12:20 CH
Thứ Sáu
20
Tháng Chín
2024

Chuyện Kể: Sau 30 tháng Tư, 1975 - Kiều Oanh

28 Tháng Tư 201911:42 SA(Xem: 7383)

Chuyện Kể: Sau 30 tháng Tư, 1975

 

17

 

Là con gái út trong gia đình, trước cô là 4 ông anh (Linh, Luân, Lam, Lâm) đều trong quân đội VNCH. 

Mẹ kể rằng: 

Mẹ sanh một lượt 4 chàng con trai, cứ cách nhau hai tuổi, rồi ngừng. Tưởng Mẹ thôi sinh nở, nào ngờ khi anh Lâm lên mười, Mẹ lại mang thai. Lần này Mẹ không tha thiết mấy, vì sợ lại tòi thêm một anh “cu tí” nữa thì chán lắm. Mẹ nhớ lần sinh con so, cả nhà nôn nóng, chờ ngày Mẹ “khai hoa nở nhụy”, hai gia đình, ông bà nội, ngoại đều ước ao Mẹ sinh con trai. Khi anh Linh chào đời, nhà vui như Tết, nhất là ông bà nội vì vừa được một cậu cháu đích tôn, khỏe, đẹp… 

Ngày đầy tháng anh Linh, ông bà nội mở tiệc đãi bà con khắp xóm, Mẹ đặt nấu 300 viên chè xôi nước, Mẹ bảo để tạ ơn Bà Mụ và biếu bà con hàng xóm… Rồi cứ lần lượt cách 2 năm thì các anh Luân, Lam và Lâm ra đời, xong Mẹ ngưng. Ai ngờ 10 năm sau Mẹ lại cấn thai. Nghĩ chắc chắn kỳ này cũng sẽ sinh thêm một ông tướng “phá như giặc” nữa, nên Mẹ chẳng háo hức khi nghe Bác Sĩ báo tin Mẹ đã mang bầu. 

Ngày cô chào đời, thật bất ngờ. Hôm đó, Mẹ vừa đi chợ về, chỉ kịp giao giỏ thức ăn cho chị người làm thì Mẹ đau bụng, Mẹ có cảm giác như sắp lâm bồn, Mẹ tính lại ngày thì Mẹ chỉ mới có mang được 8 tháng rưỡi thôi, nhưng Mẹ thấy hình như Mẹ sắp phải sanh em bé. Mẹ vội vàng tắm rửa sạch sẽ, lẳng lặng xách giỏ quần áo, tã lót… một mình đến nhà Bảo Sanh gần nhà, chỉ một tiếng sau thì cô được sinh ra. Tiếng khóc oe oe làm Mẹ chợt giựt mình tỉnh giấc, sau cơn đau làm Mẹ mệt lả, thấy bà Mụ bế cô trên tay. Cô được quấn kín mít trong 1 cái khăn, chỉ chừa khuôn mặt và mái tóc đen láy còn ướt mượt. Nhìn thấy cô, Mẹ quên cả mệt nhọc đưa tay ra đón cô… Cô Mụ trao cô cho Mẹ và nói: 

-         Chúc Mừng chị vừa sinh một cháu gái dễ thương qúa, con bé hơi nhỏ, chỉ được 1 kg 7, nhưng khỏe mạnh, mọi thứ đều bình thường, dễ sanh lắm, có điều cần chăm sóc cháu kỹ lưỡng hơn các bé sanh đủ tháng… 

Mẹ mừng rỡ, ôm chặt cô vào lòng và nhờ cô Mụ báo tin cho Ba và cả nhà biết Mẹ đã sanh được con gái…  Ôm cô vào lòng Mẹ tuy rất mừng nhưng thương cô quá, Út của Mẹ ra đời đúng như Mẹ ước mong, nhưng không như các anh, người nào cũng nặng hơn 3kg, anh Lâm còn nặng đến 4 kg 2. Riêng con gái Út của Mẹ thì bé tẻo teo, chỉ to hơn cái chai, cô như 1 con mèo nhỏ, quấn gọn trong chiếc khăn vuông, thế mà cô vẫn ngủ li bì…. 

Vừa lúc Ba, Ông Bà Nội, Ngoại cũng kịp ùa vào, cả nhà mừng rỡ thay phiên bồng ẵm cô, mọi người bàn cãi tìm tên đặt cho em bé. Vì nghĩ sẽ là con trai nên Ba Mẹ chưa có sẵn tên để gọi cô… Cuối cùng ba đặt cho cô một cái tên khá dài: Lê Ngọc Khuê-Lương… Ba bảo, con gái của Ba sẽ như ngọc ngà, đài các và lương thiện, dịu dàng. 

Tuy bé bỏng nhất nhà nhưng cô lớn nhanh, khỏe mạnh nhờ sữa Mẹ tốt. Cả nhà nâng niu cô như trứng mỏng. Cô lớn dần, càng lớn, càng bụ bẫm, cô được thương yêu, nuông chiều trong vòng tay ba mẹ, và hai bên Nội-Ngoại…

 

Ngày tháng dần trôi, các anh trưởng thành ra đời lập nghiệp. Thời chinh chiến nên mỗi anh vào một binh chủng. Anh Linh Hải Quân, Anh Luân Pháo Binh, Anh Lam Thiết Giáp, và anh Lâm vào Không Quân, các anh lập gia đình ra ở riêng. Căn nhà rộng thênh thang bây giờ thì chỉ còn lại cô và Ba Mẹ.

 

Cô đang học năm thứ hai Đại Học Văn Khoa. Ngoài giờ học thỉnh thoảng cô cũng ra cửa hàng ngồi phụ mẹ, lúc này chị Liên (chị dâu của cô) phải theo anh Lâm ra Nha Trang, một mình Mẹ phải trông nom một tiệm vải to lớn nên vất vả lắm…

 Nghe Ba Mẹ nói, khi cô ra đời thì việc buôn bán của Mẹ phát hẳn lên, từ một sạp bán vải nho nhỏ, Mẹ đã kinh doanh trở thành một tiệm vải khang trang, nhập cảng những hàng vải đắt tiền từ Pháp, Đức, Ý, v.v. Các chị dâu lúc còn ở gần thường ra phụ Mẹ trên cửa tiệm, nên mẹ đỡ tất bật, nhưng từ khi các anh đổi đi xa, các chị đều phải theo chồng, Mẹ phải quán xuyến một cửa tiệm khá lớn nên rất cực, tuy Mẹ có mướn vài người làm nhưng việc sổ sách thì không thể giao cho người ngoài được, Ba đành nghỉ làm ở nhà để phụ Mẹ một tay, nhưng dạo này Ba cũng hơi mệt nên ông bắt đầu tập cho cô giúp ông dần dần. Hàng ngày, sau khi ở trường về, cô dành chút thì giờ để giúp Ba tính toán việc chi, thâu cho Mẹ…

 Rồi một ngày đầu Xuân, khi cả nhà vừa đón xong một cái Tết xum họp, Ba đột ngột ra đi. Một cái tang lớn nhất cho gia đình cô. Mẹ buồn bã như người mất hồn. Mặc cho các anh về lo ma chay cho Ba. Cô cứ ôm Mẹ khóc vùi, buồn qúa cô chẳng thiết tha gì nữa cả… Nhưng khi các anh về lại đơn vị, chỉ còn lại hai mẹ con… Thấy Mẹ ủ rũ, âu sầu, nhìn cửa hàng tiêu điều thiếu người chăm sóc, cô tự nghĩ:

 -         Mình phải duy trì cửa hàng này cho Mẹ, không thể để mất được, đây là tất cả di sản do ba mẹ đã bỏ công sức tạo dựng, mình nhất định phải giữ … 

Thế là cô quyết định bỏ học, mộng trở thành cô giáo của Cô—chỉ còn một năm nữa cũng đành bỏ dở. Tuy Mẹ không vui, nhưng cô đã quyết định rồi, Mẹ đành chịu… Cô buôn bán thật giỏi, chẳng mấy chốc mà cửa tiệm lại sầm uất như xưa… Cô càng mê say, vùi đầu vào công việc.

 Rồi Mẹ cũng nguôi ngoai nỗi buồn nhớ Ba, bắt đầu ra phụ cô buôn bán, có Mẹ cô đỡ bận hơn, Mẹ khuyên cô trở lại trường, học cho xong mảnh bằng Sư Phạm. Cô tốt nghiệp trở thành cô giáo, và may mắn được bổ nhiệm ở một trường Tiểu Học gần nhà. Anh Lâm cũng được đổi về làm việc tại phi trường Tân Sơn Nhất, chị Lâm lại vừa sinh thêm đứa con thứ tư, Mẹ gọi vợ chồng anh Lâm về ở chung với Mẹ và cô trong căn nhà lầu 3 từng. 

Từ ngày có gia đình anh Lâm về sống chung, căn nhà của Mẹ con cô vui hẳn lên, tiếng trẻ thơ vui đùa rộn rã, các con của anh Lâm được cô chỉ bảo thêm bài vở nên các cháu học hành tấn tới và rất ngoan, chị Lâm yên tâm phụ Mẹ buôn bán ngoài tiệm vải. Có chị Lâm nên Mẹ đỡ nhọc nhằn, lúc này Mẹ cũng hơi yếu, nên Mẹ giao hết cửa tiệm cho chị Lâm quán xuyến.

 Cuộc sống gia đình yên ổn, Mẹ bắt đầu để ý đến cô Út của Mẹ, năm nay 20 tuổi rồi mà chưa yên bề gia thất, Mẹ lo lắm. Một hôm anh Lâm về nhà ăn cơm, dắt thêm một người bạn thân của anh từ thời Tiểu Học mà anh vừa tình cờ gặp lại—anh Tâm—hai anh vừa nhận ra nhau tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan trong Phi Trường. Hỏi ra thì anh Tâm là con trai của Bác Trọng bạn thân của Ba Mẹ ngày xưa. Ngày mới di cư vào Nam, hai gia đình ở chung trong cư xá, nhưng Ba Mẹ dọn ra ngoài. Còn gia đình Bác Trọng thì theo anh Cả Trung lên Đà Lạ, thế là mất liên lạc từ dạo đấy. Hôm nay tình cờ anh Lâm gặp được anh Tâm và đưa bạn về thăm Mẹ.

 Mẹ mừng rỡ, mời anh ở lại ăn cơm chiều, Mẹ hỏi thăm đủ điều, và dặn anh Tâm khi rảnh ghé nhà chơi, Mẹ liên lạc lại được với Bác Trọng gái, hai Cụ hẹn gặp nhau. Lúc trước, khi Bác Trọng có dịp về Sài Gòn đều ở tại cư xá của anh Tâm trong Phi Trường, nhưng từ ngày tìm đuợc gia đình cô thì Bác thường đến nhà cô ở chơi với Mẹ mỗi khi anh Tâm bận phi vụ, Mẹ vui lắm.

 Rồi hai cụ hứa hẹn muốn cô và anh Tâm kết duyên. Ban đầu cô rất ngượng vì anh Tâm là bạn của anh Lâm lại hơn cô 6 tuổi, cô vẫn xem anh như một người anh. Nhưng dần dần, tình cảm cả hai biến dần sang tình yêu, anh Tâm săn sóc cô tận tình chu đáo, anh lo cho cô từng ly, từng tý, lúc thì như một người anh lo cho em gái, khi lại như một người tình chăm sóc người yêu bé bỏng …

 Rồi cô và anh Tâm làm “Lễ Đính Hôn” hẹn năm sau sẽ làm đám cưới. Anh cứ đi đi, về về, cô vẫn tiếp tục công việc gõ đầu trẻ trong niềm vui hạnh phúc chờ ngày “khoác áo cô dâu”… Mẹ và Bác Trọng gái thật hân hoan, cứ gặp nhau là hai cụ bàn về Lễ Cưới của cô và anh Tâm… Cô thật hạnh phúc nhìn hai bà Mẹ vui mừng mà lòng cô như mở hội. Cứ mỗi lần xong một phi vụ thì anh Tâm được nghỉ phép vài ngày. Đó là những ngày hạnh phúc nhất của cô. Hai người tay trong tay dạo phố, những chiều cuối tuần đẹp trời, đi bên nhau dưới hàng me râm mát trên đường Duy Tân … ấm áp tình yêu. Những nụ hôn ngọt ngào trao nhau dưới cơn mưa phùn nồng ấm vô cùng…!

 Trong lúc mọi người đang sống trong thanh bình, hạnh phúc, phố phường rộn rã, yên vui thì đột nhiên chiến trận càng ngày càng khốc liệt, Việt Cộng bắt đầu tung hoành quấy phá khắp nơi, ngoài chiến trường họ đổ bộ xung phong, ở Thủ Đô, họ thi nhau pháo kích, đặt bom khủng bố, phóng những trái hỏa tiễn vào nhà dân, trường học, nhà thờ, nhất là những nơi gần phi trường Tân Sơn Nhất… 

Anh Tâm lại bận nhiều phi vụ, ít về nhà. Cô lo lắm … và rồi một hôm, anh Tâm mất tích, radar trên đài Kiểm Báo không thể tìm ra dấu vết chiếc máy bay khu trục mà anh Tâm đã bay… anh ra đi biền biệt, nhưng cô vẫn nuôi hy vọng… “Anh sẽ về”. Ngày nào cô cũng ngồi chờ anh Lâm từ Phi Trường về để hỏi thăm tin tức Tâm, cứ thấy anh Lâm lắc đầu là nước mắt cô lại đầm đìa. 

Cô khóc hết nước mắt, quên ăn, biếng ngủ, người cô gầy sọc, như người mất hồn… Mẹ lo cho sức khỏe của cô lắm, nhưng khuyên lơn cách nào cũng không được. Mẹ buồn bã, thở dài thương cho số phận cô gái Út của Mẹ sao nghiệt ngã qúa… nhưng rồi khi nhìn thấy Mẹ vò võ vì thương con, cô thức tỉnh, bắt đầu phấn đấu trở lại… Nhưng lòng vẫn chờ mong, hy vọng là “anh Tâm sẽ trở về”… 

Biến cố 30 tháng Tư đổ ập lên toàn lãnh thổ Miền Nam, bọn Cộng Sản khát máu tràn vào xâm chiếm miền Nam, quân đội Mỹ và đồng minh rút lui, cửa thành bỏ ngỏ thế là bọn Cộng Sản cứ thế mà lấn vào thành phố và rồi Biên Hòa, Sài Gòn thất thủ… 

… Thế là hết…. Người yêu của cô đã đi vào chân mây. Các anh Linh, Lam, Luân về hấp tấp đưa cả nhà xuống Tàu ra hải ngoại, Mẹ không chịu đi, vì muốn ở lại giữ phần mộ cho Ba, và cũng vì tiếc gia sản của Ba Mẹ đã gầy dựng. Cô không muốn xa Mẹ và một phần cô phải ở lại để nghe ngóng tin tức của anh Tâm nữa. Anh chị Lâm thấy Mẹ và cô không chịu đi nên cũng đành ở lại.

 Cả gia đình 8 người vẫn cùng sống trong căn nhà lầu 3 từng trên đưòng Võ Di Nguy. Mẹ tuy vò võ nhớ thương gia đình các anh lớn nhưng cũng tạm bình tâm vì còn có cô và gia đình anh Lâm kề bên, nên cũng nguôi ngoai phần nào lòng thương nhớ các con, cháu đi xa. Mấy cửa tiệm vải của Mẹ ở trên phố đều bị họ đến kiểm kê và niêm phong, Mẹ càng võ vàng vì xót của và nhớ thương con cháu. Thương Mẹ cô chẳng biết làm gì hơn là chỉ quấn quýt an ủi cho Mẹ đỡ buồn, tuy lòng cô thì cũng chẳng vui gì. 

Rồi họ bắt anh Lâm ra trình diện, họ bảo là đi học Tập Cải Tạo. Thật ra là họ bắt anh đi tù, họ đưa anh đi mất biệt, lúc đầu cả nhà đều hy vọng sau ba tháng thì anh sẽ trở về như lời họ đã hứa, nhưng rồi tháng, năm trôi qua, không một tin báo về để biết anh ở đâu? Chị Lâm bồn chồn, Mẹ lại thêm một nỗi lo âu cho đứa con trai còn lại bị tù biệt tăm. Cô cũng hết hy vọng tìm được tung tích của Tâm… Tiệm vải đóng cửa, không có thu nhập, tiền bạc dành dụm đều phải lấy ra tiêu xài, rồi bất ngờ họ ra “Thông Cáo” đổi tiền. Đây mới đúng là một ngày kinh hoàng, không ai ngờ.

 

Cô nhớ mãi … Buổi sáng hôm đó, lúc cô xách giỏ đi chợ, vừa mở cửa, cô thấy cứ mỗi góc đường là một tên công an ôm súng đứng gác, rồi chợt loa phóng thanh vang rền.

 

-         Bà con hãy nghe đây. Hôm nay nhà nước sẽ hoàn thành thủ tục đổi tiền. Để thống nhất đất nước chúng ta sẽ không xài tiền của Mỹ-Ngụy nữa mà dùng tiền do nhà nước đã thống nhất. Mỗi Phường có một văn phòng, bà con ở phường nào đến phường đó đã có danh sách sẵn và sẽ theo quy luật của Cách Mạng đã định mà đổi tiền ….

 

Cô và chị Lâm cũng theo chỉ thị đem tiền lên Phường đổi, đến nơi mới biết rằng họ đang dùng chính sách đổi tiền để thu tóm hết tiền bạc của dân miền Nam. Không cần biết bao nhiêu tiền đem đến, họ chỉ phát cho mỗi gia đình 200 đồng, còn thì “Nhà Nước” giữ hộ. Không ai có thể ngờ được XHCN này lại đi cướp tiền bạc của dân một cách trắng trợn như thế!

 

Hai chị em cầm 200 đồng về mà lòng tan nát. Cả chục triệu đồng của gia đình cô gầy dựng bấy lâu, nay chỉ còn vỏn vẹn có 200 đồng bạc Hồ Chí Minh này sao? Họ còn khôn ngoan, giả dối, nói là: nhà nước tạm đưa mỗi gia đình 200 đồng để chi dùng tạm thời, số tiền còn lại sẽ bỏ vào “Ngân Hàng Nhà Nước”, khi cần (có lý do) thì đến ký lấy sau. Mọi người không còn cách nào hơn, đành ký thác hết tiền bạc cho họ. Ngờ đâu, đó chỉ là một cách nói dối của bọn Cộng Sản, chúng đang dùng mưu mẹo để bóc lột hết tài sản của dân chúng miền Nam… Gia đình cô 6-7 miệng ăn, làm sao mà sống nổi với số tiền nhỏ bé này? Còn bao nhiêu tiền Mẹ để trong ngân hàng cũng bị chúng sang đọat… Cô ôm Mẹ và chị Lâm, ba mẹ con khóc như mưa…

 

****

 

Sau hơn một năm bị họ đưa đi biệt tích, cả nhà mới nhận được tin của anh Lâm viết về trên một mảnh giấy mỏng chỉ vỏn vẹn:

 

-         Mẹ! Con đang bình yên học tập, Mẹ đừng lo, con vẫn khỏe. Cả nhà cứ chờ tin, Cách Mạng đang thu xếp cho gia đình đến thăm con…..

 

Mãi 3 tháng sau họ mới tin cho cả nhà đi thăm anh Lâm ở trại Tù Suối Máu… Rồi vài tháng sau, gia đình cô lại nhận được thư của anh Lâm báo tin anh đã bị đưa ra trại Vĩnh Phú ngoài Bắc xa tít mù khơi. 

Mẹ, chị Lâm lại khóc khô cả nước mắt. Cả nhà đang trong cơn túng quẩn, nhà cửa và tiệm vải bị kiểm kê và tịch thu hết, các vật dụng đáng giá trong nhà cũng bán từ từ để lấy tiền mua thức ăn cho cả nhà và mua lương thực thăm nuôi anh Lâm. Tuy cô được đi dạy học trở lại, nhưng với số lương khiêm nhường, làm sao nuôi đủ một gia đình 7 miệng ăn rồi còn phải lo tiếp tế cho anh Lâm nữa. Mẹ thì yếu lắm, với bao nhiêu biến cố dồn dập đã làm Mẹ xuống sắc và mất sức thật nhiều. Các con của anh chị Lâm thì còn qúa bé.

 

Cô và chị Lâm phải bôn ba tìm kế sinh nhai. Gom góp ít tiền, chị Lâm mua được một cái xe nước mía đứng bán trước cửa nhà, còn cô thì mỗi sáng trước khi đi dạy học, cô phải thức thật sớm đạp xe đến Cầu Ông Lãnh đón ghe từ miền Tây chở mía lên mua về cho chị Lâm bán, dần dần cô mua thêm mớ trái cây: ổi, cóc về cắt gọt, ngâm dấm, muối ớt bán thêm, dư được ít tiền thì chị Lâm lại lặn lội ra Bắc thăm anh Lâm. Thấy chị vất vả, mỗi lần đi thăm nuôi anh Lâm xa xôi vạn dặm như thế chị phải nghỉ bán cả tuần, về đến nhà người chị mệt lả, đuối sức. Cô bèn thay phiên đi thăm anh Lâm đỡ chị, dầu sao cô cũng còn độc thân, chị Lâm còn phải lo cho các con nhỏ và Mẹ nữa.

 

Thế là cứ vài tháng, cô lại khăn gói theo đoàn người ra thăm Anh Lâm tại trại tù cải tạo miền Bắc. Một hôm, cô ngồi chung toa xe lửa với một bà Bác khoảng 60 tuổi, thấy cụ đang ngủ gà, ngủ gật, tay ôm chặt một túi thức ăn, cô vội lấy tấm chăn của mình đắp lên người Cụ che gói đồ, phòng khi có kẻ gian thấy cụ ngủ mà cướp mất. Khi bà Cụ tỉnh dậy, nhìn sang thấy cô, bèn mỉm cười:

 

-         Cám ơn cô cho tôi mượn cái mền. Đi đường xa mệt qúa nên thiếp đi.

 

-         Không có gì đâu Bác ạ. Chắc Bác đi thăm Bác Giai?

 

-         Không, ông nhà tôi mất rồi, tôi đi thăm thằng Út của tôi bị đày ra Bắc, chắc cô đi thăm chồng phải không?

 

-         Dạ không. Cháu đi thăm anh ruột của cháu ở Vĩnh Phú, chị dâu cháu bận buôn bán và các con còn nhỏ, lại còn Mẹ già nên hai chị em cháu thay phiên đi thăm anh.

 

-         Thế ông xã của cô không phải đi tù sao? 

-         Cháu chưa có gia đình Bác ạ. Thật ra thì cháu đã có vị hôn phu, nhưng anh ấy đã mất tích trong một phi vụ hơn năm nay cũng chả nhận được tin tức gì của anh, không biết sống, chết ra sao nên cháu cứ chờ, hy vọng một ngày anh sẽ trở về, nào ngờ, bây giờ bị mất Miền Nam, cháu không biết giờ này anh ấy ở đâu nữa…? 

-         Ôi, chiến tranh gây điêu linh thống khổ cho toàn dân hai miền Nam-Bắc qúa! Gia đình nào cũng khổ vì chồng, con nếu không bị bắt tù đày thì cũng tan xương nát thịt... Tôi không hiểu sao mà người Việt với người Việt mà họ lại đối xử tàn ác với mình như vậy? 

-         Xa xôi như thế này, mà sao vợ anh Út không đi thăm chồng? Bác đã lớn tuổi mà còn phải lọm cọm vượt đường xa thăm con cực quá?

 

-         Khốn khổ, thằng Út nhà tôi, nó tên Nam, nào đã có vợ con gì? Cũng mới đính hôn được vài tháng thì bị mất nước, cô vợ tương lai, đi thăm được hai lần thì chán, bỏ đi đâu mất biệt. Tôi thương con trai thân phận tù đày, hẩm hiu lại bị vợ bỏ, nếu tôi không đi nuôi nó thì còn ai lo cho nó? Các anh chị đều di tản ra nước ngoài, nó hiền và hiếu để lắm đó cô.

 

-         Hôm 27 tháng Tư, 1975 cả nhà đã sẵn sàng ra bến Bạch Đằng lên tàu ra khơi, nhưng lúc đó Út nhà tôi còn đang đóng ở Tây Ninh chưa về kịp. Tôi dục các anh nó đưa cả gia đình đi trước, tôi chờ Nam về thì Mẹ con sẽ đi sau. Ba ngày sau mới thấy Nam thất thểu như người mất hồn về đến, mặt mày thất thần, hốc hác…Rồi cũng như bao nhiêu sĩ quan của “Chế độ cũ”, nó cũng bị họ bắt đi tù từ độ đó đến bây giờ. Khổ hết sức, nó có làm gì nên tội đâu mà phải bị đày ra đến tận ngoài Bắc? Thương cho số phận nó cực khổ qúa, chắc số nó phải bị kẹt lại để chịu cảnh tù tội như thế này.

 

-         Anh cháu cũng thế Bác ạ. Vì thương Mẹ và em nên anh không đành lòng ra đi, để bây giờ bị vào ngồi ăn cơm tù của Cộng Sản mà không biết ngày về…

 

Cứ thế, một gìa, một trẻ ngồi tâm sự suốt chặng đường từ Nam ra Bắc, qua bao gian lao, nhọc nhằn, cô dìu bà Cụ, tay xách, nách mang vào đến trại thăm nuôi, vô cùng vất vả. Cũng may là trại của anh Nam con của Cụ Tú (tên của bà Cụ) cũng gần trại của anh Lâm nên sự di chuyển cũng dễ dàng, thỉnh thoảng hai anh gặp nhau, có khi được đi đốn củi chung nên có dịp chuyện trò. Và từ đó, cô và bà Cụ hẹn nhau đi thăm tù Cải Tạo, nhà cụ ở trên đường Nguyễn Huỳnh Đức, Phú Nhuận cũng gần nhà cô.

 

Dần dần hai gia đình cùng hoàn cảnh trở nên thân thiết, Cụ Tú trở thành bạn thân của Mẹ, vì thấy Cụ đã lớn tuổi, vài tháng lại lặn lội đi xa nên Cô xin tình nguyện đem lương thực lên cho anh Nam để Cụ Tú khỏi nhọc nhằn… với cô thì lại cực hơn vì phải lãnh phần tiếp tế thăm nuôi hai người. Cô phải gánh lương khô qua bao nhiêu chặng đường. Vừa gánh nặng vừa phải trông chừng không dám ngủ vì sợ bị giựt mất thức ăn tiếp tế cho hai anh. Cô như một thân cò lặn lội gánh gạo đi thăm nuôi hai người tù “Cải Tạo”.

 Và chẳng biết từ bao giờ, tình cảm nảy sinh, anh Nam và cô thấy gần gũi nhau hơn, cô thì cảm mến người chiến sĩ Cộng Hòa, tuy sa cơ thất thế nhưng anh vẫn hào hoa, phong độ. Dù đang trong tay kẻ thù nhưng anh vẫn hiên ngang, dáng cao, gương mặt chữ điền bất khuất, và nhất là cặp mắt xa xăm của anh như lôi cuốn người đối diện, nó phảng phất một nỗi buồn khó tả. 

Với anh, Cô thật bé nhỏ, anh càng cảm kích khi thấy cô đã giúp Mẹ anh đem lương thực tiếp tế cho mình, không ngại khó khăn, mỗi khi nhìn bóng dáng nhỏ nhắn của cô oằn trên vai đôi quang gánh nặng chĩu, gánh thức ăn lên cho anh và anh Lâm lòng anh càng xót xa. Anh thương cô qúa. Thương cô chịu khó, thương nét đẹp thùy mị, thanh tao và sang trọng của cô, dù trong hoàn cảnh sa sút thế này mà cô vẫn không mất vẻ lịch lãm của thời son trẻ, một thiếu nữ con nhà gia giáo, học thức… 

Dần dần, hình như tình yêu chớm nở, nhưng anh không dám bày tỏ, vì không có dịp, hơn nữa, anh tự nghĩ, thân phận “cá chậu, chim lồng” biết đời nào ra khỏi nơi u tối này, và khi ra khỏi Tù thì biết làm gì để sinh sống, nuôi thân mình có nổi không mà nghĩ tới vợ con? Rồi anh không dám tỏ tình, có nhiều lần anh định tâm sự với anh Lâm, nhưng rồi e ngại, đành thôi… 

Thời gian thấm thoát trôi qua, anh và anh Lâm được trở về sau 8 năm cực nhọc trong trại tù Cải Tạo. Ngày hai anh được thả ra thật bất ngờ. Hôm đó cô vừa đi dạy học về thì nghe tiếng chị Lâm mừng rỡ reo to: 

-         Ô Anh Lâm! Mẹ ơi, Cô Út ơi, anh Lâm được về rồi! 

Hôm đó cả nhà như mở hội, chị Lâm đi chợ mua thêm thức ăn về nấu những món ăn ngày xưa anh Lâm thích, Anh còn dặn chị sẵn ghé sang nhà Bác Tú mời anh Nam và Bác đến ăn chung, mừng xum họp cho vui, rất may là hai anh cùng được thả ra một lượt. Thật vô cùng ngạc nhiên, không ngờ hai anh lại may mắn như thế. Chẳng còn gì vui bằng! 

Sau đó, hai gia đình kết thân, Cụ Tú sang xin phép Mẹ được cưới cô cho Nam. 

Ngày cưới cô, Mẹ lại khóc sướt mướt, nhìm mâm cỗ cưới đơn sơ chỉ vừa đủ cho hai gia đình 10 người, không bạn bè, khách khứa, cô mặc chiếc áo dài cưới cũ của chị Lâm, không xe hoa đưa đón. Anh Lâm chở vợ chồng cô về nhà chồng trên chiếc xích lô cà tàng của anh, Mẹ nhìn theo con gái mà xót xa. 

Tối hôm trước, Mẹ ôm cô vào lòng, vừa khóc, vừa nói: 

-         Tội cho con gái của Mẹ qúa, ngày mai là ngày cưới của con mà Mẹ không có được 1 chỉ vàng tặng con làm của hồi môn. Tha lỗi cho Mẹ. Ngày xưa, Mẹ mong khi con đến tuổi lập gia đình, Mẹ sẽ tổ chức Lễ Vu Quy cho con thật linh đình, sẽ đãi ăn ở nhà hàng Động Phát hay Đồng Khánh trong Chợ Lớn và mời ít nhất trăm người, rồi xe hoa đưa đón cô con gái cưng của Mẹ về nhà chồng. Mẹ đã mơ, mơ thật nhỉều về ngày cưới của con. Ngày mai con về nhà chồng mà Mẹ thì trắng tay. Mẹ buồn lắm con ơi! Sao số phận con gái của Mẹ lại khổ thế này!

 

Cô ôm Mẹ qua làn nước mắt:

 

-         Mẹ ơi! Không sao đâu, con yên vui như thế này, Mẹ nên mừng là con đã có được một người chồng đàng hoàng, tử tế, anh Nam hiền lành và thương con lắm, Bác Tú lại phúc hậu, chẳng qua Lễ Cưới chỉ là một hình thức để hợp thức hóa cho cuộc hôn nhân thôi Mẹ ạ. Dù to hay nhỏ cũng không quan trọng, miễn là chúng con yêu nhau và hạnh phúc là đủ. Tiền bạc, vật chất chỉ là phù du. Con đang hạnh phúc, vì bên con có hai bà Mẹ thương yêu, một gia đình ấm cúng như thế này, con chẳng mong gì hơn đâu Mẹ

Cuộc sống của vợ chồng cô ban đầu rất chật vật. Cô vẫn tiếp tục đi dạy học, nhưng anh Nam từ ngày đi tù về chẳng kiếm được việc làm cố định, chỉ khiêng vác thuê khi có người cần, cô dành dụm mua được chiếc xe ba gác cho anh chở mía bỏ cho các xe nước mía quanh vùng, cũng tạm sống qua ngày. 

Cuối tuần cô theo anh ra bến cảng Miền Tây, mua thêm trái cây về bỏ mối cho mấy quán nho nhỏ gần xóm hầu kiếm thêm chút tiền chợ, tiền thuốc men cho Bác Tú. Thấy chồng còm cõi gò mình trên chiếc xe ba bánh mà thương đứt ruột. Những năm trong trại tù đã làm hao mòn sức lực của anh qúa nhiều, răng anh rụng gần hết, cô lo chạy tiền làm cho anh bộ răng để anh ăn uống cho mau lại sức. 

Nhờ chịu khó tằn tiện nên vợ chồng cô sống cũng tạm đủ. Thỉnh thoảng cô còn dư chút tiền đem sang giúp anh chị Lâm và Mẹ. Phần anh chị Lâm thì chật vật hơn, vì anh chị phải nuôi đến 7 miệng ăn nên vất vả lắm. Anh Lâm có chiếc xích lô, anh lãnh mối chở khách, kiếm đủ tiền chợ, nhưng xe nước mía của chị Lâm lại ế dần, vì có nhiều xe khác mở ra cạnh tranh, họ có vốn nên tân trang thêm nhiều vị vào ly nước mía, cam, quýt, dâu nên đã lấy bớt khách hàng của chị Lâm. 

Nhìn cảnh gia đình Mẹ, anh chị Lâm cô rất đau lòng, mà chẳng làm gì được, vì chính bản thân vợ chồng cô cũng chẳng khấm khá hơn. Cuốc sống lúc bấy giờ khốn khổ vô cùng, cô chỉ mong cho chóng đến ngày được mua “nhu yếu phẩm ở Quốc Doanh” đem bán lấy chút tiền phụ giúp Mẹ và gia đình anh chị Lâm. 

May sao, cả nhà được tin của các anh ở nước ngoài, rồi thỉnh thoảng các anh, chị ở Mỹ cũng gửi về cho cả nhà một vài thùng qùa, thuốc men, kẹo bánh, vải vóc… Lần đầu tiên nhận được thùng qùa của anh Luân gửi về, cô ứa nước mắt, ngậm ngùi, bên tai cô như văng vẳng: 

Con gửi về cho cha vài viên thuốc ngủ

Cha ru cuộc đời trong tử tù chung thân….

 

Gửi về cho Mẹ dăm chiếc kim may

Mẹ may hộ con, tim gan qúa đọa đày…

 

Anh gửi về cho em, chiếc nhẫn yêu thương

Em bán cho đời, tìm đường vượt biên….

 

“Một Chút Qùa Cho Quê Hương”của Nhạc Sĩ Việt Dzũng từ xa xăm vọng về… bài hát mà hằng đêm cô thường mở radio nghe lén qua làn sóng của đài BBC, đài VOA… từng lời, từng chữ như xoáy tận vào tim, óc cô… 

Rồi anh Luân làm giấy bảo lãnh Mẹ sang Mỹ, cùng lúc chương trình Humanitarian Operator (H.O.) được mở rộng, anh Lâm và anh Tâm cùng được phái đoàn Mỹ cho ra đi theo diện H.O. Gia đình anh Lâm đi trước về ở Houston. TX được gần gia đình anh Luân và Mẹ. 

Vợ chồng cô thì về Tiểu Bang Virginia, nơi các anh của Nam đang cư ngụ, Những ngày đầu vừa đặt chân đến Mỹ, vợ chồng cô vất vả lắm, đời sống nơi xứ lạ quê người, những năm đầu rất khó khăn, vì phải hội nhập với ngôn ngữ, tập quán mới. Ban ngày vợ chồng cô phải đi học tiếng Anh, ban đêm Nam xin vào phụ giúp rửa chén cho một nhà hàng Tàu. Vì con gái còn bé nên cô phải ở nhà trông con. Buổi sáng, cô nhờ Mẹ chồng trông hộ cháu bé vài tiếng cho cô đi học, ban đêm cô phải ở nhà với con, và lãnh may thêm quần áo cho một tiệm may gần nhà, đêm nào cô cũng phải cặm cụi suốt đêm đến 1-2 giờ khuya mới được ngả lưng. 

Anh Nam từ ngày sang Mỹ vất vả lo cho gia đình, 4 miệng ăn, công việc rửa bát cho nhà hàng cũng chẳng được bao nhiêu, kinh tế eo hẹp. Nhưng nhờ chịu khó nên chỉ một thời gian sau, vợ chồng cô cũng ổn định, Nam học xong ngành Kỹ Sư Kiến Trúc xin vào làm cho một hãng thầu lớn nhất trong vùng, lương hậu. Cô cũng lấy lại được chứng chỉ hành nghề giáo viên, dạy lớp Năm cho một trường Tiểu Học, đứa con gái của vợ chồng cô lớn dần, sau giờ học cháu cũng đỡ đần chăm lo Bà Nội giùm ba mẹ. 

Vợ chồng cô dành dụm mua được căn nhà ở khu yên tịnh, khá khang trang, cuộc sống tạm ổn định. Hai vợ chồng cô có con muộn, lại bôn ba thăng trầm: cơm, áo, gạo, tiền bận rộn nơi xứ người, nên không dám sinh thêm con, chỉ có một mụn con gái duy nhất, cũng may con bé rất ngoan và biết nghe lời Bà Nội và ba mẹ lắm. 

Anh Nam, ngoài giờ làm việc về nhà chỉ lo chăm sóc vườn tược, cây cỏ. Sân trước anh trồng đủ loại hoa, mùa nào, hoa nấy. Sân sau, anh cuốc một mảnh vườn nho nhỏ trồng cho cô đủ các loại rau thơm, hành ngò, ớt, vài giàn bí, bầu, mướp, mùng tơi, vv. Bữa cơm nhà cô ngày nào cũng đầy đủ rau trái vườn nhà, bát canh tôm khô, mướp, mùng tơi thơm lừng, vừa ăn vừa suýt soa. Cuộc sống gia đình cô nơi đất khách, quê người mà được như thế này thật qúa đầy đủ và hạnh phúc lắm. 

Rồi Mẹ cô qua đời, vợ chồng cô bay về Texas chịu tang Mẹ. Chẳng bao lâu thì Cụ Tú cũng quy tiên, chỉ trong một năm mà cô mất đi hai bà Mẹ thân yêu. Con gái đến tuổi vào Đại Học, vợ chồng cô đưa con vào trường nội trú cách xa nhà hai tiếng rưỡi lái xe… Căn nhà của vợ chồng cô trở nên rộng thênh thang. Ngày xưa còn Cụ Tú và con bé ở chung, ấm cúng làm sao! Bây giờ chỉ còn hai vợ chồng, nhà cửa vắng tanh, đi làm về chẳng biết làm gì? Cứ đi ra, đi vào nhìn nhau cho hết ngày. Chỉ trông mau cho đến cuối tuần để vợ chồng cùng nhau đi thăm con gái ở trường Đại Học, có hôm con bận học thi, không gặp ba mẹ được thì vợ chồng cô lại rủ nhau đi chợ Việt Nam chơi, mong tìm gặp được một vài người bạn để cùng hẹn nhau đi ăn uống và có dịp tâm tình… 

Bất ngờ, Bác Sĩ khám ra anh Nam bị bịnh gan cần phải thay gan gấp. Cô như người mất hồn, lo lắng, quên ăn, mất ngủ, cũng may Trời Phật phù hộ, ca giải phẫu thành công, anh đã bình phục rất nhanh. Con gái ra trường, mở phòng Nha Sĩ gần nhà. Năm ngoái, vợ chồng cô vừa tổ chức “Lễ Cưới” cho con gái xong thì anh Nam lại phải vào nhà thương để mổ tim “By Pass”, tim anh bị nghẹt 5 mạch máu… Cô thương anh chịu nhiều bệnh tật. So với cô, anh thật lực lưỡng, cao lớn mà không hiểu sao anh lại chịu nhiều thứ bệnh trầm trọng như thế! Có lẽ những năm tháng trong nhà tù Cộng Sản đã ảnh hưởng đến sức khỏe của anh thật nhiều. Thấy cô tận tụy, anh rất xót xa. Anh thường thủ thỉ: 

-         Đời anh may mắn gặp được em, chắc kiếp trước anh khéo tu và em thì mắc nợ anh, nên kiếp này em phải trả. Tội em qúa. Anh rất cám ơn em.

 

Cô nguýt dài

 

-         Vợ chồng là duyên nợ mà anh! Em tự nguyện, vì đó là bổn phận của em, chứ có ai ép em đâu? Miễn anh hiểu là được rồi…Anh đừng khách sáo.

 

-         Chời! Tui là dân Nam Kỳ chính cống, có sao nói vậy mà cô biểu tui khách sáo? Tui nói thiệt 100% đó, tin không?

 

Hai vợ chồng cùng cười ngất. Anh thật thà, vui tánh, những câu đùa vui của anh rất tế nhị, ít làm phiền lòng ai từ gia đình đến bạn bè. Cô thương anh ở những cá tánh đặc biệt này. 

Hôm qua, anh Lâm phone cho cô biết, tuần trước anh đi họp bạn Không Quân, gặp lại một anh bạn cùng bay trong phi vụ với anh Tâm, anh ấy nói là họ đã tìm thấy chiếc máy bay của anh Tâm bị Việt Cộng bắn rơi, chiếc khu trục tan tành và anh Tâm đã tử thương.

 

---

 

Cũng có những lúc cô tự nhủ, nếu anh Tâm không bị nạn, nếu cô làm vợ của anh Tâm thì đời cô sẽ như thế nào? Cô càng tin tưởng vào duyên số, với anh Tâm, mối tình đầu, dù làm cô khó quên, vì có qúa nhiều kỷ niệm, nhưng khi về làm vợ Nam thì cô thấy “Ông Tơ, Bà Nguyệt” đã cột sẵn tơ duyên hai người từ trước rồi. Từ ngày về làm dâu nhà Cụ Tú, cô thấy cô thật hạnh phúc, Nam hiền lành, thật thà, anh rất lo và chiều chuộng vợ con hết lòng, ngay cả những lúc khó khăn nhất mà vợ chồng cô cũng chưa hề cay đắng, chỉ cố gắng vượt qua. 

Cô cũng thầm cám ơn Trời Phật đã dìu dắt gia đình cô đến nơi an lành này để sống. Nhờ đất nước văn minh, lòng người mở rộng, nên chồng cô đã thoát qua hai cuộc giải phẫu “thập tử, nhất sinh”. Một đoàn Bác Sĩ, y tá rất tận tâm, tận lực với đầy đủ lương tâm của các bậc “Lương Y như Từ Mẫu”.

 Nghĩ đến quê nhà, cô lại ngậm ngùi, xót xa…Vừa qua, trên Net đã đưa ra một loạt  hình ảnh tại Bệnh Viện Ung Thư mà Cộng Sản gọi là “Viện Ung Bứu”, thấy bịnh nhân nghèo nằm la liệt dưới đất, ra cả đường đi, ngồi ngóng Bác Sĩ dài cả cổ để chờ đến phiên được khám bịnh. Nhanh hay chậm thì còn tùy thuộc vào những bao thơ (tiền)…

 Càng nghĩ cô càng thương thân phận người nghèo khó ở VN, chính cô cũng đã từng trải qua những năm nghèo đói khi Cộng Sản vào chiếm miền Nam. Gia đình cô đã có những hôm ngô, khoai thiếu thốn, Mẹ cô vừa nhai, vừa khóc. Rồi thì khi Mẹ đau, các cháu bịnh, tìm 1 viên thuốc cảm cũng đổ máu mắt, cô phải nhờ đứa học trò, gia đình có tiệm Thuốc Tây mua dùm vài viên thuốc cảm… mà cũng chả biết là thuốc còn thời hạn hay là đã quá “đát”… Càng chua xót hơn nếu không có tiền thì bịnh nhân đành mất mạng.

 

***

 

Hôm nay, ngồi viết những giòng chữ này, ôn lại chuyện buồn vui qúa khứ, những biến chuyển trong đời mình…những năm tháng dài, từ vinh hoa đến hoạn nạn, thoáng qua như một vở tuồng trên sân khấu. Cuộc đời tuy có vui, nhưng khá nhiều nỗi đau buồn. Nhất là nước Việt Nam của mình thì qúa tang thương, luôn bị các Quốc Gia khác hà hiếp, hăm he chiếm đóng. Càng thương nhiều cho tuổi trẻ Việt Nam bây giờ, họ sống mà không có ngày mai, chỉ lo hưởng thụ, rượu thuốc liên miên. Quán hàng nhậu nhẹt mọc khắp nơi. Con gái thì đứng sắp hàng rao bán cho đàn ông nước ngoài, tha hồ xăm xoi như chọn tôm, lựa cá. Thật xót xa, không còn tình người… 

Không biết bao giờ quê hương mình mới được thanh bình thực sự?

 

Kiều Oanh

(Viết theo tâm sự 1 người bạn)

Một ngày tháng Tư, 2019

 

16

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Mười 2015(Xem: 183007)
Quan trọng là luôn được sự yểm trợ và thương mến của quý Niên Trưởng, quý Huynh Trưởng và các hội đoàn người Việt hải ngoại
23 Tháng Bảy 2024(Xem: 663)
Chính âm thanh của cuộc sống sinh động ấy đã lắng đọng mãi trong ký ức của tôi, và đã cho tôi những hoài niệm đẹp của ngày xa xưa trên con đường THĐ - nơi tôi sinh ra và lớn lên.
23 Tháng Bảy 2024(Xem: 620)
phải mang nỗi nhớ nhung ra kể với bạn về một phần đời của Sài Gòn năm cũ. Còn bạn, ký ức nào vẫn còn lưu giữ về một thành phố ngày xưa?
30 Tháng Năm 2024(Xem: 981)
nhiệt tình của một ông thầy trẻ của Trung học Ngô Quyền Biên Hòa gần nửa thế kỷ trước. Vĩnh biệt thầy với chân thành thương tiếc!
14 Tháng Tư 2024(Xem: 875)
Nhưng tôi không bao giờ quên những khoảnh khắc cuối tháng tư đau thương ấy. Tôi không bao giờ quên một khoảng đời đen tối ấy.
30 Tháng Ba 2024(Xem: 1556)
Dòng sông có tiếng hát đấy, tiếng hát trong im lặng, chỉ mình tôi nghe, và nó rất buồn.
11 Tháng Ba 2024(Xem: 1718)
Đôi khi trong cuộc đời làm thơ có những ngẫu hứng bất ngờ , thích thú như vậy. Câu chuyện trên với tôi là một kỷ niệm nho nhỏ
07 Tháng Ba 2024(Xem: 1558)
Chính vì những cảm nhận như thế nên mới có bài viết này để trân trọng tác giả đã nói lên được điều ấy.
04 Tháng Ba 2024(Xem: 1392)
Tiếp cận văn minh phương Tây sớm, nên dân Sài Gòn có thói quen ngả mũ chào khi gặp đám ma, xe hơi không ép xe máy, xe máy không ép người đi bộ
02 Tháng Ba 2024(Xem: 1233)
Tất cả không vì một lợi nhuận nhỏ nhoi nào chỉ vì trái tim nồng nàn của người nhạc sỹ.
19 Tháng Hai 2024(Xem: 1649)
Tôi chỉ muốn có một nước Việt Nam như thế. Có thể bạn sẽ hỏi: “Vì sao? Để làm gì?
03 Tháng Giêng 2024(Xem: 1812)
Cố thắp cho nhau một ngọn đèn. Để dù trong tăm tối ta còn được cháy trong lòng nhau
30 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1788)
So sánh tôi với người bỏ làng ra đi trong những trang sách đó thì hoàn cảnh của tôi đáng buồn hơn nhiều. Không những đã bỏ làng, bỏ nước đi, còn nhận quốc tịch của một nước khác.
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1663)
Cầu mong cho những cô học sinh nhỏ trong bức hình, cô học sinh lớp Sáu trong bài thơ của Trần Bích Tiên và luôn cả Trần Bích Tiên nữa bình an
04 Tháng Mười 2023(Xem: 2108)
Thôi .. giờ bên nhau đã hết. Bầu trời vần vũ kêu mưa. Tạm biệt mầy..Hẹn ngày tái ngộ ...gần thôi.
05 Tháng Bảy 2023(Xem: 2690)
Throughout the day, we danced and sang songs that transported us back to those high school days
30 Tháng Sáu 2023(Xem: 4131)
Tôi cũng sẽ kể lại cho con tôi là tôi đã từng sống trong một nước Việt Nam Cộng Hòa văn minh và nhân bản như thế
14 Tháng Năm 2023(Xem: 2917)
chuyện của má tui. Những chuyện bình thường, lặt vặt mà sao với tui nó quý quá chừng
13 Tháng Năm 2023(Xem: 2759)
Lau xong nhìn rõ mình trong đó Thấy lại Mẹ hiền trong phút giây!
03 Tháng Năm 2023(Xem: 2570)
Cầu nguyện linh hồn anh An Bình nơi nước Chúa Nguyện ơn trên cho chị đủ sức mạnh để vượt qua tất cả
03 Tháng Năm 2023(Xem: 2393)
Đàn bà chúng tôi luôn luôn là nạn nhân trong cuộc chiến. Người đàn ông không thế nào hiểu được sự kiên trì chịu đựng của phụ nữ
03 Tháng Năm 2023(Xem: 2374)
Nếu người dân miền Nam hiểu biết về cộng sản Bắc Việt như người dân Ukraine hiểu biết về cộng sản Nga, lịch sử Việt Nam ngày nay (có thể) đã khác
12 Tháng Ba 2023(Xem: 2723)
Bởi vì họ đang vùng lên không phải chỉ cho phụ nữ mà vì sự tự do và công bình cho đất nước họ trên thế giới này.
19 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 3274)
Anh và những êm ái của tình yêu, dù cho tôi đã đáp lại một cách tệ hại thì cũng là mối tình rất đẹp.
02 Tháng Mười Một 2022(Xem: 3563)
Anh nằm xuống ở một nghĩa trang buồn, xa xôi. Chỉ có loài chim thôi !! Hôm nay, ngày 2/11. Ngày lễ các linh hồn. Tôi cầu xin linh hồn anh được hưởng nhan Chúa Trời ! Đời Đời !
14 Tháng Chín 2022(Xem: 3951)
Nhân ngày sinh nhật, chúc Hạnh thật nhiều sức khỏe và hoạt động hăng say. Cám ơn Dậu và các cháu lúc nào cũng ủng hộ và tạo điều kiện cho Hạnh đến với các sinh hoạt của Biên Hòa.
14 Tháng Tám 2022(Xem: 3925)
Cuối cùng rồi mọi ve vuốt, mọi khuynh loát đều chịu thua, đều lùi bước trước sự nhã nhặn khuớc từ,
04 Tháng Bảy 2022(Xem: 3474)
Khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn. Xin cảm ơn Nebraska, quê hương thứ hai yêu dấu
10 Tháng Sáu 2022(Xem: 4180)
đã từng vui, đã từng buồn rồi mỗi người đôi ngả. Năm tháng đã qua ấy, tôi gọi tên là thanh xuân.
30 Tháng Năm 2022(Xem: 4536)
âm ỷ thốn vào đời sống, dai dẳng đeo theo mỗi khi trở mùa / viên đạn mang nỗi đau mất quê hương mất nguồn cội.
23 Tháng Tư 2022(Xem: 4788)
Và thấy ai đó đang khóc thầm nhớ tiếc những ngày vàng son, những ngày con người dù đau khổ, chết chóc những vẫn còn biết tử tế với nhau
03 Tháng Ba 2022(Xem: 5298)
tôi nghĩ, không tránh khỏi những thiếu sót, hoặc sai lệch. Nhưng đã đọc, mà không viết, cứ để ứ hự ở trong lòng thì quả thật, có lỗi với Nguyễn Tất Nhiên thi sĩ.
14 Tháng Hai 2022(Xem: 4919)
Nam không trách gì anh ta, cũng vì quá thương em gái, nếu như em gái của Nam gặp trường hợp này thì chắc Nam cũng sẽ làm như vậy.
09 Tháng Hai 2022(Xem: 4851)
Gửi đến Biên Hòa quê hương lời Chúc Mừng Năm Mới. Chúc các bà chị dâu vượt bao bệnh tật để vui cùng con cháu.
01 Tháng Hai 2022(Xem: 4684)
Cuộc sống thanh nhàn ta tận hưởng Nhâm Dần dịch bệnh cũng lui binh
27 Tháng Mười Một 2021(Xem: 5659)
Cám ơn Thầy Cô bạn bè đồng trường đồng lớp. Cám ơn những người bạn ở khắp thế giới đã chia sẻ vui buồn và trao đổi văn thơ.
13 Tháng Mười Một 2021(Xem: 5389)
Bốn năm anh đã nằm xuống, 4 năm tôi để anh tại chùa nghe kinh. Bây giờ tôi phải để anh nhẹ nhàng thân xác.
08 Tháng Mười Một 2021(Xem: 5406)
Thương quá ai ơi tôi không đủ chữ Giảng nghĩa dùm tôi cái chữ ân tình!
29 Tháng Tám 2021(Xem: 6409)
Hỡi các bạn đang còn sống, đừng bao giờ nghĩ mình có thể sống chung với bệnh dịch khi ta chưa có thể khắc chế được nó!
25 Tháng Bảy 2021(Xem: 6493)
Mong một ngày gần nhất mọi chiến sĩ chống giặc được về nhà. Người người sẽ trở lại với saigon còn tôi được về thăm quê hương
19 Tháng Bảy 2021(Xem: 6535)
lòng tôi rộn ràng vui như ngày tựu trường năm cũ, sắp được gặp lại các người thân yêu....
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 6279)
Hôm nay nghe Mạnh đứng ra làm lại chiếc nhẫn khoá 25. Có lẽ là người sung sướng và hạnh phúc nhất là chính mình.
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 5716)
Người yêu ấy có phải là tôi không? Chỉ có anh trả lời được. Tiếc thay anh đã chết không thể trả lời.
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 5644)
tôi phân vân quá, vì bạn tôi hôm qua gọi điện cho tôi nói "Mày có phước lắm, được ở gần chùa."
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 5601)
Các bạn Muối men cho đời ơi! Các bạn đã thực hành lời Chúa thật dễ dàng và đẹp đẽ! Tôi xin thay mặt cho những người nhận quà hôm nay Cám ơn các bạn!.
03 Tháng Bảy 2021(Xem: 5829)
vì đã chịu lấy tôi, một người thua cuộc mất hết tất cả để rồi phải khổ, trong khi bao nhiêu người khác muốn cung phụng em.
20 Tháng Sáu 2021(Xem: 6379)
Chiếu đời mâm cỗ vinh nhục có phúc có phần, thời trẻ trai hay khi trai chẳng còn trẻ thì cũng thế thôi
29 Tháng Năm 2021(Xem: 5837)
“Ngày của Cha” sắp đến nơi rồi. Các bác trai hãy cùng tôi “nối vòng tay nhỏ” và làm ngày này là một ngày thiêng liêng không thua kém gì ngày “Mother’s Day.”
09 Tháng Năm 2021(Xem: 7082)
Tháng năm xin gửi đến các bà mẹ trẻ, mẹ già lời cầu chúc sức khỏe bình an hạnh phúc. Chúc các bà Mẹ nhận được thật nhiều lời chúc lành từ con cái.