghèo khó trong khi bọn “ lãnh đạo “ ngồi mát ăn bát vàng.
Cái mà đồng bào tôi cần là những người có hiểu biết hết lòng gần gủi, bảo ban, giúp cho đồng bào biết cách tổ chức, hợp đoàn đứng lên tranh đấu: Dùng số đông áp đảo kháng cự cường quyền, giành lại quyền sống, quyền làm người.
Nguyễn Nhơn
Gửi ý kiến của bạn