1:11 CH
Thứ Hai
16
Tháng Chín
2024

NGUYỄN HỮU CẢNH - Khai sáng đất Đồng Nai

26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 15094)

_Chánh danh của cụ là Nguyễn Hữu Kính <Cảnh, theo giọng Nôm>, vốn một bậc thượng tướng thời Nguyễn Sơ <triều đại Nguyễn Phước Châu Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế 1691 - 1725. Đương thời gọi Quốc Chúa hay Minh Vương. Phủ Chúa đặt tại Chánh Dinh, thuộc Phú Xuân>. Qua thành tích chiến trận, triều thần gọi cụ bằng hiệu danh <Hắc Hổ>. Nguyễn Hữu Kính sanh vào khoảng năm 1650 tại Gia Miêu, huyện Tông Sơn <Thanh Hóa>, con thứ ba của Chiêu Võ Hầu Nguyễn Hữu Dật, cũng là bậc danh tướng của tiền triều. Anh là Nguyễn Hữu Hào. Nội tổ là Nguyễn Hữu Văn, công thần nhà Hậu Lê, được phong tước Triều Văn Hầu.

_Thuở thiếu thời, Kính theo cha phục vụ trong quân ngũ đến bực Cai Cơ. Về sau, đến đời Nguyễn Phước Châu, năm Nhâm Thân <1692>, vua Chiêm Thành là Bà Tranh tại Diên Ninh, ra mặt chống đối Phủ Chúa, bỏ không tấn c
Ông nữa. Minh Vương cử Cai Cơ Lê Thành Hầu Nguyễn Hữu Kính làm Thống Binh hiệp cùng Văn chức nguyễn Đình Quang là Tham Mưu, lảnh binh chánh Dinh cùng quân Quảng Nam và Bình Khương <Khánh Hòa> vào chinh phạt.
_Tháng Giêng năm Quí Dậu <1693> Bà Tranh bỏ chạy. Đến tháng 3, Kính bắt được Chiêm Vương và hai tuỳ tướng là Trá Tà Viên, Kế Bà Tử cùng quyến thuộc là Nàng Mi Ba Ân từ trấn Thuận Thành áp giải về Phú Xuân. Chúa sai đem quản thúc tại núi Ngọc Trản <Hòn Chén>. Đến năm Giáp Tuất <1694> thì Bà Tranh mất. Đến tháng tám, chúa đổi trấn Thuận Thành làm phủ Bình Thuận <Phan Thiết> và bổ Kế Bà Tử làm Khâm Ký và ba người con của Kế Bà Tử làm Đề Đốc, Đề Lảnh, Cai Phủ để cai trị và Việt hóa dân Chiêm.

_Sau, một viên quan Chiêm là Hữu Trà Viên Ốc Nha Thác liên kết với một kiều dân Trung Quốc là An Ban nổi loạn ở Đại Đồng. Cai Cơ Nguyễn Hữu Kính và Văn Chức Trịnh Tường được lịnh Chúa cử Cai Cơ Nguyễn Thắng Hổ đi đánh dẹp. Đến tháng 11, Chúa lại phục hồi dinh trấn Thuận Thành <tỉnh Ninh Thuận> và cho Kế Bà Tử làm Phiên Vương, hàng năm phải nạp cống.
_Nguyễn Hữu Kính lập được công to nên Quốc Chúa thăng Chưởng Cơ và cho vào trấn thủ Bình Khương dinh <Khánh Hòa>. Đầu năm Mậu Dần <1698>, sau khi tiếp thâu được đất Kâmpeâp - Srêkatrey của Thuỷ Chân Lạp chuyễn nhượng <là Đồng Nai - lúc bấy giờ người Tàu gọi là Nông Nại>. Nguyễn Chúa bổ Thống Suất Nguyễn Hữu Kính làm kinh lược sứ vào để mở mang thêm. Cụ đặt bản dinh tại Châu Đại Phố <Cù Lao Phố>.

_Trên vùng nầy, đã có sẳn một số lưu dân Ngũ Quảng Nam Hà vì quốc biến vào Mô Xoài <Phước Tuy> lập dinh điền sinh sống từ đầu thế kỷ thứ 17 <thời Chúa Sải Nguyễn Phước Nguyên gã Công Chúa Ngọc Vạn cho Lạp Man Vương Chey Chetta II tôn phong hoàng hậu. Đến năm 1679, Lại tiếp nhận thêm số dân nhà Minh <Trung Quốc> tỵ nạn Mãn Thanh đ̣ến kiều ngụ.
_Cụ Kính đến sửa sang mọi việc, lập dân, khai quốc, tổ chức nền hành chánh, chia xứ Đồng Nai ra làm huyện thuộc phủ Gia Định: 1/- Phước Long <Biên Hòa> thuộc dinh Trấn Biên. 2/- Tân Bình <Sài Gòn> thuộc dinh Phiên Trấn. Nơi mỗi trấn, cụ đặt một Lưu Thủ đứng đầu để cai trị, cử quan Cai Bộ trông coi ngân khố, quan Ký Lục coi hình án. Cho đem đến trấn đóng một lực lượng quân sự tinh nhuệ gồm cơ, đội, thuyền, hai nghành thuỷ lục, do một giám quân chỉ huy để thực hiện và bảo vệ chủ quyền của người Đại Việt. Tổng cộng số kiều dân có lối hai trăm ngàn người trong bốn chục ngàn gia đình. Vợi số người Hoa kiều, cụ cho nhập hộ tịch, định cư lại và phân lập hai nhóm: /- Xã Thanh Hà tại Đông Phố thuộc Biên Trấn. /- Xã Minh Hương tại Gia Định <Phiên Trấn>.
_Định mở thêm châu vi lảnh thổ, cụ lại xin chiêu mộ thêm lưu dân từ Bố Chính <Quảng Bình> vào khai thác các miền hoang vu để trồng lúa, lập vườn, chăn nuôi..... Chẳng bao lâu, chốn rừng sâu, đồng lầy đã biến cải thành những trang trại đầy sanh khí hoạt động. Xã, Thôn, Ấp, Phố Phường, Gia Cư mọc lên rất nhiều, làng mạc phì nhiêu, phồn phú. Diện tích đất đai mở rộng có hơn ngàn dậm vuông. Cụ cho đo đạc phần có lợi tức để thâu thuế tô, thuế dung. Sổ đinh cũng như sổ điền được lập ra phân minh. Người Đại Việt, người Trung Hoa đều phải chịu đóng góp như nhau. Cuối năm 1698, công tác viên mãn, cụ được Chúa cho quy hồi Binh Khương dinh <Khánh Hòa>.

_BÌNH CHÂN LẠP: Qua tháng 7 năm Kỷ Mão <1699>, vua Chơn Lạp là Nặc Ông Thu tạo phản. Thống suất Nguyễn Hữu Kính lại được triệu gọi cử binh đi đánh, Nặc Ông Thu bỏ thành chạy trốn. Tháng 3 năm Canh Thìn, con là Nặc Ông Yêm mở cửa ra hàng, Kính vào thành vổ an Lạp dân. Tháng 4, Thu đến qui thuận, Kính an ủi, cho trở về Bích Đôi chiêu tập dân chúng. Một mặt, cụ cho mang sớ thắng trận về Phủ Chúa. Mặt khác, cho lịnh rút quân đến đóng tại cồn Cây Sao, Châu Tiểu Mộc <An Giang>.
_TỊCH DIỆT: Đến đêm 26 tháng 4, mưa gió nổi lên đùng đùng, đất đầu cồn lỡ sập, tiếng vang như sấm. Trong đêm, ông chiêm bao thấy một người cao lớn, mình mặc áo gấm, tay cầm búa vàng, mặt đỏ như son, mày râu trắng toát, đến trước mặt nói rằng: <Tướng quân nên về gấp, không nên lưu lại nơi ác địa nầy>. Ông tỉnh dậy, ngẩm nghỉ lấy làm buồn, nhưng vì việc biên phòng sắp đặt chưa yên, tàn quân của giặc còn ẩn phục sơn lâm, chưa dẹp hết, không biết tính sao. Bổng trong quân phát bịnh dịch, ông cũng nhiễm đau, lần lần hai chân tê liệt, ăn uống không được. Đến ngày tết Đoan Ngọ <mùng 5 tháng 5> ông gượng ra khao thưởng quân sĩ, bị trúng gió, thổ huyết, bịnh trở nên trầm trọng. Ngày 14 tháng 5, kéo quân về, ngày 16 đến Rạch Gầm _ Sầm Giang <Định Tường>, ông tắt thở nơi đây, hưởng thọ 51 tuổi <theo Gia Định thông chí mục Thành trì chí và Đại Nam Thực lục tiền biên>. Phó tướng báo tin về phủ Chúa tại Chánh dinh, rồi lo việc tẩn liệm và chuyển linh cửu về dinh Trấn Biên . Trên đường di chuyển , quan quân lại cho đình linh cửu rồi quyền táng tại thôn Bình Hoành , Châu Đại Phố <Cù Lao Phố> chổ ba năm về trước cụ tam đặt tổng hành dinh khi đến khai khẩn đất Đồng Nai.

_Khi được tin cụ tịch diệt bất ngờ trên đường báo quốc, Chúa Nguyễn Phước Châu vô cùng thương tiếc liền truy tặng cụ <Hiệp Tán Công Thần Đặc Tấn Chưởng Dinh> với tước Tráng Hoàn Hầu. Đến đời Nguyễn Trung Hưng, lại được truy phong lên <Thượng Đẳng Công Thần Đặc Tấn Chưởng Cơ> với tước <Lễ Tài Hầu>, cho tùng tự tại Thái Miếu, nơi thờ các tiên vương nhà Nguyễn.
_DI TÍCH: Phần nhiều các nơi, cụ đã có đặt chân đến, nay còn ghi lưu dấu tích. 1/- Châu Tiểu Mộc: Cồn Cây Sao tại Chợ Mới <Long Xuyên > là nơi cụ đình binh, nằm mộng. Về sau dân trong vùng có lập miếu thờ và đặt tên là Cù Lao Ông Chưởng <Chưởng Cơ>. Trong sử ghi là Châu Lể Công <Lễ Tài Hầu>. 2/- Con sông chảy từ Chợ Mới <Tiền Giang> đến vàm Cá Hố đổ xuống Hậu Giang, xưa cụ vét lại để tấn binh lên Nam Vang, nay được mang danh là sông <Ông Chưởng>. 3/- Tại vàm Cá Hố, dân địa phương cũng có lập đình thờ, nhưng một thời gian sau, đất lở, Đình dời vào chợ Chưn Đùn <Long Kiên>. 4/- Ở thôn Châu Phú, huyện Tây Xuyên <Châu Đốc>, xưa cựu trấn thủ Nguyễn Văn Thuỵ có dựng đền phụng tự, chử ghi là đền <Lễ Công>.

_Riêng tại Trấn Biên dinh , nhóm kiều dân thôn Bình Hoành, phía tây nam Châu Đại Phố <Cù Lao Phố>, để ghi lại, nhớ ơn cụ đã khai thôn, lập ấp, cũng có lập đền thờ <Lễ Công Tráng Hoàn Hầu> trên bờ sông Phước Long giang <sông Đồng Nai>, nơi địa điễm tổng hàng dinh cũ. Mặt tiền đền ngó xuống sông, lấy gành đá làm thuỷ thành. Đêm sáng, dân hạ bạc quanh vùng thường nghe thấy có cặp cá Dược, gáy to lớn, lội đến trước đền vùng vẩy, khi lặn, lúc nổi, nhảy qua thác đá, vượt cơn sóng to và cho là cá hầu trực, lạy múa.
_Năm 1788, khi Tây Sơn chiếm đóng Biên Hùng, đền bị bỏ hương tàn, khói lạnh. Năm Nguyễn Trung Hưng, vua Gia Long châu cấp cho 10 từ phu để trông nom. Thường năm đến tiết xuân lại được chuẩn cấp công quỷ để làm lể tế. Năm Tự Đức thứ tư <1834>, Biên Hòa tỉnh thần là Bố Chánh Ngô Văn Địch tư sớ tâu trình, đền dựng lâu nên mục nát, đất lại bị ngọn nước soi lở. Triều đình lại chu cấp tiền bạc để cất lại phía sau, từ nền cũ lui vào trong 10 trượng. Hiện đền thờ Lễ Công Tráng Hoàn Hầu Nguyễn Hữu Kính <Cảnh> hãy còn, nhưng được tái thiết theo lối kiến trúc mới, dân địa phương gọi là đình Bình Kính thuộc xã Hiệp Hòa <Cù Lao Phố>. Ấp Bình Kính nầy được thành danh, có phải chăng các bậc kỳ hào trưởng lảo ghép Bình <chử đầu của thôn Bình Hoành> và chử Kính <chánh danh của cụ> để tôn xưng? Đi trên cầu gành <4 mống>, từ Sài Gòn về, bên phải, có thể trông thấy rõ Đình. Tại đình còn lưu giữ một bộ aó mão và hia cũ, đựng trong một tủ kiếng nhỏ để thờ. Đặc biệt ở trước sân đình, có hai cây cổ thụ giao tàng, hai cánh to của hai cây dính liền nhau như được tháp đâu từ ngày còn xanh non. Mỗi năm, đến ngày 16 tháng 5 âm lịch là lể giổ cụ, đồng bào trong ấp làm lể tế thần linh Cụ để cầu an cho bá tánh. Cũng tại thôn Bình Hoành ngày xưa là chổ đặt quan tài Cụ lúc đình cửu và quyền táng, nhóm kiều dân có đấp một ngôi mộ. Mộ ấy nay được trùng tu, vẫn còn tồn tại ở ấp Bình Kính, trên một gò đất cao, dưới trũng, sau đình. Mộ chỉ còn đôi trụ búp sen và một mảnh vách thành rêu phong là còn mang vẽ cổ kính.
_Trong thành phố Biên Hòa, con đường chánh từ công trường Sông Phố đi lên Bửu Long, Tân Phú, đến ranh giới xã Tân Thành <đường làng tẻ vào đình Bình Thành> được mang tôn danh Nguyễn Hữu Cảnh do chính quyền Biên Hòa phong đặt từ năm 1948 thay tên Palasne de Champeaux của Pháp để tưởng niệm thâm ân vị đại công thần đã khai sáng đất Đồng Nai mà Biên Hoà là trung tâm điểm. Cụ Nguyễn Hữu Kính <Cảnh> khai phá đất Đồng Nai, di dân, lập ấp, dựng thành dinh trấn, mở đường cho sự khuếch trương của Biên Hòa, nay thành người thiên cổ trong quốc sử.
_Ở trong cõi bất tử, có lẻ cụ Nguyễn Hữu Kính <Cảnh> đã ngậm cười, tự hào, nhưng chắc là cụ không mấy hài lòng nhận thấy xã hội ngày nay không còn đường nét chân thành, mộc mạc, tinh hoa đạo đức đã lu mờ và tâm hồn mất bình thản.
_PHỤ CHÚ: Phiên Vương Kế Bà Tử chết, Cai Cơ là Tá nối nghiệp, nhưng đến năm Nhâm Dần <1782>, Tây Sơn vào đánh, Tá đầu hàng, đem bửu khí truyền quốc của Chiêm Thành hiến nạp. Nước Chiêm Thành bị Đại Việt hóa và vong quốc luôn, kể từ đó.......... <theo Biên Hòa sử lược của tác giả Lương Văn Lựu>.

Hết .

vohawaii
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 6867)
vì đó là cái hồn văn hóa của người dân bản địa, không dễ gì xóa đi được.
10 Tháng Hai 2020(Xem: 8441)
Cái cảm giác thực tại hoà lẫn với kỷ niệm xưa làm tôi nhớ quê hương Biên Hoà da diết.
07 Tháng Sáu 2019(Xem: 40411)
hoàn toàn là công lao của các chúa Nguyễn và các vị khai quốc công thần:Nguyễn-Hữu-Cảnh, Trần-Thượng-Xuyên, Mạc-Cửu, Nguyễn-Cư -Trinh, Mạc-Thiên-Tích
30 Tháng Tám 2018(Xem: 31277)
Qua các thời quý Cha quản xứ, các sinh hoạt mục vụ của cộng đoàn Giáo xứ Biên Hòa dần đi vào ổn định và đời sống đức tin ngày càng lớn mạnh.
12 Tháng Tư 2017(Xem: 34801)
Bao giờ bạn đến thăm nhà Thưởng thức đặc sản đậm đà tình quê