TA VỀ…
Trong cuộc sống hiện tại, cứ mỗi lần đi thăm một người bệnh, hay tiển đưa thân nhân một người bạn thân quen về nơi cõi vĩnh hằng, bản thân mình cảm thấy như cuộc đời ngắn lại. Nhưng cũng phải trở lại cuộc sống đời thường, của một ngày nắng đẹp cuối tuần, bên ly cà phê bạn bè đàn anh, đàn em gặp nhau cũng với nụ cười rộn rả. Một cơn gió thoảng giữa cái nắng chói chang, một chiếc lá rụng, như một đời người cũng có lúc ta về.
Tôi đã đến nhà thờ La Vang Nam California vào chiều thứ sáu 1 tháng 4 năm 2016, để viếng tang người chị kính yêu của người bạn học. Chị hưởng thọ 72 tuổi và ra đi một cách nhẹ nhàng trong giấc ngủ ngon. Qua chia sẻ của những người thân quen, được biết chị đã chuẩn bị cho mình những giây phút cuối đời, tận tụy lo cho gia đình, hy sinh và phục vụ cho đức tin của mình.
Riêng bạn bè chúng tôi đến đây vì cùng học với mái trường Đại Học Kinh Thương Minh Đức Sài Gòn vào năm 1970. Bây giờ có dịp gặp lại, sau mùa hè đỏ lửa 1972 một số đã vào quân ngũ, số còn lại hoàn tất bậc cử nhân. Sau 1975 bạn bè tản lạc khắp nơi cùng với nỗi vinh nhục của đường đời, giờ gặp nhau có khóa đàn anh, đàn em, có bạn đến từ Úc, mái tóc đã thay màu, nhưng trong phút giây rất cảm động vì tình đồng môn vẫn còn khắn khít như những ngày cùng một mái trường.
Sáng sớm thứ bảy 2 tháng 4 năm 2016 tôi phải đến nhà thờ St Cecilia thành phô Tustin, để gặp người bạn cùng đại đội 53 khóa 5/72 Thủ Đức đến từ Oregon và dự thánh lễ tiển đưa nhạc phụ của bạn. Cụ André hưởng thọ 97 tuổi. Mỗi một người ra đi, ít nhiều cũng đã để lại bài học cho người ở lại Bình sinh người đời thường nói “ con người sống ở đời ra sao, khi họ mất đi mới biết nhân cách và sống đời của họ”. Con cháu tề tựu hơn nữa nhà thờ, và gần 10 Linh mục và quý Thầy đồng tế. Điều ghi nhận được cụ André là người tiên phong vào những năm 80 đã tranh đấu cho thánh lễ bằng tiếng Việt tại giáo xứ St Cecilia của thành phố Tustin.
Riêng bạn bè chúng tôi gặp nhau vẫn hai tiếng” mầy tao”, cùng nhắc nhớ những tuần huấn nhục, mùi cơm nhà bàn Thủ Đức. Còn gặp lại nhau trong bao nỗi mừng vui, cùng khóc cho những thằng đã nằm xuống. “ Cư An Tư Nguy” ai bão những người lính già không bao giờ biết khóc!!!
Rời Nghĩa Trang Chúa Chiên Lành lại nhận được phone của một đàn anh Ngô Quyền “ Hạnh ơi! Viện đi rồi vào trưa nay tại bệnh viện”.
Anh Viện (Cao) mất đi tôi không biết viết gì hơn, là một khóa đàn anh Ngô Quyền cũng là người bạn qua những trại tù vc. Anh cùng gia định định cư tại Pomona California, với căn bệnh quái ác anh đã trải qua lọc thận hằng ngày để được sống sót hơn 20 năm rồi. Dù anh không đến được Orange County, nhưng mọi sinh hoạt của hội ái hữu Biên Hòa đều được anh quan tâm. Vài lần tôi đến thăm anh đều được anh khui bia cho tôi uống, anh thích được nghe tiếng cười cũng nhưng nghe tôi nói chuyện, Anh mất đi như một sự nhẹ nhàng thân xác của một kiếp người, riêng tôi vẫn còn nợ anh món nợ ân tình “muôn đời tôi vẫn nhớ”. Anh đã cứu tôi trong tù, khi thuốc của anh chỉ dành cho mình đã dành cho tôi dứt cơn kiết lỵ 3 ngày, ngoài ra anh đã tiếp trợ tôi qua công việc kiếm sống tại chợ Biên Hòa sau khi ra tù, qua việc anh chị đã lấy mối nước đá của tôi cho quán cà phê của anh chị.
Anh Viện ra đi chắc chắc sẽ để lại sự thương mến của của bạn bè thân quen. Anh Trạch Gầm người anh thân thương khi được tin anh Viện ra đi cũng cho tôi biết “ Hạnh ơi! Anh đã lên thăm Viện cách đây 2 tuần, Viện muốn anh ngâm bài thơ cho Viện, chắc là một sự báo trước, Viện đã yêu cầu anh ngâm bài thơ TA VỀ”
Về với lòng đất lạnh hay với mớ tro than, chắc chắn không ai tránh khỏi. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị sự ra đi như thế nào trong cuộc sống hằng ngày, qua sự yêu thương, xoá tan sự hơn thua, bao thù hằn và đố kỵ. Từ đó mới có thể cảm nhận được yêu thương và quý mến tha nhân như chính bản thân mình. Anh Viện đã sống một cuộc đời như thế. Một đời sống có nghĩa có nhân, sẽ mỉm cười mãn nguyện khi lúc ta về…
NGUYỄN HỮU HẠNH