ĐỊA DANH BIÊN HÒA
Trần Văn Trung
Mặc dầu vật đổi sao dời, người đời còn thay họ đổi tên, địa danh của một trong những tỉnh miền Nam nước Việt ra đời từ hơn ba thế kỷ qua vẫn tồn tại đến nay. Tiêu biểu cho nguồn gốc dân tộc, với một lịch sử oai hùng, địa danh mang một tên hiền đẹp, đó là Biên Hòa (hay Biên Hùng trong năm 1834), thuộc miền Đông Nam Việt.
Từ danh hiệu Trấn (1808) đổi thành Tỉnh cho đến nay, Biên Hòa là một danh xưng muôn đời được nhắc nhở trong tâm hồn của con dân miền xứ Bưởi.
Với một quá khứ vẻ vang về đấu tranh, phát triển, với nhiều danh lam thắng cảnh, sông Đồng Nai nước trong xanh mát ngọt… xứ bưởi ngon nổi tiếng, thiết tưởng cần nhắc lại lịch sử của tỉnh Biên Hòa trong quá khứ, cùng chuyện xưa tích cũ tại địa danh này, qua tóm lược các sách báo đã đăng tải, và người địa phương thuật lại cũng không phải là điều vô bổ. Nếu có điều sơ xuất, sai lầm, mong quý vị thứ lỗi sửa sai để được hoàn hảo hơn.
I – ĐỊA DANH BIÊN HÒA
A. LỊCH SỬ
Dựa theo kết quả khảo cổ, lưu vực sông Đồng Nai đã có người sinh sống từ thời tiền sử, cách nay hơn 5000 năm. Dân cư sống thành bộ lạc, nhưng không lưu lại di tích địa danh. Người thiểu số Choro, sống xa xưa tại vùng đất này gọi địa điểm mà sau này là thành phố Biên Hòa Bù Blih, tên của một làng nhỏ. Thuở ấy, Sài Gòn ngày nay được gọi là Gor. Bàn về xuất xứ địa danh Đồng Nai, một số sách báo đã dẫn chứng các tài liệu:
- SÁCH PHỦ BIÊN TẠP LỤC (1776): Ông Lê Quý Đôn, đã đồng nhứt đất Đồng Nai với cả đồng bằng Nam Việt Nam “Đất Đồng Nai từ các cửa biển Cần Giờ, Soi Rạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu toàn là rừng rậm hàng mấy ngàn dậm… Đất ấy nhiều ngòi, rạch, đường nước như mắc cửi, không tiện đi bộ…”
- SÁCH GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ (1820): Ông Trịnh Hoài Đức đã ghi “Bà Rịa ở đầu Trấn Biên, là đất có danh tiếng, nên các phủ phía Bắc có câu ngạn rằng: Cơm Nai Rịa, Cá Rí Rang…xứ Đồng Nai và Bà Rịa đứng đầu bao gồm cả Bến Nghé, Sài Gòn, Mỹ Tho, Long Hồ vậy”. Ông dẫn sách Tân Đường Thư: “Nước Bà Lợi ở ngay phía Đông Nam Chiêm Thành”…Phía Nam Bà Lợi là nước Thủ Nại (Sài Gòn ngày nay.) Sau đời Vĩnh Huy nhà Đường (650-655) thì bị Chân Lạp thôn tính.
- SÁCH ĐẠI NAM NHỨT THỐNG CHÍ của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn đã viết: “Chợ Lộc Dã ở phía Nam hạ lưu Phước Long (sông Đồng Nai) huyện Phước Chánh, nguyên xưa là cánh đồng hươu nai ở, nên đặt tên ấy, hoặc gọi Lộc Động, tục danh chợ Đồng Nai cũng là chỗ này…”
- SÁCH PHƯƠNG ĐÌNH DƯ ĐỊA CHÍ: Ông Nguyễn Siêu bác bỏ một phần giả thuyết Ông Trịnh Hoài Đức, và ghi chép “Cứ tuỳ sử thì nước Bà Lợi là nước Tiêm La ngày nay, sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức cho Bà Lị là nước Bà Lợi ngày xưa chưa chắc đã phải, có lẽ là Can Đà Lợi, tức Biên Hòa ngày nay. Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ, từ đầu Công Nguyên đến thế kỷ VII, vùng đất Biên Hòa hiện nay nằm trong vùng ảnh hưởng của đế quốc Phù Nam, sau nước này bị Chân Lạp tiêu diệt. Trong vùng này còn nhiều di tích văn minh Óc Eo do ảnh hưởng của đạo Hindou (Ấn Độ Giáo). Những di tích văn hoá nầy được tìm thấy nhiều nhứt tại vùng Óc Eo, Ba Thê (An Giang). Từ thế kỷ thứ II sau Công Nguyên, vùng đồng bằng Nam Việt Nam bị ngập trong biển nước, cư dân Óc Eo chuyển lần lên vùng đất Đồng Nai là vùng đệm (trái độn) giữa sự tranh chấp của hai vương quốc Champa phía Đông và Phù Nam, Chân Lạp phía Tây và ảnh hưởng Ấn Độ Giáo. Những di tích kiến trúc tượng thờ tìm thấy như: Tân Phú, Vĩnh Cửu, Bến Gỗ (Long Thành), Biên Hòa… thuộc thể dáng kiển trúc đạo Hindou của hai giáo phái Vishnu và Siva, mang truyền thống văn hóa Óc Eo suy tàn từ đồng bằng sông Cửu Long và trù phú sau đó tại nội địa Đồng Nai.
Từ thế kỷ XII sau Công Nguyên, đạo Hindou-Ấn Độ Giáo suy tàn dần, nhường chỗ cho Phật Giáo phát triển và Hồi Giáo du nhập vào Champa (Nam Trung Phần Việt Nam) trong khi Chân Lạp lui về chung quanh biển hồ Tonlé Sáp (Kampuchea ngày nay). Di tích thuộc thời kỳ này, chỉ tìm thấy một pho tượng Phật duy nhứt dưới dòng sông Đồng Nai, tạc theo nghệ thuật Angkor Vat, nhưng còn mang truyền thống tạc tượng thần đạo Hindou. Trong chùa “Bảo An Cổ Tự” Bến Gỗ (Biên Hòa) có tượng Phật Bà 4 tay bằng đồng đen, di tích xưa hiếm có ở vùng Đồng Nai, từ thuở Hòa Thượng Khuê tu trì, cách hơn 50 năm nay. Vị chân tu trưởng lão khả kính này, gốc người miền Trung vào Nam tu hành tại Bến Gỗ, đã mất tích cùng lúc với đại hồng chung tại ngôi cổ tự này trong một đêm mưa gió vào khoảng năm 1948. Theo lời đồn đãi trong làng, vị tu sĩ nầy đã bị một nhóm người lạ mặt vào chùa bắt dẫn đi, khiêng theo cả chuông đồng rất lớn. Ông đã mang theo lai lịch của tượng Phật Bà 4 tay đã tìm được tại địa danh này, có lẽ là di tích của dân tộc Chân Lạp hay Champa để lại. Nhờ các phát hiện khảo cổ học từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, vùng lưu vực sông Đồng Nai có thể xem là một trong những chiếc nôi của buổi đầu xã hội người Việt miền Nam. Theo nhiều nguồn sử liệu cũ còn để lại, vùng này vào cuối thế kỷ XVI vẫn còn là một vùng đất mênh mông, nhiều rừng rậm hoang dã chưa được khai phá. Lúc bấy giờ, có các dân tộc như Stiêng, Mạ, Choro, Ko, M’Nông sinh sống từ rất lâu đời. Dân số rất thưa, kỹ thuật sản xuất thô sơ, trinh độ xã hội còn thấp kém. Ngoài các dân tộc bản địa này, còn có người Khmer sinh sống rải rác trong một vài sóc nhỏ, nằm heo hút trên các giồng đất cao. Họ là dân định cư từ Lục Chân Lạp sang. Vào đầu thế kỷ XVII, xuất hiện lớp cư dân người Việt từ vùng Ngũ Quảng, Thuận Hoá, di cư vào Nam. Nguyên nhơn là hai họ Trịnh Nguyễn giao tranh quyết liệt kéo dài suốt 175 năm, gây cảnh lầm than cho nông dân bị hà hiếp, vơ vét của cải, bóc lột, cướp đoạt ruộng đất bởi bọn quan lại, khiến dân đói khổ bỏ ruộng vườn làng mạc ra đi. Vùng đất phía Nam là đất đai của vương quốc Champa đang suy tàn, và xa hơn nữa là vùng đất màu mỡ, vô chủ, thu hút mạnh mẽ di dân định cư lập nghiệp.
Ngoài nông dân nghèo, còn có những người trốn tránh binh dịch, sưu thuế, thầy thuốc, thầy đồ, và cả những người giàu có muốn tìm đất mới để kinh doanh. Từ các đời chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) đến chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) lưu dân Việt Nam đã lần lượt tiến vào vùng Mô Xoài (hay Mỗi Xuôi tức Bà Rịa), địa đầu của vùng đất mới, nằm trên trục giao thông đường bộ từ Bình Thuân vào Nam, và trên đường biển có vịnh biển Ô Trạm (gần Đất Đỏ Bà Rịa) thuận tiện cho tàu thuyền cập bến. Từ Mô Xoài, các thế hệ di dân tự do người Việt di chuyển do đường bộ hoặc theo thuỷ triều ngược dòng sông Đồng Nai, bằng thuyền tiến dần vào. Các điểm định cư sớm nhứt là Nhơn Trạch, Long Thành, An Hòa, Bến Gỗ, Cù Lao Phố, các cù lao Tân Chánh, Kinh, Tân Triều … Trong số các người vào Nam, có cả những di dân Thiên Chúa Giáo, trốn chạy việc cấm đạo họ lập các họ đạo ở Xích Lam gần Đất Đỏ (Bà Rịa) và xóm đạo trên cuộc đất ven bờ sông Đồng Nai, gần Bến Gỗ (Biên Hòa).
Năm 1679, hai tướng Tàu là Trương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên tức Trần Thắng Tài không thần phục nhà Mãn (Trung Hoa) đã dùng 50 chiến thuyền vượt biển xin tị nạn trên đất Việt. Chúa Nguyễn chấp thuận, uỷ lạo cho các tướng lãnh giữ y chức cũ và truyền lịnh cho hai tướng cùng nhóm người Hoa tuỳ tùng vào Nam lập nghiệp, đến định cư ở Bàn Lân (Bằng Lăng, tức phía chợ Biên Hoà ngày nay). Sau khi tiến vào cửa biển Cần Giờ, tướng Trương Ngạn Địch cùng binh thuyền vào cửa Lôi Lạp, theo cửa Đại, cửa Tiểu, đến định cư ở Mỹ Tho. Tướng Trần Thượng Xuyên dừng chân ở Cù Lao Phố, được gọi là Đại Phố, Đông Phố hay Giản Phố. Đến năm 1698, ông Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược vùng đất phía Nam, chính thức sáp nhập đất Đông Phố vào bản đồ Việt Nam, (bao gồm cả Sài Gòn và Biên Hòa). Đến thế kỷ XIX, Đông Phố vẫn thường dùng để chỉ Cù Lao Phố, một trung tâm kinh tế trù phú, thương mãi phát triển. Còn “Đại Phố” là tên gọi của một nhóm người Hoa, để chỉ một thành phố buôn bán lớn, giống như tên Mỹ Tho Đại Phố mà nhóm người Trương Ngạn Địch lập nên (theo Gia Đinh Thành Thông Chí Trịnh Hoài Đức).
B. HÀNH CHÁNH:
Từ năm 1698, ông Nguyễn Hữu Cảnh đã đặt miền đất mới phương Nam thành phủ Gia Định, gồm hai huyện: Tân Bình ở phía Tây sông Sài Gòn, đặt dinh “Phiên Trấn” (Gia Định); và Phước Long ở phía Đông sông Sài Gòn, đặt dinh “Trấn Biên” - Dinh có nghĩa là trại quân gìn giữ bờ cõi. Năm 1808, nhà Nguyễn đổi phủ Gia Định ra “Gia Định Thành”, các Dinh đổi ra Trấn. Trấn Biên - sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức ghi gồm 1 Phủ, 4 Huyện (Phước Chánh, Bình An, Long Thành, Phước An). Qua nhiều thay đổi đơn vị hành chánh tiếp diễn, Biên Hoà được gọi là Tỉnh. Thời Pháp Thuộc chia miền Nam Việt Nam thành 21 tỉnh, đặt vần bằng chữ đầu mỗi tỉnh để dễ nhớ: (Gia (1), Châu, Hà, Rạch, Trà, Sa, Bến, Long, Tân, Sóc, Thủ, Tây, Biên (13), Mỹ, Bà, Chợ, Vĩnh, Gò, Cần, Bạc, Cap) (để ghi bộ ghe tàu như ghi bộ xe hơi). Đặc điểm này cho biết Gia Định là tình số 1, Biên Hòa là tỉnh thứ 13, vv…Mỗi tỉnh xe đò sơn một màu, Biên Hòa màu xanh dương, Thủ Dầu Một sơn màu đỏ. Trước tháng 4-1975, Nam Việt Nam có tất cả 24 tỉnh (thêm 4 tỉnh mang tên mới: Kiên Giang, An Giang, Chương Thiện, Côn Sơn), sau khi sáp nhập cải danh một số tỉnh cũ và đặt thêm tỉnh mới.
Địa danh “Đồng Nai” xuất hiện đầu tiên bằng chữ Nôm và Quốc Ngữ vào năm 1772, trong cuốn tự điển Việt La (Annam – Latin) của ông Pigneau de Béhaine. Nhà văn Bình Nguyên Lộc (bút hiệu Nai Đồng Bằng) đã ghi nhớ lại vùng nầy trước kia hươu nai chiếm số lượng lớn, sống thành bầy, tìm đồng cỏ, trảng, ở ven sông phơi mình ăn lá cây, uống nước ngọt… Ngoài các địa danh miền Đông Nam Việt bằng chữ Nôm như: Hang Nai, Nhà Nai, Hố Nai, … (do truyền miệng) Bà Rịa, Bà Rá (Phước Long), Bà Điểm, Bà Quẹo,… (Hóc Môn) Bù Đăng, Bù Đóp, Bù Na,… (Sông Bé-Phước Long) (do sự tích, hoặc phiên âm địa phương) đa số địa danh Quận, Tổng, Làng, Xã miền Đông Nam Việt mang tên tốt đẹp (Long Thành, Long Hưng, Long Bửu,… Phước Long, Phước Tuy, Biên Hoà, Hiệp Hoà, An Hoà, … Tân Uyên, Tân Ba, Tân Hạnh, Tân Hưng,… có lẽ đã do các quan chức triều đình nhà Nguyễn đặt danh hiệu hành chánh.
Có vài truyền thuyết cho biết nguyên nhân vài địa danh đã được vua Gia Long Nguyễn Ánh nương ghé lúc bôn đào, hay khi hồi phục đất đai, chống lại nhà Nguyễn Tây Sơn, về chiếm lại Sài Gòn năm 1788, đã ghé tạt qua địa phương. Để kỷ niệm hành trình lưu trú khi bôn đào, ngày phục quốc, vài địa danh được đặt tên như sau: Long Thành (thành rồng), chồi Gia Long (rừng cây nhỏ, Bến Gổ-An Hoà), thuộc tỉnh Biên Hoà. Những truyền thuyết này chưa được kiểm chứng. Nghiên cứu địa danh là vấn đề đòi hỏi công phu và thận trọng. Theo nhà văn Sơn Nam chưa xác nhận giả thuyết cho rằng Sa Đéc là do tiếng Miên Phsar Dẹk (chợ bán sắt?), Tam Lach (Chợ Lách Vĩnh Long) do tiếng Miên âm lại tên “Tầm Lách”. Nhà văn Hứa Hoành đã thăm hỏi nhiều vị lớn tuổi địa phương, thì địa danh Bạc Liêu (tỉnh được lập cuối năm 1882) do con rạch Bạc Liêu chảy ngang (phiên âm từ tiếng Tiều Pò Loeuh) (Pò Léo = cây đa cao). Lại có người cho rằng Pò Léo chỉ đạo quân người Lào xuống đóng tại đây? Cũng theo nhà văn nầy kể lại địa danh Bải Xàu (Sóc Trăng) do tiếng Miên Bai Xau (cơm chưa chín) do tích hai anh em người Miên Xà Na Xua và Xà Na Tía, thuộc Chân Lạp bị triều đình ta đến tấn công chớp nhoáng căn cứ, nên bỏ chạy tán loạn vào Bưng Trấp, Bố Thảo, bỏ lại nhiều nồi cơm đang nấu dở chưa chín. Do đó, địa danh Biên Hòa do tiếng “Bù Blih” chỉ là truyền thuyết thôi, hay chỉ là một nhận xét …Biên Hòa có một quá khứ đáng tin là nền văn minh miền Đông có đặc tính cá biệt của miền Nam Việt Nam nói riêng và toàn nước Việt Nam nói chung. Đó là nhờ công cuộc khảo cứu nguồn gốc dân tộc Việt Nam có hệ thống khoa học của các chuyên gia Pháp từ cuối thế kỷ XIX như: E.S.Saurin, H. Fontaine, L. Malleret, Hamy, Georges Migon. Sau đó công việc điều tra nghiêm cứu được tiếp nối bởi các nhà khảo cổ Việt Nam. Kết quả được phát hiện qua các dẫn chứng”.
- Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, ngoài các bộ lạc thiểu số miền Nam và người Việt định cư lâu đời, còn tìm thấy qua các bộ xương đào được, thuộc giống Mélanésiens, Indonésiens, trong các mộ táng ở duyên hải miền Tây Nam Việt.
- Nền văn minh xưa trên đất Biên Hòa, từ buổi sơ khai, sống nghề chài lưới, canh nông, săn bắn, đã phát huy qua các thời đại từ đồ đá, đến đồng thau, qua các di tích đã đào phát hiện được. Nền kinh tế miền Nam được phát triển từ đầu thế kỷ XVII, nhờ sự khai khẩn đất đai rộng lớn do lưu dân người Việt chủ động sáng tạo lúc đầu, tự lực cánh sinh qua nhiều ngành nghề khác nhau (thủ công như dệt, mộc, đan lát, làm đồ gốm, khai thác mỏ sắt, đúc gang phát triển (Long Thành, Lò Thổi) (Thiết - Tượng). Dấu tích nghề gốm còn lưu lại tại Cù Lao Phố, Bửu Hòa, Tân Vạn. Trường Mỹ Nghệ Thực Hành Biên Hòa đánh dấu một bước tiến lớn. Nghề làm đá ở Biên Hoà (Bửu Long) là nghề thủ công xuất hiện rất sớm, đa số do người Hoa thuộc Bang Hẹ chủ trương. Nhiều nơi có mỏ đá ong (phong thạch), đất mới đào ướt mềm, trải ra giữa gió và ánh sáng trở thành cứng rắn, được dân địa phương khai thác (các làng Tân Phong, Bình Đa, Bình Ý).
- Nền kinh tế Biên Hòa được phát triển mạnh, nhờ sự giao dịch thương mãi. Lúc đầu do người Hoa định cư lập nghiệp chủ trương, cung cấp cho dân trong vùng, đáp ứng thị trường nơi khác (Nam Kỳ Lục Tỉnh), giao thương với người nước ngoài do tàu biển nhiều nơi qua lại buôn bán (Trung Hoa, Nhựt, Mã Lai, Ấn Độ, Âu Châu…) chuyên trao đổi các sản phẩm quý, khan hiếm như: ngà voi, tơ lụa… Thương cảng hoạt động ở tại Cù Lao Phố, gần đền thờ ông Nguyễn Hữu Cảnh, nhờ vực sông sâu, có chỗ cho tàu biển đậu… Nhưng rất tiếc là sau khi quân Tây Sơn đốt sạch “Nông Nại (Đồng Nai) đại phố” vào năm 1778, người Hoa ở Cù Lao Phố Biên Hòa dời xuống vùng đất Chợ Lớn ngày nay, làm ăn thuận lợi hơn, để đón nhận lúa gạo cá tôm từ Hậu Giang chở đến. Nhận thấy lợi điểm thương mãi nầy, ngày 22-02-1860 Soái Phủ Nam Kỳ ra nghị định cho tàu thuyền các nước, tự do ra vào buôn bán ở cảng Sài Gòn.
II – CHUYỆN XƯA TÍCH CŨ
Chuyện xưa tích cũ vùng Biên Hoà được kể rất nhiều. Ngoài lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt, còn có những tích xưa có thật, còn lưu vết tích kỳ lạ và lý thú. Khuôn khổ đặc san không cho phép nên xin ghi lại một vài…
- Ông ĐOÀN VĂN CỰ (1835-1905)
Ông là người con anh hùng của quê hương Biên Hòa, tiêu biểu trong phong trào chống ngoại xâm của thực dân thuộc địa đầu thế kỷ XX. Sanh năm 1835 tại làng Bình An (Thủ Đức) trong một gia đình nho học, ngụ tại làng Vĩnh Cửu Tam Hiệp, Biên Hòa , ông dạy học và làm thuốc giúp dân nghèo. Ông tổ chức Cần Vương, hoạt động lan rộng tới khu vực núi Nứa (Bà Rịa). Ngày 11-5-1905 được tin địch bao vây, tấn công thôn Vĩnh Cửu, ông tổ chức kháng cự. Ông dùng đoản đao chém chỉ huy địch trọng thương, địch bắn ông ngã quỵ, 16 nghĩa quân cùng hy sinh với ông, được chôn chung với ông trong một ngôi mộ… Hiện nay, đền thờ ông Đoàn Văn Cự còn lưu tích lại tại làng Vĩnh Cửu, Tam Hiệp Biên Hoà. Ngoài đền thờ ông, còn đền thờ ông Nguyễn Hữu Cảnh tại xã Hiệp Hòa và Đình Tân Lân thờ Đức Ông Trần Thượng Xuyên tại ven bờ sông Đồng Nai làng Bình Trước Biên Hoà, để tưởng nhớ những người xưa có công ơn với tỉnh Biên Hoà .
- Sự tích Ông THỦ HUỒNG.
Theo truyền thuyết tại Biên Hòa có một phú hộ, xuất thân làm thơ lại, trong 20 năm, vơ vét tiền của, làm cho biết bao gia đình nạn nhân tan nát, oan ức. Được cho xuống cõi âm, ông nhìn thấy một chiếc gông to, ông hỏi viên cai ngục giữ gông. Được đáp gông to này dành cho tên Võ Thủ Hoằng ở nước Đại Nam, vì đã làm nhiều chuyện ác đức. Ông hỏi gông to như vậy mà có cách nào làm cho nó giảm bớt không, cai ngục cho biết, nếu muốn bớt tội thì phải ăn năn, bố thí của cải đã cướp được, cúng giải cho hết của phi nghĩa. Ông trở về dựng một ngôi chùa lớn ở Biên Hòa, ông đến chỗ hai sông Đồng Nai và Sài Gòn (Gia Định) gặp nhau, kết một chiếc bè lớn, chứa đồ dùng, tiền bạc, nước ngọt, mắm muối … giúp đỡ người nghèo, cho đò đưa đón người sang sông không lấy tiền. Chùa Thủ Huồng ở Biên Hòa có ba pho tượng Phật do vua Đạo Quang bên Tàu dâng cúng vẫn còn. Và ngã ba sông Đồng Nai, Gia Định còn được gọi là sông Nhà Bè.
- Sự tích có thật “CÔNG CHÚA MARTINE BOKASSA”
Vào năm 1971, Tổng Thống BOKASSA nước Congo Bangui Trung Phi (Trung Sĩ quân viễn chinh Pháp) nhớ đến đứa con gái sau hơn 20 năm thất lạc tại vùng Cù Lao Phố, Biên Hòa. Nhờ báo Trắng Đen, ông vua Congo Bangui tìm được con, cô Martine một cô gái vác xi-măng nhà máy ciment Hà Tiên (Thủ Đức). Cô gái công nhân nghèo nàn khổ cực, phút chốc trở thành công chúa xứ Congo Bangui.
- ĐỊA LINH:
Về địa lý, Biên Hòa là vùng đất tốt, sanh nhiều người tài. Từ đầu thế kỷ XIX, nhiều thầy địa lý Trung Hoa đã được mời đến vùng nầy tìm cuộc đất quý để chôn cha mẹ qua đời hầu con cháu được giàu sang hiển vinh về sau. Bằng chứng đã xảy ra với mộ phần Chú Hỏa ngang núi Châu Thới (một người xuất thân quảy gánh bán ve chai, đồng nát, sắt vụn) con cháu trở thành giàu có nhứt xứ và toàn vùng Đông Nam Á. Mộ địa của song thân ông Trần Văn Thông, cựu Tổng Đốc Nam Định, tại xã Tân Lại Biên Hoà.
Khoa Địa Lý hiện thịnh hành tại Mỹ và Pháp từ vài năm nay, được gọi là “Phong Thuỷ” (FENG SHUI). Theo một tờ báo Việt phát hành tại Mỹ và Pháp cách đây vài năm, một nhân vật gốc Trung Hoa sanh tại Biên Hòa, Ông Lý Quang Diệu, rất giỏi về kinh tế, đã từng đảm nhiệm chức vụ Thủ Tướng của Tân Gia Ba, danh tiếng khắp thế giới, được Anh Quốc nể phục và Việt Nam mời làm cố vấn…
Trước năm 1960, khi làm xa lộ Biên Hòa do Mỹ viện trợ tài chánh và kỹ thuật cùng thiết bị, đường từ Sài Gòn lên Biên Hòa, nhằm mục đích đi Vũng Tàu và miền Trung nối liền Quốc Lộ 1 được nhanh chóng. Công cuộc làm đường đang suôn sẻ, nhưng kỳ lạ thay, khi đến ngang núi Châu Thới, cạnh thôn Cây Lớn (Bình Thung), xe ủi đất không tiến tới được, dù cho chuyên viên Mỹ tận lực lèo lái. Ở lối ngang chùa Tịnh Độ cất trên đồi nhỏ bên phải xa lộ, cách sông Đồng Nai vài trăm thước, xe trục trặc hư hoài, dù sửa chữa nhiều lần, tài xế bị tai nạn. Do đề nghị của công nhân Việt Nam, Mỹ buộc phải nghe theo cúng bái người khuất mặt, dù không tin dị đoan. Sau khi cúng, xe ủi đất tiếp tục tiến hành vô sự. Cũng vì làm xa lộ, xây “Cầu Mới” ngang sông Đồng Nai vô Biên Hoà, nên “Cồn Gáo” gần chợ Biên Hoà bị lở mất. Cầu này bị phá hoại sập, được sửa lại, nhưng lại sập, khiến xảy ra nhiều tai nạn tổn thất nhân mạng.
Từ quá khứ, Biên Hòa là Tỉnh lớn có tầm vóc rất quan trọng về mặt kinh tế phát triển, thương mại phồn thịnh, kỹ công nghệ vững chắc, vận tải giao thông không, thủy bộ tân tiến (phi trường cất đầu thế kỷ XX, tái thiết sau 1945, thuộc loại lớn miền Nam, do hãng Mỹ RMK-BRJ thầu xây cất (1958-1962)), Quốc Lộ 1 (1901), Xa Lộ (06/57-02/61), cầu Gành, cầu Rạch Cát (1903) do hãng Eiffel cất, đường xe lửa Sài Gòn-Biên Hòa (1901-1904)…v..v….
Qua các phần sử liệu và chuyện tích Biên Hòa vừa kể, sau nhiều cuộc đổi thay từ hơn 300 năm trước đến nay, tôi xin được góp cảm nghĩ sau:
ĐỔI THAY
Địa danh dầu có đổi tên,
Cội nguồn dân tộc vững bền không phai.
Nghĩa nhơn điều trọng, hỡi ai
Tích xưa chuyện cũ, nhớ hoài chớ quên.
Tổ tiên quá khứ làm nên,
Ngày nay thừa hưởng, phải đền công lao.
Thiệt hơn, vinh hiển, sang giàu,
Chỉ là cõi tạm, đức trau mới bền …
Trần Văn Trung.
(Paris, Hè Canh Thìn 2000)