9:41 SA
Thứ Ba
23
Tháng Tư
2024

55 Năm Rồi Mới Gặp! Phan Công Tôn

01 Tháng Mười Hai 201810:03 CH(Xem: 7243)
Kính chuyển
TVQ

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My năm 2018. Thời chiến trước 1975, ông xuất thân Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau đó dự Khóa Căn Bản TQLC ở Quantico, Virginia năm 1963, nhiều  lần bị thương và thăng chức ngay tại mặt trận. Sau gần 10 năm tù hậu chiến, ông vượt biển từ Rạch Giá đến Thái Lan trong tháng Giêng/1987. Đến Mỹ tháng 8/1987 và định cư tại Utah, làm việc cho First Security Bank, Accounting Depart-ment. Đã từng giữ chức vụ Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Utah trongnhiều nhiệm kỳ. Hiện đã về hưu. Bài viết của ông là hồi ký về một bạn thân người Mỹ tử trận tại Việt Nam. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp và hết.

2_Tang Le John A House II at Arlington Cemetery 9.27.2018. pic 2

51 năm sau ngày tử trận, nghi lễ an táng  phi công  John A. House II cử hành sáng 27-9-2018 tại Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington.

3_Tang Le John A House II at Arlington Cemetery 9.27.2018. pic 3 Folding the US Flag (1)

Thiếu Tướng Edward D. Banta thuộc TQLC/HK, Chủ Toạ buổi lễ.

4_WASHINGTON DC 076. Ton. Phia sau la Amy. Fran. Eric va Susan (1)

Tác giả Phan Công Tôn   và quan tài bạn cũ. Phía sau là  Amy, Fran, Eric và Susan.

***

Trước khi viết, tôi nghĩ đến việc đặt cái tên cho bài viết này. Tự dưng trong đầu tôi bật ra lời một bài hát rất quen thuộc Pham Duy phổ thơ:

“Năm năm rồi không gặp.

Từ khi em lấy chồng.

Anh dặm trường mê mãi.

Đời chia như nhánh sông…

… Năm năm rồi trở lại.

Một màu tang ngút trời.

Thương người em năm cũ.

Thương goá phụ bên song …

Câu chuyện thật của cặp vợ chồng  bạn thân của tôi đã kết thúc đau buồn hơn.  Tuy cùng vì cuộc chiến Việt Nam, nhưng người “góa phụ bên song” trong chuyện thật này là bà vợ của một chiến binh Mỹ, thời góa bụa cũng dài hơn tới… 11 lần, so với 5 năm trong  bài “Chuyện Tình Buồn” kể trên.  Do vậy, tựa đề của bài viết này là: “55 năm rồi mới gặp”.

*

Tôi xin tóm tắt nội dung bài “Vùng Trời Quê Bạn”, phần đầu của truyện ngắn: “Năm mươi lăm năm rồi mới gặp”:

Năm 1963 tôi là một Thiếu Uý Thuỷ Quân Lục Chiến, được gởi đi dự Khoá Căn Bản TQLC tại Trường TQLC/Hoa Kỳ ở Quantico, Virginia. Tôi có một anh bạn Mỹ cùng phòng rất thân tên là John A. House II, bạn bè thường gọi là Jack. Anh ta có một cô bạn gái người Hawaiian gốc Nhật, tên là Amy, một cô giáo Tiểu Học tại tiểu bang Oregon. Sau này, Amy xin chuyển về dạy tại Virginia. Khi Jack và Amy tổ chức đám cưới tại Baltimore, Maryland, tôi là người bạn duy nhất trong Trường được mời tham dự đám cưới và làm Rể Phụ. Chúng tôi trở thành một bộ ba rất thân thiết trong suốt khoá học. Sau khi mãn khoá, tôi về nước vào năm  1964, còn Jack thì học thêm một Khoá Phi Hành để trở thành một Phi Công Trực Thăng của TQLC/Hoa Kỳ.

Chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua thư từ và gởi quà cáp cho nhau. Năm 1966 có hai tin vui, Jack được thăng cấp Đại Uý và Amy thì đang có bầu. Đầu năm 1967 Jack đưa Amy về Hawaii và theo đơn vị sang chiến đấu tại Việt Nam từ tháng 2/1967. Không Đoàn Trực Thăng của Jack đồn trú tại vùng phi trường Phú Bài, phía Đông Nam của thành phố Huế. Thời gian này tôi và Jack vẫn thường xuyên viết thư cho nhau. Hai đứa hẹn nhau, khi nào có phép thì sẽ cùng về thăm Sài Gòn và lên thăm quê Đà Lạt của tôi.

Nhưng chưa có phép, chưa có dịp đi chơi Sài Gòn và về thăm Đà Lạt như đã hẹn nhau, thì đùng một cái, trong một phi vụ hành quân chở Toán Trinh Sát vào vùng phía Nam phi trường Phú Bài, trực thăng của Jack đã bị hoả lực phòng không của Việt Cộng bắn hạ trong ngày 30 tháng 6/1967. Khi đó bên Hawaii, Amy vừa sanh cháu trai Eric mới được 28 ngày.

Sau ngày 30 tháng 4/1975 tôi bị đi tù “cải tạo” gần 10 năm dưới chế độ Cộng Sản. Khi được thả ra, tôi đã vượt biển 3 lần trong hai năm 1985 và 1986 nhưng không thành công. Lần thứ 4 vào tháng Giêng/1987 tôi may mắn vượt thoát và đến được Thái Lan. Tám tháng sau tôi được đi Mỹ và định cư tại tiểu bang Utah từ đó đến bây giờ.

*

Đến năm 1998 tôi bắt đầu viết truyện ngắn. Tác phẩm “Vùng Trời Quê Bạn” về Jack và Amy là truyện ngắn đầu tay của tôi. Đến năm 2012 tôi cho xuất bản Tuyển Tập Truyện Ngắn mang tên: “VÙNG TRỜI QUÊ BẠN”, đây cũng là tên của truyện ngắn đầu tiên trong tuyển tập có 10 truyện ngắn này.

Khi tôi có dịp nói chuyện với một số bạn bè người Mỹ và nói về câu chuyện của Jack và Amy qua truyện ngắn “Vùng Trời Quê Bạn”, họ rất thích truyện này và họ yêu cầu tôi dịch truyện này sang tiếng Anh để họ và gia đình họ được đọc câu chuyện rất hay và cảm động này. Đó là lý do vào năm 2015, tôi dịch truyện ngắn này với tên “Fatal Skies” và gởi hoặc trao tay cho một số đông bạn Mỹ quen biết. Sau khi đọc và qua chuyện trò, mọi người đều khen: câu chuyện rất hay và rất cảm động.

Và chỉ có thế!

Cho đến một ngày

Anh Trịnh Văn Muôn, một người bạn thân của chúng tôi tại Tiểu bang Utah, gia đình anh chị tổ chức đón “Giao Thừa Tây” tại nhà trong đêm 31 tháng 12 năm 2017. Anh chị mời vợ chồng tôi đến dự để chung vui với anh chị và tất cả con cháu, gồm khoảng 20 người đều tề tựu về đầy đủ.  Đặc biệt tại bữa tiệc này tôi gặp và làm quen với một người Mỹ tên là Kevin Wheeler (xin phép không tiết lộ tên thật). Kevin có người vợ Việt Nam, cô này ở gần nhà cùng quê với anh chị Muôn (Xã Phú Kiết, Huyện Chợ Gạo, Tỉnh Tiền Giang).

Vợ chồng Kevin nhận lời mời của anh chị Muôn và đã lái xe từ New Mexico tới Utah chiều ngày hôm trước. Vợ chồng tôi được sắp xếp ngồi chung bàn cùng vợ chồng Kevin cho nên suốt mấy tiếng đồng hồ, Kevin và tôi đã trao đổi với nhau qua nhiều vấn đề trong đời sống. Kevin cho biết đã phục vụ trong Cơ Quan An Ninh Tình Báo thuộc Quân Lực Hoa Kỳ và năm 1970 có qua Việt Nam và hoạt động khoảng 4 tháng trong vùng Dak To thuộc tỉnh Kon Tum. Và hơn 20 năm trong đời binh nghiệp, Kevin đã làm việc và đi qua 23 quốc gia khác nhau…

Khi Kevin hỏi tôi: tới Mỹ lần đầu tiên vào năm nào? Tôi có kể chuyện đi học tại Quantico, Virginia vào năm 1963 và có nhắc đến Jack và Amy; câu chuyện dính líu tới bài “Fatal Skies” mà tôi đã dịch sang tiếng Anh hơn 3 năm về trước. Tôi cũng nói cho Kevin biết, từ khi đến Mỹ vào năm 1987 (sau chuyến vượt biển lần thứ 4 đến TháiLan), tôi có gọi về Trường Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Quantico, Virginia hai lần để hỏi tin tức về Amy, nhưng nơi đó không biết gì cả. Kevin cho tôi email address và yêu cầu tôi gởi bài Fatal Skies cho Kevin vì ngày hôm sau vợ chồng Kevin phải lái xe trở về New Mexico.

Hai ngày sau, qua email, tôi gởi bài Fatal Skies (cho Kevin đọc) và bài Vùng Trời Quê Bạn (cho bà xã Kevin đọc). Đợi gần cả tháng, sao không thấy Kevin ư hử gì cả, nên bà xã tôi mới gởi một email hỏi thăm vợ chồng Kevin xem có nhận được 2 bài tôi gởi xuống không? Ngày hôm sau (30 tháng 1/2018) tôi nhận được email của Kevin, ông ta phân trần là sau khi nhận và đọc được bài Fatal Skies, ông ta quá cảm động và đã tự nguyện lao vào “làm việc theo chuyên nghiệp” với mục đích là làm sao có thể tìm ra manh mối của Amy, đứa con trai và thân nhân của Jack, nếu có thể. Cũng giống như cả mấy chục ông bạn Mỹ mà tôi đã gởi bài cho họ đọc trước đây, họ chỉ khen: bài hay và cảm động, rồi … “nín khe”! Do đó, đối với Kevin, tôi cũng không dám “gợi ý” gì thêm cả! Vậy mà, “trời xui đất khiến” như thế nào đó, lần này tôi đã … “trúng tủ”!

Qua email, Kevin gởi cho tôi một tấm hình của Jack, mới xem ảnh, tôi biết đây là … thứ thiệt rồi! Thêm vào đó là tin tức tóm lược phi vụ hành quân của Jack trong ngày 30 tháng 6/1967, Jack tử trận trong ngày hôm đó và hài cốt được tìm thấy hôm 25 tháng 6/2012; tên ba má của Jack cùng năm sanh và năm qua đời, tên hai người em của Jack và tiểu bang họ đang sống. Cuối cùng, cái tin làm tôi “nổi da gà” là số điện thoại và địa chỉ của Amy tại Kailua, Honolulu County, Hawaii!

Trong ngày 30 tháng 1/2018, tôi phải “canh giờ”, vì Hawaii đi sau Utah 4 tiếng đồng hồ. Tôi gọi Amy hai lần, không ai bắt điện thoại cả, đành chỉ để lại lời nhắn với đầy hồi hộp và lo âu, không biết số phone này có đúng hay không? Mãi tới 9 giờ đêm, giờ Utah, Amy gọi lại. Sau khi hai bên hỏi và xác nhận ra nhau, cả hai đầu dây vang lên những tiếng rú  vui mừng lẫn những tiếng khóc nức nở, sụt sùi!

Đã hơn 55 năm rồi, bây giờ mới nghe lại giọng nói của nhau qua biết bao kể lể, tâm sự với biết bao thăng trầm, với biết bao kỷ niệm buồn vui của cuộc sống qua hơn nửa thế kỷ!

*

Trong hai tuần lễ đầu tiên sau khi Amy và tôi liên lạc được với nhau, chúng tôi thật là “túi bụi”! Amy và bà xã tôi cũng có nhiều dịp nói chuyện với nhau qua điện thoại, chúng tôi rất cảm động và quý mến Amy khi biết được rằng năm Jack tử trận, Amy là một goá phụ còn quá trẻ: mới 26 tuổi, vậy mà Amy không tái giá, sống cu ky như vậy cho đến bây giờ! (Năm nay, 2018, Amy đã trở thành “bà cụ” với 77 cái xuân xanh!). Nuôi con trai Eric ăn học và thành tài. Năm 2004 Eric 37 tuổi mới lấy vợ, tên Susan.

Qua Amy, tôi liên lạc được với Mark House, người em trai út của Jack. Năm 1963, khi Jack và Amy làm đám cưới, tôi là chú rể phụ và Mark chỉ là một cậu bé mới lên10. Tôi và Mark thường liên lạc với nhau qua điện thoại và gởi hình ảnh cho nhau qua email. Năm nay, 2018, Mark (65tuổi), vợ là Francis (mọi người thường gọi là Fran), hai vợ chồng có 3 cậu con trai 37, 34 và 30 tuổi. Gia đình Mark/Fran đang sống tại thành phố Pelham, tiểu bang New York.

Amy và Mark cũng cho biết thêm một tin thật là xúc động: Trong hình chụp chung với thân nhân ngày đám cưới của Jack và Amy vào năm 1963, có tất cả 11 người, gồm ba má, các chú, các cô, các dì của Jack; đến bây giờ, 8 người đã qua đời, kể cả cô phù dâu Ingrid Braren. Ba người còn sống là chú rể phụ Tôn, cô dâu Amy và Mark House, cậu em út của chú rể!

Cũng qua Amy và Mark, tôi liên lạc được với Robert House (trong nhà gọi là Bob), Bob là em kế của Jack và là anh của Mark. Ngày Jack và Amy cưới nhau (17 tháng 8 năm 1963) Bob không về dự đám cưới được vì đang là chuyên viên điện tử trên chiến hạm chống tàu ngầm USS Bennington đang hoạt động trong vùng Biển Hoa Nam (the South China Sea).  Bob đã 76 tuổi (năm 2018), vợ là Judy, 72 tuổi; hai vợ chồng có cô con gái lớn 42 tuổi, đang sống ở San Diego và cậu con trai 35 tuổi còn độc thân, có nhà riêng cách nhà cha mẹ khoảng 15 dặm cùng thành phố Meridian, tiểu bang Idaho.

Cũng qua Amy và Mark, tôi rất may mắn và thích thú được làm quen với cựu Trung Tá Mark D. Mariska. Ông thuộc Cơ Quan An Ninh Lục Quân Hoa Kỳ (The U.S. Army Security Agency) với nhiệm vụ cung cấp các tín hiệu và các tin tức tình báo điện tử cho các đơn vị liên hệ. Thời gian ở Việt Nam, ông đươc chỉ định về làm việc chung với Sư Đoàn 3 Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại phi trường Phú Bài từ tháng Giêng cho đến tháng 12/1967, lúc đó Ông mang cấp bậc Đại Uý. Vì đồn trú chung, nên từ tháng 2 đến tháng 6/1967 Ông và Jack trở thành hai người bạn chí thân.  Sau thời gian công tác trở về căn cứ Phú Bài, họ thường bù khú với nhau tại các Bar của đơn vị qua các tiệc tùng và cốc rượu. Nhân dịp sinh nhật của Megan, con gái của Mariska (ngày 4 tháng 5 năm 1967) và của Eric, con trai của Jack (ngày 2 tháng 6 năm 1967) họ làm tiệc ăn mừng chung với nhau …

Từ năm 1972, Mariska không còn đảm nhiệm các chức vụ trong Lục Quân và chuyển qua phục vụ Vệ Binh Quốc Gia và Trừ Bị trong 19 năm. Ông giải ngũ vào tháng 8/1991 sau 29 năm phục vụ.

Tôi và Mariska thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại và email. Vào ngày 26 tháng 2/2018 tôi nhận được một tập tài liệu dày 120 trang cỡ 21.5 x 28 cm do Mariska gởi đến từ thành phố Stamford thuộc tiểu bang Connecticut (nơi ông và gia đình đang cư ngụ).

Trong tập tài liệu này ông đã viết, sưu tập và đúc kết những tài liệu thật là cụ thể, chính xác do các nhân vật có liên quan đến Jack qua quân vụ, những quân nhân thuộc Tiểu Đội Trinh Sát và viên Phi Công Phụ trong cùng chuyến bay với Jack, nhưng còn sống sót. Họ đã viết các chi tiết trong “chuyến bay định mệnh” đó! Ngoài ra, ông có thêm vào trong tập tài liệu này bài “Fatal Skies” (bài “Vùng Trời Quê Bạn” do tôi viết lại bằng Anh ngữ).

Trong thời gian khoảng 8 tháng, từ tháng 2 đến tháng 9/2018, qua Amy (cùng con trai Eric và cô dâu Susan), với hai em của Jack (Robert House & vợ Judy; Mark House & vợ Fran), với cựu Trung Tá Mark D. Mariska & vợ Kathy … Chúng tôi thường xuyên trao đổi tin tức với nhau qua đời sống hiện tại và những tin tức cập nhật hoá liên quan đến cái chết của Jack và 4 đồng đội cùng tử nạn trong ngày bị rớt trực thăng.

Ngoài Jack là Đại Uý Phi Công Trưởng, còn có thêm 4 đồng đội:

  1. Hạ Sĩ I Trinh Sát Glyn L. Runnels,
  2. Hạ Sĩ I Trinh Sát Merlin R. Allen,
  3. Hạ Sĩ Trinh Sát John D. Killen, III, 4. Y tá Quân Y thuộc Hải Quân Michael B. Judd.

Cả 5 bộ hài cốt này được tìm thấy ngày 25 tháng 6 năm 2012, tức là sau 45 năm, qua các toán Hợp Tác Chung của Hoa Kỳ và Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đi tìm “Quân Nhân Mỹ bị Tử Trận/Mất Tích tại Việt Nam.

Sau khi được thử nghiệm và kiểm chứng qua DPAA (The Defense POW/MIA Accounting Agency) và Armed Forces Medical Examiner System, cả 5 bộ hài cốt này được đưa về “The U.S. Army Central Identification Labatory” (Phòng Thí Nghiệm thuộc Cơ Quan Nhận Diện Trung Ương của Lục Quân Hoa Kỳ) tại tiểu bang Hawaii.

Đến năm 2013, hai bộ hài cốt của Allen và Judd được giao lại cho hai gia đình liên hệ để được mai táng theo nghi thức vinh danh của Quân Đội.

Trong quan tài đặt tại Hawaii chỉ còn lại 3 bộ hài cốt của: Jack (tức Đại Uý John A. House II), Hạ Sĩ I Glyn L. Runnels Jr. và Hạ Sĩ John D. Killen III. (Chỉ có Jack là có thân nhân đến thử nghiệm và kiểm chứng, còn hai đồng đội kia không còn thân nhân hoặc gia đình đến kiểm chứng nên Bộ Quốc Phòng và Lực Lượng Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ quyết định: cả ba hài cốt này được nằm chung trong một quan tài và sẽ được mai táng chung cùng một lúc).

Mấy tháng đầu năm 2018, Amy, các em của Jack và cựu Trung Tá Mariska cho tôi biết ngày làm lễ mai táng ba bộ hài cốt khi thì tháng 6, rồi tháng 7, rồi tháng 8 … Nhưng chính xác là vào ngày 18 tháng 6/2018 tôi mới nhận được email của các người liên hệ nói trên thông báo: đã được Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ chính thức xác nhận ngày làm lễ mai táng hài cốt của Jack và hai đồng đội đúng vào ngày thứ Năm, 27 tháng 9 năm 2018 tại Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington lúc 9 giờ sáng.

*

Ngày chúng tôi hồi hộp, xúc động và trông chờ… đã đến!

Thân nhân, bạn bè thuộc các gia đình liên hệ từ các tiểu bang khác nhau như Hawaii, Utah, Idaho, Connecticut và New York đã tề tựu về đầy đủ tại Washington, D.C. từ ngày 25 cho đến 30 tháng 9/2018.

Theo chương trình, từ lúc 7 giờ sáng ngày 27 tháng 9/2018, mọi người tập trung tại tiền sảnh của khách sạn “Sheraton Pentagon City Hotel”.

Đến 8:30 AM rời khách sạn Sheraton. Gần 80 thân nhân và bạn bè được hai xe buýt do Ban Tổ Chức Tang Lễ cung cấp, chở đến khu vực hành lễ ở nghĩa trang Arlington (thời gian lái xe khoảng 20 phút).

Khi đoàn xe đang chạy trong khu nghĩa trang Arlington rộng lớn, hai bên là hàng hàng lớp lớp các mộ bia trắng xoá trải dài mút mắt, có một lúc đoàn xe tạm ngừng lại trước Nhà Quàn của Nghĩa Trang, để các thân nhân trực hệ của các quân nhân quá cố trong lễ mai táng này, xuống xe, tập trung lại để được Giám Đốc Nghĩa Trang Arlington chia sẻ niềm xúc động trong tang lễ và gởi đến tận tay mỗi người một cuốn sách nói về lịch sử và sinh hoạt của nghĩa trang Arlington.

Khoảng 10 phút sau, đoàn xe tiếp tục chạy đến một địa điểm có chiếc xe Limosine chở quan tài đang đợi sẵn. Sáu quân nhân TQLC/HK chuyển quan tài từ xe Limosine qua xe thổ mộ, xe này có 6 ngựa kéo và 3 quân nhân TQLC/HK ngồi trên lưng ngựa điều khiển. Lúc này, theo đúng chương trình, có 2 chiếc máy bay cánh quạt của TQLC/HK bay qua bầu trời trên vị trí đang hành lễ chuyển quan tài.

Tiếp theo, đoàn Quân Nhạc của TQLC/HK với hơn 20 nhạc công trong quân phục áo đỏ, quần trắng và một Trung Đội Dàn Chào có súng với hơn 34 quân nhân TQLC trong quân phục đại lễ: nón casquette trắng, áo đen, quần trắng. Hai toán này rời sân cỏ đang đứng để chuyển đến vị trí trước xe thổ mộ (đoàn Quân Nhạc đi đầu).

Đoàn quân dự tang lễ bắt đầu tiến bước, đi đầu là các Sĩ Quan hướng dẫn, sau đó là toán thủ Quốc Quân Kỳ, đoàn Quân nhạc, Trung Đội Chào Kính, các Sĩ Quan Quân Lễ đi trước xe thổ mộ, 6 quân nhân TQLC bước theo sau xe thổ mộ và sau cùng là đoàn xe của phái đoàn dự tang lễ.

Hôm nay bầu trời D.C. u ám và khi đoàn xe đi gần tới vị trí hành lễ, trời bắt đầu đổ mưa, cơn mưa nhẹ chớm Thu của miền Đông nước Mỹ. Tôi hình dung những giọt mưa đang thay cho nước mắt, khóc cho cái buồn của tang lễ đầy xúc động này!

Tại vị trí hành lễ, một cái lều đã được dựng lên, trong lều chỉ có hai hàng ghế xếp, dành cho một số thân nhân trực hệ của những người quá cố. Phía trước lều, bên trái, có đặt hai vòng hoa tang của Không Đoàn Trực Thăng HMM 265 và của Lực Lượng Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ; bên dưới là 5 bảng trắng bọc plastic đen được dựng đứng trên thảm cỏ, mỗi bảng có ghi tên người quá cố với cấp bậc, đơn vị, ngày tử trận và ngày mai táng.

(Nước Mỹ quả thật xứng đáng là một nước văn minh và dân chủ đáng ngưỡng mộ! Các quân nhân có công trận với tổ quốc, không phân biệt cấp bậc, đều được ân thưởng qua những nghi thức trang trọng như nhau).

Sáu quân nhân TQLC/HK nhịp nhàng khiêng quan tài từ xe thổ mộ vào đặt trong lều trước hai hàng ghế.

Amy ngồi đối diện với quan tài nơi hàng ghế đầu, bìa bên phải, kế đó là Eric.

Nhìn quan tài của Jack. Rồi nhìn Amy với ánh mắt đăm chiêu và thật buồn. Tôi liên tưởng đến cảnh trở về của Jack qua bài hát “Kỷ Vật Cho Em”, thơ Linh Phương do Phạm Duy phổ nhạc:

“Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại

Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về.

… Anh trở về, anh trở về, hàng cây nghiêng ngả

Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa …”

Amy ơi! Jack đang trở về đó! Cái hẹn “mai mốt anh về” của Jack sao dài hun hút đến như vậy?!

Jack đang trở về với người vợ hiền, chung thuỷ qua hơn 51năm trời chờ đợi.

Jack đang trở về với đứa con trai duy nhất mà Jack chưa hề gặp mặt.

Jack ơi! Hôm nay có đông đủ thân nhân và bạn bè đến đưa tiễn bạn.

Có lẻ bạn đang vui lắm, có phải không?

Mưa ngừng rơi trước khi nghi lễ chính thức bắt đầu!

Thiếu Tướng (2 sao) Edward D. Banta thuộc TQLC/HK, đại diện cho Tư Lệnh TQLC/HK làm Chủ Toạ buổi lễ. Đại Uý Hải Quân Hoa Kỳ/Kiêm Giáo Sĩ, điều hành các nghi thức tôn giáo.

Sau các nghi thức hành lễ như vinh danh, lễ bắn 21 phát súng và kèn truy điệu cho các chiến sĩ đã hy sinh. Cuối cùng là lễ Thu Kỳ đang phủ trên quan tài.

Sau khi thu kỳ xong, lá Quốc Kỳ Hoa Kỳ đã được gấp lại thành hình tam giác, một vị Sĩ Quan trao lá cờ này cho Thiếu Tướng Chủ Toạ. Khi bước vào lều, Thiếu Tướng Edward D. Banta tới trước mặt Amy, quỳ xuống trên đầu gối phải và trân trọng trao lá Quốc Kỳ cho Amy. Sau đó, một vị Sĩ Quan khác cũng trao một lá Quốc Kỳ khác cho một phụ nữ, chị của Trinh Sát Viên Killen. Ngoài ra, các thân nhân trực hệ của những tử sĩ này, mỗi người còn được nhận một bản (plaque) cám ơn có chử ký của Đại Tướng Robert B. Neller, Tư Lệnh Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.

Sau phần nghi lễ, mọi người luân phiên nhau lên đứng cạnh quan tài để cầu nguyện và chia tay với các tử sĩ.

[Mặc dù trong quan tài chỉ còn hài cốt của 3 chiến sĩ: John A. House II, Glyn L. Runnels Jr. và John D. Killen III, tuy nhiên, theo nghi thức, vẫn có bảng tên của cả 5 chiến sĩ tại địa điểm hành lễ và họ cùng được làm lễ vinh danh và truy điệu chung với nhau].

Sau đó Ban Tổ Chức đã hướng dẫn một số thân nhân đi thăm vị trí sẽ đào huyệt chôn quan tài, dự trù sẽ chôn vào chiều nay sau khi mọi người đã ra về. Tôi cũng đi theo tới xem vị trí mộ phần, cách vị trí hành lễ khoảng 100 thước, và ghi nhận được, đây là Mộ phần số 11865 trong Khu vực 60.

Khi đang bước trên bãi cỏ xanh mướt để trở lại vị trí hành lễ, tôi chợt nhớ lại sáng nay tại khách sạn Sheraton.  Điều làm tôi háo hức qua trông chờ, đó là dịp tôi được gặp lại Amy và Mark House sau hơn 55 năm xa cách! Không có gì so sánh được với niềm vui và nỗi xúc động trong dịp tái ngộ đầy kỳ thú này!

Cũng trong dịp này, lần đầu tiên vợ tôi mới được giáp mặt với Amy và Mark House. Và vợ chồng tôi, cũng là lần đầu tiên mới được gặp Fran, vợ Mark House và ba cậu con trai; Bob House và vợ Judy; và cựu Trung Tá Mark Mariska, dù đã quen biết nhau qua email và điện thoại từ hơn 8 tháng nay.

Tại tiền sảnh của khách sạn Sheraton, chúng tôi có hơn một tiếng rưởi đồng hồ quây quần bên nhau qua những cái bắt tay, những lần ôm vồ lấy nhau, những câu hỏi ríu rít, những cái nhìn cho nhau diễn đạt niềm vui và nỗi xúc động. Và đặc biệt nhất là với những giọt nước mắt chan chứa buồn, vui với tràn đầy tình thương mến …

Sau những vồn vã, rộn ràng với người thân của Jack, hình ảnh Jack như hiện về để cùng hoà nhập…

  • Jack tử trận vào ngày 30 tháng 6/1967.
  • Hài cốt được tìm thấy ngày 25 tháng 6/2012, tức là sau 45 năm.
  • Quan tài được mai táng ngày 27 tháng 9/2018, tức là 51 năm sau   ngày tử trận.
  • Jack qua đời, để lại một vợ, Amy và một con trai, Eric. Cháu Eric sanh  ngày 2 tháng 6/1967, chỉ mới được 28-ngày-tuổi, ngày bố Jack qua đời!

Jack ơi! Dù có buồn đau, có tiếc thương, có luyến nhớ mỗi khi nghĩ đến bạn nhưng với kinh nghiệm của đời mình qua gần 80 năm, tôi dường như bất lực và đành phải tuân theo định mệnh mà Thượng Đế đã ban cho, đã tạo ra, đã sắp xếp cho mỗi con người của chúng ta trong cõi trần thế này!

Chúng ta, và ngay cả với những người chống tiêu cực hoặc chống yếm thế, cũng không làm được gì trong việc muốn xoay ngược hoặc đổi thay sự sống hay cái chết cho đời mình. Và cuối cùng, mọi người đành phải “nhắm mắt đưa chân” đi theo con đường số mệnh đã được Thượng Đế an bài!

Nghĩ đến điều này, tôi cảm thấy nguôi ngoai hơn, trút bỏ bớt được gánh nặng đau buồn vì bạn, vì mọi người thân trong gia đình bạn và những bạn bè gần xa của bạn.

Từ tiểu bang Utah xa xôi, vợ chồng tôi về đây tham dự lễ an táng của bạn tại nghĩa trang Arlington này. Suốt trong buổi lễ, hình ảnh bạn hiện về và phủ ngập ký ức của tôi. Tôi nói chuyện với bạn và cầu nguyện cho bạn. Lúc đặt bàn tay lên quan tài của bạn để chia tay, tôi đã thì thầm:

Jack ơi! Bạn chưa chết! Bạn vẫn còn đó. Bạn vẫn lái trực thăng. Bạn vẫn tiếp tục bay.

Bạn đang bay qua trái tim của Amy, của Eric và vợ cháu, của các em Bob, Mark House và vợ con họ; của thân nhân và bạn bè (kể cả Mark Mariska).

Mọi người đang nghĩ đến bạn với thật nhiều tiếc thương và nhung nhớ.

Và đặc biệt, trong lòng người bạn chí thân và đầy tình nghĩa này qua hơn 55 năm… bạn mãi mãi vẫn còn sống.

Và mãi mãi vẫn còn bay nơi vừng hồng rực sáng trong trái tim tôi!

Phan Công Tôn

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Chín 2014(Xem: 10292)
Làm người lương thiện bây giờ vất vả quá… biết đâu đến một lúc nào đó những nhà tù kia mới chính là địa chỉ mà người lương thiện cần đến cho mình.
04 Tháng Chín 2014(Xem: 13113)
ông Trường vẫn đều đặn dự thánh lễ mỗi ngày tại nhà thờ Holly Cross ở đường West 42nd St
02 Tháng Chín 2014(Xem: 11396)
Một chính quyền không những tước đoạt tài sản, sự tư hữu của nhân dân, lại còn tước đoạt luôn cả quyền được tự bảo vệ của dân
02 Tháng Chín 2014(Xem: 10108)
dù ở đâu cũng thấy cảm thấy một nỗi bùi ngùi, nhớ tiếc. 60 năm Sài Gòn, hồn ở đâu bây giờ?
29 Tháng Tám 2014(Xem: 11648)
Tên tù trong câu chuyện hẳn sẽ nể phục cái khoảnh khắc người đàn bà này đã làm nên.
22 Tháng Tám 2014(Xem: 9348)
Xin người hãy thương xót cho dân tộc và đất nước Việt Nam còn đang chìm đắm trong tối tăm và gông xiềng cộng sản
21 Tháng Tám 2014(Xem: 9988)
Phan Ái Minh, người bạn đa tài của tôi, và nhớ tới những vì sao sớm vụt tắt trên bầu trời tuổi thơ của chúng tôi thuở trước
19 Tháng Tám 2014(Xem: 15254)
Nếu bạn chưa xem, nên tìm xem bộ phim này để biết về hoàn cảnh của các ngư dân Lý Sơn và ngư trường Hoàng Sa.
14 Tháng Tám 2014(Xem: 10878)
Mai chưa hề đọc thánh kinh, nhưng nàng đã biết chọn chỗ ngồi thấp nhất để được nâng lên cao nhất trong lòng chồng con.
09 Tháng Tám 2014(Xem: 10508)
Có lẽ giờ này bà đã bước vào cảnh giới nào đó, làm gì còn luẩn quẩn ở cõi ta bà này để trách móc thằng con ăn hại
05 Tháng Tám 2014(Xem: 10091)
Dân tôi đang cùng Việt Khang đặt bước chân mình trên con đường dẫn tới những ngày vinh quang cho quê mẹ./.
30 Tháng Bảy 2014(Xem: 10559)
ở bên kia địa cầu, trên ngọn đồi Tăng Nhơn Phú, có vợ chồng anh lính trẻ mỗi sáng chủ nhật cầm tay nhau để đi lễ nhà thờ.
26 Tháng Bảy 2014(Xem: 11324)
không hề có một giai cấp nào trong đồng bào miền Bắc của đất nước mình, mà chỉ có một cuộc sống không được chọn lựa nào đó
24 Tháng Bảy 2014(Xem: 13385)
Kẻ thù còn đó mà nhiệm vụ cứu quốc chưa hoàn thành thì lòng nào đành đoạn dứt bỏ "huynh đệ chi binh".
21 Tháng Bảy 2014(Xem: 10036)
Ruộng đồng lúa mọc lơ thơ Máu pha nước mắt ngập bờ tre xanh!
20 Tháng Bảy 2014(Xem: 9080)
“hạnh phúc – nhỏ nhoi so với nỗi đau ngút ngàn phải trải qua”
19 Tháng Bảy 2014(Xem: 11686)
Nhà “ngoại cảm” đã đem theo bí mật xuống đáy mồ.
28 Tháng Sáu 2014(Xem: 11575)
Họ là những anh hùng không tên tuổi Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
22 Tháng Năm 2014(Xem: 11640)
Sắc không sao ngăn nổi mấy giọt nước mắt từ từ lăn xuống, quyện với mồ hôi làm lưỡi anh mặn chát.
05 Tháng Năm 2014(Xem: 9814)
Con cầu xin để bài học về “Lá Cờ”
03 Tháng Năm 2014(Xem: 10523)
Cuộc sống an vui. Ngót 20 năm rồi, không biết khóc, đêm nay tôi nhỏ từng dòng lệ, xúc động, bùi ngùi.
01 Tháng Năm 2014(Xem: 10315)
Thân xác em như chiếc lá thu ngoài sân trại tỵ nạn Sikiew ngày nào, đang hòa tan vào trong lòng đất
25 Tháng Tư 2014(Xem: 13083)
Xin một phút mặc niệm để tưởng nhớ những đồng đội cũ và những mũ nâu đã gục ngã trong cuộc chiến bảo vệ Tự Do cho miền Nam Việt Nam trước đây
24 Tháng Tư 2014(Xem: 12104)
Không biết thằng nhỏ đó – bây giờ cũng đã trên bốn mươi tuổi -- ở đâu ? Cha con nó có gặp lại nhau không ? Nếu nó còn mạnh giỏi, tôi xin Ơn Trên xui khiến cho nó đọc được mấy dòng nầy…
12 Tháng Tư 2014(Xem: 9269)
Bây giờ, tôi không biết vì sao mình đang khóc! Cho số phận của Việt Nam. Cho những người đã nằm xuống. Cho những người còn ở lại. Cho chính mình và cho những người quanh mình vừa chính thức bước vào cuộc đời di tản.
02 Tháng Tư 2014(Xem: 17293)
Chúng tôi không còn là chúng tôi nữa, chỉ vì chúng tôi là chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ miền Nam tự do,
01 Tháng Tư 2014(Xem: 12446)
Nào ngờ đồng bào đi trước, giặc cướp trộn trấu theo sau, vì dĩ nhiên "lòng súng nhân đạo, cứu người lầm than" của những người anh em Trâu Điên tách bầy
31 Tháng Ba 2014(Xem: 9855)
Trong những giấc mơ đôi lúc tôi thấy ba thằng chúng tôi nằm bên nhau, ngâm nga thơ phú trên ngọn đồi có nhiều tảng đá, một bên là núi một bên là biển, giữa bầu trời vằng vặc trăng sao
29 Tháng Ba 2014(Xem: 11582)
Chúng ta phải cố gắng hết sức mình, bằng tất cả nghị lực, để xoá tan khoảng cách của hận thù, để trái tim lên tiếng tình thương !
27 Tháng Ba 2014(Xem: 10803)
Trong lịch sử dân tộc ta, dường như chưa có thời kỳ nào mà số phận của nhiều người con gái, phụ nữ Việt Nam lại bi thương rẻ rúng như bây giờ.
25 Tháng Ba 2014(Xem: 12481)
Các ông suốt đời chỉ trích ta bà thế giới. Sao các ông không dám nói, chính các ông mới là thủ phạm, mới là tội đồ thiên thu, làm Miền Nam nước Việt sụp đổ vào tay cộng sản.
24 Tháng Ba 2014(Xem: 13127)
Tôi viết bài này chỉ có mục đích thông tin về người nghệ sĩ tài hoa đã làm nên một bức tượng Tiếc Thương để lại trong lòng mọi người và anh có dịp tâm sự với bạn đọc
21 Tháng Ba 2014(Xem: 10693)
Phần lớn con trai có tánh này nhiều hơn. Chúng mang mầm bệnh tâm lý về sự ẩn ức dục tính.”
09 Tháng Ba 2014(Xem: 10208)
06 Tháng Ba 2014(Xem: 10746)
Chỉ tội cho người dân, với bộ mặt ” không giống ai ” vì bị tô son trét phấn, có nhăn nhó vì đau quặn ruột người ta cũng vẫn thấy như đang…cười !
05 Tháng Ba 2014(Xem: 8667)
Chung vui với nước Úc chăng? Chắc phải làm thế, vì bà ra đi là quốc gia rất tử tế này bớt đi được một người thù ghét nước Úc.
02 Tháng Ba 2014(Xem: 9297)
Chúng tôi đang bị sa cơ thất thế - Đau hơn nữa là cảnh sa cơ thất thế của chúng tôi không phải vì tài hèn, sức mọn, mà vì bị đồng minh trói tay
02 Tháng Ba 2014(Xem: 9831)
Hay họ chỉ cần một vòng tay, một tình thương yêu của người vợ, người con, người mẹ mà họ bật lên những tiếng kêu đó, để gọi bà vào?
01 Tháng Ba 2014(Xem: 11990)
Cha đã cởi áo trần gian và nằm lại vĩnh viễn với Charlie.Còn tôi, tôi chỉ biết hỏi là tại sao Cha lại không giữ lời hứa với mẹ tôi? Tại sao và tại sao…?...
25 Tháng Hai 2014(Xem: 9865)
Nên hãy quên ngay những mất mát, hãy trân trọng giữ gìn những cái được rất đáng quý, đừng để nó trôi tuột khỏi tầm tay
24 Tháng Hai 2014(Xem: 11815)
Rồi một ngày nào đó bạn sẽ thấy rằng tiền không phải là trên hết. Điều làm cho cuộc đời mình có ý nghĩa, ấy là phải trung thành. Tôi đã từng bất trung. Và đã phải thông qua những kinh nghiệm chua chát.”
22 Tháng Hai 2014(Xem: 10182)
lòng yêu nước và tinh thần dấn thân vẫn còn và mơ ước một ngày nào đó được bay trên vùng trời Tổ Quốc Việt Nam Tự Do .
18 Tháng Hai 2014(Xem: 12053)
Người dân quê mình không còn hơi sức đâu mà buồn mà lo lắng, suy nghĩ. Thời gian để sống dường như càng ngày càng vội vã mà gông cùm thì siết quá chặt.
18 Tháng Hai 2014(Xem: 10946)
Trong khi người ta thành khẩn dúi tiền vào tay Phật, thì lại vô cùng thờ ơ với hàng dài người ăn xin ngồi ngay lối đi vào chùa. Cái nghịch cảnh ấy vô tư diễn ra trước nơi được coi là Thánh Thiện.
16 Tháng Hai 2014(Xem: 11015)
Tôi chỉ có một ước muốn khiêm nhường là làm sao nói lên được lòng yêu nước và cố giữ đúng phong thái của một Sĩ quan xuất thân trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.
11 Tháng Hai 2014(Xem: 10894)
Dẫu biết ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, sống đâu theo đó, nhưng sao tôi vẫn thấy nao lòng vì ở quê nhà giờ này, gia đình nào chắc cũng đang quây quần, sum họp…
01 Tháng Hai 2014(Xem: 10363)
Hà đợi cho tàn hết một tuần nhang, mở cửa ra trước hiên nhà, cầm tách trà rót xuống mặt đất tân niên. Những cánh mai trong tách như theo nhau trôi vào lòng đất.
29 Tháng Giêng 2014(Xem: 10330)
nhiều người nặng lòng với nhiều cái chết năm Mậu Thân, họ đã dùng phần lớn quĩ thời gian của mình để phục vụ những việc âm linh.
28 Tháng Giêng 2014(Xem: 9470)
Nhưng điều này bây giờ đâu còn có ý nghĩa gì khi Ngộ đã thực sự bước ra khỏi đám mây mù quá khứ. Tất cả như đã cuốn theo dòng nước chảy qua cầu.
14 Tháng Giêng 2014(Xem: 10182)
Em gái Hoàng Sa Em đẹp như bài ca Thân em dài thon thả Nằm giữa biễn trời xanh