NHÂN NGÀY QUÂN LỰC VNCH
Khi chẳng thêm được chứng chỉ nào ở trường Luật, tôi bình thản đi trình diện nhập ngũ. Cựu tướng TTĐính chủ nhiệm báo Công Luận, là nơi tôi đang phụ trách trang TN cùng anh Duyên Anh, viết giấy giới thiệu tới Trung tâm 3. Họ cầm chân một thời gian, tôi thấy mệt mỏi quá xin nhập ngũ ngay. Đơn giản tôi chấp nhận: làm trai không học tới tuổi thì phải đi lính. Lúc này tôi đã 22. Quân trường 3 tháng Quang Trung rồi tiếp 6 tháng Thủ Đức. Tưởng rằng đời trai sang trang khi bước vào binh nghiệp có bom rơi có đạn réo, nhưng đơn vị tôi về nằm ngay trung tâm thành phố. Là một đơn vị huấn luyện nhỏ trực thuộc Bộ Quốn phòng, quan quân không biết được 100. Chủ yếu là cấp đại tá, cá biệt vài khóa có một trung tá hay chuẩn tướng theo học, thêm vài ba cấp giám đốc trong chính quyền cũng là tiêu chuẩn học viên của trường. Trường Cao Đẳng Quốc Phòng. Vài tháng sau tôi mới biết họ “moi” tôi từ quân trường ra vì đơn vị cần xuất bản một tờ báo, Tập san Quốc phòng. Không hiểu sao tổng cục Chiến tranh Chính trị hay cục Tâm Lý Chiến đầy rẫy những chuyên môn kỳ cựu họ không “bốc” về. Mình tôi chạy nhà in, mình tôi đi nhận bài. Quân sự thì có các tướng lãnh (Taylor, Valuxem..) Chính trị thì có các chính khách, các nhà tư tưởng ( NMC, CTD…) Kinh tế thì có các thày của tôi ở trường Luật. Một năm sau khi đã ổn định tờ báo có nhà in riêng rồi tòa soạn mới tăng cường một đại úy, từ trường CTCT Đàlạt (một cây bút cộm cán nhóm Sáng tạo được nể trọng trong văn học) Vài năm sau nữa một trung tá (cựu chủ nhiệm nhật báo quân đội Tiền Tuyến) cũng kê bàn trong nhà in riêng do tôi quản đốc. Song song với nhiệm vụ trong quân đội, khi này tôi cũng phụ trách vai trò thư ký tòa soạn cho một tuần báo ở ngoài. Công việc bận rộn chạy tới lui nhiều tôi lười mặc quân phục (kaki vàng, đội cátkết, lon cầu vai) các vị úy tá chung phòng cũng bắt chước theo tôi mặc thường phục đi làm luôn.
Đến bây giờ, sau rất nhều năm trút bỏ quân phục, tôi còn thấy những người lính năm xưa giờ đã già, vẫn tìm cho mình khoác lại màu áo binh chủng rằn ri mũ đỏ hay mũ xanh…nhớ lại một thời đã làm nghĩa vụ người trai thời chiến, xông xáo khắp mặt trận, hãnh diện có mặt trong hàng ngũ QLVNCH, tôi thực sự thắt lòng. Binh nghiệp của tôi quá đơn giản, một đơn vị một nhiệm vụ, không có gì đáng nhớ đáng kể. Nhưng không cùng chiến tuyến chiến hào, chúng tôi một thời trẻ, cũng cùng chung một mặt trận, chiến đấu bảo vệ thành trì tự do.
Nhớ hồi mới ra trường mang lon chuẩn úy, tôi cùng anh DA qua cục Tâm Lý Chiến (là tòa soạn báo Tiền Tuyến và báo Chiến sĩ Cộng hòa) Đài phát thanh Quân Đội cũng phát sóng ở đây. Chúng tôi gặp ca sĩ Quỳnh Giao, phụ trách một chương trình các văn nghệ sĩ với quân đội. Cô ca sĩ này có âm vực cao như chim họa mi, hót líu lo suốt cuộc phỏng vấn khiến chuẩn úy babilac tôi không kịp…đỏ mặt (anh DA trêu). Hỏi đáp dài nhưng tôi chỉ nhớ một ý nhỏ trong câu trả lời: Những văn nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp rất đa dạng và rất tốt trong mọi lãnh vực để tôn vinh hình ảnh người lính, chắc chắn tôi sẽ không làm được như họ. Nhưng với nhiệm vụ mình đảm trách, tôi vẫn hãnh diện có mặt trong hàng ngũ của QLVNCH như bao đồng đội khác.
Niềm hãnh diện ấy, “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, tôi không ở tuyến đầu của cuộc chiến khốc liệt để vào sinh ra tử, hứng những tang thương, mất mát. Nhưng khi cuộc chiến tàn thì tôi lãnh nhận đầy đủ những bi ai nhục nhằn của một đội quân khi rã ngũ. Khi ấy 27, tôi vẫn là một thanh niên thời chiến, thản nhiên chấp nhận tàn một đời trai.
Nhưng không hẳn thế, 10 năm sau đó tôi mới thực sự trả xong nợ một thời để bình thản bước qua một thời khác. Chuyện văn võ xếp lại thì an ủi tôi vẫn làm quan hiển hách theo chân thi hào Tú Xương. Bốn con làm lính bố làm quan. Hihi, bây giờ khi các con lớn khôn đã làm quan thì bố tự động lên hàng khanh tướng. Như thế đấy. Nhưng xin đừng hỏi khẽ hỏi khéo hỏi khich chuyện tướng ăn lương ở đâu nhé. Chiếu đời mâm cỗ vinh nhục có phúc có phần, thời trẻ trai hay khi trai chẳng còn trẻ thì cũng thế thôi, miễn sao mình đừng ham hố.
(FB ĐINH TIẾN LUYỆN)
(FB ĐINH TIẾN LUYỆN)
Gửi ý kiến của bạn