Quê Hương Ba Miền.
Tôi đã đi qua nhiều nơi trên thế giới nhưng không nơi nào giống như Quê Hương Ba Miền của tôi. Tuy không có những công trình vĩ đại được xây dựng bởi mồ hôi nước mắt và cả mạng sống của biết bao nhiêu người dân, không có những di tích lịch sử tồn tại qua bao nhiêu thế kỷ, không có những nhà cửa sang trọng trang bị bởi những kỹ thuật hiện đại nhưng Quê Hương Ba Miền của tôi có cái gì đó rất thiêng liêng. Quê Hương Ba Miền của tôi rất nghèo và chắc mãi mãi vẫn nghèo nhưng đó là nơi tôi đã lớn lên, đã được giáo dục và đào tạo thành người. Những xóm nhà tranh vách đất là những hình ảnh quá quen thuộc của tuổi thơ. Những tiếng chổi quét đường vang lên trong một đêm thanh vắng, những tiếng rao hàng của những bà mẹ giữa đêm khuya ở một thành phố ồn ào náo nhiệt hay tiếng nghêu ngao ba câu vọng cổ của một anh say men rượu cất lên để làm vơi đi những cực khổ của một ngày lao động... , đó là những âm điệu đã ghi sâu trong tiềm thức của tôi. Tôi xin ghi lại đây những nơi tôi đã đi qua và tự hứa sẽ tiếp tục đi thăm nhiều nơi nữa của Quê Hương Ba Miền của tôi.
Quê Hương Miền Bắc:
Hà Nội là trung tâm của Quê Hương Miền Bắc, là thành phố Thăng Long được xây dựng từ thời Nhà Lý vào thế kỷ thứ XI với Chùa Một Cột, tuy không còn là nguyên thủy nhưng Chùa Một Cột là biểu tượng của thành phố. Một tượng đài cao hơn 10m khắc họa hình tượng một người đứng rất uy nghiêm, đầu đội mũ bình thiên, tay phải cầm “Chiếu dời đô”, tay trái chỉ đến nơi định đô, mắt nhìn ra bờ hồ là một công trình kiến trúc văn hoá đẹp, nhằm tôn vinh Vua Lý Thái Tổ (974-1028), người có công khai sáng kinh thành Thăng Long. Một kinh thành Thăng Long tồn tại qua các triều đại Lý, Trần, Lê với những chiến công oanh liệt chống ngoại xăm và cũng là vùng đất ngàn năm văn hiến. Hà Nội ngày nay với hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm nằm giữa trung tâm thành phố, hiện rõ trên mặt hồ là Tháp Rùa, là cầu Thê Húc đỏ chóí dẫn qua Đền Ngọc Sơn. Hà Nội với Ba Mươi Sáu Phố Phường, là những khu phố cổ với những nét truyền thống riêng biệt. Hãy tạm trú trong khu phố cổ nầy để hòa mình với sinh hoạt của dân Hà thành, để thưởng thức những món ăn miền Bắc độc đáo không nơi nào giống như ở những khu phố nầy.
Sà Pa thuộc tỉnh Lào Cai nằm về phía bắc Hà Nội, là một thành phố nghỉ mát ở miền cao, nơi mà nhiều sắc tộc thiểu số sống chung hòa hợp với nhau. Từ Hà Nội lên Sà Pa có thể bằng xe hỏa ngủ qua đêm hay bằng khoảng sáu giờ đường bộ. Phong cảnh đồi núi của Sà Pa với những ruộng bậc thang trông như những bức tranh tuyệt đẹp. Hãy đi sâu vào những bạn mường để thấy những sắc dân với những y phục sặc sở khác nhau, những cô gái ngây ngô nhưng không kém phần xinh đẹp, những phụ nữ quấn những vòng xoắn làm cổ cao cả tấc trông rất lạ mắt. Vườn hoa Hàm Rồng với nhiều loại hoa quý khác nhau được xây dựng theo địa thế thiên nhiên với hàng ngàn bậc đá, đứng ở đỉnh cao nầy du khách có thể nhìn thấy toàn bộ Sà Pa ẩn hiện trong sương mù phía dưới.
Phan Xi Păng là ngọn núi cao nhất được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương” thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách trung tâm thị xã Sà Pa khoảng 9 km về phía tây nam, nằm giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Phải mất năm hay sáu ngày mới leo lên được đỉnh núi. Đứng ở đây du khách có cảm giác như đứng trên mây với núi đồi trung trung điệp điệp bốn hướng. Tôi hãnh diện đã đứng trên đỉnh núi Phan Xi Păng nầy…, nhưng tôi chỉ mất 15 phút bằng hệ thống cáp treo. Cáp treo ba dây với ga đi và ga đến được xây dựng bởi một quốc gia Âu Châu bằng những kỹ thuật hiện đại nhất, gồm 6 cột trụ chính, cột nầy cách cột kế tiếp 1km và đã chiếm hai kỹ lục thế giới với độ chênh lệch theo chiều cao giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1.410 m) và dài nhất thế giới (6.325 m). Từ nhà ga đến lên cột mốc đỉnh Phan Xi Păng, du khách sẽ phải leo thêm 600 bậc thang đá. Một xe điện đường sắt có dây xích giúp du khách gìa như tôi vượt qua 500 bậc thang đá đầu. Như vậy tôi chỉ bước lên 100 bậc thang đá cuối để leo lên đỉnh núi Phan Xi Păng cao 3.147m.
Vịnh Hạ Long nằm trong vùng vịnh Bắc Bộ đã được UNESCO nhiều lần công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới với hàng nghìn hòn đảo được làm nên bởi tạo hóa kỳ vĩ và sống động. Nổi bật với hệ thống đảo đá và hang động tuyệt đẹp nên Vịnh Hạ Long là một điểm du lịch rất hấp dẫn với du khách trong nước và ngoài nước. Du khách có thể tạm nghỉ ở khách sạn tại thành phố Hạ Long và dùng du thuyền để đi tham quan các đảo trong vùng. Thành phố Hạ Long có đầy đủ những khách sạn sang trọng, những vườn hoa, những khu giải trí, những du thuyền đi tham quan các đảo xa gần. Du khách cũng có thể ở hẳn trên thuyền lớn với đầy đủ mọi phương tiện ăn ngủ và qua đêm tại một hòn đảo nào đó cách xa thành phố.
Hoa Lư, Tam Cốc thuộc tỉnh Ninh Bình ở phía nam Hà Nội là những địa điểm không thể thiếu cho một du khách đến thăm Quê Hương Miền Bắc. Hoa Lư bao quanh ba phía bởi đồi núi và trước mặt bởi sông ngòi là cố đô đầu tiên của nhà Đinh, nhà Lê với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống, dẹp Chiêm. Tam cốc hay “Vịnh Hạ Long trên cạn”, là ba hang Cả, Hai và Ba. Cả ba hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi. Đó là khu vực bao gồm hệ thống các hang động núi đá vôi và các di tích lịch sử liên quan đến “Hành Cung Vũ Lâm” hay căn cứ quân sự chống ngoại xâm của triều đại nhà Trần. Phải dùng ghe nhỏ một người chèo để vào Tam Cốc, đi về mất khoảng hơn hai giờ.
Quê Hương Miền Trung:
Huế là trung tâm Quê Hương Miền Trung, là Thuận Hóa, là Cố Đô Huế của triều đại vua chúa Nhà Nguyễn. Huế với Sông Hương, Núi Ngự, với Chùa Thiên Mụ là biểu tượng của thành phố. Sông Hương chia đôi thành phố Huế. Phía tả ngạn là những cung điện của vua chúa Nhà Nguyễn bao quanh bởi Thành Nội, với Kỳ Đài cờ bay phất phới trong gió lộng, với chùa Thiên Mụ, chợ Đông Ba. Phía hửu ngạn là những trung tâm hành chánh, là núi Ngự Bình trước tròn sau méo, là sông An Cựu nắng đục mưa trong, là nhà thờ Phú Cam, là chùa Từ Đàm, là trường Quốc học nổi tiếng và trường Đồng Khánh xưa, cũng là đường qua Vỹ dạ và đến bãi bể Thuận An, Hai phía tả và hửu ngạn của Huế được nối bởi cầu Tràng Tiền sáu vai mười hai nhịp. Ngược dòng sông Hương du khách sẽ đến những lăng tẩm của các vua Nhà Nguyễn. Các du khách đến Huế không thể thiếu một đêm nghe nhạc giữa sông Hương, nghe nhạc chứ không nghe lời. Những ai còn đủ sức hãy ngủ đò trên sông Hương một đêm đển lưu lại một kỷ niệm trọn đời. Du khách cũng không thể thiếu những món ăn của Huế, hãy đến quán Âm Phủ để ăn cơm hến, hãy đến quán Mụ Đỏ để thưởng thức những món Huế vừa ngon vừa rẻ.
Từ Huế tiến về phía bắc theo Quốc Lộ số 1 vừa qua khỏi thị xã Đông Hà thuộc tỉnh Quảng Trị du khách sẽ đến cầu Hiền Lương, cầu đã từng chia cắt hai miền Nam Bắc. Du khách cũng không thể không ghé qua nhà thờ La Vang với bức tượng Đức Mẹ đứng nguyên giữa bom đạn tàn phá của chiến tranh. Du khách hãy dừng lại tại tỉnh Quảng Trị một lúc để thương cho một vùng đất đã trở thành bình địa đang trên đường phục hồi.
Tiếp tục tiến về phía bắc theo Quốc Lộ số 1 du khách sẽ đến Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình. Tỉnh Quảng Bình được cả thế giới biết đến nhờ có nhiều hang động với quy mô và vẻ đẹp ấn tượng, khiến du khách quốc tế mong ước khám phá. Nhiều hang động đã được khám phá và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan như động Phong Nha, động Thiên Đường....Du khách vào những động nầy như vào nhưng cung điện huyền bí đã được tạo hóa xây dựng qua hàng triệu năm, không có thể dùng lời mà diển tả hết những vẻ đẹp của những hang động nầy. Ngày nay nhiều nhà thám hiểm quốc tế chịu bỏ một số tiền lớn để được phép và được hướng dẫn vào Sơn Đoong, một động được xem là lớn nhất thế giới và đang ở trong thời kỳ khám phá. Sau khi khám phá một phần của Sơn Đoong họ cho biết bên trong hang động giống như “không phải ở trái đất này”. Tôi hy vọng một ngày nào đó được bước chân vào Sơn Đoong.
Tiến về phía nam theo Quốc Lộ số 1 du khách sẽ đến đèo Hải Vân. Nếu du khách sợ đường đèo quanh co hiểm trở thì có thể dùng đường hầm, nhưng phải đứng trên đèo Hải Vân du khách mới thấy được vẻ đẹp của Quê Hương Miền Trung. Bên nay là Lăng Cô với bãi cát trắng xóa chạy dài theo bờ biển và bên kia xa xa là thành phố Đà Nẳng. Đà Nẳng trên đường phát triển mạnh với 6 cầu bắc qua sông Hàn mà đẹp nhất là cầu Hàm Rồng phun lửa vào những ngày cuối tuần. Phía nam Đà Nẳng là núi Ngũ Hành Sơn có cảnh quan hùng vĩ với những ngọn đá rêu phong cổ kính cùng nhiều công trình kiến trúc văn hóa và lịch sử đặc sắc. Du khách đến Đà Nẳng không thể không đi tham quan Bà Nà Hills cách Đà Nẳng 25 km về phía tây nam, một công trình xây dựng có một không hai. Hệ thống cáp treo sẽ đưa du khách lên đỉnh cao 1.500m. Du khách sẽ bước qua cầu Vàng với hai bàn tay khổng lồ của một vị thiên thần nâng đỡ thân cầu, và sau đó như bước vào một chốn thiên thai.
Phía nam Đà Nẳng là thành phố Hội An, một thành phố cổ đã có từ hàng trăm năm trước và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hãy đến thành phố Hội An nầy để có cảm giác như bước vào một xã hội mấy trăm năm về trước. Du khách hãy thưởng thức một món ăn độc đáo của Hội An là món cao lầu, hãy bám vào một anh xe ôm, anh ta sẽ đưa du khách đến quán cao lầu nổi tiếng cha truyền con nối mấy đời.
Tiếp tục tiến về phía nam theo Quốc Lộ số 1 du khách sẽ đến thành phố Nha Trang. Du khách có thể bay đến Cam Ranh và dùng xe buýt công cọng để về Nha Trang nhưng hãy thử bước lên một xe đò có ghế ngủ rất thoải mái ở Đà Nẳng, ngủ một giấc sau một ngày đi đó đi đây quá mệt mỏi và khi mở mắt thì đã đến Nha Trang. Nha Trang là một thành phố biển với những bãi cát sạch sẽ, những khu giải trí cho mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt nhất là đi tắm bùn. Có xe đưa đón từ khách sạn đến những khu tắm bùn ở Tháp Bà hay ở i-resort. Ngâm trong nước bùn khoảng 20 phút và sau đó trong nước suối nóng du khách sẽ cảm thấy toàn thân vô cùng thoải mái. Khi trời tối du khách hãy ngồi dọc lề đường để thưởng thức một tô bún bò Huế hay một con tôm hùm nướng vừa nhấm nháp một long bia cũng khá đủ để kết thúc một ngày du lịch.
Chặng đường cuối của Quê Hương Miền Trung là thành phố Đà Lạt. Du khách có thể bay lên phi trường Liên Khương ở khá xa thành phố nhưng hãy thử bước lên một xe minivan ở Nha Trang và du khách sẽ được ngắm phong cảnh quá đẹp khi xe chạy quanh co trên đường đèo để lên Đà Lạt. Đà Lạt vẫn thơ mộng như ngày nào với những hàng thông xanh, với hồ Xuân Hương ẩn hiện trong sương mù buổi sáng. Những ai đọc những dòng chử nầy, nếu có dịp lên thăm Đà Lạt hãy đến ngủ qua đêm tại nhà trọ Dalat l’Auberge Ami và lăn xả vào bếp để cùng bà chủ sửa soạn một bửa cơm ấm cúng của những kẻ đồng hương.
Quê Hương Miền Nam:
Saigòn với Lăng Ông Bà Chiểu từ xưa là biểu tượng của thành phố. Nhưng tôi nghĩ Saigòn ngày nay đang ở thời kỳ “lột xác” có tòa nhà Bitexco xinh đẹp phải là biểu tượng mới của thành phố. Saigòn vẫn ồn ào náo nhiệt như ngày nào nhưng nhiều khu phố đã được kiến trúc như một thành phố nhỏ trong một thành phố lớn Saigòn như khu Phú Mỹ Hưng ở Quận 7 hay mới hơn khu Vinhomes Central Park ở cuối đường Nguyễn Hữu Cảnh thuộc Quận Bình Thạnh. Vinhomes là những khu phố với đưởng sá sạch sẻ ngay thẳng, các vườn hoa rộng lớn, với nhà thương tối tân, trường học các cấp, những siêu thị đủ mọi loại hàng, những tiệm ăn quốc tế sang trọng và cả ngàn căn hộ trong những cao ốc trang bị với những tiện nghi hiện đại nhất. Đứng ở tầng chót của Landmark 81 cao gần 462m trong khu Vinhomes nhìn xuống, tôi thấy sông Saigòn uốn quanh thành phố và vô số những cao ốc lẩn lộn với những ngôi nhà lụp xụp cũ kỷ còn tồn tại.
Ngoài Vũng Tàu, Quê Hương Miền Nam có nhiều khu nghỉ mát sang trọng khác như Côn Sơn, Phú Quốc. Tôi đã bay đến Côn Sơn để vừa nghỉ mát vừa đi đến những nhà tù của một thời xa xưa. Tôi đã đến Rạch Giá nhiều lần nhưng lần nầy là dùng Rạch Giá làm trạm để đi tàu ra đảo Phú Quốc, đảo đang ở thời phát triển mạnh. Tạm trú trong một bungalow sát biển ở Phú Quốc và hầu như trần trường phơi mình trên bải cát, tôi có cảm giác quá gần gủi với thiên nhiên. Cũng từ Rạch Gía tôi đi xe hơi tới Hà Tiên nằm sát biên giới. Trên đường đi vào Hà Tiên một bức tượng Mạc Cửu to lớn được dựng lên để ghi nhớ công ơn của người Minh hương nầy đã xây dựng nên thị xã.
Tôi đã về miền Tây nhiều lần qua những cầu hiện đại cao vời vợi bắc qua sông Tiền, sông Hậu, nhìn xuống tôi thấy vô số ghe thuyền xuôi ngược trên sông. Tôi đã nhiều lần ngồi ăn trên những tiệm ăn nổi ở bến Ninh Kiều của thành phố Cần Thơ vừa nghe nhạc vọng cổ mà cảm thấy gần gủi với dân địa phương. Từ Cần Thơ tôi đã đi xe đò đến thi xã Cà Mau. Đối với dân thị thành, Cà Mau không còn là chốn hoang dã nữa, cũng như những thành phố khác ở miền tây thị xã cũng đang vươn lên với những khách sạn và tiệm ăn để phục vụ cho du khách. Từ thị xã Cà Mau tôi đã đi ghe xuống Đất Mủi, danh từ dân địa phương gọi vùng đất cực nam của Quê Hương Miền Nam. Ghe len lỏi giữa vô số sông rạch chằng chịt và hai bên bờ là những rừng tràm bát ngát. Người hướng dẫn cho biết mốc cực nam nầy phải di chuyển nhiều lần về phía nam vì đất lở bên nầy và bồi đắp bên kia.
Từ thị xã Cà Mau tôi tiếp tục hành trình và không quên ghé qua tỉnh lỵ Bạc Liêu và tạm ngủ ở khách sạn đã từng là nhà ở của công tử Bạc Liêu. Tôi được nghe những giai thoại về Bạch công tử, Hắc công tử kể một cách hảnh diện từ ông quản lý khách sạn. Qua câu chuyện được nghe tôi nghĩ tạo hóa đã ưu đải Quê Hương Miền Nam quá nhiều với những đồng ruộng cò bay thẳng cánh, những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú trên cạn và dưới sông.
Tôi xin mượn bốn câu thơ sau của một thi sĩ để kết thúc bài viết này:
“Quê hương mang nặng nghĩa tình,
Quê hương tôi đó đẹp xinh tuyệt vời.
Quê hương ta đó là nơi
Chôn rau cắt rốn người ơi nhớ về.”
Lê Quý Thể