Lời nói đầu:
Xin quý vị vui lòng bỏ
chút thời giờ quý báu để đọc và có thể chia sẻ....bài viết cưong trực, liêm
chính, chân thành, đầy tính xây dựng, yêu thương cội nguồn quê hương và dân tộc
của nhà văn Quân đội PHAN NHẬT NAM.
Cũng nên nhắc biết sơ qua (dù thừa) tác giả vốn xuất thân khóa 18 Trường Võ Bị
Quốc Gia VN (Đà Lạt) . Binh chủng nguyên lai: Nhảy Dù.
Sau thời gian phục vụ trong Sư đoàn Dù, ông ta chuyển ra Bộ Binh trong các
nhiệm vụ "phóng viên chiến trường", "nhà văn Quân đội"
thuộc Tổng
Cục Chiến Tranh Chính Trị / Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cho đến ngày Miền Nam bị
Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm 30-4-1975.
Sau ngày 30-4-1975, nhà văn và cũng là phóng viên Quân đội PHAN NHẬT NAM sống
tù đầy trong cái lò cải tạo của Cộng sản VN với cấp bậc Đại Úy QLVNCH và Ông đã
bị giam hãm hơn một thập niên tại miền bắc VN dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa.
Và bây giờ thì xin mởi quý vị đọc bài viết của nhà văn Quân đội PHAN NHẬT NAM dưới đây.
Trân trọng,
Nguyễn Văn Trọng (K13)
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Không gì bực mình hơn là
phải nghe người ta nói thiệt! Vì lời nói thiệt dễ làm mích lòng nhau. Nhứt là
đối với những người thường hay được nghe những lời ca tụng, tán dương và kể cả
nịnh bợ không có thiệt về mình, về gia đình mình, về cộng đồng mình và luôn cả
về dân tộc mình!
Nói lên sự thực với người mình —người Việt Nam— quả là một chuyện hết sức khó làm. Bởi vì từ trước tới nay hầu hết những lời nói hay bài viết của người này đề cập đến người kia, nếu không là chửi bới quá đáng, thì cũng là tán dương quá độ. Trong tiến trình tán dương quá độ, mọi ngôn từ hoa mỹ đều được vận dụng để ca ngợi đối tượng, mà không có phần nào nghiêm chỉnh phê phán để cho đối tượng này thấy được những khuyết điểm cần phải sửa chữa. "Mặc áo thụng vái nhau,"đó là lối mòn mà người mình —đặc biệt là các văn nghệ sĩ— vẫn ưa dùng để công kênh nhau trên mọi phương tiện truyền thông có được, bất chấp lương tri và lẽ công bằng. Cứ hết ca ngợi lẫn nhau đến ca ngợi dân tộc mình riết như vậy rồi thành thói quen. Khi có người nào đó dám mon men vạch ra những khuyết điểm hay thói hư, tật xấu của người Việt Nam thì nhiều người sẽ lại nổi giận lên như thể là danh dự của họ đã bị xúc phạm nặng nề rồi. Không, đó chỉ là cái tự ái dân tộc hảo huyền mà thôi, thưa quý vị.
Sau khi đã nói vậy, bài
viết sau đây không nhằm chê bai hay chửi bới ai hết, mà chỉ nhằm nói thiệt, tức
nói lên sự thật, về những nguyên do tại sao mà
một dân tộc vốn ưa hãnh diện về truyền thống lịch sử, văn hoá và đạo đức của
mình như dân tộc Việt Nam mà bây giờ lại trở nên một trong những dân tộc trầm
luân nhứt thế giới nếu xét về những mặt như nghèo đói, không luật pháp,
tàn ác với nhau, tự cho mình là giỏi, hay tham lam, chuyên phản phúc, luôn chê
bai và chửi bới những ai không phải là chính mình, coi chuyện ăn hối lộ là
quyền đương nhiên của mình, lúc nào cũng chỉ coi trọng đồng tiền và vật chất...
Còn một điều này nữa. Người viết không muốn bị những người trừ trước tới nay
chỉ thích được nghe người khác tán dương hay nịnh bợ (mà nay đành thất vọng vì
không được tiếp tục nghe những lời tán dương, nịnh bợ đó) chụp mũ là cộng sản
(như 90% những trường hợp cho thấy), là phản quốc, hoặc là coi thường dân tộc
mình... Vì vậy, người viết đành ra tay trước để phòng thủ, tạm thời tự vỗ ngực
nhận mình là một trong những người chống Cộng kiên cường nhứt thế giới, người
có tình yêu nước Việt Nam nồng nàn nhứt, và người duy nhứt trong cộng đồng nhỏ
bé cuả mình lúc nào cũng chỉ biết đặt quyền lợi của tổ quốc và dân tộc lên trên
hết.
Dân tộc Việt Nam, ngoài những điểm ưu việt ghê gớm mà các dân tộc khác trên thế
giới không có, còn có những khuyết điểm, hay nói huỵch tẹt ra là những thói
xấu, mà các dân tộc kia không thể nào sánh nổi cho dù họ có cố gắng học hỏi hay
bắt chước chúng ta cách mấy đi nữa. Những thói xấu này giải thích tại sao người
Việt Nam mà chúng ta vẫn luôn luôn tự hào là thông minh xuất chúng đến như vậy
mà bây giờ lại trở nên một trong những dân tộc lụn bại, trầm luân nhứt thế
giới, tính cho đến cuối thiên niên kỷ này.
Những thói xấu của người mình thiệt ra khá nhiều, nhiều hơn mức bình thường. Người viết bài này chỉ gạn lọc và trình bày một số tính tiêu biểu đã gián tiếp hay trực tiếp đóng góp vào tình trạng đất nước Việt Nam ngày càng xơ xác, tiêu điều, các cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại ngày càng tiếp tục chia rẻ, phân hoá tưởng như không bao giờ hàn gắn được. Các thói xấu đó là:
- không tôn trọng sự thực và lẽ phải,
- khoe khoang và kiêu ngạo,
- cố chấp và ngoan cố
- độc tôn,
- kỳ thị,
- tàn ác,
- thiếu cao thượng và ưa chơi gác,
- phe đảng,
- thiển cận,
- ganh ghét,
- thích làm vua làm chúa,
- không công tâm,
- không tôn trọng luật lệ,
- cướp công của người khác,
- ưa nịnh bợ, tâng bốc,
- thích ăn hối lộ,
- tham lam,
- không tôn trọng nguyên tắc và giờ giấc,
- không tuân giữ các cam kết...
Những dẫn chứng về xã hội và lịch sử Việt Nam —cả ở trong lẫn ở ngoài nước— có thể giúp soi rọi vào cội nguồn và những ngóc ngách của các thói xấu nêu trên.
1. Không tôn trọng sự thực và lẽ phải: Lịch sử dân tộc Việt Nam do người mình viết có nhiều điểm mơ hồ và không đi sát sự thực, như những chi tiết liên hệ tới nguồn gốc dân tộc, về các vị nữ anh hùng, về công cuộc mở mang bờ cõi, về các lý do đằng sau việc cấm đạo Cơ Đốc, về các triều đại nhà Nguyễn Tây Sơn và nhà Nguyễn, và gần đây nhứt là về các chiến thắng của Vua Quang Trung trước quân nhà Thanh xâm lược.
(2) Những lời đồn đại về Ngô Triều sau ngày 1-11-1963 cũng như những tập hồi ký của các cựu Tướng Đỗ Mậu, Trần Văn Đôn, Nguyễn Chánh Thi, Tôn Thất Đính...
(3) cũng là biểu hiện của tính không tôn trọng sự thực của người mình. Còn lịch sử Việt Nam do Đảng Cộng Sản Việt Nam viết nên thì lại không hề có lấy một phần mười của tính trung thực cần có trong phương pháp sử học, mà chỉ nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền và tự tôn vinh của người Cộng Sản Việt Nam. Gần như người Việt nào ở hải ngoại cũng chửi bới Cộng sản, nhưng hễ đã được về thăm quê hương thì một số lại khen lấy, khen đễ Cộng sản, cốt sao cho được việc của mình và gia đình mình chớ không hề muốn nói lên sự thực chút nào.
(4) Khoe khoang và kiêu ngạo: Đào Duy Anh, khi viết về dân tộc Việt Nam, đặc biệt chú ý tới tính hay khoe khoang, trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh của người mình. Trần Trọng Kim cũng cho rằng người Việt Nam hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng.
(5) ở nước ngoài, chúng ta vẫn thường nghe nói tới sự thông minh và tài giỏi của người Việt Nam, tiêu biểu là số lượng học sinh và sinh viên học giỏi, đậu cao tại các học đường Âu, Mỹ, rồi tự lấy làm hí hửng là dân tộc mình number one. Bình tĩnh mà xét, điều này cũng không có gì lạ lắm, vì có cả trăm triệu người ở Châu Âu, Châu Mỹ đậu những bằng cấp mà người mình đã, đang và sẽ đậu, nhưng họ nào có xuýt xoa hay khua chiêng, gỏ mõ gì đâu, mà chỉ im lặng làm việc và thành công sau khi đã lấy được những bằngcấp kia.
(6) Đó là chưa kể tới câu hỏi mà ai cũng nhắc tới là Một người Việt Nam thì vậy, còn hai, ba hay nhiều người Việt Nam nữa đứng chung với nhau thì sao? Còn về tính kiêu ngạo thì có lẽ không ai kiêu ngạo hơn dân tộc mình, kể cả dân Thiên Hoàng Nhựt Bản và dân Con Trời Trung Quốc. Theo lời Cộng Sản Việt Nam (và ngay cả một số những người Quốc gia bị thua trận trước đây), thì Việt Nam quả là cái thế anh hùng khi một mình đánh thắng hết mọi đế quốc sừng sỏ từ Trung Hoa và Mông Cổ tới Pháp, tới Nhựt rồi tới Mỹ. Người Cộng sản còn phô trương rằng giới lãnh đạo của họ là những bộ óc ưu việt, những đỉnh cao trí tuệ cuả loài người tiến bộ trên thế giới đã xuất thần mà đề xướng ra hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ rồi lại sáng suốt "dắt giống nòi" vào con đường xã hội chủ nghĩa.
(7) Nên nhớ rằng kiêu
ngạo là tính mà Ông Trời ghét nhứt, và cũng chính vì tật xấu này mà loài người hay bị Trời phạt nhiều
nhứt. Các thành Sodom và Gomorrha (như được kể lại trong Thánh Kinh Cơ Đốc
Giáo) đều đã bị lửa Trời tiêu huỷ chỉ vì dân chúng ở đó quá kiêu ngạo đến nỗi
lo ăn chơi sa đoạ và dâm loạn, bất chấp những điều răn của Thượng Đế. Cứ xem
dân tộc mình hiện đang bị nghèo đói, trầm luân, rên siết đêm ngày dưới ách Cộng
sản thì biết ngay.
2. Cố chấp và ngoan
cố: Không ai cố chấp và
ngoan cố như dân ta. Cái gì của mình cũng là nhứt, còn người ta là hạng bét. Hễ
đã tin là mình đúng rồi thì cứ bắt người khác phải theo cho bằng được; còn nếu
sai thì vẫn cứ cố cãi cho tới chết chớ
không chịu nhận là mình sai. Vua Tự Đức không tin lời Nguyễn Trường Tộ nói là
dân mình bị lạc hậu so với Tây phương, tiếp tục nghe theo Tàu gọi các nước Âu
Mỹ là Tây di, rồi khư khư ôm lấy chính sách bế quan, toả cảng, để rồi cuối cùng
dân tộc ta phải làm nô lệ cho thực dân Pháp. Hồi thập niên 1950-60, Hồ Chí Minh
và phe đảng ông, vì tin rằng muốn cho đất nước giàu mạnh thì cả hai miền Nam,
Bắc chỉ có cách là đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà thôi nên đã nhứt quyết
dùng võ lực buộc chính phủ và nhân dân Miền Nam Việt Nam phải từ bỏ con đường
tự do dân chủ. Còn chính quyền Ngô Đình Diệm hồi đó thì vẫn khăng khăng cho
rằng các chính đảng khác, kể cả Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt, không có
khả năng chống Cộng như mình. Phe quân nhân sau đảo chánh 1-11-1963, vì quá tự
tin ở khả năng mình, đã không để cho các nhà lãnh đạo dân sự có cơ hội cầm
quyền tại Miền Nam Việt Nam, cho dù họ có tài đức đến đâu. Cộng sản Việt Nam
thì cho giáo điều của họ là hay nhứt, không có lý thuyết chính trị nào hay hơn,
kể cả bọn xét lại Liên Sô và bọn hiện đại hoá Trung Quốc. Ngay cả sau khi Liên
Sô, vị thánh tổ của Cộng sản thế giới và đại sư báọ của Cộng sản Việt Nam, đã
sụp đổ cùng với khối Cộng sản Đông Âu hồi 1991, Cộng sản Việt Nam, dù biết rằng
mình đã hoàn toàn sai trái, nhưng vẫn ngoan cố không chịu nhìn nhận điều này để
sửa đổi chế độ cho dân tộc được nhờ. Một số đảng viên đã ly khai của họ -- như
"hồi chánh viên" Bùi Tín chẳng hạn -- vẫn cứ nhứt định cho rằng chỉ
có giới lãnh đạo tại Hà Nội, chớ không phải là chủ nghĩa Cộng sản, đã sai lầm. Các cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, tiêu biểu là
tại Nam California, không ai nhịn ai, mạnh ai nấy xưng hùng, xưng bá, làm cho
cộng đồng nát bét, chẳng qua cũng chỉ là vì tính cố chấp mà thôi.
3. Độc tôn: Người mình, nhứt là các nhà lãnh đạo, thường có
tính ưa độc tôn, tức là chỉ muốn độc quyền làm lãnh tụ hay chỉ muốn lịch sử ghi
nhận rằng không có ai ngoài họ có thể trị nước an dân. (8) Hồ Chí Minh vẫn
thường nói với đám con nít: "Xưa các Vua Hùng có công dựng nước, nay Bác
cháu ta có công giữ nước." (ý của họ Hồ là chính ông ta, chớ không phải là
ai khác, mới là kẻ có công giữ nước.) (9) Chính vì cựu Tổng Thống Nguyễn Văn
Thiệu chỉ muốn thế giới coi ông là người anh hùng duy nhứt có khả năng giữ vững
được Miền Nam Việt Nam khỏi bị Cộng sản nuốt sống nên ông đã cố tình làm cho
Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phải tan rã (cho thiệt đúng với câu après moi le
déluge, nghĩa là nếu tao mà xuống ngôi rồi thì tụi bây chỉ còn có nước đắm chìm
trong bể khổ), (10) rồi lại ráng canh cho tới giờ thứ 25 mới giao quyền lại cho
cựu Tướng Dương Văn Minh để cho ông này, vốn cũng không có tài kinh bang tế thế
gì mấy, chỉ còn kịp đầu hàng Cộng sản mà thôi. (11) Trong các cộng đồng người Việt hải ngoại cũng vậy, phàm người không
làm được việc gì để phục vụ đồng hương thì cũng chẳng thích kẻ khác làm được
việc cho cộng đồng để nổi bật hơn mình. Thái
độ này đã và đang là trở lực chính ngăn chặn Việt Nam tiến lên bắt kịp với trào
lưu tiến bộ hiện nay của thế giới. Người Cộng Sản trong nước, dù biết chắc là
họ thua tài, thấp trí và bất lực, vẫn không chịu chấp nhận một thể chế dân chủ
đa nguyên để cho người Quốc gia có cơ hội đóng góp tài năng xây dựng đất nước.
4. Kỳ thị: Người Việt hải ngoại, nhứt là tại Mỹ, vẫn hay
cười chê người da trắng bản xứ là kỳ thị chủng tộc này nọ.. Nhưng hãy suy gẫm
kỹ mà xem thử người mình có mắc bệnh kỳ thị hay không, và bệnh đó so với người
Mỹ thì nặng hay nhẹ hơn. Người viết bài này nhớ hồi nhỏ, lúc còn đi học, vẫn
được mấy anh lớn trong xóm dạy cho một bài hát châm chọc người Hoa kiều -thường
được gọi là "các chú" di cư sang buôn bán làm ăn tại Việt Nam. Bài
hát có câu: Si-noa là giống bên Tàu, đẻ ra thằng Chệt ăn toàn... trâu! Đối với
dân tộc thiểu số miền núi (như Rhadé, Tày, Mạ, Mán...), người mình không ngần
ngại gọi họ là "mọi," với ý nghĩ rằng họ là những giống người kém văn
minh hơn ta đây. Dĩ nhiên là đối với hai ông bạn láng giềng Lào và Căm-Bốt thì
người Việt Nam lúc nào cũng vẫn tự coi là mình hơn người ta một bậc, bất kể về
phương diện nào. Lại nhớ ngày xưa khi còn lính Mỹ tại Việt Nam, những người đi
làm sở Mỹ hay phụ nữ kết hôn với binh lính và sĩ quan Mỹ vẫn còn bị coi là làm
chuyện kém vinh dự hay thiếu đạo đức (vì ham tiền mới làm), và con lai —dù lai
Pháp hay lai Mỹ— vẫn bị xã hội mình coi rẻ, nếu không bảo là khinh khi, gọi là
"đồ lấy Tây," "đồ lấy Mỹ." (Chả bù với thời nay, có chút
dính dáng về máu huyết hay hôn nhơn với người Mỹ da trắng, kế tới là Anh, Pháp,
Đức, Hà Lan, Gia Nã Đại, ý, Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển, áo, Úc... thì lại là
một vinh dự lớn lao!)
5. Tàn ác, thiếu cao
thượng và ưa chơi gác: Thật
ra, người Việt Nam mình không phải là một chủng tộc có bản tính tàn ác. Trong
các vua đời Nhà Lý và Nhà Trần, nhờ ảnh hưởng tốt đẹp của Phật Giáo, nhiều vị
đã hết sức thương dân và còn biết đem lòng từ bi, hỉ xả cuả nhà Phật ra để dạy
dân biết ăn ở cho có đạo đức, nhân từ. Về mặt tàn ác của người mình, sử sách
còn ghi lại cách đối xử tàn bạo cuả binh lính Nhà Nguyễn dưới quyền Tướng
Nguyễn Huỳnh Đức lúc đang chinh phạt Cao Miên (đời Vua Thiệu Trị). Cung cách
Cộng sản Việt Nam đối xử với tù binh Mỹ trong tay họ phải nói là tàn ác và tồi
tệ chẳng thua chi quân phiệt Nhựt hồi Thế Chiến II nữa. (12) Người Mỹ, tuy bị
coi là ham mê tình dục mà ít chú trọng tới danh dự (kiểu Clinton) và chỉ nghĩ
đến cá nhân mình, nhưng lại giàu lòng thương hại kẻ yếu kém hơn họ. Chẳng hạn,
người Mỹ, lúc đã trở nên giàu có, thường dùng tiền bạc dư thừa để làm việc từ
thiện, dù có khi chỉ để mua danh. Và họ ít khi muốn đánh kẻ đã ngã ngựa, cho dù
kẻ đó là Đức hay Nhựt. Việt Nam mình thì khác: Kẻ thắng sẽ đánh, giết người thua
cho tới cùng. Các ví dụ trong lịch sử gồm có chuyện Trần Thủ Độ giết hại tôn
thất nhà Lý, chuyện Vua Gia Long cho đào mả Vua Quang Trung để lấy đầu lâu đái
vào và xử tử nữ Tướng Bùi Thị Xuân cuả Tây Sơn một cách tàn nhẫn, chuyện các
vua đời Hậu Lê và Nguyễn giết hại công thần... Quân viễn chinh Việt Nam tại Lào
và Căm-Bốt luôn luôn chơi gác đồng minh của mình, dù phe taọ là Quốc gia hay
Cộng sản. Hiện đại nhứt vẫn là chuyện Cộng Sản Bắc Việt chơi gác Mỹ tại bàn Hội
nghị Ba-lê, với lá bài tẫy là tù binh Mỹ trong tay họ. (Có điều trớ trêu là người Mỹ chỉ ngu đoản kỳ, trong khi Cộng sản Bắc
Việt lại ngu trường kỳ!)
6.. Phe đảng: Không dân tộc nào lại có tính phe đảng hơn người
mình. Phe đảng đây có nghĩa là ngoài mình ra, mình chỉ lo cho vợ con mình, bà
con mình hay bè bạn mình là hết, còn đất nước thì cứ kệ mẹ nó, muốn ra sao thì
ra. Điều này đúng cho cả phe Quốc gia lẫn phe Cộng sản, cho nên đất nước mình
mới mau chóng tàn mạt như thế này. (13) John Paul Vann, Cố vấn Trưởng Vùng II
Chiến thuật hồi thập niên 1970, đã ngỏ ý xa gần rằng "người Việt Nam là
những kẻ yêu thương chan chứa nhứt (thế giới)" (the Vietnamese are the
greatest lovers), ý nói người mình chỉ biết yêu thương, lo lắng cho sự an nguy
của quyến thuộc, thân bằng mà quên đi vận mệnh chung của đất nước. Ngay cả lúc
cần phải lui quân (cỡ Dunkerque), sĩ quan và binh lính ta vẫn đèo bòng vợ con
làm cho cuộc triệt thoái thêm phần vướng víu, chậm chạp và dĩ nhiên là nhiều
thương vong. Hồi còn Việt Nam Cộng Hoà, cái triết lý một người làm quan, cả họ được
nhờ là triết lý phổ biến nhứt và được nhiều người theo nhứt. Ai cũng chê Tổng
Thống Diệm là gia đình trị, nhưng nếu chính quyền rơi vào tay một gia đình khác
thì cũng thế, có điều là gia đình này có độc tài và tham nhũng hơn gia đình kia
hay không mà thôi. Thời quân nhân cầm quyền ở Miền Nam Việt Nam thì chỉ có ai
trong đảng ka-ki mới được trao quyền cai trị đất nước. Quân đội thì lại bị một
số tướng lãnh coi như là tài sản riêng, để rồi họ cứ nhân danh tập thể Quân đội
mà ban phát cấp bậc hay chức vụ cho những ai trung thành với họ. Thời Cộng sản
thì khỏi nói rồi, chỉ có "Đảng ta" là xứng đáng được ăn trên, ngồi
trốc, làm giàu và cho con du học (Đế quốc) Mỹ mà thôi! Thử hỏi một khi đã mở
cửa cho dân chủ đa nguyên thì làm sao mà Cộng sản có thể thực thi chính sách
phe đảng cho được?
7. Thiển cận: Ai viết sách hay giảng thuyết nơi đâu cũng khen
ông cha chúng ta là nhìn xa, trông rộng. Sự thật chỉ đúng một phần nào đó mà
thôi như phần chịu nhịn nhục triều cống Trung Hoa sau mỗi đợt chiến thắng quân
xâm lược phương Bắc còn phần nhiều là thiển cận. Vì vậy dân tộc ta mới bỏ mất
cơ hội canh tân đất nước (thời nhà Nguyễn), cơ hội hoà giải dân tộc và tái
thiết đất nước thời hậu chiến (khi Cộng sản thắng năm 1975) và cơ hội lấy lại
Quần đảo Hoàng Sa vốn là lãnh thổ của ta 100 phần trăm (khi Trung Cộng đang bị
đánh bại trên mặt trận sáu tỉnh biên giới phía Bắc). Cứ nhìn các công trình
kiến trúc nhỏ xíu của các triều đại vua, chúa Việt Nam để lại cho hậu thế thì
biết: Không phải tại vua, chúa ta nghèo hay chẳng muốn vắt kiệt sức dân để phục
vụ quyền lợi riêng như vua Tàu, vua Miên, vua Xiêm hay vua Lào đâu, nhưng chính là vì cái nhìn cuả người mình không thoáng,
không vượt quá luỹ tre xanh đầu làng nên các công trình kiến trúc của mình
thiếu vẻ bề thế, bao la và hùng tráng. (14) Cũng chỉ vì tầm nhìn không
xa, không rộng nên dân chúng Miền Nam mới liên tục biểu tình đòi hoà bình với
bất cứ giá nào, đòi Mỹ cút ngay, cho dù Việt Cộng đang đánh sát sàn sạt bên
hông. Còn các tướng, tá trong Quân Đội Cộng Hoà thì chỉ thích lật đổ Tổng Thống
Diệm cho khuất mắt để được dịp tự lên lon cho lẹ! Và
cũng chính vì cái tính thiển cận này mà người Việt hải ngoại ít quan tâm đến
những cuộc đầu tư có tính cách lâu dài, như đầu tư vào chính trị (đi bầu cho
đông để tạo áp lực, ra tranh các chức vụ dân cử...) hay đầu tư vào văn hoá (cấp
học bổng cho sinh viên Việt Nam, làm công tác bất vụ lợi...) mà chỉ thích làm
sao hễ sáng bỏ tiền ra là tối phải thu lợi vào ngay, chớ không thể để ngâm vốn
lâu được!
8. Ganh ghét và đố kỵ: Tại sao người Việt hải ngoại sau hơn hai thập
niên sống lưu vong vẫn chỉ làm được có mỗi một việc (coi không được) là đem nộp
cho Cộng Sản Việt Nam hơn một tỷ đô-la mỗi năm? Đó lại người mình không đoàn
kết (trong tình đồng bào cũng như trong sách lược chung), mà cỗi nguồn của tình
trạng này vẫn là lòng ganh ghét, đố kỵ nhau từng ly, từng tí. (15) Đối với
người mình, trâu buộc ghét trâu ăn đã đành, nhưng trâu ăn này lại còn ghét cay,
ghét đắng trâu ăn kia nữa mới là đáng nói! Một ví dụ điễn hình là vụ Còi hụ
Long An thời Đệ nhị Cộng Hoà ở Miền Nam Việt Nam, tức là vụ phe của Bà Thiệu
tranh đua buôn lậu với phe của Bà Khiêm, đôi bên đều sử dụng các lực lượng quân
đội hùng hậu, kéo còi hụ hộ tống hàng hoá um sùm trời đất. Người viết bài này
trộm nghĩ phe Cộng sản bên nhà cũng chẳng khá hơn phe hải ngoại trong lãnh vực
này. Cứ nhìn việc "Đảng ta" hạ bệ
ngay và không tiếc xót "đệ nhất công thần" Võ Nguyên Giáp sau trận
Điện Biên Phủ hồi 1954, cứ nhìn những cuộc thanh trừng nội bộ liên tiếp trong
"Đảng ta" —mà Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là nạn nhân "đáng
thương" nhứt— từ hồi chiếm được Miền Nam Việt Nam đến nay thì đủ biết.
9. Thích làm vua, làm
chúa: Cái này thì đã rõ từ
thời còn mồ ma thực dân Pháp kia, khi các quan cai trị Pháp nghiên cứu về dân
tộc tính của người "An-nam" ta. Một vị Tây mũi lõ —dường như là Toàn
Quyền Pierre Pasquier— đã "phán" thẳng thừng: Trong bụng mỗi một người An-nam đều có một
ông quan. Câu nói này tuy hơi khắt
khe nhưng cũng đã nói lên tính thích làm vua, làm chuá của người mình. Chính vì
cái tính này mà người mình đâu có ai chịu phục ai. Bởi thế cho nên, nhìn quanh,
nhìn quất trong cộng đồng người gốc á châu-Thái Bình Dương ở hải ngoại, chỉ có
nhóm người Việt Nam mình là phải thường xuyên khổ sở vì tranh chấp và kiện tụng
về quyền lãnh đạo, từ các trung tâm văn bút cho tới các ban đại diện cộng đồng. Quý vị còn lạ gì khi thấy cảnh bên Mỹ một tiểu bang
hay nửa tiểu bang mà có tới hai, ba ban đại diện cộng đồng Việt Nam, trong khi
đó xuất hiện hằng trăm hội đoàn, mà hầu hết các hội đoàn này chỉ có chủ tịch
đứng tên trong hội đồng quản trị mà thôi. Thậm chí có người đã cả gan một mình
đứng làm chủ tịch cả chục hội đoàn, vừa Việt vừa Mỹ. Mà phải như các hội đoàn
này có hoạt động gì ích quốc, lợi dân cho cam! Trái lại, nó chỉ hiện diện để
người cầm đầu dễ bề lợi dụng danh nghĩa cộng đồng vào những âm mưu làm kinh tế
hay chính trị riêng tư của họ.
10. Không công tâm: Không công tâm tức là tư vị, mà chuyện này thì
xảy ra như cơm bữa tại Việt Nam dù dưới chế độ nào đi nữa. Con ông, cháu cha
(phải được ưu tiên) vẫn là phương châm của mọi thời đại. Vì không công tâm nên
mới sinh ra nạn phe đảng và bè phái làm ung thối mọi cấp chính quyền trong quá
khứ cũng như hiện tại, bên này hay bên kia vĩ tuyến 17 cũng vậy. Chính nhờ nổi
tiếng là có công tâm nên Cụ Trần Văn Hương mới được mời làm đến Thủ Tướng và
sau đó là Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà. Nhưng điều đáng tiếc cho vận nước là số
người như cụ không nhiều hơn số ngón trên một bàn tay đã cụt hết bốn ngón rồi!
Bệnh không công tâm còn thể hiện qua cách viết lách, tường thuật, phê phán vụ
việc và ghi chép lịch sử nữa. Đặc biệt về cuộc Chiến Tranh Việt Nam, người Việt
Nam, ở một mức độ cao hơn người Mỹ, thường thiếu công bằng khi kể lại các sự
kiện xảy ra. Nếu là một cựu quân nhân Nhảy Dù, Thuỷ Quân Lục Chiến hay bộ binh
viết về một trận đánh nào đó tại Nam Việt Nam, thành tích của đơn vị gốc cuả
tác giả thường được đề cao, trong khi thành tích cuả các đơn vị bạn lại bị kín
đáo dìm xuống hay có khi bị lờ đi, không đề cập gì tới cả. (16) Lối tường thuật
và viết sử của Cộng sản dĩ nhiên là còn tồi tệ hơn nhiều, nghĩa là không đếm
xỉa gì tới sự thực mà hoàn toàn thiên vị nhằm mục đích tuyên truyền và độc tôn
phe Cộng sản. Dĩ nhiên, một lý do khác của sự thể này là người cầm bút của mình thường thiếu phương pháp sử
học và không hề để ý tới nguyên tắc vô tư trong tường thuật báo chí.
11. Không tôn trọng
luật lệ: Chính nhờ tinh thần
thượng tôn luật pháp mà Mỹ Quốc, tuy chỉ mới lập quốc có hơn 200 năm, nay đã
trở thành một siêu cường giàu mạnh nhứt thế giới. Nhưng Việt Nam ta thì coi như
không mấy ai bận tâm đến chuyện phải tôn trọng luật pháp. Đây là hậu quả tất
yếu của một quốc gia phải trải qua cả nghìn năm chinh chiến, hết nội thù đến
ngoại xâm, hầu như không có lúc nào được an hưởng thái bình đủ lâu để củng cố
hệ thống luật pháp chung cho đất nước. Đất nước Việt Nam tuy mang tiếng là được
trung ương tập quyền từ đời Lý (thế kỷ thứ 11-13) nhưng thiệt sự triều đình chỉ
nắm được quyền thu thuế và bắt lính qua trung gian một hệ thống làng xã khá
vững chắc. Phép vua thua lệ làng, câu này vừa
nói lên tính tự trị từ ngàn xưa cuả hệ thống làng xã Việt Nam - vì triều
đình quá bận bịu chinh chiến chống ngoại xâm và nội thù — vừa nói lên sự lỏng
lẻo cuả luật pháp quốc gia. Hay nói khác đi, Việt Nam chỉ thiệt sự có luật pháp
quốc gia từ đầu thế kỷ 19 với Bộ Luật Gia Long, mặc dù, trên nguyên tắc, đất
nước đã có luật pháp chung kể từ thời Lê Thánh Tôn (thế kỷ thứ 15) với Bộ Luật
Hồng Đức. Nói chung, ý thức tôn trọng luật pháp của người mình rất thấp. Một
phần là vì khả năng truyền thông yếu kém do tình trạng nghèo nàn lạc hậu, phần
khác do đầu óc sứ quân và óc địa phương, làng xã còn nặng, phần khác nữa do đời
sống dân chúng hãy còn quá đơn giản, chưa có những nhu cầu phức tạp của một dân
tộc văn minh cao. Khi Cộng Sản cởi đầu, cởi cổ được cả hai miền Nam Bắc thì họ
liền trở về với tình trạng phân hoá sứ quân cũ, nghĩa là mỗi tỉnh đều có luật
lệ riêng để áp dụng, có khi luật tỉnh (do bí thư tỉnh ủy đảng Cộng Sản hành xử)
còn được đặt trên cả luật pháp quốc gia, với dụng ý để cho cán bộ tỉnh dễ bề
tham nhũng và có thể tuỳ tiện ăn hối lộ mà không cần phải trình báo cho trung
ương. Và rồi tình trạng vô luật pháp chỉ là một hậu quả tất nhiên của tệ nạn
tham nhũng và hối lộ lan tràn, bởi vì lúc nào cũng thấy diễn ra cảnh "nén
bạc đâm toạc tờ giấy." Ngày nay, những ai từng về Việt Nam du lịch đều
nhìn nhận rằng Việt Nam không hề có luật lệ giao thông. Hễ đã ra đường rồi thì
mạnh ai nấy chạy, mạnh xe nào nấy đi, chừng nào tai nạn xảy ra thì cứ chửi nhau
inh ỏi cả lên, ai to tiếng hơn thì thắng, còn có bồi thường thì cũng chỉ là vờ
vịt, qua loa mà thôi, chủ yếu là xuýt xoa xin lỗi.
Cướp công của người
khác: Vì không có một hệ tư
tưởng hay học thuyết dân tộc cuả riêng mình, người Việt Nam rất dễ dàng tiếp
nhận những luồng tư tưởng từ bên ngoài. Việt Nam đã du nhập nào Khổng Giáo, Lão
Giáo, Phật Giáo, Cơ-Đốc Giáo, chủ nghĩa tự do dân chủ Tây phương, chủ nghĩa duy
vật Mác-xít Lê-nin-nít, triết học hiện sinh cùng với các trường phái nghệ thuật
từ cổ điển và lãng mạn tới ấn tượng và lập thể. Người mình còn ưa lấy các học
thuyết khác nhau của Trung Hoa và Ấn Độ xào nấu lại rồi cho đó là công trình
sáng tạo của mình, gọi các công trình đó là một hình thức Việt Nho hay Việt
Học. (17) Các sản phẩm kiến trúc hay âm nhạc cuả Việt Nam thiệt ra đều là những
bản sao có thêm thắt cuả lối xây cất hay cách thế ca hát, nhảy múa của Trung
Hoa và Chàm (Ấn Độ). (18) Các nhà cai trị thực
dân Pháp cũng từng ghi nhận rằng dân tộc Việt Nam có tài bắt chước, mà hễ đã
bắt chước thì không phải là sáng tạo mà chỉ là lấy của người làm của mình thôi.
Một tỷ dụ điển hình khác cuả thói xấu này là tật "cướp công cách mạng" khi Cộng Sản tự vỗ ngực cho rằng chính họ là
người duy nhứt đi tiên phong trong phong trào đánh Pháp, đuổi Nhựt. Thiệt sự
thì những đảng phái quốc gia khác như Việt Nam Quốc Dân Đảng hay Đại Việt, hoặc
các giáo phái như Cao Đài và Hoà Hảo cũng là những thành phần có công chống
Pháp, kháng Nhựt vậy. Chỉ có điều là họ không giành được chính quyền vào tay để
mà tha hồ kể công với lịch sử như Cộng sản đang làm.
12.Ưa nịnh bợ, tâng
bốc: Vì có máu kiêu ngạo thêm
tính ưa làm quan (như đã kể trên), người Việt Nam thường chỉ thích được kẻ khác
nịnh bợ, tâng bốc. Những lời nói thiệt, nói thẳng kiểu Nguyễn Trường Tộ hay
Phan Châu Trinh dễ làm vua quan ta phật ý. Sử chép rằng Vua Khải Định thích
được các quan quỳ lạy, xưng tụng đến nỗi nhà vua đã cho thiết lập cả một triều
đình ngay tại Marseilles trong thời gian có Hội Chợ Kinh Tế (Đấu Xảo) Đông
Dương thuộc Pháp năm 1925. (19) Tổng Thống
Diệm cuả Miền Nam Việt Nam chỉ thích được nghe người ta suy tôn Ngô Tổng Thống.
Nhưng họ Hồ và Đảng Cộng Sản Việt Nam thì ở một mức độ cao hơn nhiều.
Đám bồi bút và văn nô cuả Hồ Chí Minh, đứng đầu là Tố Hữu (nhà thơ mà sau làm
đến Phó Thủ Tướng Đặc Trách Đổi Bạc) với các phụ tá như Xuân Diệu, Nguyễn Đình
Thi, Huỳnh Minh Siêng... lúc nào cũng sẵn sàng làm thơ, làm văn, làm nhạc, hết
mình ca tụng Bác và Đảng. Và cho dù Bác và Đảng có thực sự xua đẩy đất nước
mình xuống bờ vực thẳm, họ cũng không hề dứt lời say sưa ca ngợi: Bác đến từng
nhà thăm các cụ già, cầm tay chúng con, Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn. —Tiếng
Hát Thành Phố Mang Tên Người.
13. Thích ăn hối lộ: Đây là căn bệnh chung của phần lớn các quan lại
và những người mà trong bụng lúc nào cũng có một ông quan. Bệnh phát triển quá
mức bình thường một khi niềm tin vào kỷ cương và giềng mối cuả đất nước tan rã.
Tại Miền Nam Việt Nam, sau khi chiếm được Dinh Gia Long, phe đảo chánh Tổng
Thống Diệm chỉ tìm thấy chiếc giường gỗ và một giá sách trong phòng ngủ của
ông. Nhưng sau khi Tổng Thống Thiệu ra đi, người ta tin rằng ông đã mang theo
ra nước ngoài nếu không phải là cả tấn vàng thì cũng một số lớn tài sản tích
luỹ được ố-kể cả các chương mục ngân hàng tại Thuỵ Sĩ— sau 10 năm cầm quyền.
Các tướng lãnh dưới quyền ông từ Trần Thiện Khiêm tới Cao Văn Viên và Đặng Văn
Quang cũng đều được người đời nhắc nhở tới như là những tay tham nhũng lớn của
chế độ. Các vị này vẫn thường coi chuyện ăn hối lộ và tham nhũng như là quyền
đương nhiên của giới lãnh đạo, nhứt là trong lúc đất nước đang có chiến tranh,
bản thân họ thì phải vào sanh ra tử. Tỷ dụ như Tướng Đỗ Cao Trí, một vị tướng
rất tài giỏi (cỡ Patton) nhưng không sạch của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, trong
một phút cao hứng, từng nói với báo chí ngoại quốc rằng ông vừa đánh giặc vừa
làm giàu, (ý nói ông có quyền tham nhũng và buôn lậu qua vùng tam biên). Nhưng
than ôi! Tham nhũng cỡ đó thì đâu có thấm béo gì nếu so với các quan chức Cộng
sản hiện đang toàn quyền cai trị 75 triệu dân Việt Nam (và một số Việt kiều yêu
nước ở hải ngoại)! Trên thực tế, tình trạng
tham nhũng và hối lộ ở Miền Nam, phát sinh từ chiến tranh chống Cộng, đã gia
tăng với một nhịp độ khủng khiếp sau khi Sàigòn rơi vào tay Cộng sản. Và tình
trạng này đã lây lan mãnh liệt, làm ung thối luôn cả chế độ Cộng sản Miền Bắc
vốn bị kìm hãm trong kỷ luật sắt của một nước độc tài, đảng trị (đang dốc hết
mọi tài nguyên vào cuộc chiến tranh xâm lược nước khác) và quá nghèo nàn, không
biết lấy gì để tham nhũng cho ra trò. (20) Dân chúng Miền Nam Việt Nam
vẫn cho rằng ngày xưa vì chỉ có các ông lớn ăn —mà phần lớn là ăn tiền của Mỹ
cho— nên dân còn đỡ đỡ một chút. Nay dưới trào Cộng sản thì mạnh lớn, lớn ăn, mạnh nhỏ, nhỏ ăn (mà lại chỉ ăn vào tiền mồ hôi nước mắt cuả dân
chúng chớ làm gì có viện trợ của Liên Sô hay Trung Quốc đổ xuống dồi dào như
hồi Mỹ chưa phụ bạc Miền Nam Việt Nam) nên đất nước ta mới xác xơ đến vậy. May
mà có Việt kiều hải ngoại thương tình mỗi năm chính thức bôm vào trong nước
khoảng 1 tỷ rưỡi đô-la chớ không thì dân nghèo sẽ chết trước hết, rồi từ từ mới
đến người giàu và cán bộ, đảng viên khệnh khạng mua vé Air France hạng tối danh
dự bỏ nước ra đi sang định cư tại Thuỵ Sĩ!
14. Tham lam: Mặc dù lòng tham là bản tính chung Trời ban cho
loài người không phân biệt chủng tộc, người
Việt Nam đặc biệt tham hơn người khác vì đau khổ và thiếu thốn nhiều quá.
Lòng tham này biểu hiện trong cách buôn bán lừa đảo, làm hàng giả và chặt đầu
lột da, không phân biệt phải trái và không kể chi đến chuyện lưu nhân tình để
ngày sau hảo tương kiến. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, người Việt gốc Hoa, tuy
cũng tham lam chớ chẳng phải là không, trong buôn bán vẫn tỏ ra thiệt thà và
giữ gìn chữ tín hơn là người Việt chính tông của mình. Cộng Sản, tuy tự xưng
mình là vì giai cấp vô sản mà chiến đấu, lại đặc biệt bóc lột đám dân vô sản cô
thế và xô đẩy con người vào chỗ tham lam vô cùng, vô tận. Cứ đi về Việt Nam du
lịch một vòng thì biết liền: Bà con, họ hàng gì mà cho tiền ít thì hờn giận,
nói xỏ, nói xiêng; địa phương thanh lịch gì mà qua cầu khỉ cũng phải trả tiền;
khách sạn tối tân cỡ nào mà giá lại đắt hơn cả bên Mỹ; "núm ruột ngàn
dặm" gì mà hễ đi thăm thú nơi đâu thì cũng bị đồng bào ruột thịt chặt tiền
gấp đôi... Ai cũng ngậm ngùi khi thấy cảnh hoàng cung và các lăng tẫm tại cố đô
Huế tiêu điều, hoang phế mặc dầu đây là một trong các điểm du lịch hái ra tiền
nhiều nhứt nước. Ai có ngờ đâu rằng Tổ chức
Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã cấp cho nhà cầm quyền
Cộng sản Việt Nam hằng triệu Mỹ kim để trùng tu di tích này, nhưng họ cứ để
vậy, một phần vì tiền đó đã bị họ chia chác nhau ăn cả rồi, phần khác vì họ có
thâm ý tạo cảnh tang thương đặng gợi lòng xúc cảm của du khách, mà chung quy
cũng chỉ là để moi tiền thêm mà thôi!
Không tôn trọng nguyên tắc và giờ giấc: Người Việt Nam tỏ ra rất thích
nghi thức và kiểu cách, nhưng lại không chịu tuân thủ một nguyên tắc nhứt định
nào làm chuẩn cả. Từ lễ cúng ông bà ngày Tết cho tới lễ cúng thần hoàng hay lễ
hỏi, lễ cưới... mỗi miền đềutheo một nghi thức riêng, không ai chịu ai là chuẩn
mực. Rồi cứ thế tam sao thất bổn, đến đời nay mỗi khi có lễ lạc gì thì mạnh ai
nấy làm, mới nhìn thì cũng na ná như nhau, lại gần mới biết là không nơi nào
hành lễ giống như nơi nào cả. Theo một bài viết của cựu Tướng Ngô Quang Trưởng,
hồi tháng Ba năm 1975, các đơn vị thuộc Vùng I Chiến Thuật đã phải rút bỏ Huế
chỉ vì phải tuân thủ nguyên tắc thi hành trước, khiếu nại sauọ của Quân Đội,
trong khi đó vị tổng tư lệnh là Tổng Thống Thiệu thì lại không tuân giữ nguyên
tắc trước sau như một khi ban lệnh: chiều thì lệnh phải giữ Huế, sáng thì lệnh
phải bỏ Huế, làm cho lòng quân rối loạn dẫn tới chuyện mất Vùng I rồi mất nước
luôn. (21) Cộng Sản cũng vậy, đã có lệnh của trung ương rồi, nhưng các tỉnh ủy
vẫn tuỳ tiện ra phản lệnh hoặc ra thêm lệnh khác, nhứt là lúc cần đánh thêm một
đợt thuế nữa vào những nhà đầu tư ngoại quốc lớ ngớ tới làm ăn tại Việt Nam.
Còn chuyện không tuân thủ giờ giấc thì ai cũng biết là người mình chẳng hề có
khái niệm nào đứng đắn về thì giờ, vì thế mới có thứ giờ cao su. Cứ chịu khó đi
dự một phiên họp cộng đồng hay đi ăn một đám cưới nào thì quý vị đủ biết. Giờ
hành lễ trên giấy tờ là 9 giờ sáng hay 5 giờ chiều thì cứ y như rằng là phải
đợi mãi đến 11 giờ trưa hay 7 giờ tối mới nói tới chuyện khai mạc được, rồi rề
rà, ê a mãi tới quá ngọ hay tuất gì đó (9 giờ tối) mới thực sự đi vào trọng tâm
buổi lễ. Điều có vẻ khó hiểu là hầu hết các quan khách Việt Nam này bình
thường, khi đi làm sở Mỹ để lãnh lương, thì lại rất hiếm khi thấy có ai dám thử
mạo hiểm dỡn mặt supervisor đi làm trễ giờ!
15. Không tuân giữ các
cam kết: Thất hứa hay không tuân
giữ các cam kết cũng là một trong các thói xấu mà người Việt mình mắc phải. Các
chính trị gia thời chế độ Cộng Hoà ở Miền Nam ưa thất hứa vì tình trạng bầu bán
lúc đó, tuy có dân chủ nhưng chưa dân chủ đúng mức, cho nên cử tri khó có dịp
để trừng phạt họ bằng lá phiếu. Chính quyền Cộng sản bây giờ tại Việt Nam thì
hoàn toàn không hề bận tâm đến chuyện phải giũ lời hứa với ai, vì có cử tri nào
có thực quyền hạ bệ họ đâu mà họ phải ngán? Chuyện nuốt lời hứa của Cộng Sản đã
nổi bật ngay sau khi họ "giải phóng" được Miền Nam và đưa hằng trăm
ngàn quân nhân, viên chức, thành viên các đảng phái đối nghịch với họ đi
"học tập cải tạo" từ 1 tháng tới 10 ngày. Các con số 1 tháng hay 10
ngày này sau cùng đã biến thành 5 năm, 10 năm, 15 năm hay lâu hơn nữa, bởi vì
toàn thể Miền Nam Việt Nam đã bị nhà cầm quyền Hà Nội trắng trợn lường gạt ngay
trong "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" (22) của cuộc "hoà hợp,
hoà giải dân tộc" mà họ đã không ngừng cổ võ và cam kết để phía bên kia
nhẹ dạ nghe theo mà buông súng đầu hàng cho lẹ.
Trên đây mới chỉ là 18 trong vô số những thói xấu mà người Việt ở trong cũng
như ngoài nước hiện đang mắc phải. Có thể một số quý vị sẽ cảm thấy bàng hoàng
vì không tin là cái dân tộc của chính mình mà lại mang nhiều khuyết điểm trong
đạo đức làm người đến như vậy. Để quý vị có thêm cơ sở, người viết xin đưa ra
một số nguyên do đã đưa đẩy con người Việt Nam, bằng máu và thịt, ở trong cũng
như ngoài nước, đến cuộc khủng hoảng đạo đức và xã hội như hiện nay: Vì nội
chiến và ngoại xâm liên miên trong suốt chiều dài của lịch sử, dân tộc Việt Nam
luôn luôn phải đặt mình trong tình trạng nghi ngờ, giận dữ và thù hằn. Cái đạo
đức của một dân tộc hiếu hoà như bất cứ dân tộc nhỏ bé nào đó trên một hải đảo
Thái Bình Dương nào đó thiệt khó có cơ hội phát triển trong dân tộc mình. Điều
này cũng tương tự như hoàn cảnh cuả một đứa bé phải sống trong bối cảnh một gia
đình đầy những sự lạm dụng (abuse) và bạo lực (violence). Do lâm trận hoài trong chiến tranh, người Việt Nam
có thể là những chiến sĩ tài giỏi nhứt thế giới, nhưng đồng thời cũng có thể là
những con người ít thuần tánh nhứt và dữ dằn nhứt. Cứ xem cung cách quân
ta hành xử với người Chàm trước đây hay người Miên sau này (mà sử sách còn ghi
lại) thì đủ biết. Điều này cũng có thể giải thích phần nào sự tàn ác mà Cộng
sản vẫn thường dành cho các tù binh trong tay họ, cho dẫu đó là người Miền Nam
(đồng chủng tộc với họ) hay người Mỹ (dị chủng, mũi lỏ, mắt xanh).
a/. Chiến tranh triền miên và tiêu hao, cộng thêm với những năm tháng bị xích
xiềng nô lệ vừa làm cho người Việt Nam bị phân hoá (dân Bắc kỳ, dân Trung kỳ,
dân Nam kỳ; Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay lo, Bình Định so đo, Thừa Thiên
đớp hết...) vừa làm cho quyền lực của chính quyền trung ương khó tới được các
địa phương và tạo ra tình trạng phép vua thua lệ làng như đã nói, một tình
trạng thiệt chẳng hay ho gì nếu ta xét về mặt quyền lợi quốc gia, vì nó đẻ ra
tệ nạn sứ quân (thời tiền Đinh) và tỉnh uỷ (thời Cộng Sản). Điều này cũng giải
thích tại sao dân tộc Việt Nam là một trong các dân tộc ít được chính quyền (do
họ bầu lên hoặc không) chăm lo, phục vụ nhứt trong lịch sử nhân loại. Mối quan
hệ dễ thấy nhứt giữa nhà nước và nhân dân ở Việt Nam là bên này chỉ chăm chú
bắt bên kia phải đóng thuế và đi lính cho mình, chớ bên này chẳng hề phải lo
lắng, phục vụ cho bên kia như quan hệ giữa chính quyền và dân chúng tại các
nước khác trên thế giới mà người Việt hải ngoại đã may mắn có dịp nhìn thấy và
học hỏi.
b/. Chiến tranh và "đổi đời" liên
tiếp cũng tạo nên trong tâm lý người Việt Nam những điều thái quá không hay
khác như không cha không chúa, hoài nghi, lo lắng, tích luỹ, dễ bạo động, không
khoan nhượng và tha thứ, nhẫn tâm, chai đá, sống cuồng sống vội, vá víu, cục
bộ, tuỳ tiện, bội bạc, tham lam, hỗn quân hỗn quan, vô luật pháp, vô đạo đức...
Đọc lại lịch sử đất nước, các vua, chuá ta một khi đã chiến thắng kẻ khác
thường không mấy khi hành xử cho cao thượng mà chỉ lo trả thù, đôi khi khá hèn
hạ. Họ cứ làm như là không hề biết tới cái đạo lý của các hiệp sĩ từ Đông sang
Tây là ôkhông đánh kẻ ngã ngựa. Điều này giải thích tại sao Cộng Sản Việt Nam
đã công khai hành hạ và ngấm ngầm giết hại hằng trăm ngàn tù nhân chính trị
Việt Nam Cộng Hoà qua chính sách giả nhân giả nghĩa "học tập cải tạo"
mà họ luôn mồm huênh hoang là "khoan hồng nhân đạo" (nhứt thế giới!)
Quý vị hẳn cũng thừa biết, về phiá dân tộc Mỹ, với chỉ có 200 năm văn hiến, kẻ
thắng (phe Miền Bắc) đã đối xử ra sao với người bại (phe Miền Nam) sau cuộc Nội
Chiến 1861-1865.
c/. Xét riêng về Miền Nam Việt Nam, nền đạo lý dân tộc cũng đã suy sụp theo
thời gian và tuỳ vận nước nổi trôi. Thời Đệ Nhứt Cộng Hoà, chính quyền của Tổng
Thống Ngô Đình Diệm, tuy bị người đời (và nhứt là người Mỹ) gán cho là gia đình
trị và đàn áp tôn giáo, vẫn có cái thanh bình, an lạc và kỷ cương của nó mà
suốt quãng đời còn lại sau này dân chúng Miền Nam Việt Nam không còn tìm thấy
đâu nữa. Thời Đảo Chánh và Tướng Lãnh cầm quyền, đạo đức bắt đầu đi xuống và
hỗn loạn đã thấy ló mầm với hơn nưả triệu binh lính Mỹ tràn vào các thành thị
và thôn làng Việt Nam, (cho dẫu với sứ mạng cứu viện đồng minh). Thời Đệ Nhị
Cộng Hoà, khi mãnh lực cuả đồng đô-la Mỹ bắt đầu lấn áp nền luân lý khắc kỷ á
Đông —vẫn còn đâu đó ở Nam Việt Nam sau cơn hỗn quân, hỗn quan— các tệ nạn như
tham tài bội nghĩa, giàu bỏ bạn, sang bỏ vợ, vật giá leo thang, bợ đít quan
thầy, đĩ điếm, ăn cắp (đồ Mỹ trước, đồ bạn sau rồi tới đồ nhà), ăn chơi đua
đòi, sống thác loạn... bắt đầu hoành hành, gây đổ vỡ cho gia đình và làm rạn
nứt giềng mối quốc gia. Với cường độ tham nhũng gia tăng theo đà chiến tranh
tàn khốc cộng với nạn khủng hoảng kinh tế triền miên vì tiền viện trợ Mỹ, khi
trồi, khi sụt (thời Tổng Ngọc, thời Tiến sĩ Hảo, thời thuế trị giá gia tăng,
thời thuế kiệm ước...), luật pháp quốc gia và đạo đức dân tộc coi như tụt giốc
kinh hoàng. Nhưng cũng chưa đến nỗi, vì vẫn còn có những gương sáng xa xa và lẻ
loi như một Thủ Tướng Trần Văn Hương liêm khiết, một nhà văn hoá Mai Thọ Truyền
tâm huyết cộng với nhứt Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng là bốn tướng
sạch (và giỏi nữa) trong Quân Đội. Cho đến đời Cộng Sản thống trị thì vũ trụ
mới thiệt sự sụp đổ hoàn toàn trên đầu dân chúng Miền Nam Việt Nam.
Để giải thích cho sự băng hoại và tan rã hoàn
toàn cuả xã hội Việt Nam hiện nay dưới ách thống trị mê muội và điên cuồng của
Cộng sản, chỉ cần xét tới các nguyên do sau:
Người bình dân Việt Nam,
vốn không phải là những triết gia có chiều sâu và những tín đồ có đức tin vững
vàng, dễ có khuynh hướng tin rằng Ông Trời không có thiệt hoặc không có mắt, vì
làm lành như Việt Nam Cộng Hoà lại bị Thế Giới Tự Do và người bạn Đồng minh Mỹ
rủa sả và bỏ rơi, trong khi làm ác như Cộng Sản vẫn không hề bị trừng phạt mà
lại còn được vinh thân phì da, thăng quan tiến chức, giàu có bốn biển, năm thê
bảy thiếp, kẻ hầu người hạ, tiền hô hậu ủng, tiền rừng bạc biển, ăn trên ngồi
trốc, miệng hét ra lửa, tay chân nắm quyền, Việt kiều [vừa yêu nước vừa] sợ
sệt, tiền gởi Thụy Sĩ, con học Huê Kỳ... Hễ Thượng Đế (Ông Trời) đã chết thì
con người được phép làm mọi sự mà không sợ bị ai xét đoán, trừng phạt. (23)
Người Việt Nam ngày nay được tự do làm mọi điều thất đức và đoản hậu vì, qua
cuộc đổi đời vừa qua, lúc người trung mắc nạn chẳng hề có tiên xuống phò gì cả.
(24) Hơn nữa, chủ trương cuả Cộng Sản là vô thần và bách hại tôn giáo, nhưng,
cho tới nay, chưa có vị thần thánh nào (mà các tôn giáo vẫn cho là linh thiêng
lắm) đủ quyền năng để ra tay trừng phạt (bẻ cổ...) họ cho dân chúng mở mắt ra.
Sự thực thì chỉ có tôn giáo mới có thể cung ứng một thứ luật pháp tối thượng và
vĩnh cửu để chăn giữ người đời làm lành, lánh dữ, cũng như chỉ có sự hiện hữu
cuả một Đấng Chí Tôn mới củng cố được niềm tin cuả nhân loại về tội ác và hình
phạt và về ngày phán xét cuối cùng. (25) Cứ xem cái gương của nước Mỹ: May mà
tôn giáo (mà đại diện là các nhà thờ) bên này vẫn còn mạnh chớ nếu không thì
luân thường đạo lý của dân Mỹ ngày nay đã đi đong rồi (mặc dù hiện nay tiền bạc
và tình dục đang ở thế thượng phong, trênchưn đạo đức).
Tâm lý tuyệt vọng đã xô đẩy dân tộc Việt Nam
tới chỗ ngày càng xa rời đạo lý và tiến gần đến tội ác. Thông thường,
nếu một người có chút hy vọng vào cuộc sống thì người đó, dẫu sao, vẫn e dè hay
miễn cưỡng khi phải phạm tội, vì họ vẫn còn hy vọng vào sự thưởng phạt trong
đời. Ngược lại, người tuyệt vọng có mọi lý do để biện minh cho những hành động
vô luân, ác đức của mình, bởi vì, theo họ, trách nhiệm về mọi tội ác thuộc về
kẻ khác, nhứt là những kẻ đã làm cho đời hợ trở nên tuyệt vọng, mà trong trường
hợp này là những lãnh tụ Cộng sản bất tài và vô đạo đức đang thống trị đất
nước. Phần lớn dân chúng Việt Nam hiện nay đều
mang tâm lý tuyệt vọng, không hề tin tưởng gì vào tương lai đất nước hay vào
những mỹ từ như tổ quốc, dân tộc, danh dự, trách nhiệm... mà mạnh ai nấy tìm
cách đưa gia đình, con cái mau mau chạy ra nước ngoài (nhứt là sang Mỹ, dĩ
nhiên rồi!) qua ngả chữa bệnh, du học, hay theo các diện hôn phu, hôn thê, hôn
phối... Và phần lớn số người còn ở lại Việt Nam đều là những kẻ, hoặc không có
phương tiện hay cơ hội nào để bỏ nước ra đi, hoặc là vì họ đang có thừa thế lực
và tiền bạc để có thể lợi dụng tình trạng tuyệt vọng của người khác mà củng cố
quyền hành và làm giàu thêm.
Nền giáo dục cuả Cộng Sản Việt Nam coi như sụp đổ hoàn toàn vì tiền bạc
cũng không để xây dựng trường, lớp và nâng đỡ học sinh nghèo (vốn chiếm đại đa
số trong tình trạng kinh tế suy sụp hiện nay) mà tình nghĩa thầy trò cũng mất
rồi. Thiệt tình mà nói, hiện nay một số các tổ chức tư nhân từ hải ngoại đang
phải về Việt Nam lo xây dựng trường, lớp cho con em đi học, bởi vì chính quyền
Cộng sản trong nước, có lẽ vì tham nhũng nhiều nên mập quá, tối ngày chỉ biết
nằm mà ăn thôi, chớ không sao đứng dậy nổi mà lo cho dân nghèo (theo đúng đường
lối mà Đảng đã huênh hoang từ năm 1932), cho dù dân nghèo đó lại chính là các
em nhi đồng cục cưng của "Bác Hồ kính yêu" thuở nào. Trong khi đó,
một số không nhỏ các giáo viên trong nước, nhân danh nghèo đói, lại đang triển
khai lề thói bắt học trò của mình phải đóng tiền để học riêng tại nhà mình
(viện cớ phải kèm cặp thêm cho mau giỏi), nếu trò nào, nghèo quá, không đến học
nổi thì thường bị trù dập. Vả lại, các trường học Cộng Sản không hề dạy cho trẻ
em về đức dục, tức là luân lý (như kiểu "luân lý giáo khoa thư" mà
các cụ lưu vong bên này vẫn ngày đêm nhớ thương, tiếc nuối) mà chỉ dạy về chính
trị, về lòng hận thù (giai cấp) và về lý thuyết cộng sản, tức là một hình thức
công dân giáo dục (civics) nào đó. Ngay sau "giải phóng," một giáo
viên Miền Bắc thuộc loại con ông cháu cha vào dạy học ở các trường Miền Nam
Việt Nam đã phải thốt lên: Ôi! Sao mà học trò trong Nam này lại lễ phép và học
giỏi đến thế! Chả bù với học sinh Miền Bắc (xã hội chủ nghĩa), vừa vô lễ lại
vừa dốt như bò! (26)
d/. Chủ nghĩa vật chất, mãnh lực kim tiền và nếp sống thụ hưởng kiểu Mỹ (mà
Cộng Sản đã hoan hỉ rước vào như một cứu tinh cho nền kinh tế thối rửa của họ)
đang hoành hành dữ dội tại Việt Nam nhờ có những đợt thăm viếng (điạ đạo Củ
Chi) của du khách ngoại quốc cùng với các chuyến về thăm quê hương liên tiếp và
gởi tiền về Việt Nam ồ ạt của Việt kiều hải ngoại (mà số dách là Việt kiều từ
Mỹ, kế đến theo thứ tự là Ca-na-đa, Anh, Pháp, Bỉ, Hoà Lan, Úc, ý, Đức (bắt đầu
hơi kẹo), Nhựt Bản (cũng hơi kẹo), Nam Hàn (kẹo hơn chút nữa), rồi mới tới các
lân bang, các hải đảo Thái Bình Dương và Phi Châu). (27) Từ chỗ tranh sống, những thành phần giàu có không mấy hợp pháp
nhờ thời thế hỗn mang hiện nay (như thành phần đảng viên, cán bộ cộng sản, dân
đầu cơ tích trữ, mánh mung...) lại đang tranh sướng, tức là làm sao cho cuộc
sống của cá nhân mình, gia đình mình và phe đảng của mình ngày một tràn đầy
khoái lạc hơn, bất kể quốc gia hưng vong. Trong khi nội lực (đạo đức làm người)
thì không có, mà ngoại chưởng (đô-la và nếp sống hưởng thụ) thì lại quá mạnh,
hỏi làm sao dân tộc Việt Nam chống nổi để khỏi bị trầm luân, băng hoại và từ từ
tiến đến chỗ diệt vong?
e/. Sống gian lận, lừa đảo
lâu thành quen, và thói xấu này dần dần
đi vào cõi vô thức của dân tộc, hay nói cách khác là nhập tâm, tức là hội nhập
vào tâm tình dân tộc. Tội nghiệp cho dân Việt Nam thuộc thế hệ hiện nay ở chỗ
là họ không hề biết là mình đang ngày càng xa rời cỗi nguồn đạo đức mà mới đời
ông, đời cha của họ vẫn còn có đó. Hễ vào làm việc nơi đâu thì phải lo ăn cắp
thì giờ, nguyên vật liệu và cả tiền bạc (khi có cơ hội thụt két) để được no đủ,
vì nhà nước hay xí nghiệp chỉ có thể cung cấp cho họ đồng lương chết đói. Là
dân buôn bán, cho dù là bán thuốc Tây —trên nguyên tắc là để cứu nhân độ thế—
nhưng người ta vẫn phải áp dụng mọi thủ đoạn lường gạt khách hàng mới mong giàu
có. Câu chuyện ngụ ngôn về đạo đức nhan đề Cái Cân Thuỷ Ngân mà ngày xưa vẫn
thấy đem giảng dạy tại các học đường để cảnh giác con người phải làm ăn và sống
cho lương thiện thì ngày nay không hề được nhắc nhở đến. Ngày xưa thì chỉ có
Hoa kiều Chợ Lớn chuyên làm đồ giả mạo để tranh thương, ngày nay người Việt
mình dường như đã trở thành sư phụ trong những ngón nghề làm đồ giả để lường
gạt đồng bào mình. (Chớ đem bán ra nước ngoài, ai mà thèm mua?)
Trong nước, vì có nạn Cộng sản, mới đành phải ra nông nỗi. Nhưng tại sao bản
chất của người Việt định cư tại các nước văn minh ở hải ngoại lại cũng vẫn
không khá hơn "khúc ruột quê nhà"của mình về mặt đạo đức? Xin thưa:
Một học giả người Pháp mà người viết bài này không nhớ rõ tên, khi viết về dân
tộc Việt Nam, có ngỏ ý khen rằng người Việt Nam có biệt tài hấp thụ và đồng hoá
những cái hay, cái đẹp của các nền văn minh thế giới do tình cờ lịch sử được
mang đến Việt Nam.Thiệt ra thì ông đã quá khen. Người
mình quả có tài đó, nhưng lại chỉ hấp thụ những cái dở, cái xấu của nước người
để làm thành sản phẩm của mình, vì cái dở, cái xấu lúc nào cũng dễ nuốt hơn là
cái hay, cái đẹp vốn đòi hỏi nhiều hy sinh, khắc kỷ mà con người nói chung khó
có thể có được. (28) Ngoại trừ
thế hệ trẻ của người Việt hải ngoại được sinh ra, lớn lên và được giáo dục y
hệt như người bản xứ, các thế hệ phụ huynh đi
trước dễ có khuynh hướng hấp thụ những cái xấu của nước người, mà trước hết là
thói hưởng thụ. Khi cái chủ trương hưởng thụ nơi người Việt từng bỏ nước ra đi
vì lý tưởng Tự do mà gia tăng thì phải biết rằng họ đang ngày càng xa rời lý tưởng
Tự do và cội nguồn đạo đức cuả dân tộc, vì họ không còn tâm trí và thì giờ đâu
mà tranh đấu cho Tự do nữa! Rồi từ đó sinh ra bệnh trục lợi (hay nhân danh một
lý tưởng nào đó đặng lạc quyên mà làm giàu cho mình), tranh giành, lường gạt và
khoe khoang thành tích là những tai họa đang liên tục giáng vào tình đoàn kết
trong các cộng đồng người Việt hải ngoại..
Mang nặng nhiều mặc cảm cuả kẻ chiến bại khi đặt chân đến xứ người để
tiếp tục cuộc sống lưu vong, những người Việt Nam từng gắn bó với Việt Nam Cộng
Hoà thuở xưa, nhứt là những người có ít nhiều trách nhiệm trong Chiến Tranh
Việt Nam, dễ có khuynh hướng chạy
tội bằng cách đổ lỗi cho nhau, rõ nét nhất là qua hằng loạt hồi ký do các cựu tướng lãnh viết về
cuộc đảo chánh Tổng Thống Diệm, về cuộc chiến đấu chống Cộng không thành sau
đó, về vai trò và trách nhiệm của họ, vân vân và vân vân. Rất ít người có can đảm và đủ khẳng khái tự
nhìn nhận là "tôi làm tôi mất nước," (29) trong khi đó một số nhà lãnh đạo trước đây của Miền Nam
Việt Nam lại còn mơ hồ nghĩ tới chuyện Cộng sản có thể triệu vời họ về cho một
giải pháp hậu hoà hợp hoà giải dân tộc nào đó! Những vị này thường lợi dụng
những cuộc họp mặt với bạn bè và thuộc hạ xưa để nay thả ra một quả bóng, mai
gióng lên một tiếng chuông thăm dò đặng chào mời sự ủng hộ của đồng hương,
nhưng thường thì chỉ nhận được những lời phản đối, chỉ trích, châm biếm chua
cay, có khi còn có tính cách xúc phạm nữa. (30) Ngược lại, một số không nhỏ khác lại trở nên tiêu cực vì không
còn được hưởng những đặc quyền, đặc lợi, lên voi xuống chó như ngày xưa. Có
khi, vì quá tiêu cực, họ đâm ra phân biệt kẻ chạy trước với người chạy sau, kẻ
ở tù Cộng sản với người bỏ nhiệm sở chạy ra nước ngoài sớm. Đó cũng chính là
mầm mống gây chia rẽ, bất an âm ỉ khôn nguôi trong cộng đồng nguòi Việt tỵ nạn
ở hải ngoại hiện nay.
Nhờ được hưởng các quyền tự do rộng rãi nơi những đất nước thiệt sự dân chủ,
nhiều người Việt lưu vong đâm ra quá trớn trong những lời chỉ trích và luận tội
những người không cùng ý kiến với mình mà, oái oăm thay, phần lớn lại là các
chiến hữu cũ của mình. Thông qua tự do báo chí và nhờ vào chi phí in ấn khá rẻ
tại hải ngoại, có tới hằng ngàn tờ báo Việt ngữ đang lưu hành trên khắp thế
giới tự do. (ở đây không nói tới sách vở với hàng ngàn hồi ký, truyện ngắn,
truyện dài, khảo luận, diễn từ... mà phần nhiều là được viết tuỳ hứng chớ không
dựa theo một phương pháp hẳn hoi.) Điều đáng buồn là chỉ có một số rất ít trong các tờ báo này làm
đúng thiên chức thông tin, nghị luận hay văn hoá, còn phần nhiều chỉ chuyên
chửi bới nhau, có khi còn lôi cả tông chi, họ hàng đối thủ ra mà chửi. (31) Bởi vì, như người ta thường nói, xem văn,
biết người, chúng ta chỉ cần xem cung cách người Việt Nam mình (dĩ nhiên là
người ở hải ngoại, chớ trong nước hiện nay thì làm gì có tự do ngôn luận mà đòi
cầm bút) viết lách ra làm sao
thì cũng có thể thấy được không những là trình độ học vấn mà còn cả đạo đức làm
người của họ nữa. Kiến thức và đạo đức vẫn là hai điều kiện không thể thiếu của
một người cầm bút trong ý nghĩa là làm văn hoá, dù ở bất cứ nơi đâu và trong
bất cứ thời đại nào.
f/. Một số đáng kể những
người Việt lưu vong, do bất đắc dĩ phải tiếp xúc lâu dài với môi trường mới đầy
những luận điệu tuyên truyền xảo trá tại quê nhà trước khi ra hải ngoại, đã bị
nhiễm những tánh xấu của Cộng sản hồi nào không hay. Một trong các tánh đó là
óc tự hào dân tộc thái quá đến độ cuồng tín, bất chấp sự thực là khả năng của mình không có
là bao nhiêu. Chẳng hạn, khi có ai
nêu lên một sự thực (đau lòng) rằng trong cuộc chiến tranh vừa qua, Miền Nam
Việt Nam không có tài nguyên nào đáng kể để đánh Cộng sản mà chỉ dựa vào viện
trợ Mỹ cấp cho mình do nhu cầu Chiến Tranh Việt Nam mà Mỹ là kẻ chủ chốt thì lập tức thế nào cũng có một vài người giận
dữ phản đối, cho nhận xét đó là
không ôyêu nướcọ và sai sự thực. Họ lý luận rằng ta có nhân sự, và nhân sự đó
chính là vốn quý của ta. Nghe như âm hưởng đâu đây của một bài học chính trị
căn bản mà Cộng sản đã đem ra dạy cho dân chúng Miền Nam Việt Nam sau ngày giải
phóng: Đất nước ta giàu đẹp, dân tộc ta anh hùng... (32) Họ quên rằng nếu ta thiệt sự có khả năng (vật
chất) thì cho dù Mỹ có bỏ rơi ta bằng cách cúp viện trợ thì cũng mặc xác họ,
mắc mớ gì mà ta phải thua chạy vất vả đến như vậy? Chỉ vì quá tự hào với tiềm năng vu vơ của mình
đến độ kiêu căng chưa từng thấy mà Cộng sản đã xô đẩy dân tộc Việt Nam đến chỗ
nghèo hèn cùng cực như hiện nay.
g/. Người ở hải ngoại,
nhứt là những người đã lớn tuổi, dẫu sao khi rời bỏ đất nước ra đi cũng đã mang
theo một số tánh xấu căn bản cuả dân tộc, để rồi khi sang đây cứ thế mà phát
huy: chia rẻ, khích bác lẫn nhau, thích làm lãnh tụ, không lo viết lách cho ra
hồn mà chỉ lo chửi bới, loè bịp bạn bè nơi xứ lạ (bằng nhà lầu, xe hơi trả góp), loè bịp người
trong nước đang nghèo túng (bằng những chuyến áo gấm về làng, vung tiền qua cửa
sổ)... Một số, nhờ vào lệnh cấm vận kinh tế trước đây của Mỹ chống Cộng sản
Việt Nam, đã dùng những chuyến du lịch về thăm quê nhà của mình để buôn bán hay
chuyển tiền lậu, không ít thì nhiều cũng làm giàu cho cán bộ, viên chức Cộng
sản trong nước. Có người, vì quá tha thiết với chuyện về Việt Nam, đã không dám
tỏ thái độ nào với những vi phạm nhân quyền hay bách hại tôn giáo của Cộng sản
trong nước, lơ là trong các sinh hoạt chống Cộng ở hải ngoại, miễn sao khỏi bị
Cộng sản nằm vùng ghi sổ đen rồi trả thù khi họ lơn tơn xách gói về Việt Nam mà
thôi. Lại có kẻ ráng sức bình sanh làm ra các sản phẩm văn nghệ sao cho thiệt
hợp gu với Cộng sản bên nhà, với hy vọng nới rộng thị trường làm ăn, buôn bán
với Cộng sản sau này, cho dù, để làm chuyện đó, họ đã phải nhẫn tâm phản bội
tình chiến hữu năm xưa và chà đạp lên sự thực, trong đó có sự thực về cuộc
Chiến Tranh Việt Nam vừa qua. (33)
Sự hoành hành của các thói xấu kinh niên này
tưởng cũng đủ để giải thích tại sao Việt Nam ta ngày nay đang rơi vào hố sâu của
sự nghèo nàn lạc hậu, chia rẻ và nghi kỵ lẫn nhau đời đời không nhạt phai, cho
dù chúng ta có trốn chạy đến góc biển, chân trời nào đi nữa. Và nếu đà nầy cứ
thế tiếp diễn, dân tộc Việt Nam sẽ tự mình đi vào chỗ diệt vong bên cạnh ông
láng giềng Trung Hoa khổng lồ đang ngày càng bành trướng thế lực sang
các lân bang nhỏ bé hơn như Hàn Quốc, Việt Nam, Lào, Căm-Bốt, Thái Lan, Miến
Điện và Nê-pan. Khi cảnh giác mọi
người về những thói hư, tật xấu này của người Việt Nam, người viết không hề có
ý định bôi lọ dân tộc mình —như những thiên tài chụp mũ trong cộng đồng mình vẫn nghĩ— mà chỉ
muốn gióng lên một tiếng chuông cảnh tĩnh cho tất cả những ai đang ngủ mê trong
giấc mộng vàng son rằng người Việt chúng ta quá tài hoa, quá đức độ, để rồi lại
uất ức, tức tưởi sao vận nước —mà Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam trước
đây thường ca cẩm là "đã đến rồi" —(34) vẫn cứ còn lao đao ghê gớm,
dân tộc mình vẫn còn trầm luân, khổ ải như vậy. Sự thật thì người mình cũng
chẳng có tài cán là bao so với các dân tộc bạn như Trung Hoa, Đại Hàn, Ấn Độ,
và nhứt là Nhựt Bản. Vài ba cái thành công lẻ tẻ trên đường học vấn hay trong
kinh doanh nhỏ mà mình luôn hãnh diện kia không nói lên được cái gì đáng chú ý.
(35) Đó là chưa nói tới sự kiện là hầu hết những kẻ thành công này —hiện không
còn mang quốc tịch Việt Nam nữa cho dẫu khi về thăm quê hương họ có thiệt sự
được Cộng sản ban cho quy chế song tịch (Việt-Mỹ đề huề)— sau cùng cũng chỉ dốc
tâm phục vụ cho xứ sở mới của họ chớ không mấy khi cho đất nước Việt Nam. Chỉ có những thói hư, tật xấu có tính cách tổ
tông truyền đó là còn ở mãi trong ta như là một di sản dân tộc không thể tách
rời, và chính vì thế mà nó đã tác hại tới tương lai dân tộc Việt Nam rất nhiều. (36) Dám xin các bậc thức giả và quý vị có chút
công tâm hãy giúp soi sáng đồng hương về những gì tốt đẹp mình đáng nên hãnh
diện và những gì chẳng hay ho mình nên biết tự lấy làm xấu hổ mà sớm từ bỏ.
Thiết tưởng, bên cạnh lòng tự hào về dân tộc, chúng ta cần phải nhìn ra những
nhược điểm, những thói hư, tật xấu của mình. Thái độ vô tư, khách quan trong
việc phê phán, đánh giá là cần thiết để nhận diện lại mình ngỏ hầu đưa đến một
phản tỉnh chân thành. Bởi
vì có nhìn rõ được mình và có tự biết mình chúng ta mới tự sửa đổi được để tiến
lên Chân, Thiện, Mỹ.
Trên thực tế, phải tu thân trước đã rồi mới mong tính tới chuyện tề gia, trị
quốc và bình thiên hạ. (37) Đức Khổng Tử có nói: Người quân tử hễ biết điều lỗi
thì sửa đổi nhanh như gió.. Thiệt là xót xa khi toàn bộ vận mệnh đất nước Việt
Nam ngày nay lại tuỳ thuộc vào ý thức về câu nói trên, tức là vào thành tâm,
thiện chí sửa đổi bước đường sai trái mà, vì bệnh ngoan cố kéo dài từ hơn nửa
thế kỷ qua, những người Cộng sản đã dùng bạo lực cưỡng ép dân tộc phải đi theo.
Người viết bài này ước mong rằng người Việt chúng ta khắp nơi sẽ sớm tìm dịp
thuận tiện để nhìn lại mình trong gương, sửa đổi bớt những điều sai trái kia,
bớt tự hào xằng bậy đi, bớt kiêu căng đi, bớt nghi kỵ đi, bớt chấp nhứt đi, bớt
chửi bới nhau đi, để rồi cùng nhau bắt tay tìm một lối ra hợp lý cho đất nước,
ngỏ hầu đem lại hạnh phúc, ấm no cho hằng triệu đồng bào giờ đây còn "điêu
linh nơi quê nhà đang chìm đắm." (38) Chỉ có lúc đó Việt Nam mình mới có
hy vọng tiến lên theo kịp đà tiến hoá chung của nhân loại trong thiên niên kỷ
tới.
Ghi chú:
Nếu quả dân tộc Việt Nam ta có đầy đủ những đức tính quí báu hơn hẳn người gấp
bội như yêu nước, yêu người, anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang, cần cù
chịu khó vượt bực, thông minh, tài trí, lanh lợi, kiên trì... thì sao lịch sử
lại lắm tang thương và đến nay tình trạng sa đọa, phân hoá hầu như không thể
nào chữa trị được? Và đối chiếu với thế giới, thực trạng đất nước càng bi đát,
thua sút hẳn một đôi dân tộc mà lịch sử không lắm oai hùng như Việt Nam. Nguyễn
Thuỳ & Trần Minh Xuân, Tinh Thần Việt Nam, Mekong-Tỵnạn, 1991.
(1) Nguyễn Gia Kiểng, một
thành viên cuả Nhóm Thông Luận tại Paris, Pháp Quốc, trong một bài báo nhan đề
Phải chăng nhân vật Nguyễn Huệ qua lịch sử đã được tôn vinh quá lố? đăng trên
Ngày Nay Minnesota ngày 31 tháng Mười, 1997, đã đặt lại vấn đề công lao và
thành tích của Vua Quang Trung trong lịch sử, tỏ dấu hoài nghi rằng sử sách
Việt Nam, nhứt là Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, đã thổi phồng quá lố uy
danh và đảm lược cuả Quang Trung Đại Đế, một trong những vị anh hùng dân tộc vĩ
đại nhứt và được tôn thờ nhứt qua bao triều đại và chế độ chính trị tại Việt
Nam.
(2) Cựu Thiếu Tướng Đỗ
Mậu cuả Việt Nam Cộng Hoà, người giúp phe quân nhân lật đổ Tổng Thống Ngô Đình
Diệm hồi năm 1963, viết quyển Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, một hồi ký cho
hay tại sao ông phản bội vị đỡ đầu tinh thần trước đây của mình là Tổng Thống
Diệm để đứng về phe đảo chánh do Tướng Dương Văn Minh cầm đầu. Phe đảo chánh đã
giết vị tổng thống và bào đệ của ông rồi lên cầm quyền tại Miền Nam Việt Nam.
Các Tướng Trần Văn Đôn, Nguyễn Chánh Thi và, gần đây nhứt, Tôn Thất Đính cũng
viết hồi ký về cuộc đời binh nghiệp và những đóng góp của mình vào đất nước mà các vị đó đã giúp cho bại trận.
(3) Nhiều người, sau khi
từ Việt Nam trở về, đã giúp quảng cáo cho du lịch Việt Nam. Có người đã viết cả
những bài báo dài khen ngợi những đổi mới tại Cộng Sản Việt Nam ngày nay, với
ngụ ý rằng Việt kiều hải ngoại nên thử về thăm đất nước một phen. Tất cả những
việc làm này đều nhân danh tổ quốc và dân tộc.
(4) Xin xem Việt Nam Văn
Hoá Sử Cương của Đào Duy Anh và Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.
(5) Đối với người Mỹ, các
công trình sau khi tốt nghiệp đại học thiệt đáng kể, vì họ không dừng lại ở
mảnh bằng kiếm được mà đánh giá cao những phát minh, nghiên cứu hoặc sáng tác
cuả người mang bằng cấp đó. Sinh viên các nước khác đến du học tại xứ này lấy
được bằng cấp xong thường về xứ làm quan to, và coi như thoả mãn với thành tựu
khoa bảng của mình.
(6) Tổng Giám Mục
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, trong một bài giảng nhan đề Thập Đại Bịnh đăng
trên Tập san DấnThân, tháng 5 & 6, 1999, gọi đó là bệnh phô trương chiến
thắng. Thập Đại Bịnh là 10 thói hư tật xấu của người Việt Nam mà theotác giả
thì nay đã biến thành những căn bệnh hầu như hết thuốc chữa.
(7) Tổng Giám Mục Nguyễn
Văn Thuận gọi đó là bệnh cá nhân chủ nghĩa. (bđd).
(8) Theo Nguyễn Thuỳ
& Trần Minh Xuân, Cộng Sản Việt Nam chủ trương toàn dân phải kế thừa có
phát triển nền văn minh rực rỡ của Việt Nam mà tiền nhân đã để lại. Phê phán
chủ trương này, tác giả viết: Chủ trương rất đẹp, nhưng họ [Cộng sản] lại tự
hào chỉ có Đảng và Nhà Nước Cộng Sản, chỉ có nền văn học, văn nghệ hiện thực xã
hội chủ nghĩa mới phát triển được truyền thống dân tộc một cách trung thực và
tốt đẹp, ngoài ra không một ai khác. (sđd).
(9) Cựu tư lệnh Sư đoàn
Nhảy Dù cuả Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Tướng Lê Quang Lưỡng, trong một bài
viết đăng trên Đặc san Hoa Dù Denver, 30 tháng Tư năm 1998, đặt nghi vấn về ý
đồ của vị tổng tư lệnh quân đội, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, khi ông ra lệnh
xé lẻ đại đơn vị vũ bão hàng đầu này của quân lực ra từng lữ đoàn riêng rẽ
trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tại Việt Nam. Trước đó, Ông Thiệu
cũng đã ra lệnh buộc một đại đơn vị vũ bão hàng đầu khác, Sư Đoàn Thủy Quân Lục
Chiến, phải cấp tốc cùng với Biệt Động Quân và bộ binh rút lui khỏi Vùng I
Chiến Thuật, làm cho sư đoàn này bị thiệt hại rất nặng vì phải hứng chịu toàn
bộ gánh nặng của một cuộc rút quân không có chuẩn bị. Nhiều cấp chỉ huy TQLC
từng vào sinh, ra tử để tái chiếm và giữ vững từng tấc đất của vùng giới tuyến
khỏi tay Cộng sản trong Mùa Hè Đỏ Lửa, 1972, đã uất ức tự sát khi bị địch bao
vây và phục kích.
(10) [Điều cần ghi nhận
là Miền Nam Việt Nam đã không sụp đổ chỉ vì những hành động có tính cách không
ăn được thì đạp đổ đó của cựu Tổng Thống Thiệu, mà vì chúng ta đã bị đồng minh
Mỹ bỏ rơi. Một khi Mỹ đã bỏ rơi rồi, không ai —kể cả người anh hùng ôtận trung
báo quốcọ Nguyễn Khoa Nam— có thể giữ vững Miền Nam hay xoay chuyển tình thế
trong giờ phút đó, vì chúng ta đã quá tuỳ thuộc vào viện trợ Mỹ. Vận nước đã
đến hồi như vậy, cho nên mình cũng khó trách cứ riêng ai được.]
(11) Nhiều người vẫn nghĩ
rằng Tổng Thống Thiệu đã chơi khăm Tướng Minh Lớn cho bỏ ghét, vì giữa khi cuộc
chiến đang khốc liệt và tinh thần quân dân Việt Nam Cộng Hoà có lúc đang lên cao,
vị cựu lãnh đạo cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Diệm và cũng là lãnh tụ của
cái gọi là thành phần thứ ba tại Miền Nam Việt Nam (mà Cộng Sản ưa thích) lại
hô hào một giải pháp hoà bình, với chủ trương rằng Việt Nam Cộng Hoà nên đơn
phương ngưng chiến đấu mà tiếp tục thương thuyết với Việt Cộng là phía luôn
luôn áp dụng chiến thuật vừa đánh vừa đàm trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam.
Dĩ nhiên là Tướng Minh đã quá tin vào phe Cộng Sản nên mới chịu nhận trách
nhiệm lãnh đạo Việt Nam Cộng Hoà sau khi một trong những phòng tuyến cuối cùng
của phe chính phủ là Xuân Lộc, cách Sàigòn 70 cây số về hướng Đông Bắc, đã mất
— hay nói cho đúng hơn là sau khi quân Cộng Sản, mệt quá, đã bỏ không đánh Xuân
Lộc nữa mà đi vòng về phía Sàigòn.
(12) Xin xem When Hell Was
In Session (Rớt Xuống Âm Ty) cuả Jeremiah A. Denton, một Đại tá Hải Quân Mỹ
từng bị Cộng Sản Bắc Việt bắt giam tại Nhà tù Hoả Lò Hà Nội sau khi phi cơ cuả
ông bị bắn rơi trên vùng trời Bắc Việt trong Chiến Tranh Việt Nam.Nhà xuất bản
Traditional Press, Alabama.
(13) Tổng Giám Mục Nguyễn
Văn Thuận gọi đây là bệnh bè phái chia rẽ. (bđd).
(14) Thành tựu lớn nhứt
về kiến trúc của Việt Nam cổ xưa là Thành Cổ Loa thời An Dương Vương Thục Phán
mà nay đã bị thời gian với bao lớp sóng phế hưng và binh lửa tàn phá. Các tài
liệu của Cộng Sản Việt Nam mô tả thành xây trên một khu đất cao và rộng, diện
tích 92 hec-ta, nằm trên tả ngạn sông Hoàng Giang, gồm ba vòng thành theo hình
xoáy trôn ốc. Chu vi vòng ngoài 8km, vòng giữa 6,8km, vòng ba là 1,6km... Bề
rộng chân luỹ 20m, rộng 4m, cao 12m. Giữa hai vòng thành, nơi xa nhất 400m,
giữa các vòng thành có hào sâu có thể lưu thông bằng thuyền. Mỗi luỹ có nhiều
lối, nhiều ngõ thông nhau...
(15) Theo Trần Trọng Kim,
người Việt Nam cũng có khi quỉ quyệt và hay bài bác nhạo chế. (sđd).
(16) Trong Những Trận
Đánh Lịch Sử Trong Chiến Tranh Việt Nam, 1963-1975 (Nhà xuất bản Đại Nam, Hoa
Kỳ), tác giả Nguyễn Đức Phương, khi đề cập đến Trận An Lộc, đã không hề nhắc
nhở tới vai trò của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù là một đơn vị vừa vô cùng
thiện chiến vừa đầy tinh thần cảm tử của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Nếu Biệt
Cách Dù không nhảy vào giải cứu An Lộc thì làm sao có được hai câu thơ bất hủ
vinh danh: An Lộc địa sử ghi chiến tích; Biệt Cách Dù vị quốc vong thân? Nên
nhớ là để soạn nên chương này, tác giả đã tham khảo tất cả tới 32 quyển sách,
báo được liệt kê trong một thư mục dà ở cuối chương. Các hồi ký hay tường thuật
của phe ta về những trận đánh lớn khác —như trận Quảng Trị chẳng hạn— cũng vấp phải
lỗi lầm tương tự tuỳ theo người viết thuộc màu áo, màu mũ nào.
(17) Thiệt ra, từ lâu đã
có Thuyết Việt Nho, một công trình nghiên cứu hết sức khoa học và nghiêm túc do
Giáo sư Kim Định khởi xướng và thuyết minh qua 14 tác phẩm mà ông đã viết. Đại
khái, tác giả cho rằng văn minh và văn hoá Việt Nam có trước hay ít ra cũng
đồng thời với văn minh và văn hoá Trung Hoa, bởi vì giòng giống Việt (Bách
Việt) từ phương Bắc đã tiến vào Trung Hoa trước để lập nên các triều đại cuả
Vua Phục Hi, Thần Nông và Huỳnh Đế. Sau đó Hoa tộc (tức Hán tộc) tràn đến. Và
sau trận đánh tại Trác Lộc giữa Hoàng Đế (lãnh đạo Hoa tộc) và Si Vưu (lãnh đạo
Viêm Việt tộc), Si Vưu chết nên giống Viêm Việt lùi bước dần về phương Nam để
trở thành người Việt Nam ngày nay. Trong quyển Nguồn Gốc Văn Hoá Việt Nam, Giáo
sư Kim Định vạch rõ rằng Việt Nho chủ trương nhân chủ, dân quyền, bình quyền,
bình quyền nam nữ, quân bình tình lý hay là văn võ song hành.