NHỮNG SUY NGHĨ CHƯA ĐỊNH HÌNH VỀ NƯỚC MỸ
Đến vườn quốc gia Yosemite vào đúng ngày chính phủ Mỹ tuyên bố đóng cửa một phần. Vườn ở Cali nhưng thuộc quyền quản lý của liên bang nên cũng đóng cửa. Nếu các bảo tang quốc gia vì sợ mất hiện vật nên đóng cửa hẳn, thì vườn quốc gia là rừng chẳng sợ mất gì nên vẫn mở cửa cho du khách vào, nhưng không có dịch vụ hỗ trợ và không có nhân viên gát cửa nên không bán vé vào cửa. Nhóm chúng tôi thoải mái đi vào mà không mất $35 cho mỗi chiếc xe. Mỗi năm, Yosemite đón trên 5 triệu lượt khách, riêng ngày hôm đó công quỹ Mỹ thất thu khoảng $35.000 vì có khoảng 1000 lượt xe vào không phải mua vé.
Dù không có người quản lý thì hàng ngàn du khách đến vườn quốc gia hôm đó vẫn cứ răm rắp chấp hành các quy định của vườn, nghĩa là vẫn đậu xe đúng chỗ, không vứt rác bừa bãi, không hủy hoại thiên nhiên, đặc biệt không tiểu tiện vào các gốc cây rừng dù trên đường mòn lội vào rừng dài 5 km chỉ có một nhà vệ sinh giữa đường, lại không có nước vì dịch vụ đóng cửa.
Người Mỹ đã hình thành phong cách sống như vậy thành thói quen từ lâu đời nên dù có chính phủ hay vô chính phủ thì họ vẫn cứ sinh hoạt và chấp hành các quy định y như vậy.
Động lực phát triển xã hội dưới chế độ cộng sản, theo chủ nghĩa Mác Lê là đấu tranh giai cấp, giai cấp bần cùng nổi lên lật đổ và cướp đoạt tài sản của giai cấp giàu có sẽ làm xã hội tiến lên. Phản bác lại luật thuyết phi nhân tính quái gỡ đó, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu cho rằng động lực phát triển nhân loại là trí tuệ, vì theo ông những phát minh từ trí tuệ đã đưa xã hội loài người từ tầng nấc nầy bước lên tầng nấc khác cao hơn. Khám phá ra lửa và phát minh ra công cụ tạo lửa đã đưa loài người thoát khỏi kiếp ăn lông ở lỗ. Khám phá ra kim loại và chế tác kim loại thành công cụ lao động đã đưa loài người tiến lên thời kỳ đồ đồng… rồi hàng loạt những phát minh từ trí tuệ đã phát triển xã hội loài người tiến lên như bây giờ.
Động lực để nẩy ra phát minh là tìm sự tiện ích, nghĩa là lợi lộc. Anh chế ra vũ khí bằng đồng để săn thú hiệu quả hơn vũ khí bằng đá, dao đồng thì chặt cây rừng về làm nhà nhanh hơn dao đá, từ đó anh làm ra dao đồng sẽ đổi được nhiều thực phẩm hơn so với dao đá. Anh làm ra động cơ nổ kéo xe nhanh hơn là ngựa do vậy anh bán động cơ nổ nhiều tiền hơn bán ngựa. Xã hội tư bản, lợi lộc được đánh giá bằng tiền, do vậy có thể nói động lực phát triển xã hội chính là tiền. Nước Mỹ là tiêu biểu của xã hội tư bản, động lực phát triển xã hội của Mỹ là tiền, và cũng chính đồng tiền đã làm nên cơ chế vận hành nước Mỹ.
Anh lái xe vi phạm luật giao thông bị cảnh sát phạt tiền đã đành, bên cạnh đó tiền mua bảo hiểm về sau của anh cũng tăng lên. Anh tốn khá nhiều tiền nên phải cố gắng chấp hành luật lệ giao thông. Hãng bảo hiểm của tư nhân, nhà nước không có quyền ra lịnh hãng bán bảo hiểm cho người vi phạm cao lên, tuy nhiên vì lợi nhuận, hãng bảo hiểm thấy anh có khả năng gây ra tai nạn trong tương lai cao, làm tổn thất cho hãng nhiều hơn người không vi phạm nên tính phí bảo hiểm của anh cao hơn.
Tôi có một anh bạn bị tai biến, liệt nửa người vào cấp cứu và chữa trị trong bệnh viện. Anh kể rằng, tất cả mọi việc từ ăn uống, tắm rửa đến đi vệ sinh đều có y tá và hộ lý chăm lo 24/24. Vợ anh đến chỉ vào thăm vào giờ giấc theo quy định rồi ra ở phòng ngoài, không được đụng vào việc chăm sóc anh. Anh kể, lúc anh chưa cử động được thì cô hộ lý lo hết đã đành, nhưng đến khi anh phục hồi có thể tự xuống giường, tự bước vào nhà vệ sinh cũng vẫn được chăm sóc. Anh chỉ rục rịch một cái, chuông reng ngay và hộ lý xuất hiện tức khắc hỏi anh cần gì, nếu anh có nhu cầu vệ sinh, cô ta dìu anh vào nhà vệ sinh để đại hoặc tiểu tiện, rồi rửa ráy cho anh như cho trẻ con. Có lúc vào nửa đêm, anh ái ngại quá không muốn làm phiền hộ lý, anh ngắt chuông trước khi bước ra khỏi giường để tự mình đi vệ sinh. Anh chỉ làm được một lần duy nhất như vậy suốt trong thời gian nằm viện, có một hệ thống giám sát khác phát hiện ra hành vi sai quy định của anh, cô hộ lý bị nhắc nhỡ và anh không bao giờ dám tự ý đi một mình vào nhà vệ sinh nữa.
Cái bộ quy tắc chi phối mọi công việc trong bệnh viện đã không những không cho phép bác sĩ, y tá, hộ lý làm sai quy trình mà còn giám sát luôn cả hành vi của bệnh nhân. Bệnh viện hay bất cứ cơ quan, công ty nào cũng cần một bộ quy tắc khoa học nhất để quản lý hiệu quả sự vận hành của bộ máy nhằm mang đến lợi nhuận cao nhất. Từ đâu ra những bộ quy tắc ấy? Có thể từng tổ chức tự nghĩ ra, nhưng cách tốt nhất là bỏ tiền ra mua những bộ quy tắc từ những tổ chức chuyên “sản xuất” ra các bộ quy tắc ấy. Vì đồng tiền nên có cầu là có cung.
Bộ máy nhà nước Mỹ cũng đang vận hành theo một bộ quy tắc. Đó là bộ quy tắc ưu việt nhất “sản xuất” ra từ nền văn minh dân chủ của Châu Âu, Mỹ đưa vào vận dụng gọi tên là hiến pháp rồi điều chỉnh dần qua trải nghiệm thực tế bởi các tu chính án. Đó là bộ quy tắc của tam quyền phân lập, qua đó quyền lực tối cao được phân tán ra và được liên lập kiểm soát lẫn nhau.
Bộ quy tắc đó đã giúp cho bộ máy nhà nước Mỹ vận hành suôn sẻ gần 300 năm qua, đẩy xã hội Mỹ phát triển nhanh hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới để có vị trí số một như hiện nay trên mọi lãnh vực...
HUỲNH NGỌC CHÊNH