Kỳ 29
Chúng tôi lấy nhau vì thói quen như quen một món ăn, một thức uống. Nhưng tệ hại vẫn là tôi, người chưa bao giờ có được một quyết định sáng suốt trong cuộc sống.
Giữa mùa hè, sau khi đã tốt nghiệp, Lan hay tin tôi muốn bỏ ngành đã học và đăng lính Hải Quân, cô ta tức tốc bắt tài xế đang đêm phải lái xe từ Đà Lạt vù xuống Nha Trang, gõ cửa nhà tôi - lúc đó tôi đang ở Sài Gòn - và khóc với mẹ tôi xin bà hãy cho cô làm dâu. Mẹ tôi không có ý kiến. Bà nói chuyện hôn nhân là của tôi, tôi phải tự định đoạt.
-Để sau nó không trách được tôi nếu nó không được hạnh phúc.
Đó cũng là năm mà tôi có Bích, một bạn gái quen nhau từ nhiều năm, khi tôi còn học trung học. Bích yêu tôi. Mẹ cô làm chủ một nhà Hộ Sanh khá lớn, anh em Bích đều là những người thông minh, học hành giỏi giang và tất cả đều thành đạt.
Tuy vậy Bích là một thiếu nữ lãng mạn quá, mơ mộng quá. Tôi sợ một thiếu nữ lãng mạn. Yêu một cô gái mơ mộng thì được, nhưng cưới thì không! Lan trở lại Sài Gòn gặp tôi. Cô nói:
-Em yêu anh, em muốn sống chung với anh. Em muốn có con với anh. Em biết chỉ có anh là người duy nhất có thể tha thứ cho em về sự lầm lỡ của đời em.
-Tên lưu manh ấy, cô ta tiếp,
-Hiện làm consul tại San Francisco. Hắn phá hoại đời em. Hắn không chịu cưới em. Và nếu hắn có muốn cưới em, em cũng không thể nào lấy hắn. Em yêu anh. Thăng ơi, hãy cưới em hoặc để em chết?
Tôi hiểu được do đâu có lời kêu than đó. Tôi là một tên quân tử Tàu loại hạng bét. Xúc động vì những giọt nước mắt, tôi cúi xuống vớt cô ta từ đống bùn đen lên, xóa giùm cô cái vết ô nhục mà gia đình cô ta không muốn nghe ai nhắc đến.
Đêm tân hôn cô ta nói:
-Cám ơn anh! Bây giờ em là vợ anh, nhưng em thấy mình vẫn có bổn phận biết ơn anh cho đến khi chết.
Tuy vậy cô ta có một trí nhớ kém khi có lần cô nói người ta có thể lấy một người “hư hỏng” làm vợ chớ không ai lấy một người vợ về làm một mụ đàn bà “hư hỏng.” Cô nói thiếu: không ai lấy một cô gái “hư hỏng” về để nhìn cô tiếp tục làm người đàn bà hư hỏng.
Với một người đàn bà loại ấy trong nhà thì người đàn ông sẽ phải làm gì nhỉ? Chắc là hắn không thể ở trong nhà được!
Hắn cần có công việc để vùi đầu vào quên lãng. Hắn có cần tình yêu không, nếu tình yêu ấy đến với hắn? Hắn phóng túng quá không?
Có lẽ thấy tôi làm thinh hơi lâu, bà Phan tiếp:
-Người ta nói cậu bỏ bê con cái. Có khi nào cậu về thăm con không?
-Thưa bác, chiều nào tôi cũng đón mấy cháu ở trường.
-Thật sao? Bà Phan hỏi, giọng ngạc nhiên.
-Có. Cái đó con có thể làm chứng!
Uyên vừa đặt ly cà phê trước mặt tôi vừa mỉm cười quả quyết.
Bà Phan gạt ngang:
-Con thì biết cái gì cơ chứ!
Uyên trở lại chỗ ngồi cũ. Cô xem lại cái phin cà phê của tôi đã xuống hết chưa. Cô cho đường vào cốc và khuấy. Cô đổ trà ra cốc cho mẹ. Nước trà còn loãng, cô lại đổ vào bình.
-Mấy lần con đến trường của mấy cháu, con thấy anh Thăng rất đúng giờ!
-Uyên! Bà Phan la con.
-Me muốn con để yên cho me nói chuyện với anh Thăng.
-Thưa me, vâng! Uyên tuân lời mẹ, không vui.
-Người ta cũng nói cậu có liên hệ với một cô làm ở hãng hàng không CAL? Tin đồn đó có đúng không?
-Thưa bác, điều này đúng! Cô ấy tên là Quỳnh và là một cô gái can đảm!
Tôi thấy Uyên nhìn tôi. Cả bà Phan nữa. Chắc bà không chờ đợi nơi tôi một câu trả lời như thế. Tôi múc một muỗng đường cho vào cà phê và khuấy. Tôi chuyển cà phê sang một ly đá lạnh. Tôi quên là Uyên đã cho đường vừa đủ.
-Cậu nghĩ gì về những lời đồn đại đó! Bà Phan có vẻ như muốn kết thúc câu chuyện.
-Thưa bác, như bác thấy đó, cũng có đôi phần đúng và nhiều phần sai.
-Tóm lại, trong sự đổ đổ vỡ này lỗi về phần ai?
-Me!
Kỳ 30
Tôi nghe tiếng Uyên thốt lên bất ngờ. Chiếc muỗng cà phê trên tay cô rơi xuống nền gạch gây nên một tiếng động chát chúa.
Cô xô ghế chạy ào vào phòng riêng và đóng sầm cửa lại.
Mặt nước màu nâu đậm sóng sánh trong ly. Câu chuyện về tôi để làm loãng sự quánh đặc của cốc cà phê thân ái.
“Xin lỗi cậu Thăng nhé!”
Bà Phan đứng dậy, xếp lại cái khăn bàn ăn cho ngay ngắn, rồi chậm rãi đi lại trước cửa phòng Uyên, gõ nhẹ mấy tiếng lên mặt gỗ và áp má vào đó.
Tôi thấy mình trơ trẽn, thừa thãi. Tôi cho tay vào túi tìm gói thuốc và chạm một bao thơ. Tôi nhớ ra rồi. Đó là thư mời ra mắt sách của một nhà văn nữ. Chắc chắn là sẽ không thiếu mặt nào trong đám bạn bè tôi.
Tôi châm một điếu thuốc. Khói làm tôi ho sặc sụa, nhưng tôi biết cái thư mời ra mắt sách này đã cứu tôi ra khỏi cơn tắt nghẽn.
7
Căn nhà nhỏ nằm trên một quãng đường hẹp, sỏi đá lỡm chổm và bụi mù tung mờ mịt dưới bánh xe. Cổng là một khung gỗ có ràng kẽm gai bên ngoài, nhưng bên trong là một miếng tôn dùng che tầm mắt của người đi đường để họ không thể thấy được phòng khách. Rất tạm bợ. Sân tráng xi măng xù xì vì trộn quá nhiều cát. Giữa sân là một cây khế cành lá xum xuê. Cửa chính hẹp, nhưng phỏng khách tương đối rộng.
Chủ nhân là một nhà văn nữ. Truyện chị hiện đang được nhiều nhật báo giành nhau đi hằng ngày. Chị viết dễ dãi, lôi cuốn, nhiều tình tiết. Nhân vật chị yêu nhau dữ dội và nguyền rủa nhau không tiếc lời. Họ gần gũi với đời sống nhưng đó là một đời sống đã được cường điệu: một linh mục, một tín đồ, một cô giáo, một nam sinh, một mối tình tay ba, một tình yêu không lối thoát... Nói chung truyện chị rất ít tình ái và rất nhiều tình dục. Lãng mạn có phần lép vế trước xác thịt. Ghen tuông dằn vặt lấn át cả hòa thuận yên vui. Một vài nhân vật tự tử vì không lấy được nhau. Một vài nhân vật lấy được nhau nhưng bắt đầu chán nản và cả hai cùng ngoại tình...
Truyện chị đăng trên báo thì nhiều, nhưng hôm nay mới là ngày ra mắt cuốn sách đầu tay của chị.
Khách đến đã khá đông. Phần lớn tôi đều quen mặt biết tên. Phùng, vẫn đôi kính cận màu nâu nhạt, gọng to, vẫn giọng nói gấp gáp đuổi nhau từ tiếng này sang tiếng khác. Anh dạy học ở một tỉnh cách xa Sài gòn chừng vài mươi cây số, nhưng mới đây, Phùng nói, anh vừa nhận được sự vụ lệnh thuyên chuyển về làm phụ khảo môn Triết Tây tại đại học Văn Khoa.
Nhật, sĩ quan chiến tranh chính trị, phóng viên chiến trường. Anh là người gây sôi nổi và được chú ý nhất trong năm qua với cuốn sách viết về trận chiến mùa hè ở Quảng Trị. Cái chết của người dân và người lính trải dài trên Đại Lộ Kinh Hoàng gây cho người đọc một ấn tượng khủng khiếp khó quên. Nhật là một trong số những nhà báo xông xáo nhất, có mặt trên hầu hết những điểm nóng của chiến trường.
Tâm, khuôn mặt sạm đen, gầy như một Khô Khốc Thiền Sư, thở thuốc lá đen như ống khói nhà máy, uống rượu như hũ chìm, và là một trong những tay đổ bác thuộc loại “Paul Húc”. Anh cũng là một trong số ít nhà phê bình văn học có cái nhìn mới mẻ và sâu sắc về các tác phẩm văn chương hiện đại. Trong giao tế anh là người khó khăn, nhưng trong tình bạn anh là người cực kỳ chung thủy.
Gầy và mỏng hơn cả là Tâm là Đình. Anh có mái tóc dài chải lật ngược về phía sau. Cặp kính cận đôi lúc hơi trụt xuống sống mũi, tuy vậy vẫn không che hết được nỗi hắt hiu của một đôi mắt lúc nào cũng như chực chờ để vĩnh viễn khép lại. Đình là một trong những cây bút thời danh của Sàigòn kéo dài từ những năm sáu mươi đến nay. Văn chương anh mềm mại, chữ nghĩa anh xanh xao. Truyện anh là một tiếng thở dài buồn bã hắt ra từ niềm tuyệt vọng của một kiếp nhân sinh. Giọng nói Đình phải chăng vì thế chan chứa sự quyến rũ của một cái gì sắp tan đi như mây khói. Trên đài phát thanh, chương trình nhạc chủ đề do Đình viết, đọc, và giới thiệu thu hút một tầng lớp thanh niên có học, và phải nói là gây một ảnh hưởng khá lớn đối với giới trẻ. Tôi yêu cái tài hoa điệu nghệ của anh, nhưng thật tình mà nói, tôi sợ giống anh, ít ra là hai điều: bệnh tật trầm kha đang ngự trị trên một thân thể vốn quá gầy yếu của anh, và ngôn ngữ anh chứa đầy độc tố...
Kỳ 31
Nguyễn Giang, một khuôn mặt lớn trong đời sống âm nhạc của đám đông với mái tóc dài hơi xoắn, chiếc kính cận gọng nhỏ, nụ cười nửa miệng. Anh là cha đẻ của những ca khúc mà mỗi lời hát như một lời thơ.
Ngôn ngữ âm nhạc anh là bản lề giữa một bên là tiếng nói hằng ngày và một bên là suy tư triết học. Âm nhạc ấy được trình bày bởi một giọng hát lôi cuốn trẻ trung và đìu hiu: Mai Khanh. Tiếng hát của chị vang lên từ một trái tim hấp hối. Trong buồng ngực của chị như có ngọn lửa tàn bạo thổi nóng từng tiếng ngân, thắp sáng và mở rộng không gian của người thưởng ngoạn. Tôi nghĩ người ta đã nói không quá đáng rằng âm nhạc của Giang sở dĩ chinh phục được tim óc người nghe là nhờ tiếng ca ma túy của Mai Khanh và ngược lại giọng hát của Mai Khanh có được một chỗ đứng hàng đầu như cô hiện nay chính là vì tiếng hát ấy đã tựa được vào âm nhạc Nguyễn Giang.
Góc nhà chỗ đầu hồi, ngó ra cửa sổ, nơi lá của những cành khế thấp xuống, là một dương cầm. Con gái nữ chủ nhân đang chơi một khúc cổ điển quen thuộc của Beethoven.
Ghế ngồi của khách đặt sát vách tường. Giữa phòng là hai chiếc bàn kê gần nhau. Một bàn xếp những cuốn sách mới vừa in xong còn thơm mùi mực của nhà văn nữ. Bàn còn lại là thức ăn nhẹ và nước uống. Giữa là một bình hoa lớn. Những bông hồng nhung đỏ và vành tươi chen quanh những lá măng nhỏ cọng.
Người đến trễ giữa lúc mọi người đang ăn và sắp sang mục tặng sách là Tuấn-phở, Tuấn-luật sư. Hôm nay hắn ăn mặc khá đỏm dáng. Quần áo như đi dự dạ hội, râu mép, tóc dài, cổ choàng foulard đỏ màu huyết dụ. Vừa bước vào nhìn thấy tôi, Tuấn đã kêu to:
-A, Thăng! Vụ mày tới đâu rồi?
Tôi nhìn hắn cười, hỏi nghịch:
-Vụ gì?
-Còn vụ gì nữa! Có Bản Đại Tự chưa?
Tôi vẫn muốn chọc hắn:
-Sao ông không nói toẹt ra là vụ ly dị cho nhẹ cái lỗ nhĩ có hơn không!
-Ừ! Thì cứ gọi là vậy đi! Thế nào?
Tuấn vẫn tỉnh bơ.
-Thế mà tôi định hỏi thăm ông đó. Ông ở tòa án chắc ông phải rõ hơn tôi chớ!
-Khỉ! Tao đâu có phụ trách hồ sơ mày! Đi mà hỏi luật sư của mày chứ!
Tuấn nói hơi to tiếng khiến mọi người gần như quay mặt hết về phía hắn. Hắn vẫn không để ý, vẫn ồm ồm cười nói lớn giọng. Liền đó, hắn xăm xăm tới bàn, rút một cành hồng vàng rồi đi thẳng tới nữ chủ nhân. Nhà văn nữ của những truyện tình thời thượng đang nói chuyện với nhà xuất bản, một thanh niên trẻ và làm giàu sớm, thấy Tuấn đến vội ngừng câu chuyện.
-Xin tặng người phụ nữ văn chương đẹp nhất Việt Nam một bông hồng vàng của David Lean!
-Tại sao David Lean! Chị hỏi.
-Vì David Lean là đạo diễn phim Doctor Jivago.
-Thế có liên hệ gì đến tôi cơ chứ?
-Có chứ!
-Ông chỉ được cái vớ vẩn!
-Vớ vẫn thế nào được. Thế bà chưa xem phim này à?
-Đã. Nhưng sao cơ?
-Đó là đoạn chàng Jivago bỏ nàng Tonia đang có bầu đứng giữa một vườn hoa vàng ở Varenkino để lên đường đi thăm người tình Lara của mình.
-Khiếp cái nhà ông luật sư này! Nữ chủ nhân hiểu ra và la lên.
Tôi bưng ly rượu đến gần chỗ Nhật. Anh là người nói nhiều nhưng hôm nay nhìn anh trầm ngâm trước ly whisky làm tôi ngạc nhiên:
-Bao giờ lại đi? Tôi hỏi.
-Cũng sắp!
-Nhà cửa hồi này ra sao?
-Khủng khiếp!
-Cái gì? Sao lại khủng khiếp? Tôi ngạc nhiên.
-Con vợ tao mày biết rồi chứ gì? Nó-hiền- như con cọp cái!
Nhật sôi nổi.
-Tại sao?
-Mày coi đây này!
Nhật vừa nói vừa cởi chiếc giày trận. Ngón chân út của anh đã mất, tuy vết thương đã lành nhưng lớp da chỗ đó vẫn còn đỏ hỏn.
-Tao chả hiểu khỉ khô gì hết! Tôi vừa nói vừa nhìn vào mắt Nhật.
Kỳ 32
Anh kể lại câu chuyện. Cách đây hai tháng về thăm vợ ở Biên Hòa là nguyên nhân về cái bàn chân bị mất ngón út của anh. Vợ Nhật là con gái rượu của viên đại tá công binh. Chị tên Lê, xinh đẹp và thông minh.
Ở tỉnh lẻ, Lê nổi bật như một thiếu nữ tân tiến. Chị đọc sách nhiều, đầu óc cởi mở. Tuy mới lớn, chị đã dám vượt khỏi khuôn khổ của lề thói mà con người sống trong tỉnh nhỏ thường vẫn tự trói buộc. Tôi không hiểu từ miền Trung xa xôi, Nhật đã gặp, quen và cưới Lê trong trường hợp nào, nhưng tôi biết nếu cuộc hôn nhân ấy thành cũng là điều dễ hiểu. Tuy vậy thỉnh thoảng gặp Nhật, tôi vẫn nghe anh thở than về cuộc sống của gia đình anh.
Là một sĩ quan Dù, Nhật chiến đấu giỏi, gan dạ và mưu trí. Những bài báo viết từ chiến trường của anh có tiếng vang lớn.
Chính những bài báo đó đưa anh từ Dù sang Chiến Tranh Chính Trị và làm phóng viên chiến trường. Cuộc sống nay đây mai đó của Nhật làm Lê khó chịu. Nhiều khi cả tháng anh lê la mấy quán nước ở Sài Gòn, lăn lóc chè chén với đám bạn bè. Tới hôm về thăm vợ chợt nhớ ra sinh nhật của Lê đã qua cách đây hai hôm. Nghe lời tôi, Nhật mua về một bó hoa hồng xin lỗi vợ, nhưng Lê một mực lặng thinh. Chị nhất định làm con ốc biển mặc cho sóng vỗ ào ạt lên bờ cát.
Tối hôm đó, khi Nhật bắt đầu “chiến tranh lạnh” trở lại, Lê lên tiếng. Đến nửa đêm, khi thấy mình cứ lải nhải mà chồng thì cứ ngáy khò từ đời nào, Lê đập Nhật dậy bật đèn sáng cả nhà, liệng xuống sàn nhà tất cả ly chén cốc dĩa nào trong tầm tay, xong cầm cái dao lính của Nhật vẫn thường giắt lưng, đặt ngón tay trỏ của bàn tay trái mình lên bàn chặt phựt một cái.
-Mày biết không? Nhật tiếp,
-Tao điên lên vì tức, vì buồn ngủ, vì lo sợ. Nó muốn qua mặt mình, muốn dằn mặt mình. Tao nghĩ vậy, bèn giật con dao còn dính máu, đặt bàn chân này lên chỗ bàn ngủ, cứa mẹ cái ngón chân út này. Thế là huề.
-Còn mày? Nhật hỏi tôi.
-Ối! Tao còn tệ hơn mày nhiều!
-Tới đâu?
-Mày không nghe Tuấn-luật sư nói sao?
-Thì cũng mơ mơ màng màng vậy thôi. Nhưng sao có thằng nói mày sắp làm phò mã ông Phan?
Nhật làm tôi giật mình. Sao lại có cái cớ sự này?
-Ai nói? Tôi hỏi gặng.
-Thì tụi nó nói. Đại khái là vậy. Thế nhưng còn em bé gì làm ở China Air Lines thì sao?
-Có sao đâu! Tôi chống chế.
Phùng mang một dĩa thức ăn đến chỗ tôi và Nhật.
-Ê, Thăng. Tình hình hồi này ra sao?
-Tình hình gì?
-Thì còn tình hình gì nữa? Tao muốn nói tình hình chính trị ở đây?
-Chính trị? Sao mày không hỏi thằng Nhật hoặc ông Đình mà hỏi tao?
-Tin sốt dẻo bây giờ chỉ có mày là nhất. Tao sợ thằng Nhật hay ông Đình rồi cũng phải đến hỏi mày mà thôi!
Phùng làm tôi tức cười. Bạn bè biết tôi là thằng không ưa chính trị. Trong đám đông có ai nói chiến tranh hay chính trị thì tôi luôn luôn là kẻ ngồi im câm miệng hến. Tại sao? Tôi cũng không rõ nữa. Có lẽ tôi là tên dốt chính trị. Đằng nào tôi cũng là tên lơ tơ mơ về mặt này. Còn nhớ có lần Trọng, một bạn đồng nghiệp hỏi tôi rằng đâu là mối tương quan giữa chính trị và văn chương. Tôi trả lời hắn thẳng thừng văn chương và chính trị chẳng có ăn nhậu gì với nhau hết. Trọng, tất nhiên là không hài lòng về câu hỏi đó. Hắn chờ một câu ngược lại. Tuy vậy mặt hắn cứ lạnh như tiền. Thật ra, trước đó, hồi cùng thụ huấn chung tại quân trường Quang Trung, khi tôi được cử làm tờ báo cho Liên Đoàn Khóa Sinh Dự Bị Sĩ Quan, Trọng có viết cho tờ đặc san một bài xã luận về cuộc chiến Việt Nam. Suốt bài, hắn lên án quân đội Mỹ và đồng minh là kẻ xâm lược, giọng điệu sặc mùi tả phái bởi vì bài báo ấy chỉ nhìn từ một phía nên không thể đi được. Hắn lạnh lùng nhìn tôi và nói:
-Rồi mày sẽ hối hận.
Tôi không hiểu ý nghĩa của lời hắn nói. Khi được biệt phái trở về nhiệm sở cũ, và cũng như Phùng, hắn được chuyển về làm phụ khảo cho môn Triết Tây tại đại học Văn Khoa Sàigòn, hắn viết và cho xuất bản một tập tiểu luận dưới nhan đề: “Cái chết của một nhạc sĩ.” Bài viết của hắn lập tức được đài Hà Nội đọc lại và gây một phản ứng dữ dội từ nhiều phía.