Nhà thơ Thái Thụy Vy,
tên thật là Đỗ Khoa Luật, quê quán Biên Hòa, Đồng Nai, từng là một sỹ quan quân
y trong quân lực VNCH. Ông đã xuất bản nhiều sách bao gồm nhiều thi tập,
truyện ngắn, biên khảo, v.v. Ông đặc biệt yêu màu tím và vì vậy trong thơ văn của
ông, ta thấy luôn phản phất đâu đó sắc màu tím hiền hòa. Hiện ông đang cư
ngụ tại Chandler,
Arizona. Mời quý độc
giả vào trang nhà của tác giả để tìm đọc nhiều bài vở giá trị: http://thaithuyvy.wordpress.com
NGHỆ SĨ BẮC SƠN
Thái Thụy Vy
Ông tên thật là Trương Văn Khuê, sinh ngày 25-12-1932 tại xã Phước Lộc, Long Thành, Biên Hòa, mất lúc 9:55 phút ngày 23-2-2005 tại Sài Gòn vì bịnh ung thư phổi. Bắc Sơn là tác giả 500 ca khúc trong đó bản dân ca Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè đã được cả nước yêu thích… Ông còn là kịch giả của 80 kịch bản, và đã đích thân tham gia 60 vai diễn trong điện ảnh. Một số vai diễn được nhiều người biết tới như Sĩ (Xa và gần), Năm Ngưu (Vùng gió xoáy), Hai Bạc Liêu (Người tìm vàng), Phúc (Cô Nhíp), ông Tư (Con chó phèn)...
Ông có tất cả chín người con, nhưng chỉ có hai người con gái nối nghiệp cha là ca sĩ Hạ Châu và nghệ sĩ Bích Lan. Bắc Sơn là một nhà giáo dạy học từ năm 1952 đến 1977.
Trên sân khấu truyền hình trước năm 1975, ông nổi tiếng là người thực hiện Chương trình quê ngoại có nông dân chất phát Tư Ruộng với cô gái quê Thu Hồng với giọng hò miền Nam ru hồn rất thanh thoát… Các vỡ kịch của ông đều xoay quanh nghề nông với các nhân vật tuy chất phát nhưng giàu suy ngẫm như chính người viết vốn yêu cuộc sống thanh bình… Các ca khúc nổi tiếng của ông mang âm hưởng dân ca Nam bộ như Còn thương rau đắng mọc sau hè, Em đi trên cỏ non, Còn thương góc bếp chái hè, Sa mưa giông... Ca khúc Còn thương rau đắng mọc sau hè được ông viết làm nhạc nền cho vở kịch truyền hình Bếp lửa ấm phát trên đài Truyền hình Sài Gòn ngày 27 tháng 11 1974. Người trình bày đầu tiên ca khúc này là ca sĩ Hoàng Oanh. Sau 1975, ca sĩ Hương Lan ghi âm nhạc phẩm này tại Pháp và Còn thương rau đắng mọc sau hè nhanh chóng nổi tiếng.
Mời bạn đọc lắng nghe ca khúc "Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè" với tiếng hát danh ca Hương Lan, giọng ca mộc mạc, rạt rào âm điệu ca dao, và ngọt ngào hương vị tô canh rau đắng đầy ấp tình quê, đầy ấp tình người.
Chú thích:
Tôi rất tâm đắc với Hương Lan vì chỉ có ca sĩ này hát đúng lời cũa Bắc Sơn: Cô đã hát "COI CỎI đốt đồng" trong lúc các ca sĩ khác đều hát " coi khói đốt đồng"
Thưa các bạn, COI CỎI là một loại chim chuyên làm ổ dưới đất mà không làm ổ trên cành. Mỗi lần dân quê gom rạ để đốt đồng bắt chuột, thì chim coi cỏi bay lên đi lánh nạn. Trong lúc đàn cò trắng ăn mặt chỉnh tề sắp hàng đứng viền cánh đồng cháy đen thưởng thức món chuột con nướng. Tôi lại càng cảm phục Hương Lan khi hát "đầu chừa ba vá muổng dùa" rất ít người biết.
Vì thời trước các bé trai trong Nam ưa để ba chỏm, để dể phân biệt bé gái thường thắt bím.
Xin mời các bạn thưởng thức nhạc phẩm " Còn Thương rau đắng mọc sau hè" với tiếng hát Hương Lan