4:46 SA
Chủ Nhật
28
Tháng Tư
2024

GIỌT MƯA TRÊN TÓC - TIỂU TỬ

07 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 18351)

 blank 

Đường Hai Bà Trưng. Chiều. Một trai một gái tuổi độ 17,18, đạp xe về hướng Tân Định, đi song song.

Bỗng, trời nổi gió ào ào rồi mây đen kéo về vần vũ. Mọi người đều hối hả, đi như chạy, để tránh mưa. Đứa con trai giục:

 - Đạp lẹ lên Kim ! Qua khỏi đoạn này mới có chỗ đụt.

Đứa con gái gật đầu, chồm lên nhấn mạnh bàn đạp, nhưng chỉ vài phút sau mưa đã rơi lắc rắc xuống hai đứa làm chúng nó cười lên hăng hắc, cái cười hồn nhiên thanh thoát khi thấy mình bị mưa đuổi kịp, cái cười còn nguyên nét trẻ con trong trò chơi "cút bắt" ! Chúng nó vội tấp vào mái hiên một tiệm giày. Sau khi dựng xe đạp lại ngay ngắn, Kim nhìn bạn, hơi ân hận:

 - Tại Nghĩa đợi Kim mới bị mưa ướt đó. Phải hồi nãy Nghĩa đạp đi trước thì đâu có sao ?

Đứa con trai tên Nghĩa vừa nhìn quanh vừa trả lời, người hơi lắc qua lắc lại giống như cành cây đong đưa trong cơn gió thoảng:

 - Mình đi chung mà Kim.

Nghe bạn nói, Kim yên lặng nhìn ra mưa mà nghe lòng thật ấm cúng. Sự nhạy cảm của người con gái ở tuổi đó đã giúp Kim nhận thấy một tình yêu nho nhỏ đang nhen nhúm giữa hai đứa, một "cái gì" vừa nhẹ nhàng vừa tinh khiết, mà lại vừa thật là rung động. Một "cái gì" cứ bắt phải cần có nhau; một "cái gì" cứ bắt phải nghĩ đến nhau. Một "cái gì"... Một "cái gì"... Không biết nữa ! Kim cảm thấy nóng hai vành tai. Kim nhìn xuống chiếc áo bà ba trắng đang dán vào người từng mảng nhỏ. Tự nhiên, Kim khoanh tay lại che ngực, rồi tự trách thầm: "Phải nghe lời má đội nón thì bây giờ đã có cái gì để ôm cho đỡ ngượng. Con gái gì mà đi đâu cũng đầu trần ! Cho đáng...". Thật ra, Kim thấy đội nón bực bội quá, cứ nghe ngứa ngáy trên đầu như mấy ngày chưa gội và sau đó khi lấy nón ra tóc cứ như bị dán keo nằm nhẹp xuống coi thật chướng mắt. Cho nên, thảng hoặc có đi đâu với má thì Kim cầm theo cái nón lá cho khỏi bị rầy, kỳ dư là đi đầu trần – dù đi học hay đi lao động cũng vậy. Thành ra, tóc Kim bồng lên thật đẹp, đen huyền xõa xuống ngang vai, chao qua chao lại khi Kim nghiêng đầu và lúc nào cũng tự do phất phơ theo chiều gió. Mấy thằng bạn cùng lứa – nhứt là Nghĩa – thường hát ghẹo: "Nắng lên, gió lên cho tóc em bồng..." Và Kim thấy hãnh diện với "mái tóc em bồng" đó.

 Cơn mưa thật lớn. Vỉa hè, mặt đường... đều lai láng nước. Làm như là nước từ dưới đất dâng lên !

Bên kia đường là nhà thờ Tân Định với bức tường cao kéo dài. Bên này, chỗ nào có mái hiên là có người đứng đụt. Cách chỗ hai đứa đứng vài căn phố là tiệm nước mà phía trước là chiếc xe mì với hàng ghế đẩu đứng trong mưa chờ khách.

Mái hiên chỗ hai đứa đụt bỗng nghiêng triền qua một bên, đổ ào nước xuống như một dòng thác. Không bảo nhau mà cả hai đứa cùng nhảy lùi vào trong và cùng đứng về phía mái hiên không đổ nước. Khoảng trống không bị ướt dưới mái hiên bây giờ thu hẹp lại chỉ còn một góc nhỏ vừa đủ cho hai đứa đứng. Không đứng sát vào nhau, nhưng đứng thật gần nhau...

Nghĩa quay nhìn phía sau : cửa lưới sắt tiệm giày đóng im lạnh ngắt. Bên trong tủ kiếng, kệ hàng trống bốc, bụi đầy. Nhìn sang Kim, Nghĩa nói:

 - Kim biết không ? Ông chủ tiệm giày này đã đưa gia đình vượt biên cách đây ba bốn tháng...

 - Sao Nghĩa biết ?

Kim ngạc nhiên, bởi vì nhà Nghĩa ở xóm Chi Lăng, còn đây là chợ Tân Định.

Nghĩa chỉ tay sang nhà thờ:

 - Con nhỏ em của Nghĩa học ở trường nhà thờ bên kia. Chiều nào Nghĩa cũng tới đón nó. Trong khi chờ đợi, nghe mấy anh xích lô nói chuyện với nhau mới biết.

 - Họ đi thoát không ?

 - Không biết nữa. Mà không phải có tiệm giày đi thôi đâu. Cả dãy phố này đều lần lượt chui hết. Cho nên nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm, Kim thấy không ? Nhà Nước tịch thâu lâu rồi sao không thấy cấp cho ai hết.

Kim nhìn ra mưa, bâng khuâng:

 - Không biết họ đi có thoát không ?

 Im một lúc, bỗng Nghĩa ngập ngừng hỏi nhỏ:

 - Gia đình Kim có định... có định... đi không Kim ?

 Kim nhìn bạn, nửa ngạc nhiên, nửa dò xét. Rồi khi thấy không có gì khác lạ trên gương mặt của người bạn trai, Kim thở dài nhìn ra mưa :

 - Gia đình Kim mà đi đâu, Nghĩa ! Chạy gạo hằng ngày thì lấy vàng đâu mà đi chui ?

Nghĩa bối rối, người hơi lắc lư:

 - Thì... hỏi là hỏi vậy thôi, chớ Nghĩa cũng biết...

Ba của Kim làm thầy giáo. Hồi thời "ngụy", bị động viên, rồi chạy chọt được biệt phái trở về đi dạy học – để khỏi đi đánh giặc. Qua trào Việt Cộng, hai chữ "biệt phái" đã làm cho chúng nghi là CIA nên bắt đi học tập từ đó đến giờ. Ở nhà, má và chị Hai của Kim chạy ngược chạy xuôi lảnh đồ về may để nuôi năm miệng ăn và góp nhóm chút đỉnh để lâu lâu đi thăm ba của Kim một chuyến. Cho nên, nói chuyện "lo đi vượt biên" cũng như chuyện xuống biển mò trăng...

Bên gia đình Nghĩa cũng không hơn. Ngày xưa, ba Nghĩa làm kế toán ngân hàng, bây giờ đan giỏ chầm nón ở tổ "Mây Tre" Phú Nhuận với má Nghĩa. Hai ông bà sáng đi tối về, đèo nhau trên xe đạp. Nghĩa và con nhỏ em đi học, tối về dán bao giấy bỏ mối cho mấy bà ngoài chợ gói hàng. Bữa cơm gia đình thường là tương chao hoặc ba cái trứng luộc dầm nước mắm. Chuyện "vượt biên" đúng là chuyện mò trăng đáy biển !

Bỗng Kim nhìn Nghĩa, một thoáng tinh ranh nằm trong ánh mắt:

 - Còn Nghĩa ? Có tính đi không ?

Nghĩa phì cười, miệng rộng huệch:

 - Kim trả thù hả ?

Kim cười bằng mắt, nhái lại câu của Nghĩa khi nãy, người cũng nhẹ lắc lư:

 - Thì... hỏi là hỏi vậy thôi.

Không bảo nhau mà cả hai cùng phá lên cười, cái cười che giấu sự sung sướng bên trong của mỗi đứa, cái cười của những người cùng cảnh ngộ gặp nhau, cái cười không phải của niềm vui mà là của sự an ủi. Rồi chúng nó nhìn nhau một thoáng, trước khi quay nhìn đi nơi khác để cảm thấy thật gần gũi nhau vô cùng.

Mưa thôi ồ ạt nhưng vẫn chưa dứt hột thì nửa vùng trời đã hé nắng ở đằng kia. Ánh nắng xiêng xiêng thật sáng, thật trong làm như vừa được mưa lau sạch bụi ! Nắng chiều mà giống như nắng sáng.

Nắng xuyên mưa đổ xuống chỗ Kim và Nghĩa, giống như vệt đèn pha sân khấu. Nghĩa nhìn Kim đứng trong vùng ánh sáng đó bỗng nhớ tới vở kịch thần thoại Liên Xô mà hai đứa đóng trong trường cách đây mấy tháng, trong đó Nghĩa làm người cùng khổ còn Kim là bà tiên áo trắng, mái tóc đầy kim tuyến lấp lánh như kim cương. Bây giờ, những giọt mưa đọng lại trên tóc Kim cũng lấp lánh như kim cương trong tia nắng chiều nghiêng chụp xuống. Đẹp quá !

Kim chợt bắt gặp cái nhìn ngây dại của bạn, nóng bừng hai tai.

 - Nhìn gì kỳ vậy Nghĩa ?

Nghĩa giật mình, người hơi lắc lư:

 - Nghĩa đang nhìn mấy giọt nước trên tóc Kim. Nó... Nó...

Kim mỉm cười, lắc mạnh đầu mấy cái rồi đưa hai tay vuốt tóc tém vào ót. Tóc được gom lại, dính vào nhau thành một cái đuôi cong cong.

Nghĩa tiếp:

 - Nó giống như kim cương. Thật giống kim cương. Uổng quá !

 - Cái gì uổng ?

Kim ngạc nhiên hỏi. Nghĩa đang tiếc rẻ hình ảnh đẹp của Kim khi nãy với những giọt mưa trên tóc, bất ngờ bị hỏi vặn, không biết phải trả lời làm sao. Nghĩa đưa tay gãi ót, chặc lưỡi:

 - Thì...

Mắt Nghĩa bỗng sáng lên, mặt hí hửng. Một ý nghĩ vừa thoáng qua trong đầu, Nghĩa chụp lấy như người sắp chết đuối chụp lấy cái phao:

 - Uổng quá chớ ! Nếu là kim cương thiệt thì Kim dư sức đưa gia đình đi vượt biên rồi.

Rồi Nghĩa cười lên ha hả, cái cười của người vừa thoát nạn. Kim cũng cười theo bạn, nhưng cười vì cái ý nghĩ ngộ nghĩnh bắt nguồn từ những giọt mưa trên tóc.

Trời cũng vừa hết mưa. Đường phố khi nãy vắng tanh, bây giờ đầy người trở lại. Làm như mưa ngừng cho nước rút xuống để rừng người mọc lên ! Nghĩa và Kim nhập vào đoàn người đạp xe về ngã Phú Nhuận. Không khí sau mưa mát rượi. Hai đứa đều có cảm giác như mặt mũi mình vừa được rửa sạch trong cơn mưa.

Đến ngã tư Phú Nhuận, Nghĩa vẫy tay chào bạn:

 - Thôi, "bye" nghe Kim.

Rồi cắm đầu đạp nhanh về hướng Gia Định trong lúc Kim quẹo sang trái để về cổng Phi Long. * * * 

...Sau bữa cơm tối, ba gọi Nghĩa và con nhỏ em vào buồng, kéo ngồi xuống chiếc chiếu trải dưới đất, vẻ nghiêm trọng, thấp giọng nói:

 - Hổm rày ba má giấu tụi con. Bây giờ, tới lúc phải cho tụi con biết. Khuya nay mình vượt biên.

Nghĩa cảm thấy choáng váng mày mặt, mồ hôi đổ ra như tắm. Trước mắt Nghĩa bỗng là một khoảng trống không mơ hồ. Nghĩa không còn thấy ba. Nghĩa không còn thấy em. Nhưng Nghĩa còn loáng thoáng nghe tiếng ba nửa xa nửa gần:

 - Ba sẽ chở má. Nghĩa chở em. Mình đạp xuống cầu Kinh, bỏ xe ở nhà bác Tám rồi băng ruộng ra bờ sông cách đó chừng năm trăm thước. Ghe chờ ở đó. Tụi con đừng đem gì theo hết. Cứ đi tay không như mình đi thăm bác Tám vậy. Hiểu chưa ?

Nghĩa gật đầu như người máy, nhưng Nghĩa không hiểu. Thật tình không hiểu ! Ba má vẫn hay than vắn thở dài: "Phải chi nhà mình có chút đỉnh gì để liều một chuyến vượt biên như thiên hạ coi ra sao". Khi gặp bạn bè, ba thường chép miệng: "Tôi mà biết bị kẹt lại như vầy, tôi đã đưa gia đình di tản cha nó hồi bảy mươi lăm rồi ! Bây giờ thì thôi. Đành muôn năm ở lại với Bác !". Vậy mà bây giờ... bây giờ... Nghĩa không hiểu ! Thật tình không hiểu ! Mới hồi nãy đây, còn đứng đụt mưa chung với Kim, còn đùa nhau về chuyện vượt biên – lý do để hai đứa thấy gần nhau hơn nữa – còn đạp xe song song trên đường dài – dù đường dài có dài thăm thẳm chắc hai đứa lúc nào cũng đạp xe song song... Vậy mà bây giờ... bây giờ... Sao nó giống như ngã tư Phú Nhuận, mỗi đứa đi về một hướng, hai hướng ngược nhau trên một đường thẳng, nghĩa là chẳng bao giờ gặp lại nhau dù có kéo mãi về vô tận. Và những giọt mưa trên tóc. Ờ... những giọt mưa trên tóc ! Những gì hồi nãy mới thấy đây, mới hiện diện đây, những rung động, những cảm nhận thật rõ ràng mới đây, hồi nãy, khi đứng đụt mưa với Kim dưới mái hiên tiệm giày... bây giờ sao giống như giọt mưa trên tóc, chỉ một cái lắc đầu đã rơi mất trong không gian ! Còn Kim ?... Kim ?... Kim sẽ làm sao ? Một câu hỏi thật ngớ ngẩn nhưng nói lên chiều sâu của tình yêu vừa chớm, thứ tình yêu chưa rõ nét như bước chân chập chững của trẻ thơ, thứ tình yêu còn thơm mùi giấy mực học trò, còn thật thà như đọc cửu chương hai ! Nghĩa bỗng thấy cần phải gặp Kim. Gặp ngay bây giờ. Không biết để làm gì, nhưng phải gặp. Không biết sẽ nói cái gì, nhưng cứ gặp trước cái đã. Có một cái gì thúc đẩy từ bên trong. Có một cái gì kêu gọi từ bên ngoài. Nghĩa không hiểu nữa. Cảm thấy thật cần thiết, thật cấp bách !

Nghĩa bước ra phòng khách, với tay lên kệ lấy đại hai quyển sách gì đó rồi nói với ba đang soạn giấy tờ trên bàn:

 - Con đem trả sách cho thằng Tuân.

Khi thấy ba nhìn mình soi mói, Nghĩa tiếp:

 - Trả cho nó học.

Ba gật đầu:

 - Ờ... Nhưng ba cấm con nói "chuyện đó" với bất cứ ai, dù là bạn thân cũng vậy. Nghe chưa ?

Nghĩa gật đầu, đẩy xe đạp ra sân. Ba nói với theo:

- Trả rồi về ngay nghe con, Nghĩa.

 Nghĩa '' dạ '' rồi phóng lên xe, đạp thật nhanh. Trên đường Phan Đăng Lưu (Chi Lăng cũ), Nghĩa ném hai quyển sách vào một đống rác rồi đi thẳng.

Nhà Kim ở xóm cổng Phi Long. Nghĩa vẫn quen lui tới. Vậy mà bây giờ sao thấy nó xa thăm thẳm. Mặc dù xe đã lao nhanh nhưng Nghĩa vẫn có cảm tưởng như hãy còn quá chậm. Nghĩa vừa nhấn mạnh bàn đạp vừa nghĩ miên man: "Không biết phải nói làm sao đây ? Ba đã cấm thì mình làm sao nói ? Mà không nói làm sao Kim hiểu ? Không biết mình đi có thoát không ? Rồi cuộc đời sẽ ra sao ? Không có Kim mình sẽ ra sao ? Còn Kim ? Kim sẽ ra sao ? Ra sao ?... Ra sao ?...". Thật nhiều câu hỏi để không có được một câu trả lời. Người con trai đó cảm thấy thật chơi vơi, tất cả đều vuột khỏi tầm tay, tất cả đều vượt khỏi tầm suy luận của nó, nó không hiểu được gì hết, không chủ động được chuyện gì hết ! Lần đầu tiên, người con trai đó nhận thấy cuộc đời này quá nhiều rắc rối chớ không đơn giản như những bài toán ở trong trường, mà mình thì giống thằng học trò dốt nhìn tấm bảng đen thấy nó rộng bằng cái sân banh...

Khi Nghĩa vừa thắng xe trước cổng nhà Kim thì con chó chạy ra sủa mấy tiếng rồi chồm lên cửa sắt vẫy đuôi mừng. Có tiếng má của Kim hỏi vọng ra:

 - Ai đó ?

 - Dạ thưa cháu.

Nghĩa trả lời.

 - Nghĩa hả ? Đi đâu tối vậy ?

Rồi đèn dưới hiên được bật lên, một bóng đèn nhỏ xíu tỏa ánh sáng vàng vọt như ánh sáng cây đèn dầu. Má của Kim bước ra mở cổng:

 - Cháu ngồi chơi. Em nó tắm rồi ra bây giờ. Bác còn phải vô mai tiếp mớ đồ để mai giao...

Nghĩa "dạ", rồi dựng xe vào tường rào. Con chó chạy lại quắn quýt mừng rồi chạy vào trong sủa mấy tiếng như để báo là nhà có khách ! Nghĩa nhìn quanh: nhà vắng teo, chỉ nghe có tiếng máy may xành xạch đều đều. Nghĩa nghĩ: "Chắc mấy đứa nhỏ về dưới quê hết rồi. Chớ không thì đã chạy ào ra mừng như mọi khi". Sân nhà Kim tuy nhỏ nhưng tráng xi măng sạch sẽ. Ở góc sân có cây mận khá lớn, tàng gie ra phủ lấy sân như cây lộng. Dưới gốc mận, có mấy gộc củi to đặt đứng để làm ghế ngồi. Trên thân cây mận, hãy còn treo mấy giỏ phong lan mà ba của Kim trồng hồi đó.

Khi Nghĩa vừa ngồi xuống cạnh gốc mận thì Kim cũng vừa bước ra hiên nhà. Tóc Kim chải ngược về phía sau, để lộ khuôn mặt đều đặn với đôi mắt ngời tinh anh. Kim dừng ở hiên một chút... như để định hướng, rồi mới bước tiếp ra sân. Chỉ trong một thoáng đó thôi – một thoáng dừng lại của Kim – Nghĩa bỗng thấy không gian chìm mất chỉ còn lại gương mặt của người bạn gái là hiện hữu, là sinh động, là rạng rỡ... Nghĩa thấy gương mặt đó thật rõ, thật sáng. Thấy mái tóc hãy còn láng nước, tóc mai còn dán vào má vào tai. Thấy vầng trán rộng, thấy đôi mày dài. Thấy ánh sao trong mắt, thấy nét cười phớt nhẹ làn môi... Chỉ trong có một giây thật ngắn ngủi – như một chớp mắt – mà sao ngần đó nét, ngần đó chi tiết được Nghĩa nhìn thấy hết, thâu nhận rõ hết. Phải chăng đó là hình ảnh của Kim mà Nghĩa muốn ghi lần cuối cùng vào tim vào óc ? Ghi lấy để giữ lấy mãi mãi, bởi vì, sẽ không còn có lần nào khác nữa để Nghĩa được nhìn Kim như bây giờ...

Kim vừa bước về hướng Nghĩa, vừa hỏi:

 - Ủa ? Đi đâu mà tối vậy Nghĩa ?

Yên lặng. Từ cái thoáng dừng lại khi nãy của Kim, từ cái thoáng đặt hết tâm tư vào gương mặt của người bạn gái, Nghĩa không còn cảm nhận được sự hiện diện của mình. Tiếng của Kim, Nghĩa nghe loáng thoáng như trong chiêm bao.

Nghĩa chỉ sực tỉnh khi Kim đã ngồi đối diện. Người con gái đó có dáng ngồi thật thẳng, thật ngoan, thật dễ thương với hai bàn tay đặt nằm thoai thoải trên đầu gối. Ở Kim, toát ra một cái gì vừa tươi mát vừa tinh khiết, lại vừa trầm lặng với sức sống căng đầy. Nghĩa cảm thấy bối rối, không biết phải nói cái gì, nói làm sao, rồi miên man nghĩ: "Chắc Kim sẽ buồn lắm khi nghe mình nói. Chắc Kim cũng sẽ... cũng sẽ đau khổ lắm khi biết mình đi. Bây giờ còn ngồi đây với nhau chớ lát nữa đây, rồi ngày mai, rồi mãi mãi sẽ không còn gặp nhau nữa. Vĩnh viễn không gặp nhau nữa. Vĩnh viễn... Vĩnh viễn...". Nghĩa thấy thương Kim. Nghĩa thấy thương Nghĩa. Nghĩa thấy thương hai đứa. Nghĩa muốn khóc ! Nghĩa không dám nhìn thẳng mặt Kim. Nghĩa nhìn đôi bàn tay thon nhỏ của Kim, đôi bàn tay ngoan hiền nằm trên đầu gối. Đôi bàn tay đó đã từng vẫy gọi Nghĩa trong đám đông, đã từng vỗ vào nhau thành nhịp khi Nghĩa đàn, và một hôm, đã từng kết lại giùm Nghĩa cái nút áo, sau một lần vật lộn với bầy em của Kim. Đôi bàn tay đó, rồi đây, suốt cuộc đời về sau, Nghĩa sẽ không còn được cầm lấy, nắm lấy, hay nhìn thấy, dù là trong giấc mộng. Không tự chủ được, Nghĩa nghiêng người tới cầm lấy hai bàn tay của Kim. Một cử chỉ thật đột ngột làm Kim sửng sốt định rút tay về, nhưng khi thấy Nghĩa chẳng có nét gì sỗ sàng nên để yên. Nghĩa giữ tay Kim trong tay mình như giữ một vật gì đẹp nhứt, quí nhứt của cuộc đời này. Như hơi thở. Như nhịp tim. Như tình yêu... tình yêu... tình yêu...

Yên lặng. Nghĩa ngồi như pho tượng. Lưng khom khom, đầu chút xuống, cùi chỏ chống lên đùi làm hai vai nhô lên. Kim không nhìn thấy mặt Nghĩa, nhưng Kim "nhìn" thấy tâm tư của Nghĩa trong đôi bàn tay và trong dáng ngồi của bạn. Đôi bàn tay muốn nắm thời gian ngừng lại và dáng ngồi nói lên niềm thống khổ vô biên...

Yên lặng. Rồi có tiếng Kim hỏi, thật trầm tĩnh:

 - Nghĩa đi hả ?

Không có tiếng trả lời. Nhưng Nghĩa gật gật đầu, cái đầu đã ở sẳn tư thế cúi thấp xuống của một người nhận chịu số phận ! Rồi vai Nghĩa bỗng run run, Nghĩa gục xuống tay nấc lên khóc. Bấy giờ – và chỉ bấy giờ – những ngón tay của hai đứa mới đan vào nhau, tự nhiên đan vào nhau, giữ lấy nhau, giữ chặt lấy nhau. Không biết tại sao ? Không biết để làm gì ? Mà cần gì phải biết, khi tất cả đều vô nghĩa ? Vô nghĩa !

Yên lặng. Không gian không còn nữa. Thời gian không còn nữa. Vũ trụ bây giờ nằm trọn trong lòng tay hai đứa, một vũ trụ rách nát, đau thương. Ở đó, giữa những ngón tay đan chặt vào nhau, tình yêu vừa mới sinh ra, còn măng non nhưng sao đã thấy già nước mắt....

Yên lặng. Kim không khóc. Kim vẫn ngồi thẳng, nhìn thẳng, tuy tâm hồn đã tê dại. Phải một lúc lâu sau, thật lâu sau, Kim mới trở về với chính mình để nhận thấy rằng bỗng nhiên mình già đi mười mấy tuổi ! Kim nhìn xuống Nghĩa, chỉ thấy cái đầu tóc ngắn, cái ót gầy gầy, đôi vai nhô cao. Hình ảnh cuối cùng của Nghĩa là đây chăng ? Người con trai có đôi mắt xếch xếch, có cái cười rộng huỵch làm cho một bên má lúm đồng tiền, người con trai đã làm Kim rung động, người con trai đã làm Kim xao xuyến, người con trai đó, bây giờ, Kim chỉ nhìn thấy được có cái ót và đôi vai thôi ! Rồi mai mốt... mai mốt... Một chua xót đang trạo trực dâng lên. Kim cắn môi kềm lại. Yên lặng...

Một lúc sau, Kim hỏi, giọng lạc đi:

 - Chừng nào ?

Nghĩa ngồi thẳng lên, tay vẫn không rời tay Kim, mặt còn đầy nước mắt, giọng cũng lạc đi:

 - Khuya !

Kim nhìn gương mặt méo mó vì đau khổ của Nghĩa bỗng nghe xúc động dạt dào. Kim muốn chồm tới ôm lấy Nghĩa, ôm lấy gương mặt đầy nước mắt đó áp vào má mình, ôm thật chặt, xiết thật chặt, để mọi niềm đau được cùng chia sớt, để mọi nỗi hận được cùng xẻ đôi. Nhưng Kim gượng lai, gượng lại vì lễ giáo, và gượng lại vì sợ không rời nhau ra được nữa... Trào lòng dâng dậy miên man, Kim nhắm nghiền mắt lại, siết những ngón tay của Nghĩa, siết với hết sức mình, siết thật mạnh, siết thật đau, siết như để nén một trời thống khổ, siết như để bóp vỡ một cái gì uất nghẹn trong tim, siết như đang cố gắng nuốt một liều thuốc đắng, siết như... siết như để chia tay lần cuối trước khi lìa đời… Kim cắn răng để đừng bật khóc !

Yên lặng. Lâu sau, Nghĩa buông tay Kim đứng lên, lủi thủi lại lấy xe đạp. Kim bước theo, nhẹ như một cái bóng. Kim mở cổng, tiếng cổng rỉ sét rên lên. Nghĩa dẫn xe ra, không dám nhìn lại cũng không dám nói một lời, chỉ phóng lên xe đi thẳng. Kim đóng cổng, cổng sắt lại rên lên trước khi kêu cái rầm khô khan. Kim có cảm tưởng như mình vừa bị nhốt trong tù. Ngoài kia, đã là một thế giới khác.

Khi Kim bước lên cầu thang để lên gác – cái gác lửng ba làm cho Kim ngủ và học riêng một mình trên đó – Kim bỗng nghe hai chân mình yếu đi, chẳng còn chút sức lực nào hết. Kim cố bám từng nấc thang, mồ hôi đổ ra như tắm. Lên đến bên trên, Kim chỉ còn đủ sức gieo mình xuống giường, úp mặt xuống gối, khóc ngất... Bao nhiêu nước mắt trần gian xin gởi hết cho Kim, người con gái mang tâm trạng người góa phụ .

 * * *

 Trời mưa Paris. Ở đây không có "mưa rồi chợt nắng" như ở Sàigòn. Ở đây, mưa không ngập tràn cống rãnh, mưa không đưa rác trôi quanh phường phố. Cũng không có trẻ con cởi truồng chạy giỡn trong mưa. Cho nên, chẳng có gì để gợi nhớ như mưa Sàigòn...

 Nghĩa ngồi một mình uống cà phê trong một bar ở khu Maubert. Hai cô đầm tránh mưa kéo vào ngồi bàn trước mặt. Những giọt mưa trên mái tóc vàng gợi nhớ những giọt mưa trên mái tóc đen của Kim hồi đó. Hồi đó, nghĩa là đã hơn bảy năm. Bảy năm không một tin tức gì hết của Kim, mặc dù đã gởi không biết bao nhiêu thơ, đã nhắn không biết bao nhiêu lời qua bạn bè của hai đứa ! Cứ im lìm trống rỗng, làm như những chuyện gì đã xảy ra hồi đó chỉ là một ảo ảnh, một giấc mơ….

 Những giọt mưa trên tóc hai cô đầm trước mặt vẫn lấp lánh dưới ánh đèn trong bar càng gợi lại hình ảnh Kim trong lần đụt mưa hồi đó với những giọt mưa trên tóc, rõ ràng như Nghĩa đang nhìn bây giờ. Vậy mà bây giờ….

 Nghĩa đốt điếu thuốc. Hít một hơi dài bỗng nghe khói thuốc thật đắng và làm cay chảy nước mắt !


Tiểu Tử
------------ ------

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Bảy 2013(Xem: 11605)
Màu Tím Hoa Sim là màu tang thương của một tình yêu định mệnh, một tình vợ chồng ngắn ngủi. Màu Tím Hoa Sim còn là một nỗi ám ảnh khôn nguôi của cả dân tộc về chiến tranh
27 Tháng Sáu 2013(Xem: 11006)
những chiến trường xưa, mà mãi mãi vẫn còn in bóng dáng hào hùng của bao nhiêu bè bạn, anh em - những người đồng đội cũ. Tất cả đã từng có một thời sống rất đáng sống.
27 Tháng Sáu 2013(Xem: 12434)
Cây rau dền non lá cây rau dền đỏ tía đỏ tía như màu mắt bầm máu của những ngày đông máu của những ngày sôi máu cây rau dền, cây rau dền, cây rau dền.
17 Tháng Sáu 2013(Xem: 11354)
Cô chủ đặt lá thư lên bàn, lau những giọt nước mắt trên má, miệng thì thầm, chú nói đúng lắm, "Rồi ai cũng đến nơi ta phải đi về " Thì thôi bao nhiêu Phúc Ấm Con Ban xin cũng quên đi.
06 Tháng Sáu 2013(Xem: 16858)
Năm nay tôi còn đến thăm ông ngày ông nằm xuống, biết có còn lần sau nữa không.Nợ sơn hà ông đã trả xong mà đất nước này hãy còn nợ ông một lời xin lỗi
03 Tháng Sáu 2013(Xem: 11978)
Đôi ta ngọc nữ, tiên đồng, Đôi ta Từ Thức vợ chồng Giáng Hương. Ngàn đời vẫn nhớ, còn thương: Em yêu, đã đến cuối đường
27 Tháng Năm 2013(Xem: 10826)
Tôi sống còn nhờ các chiến hữu- còn sống hay đã hy sinh- giúp tôi hoàn thành trách nhiệm của một người trung đội trưởng. Tôi tri ân họ mỗi ngày cho đến suốt đời. Tôi sẽ không quên họ. Không bao giờ!
25 Tháng Năm 2013(Xem: 12026)
Tấm ảnh chụp cách đây hơn ba mươi năm giờ đã ố vàng. Màu sắc phai theo thời gian nhưng vẫn còn sắc nét. Tôi cầm tấm ảnh như đưa tay chạm vào một phần quá khứ xa xăm
22 Tháng Năm 2013(Xem: 11573)
Lòng thấy xót xa. Bỗng bất chợt, ông nhìn lên bàn thờ, mắt ông sáng lên, rạng rỡ, khi nghĩ rồi đây bên cạnh mình còn có nắm cát của quê hương.
20 Tháng Năm 2013(Xem: 10197)
Bởi vì các con là những hình ảnh của ba. Tất cả mọi việc được mong ước tốt đẹp dành cho nếp sống hạnh phúc của gia đình mình, nhất là giữa các con và ba mẹ.
19 Tháng Năm 2013(Xem: 13726)
Nhớ quê hương, yêu mến quê hương thì lúc nào tôi cũng có. Nhưng trở về sống ở quê hương bây giờ thì dứt khoát không. Bởi cái quê hương của “riêng” tôi không còn nữa.
10 Tháng Năm 2013(Xem: 21406)
Bây giờ chúng ta cùng chung tâm sự của một kẻ đa tình, nhưng là tình yêu quê hương, tình yêu dân tộc Việt Nam vẫn đậm đà khắc sâu trong tâm tưởng.
06 Tháng Năm 2013(Xem: 11419)
Tuy anh đã ra người thiên cổ hơn nửa thế kỷ rồi nhưng những Con Thuyền Không Bến, Đêm Thu, Giọt Mưa Thu vẫn là những vì sao tinh tú sáng rực trên bầu trời ca nhạc.
03 Tháng Năm 2013(Xem: 12321)
Đôi khi con người cũng nên biết lắng nghe những lời chửi rủa mà tưởng như đang nghe nhạc... trữ tình, cuộc đời nhờ đó sẽ đỡ khổ hơn chăng?
01 Tháng Năm 2013(Xem: 12543)
Những chế độ này, chủ nghĩa nọ, cuối cùng cũng chỉ là những đám mây đen bay trên đầu. Đôi khi che ta được chút nắng, nhưng nhiều lúc đã trút bao cơn mưa lũ xuống để làm khốn khổ cả nhân gian
27 Tháng Tư 2013(Xem: 12180)
khoảng 2,3 trăm ngàn người, ngang bằng số người miền Nam chết cho 20 năm cuộc chiến, trong số những người chết đó có Ngọc và đứa con gái bé nhỏ của tôi.
25 Tháng Tư 2013(Xem: 12239)
Nếu tôi nói đã hơn một lần “tự động” ăn…phân người, có lẽ nhiều người không tin cho là tôi nói quá để kể khổ thân phận tù đầy dưới chế độ cộng sản.
15 Tháng Tư 2013(Xem: 12264)
“Bạn có hạnh phúc không?” Bạn hãy trả lời rằng :”Mình hạnh phúc. Hạnh phúc theo cách sống và những gì mình đang có trên đời này. “
14 Tháng Tư 2013(Xem: 12861)
Sau lần đó, mỗi lần nhìn thấy mẹ ngâm đậu đỏ, tôi lại lân la vào bếp với mẹ như một sự sám hối. Tôi không ngờ món chè đậu đỏ bánh lọt bình dân lại được chế biến rất cầu kỳ.
12 Tháng Tư 2013(Xem: 12728)
Người đàn ông mở to đôi mắt nhìn anh, tỏ vẻ không hiểu anh nói gì, đùa hay thật? Không muốn mất thì giờ giải thích dông dài, anh lịch sự bắt tay ông ta, rồi thong thả bước đi.
02 Tháng Tư 2013(Xem: 14190)
Hóa ra tình yêu của anh dành cho cô vẫn sâu đậm và lớn lao đến vậy. Mùa đông năm nay anh đã đổi máu của mình tặng cho cô chiếc chăn ấm, có lẽ đó cũng sẽ là chiếc chăn ấm áp nhất cô có trong đời…
26 Tháng Ba 2013(Xem: 12722)
Họ sống hòa đồng qua đồng cảnh ngộ nên rất thương yêu nhau. Chia sẻ của cải tài sản mà hàng ngày đứng đường xin được của bố thí như bánh mì, nước ngọt, cơm, xôi…
24 Tháng Ba 2013(Xem: 13669)
Nếu không có cuộc chiến Kontum, có lẽ không có dấu chân nào của tôi trên bùn lầy đất đỏ Pleiku. Dẫu là dấu chân của người lính chiến. Chợt đến chợt đi, hay có khi nằm lại vĩnh viễn trên núi rừng heo hút vô danh nào đó
19 Tháng Ba 2013(Xem: 13063)
Niềm đau ly xứ lẫn mất mát không còn gì xót xa và bẽ bàng khi nhìn thấy lá quốc kỳ vàng ba sọc đỏ bị ép phải lìa bỏ vị trí của nó. Quốc dân ly tán.
18 Tháng Ba 2013(Xem: 13839)
Anh đã phải bỏ quê hương để được sống những ngày có ý nghĩa, sống theo sở thích trên đất nước tự do này nhưng với em cuộc đời anh lại là cảnh “cơm lành canh ngọt” kiểu Mỹ có nghĩa là nhất đàn bà, nhì chó...
10 Tháng Ba 2013(Xem: 15056)
Xin đừng quên các chú nghĩa quân đã lặng lẽ hy sinh để bảo vệ tự do, dân chủ cho dân tộc Việt Nạm Xin đừng quên vợ con họ, bị bỏ lại sau lưng với cuộc đời đau khổ.
06 Tháng Ba 2013(Xem: 11720)
Thạnh bàng hoàng đứng lên nhìn cho rõ hơn khuôn mặt khắc khổ của người tù, dù đã tàn tạ mà khuôn mặt chữ điền của ông vẫn còn vướng vất rất nhiều nét kiên nghị của một người lính.
27 Tháng Hai 2013(Xem: 12851)
Làm người lương thiện bây giờ vất vả quá… biết đâu đến một lúc nào đó những nhà tù kia mới chính là địa chỉ mà người lương thiện cần đến cho mình
20 Tháng Hai 2013(Xem: 13829)
Các bạn của tôi ơi, bạn có hứa đưa ai về nơi . . . Chân Trời Tím hay không? Nếu có, thì tôi đã ghi địa danh và địa chỉ của vùng Grafton cho bạn rồi đó,
17 Tháng Hai 2013(Xem: 14273)
Nước mắt chảy dài trên má tôi, lần nầy không phải vì cái buốt đưa lên từ hai bàn chân đi đất mà là từ trái tim, khối óc chợt nhận ra cái hèn không dám chết của mình.
13 Tháng Hai 2013(Xem: 12583)
Thường luôn hỗ thẹn sám hối lỗi lầm. Dù có tu trì vẫn thấy mình khiếm khuyết. Không được kêu căng, chỉ xét lỗi mình, không vạch lỗi người
06 Tháng Hai 2013(Xem: 12394)
Ôi! lẽ nào chị là con sơn ca chỉ ngửa cổ hót chơi, lúc tung cánh lên trời xanh thì bỏ quên tiếng hót của mình, khi bị nhốt trong lồng mới cất tiếng kêu bi thảm?
24 Tháng Giêng 2013(Xem: 12571)
Tôi rùng mình, cái đẹp của ảo tưởng, làm sao tránh được sự tàn phai với bước đi vô tình và bạc bẽo của thời gian.
17 Tháng Giêng 2013(Xem: 13476)
Hugh Hefner từ năm 20 tuổi, trong 60 năm, uống rượu mạnh, hút thuốc lá, gần đàn bà. Ba lạc thú mà người đời vẫn cho là làm cho đàn ông chết sớm. Nhưng Hugh Hefner vẫn cứ không chết sớm
07 Tháng Giêng 2013(Xem: 13434)
Không có tiếng trả lời, nhưng ông Hải, với đôi mắt nhòa lệ, vẫn cắm cúi đọc những dòng trong trang sách đã mở sẵn..Trang sách của một cuộc tình đầu và cũng là một cuộc tình cuối!
28 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 16050)
Cuộc đổ quân được hoàn thành nhanh chóng. Hai cánh quân bắt đầu vào đội hình tiến chiếm mục tiêu. Tôi mở tần số làm việc và giữ liên lạc thường trực với cả hai cánh quân.
23 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 14177)
"Người ta thường ngả mủ trước tài năng, nhưng sẵn sàng quỳ gối trước lòng tốt"
21 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 15136)
Nếu không cảnh giác không dừng lại đúng lúc, họ sẽ là một thứ nô lệ mà suốt cuộc đời họ không hề biết hạnh phúc đích thực là gì. Quên bản thân, quên quyến thuộc, quên luôn cả tử thần đang rình rập
19 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 13425)
Cái khổ của tuổi già, cái khổ của tuổi trẻ, cái khổ của sự giầu sang, và cái khổ của sự nghèo khó - nơi đâu cũng chỉ có sự đau khổ.
17 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 13793)
ba hiện hữu liên hệ mật thiết dính bó với nhau: cái quan tài phủ cờ vàng ba sọc đỏ thiếu phụ vọc đất, cái lon sữa bò có cắm mấy chân nhang đỏ.
17 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 13658)
Tôi thấy thương ông già quá, đi đứng khó khăn, mà ngày nào cũng đến thăm vợ bằng xe buýt, không quản ngại nắng mưa. Những cặp vợ chồng trẻ, cũng không tình tứ lãng mạn như hai cụ già nầy
17 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 13045)
Tôi không bao giờ quên dòng máu Việt trong tôi nhưng tôi sẽ không ngồi đó nhìn non nước nầy, dân tộc nầy với một ánh mắt hờ hững, dửng dưng, một thái độ vô ơn, rẻ rúng.
15 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 13558)
Anh để lại cho em tất cả, những dòng chữ yêu thương từ hồi em còn mười bốn. Anh để lại tất cả, kể cả cái héo hắt của cây bồ đề nầy.--
14 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 14255)
tiếng gọi mà tôi đã thèm khát hàng chục năm trời: Ba ơi! Má ơi!”. Nhưng, ngay trong ngày gặp lại, Lưu Đình Triều đã cảm nhận được một “hố sâu thực sự”.
13 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 13226)
Mỗi lần nằm mộng thấy người quen tôi hay nói cho vợ biết để cùng cầu nguyện. Người trong mộng có thể là nhân vật hai đứa đều biết hay chỉ một mình tôi biết trên đời
03 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 14563)
Tôi rất vui mừng vì đã làm được một sự việc mà có sự dằn co dữ dằn trong nội tâm và kết quả là cái « phải, cái thiện » đã thắng.
30 Tháng Mười Một 2012(Xem: 14630)
Khi nhận thấy chính bản thân cũng có quá nhiều khuyết điểm, nhược điểm, người đời chắc chắn không còn dám cất cao giọng chỉ trích nhục mạ người khác
24 Tháng Mười Một 2012(Xem: 13953)
Còn phe ta! Xin cám ơn quí đàn anh đàn em, những người còn hay đã mất cho một Việt Nam thân yêu, cám ơn những đắng cay trải qua trong quá khứ lửa đạn cùng ngục tù
21 Tháng Mười Một 2012(Xem: 13632)
Trăm năm trước thì ta chưa gặp, Trăm năm sau biết gặp lại không? Cuộc đời sắc sắc không không, Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau..
21 Tháng Mười Một 2012(Xem: 13871)
nếu không gặp được hai vị trong những ngày còn lại cuối cuộc đời, Huyền vẫn mãi mang theo hình bóng hai vị Thầy khả ái đến kiếp hậu lai.