Lê Phan
Vào lúc mà đáng lẽ chúng ta phải viết cho nhau những lời chúc tụng cho một mùa Giáng Sinh an lành, bình an dưới thế, sau một năm đầy biến động, và cầu mong năm mới sẽ tốt đẹp hơn thì đã có tin về sự qua đời của hai nhân vật.
Nếu trong cái thế giới hỗn loạn của chúng ta ngày nay có ai có thể được coi như là một tiêu biểu của cái thiện thì hẳn người đó có lẽ là ông Vaclav Havel, cựu tổng thống Cộng Hòa Czech. Và ngược lại, nếu ai có
thể được coi như là tiêu biểu cho cái ác thì trong số ứng viên giới hạn
còn lại trong hàng lãnh đạo thế giới hẳn phải có ông Kim Jong-il. Ấy vậy mà họ lại cùng qua đời chỉ cách nhau có một ngày.
Không những họ là tiêu biểu của hai sự đối nghịch, họ cũng là hai con
người hoàn toàn ngược nhau. Cùng nhỏ con, ông Havel chưa bao giờ để cho
dáng vóc của mình tạo cho một mặc cảm. Có lẽ đối với ông tầm vóc con người chẳng có gì là quan trọng cả. Ông Kim Jong-il của Bắc Hàn thì khác
hẳn. Luôn bị mặc cảm vì thiếu chiều cao, ông đi giày cao gót, để mái tóc bồng bềnh mong sao cho thấy mình cao hơn là tầm vóc thật. Đối với ông Kim, có lẽ dáng vóc của ông đã làm ông mang một thứ mặc cảm Napoleon, một thứ mặc cảm tự ty của những người thiếu chiều cao.
Họ còn khác nhau như nước với lửa ở nhiều khía cạnh. Ông Havel, một nhà văn, một nhà tư tưởng, không màng bao nhiêu đến cuộc sống vật chất trong khi ông Kim coi hưởng thụ, nhất là hưởng thụ vật chất là cái thú ở
đời. Chả thế mà trong thời đầu thập niên 1990 khi chưa có lệnh cấm vận và ông Kim được tự do mua rượu, ông đã là khách hàng ngon lành nhất của công ty Hennessy, mỗi năm tiêu tốn khoảng từ 600,000 đến 850,000 đô la để mua rượu. Nghe đâu ông thích nhất là loại cognac Paradis, giá bán trung bình chỉ sơ sơ cỡ 700 đô la một chai, trong khi lợi tức đầu người của người dân của ông chỉ có 1,000 đô la một năm.
Ông Kim là người để chúng ta nói chuyện đùa cho vui. Tôi còn nhớ trang bìa của tờ The Economist về chuyến viếng thăm thượng đỉnh chưa từng có giữa lãnh tụ Nam Hàn, Tổng Thống Kim Dae-jung, và ông Kim Jong-il, đã có hình ông và một hàng tít “Hello Earthling”. Quả là đúng thế, con người của ông xa lạ như là một người hành tinh chứ không phải một con người của địa cầu này. Huyền thoại của Bắc Hàn, thần thánh hóa ông, lại càng chỉ làm cho thêm nực cười.
Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta nên coi thường ông. Một nhà ngoại giao đã làm việc ở Bắc Hàn đã chỉ ra là ở một phương diện nào đó, hành vi của ông rất khôn ngoan và đầy tính toán. Ông sợ bị Hoa Kỳ và
đồng minh xâm lăng, ông sợ miền Nam mà ông biết ngày càng hùng mạnh hơn
miền Bắc nghèo đói của ông mặc dầu ông có một quân đội gấp đôi gấp ba lần họ. Và do đó ông đã chọn con đường mà ông cho là tốt đẹp nhất để bảo
đảm không bị tấn công. Ông bỏ hết cố gắng để tạo dựng cho Bắc Hàn một chương trình để làm sao đạt được khả năng vũ khí hạt nhân càng sớm càng tốt. Với lá bài đó, ông đã tạo cho mình một thế đứng khá vững chãi. Thế giới có thể bỏ đói dân ông nhưng không dám đụng đến ông.
Không mấy ai được đến gần ông để có thể biết con người ông như thế nào nhưng bản lãnh của ông trong việc chế ngự được hành lãnh đạo đảng cũng như hàng tướng lãnh chứng tỏ ông là một đối thủ đáng sợ.
Nói tóm lại, ông không phải là một người tử tế mà chúng ta muốn làm bạn.
Ngược lại, ông Havel là một người thật đáng mến. Tờ Financial Times, hồi năm 2008 đã gửi một phóng viên đến để phỏng vấn ông. Phóng viên Stefan Wagstyl viết “Luôn là một người nhẹ nhàng, ông rụt rè đi vào như thể, ngay trong chính văn phòng của mình, ông cảm thấy không chắc chắc về khung cảnh xung quanh. Nhiều năm nổi tiếng là nhà văn bất phục, nhà cách mạng chống cộng và tổng thống của cả Tiệp Khắc lẫn Cộng Hòa Czech, cũng không lột được từ vị vua triết gia (philosopher-king) bản chất khiêm nhường tự nhiên. Sự chào đón của ông nồng nhiệt nhưng hơi ngần ngại. Giọng nói của ông, khào khào sau nhiều thập niên hút thuốc... đã nhỏ nhẹ đến nỗi thật khó tưởng tưởng là ông đã đọc nhiều trăm bài diễn văn. Nhưng khi câu chuyện bắt đầu ông như sống lại. Có vẻ như bộ óc bên trong cái thân thể yếu đuối này lớn hơn là cái khung chứa đựng nó. Ông chăm chú nghe, ngừng lại trước khi nói và cấu tạo câu trả lời thật cẩn thận, cộng với thỉnh thoảng thoáng hiện sự châm chọc đã làm ông nổi tiếng là một nhà viết kịch.”
Hơn tất cả mọi sự cái khác biệt giữa Havel và Kim là giữa một nhà giải phóng và một kẻ độc tài.
Trong tập tiểu luận nổi tiếng “Quyền hành của những kẻ không có quyền”, ông Havel đã đặt vấn đề quanh hành động của một ông bán rau và tấm khẩu hiệu mà ông ta dán lên cửa kiếng tiệm rau của mình. Đó là khẩu hiệu “Công nhân của thế giới hãy đoàn kết lại”. Ông Havel đã đặt câu hỏi
là liệu người công nhân này có hiểu hay nghĩ gì về khẩu hiệu đó không? Và ông lý luận là ý nghĩa thực sự của cái khẩu hiệu đó không phải là chính nó. Mục đích của ông bán rau khi dán khẩu hiệu đó lên cửa kiếng là
để tuân thủ, và tránh vấn đề. Ông Havel đã diễn dịch khẩu hiệu đó là “Tôi sợ và do đó tuân lệnh tuyệt đối.”
Điều đáng nói là chính những người Bắc Hàn đang khóc lóc cho ông Kim cũng đang nói lên điều đó. Người dân Bắc Hàn khóc vì tập quán khi dự tang lễ phải khóc. Nhưng họ cũng khóc vì cũng như ông bán rau, họ không dám không khóc. Họ sợ thành ra họ khóc.
Nhưng Havel tin là nếu khẩu hiệu được đưa ra không mập mờ như khẩu hiệu trên mà rõ ràng hơn, chẳng hạn “Tôi sợ thành ra tôi trung thành không đặt điều kiện” thì ông ta sẽ không thể không suy nghĩ về việc dán nó lên cửa kiếng. Ông ta sẽ cảm thấy hổ thẹn và khó chịu phải đưa ra một
công bố rõ ràng về sự hèn nhát của mình như vậy trên cửa kiếng, và “thật tự nhiên, vì ông ta là một con người, và do đó có một ý thức về tư
cách của chính mình”.
Theo Havel, nếu không được cho phép tỏ sự hèn nhát của mình qua một khẩu hiệu vô thưởng vô phạt mà bị ép phải chứng tỏ sự hèn nhát đó qua một khẩu hiệu rõ ràng hơn, ông bán rau có thể sẽ nổi cơn phản loạn. Ông ta có thể ngưng dán khẩu hiệu lên kiếng, ông ta có thể ngưng tham gia các cuộc họp tập chính trị. Và “Qua cuộc nổi loạn ông bán rau đã bước ra
khỏi tình trạng sống trong sự giả dối. Ông bác bỏ nghi thức và phá luật
chơi. Ông khám phá lại lần nữa bản chất và tư cách đã bị đè nén của mình.”
Hành động của ông, ngay cả nếu bị đàn áp, cũng sẽ làm lung lay chế độ
bởi ông đã không chịu sống trong giả dối. “Ông đã bảo hoàng đế trần truồng. Và vì hoàng đế thực sự trần truồng, một cái gì vô cùng nguy hiểm
đã xảy ra: Qua hành động của mình, ông đã tuyên ngôn với thế giới. Ông đã cho tất cả mọi người nhìn sau bức màn.” Và theo Havel, sống trong sự thật đã từ chối chế độ cộng sản chính nghĩa của họ và sau cùng quyền lực
của họ.
Thành ra thế giới sẽ mãi luyến tiếc sự mất mát khi Vaclav Havel qua đời, trong khi thế giới chỉ sợ cái chết của ông Kim Jong-il vì nó có thể
dẫn đến một cái gì đó còn tệ hơn ông ta nữa.