Hồi ký cuộc vượt biển cuối tháng 3 năm 75
Đầu tháng 7, 2016 vừa qua, tôi đi thăm Hải một người bạn ở Melbourne thuộc tiểu bang Florida, tôi rất mừng khi gặp lại anh, bạn tôi từ bên Đức sang thăm mẹ và các em cư ngụ tại đây. Tôi đến ở chơi với Hải trong condo của Huệ em Hải ngay sát mặt biển. Buổi chiều hôm ấy, hai người ngồi ngoài bancony nhâm nhi ly rượu mạnh ôn lại chuyện xưa, khi đưa mắt nhìn ra đại dương xanh lơ bát ngát, tôi mơ màng nhớ lại cuộc vượt biển của tôi từ Đà Nẵng về Sàigon cách đây hơn 41 năm, tôi đem câu chuyện kể lại cho Hải nghe, đang kể thì anh bảo tôi ngừng lại, rồi khuyên tôi nên viết hồi ký về cuộc vượt biển ly kỳ này. Sau khi trở về nhà tôi đã suy nghĩ trong nhiều ngày, cố moi lại trong trí nhớ những gì đã xẩy ra hơn 41 năm về trước, tôi quyết định viết hồi ký này.
Cuối tháng 3 năm 1975, sau khi Ban Mê Thuật thất thủ, tình hình chiến sự tại vùng 1 bắt đầu sôi động. Các Sư Đoàn 1,2,3; Lữ Đoàn Nhẩy Dù; Lữ Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến ; các Liên Đoàn Biệt Động Quân; các Liên Đoàn Địa Phương Quân; các Tiểu Khu; Chi Khu; đều được báo động để chuẩn bị sẵn sàng đối đầu với quân đội chính quy Bắc Việt. Lúc ấy đơn vị tôi, Đại Đội 1/ Tiểu Đoàn 2/Trung Đoàn 57/ Sư Đoàn3 BB đang đóng quân hoạt động bên kia cầu Giao Thuỷ thuộc quận Đức Dục, tỉnh Quảng Nam, mặt trận tại đây tương đối nhẹ vì lực lượng Việt Cộng tại đây đa số là du kích địa phương.
Tôi còn nhớ rõ, hôm ấy là ngày 28 tháng 3 năm 1975, tôi đang đóng quân cùng Trung Đội 1 tại mấy căn nhà bỏ hoang, cạnh con đườngi độc nhất dẫn đến quận,thì vào khoảng 5 giờ sáng người lính mang máy truyền tin đánh thức tôi dậy, đưa ống lien hợp cho tôi rồi nói:
-Thiếu Úy Đại Đội trưởng muốn nói chuyện với ông
-Thanh Tâm, đây Thanh Tâm 1 tôi nghe.
(Thanh Tâm chỉ danh truyền tin của Đại Đội trưởng)
(Thanh Tâm 1 chỉ danh truyền tin của Đại Đội phó)
-Thanh Tâm 1, anh cho con cái gọn ghẽ, rồi Zulu về gặp gia đình ở Gama-Tango.
(Zulu: Rút quân, Gama-Tango: Giao Thủy, đây là những ám ngữ dùng trong truyền tin)
-Nhận được 5/5 Thanh Tâm.
Tôi cũng xin nói rõ về chỉ danh truyền tin trong nội bộ Tiểu Đoàn: Thanh Thúy là chỉ danh truyền tin của Tiểu Đoàn Trưởng; Thanh Hằng Tiểu Đoàn Phó; Thanh Tâm Đại Đội Trưởng Đại Đội 1; Thanh Nga Đại Đội Trưởng Đại Đội 2; Thanh Tuyền Đại Đội Trưởng Đại Đội 3; Thanh Vũ Đại Đội Trưởng Đại Đội 4; các Đại Đội Phó thêm số 1 vào chỉ danh của Đại Đội Trưởng, các Trung Đội Trưởng cũng có chỉ danh truyền tin riêng tùy theo từng Đại Đội.
Tôi ra lệnh cho Trung Đội di chuyển từng người một, với khoảng cách an toàn tối đa, vì tôi biết trước địch sẽ bắn sẻ và pháo kích vào chúng tôi. Trời vừa hừng đông, du kích từ những bụi cây sát bìa làng bên phải con lộ bắt đầu bắn sẻ chúng tôi. Đoành… đoành… tắc…tắc…tắc tiếng súng CKC, súng trường báng đỏ, súng tiểu liên AK nổ khô khan từng hồi, thỉnh thoảng lại ầm… ầm địch pháo kích thêm bằng súng cối 61 ly, nhưng không chính xác, nếu những ai đã từng kinh nghiệm bị bắn sẻ, sẽ thấu đáo được nỗi sợ ghê gớm này. Tuy nhiên ở một xạ trường khá xa, mục tiêu lại di động, và du kích không phải là những tay súng chuyên nghiệp nên chúng tôi vô sự, chỉ có một điều là Trung Đội nhận được lệnh Zulu gấp, nên chúng tôi không có dịp tác xạ phản công. Trên lộ trình tôi tình cờ nhặt được một cái áo giáp của đơn vị pháo binh đi trước vứt bỏ lại trên mặt đường, tôi vội mặc vào rồi tự nghĩ rằng: “mình sẽ được an toàn hơn”, nhưng thật nực cười, sau khi đi được một quãng, tôi lại cởi ra vứt bỏ nó, vì vừa nặng vừa nóng làm tôi khó chịu và đi chậm hẳn lại, lính trong Trung Đội đã vượt tôi khá xa, thôi thì đành phó thác số mạng cho ông trời, Xin Thượng Đế phù hộ chúng tôi.
Cầu Giao Thủy bắc ngang sông Thu Bồn là mục tiêu chính của cộng quân tại vùng này, các ông Địa (Địa Phương Quân) gác cầu cho chúng tôi biết địch pháo kích vào đây hàng ngày, với ý định phá hủy chiếc cầu này dể chặn đường chuyển quân và tiếp liệu của ta cho quận Đức Dục. Nhưng mãi cho đến ngày hôm nay, chúng vẫn chưa thực hiện được, đúng như lời cổ nhân nói: (Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên).
Tại địa điểm tập họp bên kia cầu, Đại Đội được Tiểu Đoàn điều động lên bốn chiếc GMC nhà binh ở giữa một đoàn xe quân vận, gồm mấy chục chiếc có lẽ dùng để di chuyển cả Trung Đoàn và Tiểu Đoàn pháo binh cơ hữu mà tôi không nhớ rõ. Tôi chỉ còn nhớ xe trước xe tôi là của pháo binh, có kéo theo một khẩu đại bác 105 ly. Đoàn xe vừa lăn bánh, du kích cũng bắt đầu bắn xối xả từ hai bên đường. Tiếng súng đủ loại nổ vang rền như pháo Tết nhắm vào đoàn xe, nghe tiếng đạn xoáy đi trong không khí khiến tôi thấy rợn tóc gáy. Tài xế đạp lút chân ga, chiếc xe gầm lên như con thú dữ bị thương, và phóng như bay, như muốn tránh khỏi cơn mưa đạn của địch trên con đường đầy ổ gà và bụi đất, các binh sĩ ở hai bên hông trong xe cố gắng tác xạ phản công. Bỗng một viên đạn lọt qua thành xe kết liễu mạng sống của Văn, hiệu thính viên của Đại Đội, tội nghiệp cho Văn, đáng lẽ anh phải đi theo Đại Đội Truởng, không biết tại sao lại đi cùng chúng tôi nên bị tử thương, đúng là số mạng, trời kêu ai nấy dạ.
Đột nhiên một tiếng nổ lớn ở phía trước, du kích xử dụng B40 bắn vào đoàn xe, chiếc xe trước tôi hai xe thình lình xoay ngang chắn một phần con đường, không biết vì xe trúng đạn, hay vì tài xế sợ quá nên lạc tay lái. Đoàn xe phải dừng lại, binh lính nhẩy xuống như ong vỡ tổ, họ nằm dọc theo bờ ruộng để tránh đạn và bắn trả về phía địch. Tôi nhìn về phía bên trái con đường, thấy Thiếu Úy Thạch Đại Đội Trưởng đang dẫn toán xung kích xông vào bìa làng, tiếng súng M16, M79 xen lẫn với Ak nổ ròn rã. Phía bên tôi địch bắn tiếp hai quả B40 nhưng không trúng mục tiêu, đạn bay qua đầu nổ tung trên đám ruộng khô bên kia con đường, đang trong tình trạng tiến thối lưỡng nan, một Trung Úy pháo binh và hai pháo thủ trên xe phía trước đã xử dụng khẩu đại bác 105 ly tác xạ thẳng vào làng, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến pháo binh trực xạ, vì trực xạ nên tầm đạn ngắn tiếng nổ thật kinh hoàng và chính xác, địch đã im tiếng súng, chắc chắn chúng đã về chầu bác.
Trung Đội phải đi bộ một đoạn đường ngắn, khi đi qua nơi pháo binh vừa trực xạ, tôi nghe có tiếng kêu: Ai đó cứu tôi với.
Binh lính không ai dám vào, vì một phần trời đã tối, một phần không biết là bạn hay địch, và cũng thể đó bẫy của du kích để dụ quân ta vào. Nếu anh thuộc đơn vị bạn, xin anh thông cảm và tha lỗi cho chúng tôi, chiến tranh đã tạo cho con người trở thành đầy đa nghi và bất nhân. Đơn vị chúng tôi về đến quận Đại Lộc và đóng quân nghỉ chân tại đây, tương đối chúng tôi được một đêm yên tĩnh.
5 giờ sáng ngày 29 đoàn quân rời bỏ quận Đại Lộc di tản về Đà Nẵng, Trên đường đi thật ồn ào và vô trật tự, dân chúng già trẻ, lớn bé thất thểu gồng gánh đủ mọi thứ đi theo những đơn vị Địa Phương Quân, Nghĩa quân. Trong đám quân dân hỗn loạn này, tôi chợt thấy Đại Tá Vinh Trung Đoàn trưởng Trung Đoàn 57 cùng một số sĩ quan tham mưu tháp tùng ông, sắc mặt ông trông thật ưu tư, chỉ có một điều lạ là hôm nay địch không bắn quấy phá và pháo kích chúng tôi nhiều như ngày hôm qua.
Tôi không nhớ rõ thời gian đi là bao lâu, nhưng khi ra tới Quốc Lộ 1 thì trời đã xế trưa, Đại Đội hoàn toàn bị tản lạc, bây giờ chỉ còn lại tôi, Trung Sĩ Sơn và binh nhì Thảo, chúng tôi chưa biết phải đi đâu và trong lúc bối rối, thì tình cờ gặp Trung Úy Phước Đại Đội trưởng Đại Đội chỉ huy, Thiếu Úy Sáu ban hai Tiểu Đoàn, Chuẩn Úy Bê Đại Đội 4. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, bất ngờ trong lúc ấy Trung Úy Phước trông thấy chiếc GMC của Tiểu Đoàn chạy ngang, ông vẫy tay ra dấu, may quá tài xế nhận ra ông nên cho xe dừng lại, mọi người cùng leo lên. Trong lòng xe tôi đã cởi bỏ chiếc áo đang mặc, bây giờ trên người tôi chỉ còn chiếc áo thun, quần lính và đôi giầy đi trận, tôi lại may mắn tìm được một hộp trái đào trong phần ration C của Mỹ, mùi thơm trái đào và vị ngọt của đường làm tôi tỉnh táo hơn. Tài Xế đưa chúng tôi đến nhà Đại Úy Nguyễn Thanh Nhạc, Tiểu Đoàn Trưởng, Đại Úy Nhạc cho biết ông sẽ ở lại Đà Nẵng, Trung Úy Phước quyết định ở lại với ông, còn lại 5 người chúng tôi, ông cho tài xế đưa ra bãi biển Sơn Chà. Khi xe chạy ngang Tổng Y Viện Duy Tân, lòng tôi bỗng trùng xuống, khi thấy những thương binh nhẹ, đang cố gắng chen lấn nhau để tìm đường ra bãi biển trông thật thảm hại và đáng thương. Tôi hy vọng trong số thương binh này không có người bạn cùng khóa, Thiếu Úy Nguyễn Hữu Thịnh đã điều trị tại đây mấy tháng trước, những người bị thương nặng còn nằm lại, thật tội nghiệp cho họ, họ đã bị bỏ rơi, chắc chắn giờ này không còn ai ở lại chăm sóc cho họ nữa, xe ngừng lại ở bãi biển Sơn Chà, Chuẩn Úy Bê đổi ý theo xe trở về Đà Nẵng.
Vừa bước xuống xe, trước mắt tôi một cảnh tượng hỗn loạn, kinh hoàng khiến tôi vô cùng thất vọng nản chí, sờn lòng, bờ biển tràn ngập người đông như một đám kiến đói bu quanh cục đường. Cách bờ một khoảng khá xa một chiếc xà lan đầy nghẹt lính và dân dưới ánh nắng gay gắt, nóng bỏng của mặt trời mùa hè, họ đã chịu đựng mọi gian khổ, quên cả tính mạng đang bị nguy hiểm bởi đạn pháo kích của Việt Cộng, họ chỉ hy vọng được tàu Hải Quân vào kéo ra, để thoát khỏi một thành phố bị bỏ rơi với đầy cướp bóc, đe dọa và hận thù. Tuy vậy từ trong bờ vẫn có nhiều người cố liều bơi ra xà lan, đa số là lính.
Tôi đứng lớ ngớ nhìn một xác chết cháy đen vì đạn pháo kích, thì mấy người kia bỏ đi đâu mất, tôi vội vàng đi tìm họ, trong lúc lang thang trong đám đông, tình cờ tôi gặp một bác gái người Huế cùng ba người con, hai trai, một gái, người anh cả là một Thiếu Úy Địa Phương Quân (không nhớ tên), tôi ngồi xuống làm quen và được bác cho một bát cơm nguội cùng ít ruốc khô, một bát cơm mà tôi không bao giờ quên. Bác cho biết gia đình bác từ Huế vào để tìm đường về Nha Trang, vì bác có người em là Trung Tá ở đó, tôi có hứa với bác sẽ cùng các con bác tìm cách đưa gia đình về Nha Trang.
Ở sát cạnh bờ biển có một bến cảng, có lẽ để những tàu buôn nhỏ đến xuống hàng hoá, tại đây tương đối ít người hơn, nên tôi và anh Thiếu Úy mới quen đã gặp lại Thảo và Thiếu Úy Sáu. Chúng tôi đang mừng rỡ nói chuyện với nhau, thì thình lình một chiếc tàu nhỏ chạy ngang, Thảo bắn vội vài phát súng chỉ thiên ra lệnh cho tàu vào sát bờ, rồi cùng Thiếu Úy Sáu và một quân nhân nữa nhẩy xuống. Tôi chưa có quyết định gì thì tàu quay trở lại, tôi nghe tiếng Thảo hối thúc:
-Nhẩy xuống mau Thiếu Úy.
Không còn lựa chọn nào hơn, tôi cùng anh bạn mới quen liều mạng nhẩy xuống, cũng may là từ bờ thành trên bến cảng xuống tàu khá cao, nên nhiều người đứng đó không dám nhẩy theo, thử tưởng tượng mọi người cùng nhẩy xuống chiếc tàu chắc chắn sẽ chìm, thật hú vía. Tàu vội vàng chở chúng tôi ra xa bờ, tuy tàu nhỏ, nhưng phòng lái trong phòng tàu có thể chứa khoảng được hơn mười người, ông chủ tàu (không nhớ tên, xin gọi là bác Hai) cho biết, tàu này không vượt biển được, rồi đưa chúng tôi tới chiếc xà lan neo gần đó. Thảo và Thiếu Úy Sáu vội vàng leo lên, nhìn tình trạng vô hy vọng và cảnh chen chúc hỗn độn trên xà lan, tôi thấy ớn xương sống nên quyết định ở lại tàu, không biết sau này số phận của chiếc xà lan ra sao, cầu xin Thượng Đế cứu vớt họ.
Gia đình bác Hai ngoài hai vợ chồng còn hai cô con gái, cô chị đang mang thai, bác Hai cho tôi biết gia đình bác ở Đà Nẵng, bác chở gia đình ra xa bờ để tránh pháo kích, tối nay bác sẽ trở vào bờ để về nhà. Tôi nói với bác hai: Tôi là quân nhân không thể vào bờ được, từ giờ phút này bác phải theo lệnh tôi, nếu không tôi sẽ dùng võ lực. Bác Hai thấy tôi còn khẩu M16 nên không chống đối, anh Thiếu Úy mới quen cũng đồng ý và anh cũng không quên nhắc lại lời hứa của tôi, thật là há miệng mắc quai, chỉ vì một lúc hứng chí, một lời hứa xuông mà bây giờ tôi không biết xử sự ra sao? Tôi bỗng nghĩ ra một ý kiến, tôi hỏi anh:
-Anh có biết bơi không?
Anh trả lời:
-Tôi biết, nhưng không bơi xa được.
Tôi chỉ cho anh một bờ đá nhô ra ở tận cuối bến rồi nói:
-Tôi sẽ cho tàu vào gần bờ, anh bơi vào đưa gia đình đến đó, chúng tôi sẽ đến đón.
Anh còn đang đắn đo do dự thì trời giúp anh, một chiếc ghe nhỏ trên có hai mẹ con đương chèo hướng vào bờ, chúng tôi cho tàu chạy theo rồi nhờ chị đưa anh vào, khi anh đưa gia đình đến đó, chúng tôi đã đưa tàu vào đón gia đình anh cùng Trung Sĩ Sơn mà không gặp trở ngại nào. Trời bắt đầu về chiều, Việt Cộng cũng bớt pháo kích, chắc chúng đã hết đạn, hay vì trời sắp tối, nên chúng muốn để dành tới ngày mai. Chúng tôi chưa có quyết định gì, thì bỗng lúc ấy trên mặt biển có một đoàn chiến hạm đang xuôi về Nam, đèn chiếu sáng một góc trời. Tôi ra lệnh bác Hai cho tàu chạy theo tới đâu hay tới đó, đang chạy được một khoảng ngắn, thì một chiếc ghe máy xả hết tốc lực đuổi theo, trên ghe có một người đàn ông đang kêu chúng tôi, chúng tôi dừng lại cho anh lên, thì ra anh là một Quân Cảnh con rể của bác Hai. Tôi thầm nghĩ: “anh này thật may mắn”, cũng xin nói thêm là bác Hai có mang theo gạo và nước uống dự trữ, nên cũng tạm thời cho mọi người tạm thời qua ngày.
Đêm hôm đó, tất cả thay phiên nhau giữ tay lái đi theo đoàn chiến hạm, vì như thế chắc chắn sẽ không bị lạc hướng, chúng tôi đi theo cho đến khi không còn thấy ánh đèn nữa. Chung quanh bây giờ tối đen như mực, bác Hai tắt máy để tiết kiệm nhiên liệu, con tàu trôi bồng bềnh không định hướng, trong màn đêm giữa đại dương bao la, tiếng sóng đập nhẹ vào thân tàu, gió biển hiu hiu mát, cùng với sự mệt mỏi rã rời của thể xác sau hơn hai ngày căng thăng và thiếu ngủ, tôi đã chìm sâu vào giấc ngủ lúc nào không biết.
Đang say sưa mơ màng trong giấc điệp, thì bác Hai đánh thức tôi dậy, trời vừa tờ mờ sáng. Bác nhìn tôi trong nỗi tuyệt vọng và giọng bác run run:
-Chúng ta bị lạc giữa biển rồi Thiếu Úy ơi.
Tôi nhìn ra ngoài, chỉ thấy đại dương bát ngát một mầu xanh, một màu xanh biển thật đẹp nhưng trong đó lảng vảng bóng tử thần, vì nếu đã bị lạc trên biển con tàu sẽ trôi mãi, cho đến khi hết thức ăn và nước uống, lúc đó chắc chắn tất cả không ai thoát được cái chết. Tôi suy nghĩ một lúc rồi nói với bác Hai:
-Bác hãy bình tĩnh đừng quá lo, chờ lúc mặt trời lên tôi sẽ định lại phương hướng.
Đang ngồi trầm lặng cố nhớ lại phương hướng trên bản đồ, thì bất chợt tôi bỗng nhớ lại quy luật quốc tế về bản đồ, khi nhìn bất cứ bản đồ nào, trước mặt sẽ là hướng Bắc; sau lưng hướng Nam; tay phải hướng Đông; tay trái hướng Tây, nếu áp dụng quy luật này vào bản đồ nước Việt Nam, chắc chắn hướng Tây sẽ là bờ. Đợi khi mặt trời vừa ló dạng, tôi nói với bác Hai cho tàu chạy ngược hướng mặt trời, đúng như tôi dự đoán, chỉ một lúc sau chúng tôi đã thấy bờ, bây giờ lấy hướng Đông làm chuẩn, chúng tôi cho tàu chạy song song với bờ biển về hướng Nam. Trên đường tàu gặp một ghe đánh cá, người đàn ông trên ghe cho biết nơi đây thuộc hải phận tỉnh Quảng Tín và khuyên chúng tôi đừng vào bờ, vì tỉnh Quảng Tín đã bị Việt cộng chiếm, như vậy cả đêm hôm qua tàu chỉ vượt được một khoảng đường ngắn, vì Quảng Tín – Đà Nẵng cách nhau không xa.
Hôm nay là ngày 29 tháng 3, con tàu tiếp tục đi mặc dù không biết còn đi được đến đâu, vì dầu cặn chạy máy tàu sắp hết, ngày sắp tàn, hoàng hôn bắt đầu buông xuống, giữa biển cả bao la bát ngát, bây giờ chỉ còn con tàu nhỏ lênh đênh trong cô đơn và tuyệt vọng. Nhưng cám ơn trời, bỗng ở đâu một chiếc tàu đánh cá chạy ngang qua, tôi vội nổ mấy phát súng chỉ thiên và ra lệnh cho tàu ngừng lại, trên có hai em nhỏ chừng mười lăm mười sáu tuổi nhà ở Qui Nhơn, hai em cho biết Qui Nhơn cũng đã thất thủ, hai em định mang tàu vào Đà Nẵng chở dân tỵ nạn kiếm tiền. Chúng tôi liền khuyên các em không nên đi, vì khi vào Đà Nẵng các em sẽ bị cướp tàu, khi thấy trên tàu có phuy dầu cặn, bác Hai đề nghị mua lại và hỏi đường về Nha Trang, các em giúp bác Hai chuyển dầu sang tàu và một em tình nguyện đưa chúng tôi về Nha Trang vì em có địa bàn đi biển ban đêm, với điều kiện khi tới cho em tiền để mua vé xe đò trở lại Qui Nhơn. Em hướng dẫn chúng tôi đến cù lao Hòn, tình hình trên cù lao (một đảo nhỏ giữa biển) vẫn yên tĩnh, nên chúng tôi được ngủ một đêm bình yên tại đây. Buổi sáng ngày 30 trước khi tiếp tục cuộc hành trình về Nha Trang, chúng tôi thong thả lên bờ vào một quán nhỏ, uống ly cà phê ăn bát mì gói, thật là thần tiên.
Tối ngày 31 tháng 3, sau gần hai ngày khởi đi từ cù lao Hòn, tầu đã đến hải cảng Nha Trang, vừa lên bờ, chúng tôi đã không cầm được nước mắt, đã đau lòng và xót xa khi nhìn thấy cảnh hàng trăm xác chết nằm chồng chất bừa bãi lên nhau, đa số là trẻ em bị chết khát, hay chết vì bị thương trên các xà lan từ Huế, Đà Nẵng vào được vứt xuống tại đây, có những xác đã rữa nát, ruồi bu ròi đục, mùi hôi thối làm ngộp thở và buồn nôn, chiến tranh thật tàn ác, tội nghiệp cho những nạn nhân vô tội này cùng gia đình của họ. Sau khi chia tay, anh Thiếu Úy Địa Phương Quân rất điệu nghệ, dúi vào tay tôi 1000 đồng rồi hứa sẽ nhờ ông cậu kiếm dầu giúp cho chúng tôi, dĩ nhiên tôi chẳng hy vọng gì vào lời hứa này, nhưng tôi không quên nói lời cám ơn. Tất cả mọi người lên bờ, gia đình bác Hai đã đãi chúng tôi một bữa cơm tại một quán ăn gần đó, sau hơn ba ngày chỉ có cơm trắng và nước lạnh cầm hơi, tôi đã được ăn một bữa cơm ngon nhất trong đời, sau đó lại còn được tắm gội sạch sẽ, thật là không còn gì hạnh phúc hơn. Lúc trở lại tàu Trung Sĩ Sơn lấy cắp được một chiếc ghe nhỏ, âm thầm một mình chèo ra một chiến hạm đậu gần đó, cho đến ngày hôm nay khi ngồi viết hồi ký này, tôi cũng không hiểu tại sao bác Hai không dùng tàu chạy ra chiến hạm như Trung Sĩ Sơn đã làm.
Buổi sáng ngày 1 tháng 4, chúng tôi ra quán uống cà phê, đồng thời nghe ngóng tình hình, khi trở về thì thấy có rất đông người đổ xô đến đây, đa số trong tình trạng hoang mang lẫn sợ hãi, khi nghe tin thành phố Nha Trang bị bỏ rơi, họ chen lấn la hét ồn ào, ai ai cũng muốn được vào trong bến. Chúng tôi phải cố gắng len lỏi mãi mới vào đến cổng, Quân Cảnh canh gác tại cổng được lệnh cấm không cho bất cứ ai vào, nhưng họ biết chúng tôi từ vùng 1 đến đây đêm hôm qua, nên họ không làm khó dễ, thật là may mắn.
Bây giờ toán người khởi thủy lên tàu ngày 29 tháng 3 chỉ còn lại tôi, một quân nhân (không nhớ tên) và gia đình bác Hai. Bác Hai còn đang suy nghĩ và chưa có quyết định gì, bất chợt xuất hiện một chiếc tàu buôn kéo hai xà lan đầy người vào bến, một người đàn ông đi lên hỏi thăm tin tức trong bến, chúng tôi cho ông biết hải cảng đã bị phong tỏa. Khi thấy bác Hai có chiếc tàu nhỏ, ông nói, ông là chủ chiếc tàu buôn và đề nghị sẽ kéo chúng tôi về Vũng tàu với một điều kiện, sẽ xử dụng tàu của bác làm phương tiện chuyển nước cho hai xà lan. Chúng tôi mừng quá, giống như người sắp chết đuối gặp được chiếc phao, đây đúng là Thượng Đế đã an bài. Đoàn tàu rời Nha Trang trực chỉ hướng về Vũng Tàu, trên đường đi mặc dù đã rất nhiều lần chúng tôi giúp chuyển nước, nhưng không đủ vì hai xà lan quá đông người, vì thế chúng tôi đã được chứng kiến cảnh lấy nước can đảm chưa từng thấy, những thanh niên gày gò trên mỗi vai mang một bọc nylon khá lớn, dùng cả hai tay hai chân bám chặt vào sợi giây cáp nối liền xà lan với tàu rồi từ từ đu xuống, khi mang nước về thì thật là một cố gắng vượt ngoài sức tưởng tượng. Bây giờ họ phải dùng hết sức để leo ngược lên trông thật đáng thương và nguy hiểm vì những bao nylon nước nặng trĩu trên vai, nhất là những người ở xà lan thứ nhì, họ phải xuống và trở về gấp đôi đoạn đường, nếu ai sơ ý tuột tay hoặc đuối sức bị rơi xuống biển, chắc chắn sẽ không có cách gì cứu được, và sẽ bị vùi xác dưới đại dương sâu thẳm, đến xế chiều biển bắt đầu động mạnh, đoàn tàu phải tạt vào vịnh Cam Ranh để tránh bão và nghỉ đêm tại đây.
Ngày 2 tháng 4, đoàn tàu rời vịnh Cam Ranh, nhưng bây giờ chỉ còn lại một chiếc xà lan, chiếc thứ nhì đêm hôm qua đã trôi đâu mất, vì biển động làm sóng lớn nên giây cáp bị đứt, chúng tôi thấy xót xa cho số phận không may của những người trên chiếc xà lan xấu số này, cầu xin bề trên phù hộ cho họ được bình an. Trên đường về Vũng Tàu trời nổi cơn bão lớn, biển động mạnh hơn, từng cơn cuồng phong mang những đợt sóng lớn, đập vào tàu như muốn nhận chìm con tàu nhỏ bé, đáng thương vào lòng đại dương, đang trong tình trạng tuyệt vọng chờ chết, thì phép lạ đã đến, một thương thuyền khổng lồ (không nhớ tên) từ hải ngoại về ngang qua đã cứu đoàn tàu và chúng tôi.
Buổi sáng ngày 3 tháng 4, 1975 chúng tôi đến bãi sau Vũng Tàu, tất cả các tàu bè, chiến hạm đều được lệnh chính phủ tạm neo ngoài khơi chờ lệnh. Hôm nay trời quang đãng, biển trong xanh trông thật đẹp, tôi đến từ giã gia đình Bác Hai, rồi men theo cầu thang bên thành tàu xuống gần mặt biển, tại đây có những ghe nhỏ đưa vào bờ với giá hai trăm đồng một người. Lên bờ tôi đón xe lam về thị xã, trước khi vào phải qua trạm kiểm soát của Tiểu Khu, khi biết tôi di tản từ vùng 1 về họ để tôi đi tự do, nhưng không cho mang vũ khí vào tỉnh, nên tôi phải để lại khẩu M16. Tôi vào chợ Vũng Tàu ăn một bữa cơm canh chua cá biển thật ngon, rồi ra bến xe đò mua vé về Sàigon.
Tại xa cảng xa lộ Biên Hòa, tất cả các quân nhân di tản đều được đưa lên những chiếc GMC đương đợi sẵn, xe vừa đầy là tài xế lăn bánh trực chỉ về Quân Vụ Thị Trấn ở đường Lê Văn Duyệt. khi đến ngã tư Hiền Vương, Hai Bà Trưng xe phải dừng lại chờ đèn xanh, nhân cơ hội bằng vàng này, tôi vội nhẩy xuống xe và chạy nhanh qua bên kia đường. Sau bẩy ngày lênh đênh trên đại dương, từ bãi biển Sơn Chà ngoài Đa Nẵng về tới Vũng Tàu với bao niềm lo âu cùng những nguy hiểm của bão tố, tôi đã gặp thật nhiều may mắn và bao nhiêu phép lạ, cuối cùng tôi đã trở về nhà bình an vào buổi chiều ngày 3 tháng 4 năm 75, xin cám ơn Thượng Đế.
Viết xong ngày 16 tháng 9 năm 2016
Hồng Vũ K5/72