Hoa Vi chạm trán Hoa Kỳ - NgyThanh
Ngày 8/10/2012, thông tấn xã AP đánh đi bản tin cho hay Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạviện Hoa Kỳ cảnh cáo các công ty Mỹ phải tránh quan hệ buôn bán với Hoa Vi và Trung Hưng, là 2 công ty kỹ thuật hàng đầu của Trung Quốc nằm trong số những công ty đầu sổ trên thế giới chuyên cung cấp cơ phận viễn thông và điện thoại di động. Dân biểu Mike Rogers của tiểu bang Michigan thuộc đảng Cộng Hòa trong tư cách chủ tịch ủy ban đã tổng kết cuộc điều tra kéo dài một năm rằng các công ty nầy đã không hợp tác với lập pháp Mỹ trong cuộc điều tra, và họ đã không đưa ra những lời giải đáp thích đáng về mục đích làm ăn tại Mỹ, cũng như về quan hệ giữa họ với chính phủ Bắc Kinh. Nhà làm luật Mike Rogers nói: “Hoa Vi và Trung Hưng tìm cách bành trướng vào thị trường Mỹ, nhưng kết quả điều tra là chúng tôi không tin tưởng rằng hai công ty vốn có quan hệ mật thiết với chính quyền TQ có thể tin cậy được trong một cơ sở hạ tầng với tầm quan trọng nghiêm trọng như thế nầy.”
Trung
Hưng Cty
Trên thương trường quốc tế, Công ty Cổ phần Hữu hạn Thông tấn Trung Hưng (中兴通讯股份有限公司) được gọi bằng tên ZTE Corp., chữ viết tắt của Zhongxing Telecommunication Equipment Corporation, một công ty đa quốc gia của TQ
chuyên cung cấp thiết bị truyền thông có bản doanh đặt tại đặc khu kinh tế Thâm Quyến (thường bị gọi sai thành Thẩm Quyến) thuộc tỉnh Quảng Đông, chỉ cách
Hong Kong bằng mỗi con sông Thâm Quyến Hà (con lạch sâu). Tính theo thống kê
doanh thu năm 2011, Trung Hưng là công ty cung cấp thiết bị truyền thông đứng
hàng thứ năm trên thế giới, chỉ sau Ericsson, Hoa Vi, Alcatel-Lucent và Nokia, và được xếp hạng tư toàn cầu trong
hàng ngũ sản xuất điện thoại di động tính theo tổng sản phẩm tiêu thụ năm
2011.
Hiện Trung Hưng là công ty cỗ phần hóa với 40% cỗ phần trong tay nhà nước TQ, chủ yếu bán sản phẩm của mình mang tên ZTE, nhưng cũng có một số mặt hàng
mang những tên thương mãi khác. Sản phẩm của
Trung Hưng gồm có điện thoại di động, hệ thống quản trị và truy nhập mạng, dụng
cụ truyền thông quang học dữ kiện viễn thông, công nghệ vô tuyến và nhu liệu
truyền thông. Công ty cũng nhận cung cấp hệ thống video theo yêu cầu
(VOD) và kỹ thuật streaming media, cho phép xem file phim
hoặc nghe file nhạc trước khi toàn bộ file được nạp xuống trọn vẹn và playback.
Kỹ thuật nầy giúp người dùng loại bỏ thời gian chờ đợi tải file xuống và cũng
chẳng cần bổ sung trên đĩa cứng của chủ máy. Khi ứng dụng trực tiếp vào công
nghệ truyền thông, streaming trực tiếp phần nào giống truyền hình và
phát thanh, chỉ trừ khâu truyền dẫn xảy ra trên mạng thay vì phát xạ thông
thường. Các hình thức ứng dụng streaming
phổ thông nhất hiện nay là kỹ thuật điện thoại mạng (internet phone) và hội
thảo truyền hình (video conferencing).
Cũng
như bất cứ công ty bạch tuộc nào của TQ, Trung Hưng được thành lập năm 1985 bởi
một nhóm hợp tác xã quốc doanh, nằm dưới sự cai quản của Bộ Không gian Trung quốc.
Thoạt đầu, công ty kiếm lợi chủ yếu từ doanh số bán ra trong nước, nhưng dần dần,
họ dùng Hong Kong làm bàn đạp để lấn sân vào các quốc gia mở mang và vươn vòi tới
thị trường nội địa nước khác. Năm 2006, Trung Hưng chiếm lĩnh thị trường viễn
thông quốc tế bằng cách cung cấp tới 40% sản phẩm thuộc mạng lưới CDMA toàn cầu.
CDMA là từ khoa học viết tắt của tập ngữ Code
Division Multiple Access, nghĩa là nhiều người truy nhập phân chia theo mã để chia sẻ cùng một giải tần chung, không như hệ thống thông tin di động toàn cầu GSM
(Global System for Mobile Communications)
phải phân phối tần số thành những kênh nhỏ và chia cho người sử dụng. Bằng kỹ thuật truyền thông trải phổ, tín hiệu của
nhiều khách
hàng khác nhau được mã hoá bằng các mã ngẫu nhiên khác nhau và được trộn lẫn và phát đi trên cùng một giải tần chung và
chỉ được thu
nhận tại một số điện thoại di động nào đó với mã ngẫu nhiên tương ứng. Với kỹ thuật CDMA, nhiều khách hàng có thể nói cùng lúc và tín
hiệu điện
thoại của họ được phát đi trên cùng một giải tần. Trong cùng
trong năm 2006, bằng kỹ thuật truyền thông trải
phổ
tân tiến nầy, Trung Hưng ký được hợp đồng làm ăn chung với công ty điện thoại
di động lớn nhất của Canada là Telus, và thành chuẩn mực câu kéo nhiều khách
hàng từ nhiều quốc gia tân tiến khác lao vào cuộc kinh doanh. Trong năm kế tiếp,
Trung Hưng được hãng Vodafone của Anh, Telefonica của Tây Ban Nha và Telstra của
Úc trọng vọng trải thảm đỏ rước vào. Tới năm 2008, Trung Hưng có thể nói rằng họ
là công ty có khách hàng ở 140 quốc gia khác nhau trên trái đất. Qua tới 2009,
công ty đạt danh hiệu là hãng có sản phẩm vô tuyến viễn thông GSM bán ra vào
hàng thứ ba trên thế giới, chiếm một phần năm tổng số sản phẩm mà loài người
tiêu thụ. Năm ngoái 2011, Trung Hưng sở hữu 7% bản quyền các phát minh về LTE (tức Long Term Evolution, có nghĩa Tiến
hóa Dài hạn) – một công nghệ di động được coi là thế hệ thứ 4,
một chuẩn mực cho truyền thông không dây tốc độ dữ liệu cao dành cho điện thoại di động
và các thiết bị đầu cuối dữ liệu.
Trong nước Mỹ, ngoài bản doanh đặt tại địa chỉ 2425
N. Central Expressway, thành phố Richardson, tiểu bang Texas, nằm gần vành đai
635 phía bắc của thành phố Dallas, Trung Hưng Cty còn có các
chi nhánh địa phương khác tại Atlanta, Kansas City,
Morristown (New Jersey), San Diego, và Seattle.
Thông tấn xã Reuters của Anh cho biết FBI đang điều
tra xem liệu Trung Hưng có bán cho Iran các thiết bị máy tính mà Mỹ cấm vận hay
không, cũng như truy tìm những cáo buộc về việc Trung Hưng che giấu và cản trở
cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ.
Cuộc điều tra hình thành sau khi Reuters loan tin hồi
tháng 3/2012 rằng Trung Hưng đã bán cho Iran hệ thống theo dõi mạnh nhất của
hãng, để khách hàng có thể kiểm soát hoạt động truyền thông, điện thoại và
Internet. Hợp đồng nầy ký ngày 24/07/2011 trị giá 120 triệu đô trong đó có lắp
đặt cả phần cứng và phần mềm là sản phẩm của một số công ty công nghệ hàng đầu
của Mỹ như Microsoft, Hewlett-Packard, Oracle, Cisco và Dell. Theo lệnh trừng
phạt Iran của Mỹ, việc bán thiết bị công nghệ cho Iran như thế, nếu có, là phạm
pháp. Ngay sau bản tin của Reuters, Bộ Thương mại Mỹ đã gửi thông báo tới TH
yêu cầu cung cấp thông tin về hợp đồng và danh sách hàng, nhưng chưa có trả
lời. Ngoài ra, Trung Hưng còn bị cáo giác dùng các công ty con đứng tên mua các
thiết bị truyền thông do Mỹ chế tạo để bán cho các quốc gia bị Mỹ cấm vận.
Khi
đến thăm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Trung Hưng ở Thượng Hải, phái viên BBC kể rằng cơ sở nầy gồm nhiều tòa nhà lớn với bề ngoài giống hệt nhau, và khi người khách vừa đẩy cửa bước vào thì đã thấy ngay hàng chữ điện tử chào mừng rất lớn ghi rõ tên mình chạy liên tục. Hồi 2005, tạp chí Business Week đánh dấu hỏi khi đặt vấn đề “Có phải Trung Hưng là kẻ khổng lồ viễn thông toàn cầu?” Ngày nay câu hỏi ấy đã trở thành thừa thải, và có
thể thay bằng dấu chấm than. Chiến lược của TH là vươn ra địa bàn quốc tế. Tại Việt Nam, Trung Hưng đã ký biên bản ghi nhớ với PTIC thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam
trong đó có nội dung thành lập công ty liên doanh để lắp ráp sản phẩm của TH.
Tất nhiên Trung
Hưng là một tập đoàn tư bản giàu có. Nhưng Bruce Dickson, tác
giả cuốn “Tư bản Đỏ ở
Trung Quốc” nhận
xét rằng “đa số các nhà tư bản TQ ủng hộ đảng Cộng
sản và hệ thống chính trị hiện nay. Phần lớn họ không ủng hộ giới bất đồng
chính kiến, cũng chẳng kêu gọi thay đổi chính trị.” Do đó, nếu ai đó mơ mộng rằng các nhà tư bản đỏ giàu có sẽ
là lực lượng góp phần vào việc thay đổi chính trị tại TQ, rồi họ sẽ phải thất vọng. Trong nhu cầu chiến lược của Bắc
Kinh muốn thúc đẩy xuất khẩu trong các lĩnh vực công nghệ cao,
Trung
Hưng và Hoa Vi đã được biệt đãi khi ra mắt chào đời. Ngược
lại, để đạt tới địa vị ngày nay, Trung Hưng và Hoa Vi không thể không có mối quan hệ và hậu thuẫn từ chính phủ và quân đội Cộng sản.
Hoa Vi là
gì?
Với phần đông chúng ta, Hoa Vi là
cái tên ngồ ngộ, có vẻ vô danh tiểu tốt, nghe nhu mì và dễ bị bắt nạt như con
gái. Trong kỹ nghệ truyền thông, Hoa Vi là trùm sò, vĩ đại như núi Thái Sơn,
đui mù cũng phải thấy.
Danh hiệu đầy đủ của công ty viễn thông mà quốc hội Mỹ vừa
nêu đích danh là Công ty
Trách nhiệm Hữu hạn Kỹ thuật Hoa Vi (华为技术有限公司), tiếng Anh là Huawei Technologies Co Ltd., một công ty đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông có trụ sở chính tại quận
Long Cương,
đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. Là hãng cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất TQ do một cựu sĩ
quan kỹ thuật của Quân đội Nhân dân xuất ngũ tên Nhậm
Chánh Phi (Ren
Zhengfei) thành lập năm 1987 với số vốn ban đầu
21.000 nhân dân tệ (bằng 3.075 đô), Hoa Vi nay vừa vượt qua
Ericsson để đứng hàng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Nokia, chuyên nghiên
cứu và phát triển, sản xuất và tiếp thị các máy móc viễn thông, cũng như cung cấp các dịch vụ mạng cho các công
ty khai thác điện thoại di động ở 140 nước khác nhau.
Trong chữ Hán, động từ “vi” là “là”, còn chữ “hoa”, danh từ là bông hoa, nhưng
tỉnh từ vừa có nghĩa tốt đẹp, phồn thịnh, rực rỡ, vừa ẩn chứa nghĩa “thuộc về
TQ” hay “ở bên ngoài TQ”. Người Tàu là thầy của việc chơi chữ. Chọn Hoa Vi để đặt tên, hẳn ông chủ không phải
bất cẩn khi để thiên hạ nhìn thấy cái tham vọng của mình muốn trở thành bá quyền
ở các nước khác trên địa cầu.
Dọc hành trình đạt tới sự nghiệp đồ sộ hôm
nay, Hoa Vi thường xuyên bị cáo giác là nhờ trộm cắp tài sản trí tuệ của kẻ
khác. Hãng đã bị Cisco thưa kiện hồi 2003 chuyện vi phạm bản quyền bằng sáng
chế và sao chép bất hợp pháp các mã gốc dùng trong việc giải tần và phân kênh.
Tháng 6/2004, một nhân viên của Hoa Vi bị bắt quả tang đang phác họa trộm các
bản vẽ và chụp ảnh lén các bảng mạch tại một quầy hàng triễn lãm của Fujitsu sau giờ mở cửa tại Hội chợ Siêu Viễn Thông ở
Chicago. Qua tháng 7/2010, hãng Motorola đệ trình một đơn khiếu nại cập nhật
nêu tên hãng Hoa Vi là đồng can phạm trong vụ họ kiện hãng Lemko tội đánh cắp
các bí mật thương vụ. Tháng 4/2011, Hoa Vi đâm đơn tại Đức, Pháp và Hungary,
kiện hãng Trung Hưng về tội vi phạm bản quyền sáng chế và nhãn hiệu cầu chứng.
Một ngày sau, Trung Hưng phản tố Hoa Vi tội vi phạm bản quyền tại thị trường
Trung quốc.
Trong số 50 công ty khai thác viễn thông đứng đầu thế giới đã có
45 hãng là khách hàng của Hoa Vi. Lợi nhuận của Hoa Vi trong năm 2010 là 28 tỉ
đô, so với năm 2000 chỉ đạt được 1.9 tỉ. Trong nội địa TQ, Hoa Vi dẫn đầu doanh
số kỹ thuật bán ra, và khắp thế giới, họ tuyển dụng 110 ngàn nhân viên, trong
đó 46% nhân lực được sử dụng vào công tác nghiên cứu và phát triển bằng kinh
phí khoảng 10% tiền lợi nhuận thu về; lực lượng nầy đã đăng ký xin cấp hơn 49.000 bằng sáng chế.
Các trung tâm nghiên cứu và phát triển của Hoa Vi có mặt tại Bắc Kinh, Nam Kinh,
Thượng Hải, Hàng Châu, Thâm Quyến, Vũ Hán,
Thành Đô,
Tây An, Ottawa (Canada), Bangalore (Ấn Độ), Jakarta, Indonesia, Mexico City (Mexico), Wijchen (Hà
Lan), Karachi và Lahore (Pakistan), Ferbane (Ái Nhĩ Lan), Moscow, Stockholm, Istanbul, Dallas và Silicon Valley của Hoa Kỳ.
Đà
thành công của Hoa Vi lần nầy bị khựng lại, vì mối liên hệ chặt chẽ với quân đội và
chính phủ TQ, nên các hợp đồng mua công nghệ của Mỹ đều bị trở ngại. Nước Mỹ không là quốc gia duy nhất
có mối lo ngại về an ninh khi muốn mua thiết bị của Hoa Vi.
Úc, Ấn Độ, Đài Loan cũng đồng ý rằng nhà cung cấp hoàn toàn có
khả năng cài vào thiết bị mạng những tính
năng bí mật để điều khiển hoạt động của mạng
thông tin và do thám bí mật của quốc gia
khách hàng.
Bình thiên hạ kiểu Hoa Vi
Nếu
bàn tay của chính quyền Bắc Kinh vươn ra trên thế giới chỉ khoanh vùng ở các
đại sứ quán và lãnh sự của họ, thì công ty Hoa Vi xâm lược theo mô hình khác,
tinh vi, nhẹ nhàng, và lời lớn. Chỉ bằng thời gian 18 năm để một bé sơ sinh cầm
được thẻ cử tri vào phòng phiếu, Hoa Vi biến hình từ một thằng lùn vô danh giữa
thương trường bát nháo của thế giới thành một đối thủ đầy quyền thế trong một
ngành kỹ nghệ chủ lực của loài người.
Năm
1987, khi một cựu sĩ quan kỹ thuật kiêm đảng viên Cộng sản ra mắt công ty cò
con Hoa Vi, bán hàng viễn thông nhập cảng từ nước ngoài về, không ai ở bên
ngoài TQ thèm biết tới Nhậm Chánh Phi là đứa nào. Ngày nay, ai cũng biết, và không
chỉ biết vì chuyện làm ăn buôn bán. Hoa Vi đang là hãng cung cấp hàng đầu các
mặt hàng viễn thông và điện thoại di động, và đang đốn ngã các công ty đàn anh
như Northern Telecom, Alcatel, Lucent, Cisco bằng ngón đòn bán phá giá các mặt
hàng của mình. Kỷ niệm 18 năm chào đời, doanh thu của Hoa Vi nhảy vọt lên quá 4
tỉ đô trong nửa năm đầu của tài khóa 2005, tăng 85% so với cùng thời gian ấy
vào năm trước, và đạt quá phân nửa lợi tức đến từ các quốc gia bên ngoài TQ.
Vậy tại sao một số chính trị gia và các trùm thương mại phương Tây cau mày nhún
vai khi đại diện Hoa Vi gọi điện thoại tới? Câu trả lời không thể né tránh là
vì Hoa Vi quá cần kề với chính phủ Trung Nam Hải, và quá nhiều tham vọng trong
lãnh vực kỹ thuật viễn thông. Ví dụ, Hoa Vi đã có một trung tâm nghiên cứu và
phát triển tại Ấn rồi, nhưng Hội đồng Phát triển Đầu tư Nước ngoài của Ấn đang
ngâm tôm một dự án mở rộng nữa tại Bangalore trị giá 60 triệu đô nhằm phát
triển phần mềm. Cùng lúc, Hoa Vi nạp đơn xin môn bài cung cấp khối lượng lớn cho
các dự án viễn thông Ấn, cạnh tranh với 2 công ty quốc doanh MTNL và BSNL. Tất
nhiên là Bộ Viễn thông Ấn không thể không chặn đứng một môn bài như thế, nhất
là sau khi báo chí đã loan tải tin tức rằng cơ quan tình báo Ấn nghi ngờ Hoa Vi
có liên hệ với tình báo TQ, và hãng nầy còn đảm nhiệm công tác tìm và loại bỏ
những lỗi lầm của các chương trình trong hệ thống computer của sứ quán TQ tại Ấn. Chuyện tương tự cũng xảy ra tại Anh
hồi tháng 4/2005, khi Hoa Vi trúng thầu hợp đồng 140 triệu đô để xây dựng hệ thống
viễn thông mới có tên “Mạng lưới Thế kỷ 21” để chính phủ Anh loại bỏ tất cả hệ
thống đang sử dụng, cùng lúc với tin tức cho hay Hoa Vi đang tính mua lại
Marconi, công ty chuyên về thông tin và điện tử đang rao bán. Những thương vụ
tiếp nối ào ạt như thế đã trở thành mối đe dọa về an ninh cho các quốc gia mà
Hoa Vi tới làm ăn. Ông chủ Nhậm Chánh Phi luôn từ chối tiếp xúc với báo chí, và
tin đồn loan truyền rằng chủ nhân thực sự của Hoa Vi là Quân đội Giải phóng
Nhân dân TQ. Công ty phủ nhận tin nầy, và bảo rằng họ “không còn” quan hệ gì
với chính phủ Bắc Kinh nữa. Tất cả ấn phẩm của Hoa Vi trước khi phát hành cho
công chúng đều qua sự kiểm duyệt của công ty kế toán KPMG do Hoa Vi mướn, thành
thử khi lọt ra tới bên ngoài, những con số thống kê về dịch vụ mua bán của Hoa
Vi biến mất. Sổ sách mờ ảo của hãng làm các nhà phân tích phải hốt hoảng. Cộng
thêm vào đó là các hoạt động tới tấp của phía TQ: tháng 4/2005, Levono, công ty
sản xuất computer mà Hàn lâm viện Khoa học TQ có phần hùn, ký hợp đồng trị giá
1.75 tỉ đô để mua hệ thống máy điện toán cá nhân của IBM. Hai tháng sau, công
ty dầu khí Cnooc của TQ với 70% vốn là của nhà nước dự tính bỏ ra 18.5 tỉ để
mua lại hãng Unocal của Mỹ.
Nếu
có dịp ghé Hong Kong, mời độc giả tạt qua Thâm quyến để chiêm ngưỡng bản doanh
trung ương của Hoa Vi, nơi 16 ngàn nhân viên bận rộn làm việc. Sân trước vườn
sau được chăm chút cẩn thận và tươm tất không thua Tòa Bạch Ốc. Riêng Trung tâm
Huấn luyện là một cơ ngơi bằng đá hoa cương pha trộn với kiến trúc gỗ, do kiến
trúc sư người Anh Norman Foster vẽ kiểu. Sau giờ làm việc, nhân viên sử dụng bể
bơi khổng lồ và vòi nước nóng, là hai trong những tiện nghi mà hãng đã chi 500
triệu để mướn các công ty chuyên môn về quản trị nhân viên như PriceWaterhouseCoopers và Hay Group đứng ra lo sóc vấn đề tân kỳ
hóa các thủ tục hành chánh, bao quát luôn kế toán, lương bỗng và huấn luyện cho
các ông xếp lớn của hãng, nhằm đạt phương châm “Hoa Vi là một công ty TQ với hệ
thống quản trị phương Tây”. Khi Hoa Vi khởi nghiệp bán hàng năm 1987, TQ có
khoảng 3 triệu số điện thoại bàn, phần lớn thuộc cơ quan chính phủ và các hãng
xưởng lớn. Ngày nay, TQ có 259 triệu số điện thoại bàn, cộng thêm 335 triệu số
điện thoại di động – nhiều hơn tổng dân số của Hoa Kỳ – chưa kể 100 triệu khách
hàng internet, so với 200 ngàn khách hàng vào năm 1997. Chiều hướng gia tăng
đều đặn mỗi năm 15% như thế là dấu hiệu của một thị trường làm ăn quá hứa hẹn.
Thành quả nầy không thể thành tựu nếu không có chính phủ sở tại đứng sau lưng.
Trong khi chính quyền Ấn bỏ mặc cho cánh tư nhân èo uột sống, Bắc Kinh dùng
quyền kiểm soát tổng hợp và tuyệt đối của trung ương để nuôi dưỡng các hãng
xưởng địa phương, ví dụ Hoa Vi được chính phủ TQ hùn vốn cho công tác nghiên
cứu và phát triển, rồi được miễn giảm thuế khóa, nhất là các quyền biệt đãi
trong lãnh vực ngân hàng. Ví dụ hồi 2004, Hoa Vi được Ngân hàng Phát triển TQ
do chính phủ làm chủ cho vay 10 tỉ đô, và thêm 600 triệu từ Ngân hàng Xuất Nhập
Cảng TQ để làm vốn mở rộng ra hải ngoại. Với số vốn thặng dư nầy, Hoa Vi đi một
đường ngoạn mục bằng cách phá giá hàng hóa tới 70% và cho các đại lý của họ vay
làm vốn để cạnh tranh trên thị trường: một trong các ví dụ cụ thể là hồi tháng
4/2004, hãng MWL của Nigeria nhận 200 triệu đô tiền vay của Ngân hàng Phát
triển TQ với điều kiện chỉ mua sản phẩm của Hoa Vi. Thành tựu của Hoa Vi còn
cho thấy rõ nỗ lực của chính phủ TQ nhằm đẩy mạnh dây chuyền kỹ thuật. Hoạt
động nghiên cứu và phát triển của một số công ty TQ đã nhận được tài trợ của
chính phủ của họ, riêng Hoa Vi đã được cấp hơn 9 triệu đô cho dạng mục nầy tính
từ năm 2003. Quan trọng không kém, Bắc Kinh đang trút ngân sách vào quỹ học vấn
về khoa học: các viện đại học TQ được hậu thuẩn để đào tạo một tỉ lệ kỹ sư tốt
nghiệp so với Hoa Kỳ từ gấp ba tới gấp năm lần đông hơn. Tại bản doanh Hoa Vi ở
Thâm quyến, phân nửa khoa học gia và kỹ sư có bằng tiến sĩ trở lên. Trong năm
ngoái, lực lượng nầy cho ra đời khoảng hai ngàn ba trăm bằng sáng chế mới và họ
lao động với đồng lương rẻ mạt. Nếu mức lương lúc mới nhận việc tại Nhật là
20.000 đô, thì ở TQ, các kỹ sư bằng lòng với chỉ một phần ba, còn nếu lãnh
8.500 đô/năm coi như ôm được chân thần tài, vì con số sinh viên ra trường năm
nào cũng nhiều hơn việc làm dành cho họ chen chân.
Trên
thương trường thế giới, Hoa Vi đang gặp trở ngại vì khía cạnh mờ ám trong vấn đề
tài chính của công ty. Trong khi Hoa Vi công bố tài sản kếch xù cùa họ, thì các
nhà phân tích tài chính không thể xác minh nguồn tiền của hãng khổng lồ nầy, mà
không nghĩ tới bàn tay của chính phủ Bắc Kinh. Mặt khác, danh sách chủ nhân
chóp bu của công ty luôn là một điều bí mật, chỉ trừ tên tuổi Nhậm
Chánh Phi (任正非) và người con gái rượu Mạnh Vãn Châu (孟晚舟). Chủ trương của Nhậm Chánh Phi
luôn né tránh báo chí làm giả thuyết Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung quốc mới
đích thị là chủ của Hoa Vi được mọi người kể như chính xác. Ngược lại, Victor
Xu, trưởng phòng chiến lược và tiếp thị của công ty cho rằng tổ chức của Hoa Vi
đã thừa trong sáng, “100% cỗ phần nằm trong tay nhân viên của hãng và hãng
không có quan hệ nào với quân đội”. Ông nầy cũng công bố hai mục tiêu ngắn hạn
của Hoa Vi là giảm giá bằng cách giảm lợi nhuận, và gia tăng chi phí cho việc
nghiên cứu và phát triển.
Xâm
lược thị trường Mỹ và làm tình báo
Thứ
Tư, 14/02/2001 là ngày lễ Valentine’s Day. Trong khi dân chúng Mỹ đang vui vẽ
gác chuyện đi cày sang một bên, thì Charlie Chen, một phó chủ tịch thâm niên
của Hoa Vi dẫn một nhóm nhân viên tới Plano, Texas, để đặt cơ sở đầu tiên của
hãng trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Ông nầy kể: “Ngày ấy, tiếng Anh tôi còn ăn đong,
chưa biết làm sao để cầm lái chiếc xe hơi trên xa lộ của nước Mỹ. Năm anh em
chúng tôi bắt đầu sự nghiệp của hãng từ những căn hộ apartment thuê mướn. Chúng tôi như một đám người mù. Để lần mò tìm
hiểu thị trường, chúng tôi phải đề ra một chiến lược để tiếp cận xã hội Mỹ.
Điều nầy là một chông gai”.
Một ngàn ngày sau, ông số một Nhậm Chánh Phi tới Texas
thị sát thành quả của đám thừa sai mình, để thấy Hoa Vi chưa kiếm được một
khách hàng người Mỹ nào, và chưa ai trong toán tiền sát thị trường phát âm được
chuẩn cái tên Huawei viết theo kiểu
Mỹ. Bí quá, các ông nầy xin đăng ký kinh doanh với chính quyền Mỹ cái tên Futurewei cho đỡ khó đọc – nhưng càng
làm mọi thủ tục rối tung lên. Nhậm Chánh Phi chỉ đạo nhân viên mình: “Cứ từng mũi kim một mà đâm. Dồn tất cả nỗ
lực vào một mặt hàng và đặt nó vào tay một khách hàng. Mỗi lần đâm suốt một
mũi, dần dà thiên hạ sẽ phải công nhận sự có mặt của chúng ta”. Sau chuyến
đi, ông xếp tiếp tục dồn nhân lực qua Mỹ trong những năm kế tiếp. Cơ sở tại
Plano ngày nay là một tòa cao ốc với 100.000 foot vuông, và đang là trụ sở Hoa Vi tại bắc bán cầu, chỉ huy một
loạt 12 văn phòng địa phương khác và 7 trung tâm nghiên cứu và phát triển rải
khắp nước Mỹ, kể cả một trung tâm mới khánh thành ở Santa Clara bên Cali. Hiện
Hoa Vi có 1.100 nhân viên tại Mỹ, trong đó 200 người từ TQ sang, và 75% là
người địa phương.
Bản
báo cáo dài 52 trang của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đề cập đến việc một số công
ty Mỹ sử dụng thiết bị của Hoa Vi và Trung Hưng đã gặp những trường hợp “kỳ lạ”
và “đáng báo động”. Từ đầu năm, nhiều chuyên gia an ninh Mỹ cáo buộc một số sản
phẩm của Hoa Vi và Trung Hưng được cài sẵn mã độc để ghi nhận và chuyển tiếp
các thông tin nhạy cảm của Mỹ về TQ.
Hiện nay, vấn đề cài gián điệp vào thiết bị điện tử rất dễ thực
hiện. Cái khó duy nhất là chỉ có người thiết kế ra con chip vi mạch ấy mới cài được, và công việc mờ ám ấy được gọi là cài đặt cửa hậu (backdoor installation).
Con chip vi mạch để cài đặt lén có
thể được ém trong các thiết bị điện tử như USB 3G, điện thoại di động, máy
tính, thiết bị điện tử viễn thông, công nghệ thông tin... Thông qua kết nối
mạng, con chip lấy trộm thông tin của
thiết bị gắn vào nó, hay tệ hại hơn, là lấy của cả mạng sử dụng thiết bị đó,
hay hơn nữa, có thể điều khiển từ xa hoạt động của nguyên một hệ thống. Sau khi
đã được ém, việc truy tìm và phát hiện con chip
gián điệp rất khó. Để kiểm chứng có chip
cửa hậu hay không phải theo dõi việc có hay không có sự hiện diện của một
lệnh điều khiển từ xa. Việc theo dõi như thế cần trường kỳ, mà nếu chip cửa hậu nằm yên không nhận được remote command thì cũng đành bó tay.
Trên trang Thế giới Mạng Hàng ngày (WND) ngày
1/07/2012 phân tích gia Michael Maloof của Ngũ Giác Đài đã báo động rằng “2 hãng Hoa Vi và Trung Hưng từng cung cấp
cho chính phủ Bắc Kinh cũng như Bộ Tham mưu Quân đội Nhân dân TQ vi mạch cửa
hậu để có khả năng truy cập từ xa một khối lượng thông tin điện tử khổng lồ
cùng với các dữ liệu tình báo và quân sự nhạy cảm. Hai hãng nầy tạo điều kiện
cho TQ tiếp cận được các chip cửa hậu mà họ đã ém vào mạng lưới viễn thông của
140 quốc gia trên thế giới. Với chức năng phục vụ cho 45 trên tổng số 50 công ty khai thác
viễn thông đứng đầu thế giới, các công ty TQ nầy không những làm cho thông tin độc
quyền bị dòm ngó, mà còn có thể bị sửa đổi và trong một số trường hợp, có thể bị
phá hoại.”
Ông Maloof viết tiếp: “Hậu quả là bất cứ
thông tin nào đi ngang qua bất cứ mạng viễn thông nào do Hoa Vi thiết kế cũng sẽ
không an toàn, trừ phi được mã hóa bằng mã quân sự. Một nguồn tin khác cảnh
giác rằng cho dù được mã hóa bằng mã quân sự như thế, hiện phía TQ đang làm việc
cật lực để tìm cách giải mã bất cứ tài liệu mật nào mà họ đọc trộm được.”
Trên đây mới chỉ là một
số trong trăm ngàn chuyện 2 hãng Trung Hưng và Hoa Vi cấu kết với nhau trong
những chủ đích không trong sáng mà bản báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ
phải kết luận rằng “TQ có phương tiện, có
cơ hội và có và động cơ để dùng các công ty viễn thông vào các mục đích hiểm
độc. Căn cứ vào các thông tin công khai và bí mật, Hoa Vi và Trung Hưng không
thể được tin tưởng để vượt qua ảnh hưởng ngoại giao mà trở thành một mối đe dọa
an ninh cho quốc gia Hoa Kỳ và cho các hệ thống của đất nước chúng ta.” Bản
báo cáo bốc lửa của Hạ viện được tung ra chỉ 10 ngày sau khi tổng thống Obama
vừa dùng thẩm quyền hành pháp để bóp chết dự án một loạt quạt gió mà hãng TQ
muốn đầu tư sát nách một căn cứ hải quân kiêm khu vực huấn luyện máy bay không
người lái ở Oregon.
Khi Thời Báo lên khuôn, Bắc Kinh và Hoa Vi mới chỉ phản pháo bằng
miệng, nhưng chính phủ TQ chưa tung chưởng với các công ty Mỹ trên thị trường
TQ. Ngoài ra, hãng Trung Hưng đang tiến hành thống hợp làm một vào với Hoa Vi
để thêm sức mạnh trong chiến lược triệt tiêu các công ty viễn thông của các
nước khác, làm mối lo của quốc hội Mỹ sẽ tăng gấp đôi. Nhậm Chánh Phi sẽ chẳng dại để đối đầu với quốc hội Hoa Kỳ,
nhưng chính quyền TQ sẽ có một vài ngón đòn để chọn. Bắc Kinh có thể tiến hành
điều tra xem các hãng Mỹ như Cisco, Walmart đang làm ăn trên đất nước Cộng sản
của họ có quan hệ với những người chống chế độ không. Một cái mũ phản động như
thế cũng đủ để người địa phương tránh xa người Mỹ, để hãng Mỹ thất thu và cuốn
gói về nước. Cuộc chạm trán giữa Hoa Vi và Hoa Kỳ mới vào hiệp đầu, và hứa hẹn
nhiều màn tiếp theo không kém ngoạn mục.
NgyThanh
Bạn Nguyễn Văn Kiệt chuyển
Gửi ý kiến của bạn