Thân cát bụi lại trở về với cát bụi, hãy biết sống để cho đi…
Có người nói rằng nếu cuộc đời là một đoạn thẳng thì thời thơ ấu và lúc về già là hai điểm nút của đoạn thẳng ấy. Còn tôi thì lại nghĩ cuộc đời giống như một vòng tròn, người ta bắt đầu tại một điểm, đi loanh quanh trong những năm tháng đầy gập ghềnh và sóng gió, cuối cùng lại trở về nơi đã sinh ra.
Có một ngày, tôi tình cờ nghe được cuộc trò chuyện giữa hai người phụ nữ khi họ thấy một cụ già chống gậy bước qua:
“Cha bà năm nay nhiêu tuổi rồi?”.
“75 rồi”, người phụ nữ còn lại đáp.
“Cái gì? Cha bà 5 tuổi thì có, chứ 75 tuổi gì, giờ mà ông ấy còn tập đi kìa!”
Tôi nhớ mẹ thường hay nói rằng người già và trẻ nhỏ giống nhau; họ đơn giản và đều cần sự chăm sóc và thương yêu. Vậy nên chăm sóc người già cũng cần cẩn thận và thấu đáo như chăm nom trẻ nhỏ.
Cha mẹ nào cũng đã từng “mang nặng đẻ đau”, vất vả, tần tảo chịu bao nhiêu khó nhọc nuôi những đứa con khôn lớn. Khi trưởng thành và lập gia đình chúng ta mới hiểu hết tấm lòng của cha mẹ mênh mông như trời biển.
Cách chúng ta đối xử với cha mẹ sẽ là hình mẫu để những đứa con sau này chăm lo cho chúng ta. Vậy nên, tất cả đều là một vòng tuần hoàn, những gì chúng ta cho đi cũng chính là những điều chúng ta sẽ nhận lại trong tương lai.
Cách đối xử với trẻ em và người già rèn luyện cho chúng ta bản tính kiên nhẫn, và là tấm gương để ta trong hiện tại nhận ra chính mình trong quá khứ và tương lai.
Nếu trong một khoảnh khắc nào đó, chúng ta thiếu nhẫn nại và cảm thông với những đấng sinh thành, hãy nghĩ rằng những ngày cuối đời của chúng ta cũng sẽ phải trải qua cảm giác như thế, để tăng thêm phần nhẫn nhường và sự bao dung.
Phật gia có một câu chuyện như thế này. Cặp vợ chồng nọ có một người mẹ già yếu và một người con trai còn nhỏ. Vì gia cảnh khốn khó và mẹ già yếu ớt khó nuôi nên vợ chồng này đóng một chiếc xe đẩy người mẹ lên núi và để lại người mẹ này cùng chiếc xe trên núi để tự sinh, tự diệt.
Đúng lúc, đứa bé trai bảo cha mẹ hãy đem chiếc xe đã đẩy người mẹ lên núi về cho cậu bé. Người vợ ngạc nhiên hỏi: “Chi vậy con?”. Đứa bé trả lời: “Để mai mốt khi cha mẹ già đi, con đẩy cha mẹ lên núi”.
Thấy vậy, vợ chồng này hoảng hốt và tỏ vẻ hối hận nên bèn đẩy người mẹ về nhà chăm sóc. Họ thấy được bản thân mình trong tương lai khi đứa trẻ lớn lên và họ già đi.
Vạn vật trên thế giới này đều không nằm ngoài quy luật tuần hoàn. Trời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nước từ dòng chảy ngầm trong lòng đất trôi ra sông biển, bay hơi tích tụ trên những đám mây rồi lại trở về lòng đất khi mưa xuống.
Con người từ hư vô mà đến, sống hết một kiếp người rồi lại đi vào hư vô. Hết thảy những chuyện đối nhân xử thế cũng không ngoại lệ, cho người điều gì thì sẽ nhận lại như thế.
Khi trao tặng một món quà gì cũng là lúc chúng ta đang nhận lại, như một “cuộc giao dịch” có giá trị trong tương lai, ảnh hưởng tới hiện tại và phảng phất tinh thần của quá khứ.
Nên đừng ngại ngần sống để cho đi…
Tôi thường nghe câu chuyện về những đứa con từ khi sinh ra đã chứng kiến cảnh cha nát rượu, gia đình “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, và những đứa trẻ ấy khi lớn lên cũng lại rơi vào cạm bẫy của những tệ nạn và bất hạnh.
Rồi những đại gia kiếm tiền bất chính, dùng nỗi đau và nước mắt của người khác để mang lại cho mình khối tài sản kếch xù, hả hê trong cái giàu có của mình nhưng lại ngồi bất lực trước sự phá phách của cậu quý tử.
Tiền tài, danh vọng chỉ là vật ngoại thân nhưng người ta vì nó mà sẵn sàng đánh đổi cả lương tâm và đạo đức. Người đời có thể vì một chút lợi nhỏ mà bạc bẽo với thế nhân.
Quy luật tuần hoàn của cuộc sống khiến những điều được – mất chỉ như gió thoảng. Nhưng con người thì vẫn cứ mãi u mê…
Chỉ khi đến ngưỡng cuối của cuộc đời, khi chuẩn bị kết thúc một “vòng tròn”, người ta mới thấm thía nhận ra chẳng có sự “được” nào trên thế gian này là tuyệt đối hạnh phúc, và chẳng có sự “mất” nào chỉ có đau khổ ê chề.
Có một tỷ phú, trước lúc lâm chung, mới chợt nhận ra đâu là ý nghĩa cuộc đời. Sau tất cả những hào quang danh vọng và theo đuổi vật chất, ông hiểu rằng điều khiến ông hạnh phúc không nằm ở đâu trong những thứ ấy, mà chỉ đơn giản là mấy chữ: Nghỉ ngơi, cho đi và buông xuống.
Và tôi cũng biết rằng có rất nhiều người cha lam lũ cả đời nặng gánh mưu sinh nuôi con khôn lớn, sau này hạnh phúc tròn đầy khi chứng kiến cảnh đứa con mình thành đạt làm rạng rỡ tổ tông. Đó là vì ông đã cho đi bằng cả trái tim mình.
Chúng ta sinh ra từ cát bụi, rồi lại trở về với cát bụi, vậy nên đừng để bản thân ràng buộc bởi những điều vốn không thuộc về mình. Sống trên đời, hãy cứ chân thành, nhẫn nại và lương thiện với mọi người xung quanh.
Gặp ai trong cuộc đời cũng là duyên số, người còn ở lại với ta thì hãy trân trọng và đối xử tốt đẹp. Khi nhắm mắt xuôi tay chẳng ai còn nhận ra ai nữa, hà cớ gì cứ giữ mãi những mối bất bình trong tâm?
Có những người phải sống đến hơn phân nửa quãng đời mình mới nhận ra cái vòng tuần hoàn thiêng liêng đáng quý này, để rồi lại tiếc nuối những năm tháng theo đuổi những giá trị hữu hình.
Vì cuộc đời là những vòng tuần hoàn đáng quý của sinh mệnh, không ai luôn được và cũng không ai luôn mất, nên hãy biết sống để cho đi…
Hoa Viên
(Epoch Times)