11:10 CH
Thứ Hai
20
Tháng Giêng
2025

Tâm tưởng - Nguyễn Thái Hải

28 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 17270)

 

rap_bien_hung-contentBiên Hòa có nhiều ngã ba, ngã tư, ngã năm... cứ như để cho người Biên Hòa có nhiều cơ hội chọn con đường thích hợp nhất cho cuộc đời mình. (Có lẽ tôi cứ hay vận vào mình mà nghĩ thế, không hiểu có nên chăng?)

Ngã năm Biên Hùng ngày nay được mở rộng cả khu bùng binh lẫn các con đường. Nhiều buổi sáng, tôi ngồi uống cà phê với bạn bè ở góc rạp hát Nam Hà, nhìn thành phố thức dậy nhộn nhịp, hối hả. Nhiều đêm, cũng tại nơi này, chúng tôi ngồi ngắm những ánh đèn đường, đèn nhà hàng sáng cố định, đèn xe di động nhiều vệt ngoằn ngoèo lúc một thưa dần đến khi thành phố chìm vào giấc ngủ. Nhịp sống công nghiệp làm cho bộ mặt đường phố khác hẳn ngày xưa. Nhưng năm con đường thì vẫn là năm con đường cũ. Đoạn đường từ Đài Kỷ Niệm vào trung tâm nội ô vẫn phải đổ dốc đến gần cây số, nay chỉ mất đi một đoạn đường rầy băng ngang khoảng gần cuối dốc. Đường ra hướng Công trường Sông Phố bên phải rộng hơn đường phía trái đi về Hãng Dầu. Muốn lên Ngã Ba Thành Kèn thì phải leo một đoạn dốc ngắn. Vào ga xe lửa, đường bằng phẳng hơn. Tuy những chuyến xe lửa Bắc – Nam vẫn ghé lại ga Biên Hòa đón, trả khách, nhưng nhiều hình ảnh cũ trên con đường vào ga này ngày nay không còn nữa: một con đường trải nhựa nhỏ và cũ kỹ với những đoàn người đi bộ vào ga hoặc từ một chuyến xe lửa đổ khách trong ga tuôn ra, một hai chiếc xe ngựa chở khách bộ hành, khách buôn gánh bán bưng với tiếng ngựa gõ móng rền đường... Con đường vào ga ngày nay đã được mở rộng, nhà cửa hai bên mọc lên với những căn cao tầng, mặt tiền ốp gạch ceramic. Cả đến nhà mai táng chuyên nghiệp Mai Phùng Xuân mà bất cứ người dân Biên Hòa nào cũng biết tiếng, cũng được xây dựng lại, hiện đại và đỡ "buồn" hơn !

Biên Hùng năm ngả phố! Vườn Mít thì là “ngã ba”. Một đường là quốc lộ 1 đi về phía khu Phúc Hải của tôi, một đường là quốc lộ 15 đi về khu Tân Mai, đường thứ ba ngày xưa là con đường giữa một bên là Đài Kỷ Niệm, một bên là trường Trịnh Hoài Đức và lò nung gốm của trường Mỹ nghệ Thực hành. Ở khu mũi tàu ngã ba Vườn Mít hồi đó có một vườn trồng toàn cây mít, kéo dài tới gần đường rầy xe lửa. Trước năm 1975, khi người Đại Hàn thi công làm cây Cầu Mới bắc ngang sông Đồng Nai, thì một con đường mới cũng được mở từ chân cầu đến con đường nhỏ phía bên phải Đài Kỷ Niệm, nhiều người gọi là “đường Đại Hàn”. Thành ra, ngã ba Vườn Mít thực sự đã trở thành ngã tư từ hồi đó rồi.

dai_ky_niem-content

Từ trung tâm tỉnh lỵ, trước khi đến cầu sắt Rạch Cát có ngã ba Hãng Dầu. Đường quốc lộ 1 kéo dài từ ngã năm Biên Hùng đến đây, phía trái có một kho chứa xăng dầu lớn nên người ta mới gọi là ngã ba Hãng Dầu. Đường qua cầu được tính là ngã thứ hai, còn ngã thứ ba chính là con đường dọc bờ sông, kéo dài đến công trường Sông Phố, ngày xưa tên là đường Hàm Nghi, có công ty cấp nước với chòm cây dầu trăm tuổi nay vẫn còn.

Phía bên kia sông, khu Chợ Đồn có ngã tư với quốc lộ 1 từ cầu Gành chạy thẳng qua Tân Bản, một đường về Tân Vạn, đường còn lại về Bửu Hòa, Hóa An. Xa thêm một đoạn, khi đường Đại Hàn được mở kéo dài đến chân Cầu Hang, thì nó nối với đường quốc lộ 1 từ phía Tân Bản chạy ra khiến nơi đây hình thành thêm một ngã ba: ngã ba Cầu Hang, nơi bắt đầu của đoạn dốc Chú Hỏa.

Trong nội ô, Ngã ba Thành là tên gọi tắt của Ngã ba Thành Kèn đã có từ lâu. Đi hết Dốc Sỏi, rẽ trái một đoạn thì lại gặp ngã tư Bửu Long hình thành từ khi có Cầu Mới. Qua Cầu Mới, đường Hóa An qua Tân Hạnh cắt ngang lại làm nên một ngã tư…

Khi chưa có xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, người Biên Hòa đi Vũng Tàu cứ theo quốc lộ 15 qua Tân Mai, Tam Hiệp rồi thẳng đường đến Long Thành... Có xa lộ, lại có Tổng kho Long Bình, một đoạn đường thẳng từ Tam Hiệp đến Long Thành bị chặn lại vì thuộc phạm vi kho Long Bình. Khi đó, ngay chỗ đường 15 ra gặp xa lộ là một ngã ba: ngã ba Tam Hiệp. (Bây giờ, đường xuyên Long Bình đã được lưu thông trở lại, nơi đây phải gọi là ngã tư mới đúng). Cũng từ khi có xa lộ, phía ranh Tổng kho Long Bình về hướng Sài Gòn được mở đường cho xe Biên Hòa đi Vũng Tàu và nơi đây hình thành ngã ba Vũng Tàu. Tại đầu khu vực Hố Nai, giáo xứ Hà Nội thì có ngã ba chợ Sặt. Từ Tân Vạn ra xa lộ thì có Ngã ba Tân Vạn...

Xã hội càng phát triển, đường sá, nhất là những con đường xương cá, càng được mở nhiều thêm thì những ngã ba, ngã tư hình thành là chuyện tất nhiên. Nhưng số những cái tên “ngã” đi vào lòng người như một kỷ niệm thì không nhiều lắm. Với tôi thì đến nay vẫn chỉ là ngã năm Biên Hùng, ngã ba Thành, ngã ba Vườn Mít và ngã ba Chợ Đồn. Tại sao ư? Tôi không biết phải giải thích thế nào!

 

***

 

Biên Hòa cũng có lắm dốc dù đây là một vùng đồng bằng ven sông.

Dốc Kỷ Niệm được mọi người biết đến nhiều nhất bởi nó nằm trên con đường chính của tỉnh lỵ. Nhiều cái tên quen thuộc gắn với con dốc này: Đài Kỷ Niệm, Bồn nước, khu Thái Lập Thành, chợ nhỏ Kỷ Niệm, trường Ngô Quyền... mà người địa phương hay dùng để định hướng hoặc hướng dẫn cho người lạ đến Biên Hòa. Con dốc dài non cây số với hai dãy phố xưa nay vẫn được xem là phố chính của Biên Hòa với nhiều tên gọi làm “mốc”: Phía trái có chợ Kỷ Niệm, có đề pô Phúc Chấn Xương (nay không còn nữa), tiệm mộc Xuân Thịnh… Phía phải là trường Ngô Quyền, tiệm bánh canh Huỳnh Của (nay cũng không còn), phòng mạch bác sĩ Tuấn Anh…

Dốc Tòa bắt đầu từ Tòa án tỉnh xuống đến bờ sông, chỉ dài vài trăm mét ngang Liên đoàn Lao động tỉnh về phía phải bây giờ, đến cuối dốc rẽ phải chút xíu nữa thì gặp đình Tân Lân, nơi phía trước, trên mé sông vẫn còn cây đa cổ thụ. Song song với dốc Tòa là dốc Sân banh Biên Hòa, từ trường Nữ tiểu học ngày xưa (trường tiểu học Quang Vinh bây giờ) xuống đầu xóm Lò Heo.

Dốc Sỏi kéo dài từ Ngã ba Thành đến đường mới, đầu đường có chùa Cô Hồn đã đi vào sử sách, một phía có nhà thờ Tin Lành nay đã được trùng tu.

Dốc Chú Hỏa ở ranh giới tỉnh Biên Hòa xưa, có cuối dốc ở chân Cầu Hang chỉ dành cho xe lửa chạy bên trên, đầu dốc là nghĩa địa của dòng họ Chú Hỏa, một bang người Hoa ở Sài Gòn.

Về phía Hố Nai, dốc Suối Máu khá dài, từ cầu Suối Máu đến ngã ba chợ Sặt mà hai bên đường có đến mấy họ đạo, mỗi nơi có một nhà thờ riêng.

Những con dốc đồng bằng, tôi lại nghĩ vẩn vơ, phải chăng cũng là để thách thức, là để thử sức, để đong đo bản lĩnh của người Biên Hòa vốn ít chịu bon chen?

 

***

 

Gia đình tôi theo đạo Phật. Cha tôi đi chùa để làm việc chùa, làm việc từ thiện, xã hội chứ không phải chỉ vì niềm tin tôn giáo như mẹ tôi. Tôi càng nhìn đạo Phật như một con đường tu tâm dưỡng tánh hơn là một tôn giáo. Dù vậy, tuổi thiếu niên của tôi cũng vẫn theo chân mẹ tôi đi lễ khá nhiều chùa tại Biên Hòa, nhất là vào dịp Tết âm lịch, rằm tháng Giêng, rằm tháng Tư kỷ niệm Phật đản...

Chùa Phúc Lâm ở bên quốc lộ 15 là một ngôi chùa thuộc phái Vĩnh Nghiêm của Phật tử miền Bắc mà cha tôi có nhiều công xây dựng, trùng tu. Vì thế đây là nơi tôi đến lễ nhiều nhất. Hồi học thi Tú Tài, có mấy tháng liền tôi đem sách vở qua chùa để học bài, vừa để có sự yên tĩnh, dễ tập trung học, vừa thầm mong sẽ được… Phật độ! Chùa có hai lần đúc chuông, đều là dịp lễ trọng. Trong chùa có một cái giếng nước rất trong, lại đầy lên đến gần miệng. Ngày nay, chùa được tôn tạo nâng nền, nâng mái, đặt rất nhiều pho tượng bằng gỗ thiếp vàng do thợ chính gốc miền Bắc làm, lại có thêm rất nhiều bức gỗ với hoa văn chép lại từ sách cổ, một địa chỉ có ích cho việc học của sinh viên trường cao đẳng Mỹ thuật Trang trí hiện nay.

Một số ngôi chùa khác cũng khá nổi tiếng và có đông phật tử như chùa Viên Giác bên quốc lộ 15, phía quốc lộ 1 thì có chùa Đức Quang ở gần nhà tôi, chùa Suối Máu ở sát dòng suối, nghe nói có những cây sơn máu, một loại cây mà mủ có màu đỏ như máu...

Biên Hòa có ba ngôi chùa cổ, do ba vị sư từ miền Bắc, miền Trung vào đây sáng lập. Trên núi Bửu Phong có ngôi Bửu Phong cổ tự, những ngày Tết rất đông khách thập phương không chỉ ở Biên Hòa mà còn cả ở Sài Gòn và các tỉnh khác thường thuê xe đi từng đoàn đến cúng kiến. Bên cù lao Phố có chùa Đại Giác ngày xưa một bà hoàng thời Nguyễn từng ghé lại đây. Còn bên kia sông Đồng Nai, vùng Bửu Hòa, Hóa An có chùa Long Thiềng. (Về cái tên Long Thiềng, tôi được nghe nhiều người Biên Hòa cũ nói rằng viết "Long Thiền" như hiện nay là không đúng. Giải nghĩa chữ "Thiền" là nơi tu tập như "Thiền viện" thì chưa thuyết phục vì đây là một ngôi chùa, mà "Tự" mới là chùa. Gọi Long Thiền Tự là trùng lặp ý, chưa ổn. Theo các vị này, tên đúng của chùa là Long Thành tự, thời phong kiến do kỵ húy mà "Thành" phải gọi trại ra "Thiềng" (Trong một bài dân ca Nam bộ có câu "thiềng thị ơi", tức là "thành thị ơi"). Tại huyện Nhơn Trạch hiện nay, tên gọi Phước Thiền cũng bị viết sai vì tên gốc Phước Thành phải trại đi là "Phước Thiềng" mới hợp lý. Chẳng biết ý kiến này có đúng không nhưng dẫu sao thì ngôn ngữ vẫn có sức sống riêng của nó, có thể biến đổi khác với nguyên gốc, miễn sao được đa số người đời chấp nhận).

Khác với đạo Thiên chúa thường tổ chức hội đoàn cho tín đồ lớn tuổi, cho thanh thiếu nhi..., bà con theo đạo Phật ít được tổ chức thành hội hè, họ đi lễ Phật ở các chùa chiền chủ yếu là từ lòng tín ngưỡng cá nhân vào ngày Tết, ngày rằm, mồng một... Dường như các Hội Phật tử chỉ ra đời từ khi có các ngôi chùa của Phật tử miền Bắc, không phải xuất phát từ "truyền thống" lập hội mà bởi tình đồng hương của những người xa quê là chính. Mỗi dịp có lễ lớn, họ thường tổ chức những chuyến hành hương, thuê xe đi viếng nhiều ngôi chùa trong tỉnh, trong vùng, thậm chí đi qua cả vùng khác như miền Tây Nam bộ... Mẹ tôi cũng rất thích tham gia các chuyến hành hương nhưng chưa bao giờ bà cho tôi đi theo như cho đi xem cải lương cùng bà. Đơn giản vì bà lo cho sức khỏe của tôi không đáp ứng được chuyến đi vất vả, vậy thôi!

Cùng với lễ Phật đản vào dịp rằm tháng Tư hằng năm, những ngày Tết âm lịch là dịp để bà con Phật tử nô nức đi chùa. Đàn ông lớn tuổi mặc áo dài đen, quần trắng, đội khăn đóng đen; trung niên thì mặc âu phục lịch sự. Phụ nữ mặc áo dài trang trọng. Nam nữ thanh niên cũng trang phục đàng hoàng khi bước vào sân chùa trong tiếng chuông, tiếng mõ cùng tiếng cầu kinh của các già trong Hội chùa. Tối ba mươi, sau giờ giao thừa là hầu như các cây cối trong chùa bị vặt trụi bởi bà con đi lễ “hái lộc” lấy may! Trước Tết Mậu Thân, nhà chùa cũng đốt pháo giao thừa bằng những tràng pháo do phật tử cúng dường. (Bà con thường đốt pháo từ chiều ba mươi đến hết mồng ba. Có người đến mồng năm, mồng bảy vẫn đốt pháo hạ nêu, thậm chí rằm tháng Giêng vẫn còn nghe tiếng pháo. Nhưng từ sau Tết Mậu Thân năm 1968 thì chính quyền miền Nam ra lệnh cấm đốt pháo Tết).

***

Nhà thờ ở Biên Hòa thì phải kể vùng Hố Nai là nơi tập trung đông bà con người miền Bắc nhất. Mỗi họ đạo có một ngôi nhà thờ, đếm từ dốc Suối Máu trở đi, có đến vài chục ngôi nhà thờ lớn nhỏ. Đó mới là số những nhà thờ xây dựng hai bên quốc lộ, chưa tính những nhà thờ ở sâu phía trong. Riêng khu Phúc Hải của tôi cũng có ba ngôi nhà thờ, kể cả phía Tân Mai, Tam Hiệp thì cũng đến chục ngôi. Mỗi buổi sáng sớm, đang ngon giấc tôi đã nghe tiếng chuông nhà thờ trong vùng ngân vang. Đó là chuông nhất báo cho các tín đồ Thiên chúa chuẩn bị đi dự lễ nhà thờ. Vào các buổi sáng, buổi chiều chủ nhật (người Công giáo gọi là Chúa nhật - ngày của Chúa), đường phố khu Phúc Hải có từng dòng người đủ thành phần, người già, người đứng tuổi, thanh niên nam nữ và cả trẻ con, tất cả đều ăn mặc chỉnh tề đi dự lễ trở về nhà khiến đường phố rộn rã, sinh động hẳn. Đám tang người Công giáo thường được tổ chức chôn cất buổi sáng rất sớm, có đội kèn tây đi thổi, có bà con cùng họ đạo đi tiễn dài hàng cây số... Cứ mỗi lần đang còn ngon giấc, nghe tiếng kèn tây xa xa là tôi bật dậy, mắt nhắm mắt mở cùng gia đình ra cổng “xem” đám tang. Nhiều gia đình khác cũng thế, cứ như xem một đám rước hội vậy!

Đạo Tin Lành khá hiếm hoi cơ sở thờ kính như nhà thờ Tin Lành ở đường Dốc Sỏi, một cơ sở khác trên đường đi Bửu Long. Tín đồ Tin Lành có nhiều người là dân Nam bộ. Họ sống tương đối khép kín.

Lên học bậc Trung học, tôi có nhiều bạn học chung lớp là người Công giáo. Họ ở Phúc Hải, Tân Mai, Tam Hiệp và Hố Nai. Bạn học là người Nam bộ thì phần lớn trong gia đình thờ tổ tiên, có người còn gọi là "đạo thờ ông bà". Sự khác biệt về tín ngưỡng không ảnh hưởng gì đến tình cảm bạn bè của chúng tôi và cho đến nay, tôi vẫn tự hào mình là một trong nhóm mười mấy người bạn cũ vẫn giữ được tình bạn thuở thiếu thời, dù có người theo đạo Công giáo, có người Phật giáo, người thờ ông bà; và vị trí xã hội cũng rất khác nhau: người đi cách mạng về làm giám đốc công ty, người đi lính, sau 1975 phải đi tập trung cải tạo, người là dân thường, là công nhân bốc vác ở cảng... Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức họp mặt ít nhất một lần để biết tình hình cuộc sống của nhau, giúp đỡ nhau khi cần và trong điều kiện có thể...

***

Khu Bửu Long có nghề làm đá dân dụng và cả đá mỹ nghệ. Nhưng người Biên Hòa và các nơi nhớ đến địa danh này là nhờ chùa Bửu Phong mà mọi người hay gọi là "chùa Bửu Long", xây dựng trên đỉnh núi. Để lên chùa, người hành hương phải leo lên mấy chục bậc thang đá mới đến cổng chùa vẫn còn hàng chữ tên từ thời mới xây dựng. Ngày ấy, nhất là những ngày Tết, trên đường lên chùa, những người ăn xin ngồi kín các bậc thang đá. Một hình ảnh không đẹp mắt chút nào.

Chùa Bửu Phong cũng là một danh thắng mà nhiều du khách đến để chụp ảnh kỷ niệm. Ở một phía mỏm núi, người ta có thể nhìn thấy một phần của sân bay quân sự Biên Hòa. Nghe nói hồi xưa nơi đây có mật vụ giả người đi vãn cảnh chùa để theo dõi “Việt cộng” lên núi "dòm ngó" xuống sân bay.

Ở một phía núi trong dãy núi nơi đây, người ta đặt mìn phá đá. Đá núi bị lấy đi trong nhiều năm nhiều đến nỗi cả một vùng rộng mấy hecta bị trũng xuống, nước mưa đọng lại thành hồ Long Ẩn, giữa hồ nhô lên mấy mỏm đá còn sót chưa khai thác... ngẫu nhiên mà nơi đây thấp thoáng hình ảnh dãy núi đá vôi trên vịnh Hạ Long! Bửu Long ngày nay được quy hoạch thành khu du lịch văn hóa với "điểm" là chùa Bửu Phong, là hồ Long Ẩn có đảo Phong lan, là vách đá thẳng đứng dành cho loại hình thể thao leo núi..., cùng các nhà hàng phục vụ du khách. Hai con rồng được làm nơi cổng chính nhân dịp Biên Hòa kỷ niệm 300 năm, tôi tin rằng sẽ là một hình ảnh đẹp tiêu biểu cho Bửu Long nhiều thế hệ sau. Tiếc là ngày nay việc khai thác du lịch ở đây vẫn chưa thật được như ý trong bối cảnh các khu du lịch trong vùng được đầu tư lớn và luôn đổi mới để hấp dẫn du khách.

Ngày ấy núi Châu Thới còn thuộc tỉnh Biên Hòa. Trên núi cũng có một ngôi chùa mà bà con hành hương đến đây rất đông vào dịp rằm tháng Giêng. Vào những ngày này, ai đi ngang qua dốc Chú Hỏa cũng bắt gặp từng đoàn xe chở khách thập phương đến viếng chùa trên núi Châu Thới đậu nối đuôi nhau bên đường. Ở đây, hình ảnh những người ăn xin ngồi kín các bậc đá đi lên chùa cũng nhếch nhác không khác gì ở Bửu Long mà chính quyền luôn phải bận tâm dẹp bỏ. Trên chùa, khói hương nghi ngút, người hành hương không chảy nước mắt mới lạ!

Cù lao Phố nằm giữa sông Đồng Nai có thể xem là một thắng cảnh khác. Ở đây có hàng chục ngôi đình mà quanh ngôi đình nào cũng trồng rất nhiều cây sao thân thẳng đứng, có lẽ người xưa dự tính để lấy gỗ thay các cột đình khi cần. Ở cù lao Phố còn có một ngôi chùa của người Hoa là Chùa Ông, thờ Quan Công, được xem là rất linh thiêng mà không chỉ người Hoa các nơi, cả người Việt từ Sài Gòn, từ các tỉnh lân cận miền Đông, miền Tây cũng đều tìm đến để cúng bái, cầu xin. Gần Chùa Ông là đình Bình Kính, thờ Nguyễn Hữu Cảnh, người có công khai phá đất Biên Hòa Đồng Nai nay được trùng tu, đặt bia, là một địa chỉ văn hóa không thể thiếu trong địa chỉ đến của du khách khắp nơi.

dentho-large-content

(Một điều lạ là cù lao Phố ngày nay được phân cấp hành chính là xã – xã Hiệp Hòa – bởi nơi đây có nhiều đất nông nghiệp. Nhưng nhìn lên bản đồ Biên Hòa thì thấy chung quanh cái “xã” này, tất cả đều là “phường”, từ Tân Vạn, Bửu Hòa đến Thống Nhất, An Bình... Trong khi lẽ thường, bao quanh các phường ở nội ô phải là các xã nông thôn!)

Tại cù lao Phố, tôi có một kỷ niệm khó quên. Ấy là một hôm nhân được nghỉ học, tôi theo bạn bè trong lớp đạp xe qua cù lao mua cơm rượu ăn mỗi đứa một chén rồi hè nhau đi tắm sông, nhánh sông nhỏ Sa Hà có cầu Rạch Cát bắc qua. Tôi thú thật là mình không biết bơi thì đám bạn đi tìm phao, một cái ruột bánh xe hơi bơm căng, khoác vào người cho tôi rồi bảo cứ yên tâm xuống tắm. Chúng nó thật sung sướng, trên bờ đã lanh lẹ, xuống nước cũng như rái cá, đùa giỡn, bơi thi. Tôi chỉ dám ở gần bờ vẫy tay, đạp chân, hụp đầu xuống sông cho ướt rồi vội trồi lên, thế mà đã tưởng như sắp được... lên trời! Nhìn qua bờ bên kia thấy cây mận đỏ đầy trái, đám bạn tôi rủ nhau bơi qua hái trộm. Chúng kéo cả tôi theo. Vừa ra đến giữa dòng thì một bắp chân tôi bị vọp bẻ, đau không thể tưởng. Tôi kêu lên. Đám bạn hoảng hồn, bỏ việc trộm mận, vội kéo tôi vào bờ, tìm xin dầu xoa bóp. Lỗi ở tôi. Tôi quên rằng mình vốn là một đứa trẻ có sức khỏe rất tồi!

Dù sao, trong đời tôi cũng đã một lần tắm sông Đồng Nai, mà còn được ra đến giữa dòng Sa Hà lắm cát.

Cù lao Phố có lẽ cũng là nơi tôi yêu thích nhất ở Biên Hòa. Nó từng một thời là Nông Nại Đại phố, một thương cảng tấp nập thuyền bè qua lại giao thương. Trong tương lai, theo quy hoạch của thành phố Biên Hòa, đây sẽ là một địa điểm du lịch văn hóa vườn với nhiều chiếc cầu được xây dựng mới nối cù lao với các vùng đất hai bên sông. Khi ấy, chắc chắn sẽ có một Nông Nại Đại phố kiểu mới, văn minh, lịch sự hơn.

 ( Biên Hòa Ngày xưa

***



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Ba 2022(Xem: 7685)
Một vài chi tiết lịch sử, bổ túc cho con dốc tòa nên thơ nầy và cũng để tặng cho các tác giả: NghiemHai, Nguyễn Trần Diệu Hương và Người xứ bưởi.
14 Tháng Ba 2022(Xem: 9576)
đầy thú rừng và cây cối rậm rạp, mà các vị tiền nhân đã hy sinh, đổ lao nhọc vất vả kiến thiết dần thành khu Hố Nai trù phú hiện nay
01 Tháng Ba 2022(Xem: 7144)
Quê hương Biên Hòa, ngay tại trung tâm thành phố, có một di tích lịch sử; vừa thân thương
27 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 5047)
Gốm Biên Hòa gắn với tên tuổi trường Mỹ nghệ Biên Hòa ngày càng được phổ biến trong mọi tầng lớp dân chúng.
12 Tháng Chín 2021(Xem: 6039)
để trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống tinh thần của mỗi người Việt khi sống xa quê.