Nhật ký:Những ngày cuối tháng 4-1975.
Hôm nay là thứ hai, ngày 21 tháng 4, 8giờ 30 tối, đúng 40 năm trước, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Lòng tôi cảm thấy buồn. Không phải buồn là vì Ông là thân nhân của tôi. Đã hơn hai tháng qua đất nước chúng ta chìm trong khói lửa, người người đã chết, nhà tan, mất đất…mà giờ phút nầy một vị Tổng Thống xin từ chức thì chắc chắn nước nhà sẽ loạn nhiều hơn và ngày mất Sài Gòn sẽ không xa. Khi ấy thì ai cũng có ý nghĩ như tôi, nhưng nước mất ai mà không thấy đau lòng?.
Thông thường tôi vào sở làm vào lúc trưa, nhưng sáng sớm hôm nay 22-4 tôi vào văn phòng sớm hơn vì trong lòng lo âu nhiều việc. Nhìn gương mặt Ông xếp, tôi thấy ông buồn. Ông bình tỉnh trấn an anh em về tình hình chiến sự xảy ra hàng ngày, về chuyện Ông Thiệu từ chức tối hôm qua, rồi ông nói:
” mình làm việc cho Quốc gia chứ đâu có làm việc cho một chính phủ nào, anh em đi công tác nên cẩn thận hơn.”
Trở về nhà, một vài người bạn đến chơi kể chuyện nhiều người tìm cách đi tàu qua Úc Châu với phí tổn 3 trăm ngàn một người. Hoặc đi tàu sang Thái Lan…Tôi không dám nghĩ gì đến những chuyện đó phần thì làm sao tôi có số tiền to lớn như vậy, phần thì tôi đâu dám bỏ sở mà đi. Nếu tôi đi thì tôi mang tội đào ngũ trong thời chiến. Trong căn phòng nhỏ, sống một mình, giờ phút nầy không có cha mẹ, anh em để tâm sự, tôi thấy buồn vô cùng và rồi tôi ngủ đi lúc nào không hay.
Thức dậy là mờ tối rồi, đói bụng quá tôi chạy xe đi ăn cơm. Tôi thường hay ăn cái quán cơm ở bên lề đường Nguyễn Du gần siêu thị Nguyễn Du. Ăn lâu ngày rồi quen, cô bán hàng lúc nào cũng đùa gọi tôi là “ông xã”. Ăn ghi sổ, cuối tháng trả tiền. Cũng nhờ đùa giỡn với cô bán hàng mà cuối tháng hình như cô ấy ghi chừng phân nửa số lần tôi đến ăn. Cũng tốt.
Cô bán hàng hỏi tôi: “sao ông xã hôm nay buồn vậy”. Tôi trả lời: -Bị vợ bỏ rồi.
-Về nhà em lo cho ông xã…
Những câu đùa giởn không làm vơi đi nỗi buồn và lo âu cho số phận của chính mình, không biết nếu mai nầy cộng sản đến Sài Gòn thì mình sẽ như thế nào?. Về nhà nằm nghe vài bản nhạc rồi ngủ….
Chiến sự ngày càng gia tăng, tinh thần dân chúng giao động, người người xôn xao tìm cách rời khỏi nước. Bạn bè trong sở của tôi có vài người có thân nhân làm trong các tàu buôn nước ngoài đã lặng lẻ trốn đi rồi. Vì tình hình bất an cho nên chúng tôi ngưng nhiều công tác bên ngoài. Ai nấy cũng lo cho chính mình và gia đình mình, dầu vậy hằng ngày chúng tôi bắt buộc phải vào trình diện trong sở một lần để nhận những tin tức mới.
Thứ tư 23-4, vào khoảng xế trưa tôi mới mò vào sở. Vừa bước vào thì tôi được tin là cả sở sẽ được Mỹ di tản trong vài ngày tới. Mừng quá, giống như sắp ra pháp trường thì được quan tòa tha bổng. Người độc thân thì không cần lo hồ sơ vì đã có tên trong danh sách, nhưng những người có gia đình vợ con thì cần ghi rỏ tên tuổi. Lệnh cho biết là mỗi nhân viên chỉ được đem vợ hoặc chồng và con cái đi mà thôi. Tin tức truyền đi không biết có chính xác không rằng Mỹ sẽ đưa 135 ngàn người rời khỏi nước gồm những quân, dân, cán, chính nếu ở lại sẽ nguy hiểm đến tánh mạng, cùng vợ con họ.
Trong bửa cơm chiều hôm nay tôi để dành thì giờ ngắm, ghi nhận và nhớ từng người làm tại đây. Vì tôi biết trong vài ngày tới tôi sẽ không bao giờ gặp họ nữa. Mặc dầu giữa người bán và nguời mua đã chấm dứt sòng phẳng; nhưng chị Ba chủ hàng đây rất tốt với tôi. Xưa nay chị biết tôi độc thân, sống xa nhà nên ăn đây hàng ngày. Có gì ngon chị luôn dành lại cho tôi. Đôi khi tôi không đến ăn vài ngày, chị sợ tôi đau yếu nên không đi ăn được. Tôi có hỏi chị là chị có dự tính rời khỏi nước không. Chị cho biết là không. Chị nói gia đình chị sống và buôn bán như vậy là yên rồi, đi ra nước ngoài làm gì để sống?
Tối hôm nay trong lòng cảm thấy vui nhiều, tôi suy nghĩ vẫn vơ rằng người ta có vợ con đưa đi nước ngoài sống vui qúa còn mình thì giờ nầy vẫn cô đơn.
Hôm nay là thứ năm 24-4, vì không có điện thoại để liên lạc nên tôi phải vào sở sớm để biết tin tức. Tôi ở Thị Nghè nên vào sở không xa lắm chừng 2 cây số. Sáng sớm hôm nay xui xẻo, vô sớm bị Xếp sai việc. Ông nhờ phụ đem đi đốt hết tất cả hồ sơ công tác, nhân viên cá nhân, nhân viên liên lạc khế ước bên ngoài…coi như đốt tất cả, không được giữ lại bất cứ dấu vết gì. Bên trong sở có một lò hỏa thêu giấy tờ rất lớn độ chừng 10 m vuông, lữa luôn luôn cháy. Trong lúc nầy tôi nghĩ là nước mình thật sự đã mất. Giấy tờ mật Quốc Gia công tác đã đốt hết thì cũng đoán được rồi. Ông căn dặn tôi từ giờ nầy đừng ra khỏi Sài Gòn, coi chừng bị kẹt.
Tôi trực nhớ là tôi phải trở về Biên Hòa để gặp cha mẹ tôi trước khi tôi ra đi. Tôi vào từ giả Xếp, chạy xe Honda thẳng về Biên Hòa. Về đến nhà thì được biết Ba má tôi về quê thăm Bà ngoại tôi bị bịnh, hôm sau đi đám cưới rồi mới về. Chết rồi, như vậy làm sao tôi gặp được Ba má tôi trước khi tôi ra đi. Bây giờ là 5 giờ chiều rồi, tôi không dám chạy xe về quê. Đi thì cũng được, nhưng biết đâu số xui, giờ nầy thì phải bảo vệ mạng sống. Sau khi ăn cơm xong, tôi mới trình bày cho chị Hai tôi biết mọi chuyện. Tôi nói ở nhà đừng lo cho tôi, tôi sẽ đi và tôi sẽ liên lạc về nhà. Nhìn chị tôi hai hàng nước mắt rơi, tôi không muốn thấy cảnh đau lòng nầy, tôi vội vã chào từ biệt. Từ đường Phan Đình Phùng xuống Hàm Nghi ghé anh tôi. Anh tôi là dân QGHC làm tại tòa Hành Chánh Phú Bổn. Tháng 3 vừa qua bỏ chạy từ Quảng Đức về Sài Gòn, giờ còn nghỉ xả hơi chưa trình diện Bộ Nội Vụ. Tôi trình bày mọi việc cho anh biết và yêu cầu anh lên Sài Gòn ngay để kiếm đường ra đi. Anh suy nghĩ và nói:
- Anh đi còn chị ba em với 2 cháu nhỏ ra sao? Tôi nói:
- Nếu đi được hết cả gia đình thì tốt, nếu không, anh lo cho anh trước vì anh ở lại nguy hiểm lắm. Đêm nay anh phải quyết định, sáng mai lên Sài Gòn sớm. Hãy lên Sài Gòn ngay để tìm đường đi.
Trời đã tối, vừa nói xong tôi vội vàng trở về Sài Gòn. (Cuối cùng anh tôi không đi được, ở lại gở hơn 6 cuốn lịch, làm bạn với anh Kiều và anh Thôi).
Như vậy thì tôi đã không còn dịp trở lại thành phố Biên Hoà thân yêu để từ giả hai cô nhân tình bé nhỏ xinh xinh Văn Khoa của tôi. Tôi rất nhớ trường đại học Văn Khoa Sài Gòn, một ngôi trường cổ kính, cũ kỷ nhưng là nơi chôn giử nhiều kỷ niệm, nhiều tình cảm dể thương, quí mến của tôi trong thời trai trẻ. Thời ấy, tôi cũng là một sinh viên Văn Khoa ban Pháp Văn.
Việc ghi danh nhập học vào đầu niên khoá tại Văn Khoa rất nhiều phức tạp cũng như mất thì giờ vì có quá đông Sinh Viên. Những Sinh Viên ở Tỉnh lên Sài Gòn xin ghi danh học Văn Khoa không bao giờ làm xong trong một ngày. Vì không có tin tức rõ ràng, hoặc vì bận phải đi làm và cũng vì đường xá xa xôi nên họ thường hay ghi danh trể hạn. Đôi lúc tôi gặp nhiều nữ sinh viên đứng trước hành lang với gương mặt lo âu. Tôi đến hỏi xem họ có cần gì hướng dẫn không. Tất cả đều là những người từ xa đến đã trể giờ ghi danh hoặc số lượng ghi danh hôm đó đã đầy đủ rồi, bắt buộc họ phải trở lại ngày mai. Tôi xin xem hồ sơ thì thấy vài cô quê quán Biên Hòa. Tôi tự giới thiệu tôi sinh ra, lớn lên và hiện sống tại Biên Hòa. Tôi nói, tôi có thể giúp các cô ghi danh hôm nay. Tôi suy nghĩ, nếu không giúp đở những người từ quê của mình thì tôi giúp cho ai? Trong khi tôi làm việc nầy thì quá dể dàng. Vì ông trưởng phòng Học Vụ là bạn thân của tôi. Tôi đưa họ đến hội quán Văn Khoa có bàn ghế để tôi xem xét hồ sơ của họ. Nếu hồ sơ đầy đủ tôi sẽ đem vào văn phòng nộp ngay. Tôi hẹn các cô ấy hai ngày nữa đến đây để nhận thẻ Sinh Viên chính thức, tức là hồ sơ đã hoàn tất. Chắc các cô nói chuyện với nhau nên sau đó có nhiều Sinh Viên đến tìm tôi giúp đở nhiều việc từ việc mua sách, hướng dẩn cách thức học, ghi chép bài vở và thi cử…Tôi còn nhớ trong những người đó có em gái của N.K.Quang và Đ.C.Thành là bạn cùng lớp Ngô Quyền của tôi; bà xã của Tùng, bà xã của Thu hiện tại. Mặc dù tôi tốt nghiệp trường Luật, nhưng tôi yêu mến ngôi trường Văn Khoa là vì Văn Khoa là môi trường đã dạy tôi trưởng thành từ ý thức chính trị, tình cảm, và nhiều niềm vui trong cuộc sống. Bây giờ còn đâu nữa với “ khung trời đại học” Văn Khoa yêu dấu nơi mà có nhiều nữ Sinh Viên con dân xứ Bưởi với tà áo dài xinh xắn là những bông hoa tươi thắm làm sáng lên trong các Giảng Đường.
Cả tuần nay các trường đại học coi như không còn dạy nữa mặc dù cửa vẫn mở, một số Sinh Viên ở xa chưa biết tình hình thế nào nên họ đến rồi lại về. Hôm nay thứ bảy 26, sau khi ăn sáng, tôi đến Nguyễn Thiện Thuật tìm cô em Bắc Kỳ nho nhỏ. Loan là cô gái tôi vừa quen một năm qua trong đám cưới người bạn mà cô là dâu phụ, tôi là rể phụ. Tôi muốn đến thông báo cho gia đình cô tìm đường ra đi. Khi đến nhà thì cửa sắt đã khóa, tôi hỏi bà bán tiệm sách kế bên thì bà trả lời nhà nầy đi đâu cả tuần nay rồi nhưng bà không biết họ đi đâu. Tôi ra chợ Sài Gòn đến đường Lê Lợi nơi cửa hàng của Bà mẹ Loan, cửa hàng nầy cũng khoá. Tôi đoan chắc là gia đình Loan đã di tản rồi. Buồn 5 phút. Cô bé dể thương, làm hoa tặng tôi trong lần đầu tiên khi tôi đến thăm cô tại nhà. Bây giờ em đâu rồi?
Trong đầu tôi đang lẩm bẩm khó chịu rằng gia đình nầy chả có ai đi lính, làm gì mà sợ phải bỏ đi sớm như vậy. (Sau nầy tôi là rể trong gia đình, tôi được nghe ông Nhạc gia tôi kể là ông Nội của Loan đã bị đấu tố tư sản đến chết, nên cả gia đình giờ vẫn còn sợ và có kinh nghiệm là phải dứt khoát, bỏ của lấy người. Bà mẹ Loan có người anh làm trong chính quyền nên chuẩn bị cho nhiều gia đình đi từ đầu tháng 4 ra Vũng Tàu chờ…).
Tôi có người cô ở Chợ Lớn nhưng giờ đó tôi sợ không dám lái xe đến đó để thông báo cho họ tìm cách di tản. Tiếng súng bắt đầu nổ lai rai trong thành phố Sài Gón, cướp của giết người dể dàng xem như một Quốc Gia không còn luật pháp. Có một vài công sở bỏ trống, tôi thấy dân chúng vào lấy đồ đạc, mang bàn ghế và nhiều thứ họ ngang nhiên chất vào xe đẩy đi. Tôi không nhớ hôm đó là ngày nào, tôi đi ngang qua đường Hai bà Trưng, phía sau toà nhà Quốc Hội thì nghe tiếng đạn pháo rớt gần bên, mọi người chạy tán loạn, tôi vội chạy vào hảng làm nước đá cây trốn trong đó. Sau nầy mới biết đó là phi cơ dội bom Dinh Độc Lập.
Tổng Thống Trần Văn Hương lên cầm quyền mấy ngày nay, tình thế ngày càng xấu hơn với nhiều trận đánh khốc liệt chung quanh Sàigòn. Quốc hội đang bàn cải việc yêu cầu TT Trần Văn Hương nhường quyền cho Ông Minh có hợp pháp hay không. TT Hương yêu cầu Mỹ rời khỏi nước. Với tình thế nầy chúng tôi rất lo ngại vì Mỹ chưa di tản lính của họ thì làm sao lo cho người Việt Nam. Sáng sớm hôm nay thứ hai ngày 29, tôi chở Hùng ( người bạn cùng học Luật và cùng làm chung) vào văn phòng sớm để theo dõi tin tức. Trưa hôm nay thì tin tức cho biết là ông Phó cơ quan có nhiệm vụ liên lạc với người Mỹ để di tản, Ông cho biết một tin rất xấu là người Mỹ lo việc nầy vừa được Chính Phủ Mỹ gọi về nước cấp tốc. Tuy nhiên Ông nói hy vọng hết ngày nay xem sao. Tất cả mọi người đều buồn, gương mặt sầm xuống. Anh em bàn tán chắc thằng Mỹ đã bỏ chúng ta rồi. Thôi mình tìm đường tự túc xem sao. Tôi đưa Hùng đi tìm những người bạn để xem họ có cách gì không. Đến nhà ai thì được biết là tụi nó đi mấy ngày trước hết rồi. Đói quá, tôi và Hùng trở lại viã hè Lê Lợi ăn tô phở rồi trở vô sở lúc đó là 5 giờ chiều. Chỉ có mấy tiếng đồng hồ mà tình hình đã thay đổi rất nhanh kể cả ngoại cảnh. Mấy ông an ninh gác cổng chẳng thèm để ý ai ra vô gì cả. Bên trong ít người qua lại, cảnh vật buồn hiu. Vừa đến nơi thì một người bạn đang ngồi trên xe Honda chuẩn bị đi về. Tôi hỏi:
-Có tin tức gì hay không? Anh ấy nói:
-Tao cũng đến trể vừa đến đây độ mười phút. Tao nghe tụi nó nói lại: “Xếp mình nói, thằng Mỹ đã bỏ rơi chúng ta rồi, không có kế hoạch di tản quân nhân công chức nào cả. Tụi nó lấy cớ là Phó đại sứ phụ trách di tản đã bị gọi về nước. Tiền còn lại trong qủy đen được đem ra chia cho anh em, ai muốn lấy thì lấy. Có người cầm lấy vài ba triệu bạc. Súng đạn còn lại ai muốn lấy thêm để phòng thân thì tự chọn. Riêng tao cũng chả có đồng nào”.
Anh bạn nói tiếp: “Tao nghe tụi nó nói tối ngày mai tất cả mọi người tụ tập tại một chi nhánh văn phòng ở đường Nguyễn Hậu, phía sau Bưu điện SG, nơi đó có bãi đáp trực thăng trên sân thượng”. Tôi và Hùng đã tái mặt, lo sợ, hai đứa cùng một ý nghĩ kỳ nầy chết là cái chắc. Suốt buổi tối hôm đó tôi và Hùng chạy khắp nơi để tìm đường đi và hứa là cùng sống hoặc cùng chết.
+++Sáng hôm sau 29-4 Ông Dương Văn Minh được Quốc Hội trao chức vụ Tổng Thống, Ông lên đài phát thanh kêu gọi người Mỹ phải rời khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng 24 giờ. VC đã vào chung quanh SG, tiếng súng và đạn pháo nổ khắp nơi. Dân chúng chạy ngoài đường tán loạn. Tôi vẫn chở Hùng đi chung quanh bến tàu để tìm đường đi. Trong những lúc gần như tuyệt vọng nầy, Hùng đưa đề nghị là mình chạy về miền Tây cùng với quân đội tiếp tục chiến đấu. Tôi nói:
-Không chắc gì giờ nầy mình ra khỏi Chợ Lớn để về Long An được. Nhưng Long An giờ nầy VC đã tràn vào rồi. Hùng nói:
- Hay là mình đi hướng Nhà Bè xuống miền Tây. Tôi nói:
- Tao chưa bao giờ đến Nhà Bè, giáp ranh Nhà Bè là tỉnh nào tao cũng không biết. Mình chưa đi đến đó thì đạn bắn cũng đã chết rồi.
Mãi đến 6 giờ chiều tôi đến bến Bạch Đằng ngay tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo nơi đi vào trong Bộ Tư lệnh Hải Quân, Toà án Quân Sự, Phủ chúng tôi và Hải Quân Công Xưởng cũng nằm trong khu vực nầy. Chỉ có nhân viên trong khu vực nầy có thẻ mới được vào, hoặc những người có công vụ đặc biệt. Cổng sắt được bắt ngang chận lại nhưng vẫn còn một lối vào. 4 người lính Hải quân đang đứng gác không cho ai vào. Bên ngoài thì vào khoảng 200 người dân đứng đó. Tôi suy nghĩ giờ nầy không biết đi đâu nũa, thôi mình vào bên trong xem có gì không. Tôi nói:
-Hùng! một tay tao cầm thẻ Hành Sự, một tay tao cầm tay ga xe, tao chạy qua người lính gác nầy, miệng tao nói tao vào sở gấp, tay kia tao vặn ga vọt lẹ. Mầy nhớ ôm tao chặt và đầu khum xuống coi chừng tụi nó bắn mầy.
Vừa dặn dò Hùng là tôi dọt ngay. Vừa đến trước Toà án Quân Sự thì tôi thấy chiếc HQ1, HQ2, HQ3 đậu đó. Mừng quá, tôi nhảy lên tàu thì thấy không có ai trong đó. Tôi la lên, có ai trên tàu không, sau mấy tiếng không ai trả lời rồi tôi bỏ đi. ( Sau nầy nghe nói đến 9 giờ tối 3 chiếc nầy ra đi chở đầy người).
Chạy tới Hải Quân Công Xưởng tôi thấy độ 200 người đứng ngoài chờ đợi, cửa sắt đóng. Tôi đến phía sau quan sát thì thấy thầy Nguyễn Trung Nhiên dạy Pháp Văn của tôi tại Văn Khoa. Tôi hỏi Ông:
-Thầy chờ đi đâu vậy? Thầy trả lời:
-Đi vào bên trong công xưởng, người ta đi thì mình cứ đi.
Quay lại tôi nói với Hùng mình đi theo đoàn người nầy. Quyết định dứt khoát, tôi để chiếc xe Honda tôi lề đường, chìa khoá vẫn để trong ổ máy xe. Tôi suy nghĩ mình đã bỏ đi rồi thì để chìa khóa lại ai muốn lấy có chìa khóa mà chạy. Vừa đứng vào sắp hàng chưa đầy 2 phút thì cổng sắt mở, mọi người lật đật đi vào. Mừng quá, vừa đi vừa thở nhẹ nhõm, phó cho số mạng cùng đám đông người nầy.
Đi cũng xa, tôi độ cả cây số mới đến bến tàu. Tôi thấy chiếc tàu hải Quân lớn đang đậu. Tôi thấy yên tâm, cuối cùng rồi cũng được đi Mỹ. Trên tàu đã đầy người, Thuyền Trưởng ra lệnh phải một giờ nữa chúng tôi mới được lên tàu. Giờ nầy thấy đói bụng quá, phía sau có một ông lính hải quân đang bán bánh mì. Tôi chạy đến mua hai ổ lớn và hai chai nước ngọt cho tôi và Hùng. Sau khi trả tiền tôi thấy tôi còn dư nhiều tiền quá, vừa lãnh lương mấy ngày nay, chạy có cờ, ăn uống gì đâu mà xài hết. Tôi lấy hết tiền ra, tôi nói để lại cho ông bán bánh mì xài, nhưng ông từ chối nhận. Cuối cùng tôi nói:
- tôi mang đi cũng không xài được, thôi tôi để lại đây ông muốn cho ai thì cho.
Trở lại đưa bánh mì cho Hùng thì Hùng nói có đồ ăn rồi vì Hùng gặp được cả gia đình Hùng trên tàu. Lên tàu, Thuyền Trưởng ta ra lệnh đàn ông thì ở trên boong tàu, trẻ em và đàn bà được xuống dưới. Sau khi ăn hết ổ bánh mì và nốc hết chai nước, mệt quá, tôi kiếm chổ nằm.
Giờ phút nầy tôi chỉ có một bộ đồ với cái bóp giấy tờ trong người, cái cục sắt vừa quăng xuống sông rồi. Thằng Hùng giờ nầy đang vui với gia đình. Chung quanh tôi toàn là những người xa lạ. Tôi bèn ca câu: Đời tôi cô đơn nên đi đâu cũng cô đơn. Nằm lim dim, tôi đang mơ giờ phút nầy chỉ có một người làm cho tôi vui nhất mà thôi đó là cô bán hàng cơm. Tôi đang nhớ về cô, cô gái ngoài hai mươi tuổi, nước da trắng, lúc nào cũng cười. Tôi nhớ nụ cười cùng giọng nói của cô, cô vui đùa hồn nhiên, cô làm tôi vui mà thời gian đó tôi chưa biết tận hưởng nó. Và rồi tôi ngủ đi lúc nào không hay.
Đang ngủ ngon giấc, tôi nghe tiếng đạn pháo nổ vang. Lúc ấy là 4 giờ sáng, chiếc tàu chạy ngang qua Nhà Bè thì VC pháo kích vào kho đạn. Tôi nghe người ta kể, chiếc tàu HQ-502 nầy hỏng máy đang đậu tại bến để sửa chửa. Những người Hải Quân muốn dùng tàu nầy di tản nên họ cố gắng sửa máy để đi. Mãi đến 2 giờ sáng thì tàu chạy được một máy, thủy thủ đoàn quyết định nhổ neo. Đến 8 giờ sáng thì tàu mới ra tới biển. Đến 10 giờ sáng thì tàu ra đến hải phận Quốc Tế, radio trên tàu phát thanh lời kêu gọi đầu hàng của Ông Minh. Mọi người ai cũng buồn, nhiều người rơi lệ. Việt Nam Cộng Hòa đã lọt vào tay cộng sản!.
Trưa hôm nay thì tôi gặp lại một người bạn học cùng lớp Luật với tôi. Tôi thân với cô vì trước đây tôi mướn một căn gác nhà Mẹ cô tại khu Dakao và sống ở đó một năm. Anh cô là Hải Quân nên chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, gạo, mì gói, nước cho cả gia đình trên tàu. Thế là vài tiếng sau cô mang lên boong tàu cho tôi tô cơm canh và thịt kho. Liếc tô cơm là thấy mê rồi nhưng tôi làm bộ từ chối. Cô nói:
-Anh ăn đi, nếu không má la đó.
Nghe nói má la quá đã, tội gì không ăn. Hàng ngày trên boong tàu tôi có bạn gái để chuyện trò, tôi có tô cơm để ăn trong mấy ngày khi chiếc tàu chỉ chạy một máy ì ịch đến Phi Luật Tân. Tôi ca bài con cá: Đời tôi cô đơn nên đi đâu cũng gặp hên.
Những ngày trên bong tàu với cô trường Luật thật vui, cuộc tình cũng đáng ghi nhớ lắm.
(Sau nầy tôi mới biết những người trong sở tôi, buổi tối 29, họ đem cả gia đình đến cơ quan đường Nguyễn Hậu chờ và ngủ tại đó mong được trực thăng đến đón. Chính vì cái lệnh oái ác nầy mà 80% nhân viên bị kẹt lại để rồi có người hàng ngày xé từ tờ lịch 8 đến 15 quyển. May sao tôi không được nghe trực tiếp lệnh nầy, và tôi cũng không để ý nó trong lúc điên cái đầu!)
Tôi thầm nghĩ quả thật giống như người đời thường nói: “Hay không bằng hên”, “Người tốt gặp may”. Tôi xin thành kính cám ơn Trên, Trời Phật, Ông Bà, cám ơn nước Mỹ đã cho tôi nhiều may mắn trong những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975 và cho cuộc sống gia đình tôi đến hôm nay….
40 năm trôi qua, 40 năm sống tha hương, tôi đã được đọc nhiều bài viết về những trận đánh chiến thắng hào hùng của Quận đội Việt Nam Cộng Hoà chúng ta. Trong những trận thư hùng đó, chiến sĩ chúng ta đã hy sinh vì Tổ Quốc rất nhiều, và hàng ngàn thương phế binh hiện đang sống lê lếch khổ sở tại quê nhà. Trong những người hy sinh đó có thân nhân và bạn bè của tôi. Những năm gần đây, tôi được biết nhiều bạn bè cùng học chung dưới mái trường Ngô Quyền là những sĩ quan ưu tú của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà như các anh: Lữ Công Tâm, Mai Trọng Ngãi, Nguyễn Hữu Hạnh, Đinh Hoàng Vân…Đây là những sĩ quan thật sự trực tiếp cầm quân chiến đấu với kẻ thù xâm lược. Tôi được nghe các bạn kể về cuộc đời gian khổ của người lính ngày đêm chiến đấu ngoài mặt trận để gìn giữ an ninh bảo vệ đất nước.
Hôm nay ngồi đây, ngày mai có người ra đi. Bạn Lữ Công Tâm còn sống được là một kỳ diệu may mắn trong lúc lái trực thăng đi cứu những người lính Mỹ bị thương giữa lòng địch, anh đã bị thương dưới hàng mưa đạn bắn của địch quân. Năm vừa qua Trung Úy Lữ Công Tâm được Chính Phủ Mỹ gắn huy chương để tỏ lòng ngưởng phục và biết ơn. Nghĩ đến đây tôi cảm thấy e thẹn cho chính mình. Chính những người lính Việt Nam Cộng Hoà, chính những người bạn của tôi đã gìn giữ an ninh cho nhân dân, cho tôi được sống an bình hạnh phúc trong thành phố, cho thủ đô Sài Gòn thân yêu.
Trong những năm sau nầy ông Tướng Tư Lệnh của chúng tôi đã từng tuyên bố vinh danh chúng tôi, do công tác của chúng tôi mà những năm sau cùng cho đến ngày mất nước, thành phố Sài Gòn không một Sinh Viên hay dân chúng biểu tình, phá rối trật tự, chống đối Chính Phủ. Tôi nghĩ đó chỉ là sự đóng góp nhỏ bé của chúng tôi trong việc phục vụ đất nước.
40 năm sau, tưởng nhớ lại những ngày nầy, tôi xin cám ơn với lòng ngưởng phục người lính Việt Nam Cộng Hoà và riêng đến người bạn oai hùng của chúng ta, anh Lữ Công Tâm nhân ngày 30 tháng 4. Xin một phút mặc niệm để tưởng nhớ những ANH HÙNG VỊ QUỐC VONG THÂN.
NGƯỜI BIÊN HÒA