7:51 SA
Thứ Bảy
20
Tháng Tư
2024

Chuyện đời tự kể - Xuân Sang

09 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 7384)

Chuyện đời tự kể
MEIN KAMPF !.Cuộc đời “chiến đấu” của tui.

Để mở đầu bài viết nầy, theo như nhà văn Vũ trọng Phụng, tui sinh ra đời dưới một ngôi sao...hơi xấu; vào một gia đình mà ba làm nghề “tháo giày” còn mẹ làm nghề “nội trợ”! Má tui bản chất nông dân thật thà như đếm, ngoài tài nội trợ, bả …. “chỉ biết “yêu” thôi chả biết gì”( Xuân Diệu). Hihi

Thuở nhỏ mấy anh em tụi tui sống trong căn nhà nhỏ, ở ngoại ô xã Bình Trước thuộc tỉnh Biên Hòa, cách chợ Biên hòa khoảng 3km, vừa đủ gần chục người nương náu trú nắng mưa. 

Mà nghĩ cũng lạ, lương giáo viên còm cõi thế nhưng năng xuất ba tui thuộc dạng …quán quân. Nhớ lại thời đó chẳng có luật “kế hoạch hóa gia đình” gì ráo. Số lượng con cái của gia đình đều do lòng…hảo tâm của “bố già”, vì vậy má tui sòn sòn năm một, sản xuất ra cả chục đứa, như bầy gà vậy đó, mà nghĩ cũng lạ, anh em tui nhờ hồng phúc ông bà ,ăn mau chóng “nhớn” và mặc dù lúc đó chưa có máy tính nhưng “lập trình” của ổng bả thiệt siêu, vì thế về 12 con giáp, anh em nhà tui có 2 con gà, 2 con mèo, 2 con dê, 2 con gà, 2 con rắn…Nếu nói về làm ăn kinh tế theo như bây giờ thì ba má tui “vượt chỉ tiêu, vượt kế hoạch”, nhưng mà là vượt về…gia tăng dân số! Hichic.

Vì con đông, có lúc vui miệng, ba tui phát biểu:

- Ta là dòng dõi… chuột, còn nàng là dòng dõi… rồng. Vậy các con ta thuộc dòng dõi rồng chuột! Haha.( Chú thích: ba tui tuổi tý, còn má tui tuổi thìn).

Tuy nhiên, vì đây là đất thuê nên ở căn nhà nầy tới năm 1958 thì người ta đòi lại, anh em tụi tui được ba má “bốc” tới nơi ở mới, đó là khu “đường đắp mới”. Thời gian nầy nơi đây rất vắng (giống như kiểu “quy hoạch, phân lô, bán nền” hiện nay), xa xa mới có một cái nhà. Những lúc chiều mưa, ểnh ương,nhái bầu kêu “rân ba ton” nghe thãm sầu, vậy mà anh em tụi tui sống và lớn lên nơi đây thắm thoát trên 50 mươi năm và má tui cũng tiếp tục sản xuất thêm 5 đứa nữa, vị chi là 12 đứa chẳn 1 tiểu đội! Hihi (Vị trí nầy bây giờ là đường H. H. G, thuộc phường Quyết Thắng,TP. Biên hòa)

xuansang1-large-content

Mà nghĩ cũng thiệt ngộ, với đồng lương “dứt cháo” như thế mà ba tui nuôi nổi 1 lực lượng “tàu há mồm” toàn là những tay ăn đang lên, lại thêm “mẹ nội trợ”. Nghĩ lại thiệt phục “bố già” của tui. Trong khi hiện nay anh em tụi tui, chồng vợ đều đi làm cả và chỉ có 1-2 đứa con mà than như bộng, không đủ chi phí trong nhà!.

Từ nãy giờ mãi giới thiệu về gia đình mà quên mất giới thiệu đôi chút về bản thân mình, phải không các bạn?

Cổ nhân có câu “ thông minh nhất nam tử” khi nói về chỉ số IQ của một người. Nhưng tiếc rằng tui không có may mắn nằm trong type đó! Trong chuỗi tháng ngày mài đũng quần ở cấp tiểu học tui luôn luôn…đội sổ! Tức là …xếp hạng nhất từ dưới đếm lên! Thiệt là thằng con “trởi đánh” làm xấu hổ gia phong có cha là…thầy giáo!

Thế là việc gì đến phải đến (Que sera sera!) tới năm lớp nhất thi chuyển cấp ( bây giờ là lớp 5 lên lớp 6) tui bị…trượt vỏ chuối. Thi không ăn ớt thế mà cay! Sau kỳ thi đó ba tui “chạy chọt” cho tui được học double 2 năm lớp nhất, trường tiểu học NGUYỄN DU để năm sau thi lại và ông treo giá: “nếu đậu ba thưởng cho cây viết pilot”.

Chu choa mẹt ơi, vậy mà cuối năm đó tui đậu đệ thất, đường hoàng bước chân vào ngôi trường danh giá cùa tỉnh Biên Hòa lúc bấy giờ: Trường Trung học NGÔ QUYỀN.

Để giữ đúng lời hứa, một buổi sáng ba dắt tui ra nhà sách Thiên Tứ để cho tui lựa cây viết pilot của Nhật bổn sản xuất. Các bạn biết không? Thời đó ai có cây “viết máy” hiệu Pilot là thời thượng lắm đó (sở dĩ gọi viết máy là để phân biệt với viết chấm vào bình mực, viết vài chữ thì phải chấm mực mới viết tiếp được. Còn viết máy là có cải tiến, thêm bộ phận bơm để trử mực ở thân viết và nó xuống mực từ từ khi ta viết. Lúc ấy VN cũng có nhiều hãng sản xuất viết máy nhưng không tốt bằng vì nghe nói đầu ngòi viết Pilot có cẩn platin không mòn. Sau nầy mới phát minh ra viết “nguyên tử” của thập niên 60 mà ta dùng phổ biến hiện nay ). Biết là nhà mình không dư giả gì nên tui rụt rè:

-“ thôi ba mua viết VN cũng được …” mặc dù trong bụng cũng muốn cây viết Pilot thấy bà cố! Chừng như cũng hiểu ý tui, ba dứt khoát mua cây Pilot và hỏi thích màu gì? Tui nói đại trong vô thức:

- màu …đen!” Thế là từ đó cây viết Pilot thân đen, nắp mạ vàng theo tui trên mọi nẽo đưởng đi học, mãi đến lúc ra làm việc, trên túi áo tui vẫn còn vắt cây viết pilot của ba mua cho.

Nãy giờ coi bộ đi hơi xa rồi đó nhe. Quay trở lại chuyện học hành. Có lẽ vẫn còn dư âm “ ngu si nhất nam tử” thời tiểu học nên vào đệ thất (lớp 6) tui cũng không khá hơn, chỉ lẹt đẹt hạng từ 20 – 30. Mãi đến năm đệ ngũ (lớp 8), tự nhiên tui … “khôn đột xuất” tăng hạng trong top 10. Hihi ta đã thoát khỏi lời nguyền “muôn năm đội sổ!” và cứ đà thẳng tiến, năm đệ tứ tui hạng nhì của lớp tứ 3! Tối đó nằm ngủ mà trằn trọc mãi chờ tới sáng đi…lãnh thưởng! Nằm trong mùng mà tim cứ đập thình thịch .Cha mẹ ơi, từ cha sanh mẹ đẻ tới giờ, lần đầu tiên tui được lãnh thưởng!

Các bạn biết không? Hồi đó được lãnh thưởng là vinh dự lắm. Mỗi lớp chỉ có 3 người xếp hạng cao nhất mới được lãnh thưởng mà mỗi phần thưởng rất “nặng ký” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. ( Không như bây giờ, gần như trong lớp em nào cũng …có phần thưởng cho vui, nào là giải văn hóa, vở sạch chữ đẹp, hạnh kiểm…mà mỗi em chỉ có vài quyển tập!) Lúc lãnh thưởng về coi bộ ba vui lắm, xoa đầu tui động viên:

- “ ráng lên nghen con” . Ôi , thật hạnh phúc biết bao! Xung quanh tui là vầng hào quang chói lọi...

Thế nhưng vui chẳng tày gang. Hè năm đó, đi làm về ba đưa tui xem công văn thi tuyển vào các trường Trung học Nông Lâm Súc( tương đương trung học chuyên Nông lâm hiện nay) và hỏi tui có muốn thi không? Chu choa, từ nhỏ tới giờ có xa nhà, xa bạn và mái trường thân yêu bao giờ. Tôi đâm ra lo lo nhưng nghĩ tới “mạo hiểm” nơi vùng đất mới cũng thấy thích, vì nghe nói trên đó Blao (Lâm Đồng ) khí hậu ôn đới, sương mù và không khí lạnh quanh năm y như …bên Tây vậy nên tui đánh liều:

- “ thi ..thì thi” . và ..tui lại đậu!Thế là khăn gói lên đường đến ngôi trường mới có tên là Trường Trung học Nông Lâm Súc, tại thị trấn Bảo Lộc ( Blao ) tỉnh Lâm Đồng. Cuộc đời tui bắt đầu xa nhà từ năm …16 tuổi.

Lần đầu tiên, phái đoàn gồm 3 ông giáo già dẩn 3 thằng con khờ khạo là: Sang,Tuyên,Thân vượt 200 cây số lên làm thủ tục nhập học tại trường mới. Sau khi ghi tên,xếp lớp và lo chỗ ở xong, “phái doàn” đến một tấm bảng to tướng treo trên tường ở văn phòng. Đó là tấm bảng Thời khóa biểu ghi phân bổ giờ học trong tuần của toàn trường. Trong lúc xem và ghi chép thời khóa biểu, ba tui thấy có môn… Thổ nhưởng. Ổng đâm thắc mắc:

- “ môn nầy học cái gì vậy ta?”

Với bản chất “thông minh đột xuất”, tui vọt miệng:

- “ thì chắc họ dạy về tiếng dân tộc thiểu số quá, vì ở đây gần người dân tộc Thượng, dạy để mình giao tiếp với …người Thượng.” Đúng là quá thông minh!Ba ông già gật đầu khen hay:

- “Ờ hén !” Trong đầu tui lúc đó liên tưởng tới …thổ dân da đỏ huyết chiến với cao bồi ( cowboy ) Texas như trong phim Viễn Tây.

 Sau nầy vào chương trình học mới biết đó là môn nghiên cứu về tính chất của đất đai và cách xử lý nó để trồng trọt cho có hiệu quả!( thổ là đất chớ không phải “thổ dân” ). Đúng là thiên tài, suy luận ….mắc ói !Hihi

Thế rồi thời gian thắm thoát thoi đưa, 3 năm ở ngôi trường nầy trôi qua chóng vánh với bao vui buồn của thời học sinh lẫn tình yêu đầu đời đơn phương như sương như khói…

Nhớ lại thời ấy, bọn tui chỉ đứng hàng thứ 3, sau nhất quỷ, nhì ma. Mà thật ra cũng chẳng nên trách cái đám học sinh tụi tui, chỉ vì hoàn cảnh nên… quảnh càng chứ tụi tui đâu có muốn. Thứ nhất là bọn nhỏ trẻ người non dạ, mới mười mấy tuổi đầu đã bị cha mẹ cho…ra riêng nơi xứ lạ quê người, thứ hai được ở nội trú, môi trường thuận lợi cho đủ thứ “thói hư tật xấu”…học hỏi lẩn nhau, mà cái xấu thì học mau biết hơn cái tốt. Thứ ba là với cái tuổi mới lớn anh nào cũng muốn làm …anh chị, làm người hùng, nên thường hay quậy để ...nổi tiếng! Mà nghĩ cũng lạ, thởi học sinh, cái gì nhà trường cấm thì bọn học sinh càng …quyết thực hiện cho được.

Số là trường tui có tất cả 5 lưu xá: A,B,C,D dành cho nam ở các cấp lớp ngũ, tứ, tam, nhị, nhất, riêng lưu xá E lớn nhất, dành cho nữ ở mọi cấp lớp.Theo nội qui của trường thì ban ngày hạn chế, ban đêm cấm nam sinh bén mảng đến lưu xá E (bọn tui thường gọi vui là “chiến khu E” ).

Trường lớp và lưu xá kiến trúc theo kiểu phương Tây, tất cả cửa kính để chống lạnh. Tối, bọn con trai thường hay đến lưu xá E nhát ma. Bên trong nhìn ra cửa kính bọn con gái hết hồn la ỏm tỏi. Đó là một trong những trò quậy phá của bọn tui. Với bản chất nghịch phá của tuổi học trò, bọn tui khiến mấy bố giám thị nhiều phen điên đầu, nhưng chẳng tóm được đứa nào.hihi

Thế rồi ngày chia tay ngôi trường nhiều kỷ niệm đó cũng đến, chia tay luôn “người tình trong mộng”. Thôi vẫy tay, vẫy tay chào nhau, một lần cuối…( sau nầy tui nghe nói trong chuyến vượt biển, “người ấy” đã ra đi. Khóc cho một người đã nằm xuống …)Người đi một nửa hồn tui mất, còn nửa hồn kia bỗng khù khờ…

Xin trở lại một chút xíu các bạn nhé, sau nầy tui mới biết sở dĩ ba muốn tui đi học NLS là muốn cho… đở gánh. Vì theo quy chế lúc đó, trường NLS được ưu tiên, em nào vào đó cũng có học bổng hết ráo.Toàn phần là 3600đ/ tháng, bán phần là 1800đ/tháng. Tui thuộc diện “con nhà nghèo, “đẹp giai”,học giỏi” nên được học bổng toàn phần trong suốt 3 năm học, đở một phần gánh nặng cho “bố già”tui.

Và cuộc đời của tui lại bắt đầu qua một chương mới.

Số là sau khi có kết quả đậu Tú tài chuyên Nông lâm súc, tui được ba má ...gửi xuống Sài gòn ở trọ nhà Dì Hai (chị của má) tại Hòa Hưng để luyện thi. Sở dĩ ba má tui “âm mưu” gửi tui cho dì dượng hai quản lý là có 2 nguyên do: thứ nhất cho …đỡ kinh phí (thay vì ở trọ nhà người dưng ), thứ hai vì sợ tui ….hư ! Hihi. 

Nhà dì Hai ở sâu trong con hẽm thuộc khu Hòa Hưng, gần rạp Thanh Vân. Con hẽm đa phần là dân lao động trú ngụ. Dì Hai có “nghề” bán mì, hủ tíu bình dân buổi sáng (để phụ vào đồng lương công chức của dượng),nhờ đó tui được thưởng thức món mì …..365 ngày mệt xỉu!. Sáng, trước khi đi học tui phụ bưng bê thùng nước lèo từ bếp phía sau nhà lên hàng ba trước nhà, phụ “chạy bàn” phục vụ mấy khách hàng lao động cần giải quyết bao tử để đi làm sớm. Kết quả là tui được bồi dưởng mỗi sáng một tô mì “tuyệt cú mèo”. Vì tô mì của tui dì hai lúc nào cũng ưu tiên đặc biệt “cho mầy thêm cục xí quách” tổ chảng .

Nói nào ngay, xe mì của dì hai thuộc loại ngon nhứt xóm nên sáng nào khách cũng đông ơi là đông, nhất là khi hoàn thành xong các công đoạn của tô mì, dì còn bốc một nhúm hành phi bỏ lên mặt, thơm “bá cháy”. Mà công nhận tài chế biến của dì cũng hay tuyệt. Chỉ cần một thùng nước lèo, vậy mà ai kêu mì,hủ tíu, bánh canh, bánh lọt dì đều …có ngay!Hihi

Thời gian ở trọ, đối diện nhà Dì hai, cách con hẽm nhỏ là nhà của ông thợ sửa xe gắn máy. Ông có cái chái nhỏ lợp tôle ở đầu hẽm chuyên sửa Honda và các loại xe hai bánh, kể cả xe…đạp.

xuansang2-large-contentỔng có cô con gái học lớp 11 trường Gia Long, khá xinh. Ác nỗi, tui cũng đâm ra …thích cô em có mái tóc đuôi gà, da trắng như bông bưởi. Mỗi chiều, áng chừng em đi học về, tui xách cây đờn ghi ta ra ngồi bên hiên nhà “gào” bài “em tan trường về, trường tan em về, em tan trường về, trường tan em về…” với chỉ bấm 1 game “La” duy nhất! ( vì nhạc lý tui chỉ biết vở lòng chút xíu có nhiêu đó thôi). Vậy mà chừng như em cũng “cảm” được cái tình cảm của tui nên thỉnh thoảng bên khung cửa sổ, em e ấp nhìn tui mĩm cười…Vậy là đủ thành quả “lao động” của mình cũng có người chứng giám, không uổng công, các bạn nhỉ? Mà quan trọng là hình như ba của em cũng có cảm tình với tui nữa mới ác chứ. Mấy lần về ngang “tiệm” sửa xe của ông tui hay ghé ngồi nghe ông tâm sự về gia cảnh buồn thiu của ông. “ má nó bỏ đi từ lúc nó còn nhỏ xíu hè!” .Vậy mà mỗi khi xe tui bị hư ông thường sửa dùm không tính tiền “chút đỉnh, làm dùm chú em”. Ổng nói:

“nghèo nhiều chứ nhiêu đó ăn thua gì !” rồi cười hè hè vô tư.

 “Ừ nhỉ bỗng dưng mà họ lớn,

 “Tuổi hai mươi đến có ai ngờ.

 “Một hôm gió tình yêu đến,

 “đứng ngẫn trông vời áo tiểu thư…… ( Xuân Diệu )

Tôi nhớ lại một chuyện vui nữa khi mới đặt chân lần đầu tiên làm công dân ở đất Sài gòn, mà cụ thể là khu vực Hòa Hưng nằm trên đường Lê văn Duyệt( ngày nay là Cách Mạng tháng tám ). Ngày đầu, đi trên con đường đó, đang suy nghĩ vẫn vơ thì lấp ló ở đầu hẻm là bóng mấy phụ nữ xồn xồn đưa tay ngoắt ngoắt . Với bản chất ngây thơ thiệt tình của “tư ếch đi Sài gòn”, tui dừng xe lại và hỏi:

- “ mấy dì kêu có gì không ?” Trong thâm tâm tui cứ nghĩ người ta cần hỏi thăm đường hay gì đó, cái nào mình biết thì chỉ làm phước. Bỗng trong cái đám “lấp ló” đó có giọng oanh vàng thỏ thẻ:

-“đi” đâu cũng vậy, “đi” ở đây em cám ơn anh ơi”. Cha mẹ ơi, tự nhiên linh cảm và trí thông minh đột xuất của tui trỗi dậy. Chắc là ổ nhền nhện rồi! Trong “Binh Ngô Tôn Tử”, “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách!”. Thế là tui rồ ga dọt lẹ, không dám ngoái đầu lại. Hihi.

Nhìn chung, đường hẽm vào nhà dì dượng tui hồi đó được coi là hẽm an toàn nhất trong khu vực Hòa Hưng, hõng có cái vụ ngoắt ngoắt nọ kia .

( Hiện Dì,dượng Hai đã ra người thiên cổ rồi. Có lần tui quay về xóm cũ thấy mọi sự đổi thay. Sau 1975 , dì dượng tui dẩn bầy con 8 đứa về quê trên mảnh đất của ông bà để lại ở huyện Thống nhất (Đồng Nai), định làm “nông dân sản xuất giỏi”. Nhưng sau một thời gian thấy làm nông dân không “dễ ăn” nên quay trở lại làm công dân đất Sài gòn, cũng khu Hòa Hưng nhưng ở con hẽm khác. Còn căn nhà của anh sửa xe và cô bé áo tiểu thư đã có chủ khác. Ôi:

 “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,

 “nền cũ lâu đài bóng tịch dương"



Thế rồi cái ngày trông đợi sau 3 tháng “văn ôn võ luyện” cũng đã đến: Ngày thi tuyển vào Sư phạm ngành Nông Lâm Súc .

Mới 6 giờ 30 phút sáng tui có mặt ở Nha học vụ NLS (trên đường Mạc đĩnh Chi ). Sáng nay tập trung đông đủ các sĩ tử vừa tốt nghiệp tú tài Nông lâm súc từ các miền trong nước về tham dự kỳ thi nầy. Ôi thôi, bọn tui cứ tụm 5, tụm 3 tán dóc và chuyện trò rôm rả sau mấy tháng vắng xa. Nhưng kìa…hình như là “bố già” của mình! Từ xa tui đã nhìn ra dáng đi khom khom của ông. Sau khi gửi xe trong bãi, ông dáo dác tìm tui. Với phản xạ trong vô thức, tôi buộc miệng kêu lớn: -ba!

Nghe tiếng, ba hướng về phía tui vội vã. Mấy đứa bạn thấy vậy chọc quê:

-Thằng nầy sướng he, đi thi có “ông già” hộ tống. Tui mắc cở thấy bà cố. Hihi.

- Ba…xuống đây chi vậy?

- Thì tao sợ mầy bỏ…

À thì ra vậy. Số là khi nộp hồ sơ thi ba tui căn dặn nên đi sư phạm, đừng đi Đại học hoặc kiểm sự (trung cấp)vì …khỏi bị đi lính. Thời đó ai đi sư phạm được ưu tiên hoãn dịch. Trong khi tui lại thích hai thứ kia. Quan điểm của tui lúc ấy là con trai mà đi làm thầy giáo thì ….hơi bị yếu!

Vốn biết tánh tui ngang như cua nên ba tui không yên tâm. Từ lúc xách túi xuống nhà dì dượng Hai luyện thi tui hơi làm biếng …về nhà, vì vậy tới ngày thi ba tui khăn gói xuống “thăm chừng” thằng con ngang như cua nầy có bỏ thi không. Thiệt hết ý .

Theo chương trình thi thì có hai phần:thi viết và thi thực hành. Thi thực hành để giám khảo đánh giá sơ bộ anh chị nầy có khả năng làm thầy hay không? Giống như khi thi vào trường sân khấu điện ảnh phải tự mình diển 1 tiểu phẩm ngắn vậy. Về hình thức, tác phong cũng rất quan trọng. Vì vậy, trong lúc dặn dỏ tui khi đứng trên bục giảng phải làm sao, cách cầm cục phấn, cách trình bày trên bảng đen…v.v . (bố già tui là thầy giáo mà!) thì ông móc trong túi ra cặp manchette (nút tay áo ) và cái …cà-la-vát (cravate ) bắt tui phải mang vào. Thiên địa thánh thần ơi, mắc cở muốn chết. Mấy đứa bạn đứng chung quanh cười rần rần khiến tui suýt độn thổ. Ơ hay, vậy mà có lý. Khi giám khảo chấm tác phong trên bục giảng, tui được điểm tối đa. Cám ơn …“bố già” của tui. Ba là thầy giáo đã thành, chúng con là thầy giáo sắp thành, ba ơi.

Và kết quả kỳ thi sư phạm ngành NLS tui đậu, mà lại đậu cao nữa chứ. Thế là mặc dầu đã nộp đơn hai trường kia, tui bỏ luôn không thi, chấp nhận bước vào nghề “godautre” cho ba tui vui lòng.

Trường Cao đẳng Sư phạm NLS được thai nghén trong giai đoạn “bùng nổ” các trường trung học NLS ở các tỉnh miền Nam thời bấy giờ, mà người chủ trương là thầy Đặng quang Điện để giải quyết nhu cầu giáo sư cho các trường đó.( Chú thích : trước năm 1975 ở miền Nam, thầy cô giáo dạy tiểu học gọi là giáo viên, dạy trung học là giáo sư, và dạy đại học là giảng sư ). Vì tính cấp tốc của chương trình nên mang tiếng là “trường” nhưng chẳng có cơ sở vật chất gì ráo mà phải “ăn nhờ ở đậu”. Văn phòng trường thì ở chung với Nha học vụ NLS do thầy Điện làm giám đốc Nha kiêm …hiệu trưởng trường. Khi học các bộ môn chuyên biệt như N,L,S thì mượn hội trường Ty sở, còn khi học các môn chung về sư phạm thì tập trung ở hội trường lớn trong….Sở Thú. Vì vậy tụi tui năm đó có thẻ ưu tiên vào Sở thú …coi khỉ hỏng có tốn tiền.

Rồi khóa Sư phạm cũng kết thúc mà… hỏng có đứa nào rớt hết. Bịn rịn chia tay những bạn bè yêu dấu, chia tay những kỷ niệm thân thương của tuổi học trò để bước vào khúc quanh mới – LÀM THẦY - làm người lớn.

Trong thời gian ngắn ngủi của khóa sư phạm, tui cũng kịp vương vấn một chút tơ lòng mà đành phải “trả lại em yêu, khung trời Đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát .”….để về nơi đất phèn chua, có đám học trò áo nâu, nhắc nhớ mình những kỷ niệm thời còn ở Bảo Lộc cách đó mấy năm mà cứ ngỡ xa lắm. Các em là hiện thân, là hậu duệ của mình thời cắp sách. Ôi! mộc mạc và thân thiết bởi đám học sinh nơi tỉnh lẻ Tỉnh Ba xuyên (Sóc Trăng ). Nơi đây đặc thù của ba sắc dân Việt, Khmer và Tiều. Họ sống chan hòa với nhau bằng tình thân xóm giềng lẫn tình ruột thịt. Trong đám học trò của tui cũng thế.

Mỗi khi đi chợ, các bạn luôn nghe sự giao thoa, pha trộn của 3 thứ ngôn ngữ nầy. Nào là chế, hia, cửu, ( chị,anh,cậu,dì ), mình ên, muôi, pia, bây (một, hai, ba )…. ,rồi phất tức te (uống trà), phất sra (uống rượu), si bay bòn ơi (ăn cơm anh “ơi”). Cái độc đáo là tiếng Khmer lại thêm tiếng Việt “ơi” vào phía sau mới không đụng hàng.Hihi) ,….thật là những kỷ niệm không quên khi còn ở “tỉnh lẻ đêm buồn” mà ở đây :

 “cầu nào cao cho bằng cầu Thiên hộ,

 “gái nào ngộ cho bằng gái Sóc trăng .

( Nếu có dịp, tui sẽ có những bài viết về từng giai đoạn trong cuộc đời. Đời người là một chuỗi “liên khúc” nhạc, có thăng, có trầm nhưng có sự kết nối nhau tuyệt dịu mà ta không thể giải thích nổi. Các bạn chờ nhé )

Trở lại câu chuyện. Nhiều lúc tui cứ nghĩ rồi đây mình chôn chân nơi vùng đất phèn chua nầy với mối tình nho nhỏ, với đám học trò có áo màu nâu đất như bầy chim áo dà tung tóe ra mọi ngã mỗi buổi tan trường.( Ghi chú: đồng phục học sinh NLS thời đó màu nâu, tượng trưng màu đất ). Thế nhưng ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến như làn gió mới làm thay đổi mọi thứ trong tui, kể cả “chuyện tình nho nhỏ” nơi đây.

 “ làm sao cắt nghĩa được tình yêu,

 “ có nghĩa gì đâu một buổi chiều.

 “ Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

 “ bằng mây nhè nhẹ,gió hiu hiu

 ( Xuân Diệu)

Theo chủ trương của tỉnh lúc bấy giờ, trường NLS giải tán, thầy trò tập trung lên huyện Ô Môn (cách Cần Thơ 30 km) để xây dựng nông trường lúa giống có tên là Trại giống Nông nghiệp Hậu giang.( Sóc Trăng và Cần thơ sáp nhập thành Hậu giang). Trong thời gian ở Trại giống, tui bắt đầu ký bản án …. “chung thân” với một em mới quen cùng cơ quan. Cho tới giờ phút nầy em vẫn “đeo bám” tui suốt, mà có lẽ…. suốt đời quá. Bản án “chung thân” mà. Hic!Từng người tình đã bỏ ta đi trong những ngày tháng dài, chỉ còn “mình em” theo ta như hình với bóng.

Sau một thời gian làm việc ở đây “bả” rủ tui:

- “em đưa anh đi về,về quê hương ta đó”. Đất Sông bé. Vùng miền Đông đất đỏ. Đó là thời điểm 1978.

Ngày đầu đặt chân làm dân Sông bé, môi trường mới, cuộc sống mới, lấy quê của “bả” làm quê hương thứ hai của tui. Ôi, vô vàn gian nan thời bao cấp.

Sau khi trình diện, tổ chức chính quyền tỉnh Sông bé bố trí tui dạy ở một trường phổ thông với đồng lương:

 “người quân tử ăn chẳng cần no,

 “đêm năm canh an giấc ngái khò khò,

 “thời thái bình cửa thường bỏ ngõ.”

 ( Nguyễn công Trứ )

 Có mấy người bà con trong xóm thắc mắc:

- sao nghe nói ở miền Tây lúa gạo ăn không hết, tụi bây dìa đây làm chi mà phải ăn độn?

-Dạ, tình hình chung “tía” ơi! Hễ đói thì chỗ nào cũng đói hết á! Do thiên tai, mất mùa mà ra. Ở Cần thơ cũng vậy thôi “tía” ơi .

Tui còn nhớ lúc đó đi dạy phải “ém” một lon guigoz (loại sửa bột cho em bé uống của Pháp, rất thông dụng ở miền Nam trước năm 1975, vỏ hộp bằng nhôm rất tốt. Sau khi sử dụng xong, người ta thường dùng đựng đồ ) cơm pha bobo với tỉ lệ 50/50 trong túi xách.

Sở dĩ phải mang cơm theo là vì sau khi dạy xong, tui đạp xe ( lúc đó xe đạp là phổ biến ) gần 7 cây số “leo dốc,xuống đèo” từ thị xã Thủ dầu Mệt …ủa lộn, Thủ dầu Một tới lò mỹ nghệ Minh Long để …làm mướn!

Khi xe lăn bánh tới lò thì mồ hôi mẹ mồ hôi con tui đổ ào ào. Ngồi một lúc cho ..hạ tăng xông ( tention ), tui giở lon guigoz ra “chém đẹp”. Chừng vài phút, lon guigoz sạch nhẵn, năng lượng được nạp đầy, tui hý hoái trong tư tác làm thuê. Đến chiều thong dong đạp xe về nhà chừng 3km nhưng khỏe hơn vì nhờ gió chiều và nghĩ tới thành quả lao động của mình nên vơi bớt nhọc nhằn. Tính ra thu nhập làm thêm cũng khá cao ,họ tính tiền theo sản phẩm mình làm ra. Nếu mình làm cần mẫn thì thu nhập có thể gấp ba lần lương đi dạy. Bây giờ nghĩ lại thấy tui phục tui quá xá. Nếu bây giờ bắt tui đạp xe đi làm như lúc đó chắc …..xỉu quá.

Đây là cái “nghề” không cần học, cũng không tốn vốn mà lại kiếm tiền kha khá mới ngộ chứ. Số là “vốn tự có” của tui là “hoa tay”. Hồi nhỏ lúc nào điểm vẽ của tui cũng maximum. Thầy giáo thường khen:

-Thằng nầy có hoa tay,chắc lớn làm họa sĩ quá.

Mà đúng thiệt, sau nầy tui sử dụng “vốn tự có” của mình để đi …vẽ mướn.

Trong nghề mỹ nghệ lúc đó có nhiều khâu, nào là:quậy hồ, đổ khuôn, khắc, chấm màu, sắp xếp vào lò, thợ chụm lò, thợ in hộp, ……Tui ở khâu khắc Vậy khắc là gì ? Tui xin giải thích như thế nầy. Bình bông sau khi lấy ra khỏi khuôn, được lau gọt cho láng rồi đem ra nắng phơi. Sau vài nắng, bình khô cứng sẽ tới khâu khắc. Đó là người thợ dùng cây căm xe đạp mài nhọn đầu, để khắc tạo hình bằng những đường rãnh trên cái bình đó. Đại khái là dùng “cây viết” nhọn đầu, (cán viết là đoạn trúc) vẽ lên cái bình đất chưa nung. Tại sao phải làm như vậy? Vì những đưởng rãnh đó sẽ ngăn từng chi tiết của hình không bị lem vào nhau khi chấm màu và khi bị nung nóng.( Mời các bạn xem hình bình bông của tui sáng tác trong facebook). Trong thời gian làm ở đây cũng có nhiều kỷ niệm. Số là trong đám công nhân chắc tui “già đầu” nhất. Mỗi khâu ngồi thành nhóm riêng, khâu khắc cũng không ngoại lệ. Ngoài tui là đực rựa già còn có mấy cô giáo “cùng cảnh ngộ” “khoái ăn sang” làm chung. Trong lúc làm thì vừa tâm sự chuyện đời, chuyện nhà thiệt vui, rôm rã.

Trong thời gian làm ở đây, tui có “sáng tác” hai tác phẩm mà hiện nay vẫn còn chưng ở nhà. Đó là bình bông tặng ba tui nhân dịp mừng lục tuần và bình bông tặng nhân dịp sinh nhật của “bả” (ma moitié) mà ông chủ cảm tình không tính tiền “lửa củi”.

Thế rồi bánh xe cuộc đời cứ lăn, cứ lăn. Tui cứ nghĩ chắc cuộc sống của mình cứ thế cho đến già. Nhưng không, vào một ngày đẹp trời tui lại giã từ nghề giáo để đầu quân vào công ty Chăn nuôi Sông bé vừa mới thành lập. Cứ ngỡ lần nầy thoát khỏi ngành “hành chánh sự nghiệp” để bước sang lãnh vực kinh doanh chắc … “khá” hơn. Thế nhưng tui đã lầm. Mặc dù lúc ấy đất nước đang chuyển mình từ bao cấp sang “kinh tế thị trường”, rất thuận lợi cho những ai nhạy bén, biết nắm lấy thời cơ thì dễ phất lên làm giàu, nhưng đối với một thằng vẫn còn “bản chất” thầy giáo như tui, sau 6 năm “lăn lộn” trong cái công ty đó, tui thấy tui vẫn …..là tui!

Thế là sau thời gian đắn đo, “về” hay “ở” và vào một ngày đẹp trời, tui đút đơn xin “về quê cắm câu”! Hic.

Báo cáo các bạn, kể từ đó đến nay, tui yên tâm tư tác bằng cái nghề mà ba tui “đem con bỏ trường” năm ấy; đó là nghề mà mọi người gọi là nghề Thú Y ! Còn tiền lương? Các bạn yên tâm, bà con, nhân dân trả lương cho tui. Hihi. Đến bây giờ nhiều lúc tui nghĩ lại, biết đâu lúc mình nghỉ việc cơ quan lại là cái may? Vì lúc đó phong trào chăn nuôi cả nước lên rất cao. Nhà nhà nuôi heo, người người nuôi heo. Từ mấy anh cán bộ trưởng phó phòng đến anh chị nhân viên cơ quan đều ….tranh thủ về nuôi heo sau giờ làm, ít có la cà ăn nhậu như bây giờ. Nuôi sau cơ quan, nuôi ở hộ tập thể … Còn ngoài dân thì khỏi nói nhà nào cũng vài ba con nái, hàng chục heo thịt. Chẳng qua là vì lúc đó còn trong giai đoạn giao thời giữa “kinh tế bao cấp” và “kinh tế thị trường”, nguồn “cung” còn ít hơn “cầu”, nên việc chăn nuôi cung ứng thực phẩm còn đất sống. Hơn nữa giá cả heo gà lúc ấy rất hấp dẫn nên ai cũng tập trung chăn nuôi ( chả bù hiện nay người chăn nuôi khóc ròng vì giá! ). Các hảng cám lúc ấy chạy hết công suất vẫn không đủ bán.

Thế là, theo qui luật tự nhiên có chăn nuôi thì phải có bịnh gia súc . Mà có bịnh gia súc thì …thú y có ngay!

Mấy năm đó nghề thú y ăn nên làm ra, nhưng chạy mệt xĩu. Chỗ nào bà con cũng kêu, mà hễ kêu thì gần như là hối “gấp,gấp”. Từ anh đại lý bán thuốc thú y, anh bán cám, đến anh thú y trực tiếp tiêm chích đều …sống khỏe ...Heo bán ra có lời nên mặc dù chi phí có tốn kém nhưng ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi.

Thế nhưng việc gì cũng chỉ có giai đoạn, như hiện nay nghề chăn nuôi đang có hiện tượng suy thoái. Tui nghĩ nếu tình hình giá cả bấp bênh như thế nầy và tốc độ đô thị hóa nhanh thì chắc thời gian ngắn nữa thôi người nuôi sẽ tự động “treo máng”, mặc dù họ vẫn còn “yêu nghề” !.

Nhưng ông bà ta ngày xưa nói có lý:

- Cái khó ló cái khôn .

Thời gian sau nầy tuy việc điều trị heo, trâu bò có giảm nhưng điều trị …chó của tui lại tăng lên các bạn ạ. Thôi thì cầu mong cho bà con “đâu cần, thanh niên có, đâu khó có thanh niên” để tui có dịp rong rủi trên mọi nẻo đường quê hương…

Đoạn kết:

Báo cáo các bạn, tui nhớ lại hồi nhỏ tập làm văn cô giáo dạy bài văn phải có 3 phần: nhập đề, thân bài và kết luận. Vậy thì CUỘC ĐỜI “CHIẾN ĐẤU” của tui sắp kết thúc rồi. Ngẫm nghĩ lại, phía sau những nốt thăng trầm trong cuộc đời của tui luôn có bóng dáng của ...bố già tui. Nhất là lúc cực khổ trên ngôi trường NLS Blao, tui “hận” ổng ghê gớm. Ổng đã …đem con bỏ trường, để nó “bán” mặt cho đất, “bán” lưng cho trời giữa những buổi thực hành nông trại, bên líp rau, bên vườn ươm cây rừng, bên chuồng gia súc trâu bò,heo gà,dê,…. với những mùi “đặc trưng” khó tả ! Từ một thằng “dân chợ”, chẳng biết gì về nông nghiệp cả vậy mà giờ đây mấy cây, mấy con thuộc về nông nghiệp nó rành …7 câu. Nào là : Cyprynus Carpio (cá chép),Tilapia Mossampica (cá rô phi),Cynodon Dactylon (cỏ chỉ), Eleusine Indica (cỏ mần trầu ),mimosa Pudica (cây mắc cở ),Hopea Odorata (cây sao), Shorea Cochinchinensis ( cây sến ),Dipterocarpus Alatus (cây dầu), Pinus Merkusi (thông 2 lá ),Pinus Khasia (thông 3 lá ), heo Yorshire,Landrace,Danois,Duroc,….,café Robusta, Arabica,….,các giống lúa,sâu rầy đều phải học hết ráo. Rồi đở đẻ heo, bò…. Nhiều lúc tui nghĩ tui phục tui quá xá, Mấy chục năm trôi qua mà tui vẫn còn nhớ như ngày nào.Hihi.

Nhưng dù sao công bằng mà nói, cũng tại tui muốn làm Christop Colomb tìm “vùng đất mới” sương mù giống bên Tây nên mới bước chân lên vùng cao nầy. Nơi có ngôi trường với con đường Hoàng hoa lộ tuyệt đẹp, với những kỷ niệm thời học sinh tuyệt vời.

Còn mấy ngày nữa là đến giỗ “bố già” tui,( 17/3 â.l ) , một lần nữa xin nghiêng mình thắp một nén nhang trước hương hồn của ông mà lúc nào tui cũng văng vẵng bên tai lời khuyên của ông:

- Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.Dù không có danh gì với núi sông cũng phải làm người tử tế .

Các bạn ơi, đến đây tui xin tạm chia tay “chuyện đời tự kể” mà có thể 90% là thật và phần còn lại là …cường điệu để tạo thêm sự hấp dẩn của câu chuyện. Thông cảm các bạn nhé. Nhưng trong đó có thể các bạn cảm thấy phảng phất đâu đây những tình huống giống giống cuộc đời mình đã trãi qua, như vậy cũng khiến tui mãn nguyện lắm. Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ?

Sau khi xem xong bài viết nầy, có thể bạn thích, có bạn không thích nhưng mong các bạn thông cảm, vì :

 “lời quê chắp nhặt dông dài,

 “mua vui cũng được một vài trống canh .”


 Lê xuân Sang 

 ( 3/2013 )




Chú thích: Thời trước năm 1975 Trường trung học chuyên Nông lâm Súc có 2 đầu vào : Tuyển sinh vào lớp đệ ngũ ( lớp 8) và tuyển sinh vào lớp đệ tam (lớp 10 ). Học sinh lớp ngũ,tứ học ngày 2 buổi gồm các môn phổ thông,chuyên nghiệp NLS và thực hành.

Học sinh lớp tam,nhị,nhất học theo phân ban. Chương trình phổ thông thì giống nhau,nhưng bạn nào theo ban canh nông thì đi sâu hơn về nghề nông còn các môn lâm,súc là môn phụ,chỉ học sơ sơ cho biết. Tương tự,nếu chọn Lâm thì lâm chính,nông,súc phụ. Đặc biệt,ban thủy lâm là ban ghép ( gồm nghề rừng và nghề cá ).


Tái bút :Có một số hình ảnh minh họa bài viết nầy.Muốn xem đầy đủ mời các bạn xem trong facebook có nick là : le xuan sang . Thân mến

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Mười 2023(Xem: 568)
“Kỷ niệm 72 năm thành lập Trường Bộ Binh Thủ Đức” để những người lính già xa quê hương được gặp nhau trong tình chiến hữu đã đến trong chiến trường, cho đến lúc xa quê hương.
22 Tháng Bảy 2023(Xem: 3296)
. Rồi sau mấy thập niên xa cách, họ lại gặp nhau trên xứ người chưa đầy 100 người. Tuy không bao nhiêu, nhưng thật trân quý vô cùng
03 Tháng Tư 2023(Xem: 3058)
THỦ ĐỨC GỌI TA VỀ, KIÊN QUYẾT RỦ NHAU VỀ NGÀY ĐẠI HỘI KHÓA 5/72 SVSQ TB THỦ ĐỨC
17 Tháng Giêng 2023(Xem: 1462)
Mới ngày nào trong thời chinh chiến, các cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức đón Xuân tại quê nhà. Thuở đó, họ là những sinh viên son trẻ với mái đầu xanh nhiều mơ mộng
23 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 1880)
Tại nhà hàng Paracel Seafood.Sự hiện diện của Quý Chiến Hữu, Quý Huynh Đệ Đồng môn là niềm hảnh diện cho chúng tôi.
12 Tháng Tư 2022(Xem: 2682)
Mong quý huynh trưởng và gia đình cùng nhau về gặp mặt đậm tình đồng đội, chiến hữu. Quý huynh Trưởng có thể liên lạc và ghi danh qua các huynh trưởng đại diện đại đội của mình
05 Tháng Năm 2020(Xem: 5010)
Việt Nam , máu xương Tiền Nhân,thấm trong tình yêu,chết trong can trường.
22 Tháng Giêng 2020(Xem: 6316)
Hội Ái Hữu Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa Nam California đã tổ chức tiệc tất niên mừng Xuân Canh Tý,
25 Tháng Sáu 2019(Xem: 7847)
“Xin tạ lỗi với đồng bào miền Nam và quê hương tổ quốc, cựu SVSQ Khóa 5/72 còn một nửa đoạn đường chiến binh chưa hoàn tất,” Nguyễn Hữu Hạnh ngậm ngùi chia sẻ.
23 Tháng Sáu 2019(Xem: 13710)
hãy cười lên đi và cùng tự hào chúng ta là người lính đã có MÔT THỜI KHĂN HỒNG không thể nào quên
21 Tháng Năm 2019(Xem: 5594)
Chúng con hãnh diện là con của cha mẹ tỵ nạn. Chúng con hãnh diện là cháu của người cựu chiến binh
08 Tháng Năm 2019(Xem: 7142)
Có Một Thời Nhân Chứng, Khung Trời Đại Học,Quân Trường đổ mồ hôi, Về miền Chiến Dịch… một cuộc chiến với máu và nước mắt
02 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 8387)
Kính mời quý đồng hương Biên Hòa và thân hữu cùng đến tham dự buổi tuyển thệ của đồng hương Tài Đỗ
02 Tháng Mười Một 2018(Xem: 6773)
“Ơn Tử Sĩ – Nghĩa Thương Binh – Tình Đồng Đội,” nói lên đầy đủ nghĩa, tình của các cựu SVSQ đối với các đồng môn đã vị quốc vong thân
04 Tháng Mười 2018(Xem: 6080)
Cộng đồng người Việt tỵ nạn nói chung và CĐNVTD Úc Châu nói riêng, trong suốt bao năm qua, đã kiên trì và mạnh mẽ đấu tranh đòi tự do, dân chủ
01 Tháng Mười 2018(Xem: 7542)
Nếu chúng ta không viết, Lê Lạc Giao không viết thì ai sẽ là người viết nên những sự kiện này.
26 Tháng Chín 2018(Xem: 6476)
Tôi muốn gọi nó là sách mà không là tiểu thuyết, truyện dài vì tác phẩm tuy có hư cấu, các nhân vật là giới sinh viên trong các phân khoa Đại Học miền Nam nhưng dựa hoàn toàn vào một bối cảnh có thực
25 Tháng Chín 2018(Xem: 9974)
Hôm nay, Thống Đốc Brown đã ký ban hành Đạo Luật SB 895, Uỷ Ban Soạn Thảo Giảng Dạy -IQC sẽ có đến ngày 31, Tháng Mười Hai, 2022
08 Tháng Chín 2018(Xem: 6474)
Kính mời quý đồng hương và thân hữu đến tham dự vào chiều chủ nhựt 16 tháng 9 năm 2018
22 Tháng Bảy 2018(Xem: 6760)
Cám ơn HT Trần Quang Sanh khóa 5/72 Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức đã thực hiện video yểm trợ bạn đồng khóa với thinh thần " ĐƯỜNG CÒN DÀI NHƯNG CHÂN CỨNG ĐÁ MỀM"
19 Tháng Bảy 2018(Xem: 9461)
Vừa là con rồng cháu tiên vừa là hậu duệ chúng cháu những hậu duệ có bổn phận phải tiếp nối con đường bảo vệ giang sơn tổ quốc Việt Nam.
23 Tháng Sáu 2018(Xem: 8767)
Những tình bạn này đều quý trong cuộc đời của mình, nhưng tình bạn trong quân trường thì sẽ được gắn bó nhau hơn suốt cả đời
26 Tháng Hai 2018(Xem: 6648)
Cô Việt Hương là phụ nữ mang nguồn gốc Việt đầu tiên vào Quốc Hội và là một người trẻ hãnh diện với hai nguồn gốc Úc Việt
26 Tháng Hai 2018(Xem: 6469)
Đối với người Việt Nam, sự biết ơn không phải là một sự lựa chọn, nó là một nghĩa vụ trong cuộc sống”