Vũ khí chiến lược dầu hỏa
Nguyễn Đình Phùng
Trong vòng ba năm nay, những tính toán về thế chiến lược địa dư toàn cầu đã bị một vũ khí chiến lược mới của Hoa Kỳ làm thay đổi hẳn cục diện. Đó là vũ khí dầu hỏa, một thứ vũ khí trước giờ làm Hoa Kỳ khốn đốn và bị lệ thuộc vào những quốc gia không mấy gì thân thiện với Hoa Kỳ nắm giữ như những xứ vùng Trung Đông, Venezuela và Nga. Nhưng thế cờ hiện nay đã bị lật ngược và Hoa Kỳ đã nắm thượng phong để có thể dùng dầu hỏa như một vũ khí chiến lược cho những tính toán mới cho chính trị địa dư toàn cầu.
Điều này xảy ra được hoàn toàn nhờ vào một kỹ thuật mới về đào dầu. Đây là phương cách tân tiến nhất dùng vệ tinh satellite để điều khiển mũi khoan dầu, đào sâu xuống nhiều dặm dưới lòng đất rồi tùy theo vị trí có thể quay ngang và đào bên cạnh gọi là horizontal drilling, tiến tới mục tiêu chính xác có thể chỉ nhỏ như một chiếc bánh xe! Trước kia việc đào dầu thường chỉ dùng những dữ kiện do địa chấn đem lại để tìm mỏ dầu và đào thử hàng chục lần mới được một lần trúng. Những lần đào hụt gọi là dry holes, tốn tiền nhiều và mất nhiều thời giờ để đào trúng mỏ dầu. Với những dữ kiện về địa chất do satellite technology và cách đào ngang horizontal drilling, việc đào hụt gặp dry holes không xảy ra nữa!
Nhưng việc sản xuất dầu hiện nay tại Hoa Kỳ thay đổi nhiều hơn cả là do việc lấy dầu từ đá gọi là shale oil. Dưới đáy của những mỏ dầu đã bơm ra gần cạn từ đầu thế kỷ 20 đến giờ, là những mỏ đá shale oil chứa dầu nằm lẫn trong đá. Dầu hỏa nằm trong đá này trước giờ không lấy ra được vì không chảy và không bơm lên được, gọi là dầu chặt, tight oils. Dung lượng của những mỏ dầu nằm trong shale oil còn nhiều hơn những mỏ dầu bơm lên dễ dàng trước kia, nhưng nay đã bơm cạn.
Kỹ thuật mới hiện tại là dùng cách đào như diễn tả trong đoạn trước và đào ngang horizontal drilling để tiến sâu vào những mỏ đá shale oil. Sau đó hàng ngàn gallons nước được bơm thẳng vào những vết nứt của mỏ đá shale oil này với áp suất cực mạnh. Dầu và khí đốt nằm trong đá được hút ra sau khi được nước bơm vào giải tỏa và được bơm thẳng lên trên mặt đất. Kỹ thuật này gọi là hydraulic fracturing, thường gọi tắt là fracking và hiện đang được áp dụng tại ba vùng có mỏ dầu shale oil lớn nhất Hoa Kỳ. Đó là vùng Bakken tại tiểu bang North Dakota, vùng Permian Basin gần Midland, Texas và vùng Eagle Ford tại phía Nam Texas.
Nhờ vào số lượng dầu bơm từ ba vùng này với kỹ thuật mới, mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ đã tăng vọt từ 5 năm trở lại, nhưng tăng nhiều nhất là ba năm nay. Trong thập niên 60’s mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ lên đến mức cao nhất và sau đó đi xuống dần. Năm 1970 là mức tột đỉnh với sản xuất dầu nội địa là 9.6 triệu thùng dầu một ngày. Sau đó các mỏ dầu nhất là tại vùng Texas cạn dần, cho đến năm 2008 chỉ còn sản xuất được 5 triệu thùng dầu một ngày. Nhưng từ năm 2011 đến 2014, mức sản xuất dầu hỏa nhờ vào kỹ thuật fracking đã làm tăng lên được 46%, chưa bao giờ tăng nhanh lên được như vậy kể từ giai đoạn 1921-1924, đúng 90 năm trước, lúc mới bắt đầu việc đào dầu tại Hoa Kỳ tạo ra các nhà tỷ phú như Rockefeller thời đó!
Năm 2013 mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ là 7.5 triệu thùng dầu một ngày, với ước tính cho năm 2014 sẽ là 8.3 triệu thùng dầu sản xuất mỗi ngày. Với đà sản xuất này, theo cơ quan năng lượng quốc tế International Energy Agency, đến năm 2020, Hoa Kỳ sẽ qua mặt Saudi Arabia để sản xuất lên đến mức 11.6 triệu thùng dầu một ngày!
Như vậy điều rõ ràng nhất là Hoa Kỳ sẽ không cần đến Saudi Arabia như trước nữa! Xứ này từ trước đến nay nắm giữ quyền lực về dầu hỏa vì được coi là swing producer, tức có khả năng để ấn định giá cả cho dầu hỏa. Với mức bơm dầu nhiều nhất thế giới, Saudi Arabia chỉ việc bơm nhiều hơn hay ít hơn để xác định giá cả cho dầu hỏa và Hoa Kỳ lệ thuộc vào xứ này trên phương diện chiến lược. Như việc phải bảo vệ cho Saudi Arabia với các căn cứ quân sự tại đây cũng như đặt Đệ Ngũ hạm đội tại vùng Bahrain và tuần tiễu trên vùng Vịnh để giữ cho đường thủy chở dầu được lưu thông.
Trong chiến lược ngăn chặn Iran không cho quốc gia này chế tạo bom nguyên tử, ngoài việc bảo vệ Do Thái, Hoa Kỳ còn bị áp lực của Saudi Arabia. Lý do là hai xứ Iran và Saudi Arabia là hai kẻ thù không đội trời chung. Iran được coi như cầm đầu các xứ theo Shiite, trong khi Saudi Arabia là quán quân cho phe Sunni của Hồi Giáo. Thế chiến lược địa dư hiện nay tại vùng Trung Đông có thể coi như một cuộc tranh chấp đẫm máu giữa hai giáo phái Sunni và Shiite của Hồi Giáo. Hiện nay cuộc nội chiến tại Syria đã biến thể để thành chiến tranh giữa Shiite với phe của Assad và Iran ủng hộ, với phe Sunni của đa số dân Syria được Saudi Arabia và các vương quốc vùng Vịnh yểm trợ. Đây chính là lý do Saudi Arabia đã bất mãn đến cùng cực khi Tổng Thống Obama chùn chân không chịu cho tấn công Assad năm ngoái sau vụ thảm sát dân lành bằng vũ khí hóa học. Quốc Vương Abdullah của Saudi Arabia đã coi đây là một sự phản thùng của Obama, không chịu tiến tới trong việc yểm trợ phe Sunni để lật đổ Assad như Saudi Arabia đã mong muốn.
Tuy nhiên việc Obama trở mặt vào phút chót đối với Saudi Arabia đã cho thấy một điều rõ ràng. Là ảnh hưởng của Saudi Arabia đối với Hoa Kỳ đã không còn được như trước. Obama đã tính toán là vùng Trung Đông không còn giữ vai trò quan trọng như khi Hoa Kỳ bị lệ thuộc vào Saudi Arabia về dầu hỏa và cần phải giữ cho Saudi Arabia hài lòng bằng mọi giá, kể cả việc gây ra thêm một cuộc chiến tranh khác như tại Syria. Với mức dầu hỏa sản xuất tại Hoa Kỳ chỉ trong thời gian ngắn sắp đến sẽ làm Hoa Kỳ độc lập về dầu hỏa, Saudi Arabia đã mất đi thế đòn bẩy để áp lực Hoa Kỳ bằng dầu. Nên việc Obama trở mặt với vua Abdullah của Saudi Arabia trong vụ Syria vừa qua có thể coi như bước đầu trong thề chiến lược thay đổi của Hoa Kỳ tại vùng Trung Đông, khi Hoa Kỳ đã nắm được thế thượng phong với vũ khí chiến lược dầu hỏa.
Cũng thế, lý do để Iran phải chịu vào bàn thương thuyết với Hoa Kỳ về việc tinh luyện nhiên liệu uranium cho bom nguyên tử, cũng do Hoa Kỳ đã trên chân về vũ khí dầu hỏa. Iran trước giờ đe dọa sẽ cho phong tỏa eo biển Hormuz để chặn đường biển chở dầu hỏa từ các xứ vùng Vịnh, kể cả Saudi Arabia. Nhưng vớiHoa Kỳ gia tăng mức sản xuất dầu do fracking, thế đòn bẫy này của Iran không còn nữa. Hoa Kỳ trong những năm của thời George Bush hay Clinton đã không thể dùng những biện pháp chế tài kinh tế khắt khe với Iran chỉ vì sợ Iran làm thật để phong tỏa eo biển Hormuz và làm rối loạn kinh tế toàn cầu khi giá dầu lên vài trăm Mỹ Kim một thùng.
Nhưng khi áp lực đòn bẫy này của Iran không còn nữa, Obama đã có thể cho áp dụng các biện pháp chế tài kinh tế khắt khe nhất mà không sợ Iran phản ứng lại. Điều làm cho Iran phải qui hàng và chịu vào bàn thương thuyết chính là đòn cô lập Iran về ngân hàng và tín dụng. Các ngân hàng trên toàn cầu không thể giao dịch với Iran nên xứ này bị loại ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, không thể bán dầu lấy dollar được, chỉ có thể trao đổi hàng hóa với Trung Hoa, Ấn Độ….. nên đã bị thiệt hại nặng và sụp đổ kinh tế. Như thế một khi Hoa Kỳ chiếm thế thượng phong trong vũ khí chiến lược dầu hỏa, các bài tính chiến lược của vùng Trung Đông đã phải thay đổi hết và đem lại những giải quyết cho vấn đề Iran nhức đầu cho Hoa Kỳ hàng bao nhiêu năm nay.
Trong cuộc khủng hoảng mới nhất hiện nay tại Ukraine, vũ khí chiến lược dầu hỏa và khí đốt cũng đã trở thành thế lực mạnh nhất cho các tính toán của Putin và Obama trong việc đối chọi giữa Nga và thế giới Tây Phương hiện nay. Hoa Kỳ và Âu Châu gần như đã chấp nhận cho Putin chiếm Crimea, nhưng muốn ngăn chặn những tham vọng kế tiếp của Putin là chiếm luôn miền phía Đông và Nam Ukraine, phân chia xứ này ra làm hai, nửa theo Nga, nửa theo Tây Âu. Putin có thế đòn bẫy là cung cấp khí đốt cho Âu Châu bằng các ống dẫn khí đốt này chạy ngang qua lãnh thổ Ukraine. Nếu Hoa Kỳ và Tây Âu làm dữ, nhất định trừng phạt Nga nặng nề hơn bằng các biện pháp kinh tế và loại Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, Putin có thể phản ứng lại bằng cách cho khóa các ống dẫn khí đốt này và 60% nhà cửa của Tây Âu sẽ lạnh cóng vì thiếu hơi đốt!
Ngoài ra Nga cũng là xứ sản xuất dầu và cung cấp cho Âu Châu nên ngoài khí đốt, dầu hỏa sẽ bị khan hiếm với giá tăng vọt cho dân chúng Âu Châu. Hoa Kỳ có thể cho xuất cảng hơi đốt sang Âu Châu bằng cách cho đông lạnh liquefied natural gas và dùng tầu tanker chở băng ngang qua Đại Tây Dương cung cấp cho khí đốt cho Âu Châu. Nhưng những cơ sở để làm đông lạnh hơi đốt tại Hoa Kỳ và các cơ cấu hạ tầng chưa có sẵn tại Hoa Kỳ và sẽ mất hai ba năm để có thể thay thế toàn bộ lượng khí đốt Âu Châu nhập cảng từ Nga.
Cũng thế tuy Hoa Kỳ trong tương lai có thể dư thừa dầu hỏa để xuất cảng sang Âu Châu. Nhưng hiện nayHoa Kỳ vẫn còn lệnh cấm xuất cảng dầu do Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành luật này từ đầu thập niên 70’s khi dân chúng Hoa Kỳ phải xếp hàng để mua xăng! Muốn xuất cảng dầu, Hoa Kỳ phải bỏ luật cấm này. Nhưng hiện vẫn còn bị kỹ nghệ lọc dầu chống đối và chưa ra luật được! Lý do là các nhà máy lọc dầu hưởng lợi do việc mua dầu sản xuất tại Hoa Kỳ giá rẻ, cho lọc dầu và bán với giá của thị trường toàn cầu cao hơn nhiều. Nếu bỏ luật cấm xuất cảng dầu, các nhà máy lọc dầu sẽ phải mua dầu sản xuất nội địa với giá cao hơn nên không còn lời nữa! Vì sự chống đối của các kỹ nghệ lọc dầu, đạo luật cấm xuất cảng dầu vẫn chưa bỏ được!
Tuy nhiên nếu tình hình tại Ukraine trở thành tồi tệ hơn và Putin cho chiếm thêm đất xứ này, dĩ nhiên Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ phải bỏ luật cấm xuất cảng làm lợi cho thiểu số lọc dầu để bảo vệ cho chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ chống lại Nga!
Tuy vậy chỉ cần đe dọa là Hoa Kỳ sẽ thực hiện việc cung cấp khí đốt đông lạnh cho Âu Châu và sẽ cho xuất cảng dầu hỏa sang, dù phải mất hai ba năm nữa, cũng đủ để cho Putin phải chùn chân và tính toán lại nếu không muốn thấy kinh tế Nga đi vào chỗ sụp đổ như Iran hiện nay.
Đây là thế đòn bẫy quan trọng vì Nga hiện nay có thể được coi như một thứ Saudi Arabia thứ hai, gần như hoàn toàn chỉ sống bằng việc xuất cảng dầu hỏa và khí đốt. Kinh tế của Nga được coi là lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi thiên nhiên. Putin có mua chuộc được giới quân sự và được nhiều nhóm dân chúng ủng hộ, thực ra cũng nhờ vào các nguồn lợi do xuất cảng năng lượng này. Nên khi Hoa Kỳ có lợi thế hơn về vũ khí chiến lược dầu hỏa, thế đòn bẫy này của Nga đã giảm đi nhiều hiệu quả.
Và trong sự tính toán của Putin hiện nay, liệu việc chiếm thêm đất của Ukraine sẽ phải trả giá quá đắt do việc Hoa Kỳ và Âu Châu loại Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, cũng như trong hai ba năm đến sẽ ngưng mua dầu hỏa và khí đốt từ Nga. Lúc đó chắc chắn kinh tế Nga sẽ xuống dốc không phanh và sụp đổ dễ dàng. Putin dĩ nhiên sẽ tính toán lợi hại với các giả sử và bài tính khác nhau để chọn con đường đi tới trong vài tháng sắp đến. Việc Putin gọi điện thoại thẳng nói chuyện với Obama trong hai tiếng đồng hồ và cho ngoại trưởng Lavrov gặp ngoại trưởng John Kerry tuần qua là dấu hiệu Putin có thể cũng đã chùn chân và lạnh cẳng trước những đe dọa của Hoa Kỳ về năng lượng và phải tính lại hết các bài tính chiến lược mới!
Như vậy chỉ với một tiến bộ kỹ thuật mới về đào dầu, Hoa Kỳ đã làm thay đổi hẳn cục diện cho các thế chiến lược và chính trị địa dư của toàn cầu. Chỉ trong vòng ba năm, Hoa Kỳ đã chiếm thế thượng phong đối với vũ khí chiến lược dầu hỏa và nhờ đó thay đổi hẳn các tính toán cho vùng Trung Đông cũng như cho Âu Châu hiện tại. Kẻ thù tương lai và nguy hiểm nhất cho Hoa Kỳ hiện nay là Trung Hoa cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ vì ưu thế mới này của Hoa Kỳ đối với vấn đề năng lượng.
Điều đầu tiên là những kỹ nghệ sản xuất về solar panels, chế các tấm bảng đổi ánh sáng mặt trời ra điện của Trung Hoa hiện nay đã bắt đầu bị phá sản. Trong mấy năm trước, Trung Hoa đã chiếm đến 80% thị trường về kỹ nghệ này. Nhưng với giá dầu đi xuống, mức sản xuất dầu nội địa Hoa Kỳ đi lên, các kỹ nghệ về năng lượng mặt trời đều bị phá sản hết! Và Trung Hoa đầu tư nặng về các ngành này sẽ bị ảnh hưởng nặng! Đây chỉ là một điểm nhỏ trong những chiều hướng thay đổi lớn trên toàn cầu do các tiến bộ về kỹ thuật đem lại.
Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế của Trung Hoa trong vài thập niên qua, thực sự chỉ do Hoa Kỳ, Tây Âu và Nhật sai lầm đầu tư quá trớn vào Trung Hoa và thiếu suy nghĩ cho các hậu quả tương lai. NhưngTrung Hoa không thể so sánh với Hoa Kỳ về phương diện tiến bộ kỹ thuật, chỉ biết học lén, ăn cắp và lường gạt các nhà đầu tư ngoại quốc. Nên hiện nay kinh tế Trung Hoa đã chậm lại và nhiều phần sẽ đi vào suy thoái nặng trong tương lai.
Tóm lại Hoa Kỳ vẫn là quốc gia hàng đầu của thế giới với những phát minh và tiến bộ kỹ thuật mới mẻ. Chỉ với một phương cách đào dầu tân tiến, Hoa Kỳ đã làm thay đổi hẳn những thế tính toán chiến lược địa dư trên toàn cầu. Tất cả nhờ vào vũ khí dầu hỏa nay đã trở thành ưu thế chiến lược cho Hoa Kỳ để chống lại với các kẻ thù cũ như Iran, Nga. Cũng như đối với kẻ thù mới trong tương lai chính là Trung Hoa vậy!
Nguồn: Baomaiblog