4:46 SA
Thứ Sáu
26
Tháng Tư
2024

HỒI XƯA TUI ĐI HỌC - CHƯƠNG 2 - NHỎ MAI - HOÀNG DUY LIỆU

28 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 21081)


Sau khi làm quỷ sứ quỳ gối dang tay mũi dãi lòng thòng, rách mất vài cái quần xà lỏn xanh đỏ ở trường thầy Chín được hơn một năm, tui được đi học ở trường tiểu học công lập của tỉnh. Trường Tiểu Học Nguyễn Du.

Mỗi buổi sáng từ nhà tui ở gần nhà ga Biên Hòa, tui lơn tơn xách cặp đi ra đầu phố chỗ có rạp hát Biên Hùng và quán hủ tiếu Cây trứng cá mà ông nội tui là chủ đất, tui thường ghé qua cái xe bánh mì của dì Chín (hỏng phải vợ thầy Chín đâu nha!) ở trước quán hủ tiếu đưa cho bả một đồng, đổi lấy một ổ bánh mì thịt hay xíu mại nóng hổi, vừa đi vừa gặm, mắt láo liên canh chừng không cho thằng nào rề rề tới gần xin cắn miếng.

rap_bien_hung-content


Không biết mấy anh "pilot" có còn nhớ đến mấy thằng nhóc con ngày xưa thường hay đứng quanh xe bánh mì đưa mắt nhìn say mê mấy cây súng P38 nho nhỏ với sợi dây nịt có gắn thêm con dao cùng những viên đạn sáng chói màu đồng mà mấy anh đeo xề xệ ngang hông đó hay không. Tui là một nhóc tì trong đám đó, sáng nào cũng đứng nhìn mấy anh lính rồi đếm thầm coi còn bao năm nữa thì mình sẽ được đi lính để có súng đeo cho oai vệ như vậy.


Bánh mì dì Chín ngon lắm, mấy anh lính Không Quân thường sau khi ăn hủ tiếu xong còn mua thêm vài ổ đút vô cái túi dưới chân để dành ăn trưa ở trên trời. Đôi khi tui còn thấy vài anh lính Biệt Động Quân hay Nhảy Dù mua cả chục ổ nhét đầy ba lô thảy lên chiếc xe jeep có cái cần ăng ten dài thoòng được uốn cong cột về phía trước sửa soạn cho một chuyến hành quân nào đó.


Dì Chín tối ngày bận rộn làm bánh mì chắc là không bao giờ nghĩ đến cái chuyện những ổ bánh của mình đã theo bước quân hành mà đi bao vùng "rừng núi sình lầy" hay là bay cao tận "không gian hằn nỗi nhớ". Không biết Dì Chín có bị đi tù cải tạo về cái tội tiếp tế lương thực cho địch quân hay không, dám lắm chớ.


Bây giờ ở xứ Mỹ này tui ăn đủ thứ từ bánh mì Ba Lẹ, Hương Lan, Hà Nội đến Lee Sandwich nhưng vẫn không thấy ngon bằng bánh mì dì Chín hồi đó. Chỉ cần đứng kiễng chân nhìn dì Chín dùng cái muỗng nhấn nát cục xíu mại hay là con cá mòi rồi nhẹ nhàng ban ra trên khúc bánh mì với cái màu vàng đỏ óng ánh của nước sốt là đã đủ chảy nước miếng rồi. Đó là chưa kể đến 2, 3 miếng ớt mỏng đỏ hỏn nằm nghêng ngang cay lè kế bên một miếng dưa leo tươi mát. Chắc tại hồi đó nhà tui nghèo quá, chứ không như bây giờ, tui giàu lắm, tui ăn bánh mì mua 2 tặng 1 thay cơm hàng ngày.


Cũng như những thằng nhóc khác, tui thường phải đi bộ đến trường nhưng sau vài tuần vừa đi vừa gặm bánh mì tui nhập bọn dân chơi xe bò. Băng qua đường đến trước Ty Cảnh Sát Biên Hòa tụi tui thường đứng đợi coi có chiếc xe bò nào còn trống thì leo lên đi ké đến trường. Ở đó mỗi buổi sáng sớm thường hay có một vài chiếc xe bò lọc cọc đi ra chợ Biên Hòa chở hàng về quê xa. Giờ nhớ lại, mấy ông già đánh xe bò thời đó hiền queo, mấy thằng nhóc tui leo lên nhảy xuống la hét om xòm ỏm tỏi mà vẫn không la ó rầy rà một tiếng nào. Thỉnh thoảng quá lắm thì chỉ:

- Ngồi xuống! Coi chừng té mậy!
Ông nào cũng có cái roi mà chỉ để quất nhẹ lên mông mấy con bò.

Đi học bằng xe bò sướng lắm! Hãy nghĩ tới cái cảnh trong cái buổi sáng mát mẻ đầu ngày một mình đứng trên chiếc xe bò vừa ăn bánh mì nóng hổi ngon lành vừa đưa mắt ngắm nhìn con phố nhỏ đang trở mình thức dậy thì sẽ thấy là không thua gì nếu đem so với chuyện đi xe "cable car" qua phố San Francisco. Nơi đây làm gì có cái cảnh như một tiếng "két" vang lên từ cánh cửa sắt vừa hé mở, cái bánh trước của một chiếc xe đạp ló ra theo sau là một tà áo trắng nữ sinh thanh thản hiện ra. Hay là cái cảnh một bà mẹ vừa bới đầu vừa đuổi theo một thằng bé con trần truồng chạy lăng quăng cười hắc hắc trên lề đường.


Tui thích nhất là bữa nào hên mà nhảy lên được xe bò của ông Ba Râu, ổng có bộ râu cá chốt trắng phau, 2 bên vểnh lên như 2 cái sừng trâu mà ổng thường hay đưa tay lên vuốt vuốt, tui giờ cũng có râu mà sao nó khộng bao giờ vểnh lên cho dù tui xài hết cả chai Gel . Trên xe của ông Ba Râu tui có quen được một người bạn thân tình, con Mai, cháu nội của ổng, sáng nào nó cũng theo ổng đem xe ra chợ Biên Hòa chở hàng về tận rừng Tân Phong.


Nhỏ Mai lớn hơn tui một tuổi mà vẫn chưa đi học nên tui dạy cho nó tập đánh vần ê a sau khi chia cho nó nửa ổ bánh mì, bù lại thỉnh thoảng nó cho tui mấy con dế than hay dế lửa gáy re re trong cái hộp quẹt diêm. Con Mai còn bức tóc làm cho tui mấy cây que dế. Ngồi bên tui con Mai hỏi lung tung đủ thứ chuyện ngớ ngẩn như là mày có má không? Em mày có chơi u mọi hay không ? Tối mày ngủ với ai? v. . . v. . . làm cho tui cứ hay nạt nó sao mày cứ hay hỏi ba cái chuyện mà ai cũng biết. Nó không trả lời mà chỉ ngồi im vân vê cái chéo áo.


Nhỏ Mai thường đưa mắt buồn bã nhìn theo khi tui phải ôm cặp nhảy xuống khi xe đến gần cổng trường Sông Phố. Chỗ đó đi về bên phía mặt là ra chợ, phía trái là trường tui.


Có lần nó nói:

- Phải chi tao được đi học với mày.
Tui nhớ là đã phán lại một câu xanh rờn:
- Mày còn ngu quá sao đi học được.
Đó cũng là lần cuối cùng tui gặp con Mai. Nghe nói ông Ba Râu bị bắt đánh xe bò vô rừng chở cái gì cho ai đó một tối rồi không bao giờ trở lại. Mai ơi ! cho tao xin lỗi mày, bây giờ mày ở nơi đâu? Mấy con dế mày cho đã chết từ lâu nhưng hình như tao vẫn còn nghe tiếng gáy đâu đây.
Hay là tiếng than khóc tận đáy lòng tao?

0o0

Mỗi buổi sáng, từng chiếc rồi lại từng chiếc xe bò chậm rãi cọc cạch leng keng đi ngang qua trước mặt, tui cố chạy đến kiễng chân ngó vô góc thùng xe để tìm con Mai cho dù từ xa đã biết là không phải xe của ông Ba Râu. Biết làm sao hơn khi tui muốn kiếm nó, tui muốn ngồi xuống mà nói với nó rằng:


- Mày đừng có buồn, tao đi học được cái gì rồi sẽ chỉ lại cho mày, rồi mày cũng sẽ biết đọc như tao thôi. Tao cũng sẽ dạy mày làm tóan nhân để mày khỏi phải đếm hết ngón tay tới ngón chân. Tao sẽ… Ôi, nhiều điều tui muốn nói với nó để chạy cái tội đã nói nó ngu hôm trước.


Mà cả tuần nay rồi tui vẫn không thấy nó lẫn ông Ba Râu, ngày nào cũng chỉ ăn đến nửa ổ bánh mì thì cảm thấy như có cái gì nghèn nghẹn trong cổ họng không nuốt vô được nữa… Tui lặng lẽ gói lại bằng tờ giấy báo; cột chặt lại bằng sợi dây thung, dấu kỹ vô cặp hy vọng biết đâu chút nữa sẽ gặp con Mai mà chia cho nó. Tui biết có khi tui đã khóc khi gói lại nửa ổ bánh mì.


Tui nhớ nhỏ Mai vô vàn.


Trong lớp, bất kể roi dài thước ngắn của cô giáo, tui ráng vẽ cái mặt tròn quay với 2 cái đồng tiền lõm vô trên gò má, cái đầu tóc bù xù có khi được ai đó cột lại bằng sợi dây thung xanh đỏ hai bên làm cho cái đầu nó trông như là cái trống lắc lắc kêu bụp bụp, cái đồ chơi của con nít, tui còn cho nó mặc một bộ đồ mới trong hình, thay cho bộ đồ bộ thiệt của nó có in mấy cái bông gì đó đã cụt ngủn sờn vai, 2 cái túi trước bụng đã biến đi đâu mất chỉ còn lưa thưa mấy sợi chỉ, mấy hột nút thì đủ màu đủ cỡ, có vài hột hơi bự hơn cái khuy làm nó cài vô không được đành để lòi cái bụng đen xì ra.


Tui đoán hình như nó chỉ có một hai bộ đồ để mặc khi đi ra tỉnh mà thôi, khi ở nhà chắc nó ở trần dang nắng suốt ngày trên ruộng nên cái bụng của nó có 2 màu khác biệt, trên đen dưới trắng mà lằn ranh là cái lưng quần. Nó là con nhà nghèo mà ! Má tui nói vậy khi nghe tui kể lại sau này. À ! Mình nghèo thì cũng có người nghèo hơn ha!


Thì cũng phải thôi!

Nhỏ Mai mồ côi cả cha lẫn mẹ, chỉ còn có ông Ba Râu là thân quyến, ổng kể rằng ba nó đi lính gì đó rồi đi luôn trước khi nó ra đời, má nó cũng đi đâu mất sau khi sinh ra nó độ vài tháng. Ổng chép miệng:
- Hồi đó bà vợ tui còn sống nên cũng đở khổ, chớ mình tui như bây giờ chắc chết!
Tiếng chết của ổng thường hay kéo dài lê thê nghe sao buồn diệu vợi như có người thân chết, tui nhớ là như vậy.

Tui vẽ nó đứng dang hai chân hai tay, cặp mắt tròn vo long lên dữ dằn trên sàn xe bò ráng sức xua đuổi mấy thằng nhóc đang tính trèo lên xe của nó, cố giữ chỗ cho tui, cái chỗ ngon lành nhứt ở tận phía trước, ngay sau lưng ông Ba Râu mà nó đã cẩn thận đặt một cái bao bố nhỏ có dồn thêm chút rơm màu vàng. Cứ y như là Xe Bò "First Class." Nó thường hay nói "tao thay rơm hôm qua cho mày rồi đó !" mỗi khi tui ngồi lên cái bao bố đó.


Vậy mà … Giờ mày ra sao Mai? Tao lại muốn khóc, mày có biết hay không?


Sau này khi lớn lên tui lại phải có đôi lần buồn rầu nhớ thương nhỏ Mai, như khi đọc truyện của ông Xuân Vũ trong cuốn 2.000 Ngày Đêm Trấn Thủ Củ Chi, có chương nói đến những người đánh xe bò ở vùng Tân Phong bị VC giữ lại trong rừng năm này qua năm khác, không cho về với vợ con , gia đình để vận chuyển lương thực cùng súng đạn không công cho họ cho đến khi tàn cuộc chiến. À! Thì ra thế! Quả đúng như một ông đánh xe bò khác đã kể cho tui nghe hồi đó.


Nhưng còn nhỏ Mai?


Tui đọc mà tưởng như đang thấy ông Ba Râu ngồi ủ rũ bên cạnh chiếc xe bò mặt cúi gầm dưới nòng súng AK, trong lòng lo cho con Mai đang ngồi một mình trong cái chòi hoang vắng khóc lóc thảm thương giữa đêm khuya sau khi người thân yêu cuối cùng trong cuộc đời ngắn ngủn của nó bị bắt đi. Rồi ai cho nó ăn? Tiền đâu nó mua gạo nấu cơm? Hay là nó đã lang thang vô rừng sống với khỉ như trong phim Tarzan trong rừng thẳm? Tui cứ suy đoán mông lung khổ sở cả một đời.


Kỳ lạ thay, tui bỗng dưng cầu Trời khấn Phật cho họ bắt luôn con Mai để nó khỏi phải chết đói, chết buồn. Hay phải lấy chồng khỉ đột . Sao mà nghe như chuyện nô lệ thời trung cổ , ông cháu người ta đã nghèo nàn, quê mùa chỉ biết đánh xe bò kiếm miếng cơm manh áo vậy mà cũng chẳng được yên thân, Chúa, Phật, ông Trời bận đi vắng nơi đâu?


Mới gần đây thôi, khi đọc chuyện của nhà văn nổi tiếng Vĩnh Hiếu viết về những ngày cuối cùng ở Nha Trang, tui lại ứa nước mắt khi đọc tới đoạn có bà già bán giấy số dẫn đứa cháu gái nhỏ đến năn nỉ xin ảnh giúp cho một ngõ thoát thân trên chiếc trực thăng cuối cùng vào độ 1975. Tui lại thấy gương mặt buồn bã của nhỏ Mai trên cái màn hình. Tui muốn chửi thề thật lớn, thật to, muốn chém đứt tất cả những gì trước mặt, xung quanh bằng cây kiếm Nhật treo trên tường chẳng bao giờ lấy xuống tự bao năm qua.


Nhỏ Mai có tội tình chi? Một đứa con gái nhỏ mồ côi thâm tình bằng hữu.



 0o0

 

Vì ráng đứng kiếm nhỏ Mai mỗi sáng mà tui thường trễ học, bị cô giáo lớp Năm lấy thước đánh đỏ cả hai bàn tay, tuy là đau nhưng tui không ngán, dầu gì cũng đã qua hơn một năm huấn nhục tại trường thầy Chín, nhằm nhò gì ba cái trò lẻ tẻ này. Lớn lên thêm chút nữa, tui đánh lộn có tiếng không những vì không sợ đau mà phần lớn là nhớ đến nhỏ Mai. Tui vừa khóc vừa đánh.

Bị cô giáo đánh, tui không khóc nữa chỉ hơi khẽ hít hà nhảy tưng tưng, thò tay này, thụt tay kia và có lẽ hơi mếu máo một chút nhưng lại rất buồn mỗi khi bị cô đánh xong, là vì ngày nào còn bị đánh là ngày đó chưa gặp lại được nhỏ Mai. Phải chi cô cứ đánh cả một ngày cũng được, chỉ cho tui gặp lại nó. Lần này tui đã tính là sẽ xin với má tui cho nó về ở nhà tui để rồi mỗi sáng hai đứa cùng đi học.


Tui còn có thủ sẵn một cục xà bông Cô Ba trong cặp mà tui xin của chị Gấm, chị giúp việc nhà tui , định cho nó vì tui nhớ có lần nó nói tao chưa có gội đầu bằng xà bông bao giờ. Cũng vì cục xà bông này mà tui phải ngồi chơi với muỗi, canh cửa mỗi đêm cho chị Gấm chạy ra ngoài vườn mảng cầu hẹn hò tình tự với anh Năm tài xế xe be. Hên cho tui là chỉ độ vài tháng sau thằng chả bị bà vợ ở dưới quê lên nắm cổ kéo về như bò cái kéo khúc cây sau khi chơi nhau bằng đòn gánh với chị Gấm nhà tui một trận kinh hồn aó rách, quần bay, nước chảy te tua ngoài giếng nước. Uổng quá !


Bữa đó tui đi học, chiều về nghe nhỏ em gái kể lại mà tiếc hùi hụi, nghe còn thần sầu hấp dẫn hơn là đọc truyện Cô Gái Đồ Long. Em tui nói một bên là chi Gấm nhà tui chơi võ Bình Định múa đòn gánh vù vù đập vô đầu bà kia kêu cốc cốc, còn bà kia thì hình như là có học gồng Cao Miên đi xà quyền đá tét mất cái quần chị Gấm. Trời ơi đã quá mậy.


Mặc kệ cho chị Gấm đang ngồi khóc tỉ tê ngoài vườn trong khi má tui đang ca lớn thiên trường khúc “Thật là đáng tiếc, “ “Tao đã dặn “ ở bên cạnh, ông già tui chọt gậy bánh xe:

- Ờ ! thì bà đang “dặn” radio đó.
Ông già tui nheo mắt. Tui còn nhớ rõ ràng ổng còn nói với má tui:
- Thôi bà ơi ! Tui cũng tiếc vậy ! Phải chi tui về sớm một chút thì đỡ (hay là đã ) biết mấy ......
Giờ thì tui đã biết ba tui tiếc cái chi. May mà má tui trong cơn nóng giận không để ý đến cái tài ăn nói của ba tui ngày đó. Ổng là lính đa tình .

Để rồi một sáng kia, đợi hòai đợi mãi mà chẳng có chiếc xe bò nào ngang qua, tui quên mất chuyện đi học, mãi cho đến lúc thấy mấy ông Cảnh Sát thay ca, nhìn lên trời chẳng còn chiếc máy bay nào bay ngang qua, quán hủ tiếu vắng teo, tui mới biết là đã quá trễ giờ đến trường. Cho đến bây giờ cũng vẫn không hiểu tại sao nhưng hôm đó tui đã làm một chuyện thật là vĩ đại trong đời, tui không thèm đi học nữa. Tui có thêm cái tật lầm lì từ đó.


Hôm đó tui đã bỏ học đi lang thang suốt một ngày lần đầu tiên trong đời.


(Còn tiếp)

Hoàng Duy Liệu

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 13486)
Một năm đã qua, chúng ta đã sống với nhau thật lòng trong một đại gia đình. Chúng ta đã chia sẻ với nhau những tâm tình rất thật. Chúng ta mặc dù xa quê hương nhưng chưa lúc nào quên đất nước.
28 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 13797)
Tôi trầm ngâm hồi lâu trước bóng đen dày đặt mà bùi ngùi khi mường tượng chúng tôi như những con chim ướt cánh, xụi bại, ngơ ngác nhìn vào khoảng không tối mịt mà không biết làm sao bay lên, làm sao thoát ra
27 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 16689)
Tuy nhiên sự kiện quan trọng nhất trong hành trình nầy là cuộc họp mặt với bạn hữu tứ Hai, họp mặt với học trò Công Thanh và những ưu ái mà học trò cũ đã dành cho tôi và Lynh dù là đã xa cánh gần 40 năm
18 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 14332)
Trong suốt hành trình dài của mỗi đời người, với những bể dâu gập ghềnh trong cuộc sống, mà mình vẫn còn giữ được chai dầu gió xanh để làm bạn đồng hành thì âu đó cũng là niềm vui và hạnh phúc vậy.
15 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 15312)
Nhân Mùa Giáng Sinh 2012, gia đình Kiều Oanh xin kính chúc quý vị, quý đồng hương một đêm Noel, bình an, hạnh phúc, cùng một năm mới an khang thịnh vượng
15 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 23265)
Tôi thầm nghĩ có một dịp về thăm quê nhà sẽ ghé qua Biên Hòa, đứng trên Cầu Mát hít thở không khí trong lành của sông, của gió đồng nội Đồng Nai.
14 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 18164)
Chị có muốn về thắp nhang nơi mả ngoại với em không? Đừng nói với em là chị còn trên biển lạnh. Có người sẽ lại khóc tiếp một mùa Xuân...
13 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 17864)
Bây giờ Thầy trò chúng ta khó mà có cơ hội gặp gỡ, nhưng em mong rằng trái đất tròn còn sống là Thầy trò vẫn còn có dịp mừng vui đoàn tụ
12 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 13726)
Thái Thụy Vy không chỉ khóc cho mình mà còn thương cho những thân phận cô đơn đọa đầy khác trong chuyện phim "Children of a Lesser God" và "The Last Emperor" cho cô bán hàng sách, và cho cả những người tị nạn HO
12 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 14068)
Cái lãng mạn dễ thương chấp nhận được giữa đời thường, tâm sự có chắt lọc của một cây bút viết bằng máu hoa niên và mặc dầu sáng tạo là một điều hiển nhiên, song ở đôi chỗ, chúng ta cũng còn bắt gặp "chất tiền chiến" bàng bạc trong một số đoạn thơ.
05 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 14551)
Sao khuya lấp lánh khắp nơi Đèn hoa sáng tỏa, ánh ngời hào quang Giáng Sinh vừa xuống trần gian Thánh ca năm cũ miên man thật buồn?
02 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 15473)
Đêm Tri Ân thầy cô giáo của nhóm CHS.NQBH, đã thành công ngoài sự mong đợi. Một chút thiếu sót nếu có, sẽ khiến mọi người mong mong nhớ nhớ để luyến tiếc hẹn gặp lần sau…
22 Tháng Mười Một 2012(Xem: 19858)
Em nhớ những bối rối không kịp dấu che, khi anh bắt gặp ánh nhìn trộm của em gắn trên đốm lửa nhỏ nhoi ở đầu điếu thuốc, ngậm hờ hững trên môi anh
20 Tháng Mười Một 2012(Xem: 15474)
Cám ơn nghề cầm phấn, Cho tôi bước vào đời Cám ơn học trò tôi, Cho tôi nhiều kỹ niệm.
13 Tháng Mười Một 2012(Xem: 14809)
Nhân dịp Lễ Tạ Ơn, tôi muốn mượn những dòng chữ này để cảm ơn tất cả mọi người, đã trôi qua dòng đời mà tôi như chiếc thuyền con bập bềnh trên dòng sông uốn khúc.
05 Tháng Mười Một 2012(Xem: 16602)
sự thay đổi của Tuấn cũng chỉ vì số phận, nhiều khi Tuấn thấy mình mang mặc cảm tội lỗi với vợ, nhưng Tuấn không đủ can đảm nói rõ hoàn cảnh của mình hiện giờ, hầu để bù đắp lại khoảng trống đó
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 18461)
chị không biết được tin tức của đồng hương Biên Hòa. Và hôm nay, hội ái hữu Biên Hòa California và chị Võ Thị Tuyết đã là cầu nối giúp chị gặp lại người quen biết cũ.
31 Tháng Mười 2012(Xem: 15902)
Tôi vẫn là tôi và em vẫn là em. Một người vợ mà tôi mang ơn sâu thẳm. Nếu không có em thì có lẽ đời tôi không biết đi đâu, chẳng biết lối về và không biết đường ra. Sẽ không ai biết , sẽ chẳng ai hay. Với tánh của tôi, em còn khổ mãi!
28 Tháng Mười 2012(Xem: 21545)
Ước gì tui có được phần nào cái " ngu " của ông Bill Gate , ông ta đã thấy rất xa qua " Cửa sổ
25 Tháng Mười 2012(Xem: 17802)
Trong chiến tranh chẳng còn gì ngoài những hư hao mất mát. Bao nhiêu nhân tài nằm xuống cho những chủ nghĩa ngoại lai vong bản
25 Tháng Mười 2012(Xem: 16692)
không biết có phải những người đàn bà tuổi Dần đều có cùng số phận như dì Dần của tôi: cao số, cứng cỏi, khó khăn và suốt đời đơn độc?
25 Tháng Mười 2012(Xem: 16234)
Tất cả những ước mơ thầm kín tận đáy tim nàng, nàng chỉ thấy lại trong những giấc mơ nàng hay mơ. Những giấc mơ nàng thấy, mình được trở về quê hương thanh bình nơi nào đó còn có mẹ cha như ngày nào cũ...
24 Tháng Mười 2012(Xem: 16506)
Huy nhìn con, lòng đau như xé. Còn không ổn gì nữa! Rõ ràng đã không ổn kể từ ngày thằng bé bắt đầu bỏ ăn. Nhưng biết làm sao đây? Đem đi đâu bây giờ?
21 Tháng Mười 2012(Xem: 25465)
hãy cùng nhau đấu tranh dành một nền Tự Do cho đất nước khỏi ách cộng sản và cùng chung vai xây dựng đất Việt phú cường. Chỉ có thếgiấc mơ Tự Do và Dân Chủ của nước mình mới trở thành sự thật được
20 Tháng Mười 2012(Xem: 23065)
Mái tóc ngắn mà cô chủ tiệm và vài người khách chiều nay mới khen mình trông trẻ ra, sao mình thấy nó vô duyên quá! Giả bộ cười với mình trong gương, nhưng lòng đau giống như một nhát kéo cắt ngang mái tóc.
20 Tháng Mười 2012(Xem: 16907)
Những tràng cười thoải mái, những câu chọc tiếu lâm gà nhà cho thấy sự gần gũi ấm áp. Cô chủ quán lăng xăng tiếp tân và phục vụ. Những thức ăn chay, mặn ngon lành khiến mọi người thích thú. Những câu xưng hô, con, cậu, đã cho tôi biết đây như là một gia đình.
18 Tháng Mười 2012(Xem: 16819)
Hèn chi hồi xưa có một vị vua, bị ông Trạng Quỳnh chơi khăm bỏ đói cả ngày trời. Lúc bụng đói meo, Trạng Quỳnh mời ổng ăn cơm với tương chao, vậy mà ông ta thấy ngon hơn sơn hào hải vị trong Cung đình
18 Tháng Mười 2012(Xem: 21332)
Đong đưa ngày tháng như ông kể ra cũng quá lý tưởng. Nhưng trong ông vẫn vương vấn nỗi buồn. Vẫn mơ một ngày được trở lại quê xưa, sống lại thời trai trẻ, được “tự do” phát biểu tư tưởng chẳng chút ngại ngần, được thấy mọi người đều bình đẳng với nhau
17 Tháng Mười 2012(Xem: 20971)
Tôi không bao giờ quên cảnh tượng ba tôi châm lửa đốt từng trang giấy nhạc xé ra vội vàng, nét mặt ông đau đớn tận cùng, nước mắt nhòe nhạt rơi xuống từng dòng. Đó là lần đầu tiên tôi thấy ba tôi khóc
12 Tháng Mười 2012(Xem: 22387)
ngày về đất cũ thằng anh moi ra lá thư không bao giờ được gởi đi mà lại ngủ say trong cái nón xếp hai mươi mấy năm dài đời quả phụ. Nó nghiến răng chửi thề mắt đỏ hoe
09 Tháng Mười 2012(Xem: 17565)
Đó, tiếng nước tôi là đấy. Là tình tự, là quê hương, là nỗi niềm của những kẻ tha phương. Là “bốn nghìn năm thành tiếng lòng tôi”. Xin hãy nhớ lấy và xin hãy trân trọng giữ gìn .
07 Tháng Mười 2012(Xem: 17642)
Thế là ta đã tìm lại nhau, nhưng trong hoàn cảnh mới, không gian mới... Thời gian khắc nghiệt đủ cho hai mái tóc xanh đã muối tiêu cả rồi... Ôi mối tình đầu của ta...!
06 Tháng Mười 2012(Xem: 18620)
Còn ngoài đời có nhiều người quyền cao chức trọng, làm hư việc ảnh hưởng đến biết bao nhiêu con người khác nhưng không hề biết… từ chức là gì!!
06 Tháng Mười 2012(Xem: 19382)
Tôi kể vài kỷ niệm xưa để bạn nghe cho vui. Bạn nói rất đúng, có lẽ khi càng lớn tuổi người ta thường nhớ và nhắc đến những chuyện xa lắc xa lơ như nuối tiếc một thời đã mất!
05 Tháng Mười 2012(Xem: 19114)
Xin chuộc lỗi Người, với lời thề son sắc. Xin nguyện Một Đời với Đất Mẹ cưu mang Xin được làm Đất Vàng, Nước Bạc, Bón cho cây, cho trái nở Hoa Tình./.
04 Tháng Mười 2012(Xem: 24283)
Ước mong hàng thức giả trong, ngoài nước dõng mãnh đứng lên vì Đại Nghĩa Dân Tộc dẫn dắt toàn dân tiến bước, dứt trừ hoạn họa cộng sản tham tàn
03 Tháng Mười 2012(Xem: 18682)
30 tháng 4 năm 1975. Đây là ngày mà không ai có thể quên được đến khi nhắm mắt lìa cõi trần gian đầy mồ hôi, nước mắt và xương máu, nhứt là với những chiến binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
03 Tháng Mười 2012(Xem: 18476)
Ai dè, đúng 4 tháng, vâng, đúng 4 tháng thôi, bà vợ đã có một ông chồng khác trong nhà. Làm sao mà hay như vậy thì không ai biết! Tôi xót xa nghĩ đến những gì đã nói với bà Mỹ về người Việt Nam hôm nọ.
03 Tháng Mười 2012(Xem: 17902)
Bây giờ cậy vào đồng tiền và quyền thế đã là “mốt” thời thượng rồi cháu ạ! Mọi chuẩn mực giờ đây là dựa vào:” có bao nhiêu tiền và có ai đỡ đầu không “.
29 Tháng Chín 2012(Xem: 23316)
Cho dù anh chỉ còn hơi thở cuối cùng. Anh hãy cố vươn lên mà sống! Vì xung quanh anh còn có bạn bè. Sau lưng anh còn tình đồng nghĩa đội
28 Tháng Chín 2012(Xem: 24636)
Cái thằng hàng xóm im lặng đứng chờ trước ngạch cửa chỉ để nhìn con bạn gái thôi, không hiễu là bao nhiêu ngày tháng năm của tuổi dại khờ.
27 Tháng Chín 2012(Xem: 22357)
Vậy đó, nên nhỏ bạn mới rầy tôi, “có gì đâu, mà mày cứ cầm chi lâu nỗi nhớ?”, thế mà nó đâu biết, nó lại là người vừa nắm lấy bàn tay tôi, mở ra, đặt thêm vào đấy một vùng kỷ niệm ngọt ngào.
26 Tháng Chín 2012(Xem: 19064)
Tôi ngượng ngùng kéo vạt áo chùi vội vàng hai dòng nước mắt! ''Đã bảo đừng khóc mà bây giờ như thế này, tệ thật đó !''. Nước mắt vừa chùi đi thì hai dòng khác lại trào ra khóe mắt rồi, biết làm sao bây giờ? Thời gian có chờ đợi ai đâu?
26 Tháng Chín 2012(Xem: 24035)
Mùa Thu luôn đầy ắp kỷ niệm vì nó là mùa tựu trường để bạn bè vui mừng gặp lại nhau sau ba tháng Hè rong chơi. Mùa Thu cũng mang đến nhiều kỷ niệm vì nó thường bắt đầu cho một chuyện tình
23 Tháng Chín 2012(Xem: 19673)
Em thẫn thờ đặt bàn tay lên ngực trái, nơi tim em đang lạc một nhịp rồi. Anh ơi ''DÙ CHO MƯA, XIN ANH ĐƯA EM, ĐẾN CUỐI CUỘC ĐỜi'', niệm khúc cuối cùng em gởi cho anh đó, người thơ, tình thơ của em…
21 Tháng Chín 2012(Xem: 21672)
Trong nỗi bàng hoàng sửng sốt của toàn thể người dân Hoa Kỳ, trong sự xúc động của cả nhân loại vào cái ngày đại hoa ấy, còn có những nỗi đau âm thầm riêng lẻ mà đôi khi người ta đã bỏ quên
19 Tháng Chín 2012(Xem: 21851)
Nỗi dịu dàng của mùa thu dễ làm người ta da diết. Bỗng dưng tôi thèm được nhắm mắt, thiếp đi trong những bàng hoàng nhớ nhung bủa vây không duyên cớ này.
19 Tháng Chín 2012(Xem: 28434)
Càng đọc tôi càng tin chắc đây là thông tin mình muốn tìm. Xúc động oà vỡ. Run rẩy. Tôi không dám tin đây là sự thật. Tôi định thần đọc đi đọc lại bài báo để biết chắc mình không nằm mơ.
18 Tháng Chín 2012(Xem: 21157)
Mọi sự đau khổ đều bắt nguồn từ vô minh. Vì vô minh, không thấy được thực tại, không thấy được tính chất vô thường của sự vật nên chúng ta tự tạo đau khổ cho mình và người
15 Tháng Chín 2012(Xem: 21831)
Khoảnh đất tuổi thơ tôi nhỏ bé nhưng hết sức diệu kỳ. Tôi muốn được dang tay ôm lại nhiều lần, ôm thật chặt… Bởi tôi sợ mai đây, tôi sẽ tiếc ngậm ngùi! Tôi phải bước ra rồi… nhưng cửa ngõ thiên đường tôi không đóng… tôi chỉ khẽ tay khép cửa thiên đường …