Nhân chuyến ra đi vĩnh viễn của kịch tác giả Václav Hvel, cựu Tổng Thống Cộng Hoà Czech, linh hồn của cuộc “Cách mạng Nhung” tại Tiệp Khắc năm 1989, xin lạm bàn về nhiệm vụ cầm bút của những nhà văn Việt Nam lưu vong.*
Kịch tác gia, nhà báo, nhà thơ, nhà đạo diễn, nhà bất đồng chính kiến Václav Havel từ vị trí một người tù chính trị đã trở thành Chủ Tịch thứ 10 và cuối cùng của Tiệp Khắc vào năm 1989. Đó cũng là năm bức tường Berlin sụp đổ và cuộc “Cách mạng Nhung” ở Tiệp Khắc đã hoàn thành mỹ mãn, giải thể chế độ Cộng Sản trên xứ sở này không cần tới một tiếng súng. Đến năm 1993 ông trở thành Tổng Thống đầu tiên của Cộng hoà Czech tức Czechoslovakia, vừa tách ra thành hai nước Czech và Slovakia.
Bước đường sự nghiệp của ông tương tự như của Nelson Mandela ở châu Phi, không gian khổ bằng, nhưng đầy màu sắc rực rỡ trong một cuộc đời hoạt động với thiên tài của một nghệ sĩ và niềm tin vào chính nghĩa của một nhà cách mạng chân chính.
Hình ảnh của Václav Havel có vẻ như rụt rè, với bộ ria lưa thưa và điếu thuốc lá liền miệng suốt ngày, đầy vẻ kịch sĩ và trí thức, đã trở thành hình ảnh thân yêu đối với người dân Tiệp và biểu tượng của dân chủ Đông Âu từ thập niên 1960 đến mãi sau này. Ông qua đời ngày Chủ Nhật 18 tháng 12 năm 2011, vì ung thư phổi lâu năm tái phát.
Với tài hùng biện và tài năng văn học nghệ thuật hiếm có, với đức hy sinh quên mình cho lý tưởng cách mạng bất bạo động, Václav Havel từng được Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton so sánh với thủy tổ của lý tưởng bất bạo động, “Thánh” Mohandas Karamchand Gandhi của Ấn Độ, và lãnh tụ nhân quyền Martin Luther King Jr. của Mỹ.
Thủ Tướng Anh Margaret Thatcher từ thế kỷ trước đã ca ngợi ông như một nhân vật nổi bật của thế kỷ 20.
Tổng Thống Barrack Obama tuyên bố từ Washington: "Cuộc đối kháng bất bạo động của ông Václav Havel đã làm rung chuyển nền móng của một đế quốc, phơi bày sự trống rỗng của ý thức hệ hà khắc, đồng thời chứng minh rằng đức lãnh đạo tinh thần công chính có sức mạnh vượt trội hơn bất kỳ loại vũ khí nào”. (Theo Việt Long – RFA).
Trong nhiều bài viết về cái chết của Václav Havel, hình như nhiều người quên mất hoặc không nhớ tới ông đã từng là Chủ Tịch Danh dự của Trung Tâm Văn Bút Tiệp (Centre PEN Tchèque/Czech PEN Centre).
“Những người cầm bút, có người coi sự hoạt động chính trị như phản lại sự độc lập của ngòi bút và khước từ tham gia chính trị với quan điểm rằng công việc của nhà văn chỉ có viết mà thôi; có người lại chủ trương tham gia hoạt động cộng đồng như một công dân và tham gia hoạt động chính trị với ý nghĩa tích cực nhất”.
Trên đây là những lời phát biểu của kịch tác gia Václav Havel, trong tư cách Tổng Thống và là Chủ tịch Chủ Tịch Danh dự Trung Tâm Văn Bút Tiệp và những lời này được phát biểu trong Đại Hội Văn Bút Quốc Tế ngày 7 tháng 11 năm 1994 tại Prague, thủ đô Cộng Hoà Tiệp.
Là một-người-lính-miền-Nam-cầm-bút để tiếp tục chống lại hiểm họa cộng sản - tôi tự nhận mình là người cầm bút thuộc thành phần thứ hai: chủ trương tham gia hoạt động cộng đồng như một công dân và tham gia hoạt động chính trị với ý nghĩa tích cực nhất - theo như lời phát biểu của kịch tác gia Václav Havel.
Trong 25 năm cầm bút và sinh hoạt cộng đồng, tôi đã thực hiện đúng như tôn chỉ mà tôi đã tự đề ra: viết để chống lại cái ác là chủ nghĩa cộng sản đã đày đọa dân tộc Việt Nam trong hơn 65 năm qua!
*
“… Nếu chúng ta không bất bình
Trước cái hèn cái xấu
Nếu không biết thế nào là chiến đấu
Làm gì có được tự do
Nếu hai chân không đứng lại bò
Nếu chỉ biết hoan hô “phải đạo”
Để giữ vững miếng cơm, manh áo
Đời cần gì ngòi bút chúng ta
Nếu văn chương dối trá lọc lừa
Thì chữ nghĩa càng thêm xấu hổ!...”
Tôi rất tâm đắc với những câu thơ trên đây của cố thi sĩ Hà Thượng Nhân.
Trong nhiều bài viết, tôi công kích thẳng thừng, không khoan nhượng “những nhà văn uy thế văn nghệ đầy mình” lại viết bài ca tụng đất nước “mới lên từng giờ”, “đất nước đã có nhiều thay đổi”; nhưng lại có thái độ loay hoay, luẩn quẩn giữa sống và viết, cụp đuôi, cúi đầu không dám sống điều mình viết.
Tôi coi thường “những người cầm bút uy thế văn nghệ đầy mình” nhưng lại chủ trương giao lưu văn hóa với Việt Cộng về trong nước xin xỏ, lạy lục để được VC cho phép in sách và phổ biến!
*
Trong bài “Viết vì lưu vong” bác sĩ Trần Văn Tích đã viết như sau:
“Trước 75 tôi cũng từng viết. Nhưng tôi chỉ viết quanh quẩn về một nội dung: biện hộ cho đông y trước thái độ không mấy thân thiện của tây y.
Tỵ nạn ở nước ngoài, tôi chuyển dần thế đứng và thay dần cách viết. Tôi ngầm ký thác lập trường chống độc tài đảng trị trong một số lớn bài viết của tôi. Tôi cũng có những bài nghị luận chính trị trực tiếp chống Cộng bên cạnh những bài đả kích VC một cách xa xôi. Rất nhiều bài không nói gì về chủ nghĩa mácxít, trái lại nội dung hoàn toàn thuộc lãnh vực văn học văn chương nhưng vẫn mang màu sắc chống Cộng.
Tôi quan niệm rằng trước tai họa vô song đổ lên đầu dân tộc, mỗi người Việt lưu vong góp được cái gì thì góp, kẻ bằng cánh tay, kẻ bằng hiện vật, kẻ bằng lời nói, kẻ bằng trang báo. Tôi nghiệm ra rằng hầu như không có ngòi bút tỵ nạn nào rời bỏ thế đứng chống đối đại họa độc tài đảng trị và cũng không có ai chấp nhận chính sách văn học chỉ huy. Thế mạnh của văn học chính thống là thể hiện, biện luận phân giải những vấn đề chính nghĩa xoay quanh công cuộc chống ách nô lệ mácxít. Đối với tôi, người viết văn tỵ nạn lưu vong không coi sáng tác là một biểu hiện của tài hoa, mà là một bổn phận, vừa thỏa mãn nhu cầu tinh thần, vừa đóng góp cho đại cuộc.
Văn hóa văn học lưu vong của chúng ta không chịu đầu hàng thực tế là tự thấy đương nhiên có nhiệm vụ ngăn chặn làn sóng man rợ và tàn bạo đang đe dọa cuộc sống tự do. Tin tưởng vào tính thiêng liêng của các bản thông điệp do mình gửi đi, các ngòi bút nuôi hy vọng tác động đến quần chúng. Cho nên người cầm bút có trách nhiệm tự động tự giác từ bỏ tìm tòi nghệ thuật thuần túy, lìa xa con đường dẫn đến văn nghệ trừu tượng hay thi ca bí hiểm.
Trái lại nhiều người trong chúng ta quan niệm sáng tác phải có tác động vận động quần chúng, mà mong ước tác động vào thực tại cuộc sống tất yếu sẽ tham gia vào cuộc đấu tranh chính trị trước cơn sốt trầm trọng của lịch sử tổ quốc. Đó là một trong những lý do và cũng là kích động khiến nhiều trang mạng ra đời để tồn tại cho đến tận hôm nay.”
*
Tôi gần như hoàn toàn đồng ý với nội dung trong trích đoạn
trên của bài viết “Viết vì lưu vong” của bác sĩ Trần Văn Tích; nhưng xin không đồng
ý với đoạn:
“Tôi nghiệm ra rằng hầu như không có ngòi bút tỵ nạn nào rời bỏ thế đứng chống đối đại họa độc tài đảng trị và cũng không có ai chấp nhận chính sách văn học chỉ huy!”
Theo tôi, bác sĩ Trần Văn Tích đã quá lạc quan, hoặc quá độ lượng khi cho rằng “hầu như không có ngòi bút tỵ nạn nào rời bỏ thế đứng chống độc tài đảng trị và cũng không có ai chấp nhận chính sách văn học chỉ huy.”
Theo tôi biết:
-Có những ngòi bút tỵ
nạn, lại là những ngòi bút tỵ nạn “uy thế văn nghệ đầy mình” không những rời bỏ
thế đứng chống đối đại họa độc tài đảng trị”, mà những kẻ này lại ra còn ra sức
ca tụng đại họa độc tài đảng trị lên đến tận mây xanh!
-Có những kẻ cầm bút tỵ nạn chấp xin chấp nhận chính sách văn hóa chỉ huy vì một mục đích thầm kín nào đó đã về nước xin xỏ, lạy lục nhà cầm quyền để được cho phép in và phổ biến tác phẩm của họ. Có những nghệ sĩ “uy thế văn nghệ đầy mình” vì chút danh lợi cuối đời đã phải lạy lục, xin xỏ nhà cầm quyền độc tài đảng trị cho phép họ về nước sáng tác và trình diễn…
*
Xin thưa đây chỉ là chuyện lạm bàn về nhiệm vụ của người cầm bút Việt Nam lưu vong nhân dịp nhà văn, kịch tác gia Václav Havel, cựu Tổng Thống Cộng Hoà Czech cũng là cựu Chủ Tịch Danh dự Văn Bút Tiệp Khắc vừa qua đời. Do đó, nếu có điều gì làm phật lòng ai đó xin được bỏ quá cho.
Bởi lẽ, chẳng phải điều tranh đấu cuối cùng và trên hết của người cầm bút là tranh đấu cho sự tự do, hay sao?!
NGUYỄN THIẾU NHẪN
http://nguyenthieunhan.wordpress.com