3:19 SA
Thứ Năm
28
Tháng Ba
2024

LÊ QUANG VINH - LOẠN TƯỚNG HAY ANH HÙNG ?

24 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 15907)

lequangvinh1Năm 2005 đã được đánh dấu bằng sự phổ biến Bạch thư về Nhân quyền của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Trong lúc hầu hết các diễn đàn dân chủ trên thế giới đều đồng loạt lên án nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay là một trong những tập đoàn độc tài, tham nhũng nhất trên thế giới, cuốn Bạch Thư thật đã là một tài liệu trơ trẽn, xấu hổ, nói cho có được, những việc không ai dại dột gì tin tưởng. Một đất nước khoe khoang có hơn 600 tờ báo nhưng không kể được có một tờ nào của tư nhân, một quốc gia không dám chấp nhận cho dân chúng tự do thực hành tín ngưỡng của các đạo giáo mà cố vỗ ngực khoe là một quốc gia tự do dân chủ bật nhất, thật không có gì có thể khôi hài hơn nữa! 

Trong những tháng cuối năm 2005, đặc biệt ở miền Nam, nhà cầm quyền Cộng sản lại phát động một phong trào đàn áp khốc liệt đối với tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Trong chủ trương ngăn cản việc phát huy các tôn giáo, người Cộng sản đã lấy quyết định chọn giáo phái Hòa Hảo để ra tay trước tiên vì họ nghĩ rằng Phật giáo Hòa Hảo không có uy danh quốc tế nên dễ đàn áp mà ít bị mang tiếng. Nếu thành công, họ sẽ tiếp tục tỉa dần các giáo phái khác.


Trong quá khứ, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã nhiều lần phải gánh nhiều pháp nạn, kể cả trong thời Đệ nhất Cộng hòa dưới chánh thể của T.T. Ngô Đình Diệm. Mặc dầu trong những buổi đầu trở về Việt Nam chấp chánh, T.T. Diệm đã được sự ủng hộ mạnh mẽ của các giáo phái Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo...nhưng về sau, do những toan tính củng cố quyền hành của cố vấn Ngô Đình Nhu, ông Diệm đã quyết định dẹp bỏ các lực lượng giáo phái, giải tán Dân Xã Đảng...làm suy yếu những thành phần đã có công đối đầu từ lâu với lực lượng Việt Minh ở miền Nam.


Vốn là một nhân vật xa lạ đối với dân chúng miền Nam, không có quá trình tham dự vào cuộc chiến từ ngày xảy ra cuộc Nam bộ Kháng chiến, ông Ngô Đình Diệm đã có những đối xử làm mất hẳn lòng ủng hộ của giới nông dân miền Nam. Trường hợp T.T. Diệm đối xử với nhân vật Ba Cụt của Nghĩa Quân Cách Mạng Hòa Hảo đã khiến ông mất hẳn uy tín đối với dân chúng nông dân. Với cái nhìn của một trí thức khoa bảng quan chức miền Trung, T.T. Diệm đã không thấu hiểu được tâm trạng của một chiến sĩ như Ba Cụt, một nông dân yêu nước chân chất đã từ trong quần chúng đồng bằng Sông Cửu, quật khởi đứng lên chống đối Việt Minh đã ám hại giáo chủ thần tượng của giới nông dân Phật giáo.


Lê Quang Vinh tự Ba Cụt sanh năm 1923 tại rạch Bằng Tăng, xã Thới Long, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, thuộc một gia đình nông dân, đã được một người cậu tên Huỳnh Kim Hoành nuôi dạy học cho đến hết chương trình tiểu học. Lê Quang Vinh, đã phụ trách công việc đồng áng từ lúc nhỏ, nhưng khi lớn lên, đã được biết những lời giảng của Huỳnh Giáo chủ về Phật pháp và bổn phận tranh đấu chống ngoại xâm. Vinh mê thích học võ nghệ với một ông thầy Sáu Kim. Anh đã có lần bị cha quở mắng nặng vì chểnh mảng bỏ bê công việc. Anh đã dùng phãng phát cỏ, tự chặt một lóng tay và nói: “ Nếu ngón tay này mọc lại, sẽ về làm ruộng cho vui lòng tía.” Kể từ ngày đó Vinh thường được biết với tên Ba Cụt.


Thực dân Pháp trở lại tái chiếm miền Nam sau Đệ nhị Thế chiến. Năm 1945 Lê Quang Vinh, năm ấy được 21 tuổi, đã tụ họp các thanh niên ở rạch Bằng Tăng, phát động việc “Đâm Tây” giựt súng để thành lập toán võ trang địa phương đánh Pháp. Toán cảm tử quân Ba Cụt càng ngày càng bành trướng và năm 1946, được sát nhập vào Vệ Quốc Liên Đội Nguyễn Trung Trực của ông Nguyễn Giác Ngộ. Ngày 16 tháng Tư năm 1947, Việt Minh ám hại Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ tại Đốc Vàng Hạ. Việt Minh càng ngày càng gia tăng khủng bố giáo dân Hòa Hảo. Kẹt trong thế lưỡng đầu thọ địch, ông Trần Văn Soái tức Năm Lửa, ngày 18-5-1947 đã phải ký kết Hiệp định Liên quân với Cluzet, Đại tá Tư lịnh miền Tây của Pháp. Ba Cụt không tán thành Hiệp định Liên quân và kéo quân vào bưng tiếp tục kháng chiến dưới danh nghĩa mới: Nghĩa Quân Cách Mạng. Vốn là nông dân địa phương, nắm vững địa hình địa vật, bộ đội của Ba Cụt đã nhiều lần di chuyển nhanh chóng lâm trận để tiếp ứng các toán võ trang bạn bị quân đội Pháp truy nã. Ba Cụt đã tỏ ra là một chỉ huy gan dạ, luôn luôn sát cánh với đồng đội, nhiều mưu lược nên đã được tôn vinh, kính nể. Những lần đụng độ với các chi đội Việt Minh, các chiến sĩ kháng chiến Hòa Hảo đã cang cường đương đầu với bộ đội của Nguyễn Bình nên thanh thế càng ngày càng tăng.


Trong vùng người viết bài đã ở trước kia đã có một lần các toán võ trang Việt Minh định xâm nhập vùng trú quân Hòa Hảo. Vào thời đó, các kháng chiến quân Hòa Hảo đã áp dụng chiến thuật đóng chốt với các toán võ trang quyết tử đóng rải rác ở các vị trí hiểm yếu, khiến trận mạc này kéo dài từ sáng đến tối rồi cuối cùng Việt Minh đã phải thảm bại rút lui. 


Những ai có cơ hội theo dõi được hậu trường các hoạt động Hòa Hảo đều biết rằng Ba Cụt trong nhiều dịp, đã bí mật đến gặp Năm Lửa xin yểm trợ khí giới để tiếp tục chiến đấu. Ngay cả chính bộ phận võ trang của Ba Cụt cũng đã có đến năm lần đồng ý hợp tác với quân đội Pháp, gọi là năm lần liên quân để mong tạm giảm sức bị ép giữa Việt Minh và quân Pháp. Lần đầu tiên, muốn tiếp xúc với Ba Cụt, Pháp cũng đã nhờ đến ông Nguyễn Ngọc Thơ, lúc ấy là Tỉnh trưởng Long Xuyên. Ông Thơ, qua lời khuyên của ông Nguyễn Văn Tâm đã giúp cho Savany, Phòng Nhì Pháp gặp Ba Cụt ở vàm Lai Vung. Ba Cụt theo thỏa hiệp, về đóng quân ở Nha Mân (Sa Đéc) trong độ ba tháng, nhưng rồi cũng rút quân vào khu Trung An. Năm lần liên quân với Pháp nhưng cả năm lần, Ba Cụt là người hiếu động, không muốn đóng quân một nơi cố định, chờ Việt minh đến tấn công và cũng vì Ba Cụt không bao giờ tin tưởng người Pháp nên đã năm lần kéo quân trở ra khu. Tuy Pháp đã nhiều phen bực tức nhưng vẫn phải tiếp nhận mỗi khi Ba Cụt về hợp tác. Mỗi lần trở về, quân của Ba Cụt lại được tăng thêm võ khí mới. Pháp cũng nghi ngờ có sự âm mưu qua lại giữa Ba Cụt và ông Năm Lửa nhưng họ không nắm được chứng cớ cụ thể nên phải làm ngơ. Vì vậy Ba Cụt đã được người Pháp gán cho biệt danh đứa con bất trị của Phật giáo Hòa Hảo”(L'enfant terrible des Hoa Hao).


Sau khi nhờ quân đội dẹp được lực lượng võ trang Bình Xuyên của Bảy Viễn ở Sài Gòn-Chợ Lớn và Rừng Sát, ông Ngô Đình Diệm đã xoay qua chỉ thị tiếp tục thanh toán các lực lượng Hòa Hảo. Đại tá Dương văn Đức đã phối hợp Hải, Lục, Không quân trong chiến dịch Đinh Tiên Hoàng đợt I từ 23-5-1955 đến 12-8-1955 và đợt II từ 29-9- 1955 đến cuối tháng 12 năm 1955 nhưng đã không đạt được kết quả đáng kể. Tướng Dương Văn Minh sau đó đã được chỉ định để nắm quyền chỉ huy Chiến dịch Nguyễn Huệ từ 1-1-1956 đến 31-5-1956. Để có được cơ hội tiếp xúc với Ba Cụt, ông Ngô Đình Diệm - theo đề nghị của ông Dương Văn Minh (?) - đồng ý nhờ ông Nguyễn Ngọc Thơ lúc ấy đang làm Đại sứ ở Nhật, trở về tìm cách tiếp xúc với Ba Cụt. Ông Nguyễn Ngọc Thơ nguyên gốc Long Xuyên, là một công chức cao cấp từng làm Tỉnh trưởng ở tỉnh này đã có nhiều công trình khuếch trương cho tỉnh nhà và có nhiều liên hệ với dân chúng ở đây. Ba Cụt như đã nói ở phần trên, đã lớn khôn nhờ được người cậu Huỳnh Kim Hoành nuôi dưỡng nên ông Thơ đã nhờ người cậu này làm môi giới để gặp được Ba Cụt.


Vì lòng kính nể người cậu đã nuôi dưỡng mình và cũng vì ý thức được nước nhà nay đã thâu hồi độc lập sau Hiệp định Genève, Lê Quang Vinh đã đồng ý gặp ông Nguyễn Ngọc Thơ mà lúc nào Ba Cụt cũng kính nể gọi là ông Đại sứ, ở Thường Phước thuộc quận Hồng Ngự, ven biên giới Việt Miên. Lần tiếp xúc đầu tiên ngày 29-2- 1956 ở Cồn Tảo trên sông Mékông về phía bắc quận Tân Châu. Lần tiếp xúc thứ nhì vào ngày 4-4-1956, Ba Cụt đã đưa cho ông Nguyễn Ngọc Thơ những đề nghị cần được thỏa thuận để đem kháng chiến quân dưới quyền về gia nhập tổ chức quân đội. Hình ảnh cuộc gặp mặt này đã được ghi lại và ông Thơ đã cho Ba Cụt biết các yêu cầu của Ba Cụt có thể giải quyết được, ngoại trừ lời yêu cầu xin vinh thăng cấp tướng cho Ba Cụt thì ông Thơ phải về trình lại T.T. Diệm. Có thể coi hai lần gặp gỡ nầy chỉ là những tiếp xúc thăm dò giữa hai cá nhân, để tìm hiểu nguyện vọng, không phải là những cuộc họp chính thức, có biên bản. Việc thương lượng như vậy là vẫn còn trong tình trạng cần phải tiếp diễn trong tương lai, hay đây chỉ là những mưu mô có tính toán của Ngô Đình Nhu để nhử cho Ba Cụt xuất đầu lộ diện?.


Việc Ba Cụt yêu cầu được chấp nhận vinh thăng cấp tướng, theo kinh nghiệm, đã không phải là một chuyện động trời, không thể giải quyết vào thời buổi các thập niên 1940-1950. Thực dân Pháp đã từng chấp nhận phong ông Năm Lửa làm tướng mặc dầu là tướng một sao. Bảy Viễn cũng là một tướng Bình Xuyên. Chính quyền T.T. Ngô Đình Diệm cũng đã phong tướng cho ông Trịnh Minh Thế, khi tướng Thế đem toán quân Cao Đài gia nhập quân đội quốc gia. Lê Quang Vinh tức Ba Cụt đã chánh thức là Trung tá Trừ bị của Quân đội Quốc Gia do Sắc lịnh số 7/QP ngày 14-7-1954 (S.L. có đăng trên Công Báo) và mang lon Đại tá Giả định, Chỉ huy trưởng Trung đoàn 6 Khinh Binh. Cũng như Trịnh Minh Thế trong giáo phái Cao Đài, Lê Quang Vinh, trong giáo phái Hòa Hảo, là người đã có công chống Pháp, chống Việt Minh kể từ khi khởi đầu cuộc kháng chiến Nam Bộ từ ngày 23 tháng 9 năm 1945. Trong hầu hết các binh chủng trên thế giới, trong giới quân nhân, những vị xuất thân từ cấp dưới lên đến cấp tướng, thường được coi là những người can trường, những cấp chỉ huy giỏi vì đã có nhiều kinh nghiệm chiến trường. Quân đội Pháp rất quý trọng loại sĩ quan này, xuất thân từ cấp dưới lên (Officiers sortis des rangs), không xuất thân từ các quân trường danh tiếng.


Trong khi còn trong vòng chờ đợi cuộc tiếp xúc thương thảo tiếp theo với ông Nguyễn Ngọc Thơ, sáng sớm ngày 13 tháng Tư năm 1956, tại Chắc Cà Đao, Lê Quang Vinh và một toán võ trang đã bị một đội Tình báo Bảo an phục kích bắt. Ba Cụt trong tinh thần đi ra để tiếp xúc điều đình đã ra lịnh cho toán hộ vệ võ trang không nổ súng kháng cự. Theo một nguồn tin xuất phát từ bà vợ thứ của Ba Cụt (bà C.T.N.), Lê Quang Vinh sau hai lần gặp gỡ nhưng chờ không thấy kết quả với ông Nguyễn Ngọc Thơ, đã có ý định và đã có những liên lạc để xin ra gặp tướng Dương Văn Minh. Lê Quang Vinh nghĩ rằng giữa người chiến sĩ với nhau, việc tiếp xúc với tướng Minh sẽ có nhiều ý nghĩa hơn.(Cho đến nay, khi thuật lại nguồn tin này, người viết bài rất tiếc chưa có được dịp gặp trở lại bà C.T.N. để xác tín về tin này).


Những diễn tiến sau ngày Lê Quang Vinh bị bắt đã được các báo chí thời bấy giờ tường thuật, nhưng trong chính thể nhà Ngô, phóng viên không thể viết tất cả các điều cần phải nói. May thay có được ký giả Anh Thành, một trong những nhà báo đã có công lưu giữ nhiều tài liệu về 3 phiên tòa xử Ba Cụt. Nhìn trở lại các thủ tục truy tố Lê Quang Vinh, có những điểm chính yếu cần nêu trở lại để thấy rõ những đều bất ổn trong ba phen tòa của vụ xử án đưa đến tử hình này. Ông Nguyễn Ngọc Thơ, nhân vật quan trọng đã đi gặp Ba Cụt hai lần, lại không hề thấy được tòa án gọi ra tòa làm nhân chứng!


- Phiên tòa thứ Nhất: Ngày 11-6-1956 Tòa sơ thẩm Đại hình nhóm tại Cần Thơ để xử riêng Ba Cụt và tuyên án tử hình. Ba Cụt bị cáo là tòng phạm trong nhiều vụ ám sát, như trong vụ bị cha vợ của Huỳnh Văn Y đứng đơn thưa là Huỳnh Văn Y bị giết vì không chịu đóng thuế cho bộ đội Ba Cụt. Ông chưởng lý buộc tội: ...Đại đội 21 của anh thường bắt buộc người ta. Ba Cụt đã trả lời: “...chiến sĩ tôi hoạt động bí mật, phân tán đóng quân, tôi làm sao kiểm soát hết được cấp dưới...”


Luật sư Phạm Ngọc Thu đã nêu 2 yếu tố pháp lý: Tòng phạm bị tội là phải có nhúng tay vào, chớ thụ động thì không tội. Làm sao kết tội là Ba Cụt đã có thỏa thuận với chánh phạm trong 8 vụ vì không có tên chánh phạm nào đả bị bắt, không có lời cung khai hay có thể đối chất với chánh phạm. Không có một bằng chứng cụ thể nào nói rằng Ba Cụt đã có nhúng tay vào những vụ cố sát, đốt nhà để buộc tội Ba Cụt tòng phạm. Tòa chỉ có tài liệu giấy tờ và chỉ suy luận theo giấy tờ mà thôi!


Tưởng cũng nên kể thêm những phút khôi hài trong phiên tòa xử án. Ba Cụt nói: Đã không bắt được thủ phạm giết người, không biết thủ phạm là ai, tại sao lại nói chúng nó là người của Ba Cụt? Ông chánh án: Nhưng người ta thấy rõ những kẻ ấy mặc đồ đen. Ba Cụt đưa tay lên trời: Nếu mặc đồ đen mà đi làm bậy rồi căn cứ vào bộ đồ đen đó nói là người của Ba Cụt, thì chết tôi rồi, ở thôn quê mà không mặc đồ đen chớ mặc đồ gì?”


- Phiên tòa thứ Hai: Ngày 26-6-1956 tức là chỉ 15 ngày sau, tòa Thượng thẩm Đại hình đáng lý ra phải được diễn ra ở trụ sở cố định là Sài Gòn như từ bao nhiêu năm trước kia, lại được tổ chức lần đầu tiên trong lịch sử pháp đình Việt Nam ở Cần Thơ. Tổng thống Ngô Đình Diệm đã phải ký Dụ số 33 ngày 14-6-1956 để tòa được nhóm ngoài trụ sở. Dụ này đã được ký chỉ 3 ngày sau khi tòa sơ thẩm Đại hình kết án tử hình Ba Cụt ngày 11-6-1956 và sau khi Ba Cụt đã kháng cáo. Dụ số 33 chưa kịp đăng vào Công báo mà ông Tổng trưởng Tư pháp đã ký sửa thành phần của tòa. Luật sư Vương Quang Nhường đã nêu việc pháp lý này để xin tuyên bố phiên tòa là bất hợp pháp nhưng phiên tòa vẫn cứ được tiếp tục để tuyên bố y án tử hình cho Ba Cụt.


- Phiên tòa thứ Ba: Đây là phiên tòa Quân sự Đặc biệt ngày 3-7-1956, chỉ có 7 ngày sau phiên tòa Thượng thẩm đã xử Ba Cụt bị án tử hình. Nay Tòa Quân sự được tổ chức để gia thêm một án tử hình thứ hai cho Ba Cụt trên danh nghĩa là Trung tá Trừ bị, Chỉ huy Trung đoàn 6 Khinh Binh. Bản án tòa Quân sự là loại án được đem ra thi hành ngay, không có thủ tục kháng cáo. Chiều ngày 4-7-1956 phiên tòa này đã gán một án tử hình thứ hai cho Ba Cụt.


Ba phiên tòa liên tiếp nhóm trong vòng chỉ có 23 ngày, dồn dập, gấp rút tuyên hai án tử hình cho một tội nhân, bất chấp những lời phản kháng của các luật sư, đã nói lên chủ tâm của chánh quyền Ngô Đình Diệm muốn giết Ba Cụt càng nhanh càng tốt. 


Lê Quang Vinh chẳng những đã bị xử như một quân nhân phiến loạn mà còn được gán cho tội danh chánh là cướp bóc tài sản, bạo hành dân chúng. Ba Cụt đã nói trước tòa: “...Tôi nhìn nhận đã từng đụng chạm với quân đội vì chưa hiểu rõ lập trường của chánh phủ như thế nào..., còn buộc tội tôi phản quốc chống lại quốc gia Việt Nam thì tôi nhất định không nhận...Nói tôi giết người cướp của thì xin quý Tòa nhớ giùm: tôi không có nhà lầu, xe hơi, tiền gởi ở nhà băng. Nhà cửa của tôi là bưng biền, sự nghiệp tôi chỉ là một chiếc nóp mà thôi!”


Việc bất thường trong diễn tiến các bản án là kể từ ngày bị bắt (13-4-1956) cho đến ngày bị hành hình (13-7-1956) , kể cả các thủ tục kháng cáo, thời gian để định đoạt một mạng người, chỉ vỏn vẹn có ba tháng, một thời gian kỷ lục quá ngắn trong lịch sử pháp đình ở miền Nam, không đếm xỉa đến các lời phản kháng chánh thức của các luật sư Lê Ngọc Chấn, Đinh Xuân Các, Phạm Ngọc Thu và Vương Quang Nhường. Một phiên tòa Quân sự xử chung thẩm cũng đã được tổ chức để ra thêm một án tử hình thứ Hai!


Quyết định tối hậu về mạng sống của Ba Cụt đến lúc chót này ở trong tay ông Ngô Đình Diệm. Với tư cách một Tổng Thống, ông Diệm là người có quyết định cứu xét đơn thỉnh cầu ân xá của tội nhân. Trong một cuộc phỏng vấn được thâu hình và phát thanh do đài Sai Gòn TV ở California, ông Lâm Lễ Trinh có cho biết là ông đã tình cờ chứng kiến được việc ông Ngô Đình Nhu vào trình lên ông Diệm, thơ can thiệp của Đại sứ Anh quốc ở Việt Nam, đề nghị xin nên ân xá Ba Cụt.


Tuy là một tín đồ đạo Gia Tô, một trong những tôn giáo lớn trên thế giới với những lời thuyết giảng về tình thương và tôn trọng sự sống, ông Ngô Đình Diệm đã ký sắc lịnh số 98-TP ngày 8-7-1956, không ân xá cho Lê Quang Vinh!


Là một quân nhân có cấp bậc chánh thức là Trung Tá trong quân đội Việt Nam, Lê Quang Vinh xin được xử bắn ở pháp trường. Nhưng lời yêu cầu được chết trong danh dự này của một sĩ quan cũng không được chấp thuận! Cái máy chém của thực dân Pháp sử dụng trong thời Pháp thuộc đã được đao phủ thủ là Đội Phước lau chùi, đem từ Sài Gòn xuống Cần Thơ để xử trảm Ba Cụt. 


Sau khi đã bị chặt đầu, thi thể Lê Quang Vinh đã không được trao trả cho thân nhân chôn cất. Xác của người quân nhân áo vải Nam Bộ này hình như đã bị chặt thành nhiều đoạn và phân tán ở những nơi bí mật nào đó, một việc làm tàn ác, bất nhân, trái với đạo lý và văn hóa dân tộc Việt.


Nhân dịp nói đến cái máy chém (Guillotine) của thực dân Pháp đã dùng ngày trước trong vụ xử án 13 liệt sĩ Yên Báy và để đe dọa các nhà cách mạng Việt Nam chống Pháp, người viết bài đã thực sự chán chê mỗi khi đọc hay tiếp xúc với các người làm văn hóa miền Bắc và nghe họ lải nhải câu: Ngô Đình Diệm đã “lê máy chém” đi khắp các vùng chiến thuật để triệt tiêu cán bộ Cộng sản nằm vùng. Cầu mong sao trong các chứng nhân có liên hệ đến ngành Tư Pháp ở miền Nam trước 1975, hãy lên tiếng chánh thức, để cho biết cái máy chém ở khám Lớn Sài Gòn củ, đã được “lê đi”sử dụng bao nhiêu lần, sau phiên xử Ba Cụt?


Một bản án đưa đến xử tử hình một tội nhân trong thời gian vỏn vẹn trong vòng ba tháng, cộng thêm việc từ chối đơn xin ân xá án, đã chứng tỏ ông Ngô Đình Diệm dứt khoát muốn loại trừ bộ phận võ trang Hòa Hảo dưới sự chỉ huy của Ba Cụt, một người đã bắt đầu cuộc kháng chiến từ ngày thực dân Pháp trở lại thôn tính Việt Nam sau Đệ nhị Thế chiến. Kể về thành tích chiến đấu, khó có thể kể được một sĩ quan Việt nào có thể tự hào vỗ ngực đã có thành tích chỉ huy đương đầu với quân đội Pháp, bộ đội Việt Minh và cả...quân đội Quốc gia! Chỉ có Ba Cụt mới làm được việc đó thôi, nhưng Ba Cụt đã nói thêm trước tòa án: sở dĩ phải đụng chạm với quân đội quốc gia là vì tôi ở trong cái thế kẹt tứ phía, chớ mỗi lần đụng độ như vậy, tôi hết sức đau lòng. Bởi vì tôi nghĩ rằng một ngày nào đây, tôi cũng trở về với quân đội quốc gia.


Điều động cả một ông Đại sứ Nguyễn Ngọc Thơ đang công cán ở ngoại quốc về để tìm cách chiêu dụ Ba Cụt ra hàng, nhưng đã hành sử không trong sáng, cạn tàu ráo máng với một người đã góp nhiều công trong việc đương đầu với Việt Minh, với quân đội Pháp, một chiến sĩ gốc nông dân nhưng đã giữ vững được ba khu vực quân sự: khu Thốt Nốt Cờ Đỏ (Đồn điền Mazin), khu Đồng Tháp Mười và khu rừng tràm Long Châu Hà, ông Ngô Đình Diệm đã thật sự đánh mất lòng tin tưởng của người đồng bằng Sông Cữu.


Nhiều việc làm về sau lại làm cho giáo dân Hòa Hảo đinh ninh thêm, gán cho ông Ngô Đình Diệm là người thất tín vì đã thủ tiêu hoặc trù đập sau này những nhân vật từng có công ủng hộ ông, khi ông trở về nước làm Thủ tướng năm 1955 như các ông Nguyễn Bảo Toàn, Nhị Lang, Vũ Tam Anh, Hồ Hán Sơn, Trần Văn Ân, Nguyễn Thành Phương....Đặc biệt ông Nguyễn Bảo Toàn, một nhà ái quốc đã từng bôn ba tranh đấu thời thực dân Pháp, tuy ông không phải thuộc giáo dân Hòa Hảo nhưng đã được Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ tín nhiệm trong chức vụ Tổng Bí Thơ đầu tiên của Dân Xã Đảng. Mật vụ của Ngô Đình Nhu đã bí mật bắt Nguyễn Bảo Toàn, bỏ vào bao bố, cột vào trụ xi măng và xô nhận chìm thân xác ở sông Nhà Bè. Khi Bảo Đại từ Cannes gởi liên tiếp hai công điện ngày 28-4 và 30-4-1955 để triệu hồi”Ngô Đình Diệm, ông Diệm đã không tuân hành, chính nhờ có Hội nghị các 18 Chính đảng và 29 Nhân sĩ miền Nam ngày 29-4-1955 do Nguyễn Bảo Toàn chủ tọa đã đưa đến Quyết định: Truất phế Bảo Đại, giải tán chánh phủ Diệm và ủy nhiệm Ngô Đình Diệm thành lập Chánh phủ Cách Mạng Lâm Thời, tổ chức tổng tuyển cử. Ông Diệm về sau đã trở thành Tổng Thống, chế độ Cộng Hòa đã được thành hình phần lớn là do Hội nghị ủng hộ ông Diệm này, do Nguyễn Bảo Toàn chủ tọa.


Vì e ngại uy tín có thể lấn lướt của Nguyễn Bảo Toàn nên Ngô Đình Nhu đã nhẫn tâm bí mật thủ tiêu người đã giúp thành lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa ở miền Nam. Cũng tại khúc sông Nhà Bè này, vào khoảng tháng 10 năm 1962, các thủ hạ thân tín của Ngô Đình Nhu như Đào Quang Hiển, cũng đã lập lại việc thủ tiêu tàn ác tương tự, với 4 cán bộ cao cấp của bộ tham mưu Tổ Đình Hòa Hảo được phái lên Sài Gòn để tham dự một phiên họp. Phái đoàn cùng đi chung trong một xe Ford Vedette số NBI-010 của Đức Ông Huỳnh Công Bộ và đã bị mất tích. Bà dân biểu Hòa Hảo Long Xuyên đương thời là Nguyễn Kim Anh đã đến gặp Ngô Đình Nhu để nhờ điều tra tông tích các cán bộ Hòa Hảo mất tích, không đến Sài Gòn họp. Ngô Đình Nhu đã ỡm ờ hứa sẽ chỉ thị cho điều tra sự việc. Bà Kim Anh sau đó đã đến gặp các chức sắc Tổng Nha Cảnh Sát ở đường Nguyễn Trãi. Nơi đây cũng cho biết là việc điều tra chưa đưa đến kết quả nào. Khi ra về, đứng chờ xe trước cửa Tổng Nha, tình cờ bà chợt nhận dạng ra chiếc xe Vedette của phái đoàn Hòa Hảo đã dùng, đang chở nhân viên cảnh sát ra cổng, có lẽ là để đi ăn trưa! (Người viết bài có được tài liệu về việc này, do bà Nguyễn Kim Anh chính thức thuật lại). Việc phát giác này về sau đã đưa đến phiên xử trước tòa án Đại hình Sài Gòn các tay sát nhân, sau khi nhà Ngô bị đảo chánh. Các thủ phạm này thú nhận đã thi hành chỉ thị của Ngô Đình Nhu. Khưu Văn Hai và các bị can đã khai là Đào Quang Hiển đã ra lịnh cho họ thủ tiêu các cán bộ Hòa Hảo. Họ đã siết cổ, cột xác vào trụ xi măng và quăng giữa sông Nhà Bè. Đại tá Tổng Giám đốc Cảnh sát Nguyễn Văn Y đã vào tù trong vụ án này.


Trong việc xử án Ba Cụt, việc cố tình thủ tiêu đối thủ của các ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã quá rõ ràng. Các nhà viết sử trong tương lai cũng nên truy tìm xem những ai ở hậu trường trong ngành Tư pháp vào thời buổi này, đã bày mưu đặt kế để các thủ tục pháp lý có thể đưa đến xử một án tử hình gấp rút trong ba phiên tòa liên tiếp trong vòng 23 ngày? Không cần phải suy luận dông dài: Đây là một cố tình chánh trị, dứt khoát thủ tiêu một chướng ngại trong tương lai cho quyền lực của Ngô triều. Thái độ đó có lẽ sau này cũng đã được những người lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm suy nghiệm lại, đưa đến quyết định cuối cùng là cái chết thê thảm của hai ông Diệm và Nhu?


Ngày 13 tháng 7 năm 1964, một Lễ Kỷ niệm 18 năm Ba Cụt bị bức tử đã được long trọng tổ chức ở Thốt Nốt với sự tham dự của hơn năm ngàn chiến sĩ Dân Xã Đảng. Đại diện Chánh phủ có Tổng trưởng Nội vụ, Thiếu tướng Lâm Văn Phát và Tổng trưởng Thông tin ông Phạm Thái. Một Kiến nghị xin hủy bỏ các bản án, phục hồi công quyền và phục chức của Lê Quang Vinh đã được trình lên Chánh phủ nhưng Ba Cụt đã đi vào cõi vĩnh hằng!


Cái chết đáng thương tâm của Lê Quang Vinh chỉ là một trong những pháp nạn trong những pháp nạn to lớn khác của Phật giáo Hòa Hảo. Dưới các chánh thể từ thời thực dân Pháp chiếm đóng cho đến thời Xã hội Chủ nghĩa, một giáo phái Phật giáo bình dân, đề cao Tứ Ân, khuyên dạy giáo hữu giác ngộ làm lành, lánh dữ, lại phải nhiều phen bị điêu đứng vì các thế lực chánh trị muốn lôi kéo, lợi dụng khối tín đồ trên mấy triệu người này. Trớ trêu nhất là chánh quyền hiện hữu, một chánh quyền luôn luôn vỗ ngực tự xưng là chánh quyền nhân dân, lại là chánh quyền đã đàn áp quyết liệt nhất, dã man nhất một giáo phái Phật giáo nhân dân, một giáo phái đã uyển chuyển gia nhập vào đời sống nhà nông miền Nam. Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, trong tình thương từ bi người nông dân chất phác Nam bộ, đã thuyết giảng gầy dựng ở địa linh Sông Cữu, một nền Phật giáo thời đại, không chủ trương xây chùa hay đúc tượng, không hệ thống tăng ni, không chuông mõ..., một hình thái Phật giáo phát xuất từ nhân dân đi lên, đáp ứng được nhu cầu tâm linh của giới bình dân chưa có đủ trình độ để thông hiểu thiên kinh vạn quyển của nhà Phật.


Ba Cụt, một nông dân, được giáo huấn trong tinh thần Phật giáo Hòa Hảo, với những công trạng và thành tích chiến đấu can trường, một quân nhân đã giữ vững phẩm cách một người chiến sĩ cho đến giờ phút chót trước khi bị hành quyết, thật đáng được vinh danh là Tướng Lê Quang Vinh, một cấp bậc mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã không đồng ý ban cấp mặc dầu ông đã đặc cách phong Tướng cho Trịnh Minh Thế của Liên Minh Cao Đài. Tướng Trịnh Minh Thế, người hùng của hai chiến khu Bù Lu và Núi Bà Đen đã vinh quang tử trận tại dốc cầu Tân Thuận vào ngày 3 tháng 5 năm 1955. Những ai từng để công nghiên cứu về Kháng chiến Nam Bộ đều biết: Trịnh Minh Thế và Ba Cụt là hai chiến sĩ đã từng hỗ trợ cho nhau trong cuộc chiến về mặt huấn luyện, vũ khí, phối hợp chiến thuật... So với tư cách một vài trường hợp của những vị tướng khác, những vị tướng trong hàng trí thức, xuất thân từ những trường võ bị, nhưng vị thì chết vì thượng mã phong, hay vị thì chỉ được biết vì thành tích đoạt người yêu của thuộc cấp hoặc cướp vợ của bạn, thì Lê Quang Vinh, xét cho cùng, quả thật xứng đáng được vinh danh là một Tướng, một loạn tướng anh hùng. 



Houston, Texas, 20/10/2005

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Chín 2015(Xem: 13118)
Các bạn có thể chuyển cho bất cứ ai cũng là điều nên làm, vì may ra có thể giúp những người chưa bệnh sẽ không bệnh.
14 Tháng Chín 2015(Xem: 11172)
Quý vị có biết Tuần lễ Giáo Dục về Medicare với tầm mức quốc gia từ 15 tháng chín - 21 Tháng Chín?
23 Tháng Tám 2015(Xem: 12703)
Vai trò của người Bác Sĩ chỉ chiếm 30% phần còn lại là thuốc men và những quyền lợi rộng rải của các chương trình bảo hiểm cung ứng
16 Tháng Tám 2015(Xem: 13432)
nhưng cuối cùng cũng phải tự lực: “Tự mình thắp đuốc mà đi, tự mình là hòn đảo của chính mình”.
09 Tháng Tám 2015(Xem: 11719)
Đó là hành động khẩn cấp cứu nguy Đất nước trong lúc nầy, trước khi việt gian việt cọng ĐẦU HÀNG, giao Đất nước vào tay tàu khựa!
02 Tháng Tám 2015(Xem: 18061)
được nhiều người hát trong suốt 40 năm qua ở hải ngọai mỗi lần sinh họat cộng đồng là ca khúc “ Cờ Ta Bay Trên Quảng Trị Thân Yêu “
11 Tháng Bảy 2015(Xem: 12551)
Các chuyện này tuy còn xa vời nhưng điều gì cũng có thể xảy ra được. Và thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời rõ ràng nhất!
24 Tháng Sáu 2015(Xem: 13177)
Bắt đầu 3 tháng trước tháng quý vị tròn 65 tuổi, tính cả tháng quý vị tròn 65, và 3 tháng sau sau tháng quý vị tròn 65.
05 Tháng Sáu 2015(Xem: 11494)
Những kẻ tham nhũng trên toàn thế giới hẳn cũng đang lo.
02 Tháng Sáu 2015(Xem: 12955)
Thay đổi một thể chế chính trị cần vài năm. Cải tổ một nền văn hóa cần vài thế hệ cho đến vài thế kỷ để trở thành một nước vĩ đại.
09 Tháng Năm 2015(Xem: 11268)
Khả năng tuyệt vời của trực thăng 4 cánh KHÔNG NGƯỜI LÁI Sẽ ra sau khi 1 cái máy trở thành Vận Động Viên
01 Tháng Tư 2015(Xem: 13443)
Mất đất mà được lòng người là thắng Chiếm được đất mà mất lòng người là thua
31 Tháng Ba 2015(Xem: 14459)
ngày 30-04-1975 không thể gọi là ngày miền Bắc cộng sản giải phóng miền Nam tự do được, mà phải gọi ngược lại là ngày miền Nam đã giải phóng miền Bắc
31 Tháng Ba 2015(Xem: 16052)
Cho đến nay, những thông tin trên vẫn chưa được xác thực và chỉ lưu truyền như một trong nhiều giai thoại về nhà lãnh đạo lừng danh
30 Tháng Ba 2015(Xem: 11682)
Cựu Thủ Tướng Fraser, vị Đại Ân Nhân của CĐNVTD Úc Châu, là người đã thay đổi chính sách di trú của Úc và đã đón nhận gần 56000 Người Việt tỵ nạn
21 Tháng Ba 2015(Xem: 13411)
Đối với chúng tôi, đặt bút ký vào một hiệp ước tương đương với sự đầu hàng là chấp nhận một bản án tử hình, vì cuộc sống không có tự do là sự chết
13 Tháng Ba 2015(Xem: 12381)
Trận Ban Mê Thuột đã đưa tới sụp đổ Quân đoàn II và những sụp đổ kế tiếp lớn lao hơn thế, đó là một khúc quanh bi thảm trong cuộc chiến tranh dài nhất của thế Kỷ
12 Tháng Ba 2015(Xem: 11898)
Đàn ông cả đời đi tìm không phải là Vợ, cũng không phải là Người Tình mà là Hồng Nhan Tri Kỷ .
03 Tháng Ba 2015(Xem: 13478)
Đây là bài viết của tác giả Nguyễn Lộc từ trang báo Xây Dựng trong nước vào ngày 12 tháng 11 năm 2014, không biết đầy là niềm vui hay nỗi buồn của người Biên Hòa?
02 Tháng Ba 2015(Xem: 10483)
là phương châm đầu tiên của cả dân tộc này để rồi những người di dân sau tiếp tục phát triển, bồi đắp triết lý nhân văn ấy.
01 Tháng Ba 2015(Xem: 11258)
Ước mong nhiều Trung Tâm Sinh Hoạt như thế, sẽ được những mạnh thường quân yểm trợ xây dựng nhiều nơi tại hải ngoại.
25 Tháng Hai 2015(Xem: 13154)
Sen mọc ra từ bùn sình dơ dáy, nhưng lại có cái đức thanh cao của người quân tử
13 Tháng Hai 2015(Xem: 13546)
Gần 40 năm qua, đã có khá nhiều bài viết của người Việt bàn tán và nhận xét về cái chết nầy.
09 Tháng Hai 2015(Xem: 13228)
Tuổi Mùi là con dê chà, Có sừng có gạc, râu ria um tùm
08 Tháng Giêng 2015(Xem: 11929)
Mời các bạn xem qua để mở rộng sự hiểu biết về kỹ thuật mới mà Hoa Kỳ đã làm thay đổi giá dầu trên thế giời, và làm thay đổi cán cân quyền lực thế giới về sức ép của xăng dầu
03 Tháng Giêng 2015(Xem: 11809)
Riêng đối với chúng tôi nó là phần quan trọng nhất trong cuộc đời phóng viên của mình.
18 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 11425)
Tôi đã không hôn một người đàn ông trong một thời gian dài. Tất cả chúng tôi đều có ước mơ chung về tình yêu và gia đình
14 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 10461)
Hàng ngàn hình ảnh chọn lọc khó quên và gây nhiều cảm xúc xin đừng bỏ qua
12 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 10761)
Mai sau nếu trở về quê cũ Hy vọng ta còn tiếng khóc chung.
11 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 11359)
Kennedy Center là nơi xứng đáng nhất để vinh danh và tri ân quân cán chính Việt Nam Cộng Hoà vào đúng năm thứ 40 người Việt tị nạn và định cư ở Hoa Kỳ.
06 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 12442)
Mất nguồn thu từ dầu mỏ, ngày tàn của chế độ cộng sản Việt Nam có thể nhìn thấy. Tình hình có thể sẽ bị đảo ngược trong một hai năm tới.
05 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 24025)
Của người mẹ buồn héo hắt khổ đau Nhận xác con nhờ áo lem mực tím
02 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 11649)
chân thành cầu nguyện cho mọi người đều tốt đẹp, họ thường rải tâm từ bi đến muôn loài, từ con người, con thú đến tận cây cỏ lá hoa.
28 Tháng Mười Một 2014(Xem: 11406)
Mà sự thật khi tìm được sức sống từ nơi chính mình rồi thì ta sẽ không còn coi là quan trọng những giá trị bên ngoài nữa
28 Tháng Mười Một 2014(Xem: 10609)
Câu chuyện này chỉ được kể bằng ngôn ngữ quê mình. Kể cho nhau nghe để rút kinh nghiệm chứ cũng không cần phải dịch ra các ngôn ngữ khác làm gì cho …mệt và nhục
25 Tháng Mười Một 2014(Xem: 9689)
Nếu mọi người không quá coi trọng cái "tôi" vay mượn của mình thì sự xung đột ý thức hệ giữa cá nhân sẽ vơi bớt đi
22 Tháng Mười Một 2014(Xem: 10374)
Khi thời điểm chín mùi, các bạn sẽ là những kẻ đánh bại bọn bán nước, vì sự thực và lẽ phải thuộc về chúng ta, tất cả những người dân VN yêu nước.
22 Tháng Mười Một 2014(Xem: 9967)
Vì hiểu sai về hạn dùng, 90% người Mỹ ngay cả người VN cũng vậy! Họ đã phạm sai lầm là vứt bỏ thực phẩm và thuốc quá sớm.
20 Tháng Mười Một 2014(Xem: 12638)
The cost of freedom is always high but Americans have always paid it
16 Tháng Mười Một 2014(Xem: 10354)
Chỉ với một phương cách đào dầu tân tiến, Hoa Kỳ đã làm thay đổi hẳn những thế tính toán chiến lược địa dư trên toàn cầu.
14 Tháng Mười Một 2014(Xem: 10741)
một người đúng dưới đất không thể nhìn thấy nó được nên mặc dù tìm kiếm mãi mà vẫn không ai thấy... trừ khi họ đứng trên trần nhà nhìn xuống.
28 Tháng Mười 2014(Xem: 10650)
Chúng ta đang sống trong một thời đại XẠO HẾT CHỖ NÓI. Nga cũng xạo, Mỹ cũng xạo, Trung Cộng cũng xạo và Việt Nam cũng… rứa.
25 Tháng Mười 2014(Xem: 13619)
Ngày Quốc hội Lập hiến chính thức ban hành Hiến pháp (26/10/1956) được xem là ngày quốc khánh của nền cộng hòa
24 Tháng Mười 2014(Xem: 11047)
Đã đến lúc người dân Việt, trước hết là giới trẻ và trí thức nêu gương hy sinh, dẫn dắt đồng bào các giới vùng lên tranh đấu
22 Tháng Mười 2014(Xem: 10086)
người Việt Nam trước tiên phải hy sinh, phải tranh đấu cụ thể cho đất nước của chính mình trước khi mong đợi người ngoài giúp đỡ.”
21 Tháng Mười 2014(Xem: 10229)
Càng ngày càng tiến bộ, khoa học kỷ thuật tân tiến sẽ phục vụ con người t