4:36 SA
Thứ Bảy
20
Tháng Tư
2024

CHUYỆN HẢI QUÂN VNCH DI TẢN

23 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 10711)
Chuyện Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa Di Tản
Tác giả : Đinh Mạnh Hùng
Đinh Mạnh Hùng
(Ghi chú của VB: Tác giả Định Mạnh Hùng là cựu Phó Đề Đốc Hải quân VNCH.)

hq1
Tuần dương hạm Trần Nhật Duật HQ-3.
* * *

Gần đây, Dân Sinh Media phát hành một DVD kể lại câu chuyện di tản của Hạm đội Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, đi từ đảo Côn Sơn sang vịnh Subic, Phi Luật Tân. Cuốn DVD “Chuyến Hải Hành Cuối Cùng” (CHHCC) đã đưa lên khung cảnh hỗn loạn tại Việt Nam vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975. Qua các phỏng vấn và hình ảnh, DVD cũng đã cho ta thấy tình trạng lo lắng, hoang mang, bất an của thủy thủ đoàn và “tình hình trên các chiến hạm căng thẳng như thùng thuốc súng sắp nổ tung”. Riêng câu hỏi “ai đã khéo chỉ huy, lèo lái tình hình, hướng dẫn đoàn tàu ra đi trong trật tự và bình yên” thì có lẽ chưa thấy được giải đáp thỏa đáng.

Về câu hỏi này, là một thành phần trong bộ tham mưu di tản, người viết xin đóng góp một số nhận xét như một chứng nhân của cuộc hành trình lịch sử này. Tất cả những gì trình bày sau đây cũng đã được tóm lược trong cuốn Hải Sử Tuyển Tập do Tổng Hội Hải Quân VNCH phát hành năm 2004, từ trang 523 đến trang 530.

Các nhận xét về chuyến đi này được chia làm hai phần:

Phần 1: Diễn tiến cuộc di tản

Phần 2: Các nhân vật điều động

Phần 1 – Diến tiến cuộc di tản

Khởi hành từ Sài Gòn lúc 7:00 giờ tối ngày 29 tháng 4 năm 75, các chiến hạm Hải quân Việt Nam Cộng Hòa tập trung tại Côn Sơn từ chiều ngày 30 tháng 4. Hạm đội khởi hành đi Subic Bay, Phi Luật Tân trưa ngày 1 tháng 5 và đến Phi Luật Tân vào chiều ngày 7 tháng 5.

Các diến tiến sau đây bắt đầu từ lúc hạm đội hình thành tại Côn Sơn và được phân thành các tiểu đoạn như sau:

1.1 Bộ tham mưu

1.2 Vấn đề truyền tin

1.3 Đi hay ở lại

1.4 Hành trình

- Làm gì bây giờ?

- Đi đâu?

- Ngày giờ khởi hành

- Hải hành

1.5 Đến bến

- Chuẩn bị vào bến

- Đến bến
hq2
Hình ảnh Hải quân VNCH di tản.

1.1 Bộ tham mưu

Năm 2001, Ban Hải sử Tổng hội Hải quân Việt Nam Cộng Hòa có hỏi tôi một số câu hỏi, trong đó có câu sau: “Xin Đề đốc cho biết, khi rời Sài Gòn, Bộ Tư Lệnh nổi trên đường di tản được tổ chức ra sao? Một cách cụ thể, bên dưới Đô Đốc Cang, các giới chức Hải quân trên HQ 3 đã được phân nhiệm như thế nào?” Tôi đã trả lời như sau: “Bây giờ thì gọi là Bộ Tham Mưu chứ trên thực tế lúc đó thì tùy cơ ứng biến. Có việc gì thì họp nhau cùng bàn, sau khi có sự đồng ý của Đô đốc Cang thì chia nhau mà làm, miễn sao có kết quả êm đẹp”.

Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Trên HQ 3 – Tuần dương hạm Trần Nhật Duật –

mà Hạm trưởng là HQ Trung tá Nguyễn Kim Triệu, ngoài thủy thủ đoàn, thành phần BTL/HQ gồm có, theo thứ tự thâm niên: Phó Đô đốc Chung Tấn Cang, Phó Đề đốc Đinh Mạnh Hùng, Phó Đề đốc Diệp Quang Thủy, Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh và HQ Đại tá Nguyễn Xuân Sơn. Về sau, có Phó Đề đốc Đặng Cao Thăng đến từ Vùng 4 Sông ngòi, Phó Đề đốc Nghiêm Văn Phú từ Lực lượng Tuần thám.

Bây giờ nghĩ lại, thấy có vẻ khôi hài. Người thì ít mà toàn là tướng không, vậy ai làm lính. Cũng may là công việc làm không dùng đến cơ bắp, chỉ cần có cái miệng, nhưng lại phải trực phiên 24 tiếng đồng hồ, ăn ngủ tại chỗ, cũng khá mệt nhọc. Chắc có người thắc mắc nhân viên đâu cả? Xin thưa: họ cùng với gia đình ở rải rác trên các chiến hạm khác. Đây cũng chứng tỏ sự linh động và nhân hậu của cấp lãnh đạo.

Sau buổi họp tham mưu cao cấp trên HQ 3 chiều ngày 30 tháng 4, khi giải tán, các giới chức đến họp đã trở về chiến hạm chở gia đình họ. Như vậy mặc nhiên ngầm có sự đồng ý để các nhân viên ở gần gia đình họ. Biết rằng hầu hết các sĩ quan đều mang theo gia đình họ nên không ai có ý nghĩ gọi họ lại nhiêm sở. Tôi nghĩ rằng, nếu không vì gia đình, chắc chắn mọi người sẽ tự động trở về nhiệm sở của mình.

1.2 Vấn đề truyền tin

Kể từ lúc Đại tướng Dương Văn Minh tuyên bố hạ súng vào sáng ngày 30 tháng 4 thì hệ thống truyền tin như một cái chợ vỡ. Đủ mọi chuyện được đem ra trao đổi hỏi han, nhất là các đề tài sau: bàn về tình hình, hỏi han tin tức gia đình, bàn chuyện di tản hay không, than van về tình cảnh cá nhân v.vv…, chứng tỏ một tình trạng lo lắng hoang mang cực độ của các thủy thủ đoàn. Tình trạng này nếu tiếp tục thì thật là nguy hiểm vì có thể đem lại sự phân hóa trong hạm đội. Mặt khác nếu ngăn chặn thông tin thì làm sao hiểu được tình hình mà trù liệu công việc. Đó là chưa kể các mối lo khác như bị xâm nhập và phá rối, khuyến dụ của Việt cộng.

Để giải quyết tình hình này, Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh được chỉ định đảm trách điều hành hệ thống liên lạc, chỉ huy và là người độc nhất được sử dụng hệ thống truyền tin để tránh khỏi bị cướp phá. Tóm lại, Phó Đề đốc Minh thường trực đích thân theo dõi hệ thống truyền tin để: bảo đảm an ninh truyền tin, theo dõi tình hình, giải quyết các vấn đề có thể giải quyết ngay, nêu lên các vấn đề cần giải quyết, chuyển các quyết định của BTL cho các đơn vị và theo dõi thi hành.

Trong thư trả lời ban Hải sử, tôi đã tóm tắt vấn đề như sau: “Chỉ huy chiến thuật đòi hỏi 4 điều kiện khi liên lạc: An toàn chính xác về truyền tin, nắm vững tình hình, tiếng nói của thẩm quyền. Trong khi triệt thoái, binh sĩ hoang mang dao động, các điều kiện trên lại càng quan trọng. Phó Đề đốc Minh đã có nhiều kinh nghiệm điều quân trong sông nên ông rất hữu hiệu trong trách vụ liên lạc chỉ huy…” Đúng vậy, Phó Đề đốc Minh đã hoàn thành nhiệm vụ này một cách tối hảo. Tiếng nói của ông vang vang trên hệ thống truyền tin suốt ngày đêm cũng như sự duy trì được kỷ luật và an ninh truyền tin trong suốt cuộc hành trình là một kỳ tích ít người làm được. Và là một đóng góp quyết định vào sự hoàn thành tốt đẹp của cuộc di tản. “Ngoài việc bảo đảm được sự vận hành của hệ thống truyền tin, các đóng góp của Phó Đề đốc Minh vào sự giải quyết các công việc khác cũng đáng được ca ngợi” (Hải sử Tuyển tập trang 527).

1.3 Đi hay ở lại?

Đối với hầu hết các thủy thủ đoàn, khi các chiến hạm thi hành lệnh tập trung tại Côn Sơn thì việc đi hay ở lại chưa thành một vấn đề. Nhưng từ lúc Đại tướng Dương Văn Minh tuyên bố buông súng thì tình hình trở nên sôi động. Chuyến đi này trở thành chuyển đi sau cùng và một chiều của hạm đội. Sẽ không có ngày trở lại. Trong suốt đêm 30 tháng 4, giải quyết vấn đề đi hay ở lại là công việc chính của bộ tham mưu. Vấn đề này bao gồm hai mặt: mặt cá nhân và mặt chiến hạm.

Về mặt cá nhân tương đối dễ giải quyết. Từ chập tối 30 tháng 4, đã có những cá nhân tỏ ý không muốn rời Việt Nam và muốn trở lại Sài Gòn. Đến trưa hôm sau thì số người muốn trở về Sài Gòn mỗi lúc một đông, trở thành một vấn đề cần phải được giải quyết. Để trấn an mọi người, quyết định cung cấp phương tiện cho những ai muốn về lại Sài Gòn được ban hành và thông báo ngay đến toàn thể chiến hạm. Một hỏa vận hạm được chọn và đến từng tàu bốc người muốn trở về. Ngoài chiếc hỏa vận hạm, một số tuần duyên đỉnh (PCF) cũng xin về theo… Kể đến lúc Hạm đội khởi hành đi Subic Bay, tất cả những ai không muốn di tản đã được thỏa mãn nguyện vọng và được chuyển vận trở về Vũng Tàu.

Về mặt chiến hạm, vấn đề không còn là cá nhân mà trở thành tập thể. Vì chiến hạm gồm thủy thủ đoàn sẽ không di tản, mà ở lại Việt Nam. Giải quyết các trường hợp này thì dễ hay khó tùy thuộc vào mức độ phân vân của đơn vị liên hệ. Đa số trường hợp được giải quyết thỏa đáng qua thảo luận trên hệ thống truyền tin giữa đơn vị trưởng và Phó Đề đốc Minh hoặc đại tá Sơn. Điển hình là trường hợp HQ Thiếu tá Vương Thế Tuấn, Hạm trưởng HQ 229 (DVD CHHCC).

Tôi chỉ biết một trường hợp khó khăn, được giải quyết vào giờ phút cuối cùng, trước khi hạm đội lên đường. Sáng ngày 1 tháng 5, trong khi chuẩn bị khởi hành, thì có một chiến hạm báo cáo không muốn di tản và thủy thủ đoàn không muốn rời Việt Nam. Trên chiến hạm chỉ huy, Phó Đô đốc Cang nhìn chúng tôi dò hỏi. Đại tá Sơn đề nghị cho tàu đó cặp vào HQ 3 và để ông đi qua giải quyết. Rất lâu không thấy ông trở về. Đô đốc Cang sốt ruột và lo lắng ra mặt. Tôi lên tiếng đề nghị cho tôi sang đó xem xét tình hình. Sau một lúc ngần ngừ, Phó Đô đốc Cang bảo để ông cho cận vệ đi cùng tôi. Tôi suy nghĩ thật nhanh, là có cận vệ với tình hình này chưa chắc đã an toàn hơn nên từ chối và rời đài chỉ huy.

Bây giờ hồi tưởng lại lúc đó, tôi cũng thấy là lạ. Bước qua hạm kiều, ngoài mấy thủy thủ đứng gác, chiến hạm thật vắng lặng, có lẽ tất cả thủy thủ đoàn đang hội họp với đại tá Sơn. Càng lạ hơn là không thấy dân chúng hiện diện. Có thể tàu này đang công tác ngoài biển và được lệnh đến thẳng đây. Sau khi chào hỏi, một thủy thủ đưa tôi xuống phòng ăn đoàn viên. Bước vào, không khí thật kỳ lạ. Đại tá Sơn ngồi bàn chủ tọa, thủy thủ đoàn ngồi đối diện. Không ai nói năng gì. Một sự im lặng hoàn toàn. Trước tình hình đó, tôi chỉ biết nhìn thủy thủ đoàn rồi quay sang đại tá Sơn nói: “Đã đến giờ khởi hành, phải về tàu”. Nói xong tôi rời phòng hội, trở về HQ 3. Ít lâu sau đại tá Sơn cũng về tàu chỉ huy. Hạm đội lên đường đúng giờ ấn định.

Đến nay thì tôi vẫn không biết chuyện gì xảy ra trên chiến hạm đó. Qua đây, tôi có vài dịp gặp lại đại tá Sơn mà quên hỏi. Sự việc này đã được tôi trình bày ngắn gọn trong tập Hải Sử đề cập trên.

1.4 Hành trình

Làm gì bây giờ? Kể từ lúc đại tướng Minh ra lệnh đơn phương ngừng bắn thì công cuộc di tản đã trở thành rõ rệt. Đây là chuyến đi một chiều của Hải quân VNCH, không có ngày quay trở lại. Nhưng làm gì tiếp thì chưa biết, ngoại trừ một nguyên tắc đã được Phó Đô đốc Cang đề ra trong khi chuẩn bị: “Nếu có làm gì thì cũng làm như một tập thể”.

Chiều ngày 30 tháng 4, ngay sau khi đến Côn Sơn, một buổi hội đã được triệu tập trên HQ 3 gồm các tướng lãnh và sĩ quan cao cấp có mặt tại điểm tập trung. Buổi hội tương đối ngắn và không có gì phải thảo luận và bàn cãi nhiều. Sau khi xem xét tình hình chính trị và tình trạng hạm đội, mọi người đồng ý là phải liên lạc ngay với Hoa Kỳ. Đến đây gặp khó khăn là không ai có tần số hay hay biết cách liên lạc với Hoa Kỳ. Trong khi mọi người đang suy nghĩ thì đại tá Sơn lên tiếng than phiền mình bị cách chức Tư Lệnh Hạm Đội một cách bất công. (Uẩn ức này kéo dài đến ngày nay và tôi sẽ trở lại vấn đề này sau). Không đợi Phó Đô đốc Cang giải thích, đại tá Sơn cho biết luôn là ông có tần số liên lạc với Hoa Kỳ. Trở ngại được giải quyết và buổi họp chấm dứt. Các giới chức trở về chiến hạm có chở theo gia đình mình….

Đi đâu? Sáng sớm ngày 1 tháng 5, ông Armitage đại diện Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đến HQ 3. Ông ngỏ lời là Hoa Kỳ đồng ý tiếp nhận hạm đội Việt Nam và đề nghị hạm đội di chuyển đến Căn cứ Hải quân Hoa Kỳ tại đảo Guam. Khi duyệt lại tình trạng hạm đội, thấy rằng nếu đi Guam xa gần 2 ngàn 500 hải lý thì nhất định sẽ gặp một số trở ngại quan trọng, đáng kể là tình trạng kỹ thuật của một số chiến hạm không được khả quan và hạm đội phải đi theo vận tốc của chiến hạm có tình trạng máy tệ nhất là là khoảng 5 gút (hải lý/giờ), thời gian hải hành quá lâu. Thêm nữa các chiến hạm chở quá đông dân chúng di tản, ước lượng khoảng 30 ngàn người, chắc chắn là sẽ gặp nhiều khó khăn về ăn uống. Do đó Bộ tham mưu đề nghị đưa hạm đội đến Subic Bay xa chỉ khoảng trên 900 hải lý. Mặc dù ông Armitage luôn luôn nhấn mạnh đến mong muốn của Hoa Kỳ là phải đi Guam, Phó Đô đốc Cang vẫn nhất định đi Phi Luật Tân…

Ngày giờ khởi hành. Sau khi cân nhắc tình hình chung, Phó Đô đốc Cang cho lệnh khởi hành di tản ngay sáng ngày 1 tháng 5. Có nhiều lý do đưa đến quyết định này. Một là để mọi người có việc làm, chấm dứt bàn tán, từ đó những hoang mang dao động sẽ tan dần, tinh thần trở nên ổn định. Hai là nếu ai còn do dự chuyện đi hay ở, sẽ đương nhiên chấm dứt và trở lại sinh hoạt bình thường. Ba là Côn Sơn trở nên không còn an toàn dưới áp lực tù cộng sản được giải thoát, chính quyền mới có thể gây khó khăn cho hạm đội (Hải Sử trang 527-528). Quyết định khởi hành sớm này dù đã không thỏa mãn được yêu cầu của một số cá nhân, như trường hợp đại tá Đỗ Kiểm còn thất lạc gia đình và dù phải bỏ lại một vài đơn vị như Vùng 5 Duyên Hải, nhưng cho thấy là một quyết định đúng, đem lại sự an toàn và thành công của chuyến di tản.

Hải hành. Nhờ thời tiết thật tốt, sóng yên biển lặng, nên chuyến di tản thuận buồm xuôi gió. Hạm đội sắp thành đội hình hai hàng dọc, tốc độ trung bình 5 gút.

Trên phương diện tiếp vận, các tàu đã được cung cấp đầy dầu nước và thực phẩm trước khi rời Sài Gòn. Tuy vậy, vì số dân di tản quá đông nên vấn đề ăn uống cũng gặp một số trở ngại. Nhờ óc sáng tạo và tinh thần kỷ luật cao của các thủy thủ đoàn, mỗi chiến hạm đã tự giải quyết các khó khăn. Hải quân Hoa Kỳ trợ giúp phần thực phẩm và y tế trong trường hợp thật cần thiết…

Nhìn chung, đối với tập thể thì các trắc trở không có là bao. Sau vài ngày hải hành, không tuần Hoa Kỳ cho biết là hạm đôi không còn giữ được đội hình hai hàng dọc, các chiến hạm cũng không giữ khoảng cách đều nhau. Để chấn chỉnh, Phó Đô đốc Cang chia hạm đội thành 2 phân đội và Đề đôc Lâm Ngươn Tánh đi trên HQ 1 được chỉ định chỉ huy phân đội 2. Từ đó đội hình hải hành được duy trì tốt đẹp. Vài biến cố nhỏ xảy ra trên chính chiếc soái hạm HQ 3. Một đám cháy trên sân thượng và cả hai máy chánh bất ngờ đều hư hỏng khi đến gần lảnh hải Phi nên phải cần đến tàu kéo của Hoa Kỳ.

Đối với từng cá nhân thì chuyến đi vất vả đau buồn. Có người gặp phải hoàn cảnh nan giải thương tâm. Cũng có người phải gánh chịu những hoàn cảnh đau xót riêng tư cần sự trợ giúp của đồng đội. Một số các trường hợp này- trường hợp Dương vận hạm HQ 502, Hải vận hạm HQ 402, Giang pháo hạm HQ 329 - đã được nhắc đến trong tập Hải Sử…

1.5 Đến bến.

Chuẩn bị vào bến. Khi sắp gần đến Phi Luật Tân thì nhận được tin là chính phủ này không chấp thuận cho hạm đội VNCH vào vịnh Subic. Bộ tham mưu họp bàn tìm giải pháp. Quả là một trường hợp ngoại giao phức tạp, không dễ dàng giải quyết. Giải pháp đưa hạm đội đi Guam được đề cập, cân nhắc. Hoa Kỳ lãnh trách nhiệm đưa 30 ngàn đồng bào đến Guam bằng các tàu dân sự để hạm đội dễ điều động cho một hải trình tiếp tục dài này. Trong lúc còn đang thu xếp thì Phó Đô đốc Cang đưa ý kiến là với tình hình hiện tại, Hạm đội của Hải quân VNCH nên được trao trả cho Hải quân Hoa Kỳ vì trên danh nghĩa đó, các chiến hạm Hoa Kỳ sẽ vào căn cứ Hải quân Subic của mình.

Ý kiến này được chuyển đến giới chức Hoa Kỳ. Một vài giờ sau, hạm đội được thông báo là giải pháp được chấp thuận với điều kiện:

- Tất cả đạn dược phải được ném xuống biển.

- Cờ VNCH phải được thay bằng cờ Hoa Kỳ. Để thi hành điều kiện này, mỗi chiến hạm sẽ tiếp nhận một toán sĩ quan liên lạc Hoa Kỳ và thực hiện lễ hạ quốc kỳ VNCH và trương quốc kỳ Hoa Kỳ. Lễ hạ cờ VNCH được cử hành cùng một lúc trên tất cả chiến hạm vào đúng 12 giờ trưa ngày 7 tháng 5 năm 1975. Buổi lễ hạ cờ lịch sử trong không khí trang nghiêm và đầy xúc động, đã được kể lại trong nhiều bài viết trong mấy chục năm qua…

- Xóa bỏ danh hiệu và danh số Việt Nam. Để thực hiện công việc này, trong lúc thủy thủ đoàn Việt Nam vận chuyển con tàu theo khẩu lệnh của sĩ quan hải hành Hoa Kỳ, các tiểu đỉnh Hoa Kỳ chạy cặp sát sườn chiến hạm để sơn lấp bỏ các danh số và danh hiệu VN dọc hai bên hông.

Đến bến. Chiều ngày 7 tháng 5, hạm đội VNCH vào thả neo trong vịnh Subic. Chuyến di tản an toàn, bình yên và đầy đủ. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Sau khi tàu bỏ neo thì việc điều hành lên bờ thuộc phía Hoa Kỳ. Vị sĩ quan liên lạc yêu cầu các sĩ quan cấp tướng rời tàu trước vì lý do an ninh. Theo kinh nghiệm, trong trường hợp triệt thoái như thế này có thể có những binh sĩ uất ức, gây gổ với giới lãnh đạo, làm mất trật tự. Dĩ nhiên ta phải nghe theo nhưng để thủy thủ đoàn đỡ xôn xao thắc mắc, hai Phó Đề đốc Nghiêm Văn Phú và Hoàng Cơ Minh tự nguyện ở lại.

Đồng bào được các viên chức Hoa Kỳ thu xếp và hướng dẫn sang các thương thuyền để chuyển sang đảo Guam. Họ làm việc có tổ chức cao, lớp lang, khoa học và thực tế. Vì vậy công tác di chuyển rất tốt đẹp. Hai vị Phó Đề đốc cùng với đồng bào sang tận Guam và chỉ trở lại cùng gia đình khi mọi người được tiếp nhận.

Phần 2 – Các nhân vật điều động cuộc di tản

Trong bất cứ hoạch định nào, luôn có hai nhân vật trọng yếu quyết định sự thành bại của công cuộc. Đó là người lãnh đạo và người chấp hành. Nếu người lãnh đạo suy tính sáng suốt và đưa ra các quyết định hợp lý thì triển vọng thành công đã được một nửa. Phần còn lại tùy năng lực của người chấp hành. Nhưng thường, người chấp hành có xuất sắc lắm thì mức thành công cũng chỉ đạt được 80% của triển vọng.

Trong chuyến di tản của hạm đội VNCH, Hải quân may mắn có được hai nhân vật xuất sắc nắm giữ hai vai trò này. Đó là Phó Đô đốc Cang trong cương vị chỉ huy và Phó Đề đốc Minh trong cương vị điều hành. Và Phó Đề đốc Minh điều hành tận tụy đến nỗi mọi người đều nghĩ ông chính là người chỉ huy toàn bộ cuộc di tản. Sẽ là một bất công đối với Phó Đô đốc Cang nếu sự ngộ nhận tiếp tục kéo dài. Người viết xin nêu lên sự phân công rõ rệt…

hq4
Hình ảnh Hải quân VNCH di tản.

2.1 Phó Đô đốc Chung Tấn Cang:

Phó Đô đốc Cang mới trở lại chức vụ Tư lệnh Hải quân một thời gian ngắn trước ngày 30 tháng 4. Ngoài công tác yểm trợ cho việc triệt thoái miền Trung, phần nhiệm cuối cùng của vị này là lo duy trì hải lực trong thời kỳ suy yếu của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Quan trọng hơn cả là sự trù liệu cho hạm đội di tản khỏi Sài Gòn khi thành phố bị cộng quân đe dọa.

Trong việc này, có hai quan niệm khác nhau đưa đến việc cách chức Tư lệnh Hạm Đội của Hải quân Đại tá Nguyễn Xuân Sơn.

Theo nhãn quan của một số sĩ quan trong đó có thể lấy đại tá Sơn và đại tá Kiểm làm thí dụ điển hình. Theo sự trình bày công khai quan điểm của hai ông trong cuốn DVD “CHHCC”, thì:

1. Tình hình quân sự tại miền Nam là vô vọng, sự sụp đổ của VNCH là tất yếu.

2. Hoa Kỳ đã sẵn sàng giúp Hải quân triệt thoái khỏi Việt Nam. (Ông Armitage đề nghị với đại tá Kiểm và Đề đốc Holloway gián tiếp đề nghị với đại tá Sơn).

3. Như vậy phải chuẩn bị Hạm đội để di tản và mang theo tối đa dân chúng. Chính từ quan điểm này đã dẫn đến việc đại tá Sơn ra công điện chính thức cho gia đình thủy thủ đoàn đi theo tàu khi đi công tác để tránh trở ngại trường hợp có lệnh di tản. Quan niệm này được các sĩ quan cấp dưới tán thành vì hữu lý và cảm thông.

Tuy nhiên trên cương vị cấp lãnh đạo, Phó Đô đốc Chung Tấn Cang nhìn vấn đề không hoàn toàn thuần quân sự mà qua nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất là yếu tố chính trị quốc tế và một giải pháp chính trị dung hòa có thể được hình thành. Tình thế này đã được trình bày trong Hải sử Tuyển tập, trang 525: “…Trong buổi họp này, các công việc chuẩn bị đã được thảo luận và quyết định. Tôi không nghĩ là đã có một kế hoạch viết về dự trù di tản này. Vấn đề di tản dân chúng cũng không thấy được đặt ra. Chỉ nêu việc di tản hạm đội. Bao giờ di tản thì tùy tình hình quân sự quyết định. Còn làm gì tiếp sau thì tùy nhiều yếu tố chính trị phức tạp. Một số tình huống có thể xảy ra: Rút về Vùng 4 Chiến thuật và tiếp tục chiến đấu. Hoặc chia cắt đất hoặc lập chính phủ liên hiệp, chính quyền tan rã. Lúc bấy giờ không ai nghĩ đến việc đại tướng Dương Văn Minh ra lệnh buông súng!”

Theo Đề đốc Trần Văn Chơn thì ông không di tản vì “còn nước còn tát”. Các tướng lãnh đều tán thành quan niệm này. Nhưng sáng 29 tháng 4, Phó Đô đốc Cang được Đại tướng Minh cho biết là: “Nước đã cạn rồi, đi đi…” Cho tới lúc này, quan niệm của Bộ Tư Lệnh Hải quân vẫn là di tản khỏi Sài Gòn để bảo toàn lực lượng chớ không phải để tỵ nạn ngoại quốc. Vì vậy mọi hành động bất thường đưa đến suy diễn có ý định đào thoát đều không được chấp nhận. Những hành động bất thường này có thể dẫn đến tình trạng hoảng loạn trong các đơn vị. Ngay cả các sĩ quan cao cấp trong Bộ tư lệnh cũng rất thận trọng khi di chuyển gia đình xuống tàu vào giờ chót.

Trong tình huống chưa ngã ngũ, việc đại tá Sơn chính thức gửi công điện cho phép thủy thủ đoàn đưa gia đình xuống tàu là một hành động tự tiện, vô nguyên tắc. Việc cho phép thân nhân xuống tàu sẽ kéo theo việc cho phép thân nhân vào các căn cứ trên bờ, và như thế sẽ tạo cơ hội cho Việt cộng trà trộn, xâm nhập toàn bộ các đơn vị Hải Quân. Vì vậy sự việc ông bị cách chức Tư lệnh Ham Đội là điều dễ hiểu. Quyết định dứt khoát, cứng rắn của Phó Đô đốc Cang có thể đã giúp ngăn ngừa được các hành động dẫn đến rối loạn, thiếu an toàn trong vòng đai Hải quân.

Quan trọng nhất là việc cách chức cũng là để phòng ngừa trường hợp Tư lệnh Hạm Đội bất tuân lệnh Bộ Tư Lệnh Hải Quân, tự mình dẫn Hạm đội rời Sài Gòn khi tình hình chính trị chưa ngã ngũ.

Tôi mong Đại tá Sơn đọc được những dòng này mà thông cảm với Phó Đô đốc Cang và bớt nỗi bực dọc ở trong lòng. Cũng chính nhờ bộ óc nhạy bén của Phó Đô đốc Cang đưa ra các quyết định đứng lúc kịp thời mà chuyến di tản được an toàn đến bến bờ tự do…

2.2 Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh

Tôi đã có dịp ghi trong Hải Sử Tuyển Tập: “Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh là một tướng lãnh giỏi, lanh lẹ, tháo vát, lại có sức bền bĩ không mệt mõi nên ông đã đóng góp nhiều trong chuyện di tản. Nhờ ông mà hệ thống truyền tin không bị phá rối, các chỉ thị chuyển đi được kịp thời, các tin tức thu nhận được đầy đủ giúp việc đánh giá đúng mức. Tiếng nói của ông đủ thẩm quyền để đem lại sự tin tưởng và an tâm cho mọi người. Ngoài ra, bất kể lúc nào, khi có đơn vị nào cần ông có mặt tại chỗ là ông lấy tiểu đỉnh đến tận nơi tìm hiểu giải quyết.

Tóm lược, Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh đã hoàn thành mỹ mãn nhiệm vụ được giao phó trong chuyến di tản là duy trì an ninh truyền tin, trật tự đội hình và giải quyết khó khăn trở ngại cho hạm đội và cá nhân.

Lấy trường hợp HQ Thiếu tá Vương Thế Tuấn, Hạm trưởng HQ 229; HQ Thiếu tá Nguyễn Văn Phước, Hạm trưởng HQ 231 (như trong DVD) làm thí dụ. Cả hai Hạm trưởng đều ở trạng thái hoang mang bất định và muốn trở về Sài Gòn.

Chính Phó Đề đốc Minh đã can gián, khuyên giải nên họ đồng ý di tản. Đây chỉ là hai trường hợp điển hình. Còn vô số rắc rối từ cá nhân thủy thủ đoàn… Nhờ kiến thức sâu rộng, nhờ tài năng ăn nói của mình, Phó Đề đốc Minh đã duy trì được kỷ luật và trật tự giúp cuộc hành trình êm xuôi… Cũng nhờ khả năng thu thập và phân tích tình hình, ông đã giúp Phó Đô đốc Cang đưa ra các quyết định nhanh chóng, hữu hiệu…

Sau nữa, nhưng không phải là sau cùng là vấn đề oai quyền của người ra lệnh. Bình thường người quân nhân được huấn luyện để tuân hành mệnh lệnh. Tuy nhiên mức độ tuân hành cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh. Trong trường hợp nguy biến cấp bách, cấp bậc của người ra lệnh càng cao thì mệnh lệnh càng có uy lực và dễ được tuân phục. Ta gọi đó là “lấy lon đè người”. Đấy là lý do tại sao Phó Đề đốc Minh được chỉ định phụ trách hệ thống liên lạc mà không phải là đại tá Sơn.

Mặt khác, ngoài uy quyền của một tướng lãnh, cá tính của Phó Đề đốc Minh cũng rất đặc biệt và dễ ảnh hưởng mạnh mẽ đến người đối thoại. Trong mọi hoàn cảnh, ông rất bình tĩnh, tự tin, lưu loát và thuyết phục mà không có tính cách ép buộc hay áp chế. Hơn nữa, Phó Đề đốc Minh rất dai sức, bền bĩ. Ông có thể làm việc ngày đêm không nghỉ mà vẫn minh mẫn, không tỏ vẻ mệt nhọc. Trong suốt cuộc hành trình, Phó Đề đốc Minh luôn luôn hiện diện tại nhiệm sở. Đêm như ngày, tiếng nói của ông vang vang trên hệ thống chỉ huy đã mang lại cảm giác bình an cho mọi người. Với một cá tính như vậy, dù không là một tướng lãnh, Phó Đề đốc Minh vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo. Nhưng có lẽ cũng chính nhờ vậy mà ông được thăng lên hàng tướng lãnh một cách nhanh chóng, trước các bạn đồng khóa….

2.3 Đại tá Nguyễn Xuân Sơn

Trong DVD “Chuyến Hải Hành Cuối Cùng”, Đại tá Nguyễn Xuân Sơn tỏ ra không nhớ lại những gì ông đã làm trong chuyến di tản. Hoặc giả ông đã chóng quên, hoặc giả ông coi những gì ông làm trong khi di tản chỉ là công việc bình thường của người quân nhân nên không đáng ghi nhớ.

Điều động một hạm đội triệt thoái không phải giản dị mà rất phức tạp. Nếu không nắm vững tình hình hạm đội về khả năng từng chiến hạm, tình trạng kỹ thuật, mức độ khiển dụng sẵn sàng, tình trạng nhân viên, tính tình cấp chỉ huy… thì rất dễ đưa ra các quyết định khiếm khuyết gây khó khăn cho sự điều hành và ảnh hưởng đến sự hoàn tất của công việc.

Vì nguyên là Tư lệnh Hạm Đội, đại tá Sơn là người độc nhất trong Bộ tham mưu hiểu thấu đáo tình hình Hạm đội và đã thực sự có những đóng góp đáng ghi nhận vào cuộc di tản.

Như ở phần tiểu đoạn Làm gì bây giờ, tôi đã kể đại tá Sơn là người duy nhất biết cách và đã liên lạc ngay với Hoa Kỳ. Nếu không nhờ ông, do tình hình biến chuyển mau lẹ, kết quả việc di tản không biết ra sao. Nên ghi nhận là vào ngày 29 tháng 4 đã có chiến hạm tự động cho tan hàng mà không về điểm tập trung. Hai chiến hạm đã bỏ ý định này để gia nhập hạm đội di tản.

Trong sự hoạch định công việc, các ý kiến của đại tá Sơn đều được lưu ý và tôn trọng như khi:

- Cứu xét tình trạng hạm đội để đưa đến quyết định đi Subic Bay thay vì đi Guam.

- Chọn lựa các chiến hạm đi trợ giúp các chiến hạm gặp khó khăn hay đi cứu vớt đồng bào tỵ nạn.

- Ấn định đội hình, vận tốc và lộ trình hải hành di tản.

- Sau hết, không nhớ rõ là trong những trường hợp nào, quá một lần người viết vẫn hình dung thấy bóng đại tá Sơn đi tới với câu nói” xong rồi” như khi vừa hoàn tất một công việc.

Kết

Gần 40 năm đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975, bây giờ hồi tưởng lại chuyện cũ, chỉ là những hình bóng lờ mờ trong tâm trí; kể lại những gì đã qua như trong một giấc mơ, đúng sai không chắc. Nếu có gì sai sót không đúng, xin độc giả cứ tự nhiên lên tiếng, không cần tham khảo với người viết.

Xin đa tạ.

Đinh Mạnh Hùng
http://vietbao.com
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Tư 2011(Xem: 11444)
Việt Nam trên National Geographic Cảnh vật và con người Việt Nam là nguồn cảm hứng sáng tác của không ít nhiếp ảnh gia nổi tiếng trên thế giới. Một số bức ảnh này đã được lựa chọn để đăng trên tạp chí uy tín National Geographic
05 Tháng Tư 2011(Xem: 11986)
29 Tháng Ba 2011(Xem: 12780)
Viện Bảo Tàng Albert Kahn vùng ngoại ô Hauts-de-Seine sát cạnh Paris lưu trữ một bộ sưu tập hiếm hoi ảnh màu về Việt Nam chụp ngay từ đầu thế kỷ 20. Phần lớn album này chụp trong năm 1915
24 Tháng Ba 2011(Xem: 19266)
Vào đầu thập niên 1960, nhiều hãng xe gắn máy ào ạt ra đời tại Nhật, cuối cùng theo luật thư hùng đào thải chỉ có những hãng có khả năng cải tiến mới sống còn. Lúc xe Nhật sang Việt Nam cũng là lúc các hãng xe gắn máy Nhật bắt đầu tung ra thế giới với nhiều cải tiến làm cho phẩm chất xe Nhật vượt hẳn các xe Tây phương
22 Tháng Ba 2011(Xem: 15490)
Vũ khí tối tân nhất thế giới của Mỹ Để phục vụ mục tiêu quốc phòng của mình, Mỹ đã và đang trang bị cho quân đội những vũ khí tối tân nhất thế giới hiện nay.
06 Tháng Ba 2011(Xem: 12752)
Câu chuyện về Facebook và Mark Zuckerberg đã được viết thành sách. Từ đó, các nhà làm phim Hollywood tiếp tục chuyển thể thành phim
03 Tháng Ba 2011(Xem: 16513)
VIỆT NAM VỚI NHỮNG TÀI LIỆU LỊCH SỬ
21 Tháng Hai 2011(Xem: 12270)
Ý tưởng dân chủ đã thấm vào sinh mạng của họ, vào trong máu, trong xương cốt. Một dân tộc như thế mà không hưng thịnh thì ai hưng thịnh. Một dân tộc như thế không thống trị thế giới thì ai có thể thống trị thế giới.
17 Tháng Hai 2011(Xem: 10820)
Từ “Tahrir” nghĩa là giải phóng. Đây là từ nói tới cái điều đang thét lên đòi tự do trong tâm hồn chúng ta. Hãy để nó mãi mãi nhắc chở chúng ta về nhân dân Ai Cập, về những việc họ đã làm, về những điều mà họ ủng hộ và về cách thức họ thay đổi đất nước của mình và trong khi làm như thế họ đã thay đổi cả thế giới. Xin cám ơn các vị.
15 Tháng Hai 2011(Xem: 11104)
Con người sống như thể sẽ không bao giờ chết … Nhưng rồi sẽ chết như chưa từng sống bao giờ " .
15 Tháng Hai 2011(Xem: 11514)
Khi còn sống, đã có lúc cha dạy các con phải biết đầu tư thương mại để dành tiền bạc vào những trương mục tiết kiệm, những bất động sản, những chứng khoán... nhưng bây giờ cha biết rằng mình đã lầm
09 Tháng Hai 2011(Xem: 12131)
Các lãnh đạo quốc phòng Mỹ nói chiếc máy bay ném bom tàng hình không người lái đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên.
04 Tháng Hai 2011(Xem: 19353)
Tết Nguyên Đán là ngày lễ thiêng liêng của người Việt. Người Việt Nam chuẩn bị đầy đủ tinh thần và vật chất cho ngày Tết. Người Việt Nam theo tôn giáo nào cũng tôn trọng ngày Tết
30 Tháng Giêng 2011(Xem: 12860)
Một mặt giữ gìn tiếng nói và nếp sống của mình nhưng mặt khác người Việt tại Úc được coi là lớp người nhanh chóng hội nhập vào nhịp sống của đất nước này
24 Tháng Giêng 2011(Xem: 12495)
Điều mà chúng ta biết chắc là đa số những người sắp “ra đi” đều lo lắng thiết tha cho “người ở lại,” và nghĩ rằng mình còn có thì giờ thu xếp mọi việc trước khi “ra đi.” Tiếc thay, khi xe buýt bất thình lình tới đón đi “ngao du,” chúng ta vội vàng lên xe nên không giúp gì cho những “người ở lại
13 Tháng Giêng 2011(Xem: 17204)
It does not mean the above mentioned will all pass but they might have to watch their health and danger in their life.
12 Tháng Giêng 2011(Xem: 14393)
Tối 10/11, ở câu lạc bộ Lexington Armory, New York (Mỹ) diễn ra buổi trình diễn hoành tráng nhất trong năm của Victoria’s Secret với một rừng ‘thiên thần’ quyến rũ: Rosie Huntington, Jessica Stam, Adriana Lima, Alessandra Ambrosio... Sân khấu hoành tráng của đêm thời trang Victoria's Secret.
11 Tháng Giêng 2011(Xem: 44264)
Các giới chức của Bộ Quốc phòng và không quân Hoa Kỳ đã ký kết một hợp đồng Mỹ cung cấp 20 chiếc máy bay chiến đấu F-35 cho Việt Nam. Việc này sẽ giúp thêm cho quốc gia vốn có thế lực quân sự ở khu vực Đông Nam Á, với loại máy bay tránh ra-đa này
09 Tháng Giêng 2011(Xem: 14672)
Thân mời quý vị mở hình xem lễ trao gỉải nobel 2010 rất trang trọng tại Thụy Điển và Na Uy, Đặc biệt giải nobel hoà bình để ghế trống với Bằng và hộp Quà [1 ,490.000 USD] là của Ông Lưu Hiểu Ba.
06 Tháng Giêng 2011(Xem: 13422)
CHÀO MỪNG NĂM 2011. NHÌN LẠI VỚI NHỮNG HÌNH ẢNH GÂY SỬNG SỐT NHẤT 2010 THEO GHI NHẬN CŨA TẠP CHÍ TIMES
04 Tháng Giêng 2011(Xem: 13914)
Có cả những cung điện được UNESCO ghi nhận như một di sản văn hóa thế giới. Đối với người Pháp, cung điện là một niềm tự hào, một biểu tượng quyền lực của các vương triều phong kiến.
04 Tháng Giêng 2011(Xem: 12568)
rong thời gian gần đây một dạng lừa đảo tinh vi mới xuất hiện nhằm vào những chủ sở hữu nhà đang gặp khó khăn trong việc trả tiền nợ nhà hàng tháng
04 Tháng Giêng 2011(Xem: 17496)
một trong những công tác ngoạn mục nhất và nguy hiểm nhất của binh chủng này là cuộc hành quân đột kích giải cứu tù binh Mỹ tại nhà tù Sơn Tây, cách Hà Nội 23 miles về hướng Tây Bắc Việt.
03 Tháng Giêng 2011(Xem: 15485)
Giao thừa 2011 “gõ cửa” thế giới Thế giới bắt đầu bước sang năm mới 2011, với lễ đón giao thừa được tiến hành ở khắp các thành phố lớn khi năm mới lần lượt “lướt qua”.
18 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 20916)
Chanh trừ được các bệnh ung thư Đây là một tin mới nhất của Y Khoa, để chống lại bệnh ung thư Các bạn hảy chú ý đọc nó thật kỹ bản điện tín nầy mà người ta mới vừa
17 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 12624)
Với khả năng ngụy trang độc đáo, họa sĩ Liu Bo Lin (người Trung Quốc) có thể biến thành "người tàng hình", khiến người đi đường khó nhận ra sự hiện diện của ông nếu không để ý kỹ.
07 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 12941)
Rối loạn tâm lý ở người cao tuổiHiện nay, số lượng người cao tuổi (NCT) không ngừng gia tăng. Cùng với sự gia tăng các bệnh thực thể,
03 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 13749)
Súng chống ẩn nấp của quân đội Hoa Kỳ Khi đối mặt với của một loại súng mới của Mỹ, cách duy nhất để thoát chết là chạy, chứ không phải nấp.
25 Tháng Mười Một 2010(Xem: 14385)
Xứng với danh hiệu "nữ hoàng" của dãy Andes, loài thực vật này sở hữu những bông hoa cao tới 12 m và phải trải qua 80-100 năm tích tụ tinh hoa của sa mạc, đồi núi nó mới cho một bông hoa như thế này vài tuần trước khi chúng chết.
17 Tháng Mười Một 2010(Xem: 12987)
Nên nhớ hiện nay Trung Quốc đã phát triển một lực lượng tin tặc cực lớn và cực mạnh. Họ vẫn thường xuyên tấn công vào hệ thống mạng liên quan đến quốc phòng của nhiều nước, kể cả Mỹ, Úc và các nước lớn ở châu Âu. Việt Nam có đủ sức chống cự lại họ?
03 Tháng Mười Một 2010(Xem: 15921)
Quả dài lòng thòng với hình dáng như tinh hoàn dê dực nên có tên Cà dái dê. Gọi tên cà tím là không chính xác vì một vài loại cà khác cũng màu tím. Hơn nữa Cà dái dê có hai loài: quả xanh ánh tím và quả tím.
26 Tháng Mười 2010(Xem: 14424)
Xe là nhiên liệu với xăng, và giá của xe dự kiến sẽ được khoảng $ 200.000. Các chuyến hàng đầu tiên sẽ được vào năm 2011
21 Tháng Mười 2010(Xem: 15232)
Khoảng 15.000 người đã đổ về tỉnh British Columbia của Canada để chứng kiến một trong những hiện tượng bí ẩn của tự nhiên: cuộc di cư khổng lồ của cá hồi đỏ, được cho là lớn nhất trong 1 thế kỷ trở lại đây
21 Tháng Mười 2010(Xem: 14021)
Máy bay máy bay tàng hình thế hệ mới "F-35 Tia chớp II" (F-35 Lightning II) hiện đang được Mỹ tập trung chế tạo. Kinh phí chế tạo: 1 tỷ USD/tháng. Theo tin từ Lầu Năm Góc, chiếc máy bay chiến đấu đa năng thế hệ mới "F-35 Tia chớp II" đầu tiên đã hoàn tất., "F-35 Tia chớp II" sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trong tháng 12 này.