Hố Nai xưa.
Nghe các cụ kể lại, vùng Hố Nai gốc là dân di cư từ Bắc vào Nam những năm 54 (biến cố). Được chánh quyền khi đó chia cho vùng đất Hố Nai để khai hoang và sinh sống.
Vì đa phần là dân Công Giáo, nên người dân sống theo "làng" mang theo từ quê vào, như: làng Kẻ Sặt, làng Trà Cổ II (Trà Cổ 1 trên Trảng Bom), làng Ba Đông, Kim Phúc, làng Đồng Tiến, làng Bắc Hải, làng Hội Am, làng Hòa Bình, làng Ngọc Đồng...
Mỗi làng có những ngành nghề đặc trưng, Kẻ Sặt thì buôn bán giao thương nên chọn đất ngã 3 ngay Quốc Lộ để tiện trao đổi hàng hóa, Trà Cổ chăn nuôi-làm mì...
Lãnh đạo tinh thần là các Linh Mục quản xứ, quản "làng". Nên đất đai khi đó các vị chia theo bốc thăm, ai chọn trúng thăm nào thì ở khu đất tương ứng thăm đó, ai đến sau thì ra mặt tiền đường ở (vì mặt tiền đường khi đó ít ai chọn, bởi nhiều nguyên do..)
----
Tiếp bài của bạn Bao Khanh:
Khu Hố Nai xưa rất rộng lớn , địa lý là từ cây số 6 quốc lộ 1 đến cây số 18 (Biên Hòa), với địa giới tự nhiên là từ Suối Máu đến Suối Đỉa. Khu Hố Nai ngày nay bao gồm phường Hố Nai, Tân Biên, Tân Hòa (thuộc tp Biên Hòa) và xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom). Trước 1954, vùng này là vùng rừng thưa hoang vắng, được dân Biên Hòa gọi là rừng Phước Cang, tuy nhiên, cũng đã có rừng cao su của ông Nguyễn Thành Tây ở cây số 6, nay thuộc khoảng xứ Hòa Hiệp (Kẻ Sặt 2), và thung lũng đồng lúa Đồng Lách phía trong sâu sau khu vực Hố Nai 2 (xứ Đông Vinh, Lai Ổn). Biến cố 1954 là mốc quan trọng, gần 1 triệu đồng bào Công giáo miền bắc di cư vào nam tránh tìm tự do tôn giáo, được chính phủ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm bấy giờ sắp xếp khai hoang cho ở các vùng đất như Rạch Dừa (Vũng Tàu), Phú Thọ (SG), Xóm Mới (Gò Vấp), Cái Sắn, Gia Kiệm, Hố Nai, Túc Trưng, Bảo Lộc,... Địa danh Hố Nai dần thành hình sau biến cố di cư này. Từ Suối Máu, đất đai được bốc thăm và chia đều cho các Giáo phận miền bắc di cư, từ cây số 6-7 là giáo phận Hải Phòng (nay từ Gia Cốc đến Kẻ Sặt), cây số 8-9 cho giáo phận Hà Nội (nay là Hà Nội đến Thánh Tâm), cây số 10-11 là giáo phận Thái Bình (từ Hòa Bình đến Ngũ Phúc), từ 12-13 là giáo phận Thanh Hóa, 14-15 là giáo phận Bùi Chu, 16-17 là giáo phận Bắc Ninh. Vào thập niên 50,60, dân di cư thì nghèo nàn, phải nhờ vào sự quyên góp của các trung tâm bác ái, nên dân chúng của giáo phận Hà Nội là giáo phận ''thủ đô'' bỏ cây số 8-9 để về Xóm Mới Gò Vấp, cây số 8-9 thì vắng vẻ mà cây số 9-10 của Thái Bình thì đông nên dân các làng Thái Bình như làng Thuần Túy,... di cư sang phần đất xứ Hà Nội. Thời mới di cư, trại Hải Phòng và Thái Bình là 2 trại có dân cư đông đúc nhất. Hố Nai nay rất nhiều giáo xứ, mà thông thường thì mỗi giáo xứ là một làng gốc ở miền bắc, cho nên sự liên đới với nhau rất cao, chẳng hạn như làng Kẻ Sặt, làng Ngọc Đồng, làng Kim Bích (Kim Bịch), làng Tiên Chu, làng Sài Quất,... nhưng cũng có xứ là hợp chủng nhiều làng như xứ Hà Nội, xứ Thánh Tâm, xứ Bắc Hải,... Mỗi làng xứ là một nét đặc trưng rất riêng biệt về nề nếp. Từ trước năm 75 đến tận đầu những năm 2000, khu vực hai đầu Hố Nai thì không phát triển bằng khu vực giữa, đặc biệt nhất là là khu vực cây số 7 làng Kẻ Sặt và cây số 10 là làng Ngọc Đồng thời đó rất giàu có sầm uất được coi giầu có bậc nhất Hố Nai. Các giáo xứ này từ trước năm 1975 đã xây cất được dãy phố nhà lầu hai bên quốc lộ 1 rất khang trang sầm uất, họ đã sở hữu được xe hơi. Sặt thì chuyên buôn bán lưu cữu, nông sản, có địa bàn cung cấp gạo rộng lớn khắp vùng, từ thập niên 60 có Xa Lộ Biên Hòa nối vào thì dân Sặt lại càng thuận lợi buôn bán sầm uất và giàu có hơn, đặc biệt tính cách của người Sặt rất giỏi buôn bán và làm ăn rất đoàn kết với nhau. Còn Ngọc Đồng thì công nghiệp hóa hơn, vì làng này bấy giờ chuyên làm nghề gỗ, là làng gỗ đầu tiên, dân Ngọc Đồng bấy giờ có một đoàn hàng mấy chục chiếc xe câu và xe tải chuyên khai thác gỗ rừng từ trên mạn Định Quán, Long Khánh về, họ mở các nhà máy cưa rất lớn trong khu Hố Nai để cưa cây và sản xuất đồ mộc, dân Ngọc Đồng phải nói đã cơ giới hoá công nghiệp từ rất sớm, ngành kỹ nghệ gỗ mộc bây giờ thì Ngọc Đồng không còn độc quyền như xưa, mà đã phát triển ra xung quanh cho các xứ Lộ Đức, Hòa Bình,… là các xứ có kinh tế mạnh. Có thể nói đến đặc trưng nghề nghiệp mỗi xứ, có nhiều xứ thành làng nghề từ xưa và giữ đến nay, như khu Kim Bích thì có nghề làm bánh đa, gò thùng, làm tôn thiếc, một số còn giữ nghề đến tận nay nổi bật là công ty tôn thép Ngọc Biển nổi danh miền nam; lên tới Trà Cổ thì chăn nuôi và làm tinh bột, Kẻ Sặt thì chuyên buôn bán và thủ công nghiệp, Ngọc Đồng thì gỗ mộc, Các xứ trên mạn Hố Nai 3 Trảng Bom thì phát triển muộn hơn, trước kia làm rẫy, nay đa phần chuyển qua làm dịch vụ, công nghiệp vv,… Hố Nai ngày nay thì đã phát triển vô cùng, tạo thành một khu kinh tế nhộn nhịp sầm uất và giàu có, có được bộ mặt ấy, là nhờ công lao vô cùng to lớn của các Linh mục dẫn dắt cả về Đạo và lo về phần đời cho giáo dân vùng Hố Nai này, từ việc lãnh đạo giáo dân di cư cho đến tìm đất định cư. Hố Nai bây giờ khang trang, giàu mạnh nhưng ai biết đâu rằng buổi ban đầu mới di cư vào vùng đất khô cằn sỏi đá hoang vu, đầy thú rừng và cây cối rậm rạp, mà các vị tiền nhân đã hy sinh, đổ lao nhọc vất vả kiến thiết dần thành khu Hố Nai trù phú hiện nay…
Nguồn Hố Hai Group
Nguồn Hố Hai Group
Gửi ý kiến của bạn