2:09 SA
Thứ Sáu
29
Tháng Ba
2024

KÝ ỨC VỀ CON ĐƯỜNG TRỊNH HOÀI ĐỨC (BIÊN HOÀ) TRƯỚC 1975

12 Tháng Chín 202112:50 CH(Xem: 4747)


                                       KÝ ỨC VỀ CON ĐƯỜNG TRỊNH HOÀI ĐỨC (BIÊN HOÀ) TRƯỚC 1975
BHXƯA1BHXƯA 6

Một lần, khi tôi dự họp mặt nhóm bạn cũ Biên Hòa (BH), một bạn đặt ra câu hỏi: Là người dân BH khi xa quê, các ông nhớ gì ở BH nhất?
Một khoảng lặng trôi qua. Có lẽ sự hồi tưởng đang trở lại trong đầu những người bạn nay tóc đã ngả hai màu. Có người nhớ trường xưa, bạn cũ với những kỷ niệm ngọt ngào tuổi học trò, có người nhớ cảnh đẹp núi Bửu Long, Cù lao phố, Cầu Gành…, có người nhớ cảnh nhộn nhịp chợ BH dịp cận Tết hoặc nhớ những món ăn ngon ở BH . Nỗi nhớ chợt ùa về như cơn gió thoảng trong tâm tưởng của mọi người.
Quả thực, bất kỳ ai sống xa quê hương, đều có nhiều kỷ niệm về mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Mỗi người đều có quyền lựa chọn, và lưu giữ những hình ảnh đẹp nhất, ấn tượng nhất trong ký ức của mình.
Biên Hòa trong nỗi nhớ của tôi thì nhiều lắm: những kỷ niệm đẹp thời đi học, đi làm, những món ăn ngon hay sản vật đặc biệt của địa phương. Nhưng là người sống ở thành thị từ nhỏ , nên tôi nhớ nhiều nhất những con đường nội ô, những góc phố, đặc biệt là con đường trung tâm của BH mang tên Trịnh Hoài Đức (sau 4/75 đổi tên là 30/4).
Con đường này đã gắn liền với tuổi thơ của tôi. Đường Trịnh Hoài Đức (THĐ) không dài lắm, độ chừng 2 km, bắt đầu từ Công trường Sông Phố và kết thúc ở bùng binh Biên Hùng. Tuy ngắn, nhưng đường THĐ vào những thập niên 60-70 rất đẹp, có nhiều cây xanh bóng mát như cây Dương (nên trước đây con đường còn có tên là Hàng Dương), cây Điệp vàng, Phượng Vỹ… và hội tụ tại đây đầy đủ các công trình thuộc nhiều lĩnh vực: văn hóa, y tế, giáo dục, hành chánh, thương mại, dịch vụ… Nơi đây, được xem như trung tâm “Downtown” của BH.
Để lý giải tại sao tôi nhớ con đường THĐ và con đường đã gắn bó với tuổi thơ của tôi thế nào, mời các bạn cùng tôi thử làm một cuộc rong chơi bằng ký ức trên con đường THĐ xưa -  lúc chưa bị đổi tên .
BHXƯA2

Điểm khởi đầu là Công Trường Sông Phố (CTSP), với bùng binh tại khu vực giao lộ của ba đường: Trịnh Hoài Đức - Hàm Nghi - Nguyễn Hữu Cảnh. Đây là một hồ nước tròn, được xây dựng kiên cố nhưng hài hòa với cảnh quan xung quanh. Giửa hồ có bệ phun nước với giá đỡ được tạo tác từ gốm màu xanh lam và những chú cá chép cũng bằng gốm trong tư thế đang vờn nước, cố gắng vượt Vũ Môn để hóa rồng , trông rất đẹp mắt qua các tia nước vọt lên từ hệ thống phun. Đây là tác phẩm nghệ thuật độc đáo của điêu khắc gia tài hoa người BH Lê văn Mậu. CTSP có không gian rộng thoáng, tiếp giáp với trường Mỹ Nghệ BH, Tòa hành chánh tỉnh, Nhà thờ BH, Hội trường BH. Vào thời chưa có TV những năm 1964-1965, thỉnh thoảng Ba Mẹ đưa chúng tôi đến CTSP vào tối thứ bảy để xem Ty Thông Tin chiếu phim ngoài trời . Nơi đây, cũng là nơi tôi thường hoà nhập vào dòng người đông đúc từ khắp nơi đổ xô về trong không khí náo nhiệt của đêm Noel, để xem lễ mừng Chúa Giáng Sinh tại Nhà thờ BH.
Cách CTSP khoảng hơn 300 mét về phía bên phải là bệnh viện Bác sĩ Phạm Hữu Chí (PHC). Một bệnh viện công của tỉnh lỵ, là nơi mà bất kỳ bệnh nhân nào cũng có thể được tiếp nhận, chăm sóc và điều trị y tế vô điều kiện và hoàn toàn miễn phí , với cung cách phục vụ niềm nở, tôn trọng , ân cần, chu đáo của các bác sĩ và nhân viên y tế tại đây . Họ không hề hách dịch hay gợi ý vòi tiền hoặc quà cáp từ người bệnh. Một lần Mẹ đưa tôi vào bệnh viện này để làm tiểu phẫu cho vết thương ở chân. Tôi để ý tại đây, không thấy treo bất kỳ khẩu hiệu "Lương y như từ mẫu " nào cả, nhưng cách phục vụ ân cần tử tế của nhân viên làm cho người bệnh cảm thấy ấm áp và gần gũi như trong gia đình.
BHXƯA3

Bên cạnh bệnh viện là Trường Tá Viên Điều Dưỡng - nơi đào tạo điều dưỡng cho bệnh viện PHC và các nơi khác trong tỉnh.
Đối diện với bệnh viện PHC là Ủy ban Hành Chánh xã Bình Trước, với các phù điêu và cách trang trí trên tường bằng gốm sứ độc đáo, được thực hiện công phu bởi những thợ gốm lành nghề của BH.
BHXƯA4
Tôi nhớ có lần tôi theo Mẹ vào văn phòng xã để nhờ xác nhận giấy tờ, văn phòng lúc ấy đông người nhưng trật tự, người trước người sau không hề ồn ào .Trên tường có bảng hiệu nhắc nhở " Xin giữ yên lặng " hoặc "Xin vui lòng vắn tắt và rõ ràng ".  Cô chú công chức tại đây tiếp người dân một cách niềm nở tôn trọng. Họ biết lắng nghe dân, giải quyết công việc nhanh gọn, không hề to tiếng, quát nạt, hạch sách hay vòi vĩnh phong bì từ người dân.

Tiếp tục đi tới, ta sẽ thấy phía bên phải có một quán cà phê mang tên Lan Chi, quán tọa lạc tại mặt tiền với vỉa hè rộng, được trang trí đơn giản và có phong cách phóng khoáng theo kiểu cà phê vỉa hè ở Châu Âu. Khách ngồi quanh vài bàn nhỏ tại vỉa hè và trên ghế cao quanh quầy pha chế hình chữ U. Bên trong quầy, chủ quán tất bật pha chế các thứ theo yêu cầu của khách. Còn khách bên ngoài, có người vừa nhâm nhi ly cà phê nóng, vừa chăm chú đọc tờ báo mới; có người thì rôm rả tán gẫu cùng bạn bè, có người vừa thưởng thức ly "bạc xỉu", vừa quay nhìn ra phía ngoài để ngắm quang cảnh nhộn nhịp người qua lại, bắt đầu cho một ngày mới đầy sức sống tại một con đường trung tâm của tỉnh lỵ.
Đối diện với cà phê Lan Chi là trường Nữ Công Gia Chánh nơi dạy các môn thêu thùa may vá, nội trợ, cho các nữ sinh.
Cạnh trường Nữ công gia chánh là đường Lương Văn Thượng (LVT) nối liền đường THĐ và đường Nguyễn Hữu Cảnh. Phía đầu đường LVT có bồn nước cao, trên đó có gắn các còi hụ . Vào các ngày thường , các còi này hụ 4 lần trong ngày để báo giờ đi làm, đi học cho người dân sống trên trục đường THĐ và các khu vực lân cận. Còi cũng hụ trong thời khắc giao thừa để cùng với mọi người tiễn biệt năm cũ và đón mừng năm mới.
Tiếp tục đi tới về phía trái , bạn sẽ gặp một quán phở nhỏ Phát Lợi, đậm đà hương vị phở bắc chính hiệu, độc đáo với với nước dùng trong và ngọt. Quán thu hút rất nhiều khách ghiền phở từ giới bình dân đến trí thức. Có thể nói Phát Lợi là một trong những quán phở hiếm hoi vào những năm đầu thập niên 60s đã giới thiệu hương vị phở bắc đến với người dân BH - vốn trước đây chỉ quen thuộc với hủ tíu và hoành thánh mì.
Gần tiệm phở Phát Lợi là chợ Lò Bò, đây là một chợ “chồm hỗm”, tuy nhỏ nhưng có đầy đủ các loại thực phẩm cần thiết hàng ngày cho các bà nội trợ. Quang cảnh mua bán náo nhiệt. Chợ mở từ sáng sớm và tan lúc 10 giờ sáng. Đi sâu vào trong chợ có một lò mổ bò, nên chợ có tên là Lò Bò.
Đối diện chợ Lò Bò phía bên phải , là một dãy các tiệm buôn mua bán sầm uất và phát đạt: tiệm Mỹ Thuật của điêu khắc gia Lê văn Mậu, chuyên bán các sản phẩm gốm mỹ nghệ do chính ông tạo tác.Vào cuối tuần, hàng đoàn khách ngoại quốc đến xem và mua hàng lưu niệm tại đây. Bên cạnh Mỹ thuật có nhà buôn lớn Lam Thư chuyên bán các loại máy may, máy vắt sổ…Kế đến là Nhà may Âu phục thời trang Đô Hội, Depot Lave-Nước ngọt đại lý hãng BGI/SEGI Phan Phú, tiệm hớt tóc Minh Tân, một tiệm tạp hóa nhỏ của bác bảy D.
Bác bảy chủ tiệm tạp hoá có biệt tài độc tấu đàn tranh rất điêu luyện. Có những đêm sáng trăng, bác ngồi một mình trước quán, lặng lẽ gảy đàn. Ngón tay chai sạn qua thời gian của bác, bỗng trở nên mềm mại lả lơi trên những cung bậc bổng trầm. Tiếng đàn của bác nghe du dương, da diết, sâu lắng và man mác buồn qua các bài: Dạ cổ hoài Lang, Tứ đại oán, Lưu thủy hành vân....Khi gảy đàn, mắt bác khẽ nhắm như đang hoài niệm về một quá khứ xa xăm nào đó .Thỉnh thoảng có vài thanh niên trong xóm lân cận, đến ngồi quanh nghe bác đàn và ngẫu hứng, họ hát những bài ca vọng cổ, hoặc tân cổ giao duyên, gõ nhịp song lang...Trong đêm khuya thanh vắng, tiếng đàn ca của ban nhạc tài tử này vang xa, nghe vô cùng mùi mẫn và ấn tượng.
Phía bên trái, đối diện quán bác bảy là tiệm bán phụ tùng xe Desoto Kim Thành Hưng, tiệm bán thuốc cao đơn hườn tán của Thầy Ba Cầu Bông, Nhà thuốc tây Trịnh Hoài Đức; Nhà hàng sang trọng Biên Hùng Quán –là nơi giới thương gia và nghệ sĩ Sài gòn thường đến ăn khi họ có dịp về BH…
Đi tiếp một quãng , bạn sẽ thấy bên phải là rạp chiếu phim Khánh Hưng bề thế, với kiến trúc tân thời và trang bị tiện nghi bậc nhất ở BH với hệ thống máy lạnh, màn ảnh đại vĩ tuyến (Cinemascope), ghế nệm da  ….Rạp được xây dựng vào những năm 72-74. Rạp không chiếu phim theo xuất mà chiếu thường trực. Tôi còn nhớ ngày khai trương vào đầu năm 1974, rạp chiếu khai mạc phim hài Singapore “Năm vua hề vận động bầu cử ". Khách về tham dự đông như trẩy hội. Một kỷ niệm, là có lần rạp chiếu phim Cleopatra do Elizabeth Taylor đóng vai chính, vì phim quá hay, và cũng để tận hưởng không khí mát mẻ qua hệ thống điều hòa tân tiến của rạp, nên tôi vào xem liền hai xuất thường trực (6 giờ). Kết quả là ra về bị sổ mũi cảm lạnh mấy ngày mới hết. Sự hiện hữu của rạp Khánh Hưng làm cho con đường THĐ thêm phần náo nhiệt, sầm uất hơn, khác với vẻ trầm mặc tĩnh lặng trên quãng đường này trước đây.
BHXƯA7BHXƯA5

Đối diện với rạp KH là quán cà phê Tuyệt, quán sở hữu một không gian đẹp, ấm cúng và sang trọng. Ánh sáng vừa đủ, cà phê ngon, khách thưởng thức nhạc trữ tình lãng mạn Pháp, nhạc trẻ Việt …qua dàn máy Akai mới .Đây là điểm hẹn lý tưởng của giới trẻ BH thời ấy.
Cách cà phê Tuyệt không xa là nhà sách Huỳnh Hiệp nổi tiếng của BH. Nhà sách trông rất khang trang rộng thoáng. Trưng bày trên các dãy kệ ngăn nắp là sách được sắp xếp theo chủ đề. Chủ nhà sách và các nhân viên tận tình hỏi han, chỉ dẫn khách hàng đi tìm những thứ mà họ cần. Khách đến nhà sách tự nhiên thoải mái đọc sách, thích thì mua, không thì thôi, không ai phàn nàn cả, miễn là giữ sách cho cẩn thận. Cung cách phục vụ lịch sự giống như Nhà sách Khai Trí ở Sài Gòn.
Đối diện với nhà sách Huỳnh Hiệp bên phải, là một dãy building bề thế của các nhà buôn lớn, bán phụ tùng xe hơi, xe gắn máy các loại, các tiệm bán giày và mũ nón thời trang, các tiệm may Âu phục của người Việt, tiệm bán vải của người Ấn Độ…
Nằm ở góc cuối đường THĐ là nhà sách Minh Trí tọa lạc khiêm tốn bên cạnh dãy building cao tầng. Tại đây chuyên bán các loại sách giáo khoa và dụng cụ học sinh. Ông bà chủ nhà sách là người bắc, rất nho nhã và lịch sự với khách. Tôi có một kỷ niệm đẹp tại nhà sách này,  là mùa hè năm 1970, Ba đưa tôi đến nhà sách để chọn và mua 1 cây viết máy hiệu “Pilot”, là quà Ba Mẹ thưởng cho tôi, sau khi thi đậu đệ thất trường Trung học Ngô Quyền .
Cuối đường THĐ là cây xăng Biên Hùng với những cây xăng tự động. Khách trả tiền ở cashier và ra cây xăng tự phục vụ mà không cần sự trợ giúp của nhân viên trạm xăng.
Góc cuối đường THĐ phía bên trái có tiệm cho thuê truyện Nam Tạo với đủ loại sách. Ông chủ NT có trí nhớ siêu phàm, chỉ cần khách nói tên tựa sách, ông sẽ bảo người phụ việc đến các ngăn kệ XYZ… tìm và giao sách ngay cho khách trong thời gian rất ngắn. Ông cũng có thể tóm tắt sơ lược nội dung của từng quyển sách khi khách hỏi .Tôi thường đến nhà sách này để thuê các truyện phiêu lưu mạo hiểm, truyện trinh thám Z.28, truyện kiếm hiệp Kim Dung …
Trên đây, là vài nét ghi nhận với góc nhìn rất hạn hẹp của tôi về bức tranh sinh động, nhiều màu sắc về một con đường trung tâm, văn minh, phồn thịnh và náo nhiệt bậc nhất của tỉnh BH trước 1975, nhưng lại rất yên bình trật tự, rất ít xảy ra các tệ nạn xã hội, dù đang trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt.
Có thể nói hình ảnh con đường, góc phố THĐ mà ngày còn thơ bé, tôi đã từng tung tăng rảo bước đến trường, rồi lớn lên với nhiều kỷ niệm đẹp khi được sống chan hòa với người dân hiền hòa thân thiện ngay tại khu phố nhộn nhịp nhất BH, đã tạo cho tôi ấn tượng sâu đậm, khiến cứ phải luôn quay quắt nhớ về. Một nhà thơ đã từng viết: “khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn”. Quả thực, đúng như vậy. Những con đường kỷ niệm, những góc phố của ngày xa xưa luôn hiện diện mãi trong tâm tưởng, để trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống tinh thần của mỗi người Việt khi sống xa quê.
(Ảnh sưu tầm)

Ý kiến bạn đọc
14 Tháng Mười Một 20211:50 SA
Khách
Cám ơn chủ tiệm đã trình bày làm tôi nhớ lúc trước vào thập niên 60.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Ba 2022(Xem: 5408)
Một vài chi tiết lịch sử, bổ túc cho con dốc tòa nên thơ nầy và cũng để tặng cho các tác giả: NghiemHai, Nguyễn Trần Diệu Hương và Người xứ bưởi.
14 Tháng Ba 2022(Xem: 6951)
đầy thú rừng và cây cối rậm rạp, mà các vị tiền nhân đã hy sinh, đổ lao nhọc vất vả kiến thiết dần thành khu Hố Nai trù phú hiện nay
01 Tháng Ba 2022(Xem: 5007)
Quê hương Biên Hòa, ngay tại trung tâm thành phố, có một di tích lịch sử; vừa thân thương
27 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 3847)
Gốm Biên Hòa gắn với tên tuổi trường Mỹ nghệ Biên Hòa ngày càng được phổ biến trong mọi tầng lớp dân chúng.
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 6127)
vì đó là cái hồn văn hóa của người dân bản địa, không dễ gì xóa đi được.