9:50 CH
Thứ Hai
18
Tháng Ba
2024

Vẻ đẹp gốm Biên Hoà: Gốm Biên Hòa và dấu ấn Balick - NGUYỄN MINH ANH

27 Tháng Mười Hai 20219:48 CH(Xem: 3817)

Vẻ đẹp gốm Biên Hoà: Gốm Biên Hòa và dấu ấn Balick

Nghề gốm bản địa ở Biên Hòa đã có từ lâu đời, nhưng từ khi có sự dẫn dắt của ông bà Balick – hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Biên Hòa – cả hai đã khai sinh ra một dòng gốm đặc biệt và làm cho nó nổi tiếng trong và ngoài nước nhờ màu men không bóng (mát), trầm lắng mà có chiều sâu, trang trí đơn giản mà có hồn, càng nhìn càng thấy đẹp. Trong đó nổi bật nhất là ba màu men: xanh đồng (vert de Bienhoa), đá đỏ và trắng ta.

Trường Mỹ nghệ Biên Hòa thành lập năm 1903. Trong khoảng 20 năm đầu (1903 – 1923), các tỉnh trưởng Biên Hòa kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng, một số vị người Pháp được mời làm cố vấn kỹ thuật giúp việc cho hiệu trưởng điều hành nhà trường, trong đó phải kể đến các ông: J. Lamorte (1906 – 1908), André Joyeux (1908 – 1918) và Georges Serré (1918 – 1920). Tuy nhiên, ban Gốm của trường thời gian này hầu như không có thành tựu nào đáng kể.

Năm 1923, chính phủ Pháp bổ nhiệm ông Robert Balick, tốt nghiệp trường Mỹ thuật trang trí Paris làm hiệu trưởng và bà Mariette Balick, tốt nghiệp trường gốm Limoges làm phụ tá. Đây là một bước ngoặt lớn trong lịch sử nhà trường.

Ông bà Balick tạo cho gốm Biên Hòa hướng đi riêng, đó là sản phẩm gốm trang trí nhiều màu, chạm khắc chi tiết các hoa văn đặc sắc, màu men lạ mắt. Đồ gốm lỗi bị đập bỏ ngay khi vừa ra lò, chỉ những sản phẩm gốm xuất sắc mới được đưa ra thị trường bán với giá cao.

Ông bà Balick – hiệu trưởng trường Mỹ nghệ bản xứ Biên Hòa (1924).

Thầy trò trường Mỹ nghệ Biên Hòa (khoảng những năm 1930).

 

Bên trong phòng trưng bày sản phẩm của trường.

Để có đơn đặt hàng cho học trò học tập và sản xuất, ông bà Balick tích cực tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm gốm Biên Hòa tại các hội chợ triển lãm. Dưới đây là những hội chợ triển lãm trường Mỹ nghệ Biên Hòa tham dự được tặng huy chương vàng và bằng danh dự: Batavia (Indonesia) năm 1934, Nagoya (Nhật Bản) năm 1937, Paris (Pháp) năm 1937, St Denis (lle de la Réunion) năm 1938, Hà Nội năm 1938, Sài Gòn năm 1942, Bangkok (Thái Lan) năm 1955, Phnom – Penh (Campuchia) năm 1955 và 1956, Manila (Philippines) năm 1956, New York (Mỹ) năm 1958.

Năm 1933, ông bà Balick đứng ra thành lập Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa, tập hợp các học sinh ra trường làm công ăn lương, học trò ban gốm khi ra trường đều có việc làm. Ông bà Balick còn cho xây dựng phòng trưng bày để du khách ghé tham quan và mua sản phẩm gốm. Trong khoảng thời gian gần 30 năm (1923 – 1950), dưới sự điều hành của ông bà Balick là khoảng thời gian thành công nhất trong lịch sử nhà trường, đánh dấu giai đoạn phát triển rực rỡ của gốm Biên Hòa cả thị trường trong và ngoài nước.

Trong cuốn Biên Hòa sử lược (xuất bản năm 1960), nhà khảo cứu Lương Văn Lựu cho biết nguyên do gốm Biên Hòa đạt được những thành công nhất định đó là có mỏ đất sét trắng, dẻo, nhiều nhựa và chịu lửa như hầm đất tại Tân Hòa, quận Tân Uyên. Nước men đặc biệt do chế đúng mức độ theo công thức riêng của trường. Kỹ thuật xoay, trang trí, tráng men rất công phu, tỉ mỉ, kỹ thuật nung lò nhiều kinh nghiệm riêng biệt, mọi công đoạn từ sáng tác đến hoàn thành sản phẩm đều chỉ làm bằng tay chân.

Trong tờ trình về hoạt động của trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa của ông hiệu trưởng Đan Hoài Ngọc vào năm 1963 có đoạn viết: “Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa đang cố gắng thực hiện chương trình canh tân ngành gốm. Với đồ gốm mỹ thuật, trường đã nổi tiếng từ lâu trong các cuộc triển lãm quốc tế và quốc nội. Trong một tương lai gần đây, đồ sành sứ thông dụng của trường chắc chắn cũng sẽ được đồng bào các giới hoan nghênh, vì đồ chế tạo sẽ trở nên nhẹ nhàng, mỹ thuật, gõ tiếng thanh tao, mà giá bán lại rẻ, để có thể phổ biến trong mọi tầng lớp dân chúng”.

Nội thất bên trong phòng trưng bày sản phẩm của trường.

Phòng trưng bày sản phẩm của trường Mỹ nghệ Biên Hòa.

Hiệu trưởng Đan Hoài Ngọc tiếp quan khách tham quan trường (khoảng 1958).

Những năm 1960, nhằm phát triển ngành gốm, chính phủ đương thời mời các cố vấn nước ngoài xuống trường giúp về mặt kỹ thuật, đồng thời cử một số thầy đi tu nghiệp để tiếp tục phát huy thế mạnh gốm mỹ nghệ Biên Hòa. Một trong những lò gốm tư nhân ra đời sớm là lò gốm DANA, được thành lập vào khoảng năm 1963 bởi hai ông Lê Bá Đáng – tu nghiệp về gốm tại Nagoya (Nhật) và ông Đỗ Văn Nam (cựu học sinh trường Mỹ nghệ). Mục đích của hai ông là sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu. Xí nghiệp cho ứng dụng kỹ thuật rót khuôn để sản xuất hàng loạt, mẫu mã đa dạng, hiện đại.

Việc sản xuất gốm của Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa bắt đầu chùng xuống từ những năm 1960 bởi sự ra đời và cạnh tranh của các lò gốm tư nhân. Gốm Biên Hòa gắn với tên tuổi trường Mỹ nghệ Biên Hòa ngày càng được phổ biến trong mọi tầng lớp dân chúng.

Đến nay, sản phẩm gốm Biên Hòa đã trở thành một nghệ phẩm được giới sưu tầm trong và ngoài nước ưa chuộng, dẫu qua những bước thăng trầm nhưng ngành gốm của trường Mỹ nghệ Biên Hòa xưa (nay là Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai) từ trăm năm qua vẫn tiếp tục được duy trì, đào tạo lớp nghệ nhân mới kế thừa những tinh hoa trong chế tác gốm mỹ thuật của một trường đào tạo nghề gốm duy nhất trên bản đồ gốm sứ Việt Nam.

Bài và ảnh tư liệu: NGUYỄN MINH ANH (cựu sinh viên khoa Gốm trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Giêng 2012(Xem: 17654)
Đến đây, ta có thể đặt ra câu hỏi: “Tại sao làng Minh Hương đầu tiên không được thành lập tại Cù Lao Phố (Biên Hòa), một nơi cưc kỳ phồn hoa đô hội, hay vùng Mỹ Tho là nơi dân Minh Hương đang canh tác, và phát triển nông- công-ngư nghiệp ?”.
10 Tháng Giêng 2012(Xem: 14251)
Ai ơi có đến Nhà Bè _ Nhớ ơn nước ngọt, bè tre Thủ Huồng. Nhà bè nước chảy chia hai _ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về
28 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 13509)
Trong không khí êm ả buổi sáng, tiếng chuông chùa cổ chầm chậm ngân dài trên sóng nước dòng Sông Phố, như để thức tỉnh lòng người. Đến buổi tối, tiếng động vang rền của đoàn xe lửa cuối cùng trong ngày, chuyến tốc hành xuyên Việt, khởi hành từ Sài Gòn khi vượt qua hai cầu sắt Cù Lao Phố vào lúc 9 giờ đêm là một báo hiệu để nhà nhà tắt đèn đi nghỉ.
04 Tháng Mười 2011(Xem: 16573)
Không một người Việt Nam nào sợ thay đổi. Cái đáng sợ là Cù Lao Phố hay những địa danh lịch sử nổi tiếng của đất nước này bị thay đổi theo kiểu áp đặt quan điểm lịch sử từ những thế lực vong ơn.
25 Tháng Chín 2011(Xem: 17539)
“Minh Tân” tên một ngôi trường không còn nữa theo giòng thời gian, nhưng với cựu học sinh, phụ huynh nhất là đồng hương Biên Hoà ,luôn nhớ những sự đóng góp trong thời hưng thịnh của tỉnh nhà. Cây lúa được tốt,được tươi là do công lao người chăm bón, muốn ăn trái ngọt phải có cây lành, chắc hẵn chúng ta sẽ không thể quên cây lành cũng như công lao ngườì chăm bón