Tai nạn kinh hoàng cách đây gần 1 năm trên chiếc cầu Gành già đã hơn 100 tuổi khiến không ít người bàng hoàng tự hỏi: tại sao lâu nay người ta không nghĩ đến việc tách đường bộ khỏi đường sắt?
Ngày 12-12, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực III (Đường sắt Việt Nam) để nghe báo cáo phương án giải tỏa mặt bằng, tiến tới xây dựng cầu đường bộ Đồng Nai tách khỏi đường sắt (dưới đây gọi tắt là cầu Đồng Nai) - một trong 3 cây cầu (ngoài cầu Đồng Nai còn có cầu Tam Bạc (Hải Phòng), Thị Cầu (Bắc Giang và Bắc Ninh), được triển khai xây dựng mới theo lệnh khẩn cấp của nhà cầm quyền.
* Sứ mệnh của một cây cầu
Không phải bây giờ các chủ phương tiện lưu thông qua cầu Gành mới ngán ngẩm, mà đã từ lâu, khi phải đi ngang qua khu vực này ai nấy đều mệt mỏi vì cảnh chờ đợi những lúc tàu qua lại. Hoặc vào giờ cao điểm, phương tiện giao thông quá đông đã khiến tình trạng ùn tắc xảy ra thường xuyên. Sự bất cập trong việc lưu thông chung giữa đường sắt và đường bộ là một thực tế ai cũng thấy, nhưng lại ít được quan tâm.
Cầu Ghềnh, nơi đi chung giữa tàu hỏa và phương tiện đường bộ hiện nay.    Ảnh: T. NGUYÊN
Cầu Gành, nơi đi chung giữa tàu hỏa và phương tiện đường bộ hiện nay. Ảnh: T. NGUYÊN
 Trước 1975, khi chưa có cầu Hóa An thì cầu Gành dường như phải gánh hết các phương tiện qua lại khu vực Hiệp Hòa, Bửu Hòa, Tân Vạn… Sau này, cầu Gành được cầu Hóa An chia sẻ một phần. Tuy nhiên, muốn qua đó phải đi đường vòng khá xa nên nhiều phương tiện vẫn tiếp tục chọn đi đường cầu Gành, cho dù phải luồn lách hoặc chờ đợi. Và những gì người đi đường liên tưởng đến sự cố hy hữu giữa tàu đường sắt và xe đường bộ, cuối cùng cũng xảy ra, để lại hậu quả đau lòng ngay trong Tết Nguyên đán Quý Mão 2011.
Có thể nói, qua hơn 100 năm tồn tại, cầu Gành đã là hình tượng không thể phai mờ đối với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Những cư dân sinh sống ở đất cù lao Phố lâu đời còn xem cầu Gành là một dấu ấn khó phai trong lòng bao thế hệ. Từ khi “ra đời” đến nay, cầu Gành đã làm trọn bổn phận khi đã chịu tải hàng triệu triệu phương tiện qua lại hơn 100 năm qua. Mai này, sứ mệnh của nó có thể chấm dứt - hay ít nhất là phương tiện đường bộ không còn đi lại trên đó nhưng dấu tích của một cây cầu gắn bó lâu đời với cư dân địa phương sẽ còn lưu giữ mãi.
* Không thể chần chừ thêm
Công trình xây dựng cầu Đồng Nai do Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư; phương án giải phóng mặt bằng dự án xây dựng cầu Đồng Nai do Liên doanh TEDI SOUTH & TRICC - JSC (Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải phía Nam) thực hiện. Vị trí xây dựng cầu Đồng Nai nối phường Bửu Hòa và xã Hiệp Hòa, cách cầu Ghềnh khoảng 890m về phía hạ lưu. Tổng chiều dài toàn tuyến (cầu và đường dẫn) khoảng 1,5km, có điểm đầu cầu một bên giao với đường tỉnh lộ 16 và một bên giao với đường Hương lộ 11. Theo thiết kế, cầu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường đô thị, mặt cắt ngang rộng 18m cho 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và lề bộ hành rộng 1,5m, độ tĩnh không thuyền 50x7m. Đường dẫn có mặt cắt ngang đường rộng 18m, gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, lề đất rộng 1,75m.
Theo thống kê của Cục Đường sắt Việt Nam, hiện trên cả nước có 11 cầu chung cho tàu hỏa và các phương tiện khác (trong đó có cầu Gành và cầu Rạch Cát ở Biên Hòa). Các cầu sử dụng chung này đều được xây dựng cả trăm năm trước, khi nhu cầu tham gia giao thông còn ít. Song hiện nay, hầu hết các cầu đều phải gồng mình để phục vụ phương tiện tham gia giao thông nên rất nguy hiểm đối với người đi đường…
Về phạm vi giải tỏa mặt bằng công trình cầu đường bộ Đồng Nai đã được Đường sắt Việt Nam và UBND tỉnh thống nhất 32m, trong đó phần xây dựng cầu và đường bộ là 18m; phạm vi bảo vệ hành lang an toàn giao thông, mỗi bên 7m.
Theo thống kê sơ bộ, diện tích đất trong phạm vi quy hoạch cầu Đồng Nai tại phường Bửu Hòa là gần 5 ngàn m2 gồm đất vườn, ao; xã Hiệp Hòa hơn 26 ngàn m2, chủ yếu là đất nông nghiệp, vườn, ao. Ngoài ra có hàng trăm căn nhà bị ảnh hưởng vì nằm trong diện giải tỏa. Hiện nay, hồ sơ thiết kế, cắm cọc giải tỏa mặt bằng đang được đơn vị chức năng triển khai. Tại cuộc họp giữa lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan của Trung ương và địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, dự án không thể chần chừ thêm mà phải được nhanh chóngthực hiện vì công trình này là “lệnh” khẩn cấp của nhà cầm quyền. Tuy nhiên, để có được mặt bằng thi công trong thời gian sớm nhất, cần có sự hỗ trợ về mọi mặt của địa phương mà cầu đi qua thì tiến độ dự án mới có thể đảm bảo.
T.Nguyên