Tháng Ba Gãy Súng, Tháng Tư Buồn
VỮNG MỘT NIỀM TIN
Câu chuyện ngày xưa, thời VNCH
Hồi đó, tôi làm Chánh Văn phòng cho Đại tá Tỉnh trưởng LQC. Một bửa, ông đi thăm Quận Nhơn Trạch về, kêu tôi bảo, mời ông Trưởng Ty Tiểu học qua gặp. Trưởng Ty Tiểu học hồi ấy là cụ Trần Huyến, thầy học thời tiểu học của ông tỉnh trưởng ngày xưa ở Bạc Liêu. Cho nên khi cụ Huyến tới, ông tỉnh trưởng rời bàn làm việc, chắp tay chào và mời cụ ngồi ở salon và thưa: “ Tôi mới đi thăm Quận Nhơn Trạch về. Tôi thấy ở dưới đó học trò đi lang thang ngoài đường trong giờ học. Xin Thầy về căn dặn các vị thanh tra thường xuyên viếng thăm các trường học, nhắc nhở các vị hiệu trưởng cắt cử người thay thế chăm sóc học trò khi thầy cô bận việc hoặc đau yếu bất ngờ vắng mặt. Xin đừng để học trò lêu lõng vào giờ học.”
Nếu biết rằng các vị tỉnh trưởng quân sự, việc giặc giả là việc trọng yếu phải lo. Vậy mà vẫn để tâm chi li tới việc học hành và phong cách của con em trong quản hạt mới biết làm việc chỉ huy hành chánh không phải nhẹ nhàng, dễ duôi.
Câu chuyện ngày nay, thời xã nghĩa
Cô giáo trẻ Tòng thị Minh
Dạy lớp mẫu giáo Sam Lang, Na Hỳ, Điện Biên
Anh dũng chun vào bọc nylon qua sông đi dạy
Các bé thơ học trò chun vào bao nín thở qua sông học con chữ
Đó là hình ảnh não nùng của cô đi dạy, trò đi học dưới thời xã nghĩa nơi vùng cao nghèo nàn, hẽo lánh!
Việc đi dạy, đi học tồi tệ đến như vậy mà các cấp “ chánh quyền “ chẳng một ai quan tâm thật là không hiểu được. Bổn phận của nhà cầm quyền xã hội chủ nghĩa là gì?
Từ giáo dục đến tín ngưởng nơi vùng cao Việt Bắc
Giáo dục Điện Biên thì bỏ phế, việc tín ngưởng phong tục của người H'mong Việt Bắc thì can thiệp tàn bạo.
“ Đầu tháng 10 vừa qua , hàng trăm người H'Mông từ bốn tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên và Tuyên Quang kéo về Hà Nội tố cáo chính quyền địa phương "cấm họ theo đời sống văn minh“.
Câu chuyện đàn áp cái bị gán cho là “ đạo Dương Văn Minh “ lý do như sau:
“ Lý do là các chính quyền địa phương tại 4 tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Cạn đã phá bỏ nhà tang của họ (có nơi gọi là "nhà táng", "nhà đòn"). Khoảng 25 năm nay người H’Mông ở đó đã thay đổi tục lệ chôn cất.
Trước đây họ treo xác chết trong nhà rồi bày tiệc ra ăn uống với người chết trong 7 ngày. Sau đó mới đem xác đi chôn không có hòm ván. Bây giờ họ xây nhà tang chung để đưa quan tài vào đó cho thân nhân đến thăm viếng trong vòng 24 tiếng rồi đem chôn. Họ cho rằng làm như vậy là sạch sẽ và vệ sinh hơn, giống như người miền xuôi đang làm. Thế nhưng chính quyền địa phương lại đem quân đến phá nhà tang của họ, đánh đập, bắt bỏ tù họ và bắt họ trở lại phong tục cũ.
Họ về Hà Nội để đòi phải cho họ lập nhà tang, trả tự do cho những người bị bắt và phục hồi danh dự cho người đã dạy họ theo nếp sống mới là ông Dương Văn Mình. “
Ngày hôm kia, 20/3/2014, hàng ngàn đồng bào H'mong thuộc 4 tỉnh Tây Bắc, Cao Bằng, Thái Nguyên,Tuyên Quang và Bắc Cạn kéo về biểu tình trước tòa án Hàm Yên, Tuyên Quang đòi trả tự do cho hai người dân theo đạo Dương Văn Minh. Ngụy quyền vc đàn áp tàn bạo, đánh đập dã man và bắt đi mất tích 4 người. Hàng chục người bị đánh trọng thương!
Nhưng người Anh em H'mong ai?
Cứ theo Wikipedia, người anh em H'mong vốn thuộc dòng Bách Việt:
“ Cuối thời kỳ đồ đá mới, đầu thời kỳ đồ đồng (khoảng 5.000 năm trước đây). Tại khu vực mà ngày nay là miền bắc Việt Nam, miền nam Trung Quốc (từ sông Dương Tử trở xuống), có sự chuyển biến do chủng Cổ Mã Lai tiếp xúc thường xuyên với Đại chủng Á từ phía bắc tràn xuống, sự chuyển biến này hình thành một chủng mới là chủng Nam Á(tiếng Pháp: austro-asiatique).Thời kỳ sau đó, chủng Nam Á được chia thành một loạt các dân tộc mà các cổ thư Việt Nam và Trung Hoa gọi là Bách Việt
Theo truyền thuyết Việt tộc, ý nghĩa cũng đồng: Lạc Long Quân kết duyên cùng mẹ Âu Cơ, sanh ra “ bọc trăm trứng “. Một nửa theo cha xuống biển hóa Rồng. Một nửa theo mẹ lên núi thành Tiên. Cho nên dù Kinh hay Thượng, Việt hay H'mong vẫn cứ là anh em từ “ bọc trăm trứng “ sanh ra, vẫn cứ là con Rống, cháu Tiên.
Sở dỉ viết đôi dòng xác định danh phận là bởi vì có những ông lên tiếng so bì: Các bạn H'mong can trường, biết biểu tình rầm rộ binh vực người anh em bị cường quyền bắt bớ, tù đày, trong khi người Kinh trở nên bạc nhược không biết đoàn kết, đứng lên tranh đấu trong các trường hợp tương tự.
Thật ra thì các bạn vì bực bội mà quên đi những sự kiện vang động mà người Kinh chúng ta từng thể hiện:
Ngày 5 tháng 6, 2011, ngày lịch sử dân Việt hai Miền Nam – Bắc biểu dương lòng yêu nước chống tàu xâm lăng: Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam.
Khi hàng hàng lớp lớp người dân Nam bộ, từ Vũng Tàu, Bà Rịa kéo vào
Khi bà con từ Xuân Lộc, Biên Hòa kéo xuống
Khi đồng bào từ Mỹ Tho, Long An kéo lên
Tụ họp nhau nơi Bến Nghé, Sài gòn
Dẫn đầu là một thanh niên
Trên vai đồng đồng đứa bé thơ
Tay dắt người vợ trẻ
Cất cao lời hát
“ Quê hương Việt Nam ngạo nghễ “
Cả rừng người rồng rắn
Từ nhà thờ Đúc Bà kéo ra chợ Bến Thành
Biểu dương khí thế chống tàu xâm lăng
Hoàng Sa – Trường Sa
Hai mảnh Việt Nam trôi giạt trên biển Đông
Là của Tổ Quốc Việt Nam!
Nơi cố đô Thăng Long
Hàng ngàn thị dân Hà Nội
Hiệp cùng đồng bào từ Phú Thọ, Việt Trì kéo xuống
Cũng cất tiếng hô ngạo nghễ
Hoàng Sa – Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam
Làm sao quên được
Trước pháp đình việt gian cọng sản
Bộ ba anh thư hào kiệt
Minh Hạnh – Huy Chương – Quốc Hùng
Lẫm liệt hô vang
“ Đả đảo cọng sản “
Làm sao quên được
Lời nguyền thắm máu Phương Uyên
“ Đi, chết đi đảng csvn bán nước “
“ Tàu khựa cút khỏi biển Đông “
Lời Nguyên Kha vang dội
“ Tôi trước sau là người yêu nước
Tôi chống đảng cọng sản
Mà chống đảng thì không có tội “
Làm sao quên được
Lời ca thắm thiết Việt Khang
“ Già trẻ gái trai giơ cao tay
Chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược
Bán nước Việt Nam “
“ Xin hỏi anh là ai , không cho tôi xuống đường để tỏ bày
Tình yêu quê hương này
Dân tộc này đã quá nhiều đắng cay “
Trên đây là những nét son rực rở, báo hiệu ngày mai tươi sáng cho dân tộc.
Ngày vui chấm dứt “ đêm trường cọng sản “
Hãy giữ vững niềm tin vào vận mệnh huy hoàng của Đất Nước – Dân Tộc
Nhân cuối “ Tháng Ba gãy súng “ sắp tới “ Tháng Tư Buồn “, xin kèm theo bài viết cũ “ Khí Phách Người Miền Nam “ để góp vào Niềm Tin Chánh Nghĩa.
KHÍ PHÁCH NGƯỜI MIỀN NAM
Thân trong tù mà vẫn dõng dạc lớn tiếng vì Tự Do - Nhân đạo - Nhân quyền
Mồng 4 Tất năm Đinh Tị 77, trại tù số 1 Lào Cai họp khẩn cấp. Viện trưởng trại giận dữ tuyên bố: “Đêm qua có hai người toan trốn trại, hiện đang bị nhốt trong phòng “kỷ luật”. Ở đây các anh đừng hòng tính chuyện ấy, chỉ thiệt thân mà thôi .Rừng núi ở đây không thể dung dưỡng các anh. Dân quân du kích chung quanh không để các anh trốn thoát. Đó là chưa kể hệ thống an ninh trại không dễ gì vượt qua”.
Trở về phòng giam, nghe tiếng chó sủa rộ, nhìn lên sườn đồi sát trại, bầy chó săn hung dữ đang thao diễn rượt đuổi tù trốn trại: Một cảnh đe dọa, trần áp đây “khí thế”.
Người hùng Thủy quân Lục chiến: Thiếu Tá Tôn Thất Thiện Nhơn
Một tháng sau, người hùng vượt ngục đầu tiên trên đất Bắc, được đưa về đội xẻ “tăm mành” tức là chẻ que nứa xuất khẩu sang Nhật Bản để đan mành cửa. Người hùng tóc râu phủ đầy mặt, lắc lê bước thấp bước cao, vì gót chân bị cùm cứa đứt. Vậy mà chỉ hơn tháng sau anh lại cho “nổ”” một màn đầy hùng tráng và ngoạn mục. Một buổi sáng mùa hè, bỗng dưng cai tù cho ngưng công việc, mở cuộc học tập đột xuất ngay tại phòng giam. Mở đầu, sau cái láy mắt của viên cai ngục, tên Q., một tên chỉ điểm hèn mạt và đáng khinh ghét nhất trong đội, liền đứng lên phát biểu ý kiến: “Nhờ ơn Bác, Đảng nuôi cho “ăn học” tử tế, nhà cao cửa rộng, ăn mặc no đủ mà đây lại có người phát ngôn bừa bãi, phản động”.
Lập tức anh T3 Nhơn đứng xô dậy, dang tay chỉ thẳng vào mặt tên Q. này (xin đọc là Cu cho đáng bỏ ghét) la lớn: “Đồ bợ đít, ngồi xuống câm miệng lại, không thôi tao đấm vỡ mồm. Ơn Bác Đảng hả? Không! Tao không ơn mà tao thù, tao oán. Cũng chỉ Bác Đảng mà thân tao thì tù tội, nhà tan cửa nát, vợ con ruồng bỏ. Còn nhà cao cửa rộng hả? Xem kìa, phòng giam chật hẹp nóng bức như hoả lò địa ngục. No đủ hả? Xem đây, thân hình tiều tụy, rách rưới tả tơi. Không! Đồ bợ đít láo xược!”
Viên cai tù liền đứng bật lên…gấp bước “dong” thẳng một đường, chuồn ra khỏi khu phòng giam vì lúc này y không có võ trang. Mà cho dù có đeo khẩu súng lục nho nhỏ đi nữa cũng không dám ngồi lại, trước khí thế bừng bừng do người hùng TQLC thổi bùng lên.
Tôi cũng có một kỷ niệm “lên ruột” với người hùng này. Chẳng là tôi có “vinh dự” trùng tên với anh, mà mấy “cọng antenne” vì làm việc hèn mạt nên lấp lém không phân biệt. Một buổi sáng, khi cả trại đang tập trung chờ ra cổng đi lao động, thì “lưỡng Nhơn” được lệnh ra ngồi riêng, chờ lệnh .Lát sau, cả hai “quan Nhơn” được cai tù, có lính võ trang tiền hô hậu ủng trở về phòng giam, lục tung đồ đạc tra xét: Nhơn này thì cất giấu một bọc khoai lang sấy khô. Nhơn kia có một gói muối bằng nắm tay. Vậy là rõ nhé, hai Nhơn ta cấu kết toan trốn trại đấy nhé! Nhưng rồi tiền hung, hậu kiết, chúng tôi được một ngày nghỉ khỏe, vì Nhơn kia bị cùm đã nhiều mà vẫn trơ trơ, nên không cùm nữa mà làm chi. Còn Nhơn nầy thì yếu đuối quá chắc không trốn nỗi.
Về sau, trước khi Trung Cộng đánh vào sập trại số 1 thì anh Nhơn đã được di chuyển về trại Hà Nam Ninh. Ở đây, nghe nói anh cũng đã vượt ngục nhiều lần đều bị bắt lại. Cuối cùng được một nữ công nhân địa phương cảm thương, cứu cho trốn thoát. Cầu mong cho anh Nhơn đã đến được bến bờ Tự Do.
Chiến sĩ Nhân quyền: Đại Uý Bình, Cảnh Sát Quốc Gia
Tôi lúc ấy đau yếu hầu như liệt nhược nên rất tiếc không nghe rõ đầy đủ tên họ anh. Dẫu sao, chỉ ghi như trên để xem anh như là “người tiêu biểu xứng đáng” cho tập thể quân chính miền Nam, tưởng cũng đủ nghĩa.
Một buổi chặp tối, đội 12 “Rau xanh” ở trại Tân Lập được tiếp đón một hội viên mới . Anh Bình bước thấp bước cao, cà nhắc bước vào phòng giam. Anh đến đây từ phòng biệt giam sau 1 tháng bị cùm chân, nên như thường lệ nhượng chân bị cùm ăn khuyết. Được biết, anh Bình đã gan dạ phi thường, không chịu để tên công an coi tù nhục mạ, đã dơ cao cây cuốc toan thử xem “gáo dừa” của CA/VC có cứng bằng đất đá Trường sơn không. Chừng hơn tháng sau, anh lại cho nổ bung màn đấu tranh Nhân quyền đầy bi tráng.
Lúc nầy ở bên ngoài VC đang phát động chiến dịch gọi là “Chống tiêu cực trong sản xuất” tức là chống lại nông dân, vì đói khát làm việc thì ít mà ăn cắp thì nhiều. Ở đây bọn cai tù dốt nát cũng rập khuôn y chang, bắt tù nhân học tập. Buổi tối mùa đông năm 80, trong lúc anh em đang trùm kín chăn chiếu toan đi ngủ thì viên đội trưởng gọi dậy ngồi nghiêm chỉnh để học tập. Anh nầy tuyên bố đề tài học tập là “Chống tiêu cực trong sản xuất” theo lệnh cán bộ. Lập tức, anh Bình giơ tay xin phát biểu ý kiến. Tên đội trưởng có vẻ hý hửng, chắc đinh ninh là anh Bình mới từ phòng biệt giam ra muốn “lập công đái tội” nên liền cho anh Bình nói. Anh Bình dõng dạc tuyên bố: “Ở đây là tù tội! Tội lập lại, ở đây là tù tội, hơn nữa là tù khổ sai. Tất cả đều bị cưỡng bức lao dịch khổ sở. Là tù nên không một ai có ý chí tự do. Vậy đâu có tự nguyện, tự giác mà nói cái chuyện tiêu cực hay tích cực được. Ở đây nếu cần nói là nói chuyện nầy: Vấn đề Nhân quyền, Nhân đạo. Chế độ lao tù này có tôn trọng nhân phẩm con người hay không? Hay chỉ đày đọa, đói khát, bệnh tật và chết chóc nhằm mục đích trả thù?” Viên đội trưởng hoảng quá, vội cắt đứt không cho anh Bình nói nữa.
Ngày nay, ở Hoa Kỳ nầy nói chuyện Nhân quyền là bình thường, có khi còn nhàm nữa. Thế nhưng đối với chúng tôi lúc ấy, giữa chốn địa ngục đầy đe dọa, hai tiếng thiêng liêng đó “nổ to” như sấm động giữa mùa đông.
Một ít lửa dành cho mai sau
Ngày nay lớp người kể trên phần lớn đã già yếu lại thêm nhiều tật bệnh sau bao năm tù đầy gian khổ. Tuy nhiên hầu hết đều giữ được trong lòng “chút lửa thiêng sông núi Việt” dành chuyển lại cho thế hệ mai sau. Mong rằng được thế hệ sau gom góp lại, thổi bùng lên ngọn lửa Tự do, Dân chủ cho quê nhà.
Và như trên Đại Dương, “sóng sau đè sóng trước”, lớp trẻ ngày nay hãy mạnh dạn nương vào lớp sóng trước, vươn lên đập tan chế độ bạo tàn VC.
Nguyễn Nhơn
( Kỷ niệm Tháng Tư buồn)