Những giờ phút cuối cùng của hai Tướng Lê Văn Hưng và Nguyễn Khoa Nam – Larry Englemann
(24.04.2007)
Triệu Phong dịch từ “Surrender to the advancing NVA was an unthinkable dishonor worse than death to Maj. Gen. Le Van Hung,” bài phỏng vấn bà Phạm Thị Kim Hoàng, phu nhân của Tướng Lê Văn Hưng dành cho phái viên Larry Englemann, đăng trên nguyệt san Vietnam số tháng 12, 1990.
Mùa Xuân năm 1975 chồng tôi, Thiếu Tướng Lê Văn Hưng của quân lực VNCH đang đồn trú tại Cần Thơ, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi đây ông đang giữ chức vụ Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV. Tư Lệnh Quân Đoàn bấy giờ là Trung Tướng Nguyễn Khoa Nam.
Sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, cấp lãnh đạo quân sự miền Nam nói chung hầu hết đều trở nên bất lực hoặc bất khả tín.
Không còn thực quyền và bị cô lập trong vai trò chỉ huy của mình là các tướng Phạm Văn Phú và Ngô Quang Trưởng. Phạm Văn Phú là Tư Lệnh Quân Đoàn II nơi có thành phố Ban Mê Thuột, và Ngô Quang Trưởng nắm quyền Tư Lệnh Quân Đoàn I gồm các tỉnh cực bắc của Nam VN, trong đó có Huế và Đà Nẵng.
Trong số những cấp chỉ huy còn lại, chồng tôi bất tín nhiệm các tướng, Nguyễn Văn Toàn, người coi Quân Đoàn III bao gồm khu vực chung quanh Thủ Đô Sài Gòn, và Cao Văn Viên, người nắm chức Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH.
Sự thật là vào năm 1975 ở Miền Nam, niềm tin không còn ngay cả đối với người chân thật lẫn người chống Cộng đích thực.
Khi tin ba Quân Đoàn I, II, và III bị thất thủ loan đến Cần Thơ, chúng tôi được biết nhiều nơi đã tự ý bỏ ngỏ mà không kháng cự, trong khi những nơi khác vẫn đang còn những trận giao chiến quyết tử ác liệt. Tuy vậy, đâu đâu cũng thấy lính tráng mất đơn vị chạy loạn từng đoàn, từng lũ như bầy vịt bị săn rượt. Tinh thần chiến đấu của quân đội xuống thấp, hỗn loạn xảy ra ở khắp nơi.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm và Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên, người mà chồng tôi không phục, đã để cho đất nước mất vào tay quân thù. Giờ phút này còn ai để lèo lái công cuộc chiến đấu? Lính không có cấp chỉ huy – thuộc hạ thấy cấp lãnh đạo của mình trốn chạy. Người quân nhân chỉ còn biết tự vấn mình, “Trong hằng mấy năm qua, mình chiến đấu cho ai, đất nước hay chỉ cho một nhóm người cầm quyền thối nát?”
Chồng tôi đâu có nhẹ dạ sau khi nghe TT Thiệu tuyên bố từ chức mà còn khẳng định là sẽ vẫn ở lại với quê hương. Tướng Hưng biết chắc ông sẽ làm ngược lại điều ông tuyên bố, mà quả đúng không sai, ông ta đã trốn đi.
Mặc dù Sài Gòn đang lâm vào tình trạng hỗn loạn, Vùng IV, nơi chồng tôi trấn đóng lại vẫn khá yên bình. Tôi tin rằng ấy là nhờ những người lãnh đạo nơi đây như Tướng Nam và chồng tôi đã vẫn bình chân và không bỏ trốn. Binh sĩ các cấp đều vẫn giữ vững vị trí của mình.
Như thường diễn ra ở mọi biến cố bất thường, một số nhỏ đã trốn chạy. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số đều vẫn tại ngũ, theo gương Tướng Nam và chồng tôi. Đã ba lần người sĩ quan cố vấn Mỹ đề nghị đưa hai ông di tản, cả ba lần hai ông từ chối. Họ quyết giữ Quân Khu IV, rồi cho dù SG có thất thủ họ sẽ cùng quân sĩ rút vào những rừng rậm an toàn của vùng đồng bằng sông Cữu Long.
Kế hoạch bí mật rút vô bưng đã được bàn thảo trước với bí danh là Chiến Dịch Nối Vòng Tay. Từ vũ khí cho đến thực phẩm đều đã sẵn sàng. Quân sĩ các cấp chỉ đợi lệnh là di chuyển đến những địa điểm mới. Khi Tướng Dương Văn Minh, kẻ thừa hành vai trò lãnh đạo quốc gia, tuyên bố đầu hàng thì hai Tướng Nam và Hưng vẫn còn liên lạc với các đơn vị chiến đấu của mình.
Đến chiều ngày 30 tháng Tư, thời điểm đã đến, lệnh thi hành cuộc hành quân Nối Vòng Tay được ban xuống.
Oái oăm thay, khi liên lạc lại với các cấp chỉ huy các đơn vị chung quanh thì được rõ là họ không hay biết gì về kế hoạch hành quân này cả; bởi thế quân sĩ hoàn toàn chưa chuẩn bị cho kế hoạch phải thi hành. Hóa ra viên đại tá có nhiệm vụ phân phối mật lệnh và các bản đồ hành quân cho các đơn vị, đã giao lại tất cả tài liệu cho một viên đại úy, để rảnh tay mang gia đình trốn đi mất. Và rồi, người đại úy này cũng đã theo chân xếp mình. Tất cả lệnh lạc và bản đồ cũng theo họ mà đi.
Lúc 6 giờ rưỡi chiều 30 tháng Tư, trước khi ban tham mưu họp theo dự liệu thì một nhóm chừng 10 người đại diện cho dân chúng Cần Thơ vào xin gặp chồng tôi, họ trình bày.
“Chúng tôi biết Tướng Hưng sẽ không bao giờ chịu qui hàng,” họ tiếp, “nhưng chúng tôi khẩn xin Thiếu Tướng đừng đánh lại… bởi nếu như vậy Cộng Sản sẽ pháo vào Cần Thơ và thành phố sẽ trở thành bình địa… Làm ơn đừng đánh lại họ, cho dầu định mệnh đất nước có thế nào chăng nữa… Thiếu Tướng hãy vì sinh mạng của dân chúng mà gát lại chí khí can trường bất khuất của mình.” Họ cho rằng thà cam chịu ô nhục hơn là vẫn tiếp tục đánh nhau, giết nhau và chết chóc.
Vì họ đại diện cho cả toàn thể dân chúng ở đây, chồng tôi khó bề từ chối lời thỉnh cầu của họ.
Nếu đó là lời yêu cầu của phía bên kia, chắc chắn chồng tôi sẽ hành xử hoàn toàn khác.
Khi họ đi rồi, chồng tôi quay sang bảo tôi, “Em còn nhớ câu chuyện của ông quan Phan Thanh Giản không?” Có chứ. Năm 1867, sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Tây nơi ngài đang giữ chức Kinh Lược, ngài thà miễn cưỡng để chịu mất thêm 3 tỉnh khác cũng vì lòng thương dân không muốn trăm họ bị điêu linh. Mặc dù ngài không thể ép dân phải chịu thống khổ nếu chống lại Pháp, nhưng tinh thần bất khuất trong ngài vẫn không cho phép mình đầu hàng quân Pháp. Ngài cho rằng đó là hành động nhục nhã đối với tổ quốc, đối với thuộc cấp. Ngài bắt đầu tuyệt thực, đồng thời uống độc dược tự quyên sinh.
“Anh thà chọn cái chết,” chồng tôi nói, “hơn phải khoanh tay ngồi nhìn mình bị tấn công mà không phản ứng gì cả.”
Lúc 7 giờ tối, chồng tôi gọi tôi vào phòng làm việc. Bấy giờ chỉ có hai chúng tôi. Ảnh ôn lại cho tôi nghe những sự kiện xẩy ra chiều hôm ấy rồi nhìn thẳng vào tôi với ánh mắt rực lửa, ảnh chậm rãi và trịnh trọng nói với tôi rằng “anh sắp sửa tự sát.”
Giọng ảnh rất bình tĩnh và nghiêm nghị. “Hãy nghe anh nói đây. Người ta chọn sự bỏ chạy nhưng với anh thì không bao giờ. Ngoài kia vẫn còn hằng ngàn binh sĩ dưới quyền, những người mà anh đã từng cùng nhau vào sinh ra tử. Làm sao mà giờ phút này anh có thể bỏ mặc họ để trốn đi, tìm sự bình an cho riêng bản thân mình? Nhưng đầu hàng thì anh cũng không bao giờ chấp nhận. Bây giờ rút vào rừng thì đã quá muộn rồi vì chúng ta không có đủ súng đạn, lương thực để chống lại quân thù trường kỳ được. Quá trễ rồi em hiểu không. Quân CS đã đến gần kề… chống lại chỉ thêm tang thương và mất mát… mà anh cũng không muốn đối mặt với họ nếu không giao chiến… ”
Sau lời công bố buồn tủi của chồng tôi, tôi vâng lời anh ra mời tất cả sĩ quan và binh sĩ đang chờ bên ngoài vào họp tham mưu. Mọi người đều trong tư thế chờ thượng lệnh ban xuống. Bầu không khí thật nghiêm trang và cảm động. Đây là phút biệt ly giữa các chiến hữu, kẻ đã từng sống chết có nhau trong suốt hằng bao năm trời. Chồng tôi cho biết là không có lệnh rút vào bưng để kháng chiến. Chiến tranh chấm dứt từ nay. Không có cuộc hành quân Nối Vòng Tay.
“Tôi không bỏ mặc các anh em để mang vợ con chạy ra nước ngoài,” anh nói. “Như anh em đều biết, kế hoạch của chúng ta bị dang dở nửa chừng, và tôi sẽ không có kế hoạch phản công cũng vì sinh mạng của dân chúng. Dù tổ quốc nay đã bị bán đứng, bị dâng cho kẻ địch, các anh em không ai phải chịu trách nhiệm tủi hổ này cả. Riêng tôi, tôi không chấp nhận một sự đầu hàng ô nhục.”
“Chỉ những ai trực tiếp nắm vận mệnh quốc gia trong tay phải chịu trách nhiệm…và kẻ đó vì tổ quốc mà phải chấp nhận hy sinh nơi nhiệm sở của mình. Kẻ đó không thể bỏ mặc nhân dân, bỏ mặc tổ quốc để trốn tìm sự an toàn cho bản thân.. Xin vĩnh biệt các chiến hữu.”
Tướng Hưng đưa tay lên chào rồi bắt tay từng người một, xong, quay trở vào phòng làm việc, khóa trái cửa lại. Một tiếng nổ lớn vang ra… tiếng nổ thật lớn khiến tôi giật mình. Time stood still. Thời gian lặng rót một dòng buồn tênh.
Lúc ấy là 8 giờ 45 phút tối ngày 30 tháng Tư năm 1975. Một ngày cuối cùng của Miền Nam Việt Nam. Một ngày cuối cùng của đời chồng tôi. Đến khi có người lên tiếng, “Tướng Hưng đã hy sinh!” thì trong tôi mới bỗng chợt thốt lên,” Ồ, chồng tôi ơi! Từ nay em không còn được gần bên anh nữa.”
*****
Đã có lúc Tướng Nam không hề nghĩ chồng tôi sẽ chọn con đường tự sát. Đến khi nghe tin, ông lập tức gọi tôi. Sau những lời vỗ về, an ủi, ông thốt lên những lời mà có lẽ đến lúc nhắm mắt tôi cũng sẽ không quên. Ông đã nói thay cho chính mình và cho cả chồng tôi.
“Số phận của cuộc chiến này thật bi thương… Cả chồng chị và tôi đã hoạch định chu đáo… nhưng chúng ta bị phản bội ở giây phút cuối. Hết rồi… Chồng chị đã ra đi. Chắc tôi cũng sắp theo chân anh ấy. Chúng tôi đều là cấp chỉ huy, nếu không bảo vệ được tổ quốc thì chúng tôi cũng phải chết theo với vận nước.”
Sáng hôm sau lúc 7 giờ sáng, khi vừa cầu kinh cho linh hồn của chồng tôi được siêu thoát xong thì tôi nghe có tiếng nấc nghẹn ở sau lưng. Quay lại thì thấy Trung Tá Tùng, chỉ huy trưởng Quân Y Viện Cần Thơ. Ông ghé vào xin nghiêng mình lần cuối trước linh cửu chồng tôi.
Một chốc sau ông ta ngỏ lời xin phép trở lại bệnh viện vì vừa mới hay tin Tướng Nam đã tự sát. Xác ông vẫn còn để tại bệnh viện. Tướng Nam kết liễu đời mình bằng một phát đạn tự bắn vào thái dương lúc 6 giờ sáng ngày 1 tháng Năm.
Tướng Lê Văn Hưng và Tướng Nguyễn Khoa Nam đều đã không còn. Nhưng linh hồn họ, chí khí bất khuất của họ bất tử. Tôi không bao giờ quên hai ông. General Le Van Hung and General Nguyen Khoa Nam are dead. But their spirits, their heroic spirits, will never die. I remember them.