12:50 CH
Thứ Năm
28
Tháng Ba
2024

Miền Đồng Nai thơ mộng và quyền rũ - Tạ Xuân Thạc

14 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 15831)

Miền Đồng Nai thơ mộng và quyền rũ
dongnairiver-large-content
 
 Vị trí, lịch sử và địa lý: Sau cuộc di cư vĩ đại 1954, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà (Tổng Thống Ngô Đình Diệm), miền Nam Việt Nam được sống trong cảnh thanh bình, hạnh phúc ấm no nên nhạc sĩ Phạm Duy vào năm 1956 có ngẫu hứng viết bài "Tiếng hò Miền Nam".
 Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về
 A li hò lờ !A li hò lờ !
 Đường về xứ bạn không xa
 Qua vùng Đất Đỏ rồi ra Biên Hoà
A li hò lờ !A li hò lớ !
 Ai nghe chăng tiếng hò bao la
 Những tiếng lòng di cư vẫy vùng theo gió
 Ai nghe chăng tiếng người công phu
Biết tìm tự do tránh xa ngục tù
 Đường chiều gió thổi vi vu
 Tình nghèo vẫn nở như hoa
 Ai nghe chăng tiếng hò bao la
 Những tiếng cười đôi ta, Nam Bắc một nhà
.
Điều này cũng đã nói lên được hoạt cảnh của Đồng Nai, cũng làm cho ta nghĩ ngay đến một miền đất trù phú đã có hơn 300 năm hình thành và phát triển do con sông Đồng Nai đem đất bùn sa mầu mỡ vun bồi. Nhiều biến cố lịch sử đã ghi lại biết bao thăng trầm với không ít sự biến động trên nhiều lãnh vực của vùng đất Đồng Nai này. Tất cả đã tạo ra diện mạo, cho Đồng Nai một nét độc đáo về Văn hoá vào cuối thế kỷ thứ XVI, khi đó vùng đất Đồng Nai vẫn còn hoang dã, chưa được người ta khai phá, chỉ có người dân bản xứ gồm các sắc dân như dân tộc Siêng, dân tộc Mạ, dân tộc Kơ-ho, dân tộc M'nông, dân tộc Chơ-ro và một vài buôn sóc người Khơ-me sinh sống. Dân cư thưa thớt, sống rải rắc chứ không sống thành cộng đồng, kỹ thuật sản xuất rất thô sơ, trình độ xã hội còn thấp kém. Cuộc chiến tranh giữa hai họ Trịnh - Nguyễn ở miền Trung và Bắc Việt Nam làm cho dân chúng lầm than khổ sở, điêu đứng nên đã tạo ra một làn sóng di cư của người dân miền Thuận an, Quảng Nam, Quảng Ngãi vào Đồng Nai tìm đất để sinh sống. Dân tộc ta vốn bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, dân di cư người Việt đã cùng chung sống với người bản xứ chung sức chung lòng quyết tâm khai phá đất hoang để sản xuất nông nghiệp. Lâu dần, những khu rừng rậm hoang vu đã trở thành những cánh đồng lúa và các loại hoa màu tươi tốt. Trong cuộc Nam tiến có sự góp công của người Hoa mà ta thường gọi là người Minh Hương. Dưới thời chúa Hiền Vương (1649 - 1687), người Mãn Châu xâm lăng nước Trung hoa lật đổ nhà Minh lập ra nhà Thanh, khi nhà Minh ở Trung Quốc bị sụp đổ, những người trung thành với nhà Minh trong đó có Tổng binh Trần Thượng Xuyên trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm, cùng với một số tướng lãnh khác như Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần An Bình, họ không khuất phục nhà Thanh nên đã đem khoảng 50 chiến thuyền, hơn ba ngàn binh lính thân tín và gia quyến đến xin thần phục chúa Nguyễn ở Thuận Hóa. Chúa Nguyễn Phúc Chu thời đó đã thâu nhận và cho vào khai khẩn đất vùng Mỹ Tho Bến Tre, và Chợ Lớn. Một số thì đến khai khẩn ở vùng đất Đông Phố (Cù lao Phố ngày nay). Năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Đồng Nai (là cả miền Nam bây giờ), đặt vùng đất mới thành phủ Gia Định, chia làm 2 huyện: huyện Phước Long (Đồng Nai) dựng dinh Trấn Biên, huyện Tân Bình (Sài Gòn) đựng dinh Phiên Trấn. Ngoài ra, Nguyễn Hữu Cảnh còn cho lập bộ đinh, bộ điền, chiêu mộ những người có vật lực từ các vùng khác vào lập nghiệp và phát triển kinh tế. Người Hoa theo Trần Thượng Xuyên đầu tiên định cư ở Bến Gỗ, nhưng thấy Cù lao Phố có vị trí thuận lợi cho việc kinh doanh buôn bán, họ đã quyết định di chuyển đến đây kinh sống. Từ đây, Cù lao Phố phát triển ngày càng phồn thịnh và nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Gia Định (miền Nam ngày nay). Cũng nơi đất Đồng Nai này mà người ta đã chứng kiến biết bao nhiêu mối tình cao đẹp trung thành và nên thơ là khi đôi trai gái đã hứa hẹn với nhau: "Ngày nào cạn nước Đồng Nai, ngày nào cạn nước ngoài khơi, non sông ta xoá mờ, không ai nghe tiếng hò, thì lời nguyền mới thôi". Chính những câu ca mộc mạc đó mà ta thấy ngay cảnh thanh bình hiển hiện đầy tình tự của người miền Đồng Nai nói ở trên. Đồng Nai phồn thịnh và phát triển thêm nữa là vào thời kỳ của dân di cư 1954 trốn chạy chế độ Cộng sản từ miền Bắc vào đây lập nghiệp dưới chế độ Đệ I Cộng Hoà. Chỉ cần nghe bài " Tiếng Hò Miền Nam của nhạc sĩ Phạm Duy ông đã sáng tác bài này tại Saigon năm 1956 để ca ngợi cả miền Nam Việt Nam". Vẽ ra một miền đất Đồng Nai nên thơ và mầu mỡ, vì có con sông Đồng Nai tươi mát hữu tình là ta đã cảm nhận ngay cảnh thanh bình của miền Đồng Nai tuyệt diệu đó:
Mẹ hiền nựng bé ngủ mơ Yêu con thơ mỹ miều Yêu non sông rất nhiều Vẳng lời hò mến yêu. Nhà Bè nước chảy chia đôi Ai về dưới ruộng cùng tôi thì về Aili hò lờ !Aili hò lờ ! Đường về nước chảy trôi mau Đưa thuyền tới mũi Cà Mau ta chuyện trò (Tiếng Hò Miền Nam - Nhạc Phạm Duy) Tản mạn vài nét về Văn hóa của miền Đồng Nai
 A.- Kể về Trang Phục: Trang phục của Miền Đồng Nai có một ít thay đổi theo thời gian. Hiện nay bộ đồ truyền thống của đàn ông là khăn đống áo dài thì đã được thay thế bằng bộ âu phục. Trong khi đó những phụ nữ thì vẫn mặc áo dài và đầu đội nón lá. Mặc áo dài là trang phục độc đáo của Việt Nam thì phụ nữ Đồng Nai cũng rập theo nề nếp đó, nhất là vào các ngày lễ hội thì họ càng đua nhau trưng diện, khoe chiếc áo dài đủ mầu muôn sắc.
 B.- Kể về lễ hội quan trọng nhất hàng năm là Tết Nguyên Đán:
 Miền Đồng Nai có những ngày lễ hội chính trong năm, đáng kể nhất phải là ngày Tết Nguyên Đán là ngày mùng 1 tháng 1 âm lịch, là lễ lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam. Tết Nguyên Đán Việt Nam có từ lâu đời đã tiềm tàng nhiều giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ. Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn quả nhờ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng... Ngày Tết mọi người trang hoàng nhà cửa, treo tranh, trưng bày hoa quả, rước tổ tiên về cùng cùng vui Xuân trong ba ngày Tết. Người ta tin rằng Hoa Mai đem may mắn đến cho mọi nhà nhân dịp Tết, nên ở Đồng Nai loại hoa này không thể thiếu trong mọi nhà trong những ngày đầu năm. Ngoài ra mâm ngũ quả ở Đồng Nai cũng không thể thiếu, nó gồm dừa xiêm mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, một cành sung hoặc một loại trái cây khác nữa. Người ta quan niệm rằng ngũ quả là lộc của trời, là một ý niệm khát khao sự đầy đủ, sung túc. Ngày Tết, người Đồng Nai cũng còn duy trì các mỹ tục cổ truyền như khai bút, hái lộc chúc tết, du xuân, mừng thọ như các nơi khác của lãnh thổ Việt Nam
 C - Kể về lễ hội Tết Trung Thu:

 Các trẻ em Đồng Nai cũng vui chơi Tết Trung Thu vì là ngày Tết của trẻ em, trong dịp lễ hội này người ta làm ra một loại bánh đặc biệt thơm ngon, nó chỉ được sản xuất và bày bán trong dịp này mà thôi, người ta thường gọi nó là Bánh Trung Thu. Trẻ em vui lắm khi được đón tết Trung Thu vì có đèn xếp đèn lồng, đèn ông sao được làm bằng các loại giấy mầu sặc sỡ. Trong lồng đèn được thắp sáng rồi kéo nhau đi thành từng đoàn ca hát thật vui tươi trên các đường làng nông thôn hay ngoài ngõ, hoặc trên các đường phố khắp thị thành. Cùng lúc với những đám múa lân có ông Địa làm trò hoà lẫn với tiếng trống, thanh la nghe inh tai nên rất náo nhiệt. Trong dịp này người ta có tục thưởng trăng rằm tháng tám nên có rất nhiều cuộc vui được bày ra chơi cho vui. Người lớn thì có cuộc vui chơi theo kiểu của người lớn trái lại trẻ em thì lại có cuộc vui của trẻ em.
 D.- Kể về âm Nhạc Cổ Truyền:
 Những ngày lễ hội vui chơi, không thể thiếu âm nhạc cổ truyền vì là một dòng chảy từ xa xưa. Âm nhạc Việt Nam có truyền thống khá lâu đời, từ thời xa xưa dân Việt mình đã coi âm nhạc là một nhu cầu không thể thiếu. Do đó tiếp nối quá trình phát triển lịch sử, cư dân Miền Nam nói chung, dân Đồng Nai nói riêng họ đã sáng tạo nên rất nhiều loại nhạc khí và thể loại ca nhạc để bộc lộ tâm tư tình cảm, và để lưu truyền cho con cháu, hay để giao tiếp với thế giới thần linh trong tâm tưởng, ước mơ một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Tại Miền Đồng Nai người ta tìm ra một loại đàn đá Bình Đa, được biết đến như một di chỉ khảo cổ học, cho thấy việc chế tác đàn đá đã xuất hiện từ trên dưới 3,000 năm trước. Loại nhạc khí này tự thân vang, thuộc loại xylophone, metallophone. Mỗi bộ đàn gồm nhiều thanh đá hợp thành. Mỗi thanh đá có kích thước và hình dáng khác nhau được chế tác bằng phương pháp ghè đẽo thô sơ (thời đồ đá). Vật liệu để làm đàn là những loại đá có sẵn ở vùng núi Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. (Bộ đàn đá đầu tiên tìm được tại Việt Nam vào năm 1949 hiện được bảo quản tại viện bảo tàng "Con người" Ở Paris)
 E.- Kể về Tôn Giáo:
 Nói đến Đồng Nai ta phải nói đến sự tin tưởng của dân chúng vào hữu thần, ngược lại với thuyết cộng sản vô thần, Đồng Nai vẫn còn một số tôn giáo lớn như Đạo Phật đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành, đạo Hồi, đạo Cao Đài và đạo Hoà Hảo. Đạo thờ cúng ông Bà, đạo Phật và đạo Thiên Chúa là có nhiều ảnh hưởng trong đời sống xã hội và sinh hoạt của người dân Đồng Nai, những tôn giáo này đã để lại nhiều dấu ấn trong lãnh vực văn hóa lẫn kiến trúc.
 F.- Kể về ẩm thực của Đồng Nai:
Cũng rất là đặc biệt vì do thời tiết hai mùa mưa nắng nên các sản vật của biển, rừng, sông nước, vườn ruộng phong phú, cách ăn uống của người Đồng Nai vừa thể hiện nét chung của văn hóa Việt Nam, vừa có nét đặc biệt của người miền Nam. Người Biên Hòa - Đồng Nai thường ăn một ngày ba bữa sáng thì cháo đậu ăn với cá lóc kho tiêu, hay cháo đậu nước cốt dừa, trưa và chiều tối thì cơm canh bầu nấu với cá trê vàng, hoặc cá lóc kho thơm, canh chua cá lóc, hay mắm kho ghém rau sống, mắm đồng chưng trứng, canh khổ qua dồn thịt. Người Đồng Nai làm thức ăn cũng lắm công phu và nhiều kiểu cách. Thí dụ như những món sau đây:
 1 - Món hầm là một cách nấu thật nhừ thịt heo thịt bò với một ít nước, tương tự như món tiềm của người Trung Hoa.
2. - Canh là món có nhiều nước, thường nấu hỗn hợp thịt cá với các loại rau có vị mát mà phổ biến và đặc trưng nhất là canh chua cá lóc với me làm chua và các loại bạc hà. giâm, đậu bắp, bắp chuối, rau om, ớt sừng.
3.- Luộc là kiểu nấu chín đơn giản các loại thực phẩm chỉ bằng nước sôi, nhưng cũng có nhiều cách: luộc chín, luộc nhừ, luộc sơ, trụng, nhung, tái
4.- Món xào, chiên là kỹ thuật dùng mỡ làm chín thức ăn khô hay có ít nước. Có nhiều loại: chiên mềm, chiên dòn, xào chua xào chua ngọt, xào mặn.
 5.- Rang là cách làm chín thực phẩm không dùng mỡ. Cua, tôm ghẹ . . . rang me, rang muối là các món ăn đặc sản của vùng ven sông rạch. Để thưởng thức loại món này, du khách có thể tự nhiên dùng tay cầm trực tiếp thực phẩm để ăn thì mới thưởng thức được hết cái ngon trong nét mộc mạc ngọt ngào của nó.
 6.- Um, riêu, khía là những kiểu làm chín với thực phẩm có ướp gia vị trước. Riêng món khía thường dùng trong các tiệc nhậu cho những người sành điệu.
7.- Món kho là nấu thực phẩm với mắm, muối làm mặn, là món dễ thực hiện nhưng cứng có nhiều cách: kho thường, kho tàu, kho khô, kho quéo, kho quệt, kho tộ, kho riêu, kho ngót kho nước cốt dừa. . .
 8.- Nướng là món rất dân dã nhưng cũng rất sang trọng và có nhiều loại. Thức nướng luôn phải thật tươi và thường có ướp một ít gia vị. Ngày nay, các nhà hàng ở Đồng Nai thường phục vụ thực khách với nhiều kiểu nướng: nướng lụi, nướng mọi, nướng đất sét, nướng rơm, nướng trụi, nướng giấy bạc, nướng sa tế . . . Đặc biệt là với một số món nướng, thực khách có thể yêu cầu để được tự nướng tại bàn, để tận hưởng hương thơm của thịt chín và sự sốt dẻo của món ăn.
 9.- Gỏi thông thường là món trộn nhiều loại rau với thịt gà vịt, hoặc tôm cá. Người Đồng Nai thích ăn gà trộn gỏi (gà xé phay) với vị chua của chanh, cay của tiêu ớt, nồng của rau răm giòn tươi của bắp chuối, vị ngọt của gà tơ. Gỏi bưởi là một đặc sản nổi tiếng của Đồng Nai. Gỏi bưởi gồm bưởi Biên hòa, loại vừa chín tới, còn hơi chua, xẻ nhỏ trộn với đu đủ, tép khô và rau thơm. Các loại gỏi sống, thường là cá sống, tôm sống, với kỹ thuật của đồng bằng Bắc Bộ lưu truyền vào Đồng Nai cũng đang là thứ đặc sản thu hút nhiều thực khách.
CÁC LOẠI HOA QUẢ, TRÁI CÂY CỦA MIỀN ĐỒNG NAI
 Đất Đồng Nai cũng rất giàu hoa trái, gần như quanh năm đều có trái cây, trong đó bưởi là thứ trái cây nổi tiếng nhất. Biên Hòa có bưởi thanh trà; Thủ Đức nem nướng, Điện Bà Tây Ninh; Bưởi Đồng Nai nhiều nhất Ở làng Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu). Bưởi Tân Triều nổi tiếng trong nước và cả một sô nước trên thế giới với vị chua ngọt dễ chịu, mủi nhỏ mọng nước, có tác dụng tốt cho tim mạch. Ngày nay, du khách có thể theo đoàn du lịch, hoặc tụ đến làng Tân Triều ( tỉnh lộ 24 ) để được nằm nghỉ, cắm trại hay picnic ngay trong vườn bưởi, và tự tay chọn hái những quả bưởi trĩu cành, để tận hưởng vị ngọt thanh của đường hòa tan trong múi bưởi ~ một vị ngọt mát nhẹ nhàng - giúp cho tinh thần sảng khoái. Đã nói tới bưởi là đặc sản của Đồng Nai thì không thê không nhắc đền chôm chôm và sầu riêng - hai thứ đặc sản của các vườn cây đong Thành, Long Khểnh. Quả chôm chôm vỏ dày, thịt trắng trong, ngọt mát. Sầu riêng là loại đắt tiền nhất trong các loại hoa quả Việt nam . Tên của loại quả này gắn liền với truyền thuyết về mối tình không thành của chàng hoàng tử láng giềng và cô gái Nam Việt Nam. Sầu riêng vỏ dày cưng, có gai nhọn lởm chởm. Khi chín, chỉ cần dùng lưỡi dao tách nhẹ vào đường rãnh vô là thấy ngay những múi sầu riêng vàng ngà, óng ánh như được phết bơ. Hương sầu riêng rất đậm, quyến rũ đến lạ kỳ, bay rất xa và rất lâu tan trong không khí. Sầu riêng đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Vậy Đồng Nai là một miền đất trù phú của đất nước. Tôi yêu Đồng Nai chẳng chỉ vì nó là miền đất mầu mỡ mà cả tình người đậm tình thân thương nữa, trong đó có bạn vọng niên NDA mà các bạn tôi thường gọi đùa là "nhà khảo cổ NDA" vì ông là người đã có rất nhiều tài liệu cũng như hình ảnh về miền Đồng Nai cung cấp cho tôi viết bài này, cám ơn Miền Đồng Nai và cả người của Miền Đồng Nai thật nhiều.
Tạ Xuân Thạc

 Văn đàn Đồng Tâm
 (VTT sưu tầm)
Ý kiến bạn đọc
03 Tháng Sáu 201411:52 SA
Khách
Toi gioi thieu minh cung la nguoi sinh ra va lon len o Bien Hoa,toi dang song o phap, doc bai nay nho vo cung nhung ky niem khong the nao quen trong tam tri cua toi nhut la giong song dong Nai hien hoa co rat nhieu luc binh troi, que ngoai toi trong toan buoi, trai cay o do ngon ngot nhat la buoi oi,buoi thanh, con nhieu lam nhu la dinh lang Tran Thuong Xuyen, nha tho Thanh Tam, TRuong Ngo Quyen,ke ben la truong Tran Thuong Xuyen, Bien Hung rap hat,toi cam on nguoi ban da chuyen cho toi .
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Bảy 2011(Xem: 20145)
Chùa Châu Thới tọa lạc trên đỉnh núi Châu Thới, thuộc xã Bình An,quận Dĩ An, là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Biên Hòa ( ngày nay thuộc Bình Dương)
13 Tháng Bảy 2011(Xem: 15832)
Thuở hồng hoang tiền nhân Nam tiến . Ba trăm năm dựng nghiệp cơ đồ . Đất hoang vu nối liền sông biển . Thành xóm làng, đồng lúa nên thơ.
28 Tháng Năm 2011(Xem: 15530)
Ngày xưa, chúng tôi cũng có thể chỉ chào hỏi nhau lấy lệ và cũng có thể chưa một lần gặp nhau, nhưng nay chúng tôi vẫn đến với nhau vì cũng có chung một hoài cảm, một kỷ niệm, một nơi chung để nhớ, đó là: trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa.
09 Tháng Năm 2011(Xem: 14432)
Nhiều thắng cảnh, làng nghề truyền thống, công trình tín ngưỡng tôn giáo dọc con sông huyết mạch này cho du khách viếng thăm: Đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, miếu Quan Đế, chùa Thủ Huồng... trên Cù lao Phố; các làng nghề mây tre lá, hoa kiểng, bonsai, điêu khắc gỗ, làng đá Bửu Long, làng bưởi Tân Triều, các khu du lịch sinh thái như danh thắng Bửu Long, chùa Bửu Phong, hồ Long Ẩn…
26 Tháng Tư 2011(Xem: 16820)
Địa danh Cầu Gành có từ rất lâu, nhưng nhiều năm gần đây bị viết là Cầu Ghềnh. Thực ra "Gành" hay "Ghềnh" thì cũng cùng một nghĩa, chỉ khác nhau do cách gọi của vùng miền. Dù sao, tôi vẫn thích gọi bằng cái tên cũ, Cầu Gành nghe hay hơn, Biên Hòa hơn!