VÀNG VÀ MÁU
VĂN QUANG – VIẾT TỪ SAI GON
Xin long trọng minh xác ngay rằng bài này không có “nhã ý” chôm nguyên văn tiểu thuyết trinh thám rất nổi tiếng của nhà văn Thế Lữ từ thời Tự Lực Văn Đoàn xa xưa (*).

Cũng như nhiều quốc gia Á châu, vàng ở Ấn Độ cho đến nay vẫn là thứ trang sức nhiều giá trị (của hồi môn, tích trữ, chứng tỏ đẳng cấp giàu nghèo...). Ở Trung Quốc xưa và nay, vàng là bản vị của sự tiết kiệm, lặng lẽ vươn lên để trở thành “tiểu gia”, “đại gia” của người dân. Vậy nên, vàng được coi là một phần máu thịt của người dân, có thể nói đó cũng là đặc trưng của văn hóa phương Đông. Những “tử huyệt” của nền kinh tế Việt Vàng ngày nay vẫn giữ nguyên những giá trị then chốt đó trong hầu hết những gia đình người Việt, bất kể là quan hay dân, miễn là có tí tiền tích cóp được. Tôi không kể đến những nhà tài phiệt, những quan tham, những “đại gia vĩ đại” do thời thế tạo nên, họ có đủ cách để giữ tiền qua các ngân hàng nước ngoài, tích trữ từng bó đô la như bó rau muống. Tuy nhiên, vàng vẫn có một ví trí vững vàng trong két sắt của họ. Khi đồng tiền mất giá, tất cả những kiểu tiết kiệm, kiểu làm ăn không sinh lời, nhiều rủi ro thì cất vàng trong tủ, chôn vàng dưới nền nhà là cách an toàn nhất. Tất cả là do mất niềm tin vào những đổi thay của nền kinh tế suy thoái chung trên toàn thế giới và nhất là tại VN. Từ biện pháp hành chánh này đến biện pháp hành chánh khác tung ra để cứu vãn lạm phát, cứu vãn cái kho nợ xấu khổng lồ của hầu hết các ngân hàng, cứu vãn những doanh nghiệp nằm chết trên đống vàng gồm hàng loạt nhà cửa đồ sộ làm ra rồi không bán được hoặc cứu vãn những cái kho chứa đầy hàng sản xuất ra nằm ế mốc ế meo. Rồi cứu vãn 400 tấn vàng (hay cả ngàn tấn, không có cách gì kiểm tra hết) nằm chết trong dân làm cho tài hóa không lưu thông, tiền thiếu, vàng thừa nhưng không huy động được… Bằng ấy cái mà nhiều nhà kinh tế học, thích nói chuyện “kinh tế vĩ mô”, gọi là “tử huyệt của nền kinh tế VN”. Những “tử huyệt” đó đang làm đau đầu, bấn xúc xích những chuyên gia, những bộ trưởng chịu trách nhiệm về nền kinh tế tài chánh của VN. Quốc Hội có quá nhiều vấn đề vô cùng quan trọng để thảo luận, để xem xét và để tìm ra quyết sách. Một số lớn người dân ít phải lo đến cơm gạo áo tiền hàng ngày, theo dõi kết quả cụ thể của những vị đại diện cho dân đã làm được những gì, sẽ làm những gì và họ “tiên đoán” tương lai sẽ ra sao. Từ đó họ có niềm tin hay không. Người dân có cảm tưởng Quốc hội hiện nay đang bị tràn ngập về những “tệ nạn” như bệnh kinh niên tham nhũng trở nên “quá xá” rồi, tưởng như ung thư đến thời kỳ thứ tư, vô phương chạy chữa. Đến chuyện những con đập vỡ làm người dân hoảng hốt chỉ lo ôm đồ chạy. Rồi đến chuyện bỏ phiếu tín nhiệm mở đường cho “văn hóa từ chức” và bãi chức, chuyện lấy tiền đâu tăng lương… Quả là “một rừng” công việc, nặng như trái núi đang làm ngăn trở sự tiến hóa của dân tộc mà những ông đại biểu cho dân phải giải quyết. Nhưng ở đây, tôi chỉ điểm lại những vấn đề về “vàng và máu” như tiêu đề đã nêu. Nhà nước độc quyền vàng, dân chịu thiệt nặng Người dân đi mua vàng, ai cũng biết vàng SJC có thương hiệu uy tín và có thị phần lớn từ rất nhiều năm nay. Nhưng không phải ai cũng mua vàng có nhãn hiệu SJC. Người dân còn mua nhiều nhãn hiệu khác như AAA, PNJ, SBJ, Rồng Thăng Long của Cty Bảo Tín Minh Châu, giá cả chỉ hơn kém nhau chút ít không thành vấn đề. Vàng nào cũng là vàng, mỗi khi cần tiêu, chỉ việc mang ra các cửa tiệm vàng bán lại là xong. Nếu cẩn thận hơn, họ mang hóa đơn, có khi không cần hóa đơn, đến cửa tiệm mua vàng cũ, bán lại. Khi có lời, khi thiệt vài ba trăm ngàm tùy theo thời giá. Nếu Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) để thị trường tự quyết định thì sẽ không có gì xáo trộn. Việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng là hợp lý nhưng sau khi chọn SJC là đơn vị gia công duy nhất vô tình tạo tâm lý rằng chỉ có vàng miếng SJC là được tin cậy, còn các thương hiệu khác là “đồ bỏ”. Điều này khiến thị trường xáo trộn với hàng loạt hành động sùng bái vàng SJC. Người dân tá hỏa tam tinh, nôn nóng chuyển đổi vàng “phi” SJC (tức là vàng không mang nhãn hiệu SJC) sang SJC, chen nhau đi kiểm định vàng. Rất dễ hiểu, đang có vàng trong tay bỗng chốc trở thành… vàng không có giá trị bởi không phải là vàng SJC. Ai mà không đau, ai mà không hoảng hốt. TS Nguyễn Đại Lai, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, đã ví von: “Nếu giá trị của vàng trên thế giới được đo bằng tuổi vàng thì với thị trường vàng trong nước, do cơ chế cấm “nửa vời” nên tuổi của vàng miếng không quan trọng bằng miếng vàng đó mang nhãn hiệu gì. Vàng SJC như được khoác trước “chiếc áo vinh quang” sẽ trở thành vàng chính hiệu “SBV” - là thương hiệu của NHNN…”. Vừa mất thì giờ vừa bất an Ngay cả chuyện chuyển đổi vàng miếng cũng khiến dân mệt mỏi. NHNN nhiều lần khẳng định vàng các thương hiệu khác được chuyển đổi dễ dàng. Thực tế không như vậy. Người dân đổ xô đến dập vàng thì cũng phải chờ đợi phiền phức, bởi phải chờ SJC kiểm định. Thị trường đâm ra khan vàng SJC trong khi vàng các thương hiệu khác thì số phận hẩm hiu. Rồi khi thị trường suốt hai tuần liền xuất hiện hàng trăm miếng vàng nhái thương hiệu SJC thì đến ngày 25-10, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng mới khẳng định: “Các thương hiệu vàng miếng khác đã được cấp phép vẫn được lưu thông bình thường. Do đó, việc có chuyển đổi sang vàng SJC hay không là quyền của người sở hữu, người dân cần bình tĩnh trước các thông tin, cân nhắc cẩn thận để tránh thiệt hại cho mình”. Nói vậy nhưng liệu có người dân nào đi chọn mua một thứ tài sản vàng “phi” SJC để vừa mất lợi nhuận lại vừa gánh chịu những việc “tào lao” khác. Người dân vừa mất thời gian chuyển đổi, tinh thần lại bất an.



02-11- 2012
Văn Quang – 01- Vàng giả SJC (trái) so sánh với miếng vàng SJC thật.
02: Máy dập vàng miếng thành vàng SJC, mỗi ngày cũng kiếm vài triệu đồng 03: Khách hàng ngồi chờ được kiểm định, ép bao bì vàng SJC tại Công ty SJC ngày 24-10 -2012. * “Vàng và máu” là tập truyện đầu tiên của Thế Lữ (1934), là tác phẩm tiêu biểu và thành công nhất của ông ở thể loại trinh thám, đã trở thành một hiện tượng mới lạ ngay từ khi ra đời và để lại dư âm đến nhiều năm sau.
Tôi gửi đến các bạn bài "VÀNG VÀ MÁU". 04-11-2012
Văn Quang
Gửi ý kiến của bạn