7:18 CH
Thứ Năm
28
Tháng Ba
2024

DANH NHÂN KHAI HÓA BIÊN HÒA Tác giả KIỀU OANH TRỊNH

05 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 12829)

 

dinh_tan_lan-content

 

Thấm thoát đã hơn ba mươi hai mùa Xuân nơi đất khách, những mùa Xuân Tha hương thật buồn. Đón Xuân nơi xứ lạ lại vào những ngày lập Đông, thời tiết rất lạnh, có khi còn có cả một trận bão tuyết đổ xuống nữa. Tuy nhiên, những người Việt xa quê, cũng không sao quên được ngày Tết cổ truyền dân tộc. Mọi người vẫn hân hoan, sửa soạn đón Xuân trong cái không khí lạnh lẽo của xứ người.

Cộng đồng người Việt khắp nơi cùng nhau tổ chức những ngày Chợ Tết, bày bán đủ các mặt hàng. Các đồng hương, hội đoàn họp nhau in lịch, ra sách, báo Xuân, v.v. chỉ mong đem lại ít nhiều không khí ngày Tết. Ai nấy đều cố gắng ôn ký ức, tìm lại kỷ niệm, những chuyện vui buồn thời xa xưa, để viết thành chuyện đăng lên báo Xuân. Hội Ái Hữu Biên Hòa, cũng đang gom góp bài vở để hoàn thành một Đặc San Xuân Biên Hòa 2010, đầy đủ ý nghĩa của một mùa Xuân với “mai vàng trước ngõ”.

Tôi không sinh trưởng ở Biên Hòa, nhưng đã lớn lên và trưởng thành bên dòng Đồng Nai tươi mát, người Đồng Nai hiền hòa hiếu khách, tỉnh Biên Hòa với nhiều danh lam thắng cảnh, tài nguyên phì nhiêu, vùng đất đỏ cao su và đặc sản nổi tiếng nhất của Biên Hòa là bưởi. Ai đi ngang Biên Hòa đều không quên ghé mua ít bưởi về làm quà cho gia đình.

Tuy Biên Hòa không phải là nơi chốn nhau cắt rốn của tôi, nhưng thời gian tôi sống ở đây dài gấp ba lần thời gian nơi tôi được sinh ra (TP Hà Nội). Biên Hòa đã cho tôi bao nhiêu vui buồn của thời ấu thơ, là quê hương của chồng tôi, quê nội của các con tôi đó. Tôi thật quyến luyến và mến yêu thành phố này với nhiều kỷ niệm, vì thế, khi thấy đề tài của Ban Báo Chí HAHBH, tôi chợt có ý tưởng muốn viết về Biên Hòa, tôi đã cố gắng sưu tầm và nhờ bạn bè giúp ý cho nên hôm nay, tôi xin viết vài dòng về ba vị tiền bối: Người Biên Hòa—Người Đi Mở Cõi: Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Thượng Xuyên và Trịnh Hoài Đức, là những người đã có nhiều công sức góp vào phần xây dựng tỉnh Biên Hòa.

Xin được ghi lại vài dòng Tiểu Sử:*

Tiểu Sử Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700)

Nguyễn Hữu Cảnh là người đặt nền móng hành chánh đầu tiên cho tỉnh Biên Hòa(1698). Tên thật là Nguyễn Hữu Thành, húy Cảnh (Kính). Ông được Chúa Nguyễn Phúc Chu tin dùng và cử vào kinh lược đất Đồng Nai, là vùng đất đã được người Việt khai khẩn vào đầu thế kỷ XVII. Ông chọn Cù Lao Phố làm nơi trú ngụ, ông tổ chức Hành Chánh, lập thành làng xã, thôn xóm, qui định luật thuế dinh, điền, ông ra công phát triển kinh tế ở vùng đất mới khai hoang. Ông chia Đồng Nai ra làm 2 huyện là huyện Phước Long (Biên Hòa) có dinh Trấn Biên, và huyện Tân Bình (Sài Gòn) thì có dinh Phiên Trấn. Ông cho người Hoa nhập hộ tịch và khuyến khích dân khai khẩn đất hoang, trồng tỉa và chăn nuôi, nhờ thế mà vùng đất hoang sơ đã trở nên phồn thịnh, dân chúng ấm no, sung túc, nhà cửa, vườn tược đều phát triển mạnh mẽ.

Ông bị bịnh mất năm 50 tuổi (1770). Linh cữu của ông được đưa về Quảng Bình, trên đường về quê quán, đoàn tang lễ đã tạm dừng vài ngày ở Cù Lao Phố, nơi mà ngày trước ông đã đặt bản doanh ở đó.

Để tưởng niệm vị quốc công đã bỏ rất nhiều công sức khai hóa tỉnh Biên Hòa, dân chúng nơi đây đã lập một ngôi đền thờ gọi là Đình Bình Kính, có người còn gọi là Đền Thờ Nguyễn Hữu Cảnh để tưởng niệm một vị danh nhân đầy công lao trong việc mở mang thêm bờ cõi nước nhà về phía Nam.

Nguyễn Hữu Cảnh được sự ái mộ trọng dụng của các vua Gia Long, Tự Đức, cũng như toàn dân Biên Hòa đều tưởng nhớ đến công đức của Ông. Vào ngày kỵ húy Nguyễn Hữu Cảnh, dân chúng các nơi đều cùng nhau mang nhang đèn, lễ vật, cung kính thăm viếng, cúng dường và ghi tạc công đức Ông thật trang nghiêm, sùng bái. Như thế cũng đủ chứng tỏ lòng ưu ái của toàn dân đối với một vị Công Thần đầy công lao góp phần gầy dựng nên tỉnh Biên Hòa của chúng ta bây giờ.

 

Trần Thượng Xuyên (1655-1725)

Vị Công Thần kế tiếp, người cũng có nhiều công đức vào việc chấn chỉnh, gầy dựng tỉnh Biên Hòa của chúng ta là Trần Thượng Xuyên, còn gọi là Trần Thắng Tài. Ông gốc người Hoa. Nguyên là Tổng binh của 3 châu: Cao, Lôi, Liêm dưới triều nhà Minh (Trung Quốc). Năm 1649, nhà Mãn Thanh lên cầm quyền, Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch không chịu thần phục nên phất cờ "Bài Mãn, phục Minh". Việc không thành, ông đem quân lính và gia đình đến nước Việt yết kiến Chúa Nguyễn xin làm dân nước Đại Việt.

Lúc đó vùng Đông Phố còn phôi thai, đất rộng, người thưa. Chúa Nguyễn Phúc Tần mới cho phép đoàn người Hoa do Trần Thượng Xuyên, Trấn An Bình, Dương Ngạn Địch và Hoàng Tấn dẫn đầu vào khai khẩn vùng đất hoang sơ này.

Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình dừng lại tại Cù Lao Phố, ông ra công mở mang phố thị, thành lập phố xá phát triển nông nghiệp, buôn bán và trao đổi hàng hóa. Phương tiện giao thông chánh của thời bấy giờ là đường thủy. Cù Lao Phố lại là nơi đất đai màu mỡ, phù sa bồi đắp, dễ dàng trong việc khai thác, trồng trọt. Lợi thế là có dòng sông Đồng Nai bao bọc chung quanh, bốn bề sông, nước, thuận lợi cho thuyền bè qua lại, rất tốt cho việc giao thương, buôn bán v.v. . .

Nhờ thế mà Cù Lao Phố đã nổi tiếng là một đô thị sung túc rất tiện lợi trong việc trao đổi các mặt hàng nông, ngư và thủ công nghiệp, các thương gia ngoại quốc thường đến giao thương mua bán rất sầm uất, Cù Lao Phố thật phồn thịnh nhà cửa khang trang, thoáng mát, đường phố bằng phẳng, các cửa hàng, tiệm buôn đều phát triển mạnh mẽ, thật rực rỡ, phồn hoa. Đó cũng là nhờ công lao của Trần Thượng Xuyên. Ông còn là một võ tướng lão luyện, ông từng giúp Chúa Nguyễn dẹp loạn và đánh tan nhiều mưu đồ phản loạn của giặc giã nổi lên, nhằm bảo đảm cho sự yên lành của vùng đất mới.

Ông mất năm 1725 được an táng ở phía Bắc, dinh Trấn Biên thuộc huyện Phước Bình Tân Uyên) phủ Phước Long (Biên Hòa). Đời sau con trai ông là Trần Đại Định, và cháu là Trần Lực cũng đều là tướng tài, rất được Chúa Nguyễn trọng dụng. Cả ba đời họ Trần đều có công với nhà Nguyễn.

Chúa Nguyễn đã ban đặc ân "Nguyên Vị Vương Trần Vi Tướng, Đại Đại Công Thần Bất Tuyệt". Dân Biên Hòa và Gia Đình rất ngưỡng mộ và mang ơn Ông thật nhiều. Để suy tôn công Đức Ông, dân chúng lập đền thờ ghi nhớ công lao vị tiền bối đã bỏ công khai khẩn đất hoang. Tại Biên Hòa ở Thành Kèn, gần bờ sông phía chợ Cá đi ngược lên, dân chúng lập một ngôi đền thờ Ông, là Đình Tân Lân đối diện là dòng sông Đồng Nai trong mát. Ngôi đền rất uy nghiêm với hoành phi câu đối và lối kiến trúc xây theo chữ Tam, rất cung kính, cùng phối hợp thờ cúng trong đình với các bệ Thờ Bà Chúa Thiên Hậu, Quan Công, Tả, Hữu Ban, v.v…

Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng 10 Âm Lịch thì khách thập phương rủ nhau đến đình Tân Lân viếng "Đức Ông Trần Thượng Xuyên" với khói nhang nghi ngút, cờ xí rợp trời, các thương nhân người Hoa đem heo quay, xôi, chè, hoa quả, bánh trái đến Đình Tân Lân dâng cúng Ông rất trọng vọng.

Ngày nay, chúng ta, những người dân Biên Hòa xa xứ, tuy lưu lạc khắp nơi nhưng cũng luôn luôn tưởng nhớ đến ngày "Vía Đức Thượng Đẳng Trần Thượng Xuyên", đồng hương khắp nơi đều cùng nhau gom góp lễ vật, nhang đèn mượn nơi làm lễ cúng viếng Đức Ông, buổi lễ rất long trọng và lúc nào cũng rất đông khách thập phương đến dâng hoa đèn vô cùng trang nghiêm, cung kính.

Trường Trung Học Bán Công Trần Thượng Xuyên được xây bên cạnh Trường Trung Học Ngô Quyền cũng chứng tỏ cho chúng ta biết đến sự ưu ái, tôn sùng vị Quốc Công đã xây dựng rất nhiều trong việc mở mang khai hóa cho sự phồn thịnh của người dân Cù Lao cũng như cho toàn tỉnh lỵ Biên Hòa.

Dưới đây là công trạng của vị Công Thần Trịnh Hoài Đức cũng đóng góp rất nhiều vào công cuộc kiến thiết tỉnh Biên Hòa của chúng ta.

 

Trịnh Hoài Đức (1765-1825)

Trịnh Hoài Đức mang hai dòng máu Hoa-Việt. Nội Tổ ông là Sư Không Trịnh Hội, cũng trong nhóm "Bài Mãn Phục Mình". Thân sinh Trịnh Hoài Đức là Trịnh Khánh, mẹ ông sanh trưởng tại Biên Hòa, nên ông có sự hòa hợp hai giòng máu Hoa-Việt trong huyết quản. Cha mất sớm lúc Trịnh Hoài Đức mới vừa 10 tuổi. Ông được ảnh hưởng dưới sự dạy dỗ của cụ Võ Trường Toản. Ông rất thông minh, chăm học, ông có hai người bạn là Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh rất thâm thúy, học rộng, hiểu xa, được mệnh danh là "Gia Định Tam Gia". Khi Nguyễn Ánh mở khoa thi Gia Định (1778), ba ông đi thi đều đỗ đạt.

Trịnh Hoài Đức được thăng quan, tiến chức rất mau, lúc đầu ông giữ chức Hàn Lâm Chế Cáo, điều thuấn huyện Tân Bình. Rồi sang chức Đông cung Thi Giảng (dạy cho Hoàng Tử Cảnh) và phò tá Đông Cung Cảnh ra trấn thành Diên Khánh. Năm Giáp Dần (1794) thăng chức Ký Lục Trấn Dinh (Định Tường). Năm 1801 Trịnh Hoài Đức lại nhậm chức Hộ Bộ Tham Tri đồn trú Lưỡng Quảng. Năm Nguyễn Ánh lên ngôi, ông được thăng chức Thuợng Thư Bộ Hộ và cùng Ngô Nhơn Tịnh, Hoàng Ngọc Uẩn đi sứ sang Tàu dâng Quốc Thư lên vua nhà Thanh.

Ông làm quan dưới hai triều, Gia Long và Minh Mạng rất được tin dùng. Ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Hiệp Tổng Trấn, Lại Bộ Thượng Thư, Phó Tổng tại Quốc Tử Giám, Hiệp Biên Đại học sĩ, Thượng Thư Bộ Lại và Bộ Binh. Tại các kỳ thi Hội ở Huế, ông đều làm chánh chủ khảo.

Ông là một gương sáng, đức độ, tài năng xuất chúng thời bấy giờ. Có lẽ nhờ trong huyết quản của ông có hai dòng máu Hoa-Việt, nên ông rất yêu mến quê hương nơi ông đã sinh ra và trưởng thành bên dòng sông Đồng mát mẻ cùng vùng đất phì nhiêu đầy tình yêu quê Mẹ.

Ông là một nhà trí thức về Văn Học rất ưu tú của tỉnh Biên Hòa. Ông để lại cho ngàn sau một kho tàng văn thơ và một công trình nghiên cứu lịch sử rất giá trị. Từ năm Minh Mạng nguyên niên, ông đã dâng vua hai bộ "Lịch Đài kỷ nguyên" và "Khương tế lục". Đặc biệt nhất là bộ biên niên sử "Gia Định thành thống chí". Đây là quyển sử ghi lại đầy đủ và toàn diện nhất hình thế xứ Đàng Trong vào thời kỳ khai phá lập nghiệp của đoàn người Việt nam tiến. Quyền sử "Gia Định Thành Thống Chí" đã giúp ích rất nhiều. Đây là một bộ Sử sách dùng để làm tài liệu biên soạn các bộ sử cho mọi thế hệ ngày xưa và cho cả những thế hệ sau này...

Trịnh Hoài Đức qua đời tại Phú Xuân, thọ 60 tuổi. Theo nguyện ước, thi hài ông được đưa về chôn cất tại nơi quê mẹ ở Bình Trước, Biên Hòa.

Về đức độ: Ông là một người tài đức, vẹn toàn, được vua tin yêu, quần thần quý mến. Ông rất thanh liêm, giản dị, quên mình vì nước, chỉ biết chăm lo làm việc ích nước lợi dân.

Về văn hóa: ông là nhà thơ, nhà viết sử lỗi lạc hàng đầu của thời Nguyễn Trung Hưng, những tác phẩm của ông đều là vô giá. Ông được sự ngưỡng mộ, kính mến của nhiều thế hệ. Toàn dân Biên Hòa đều tự hào về ông, một tài năng xuất chúng, một nhân vật đáng kính trọng, dân chúng luôn luôn ghi khắc công đức Trịnh Hoài Đức qua bao nhiêu năm tháng.

Nhờ đức độ của ông, để giáo dục con em trong gia đình, người ta đã dùng ông làm biểu tượng cho sự giáo huấn, gương trung hiếu, sức học uyên thâm, cùng tài cao, trí thức tột bực của Trịnh Hoài Đức là một tấm gương sáng cho hậu thế.

Ông sống thanh bạch, trải qua 3 đời vua chúa nhà Nguyễn. Ông rất ưu ái mảnh đất quê hương Mẹ, ông ấp ủ tình thương bằng cách vun đắp, tô điểm và trau giồi cho mảnh đất hiền hòa thắm tình yêu mến, ông đem sức lực ra dạy dỗ, đào tạo nền văn học cho hậu thế bằng những tác phẩm để đời của ông là một tài liệu sử sách vô cùng quý giá.

Người dân Biên Hòa luôn luôn tỏ lòng thành kính tôn sùng và hướng vọng về công đức của Trịnh Hoài Đức, không ai có thể quên được công ơn ông đã vun đắp, trao đổi văn hóa mảnh đất quê Mẹ.*

Đó là ba vị tiền bối đã góp phần xây dựng Tỉnh Biên Hòa trong thời kỳ phôi thai. Qua bao biến đổi, các cuộc bể dâu, Biên Hòa vẫn luôn luôn tiềm tàng trong tâm khảm của tôi. Thành phố nhỏ đã lưu luyến và chan chứa biết bao tình, tình quê hương nồng ấm, tình bạn bè quyến luyến, tôi nhớ thật nhiều các nơi phong cảnh nên thơ, với vườn bưởi đầy trái thơm ngon, mùi hương hoa bưởi dạt dào thoang thoảng bay xa, và những danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã ghi lại thật nhiều hình ảnh dấu yêu trong lòng người.

Tôi nhớ từng con đường, nhớ ngôi trường thân yêu (Nguyễn Du, Ngô Quyền) đã hun đúc trau dồi trí tuệ cho tôi, cùng biết bao nhiêu dấu yêu của một thời áo trắng thơ ngây, nhớ căn nhà nho nhỏ mà Mẹ đã dành dụm tiền mua miếng đất cất lên căn nhà xinh xắn để mấy mẹ con tôi sinh sống sau ngày Ba mất. Bây giờ căn nhà ấy đã thuộc vào chủ khác.

Tôi yêu mến thành phố Biên Hòa thật nhiều, và chợt nhớ lời Ba tôi ngày xưa khi người đã tự chọn làm việc tại Phi Trường Biên Hòa (ngày đầu tiên, khi mới di cư vào Nam—1954), trong khi một số gia đình các bạn của Ba thì xin về Sài Gòn, mẹ hỏi thì Ba bảo:

"Sài Gòn đông đúc, sinh hoạt cao, nhà mình lại đông con, mức sống ở Sài Gòn không thích hợp cho gia đình mình. Biên Hòa yên tĩnh, cảnh đẹp, rất bình yên, thuận lợi, vả lại Biên Hòa–Sài gòn cũng không cách nhau bao xa, khi nào thích thì mình vẫn có thể đón xe lên Saigòn chơi được mà.

Giờ đây, ngồi nghiệm lại thì thấy Ba tôi đã có lý khi chọn Biên Hòa làm nơi cư trú, chúng tôi đã cùng nhau chia ngọt, xẻ bùi, vui buồn với nhau trong cái thành phố nhỏ bé đáng yêu, vùng "đất lành, chim đậu" này.

Hình ảnh thành phố Biên Hòa ngày xưa luôn luôn tiềm tàng trong tôi. Biên Hòa còn đó, nhưng bộ mặt Biên Hòa ngày nay đã thay đổi, hầu như toàn diện, với sự tân trang, cải cách thật xa lạ. Năm 2001, chúng tôi về thăm lại thành phố mến yêu, nhìn lại những dấu tích ngày xưa thì không còn nhận diện được nữa. Bao nhiêu háo hức ban đầu khi máy bay sắp sửa đáp xuống Phi Trường TSN, lòng tôi nao nức dạt dào, nghĩ: về Biên Hòa, sẽ đi thăm chỗ này, sẽ đến tìm chỗ kia. Nhưng khi trở về phố xưa, tôi thật bàng hoàng, cảnh cũ không còn, các dấu tích ngày trước đã mất hẳn, tôi chỉ thấy bỡ ngỡ và ngại ngùng như một vì sao lạc loài đến từ phương trời xa lạ.

Đường phố bây giờ không yên tĩnh như xưa, một lần trở về để nhìn lại mọi dấu yêu, tìm chút dư âm ngày tháng cũ, và rồi bùi ngùi nuối tiếc những kỷ niệm xa xưa. Tuy nhiên, dù cho vật đổi sao dời, nhưng tình người xa xứ luôn luôn hướng vọng về miền quê hương yêu dấu với hàng dừa xanh bát ngát, ruộng lúa thơm mùi gạo mới, dòng sông hiền hòa chạy dài bao bọc cù lao tạo nên những cảnh đẹp mơ màng, đầy quyến rũ.

Ôi Biên Hòa yêu quý! mong một ngày thanh bình nắng ấm, chúng ta, những người Việt xa xứ cùng nhau trở lại thành phố thân thương, gom góp lại tất cả những kỷ niệm ghép thành thơ, nhạc đem về sưởi ấm lòng người. Để nhớ lại công lao của các bậc tiền bối đã ra công xây dựng nên một thành phố Biên Hòa phồn hoa, phong phú.

 

 Viết tại Virginia, December 08, 2009

 Kiều Oanh Trịnh

 

Ý kiến bạn đọc
29 Tháng Mười Hai 20108:00 SA
Khách
Trong bài này không thấy nói đến và hình ảnh đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (Cù Lao Phố) và Trịnh Hoài Đức (Chợ Đồn, trên sông, đối diện đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Ai biết rõ hơn xin post lên cho biết.
20 Tháng Mười 20107:00 SA
Khách
Cam on Kieu Oanh Trinh, mot bai viet tuyet hay........
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Ba 2022(Xem: 5405)
Một vài chi tiết lịch sử, bổ túc cho con dốc tòa nên thơ nầy và cũng để tặng cho các tác giả: NghiemHai, Nguyễn Trần Diệu Hương và Người xứ bưởi.
14 Tháng Ba 2022(Xem: 6946)
đầy thú rừng và cây cối rậm rạp, mà các vị tiền nhân đã hy sinh, đổ lao nhọc vất vả kiến thiết dần thành khu Hố Nai trù phú hiện nay
01 Tháng Ba 2022(Xem: 4986)
Quê hương Biên Hòa, ngay tại trung tâm thành phố, có một di tích lịch sử; vừa thân thương
27 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 3847)
Gốm Biên Hòa gắn với tên tuổi trường Mỹ nghệ Biên Hòa ngày càng được phổ biến trong mọi tầng lớp dân chúng.
12 Tháng Chín 2021(Xem: 4743)
để trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống tinh thần của mỗi người Việt khi sống xa quê.