5:58 SA
Thứ Năm
28
Tháng Ba
2024

MẸ TÔI HOÀNG NGUYÊN LINH

04 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 19764)

 MẸ TÔI

Viết theo tâm sự của người con một đời phải xa mẹ 

Hoàng Nguyên Linh


 


Sách vở, báo chí, đài phát thanh và truyền hình nguời ta nói nhiều về mẹ. Đa số đều nhắc đến những kỷ niệm êm đềm bên nguời mẹ hiền, nhưng tôi thì khác. Tôi có mẹ mà như không có. Nỗi buồn này hầu như theo đuổi suốt cuộc đời tôi… 

Mẹ tôi là nguời vợ thứ hai của bố tôi. Bố tôi là một địa chủ khá giầu, đã có vợ cả và nhiều con nhưng bố tôi lại là một người ham mê sắc đẹp nên ông đã lấy mẹ tôi. Tôi không nhớ rõ mẹ tôi đẹp thế nào, chỉ nhớ mẹ tôi có đôi môi hồng, làn da trắng, người cao cao, mặt trái xoan, nhưng nghe bố tôi nói thì mẹ tôi đẹp lắm nên ông quyết lấy cho bằng đuợc dù phải bỏ ra rất nhiều tiền.
Gia đinh bên ngoại không giầu bằng bên nội nhưng ông ngoại tôi có nhiều con, hình như có tới tất cả 11, 12 người, trong đó có 8 người con gái. Hai người chị của mẹ tôi đã lấy hai người em họ của bố tôi. Cũng vì bố tôi hai vợ nên tôi đã phải chịu những sự đau buồn, tủi nhục. 

Ở ngoài Bắc thời xưa, đa số các ông địa chủ có tiền đều thi nhau lấy nhiều vợ. Ông nội tôi có 3 vợ, bố tôi có 2, nhưng ông nội tôi là nguời có bổn phận và có trách nhiệm. Tuy có 3 vợ nhưng mỗi bà ở một nơi, mỗi bà một giang sơn riêng nên không có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra, nếu có ghen tuông chắc không đến nỗi trầm trọng. Bố tôi không như ông nội tôi, bố tôi lấy vợ hai về song lại để hai bà ở chung với nhau nên mới gây ra nhiều chuyện phiền phức sau này, sự ghen tuông hầu như đã xẩy ra hàng ngày, tôi nghe cô tôi nói vậy.

Tôi ra đời một năm sau khi mẹ tôi lấy bố tôi. Cũng vì tôi là con trai nên sự ghen tuông càng đi đến chỗ quyết liệt hơn. Bà cả sau khi sanh người con trai đầu lòng thì sanh liên tiếp 4 người con gái. Bà đi xem bói, thầy bói nói rằng số của bố tôi chỉ có 2 người con trai thôi, bà cả nghỉ rằng bà không thể có con trai thêm nữa, vậy là tại mẹ tôi đã lấy đi phần con trai của bà. Như sợ mất thế lực với mẹ tôi nên sự ghen tuông càng tăng lên, bà cả bảo với bố tôi là một mình bà đẻ đủ rồi, lấy mẹ tôi về là để làm lụng chứ không phải để đẻ nên bà nghỉ cần phải loại trừ mẹ tôi ra khỏi nhà cho bằng đuợc. Trời mùa Đông giá lạnh mà bà cả nhẩy xuống ao đòi tự tử.

Bố tôi sống trong cảnh ghen tuông thì mệt quá, đáng lẽ làm như ông nội tôi tức là đưa bà hai ra ở riêng một nơi thì bố tôi lại không làm thế… Mẹ tôi sau khi sanh ra tôi vì không chưng diện, ăn mặc xuề xoà nên sắc đẹp không đủ để lôi cuốn bố tôi. Bố tôi một phần vì mệt với sự ghen tuông, một phần vì nhan sắc mẹ tôi không còn như xưa nữa nên ông đã thờ ơ, lạnh nhạt với mẹ tôi, để mặc mẹ tôi muốn làm gì thì làm. 

Mẹ tôi sống trong cảnh ghen tuông của bà cả và sự thờ ơ của chồng nên đã phải ra đi, chịu cảnh bơ vơ trong tay không có một đồng ! Tôi được giữ lại trong nhà để làm em một anh và bốn chị.
Giai đoạn này tôi còn bé nên không biết gì, lại nữa vì thầy bói nói số của bố tôi chỉ có hai con trai nên vai trò “con trai” của tôi đã giúp tôi đỡ khổ. Tôi thực sự khổ từ khi biết nhận thức, tức là lúc 6, 7 tuổi trở đi.
khi tôi đuợc 5 tuổi thì bà cả sanh thêm được người con trai nữa, thế là thầy bói đã nói sai và vai trò “con trai” của tôi không còn cần thiết, tôi như bị bỏ rơi. Hai người hành hạ tôi nhiều nhất là bà nội và người chị lớn. Bà nội rất mực yêu thương người con trai mới sanh sau này của bà cả. Bà nội yên tâm khi có đuợc người cháu trai phòng hờ để sau này có người cúng giỗ và thờ phượng, chứ một người cháu lớn bà chưa yên tâm…
Nguời ta nói đến mẹ, nói đến bà như một kỷ niệm đẹp, nào bà ôm cháu vào lòng, bà kể chuyện cổ tích cho cháu nghe, mẹ thì xoa lưng con, hát ù ơ ru con ngủ v.v.. nhưng tôi lại khác, tôi không có đuợc cái kỷ niệm đó. Bà nội tôi và chị tôi thường hay đánh tôi vào đầu, hai người này thường dùng tay để “cốc” tôi. Cốc tức là cong ngược 4 ngón tay lại để chìa ra 4 đốt xương và đập vào đầu. Chỉ những ai đã bị cốc mới biết đuợc cái đau buốt trong đầu, nhất là đầu của một đứa trẻ mới 6, 7 tuổi. Tự điển Nguyễn Văn Khôn định nghiã “cốc” ( knuckle) tức là đánh một vật gì bằng khớp xương của ngón tay, thực ra phải nói “cốc” tức là đánh vào đầu bằng khớp xương của ngón tay mới đúng, chứ nếu đánh vào tay, chân, lưng, bụng thì không đau và cũng không ai nói “cốc” vào lưng, vào bụng bao giờ. 

Không những chỉ đánh mà còn chửi, mang tên mẹ tôi ra để chửi, gọi mẹ tôi là con này, con nọ, mang cả tên ông ngoại tôi ra chửi, gọi tôi là “ giống thằng cả Thiều ” tức là tên ông ngoại tôi. Chị tôi có nét mặt thật ác, bố tôi bảo những đứa mà mắt nó có ve là ác lắm, tôi cũng không biết mắt có ve là mắt thế nào, chỉ nghe bố tôi nói vậy. Nhưng trái ngược với chị tôi, bà nội tôi ai cũng khen là bà cụ đẹp lão và phúc hậu, tóc bà bạc trắng hết cả đầu. Mỗi khi tôi thấy có người khen dù còn bé nhưng tôi cũng lấy làm ngạc nhiên, bà nội ác với tôi như thế mà họ khen bà phúc hậu kể cũng lạ. Ngày nay tôi mới hiểu ra là sở dỉ bà nội ghét tôi là để lấy lòng bà cả. Bà nội tưởng bà cả ghét mẹ tôi tức là ghét tôi nên bà nội muốn mọi nguời thấy rằng nay bà nội đứng về phía bà cả và những người con bà cả. Ngoài tôi ra, bà nội chưa hề đánh hay chửi một người cháu nào bao giờ. Việc đánh chửi tôi nhiều quá đã khuấy động lương tâm bà cả.

Chính bà cả đã than với nhiều người mà tôi nghe đuợc “Ngày xưa mẹ nó ở nhà thì bà bênh vực mẹ nó, về phe với mẹ nó, nay mẹ nó đi rồi sao bà lại ghét nó quá vậy !”. Bà cả chỉ ghen với mẹ tôi nhưng tốt với tôi và cũng rất thương tôi, có lẽ bà tội nghiệp tôi, tội nghiệp cho một đứa trẻ cô thế. Tôi không hề oán trách bà về chuyện ghen tuông với mẹ tôi vì tôi hiểu đó chỉ là sự thường tình giữa hai nguời đàn bà có chung một chồng. Tôi vẫn thầm cám ơn bà đã không đối xử tệ với tôi như những nguời mẹ ghẻ khác. Truớc khi chết bà còn căn dặn người chị kế tôi là lúc nào cũng phải nói tôi là con trai của bà. Chỉ nói có thế rồi bà nhắm mắt. Có thể trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời bà đã có sự ân hận. Ngày nay tôi vẫn thờ cúng bà như mẹ ruột của tôi đúng như bà đã mong muốn. 
Nỗi khổ thứ hai của tôi là bị chế diễu, trêu chọc bởi những đứa cùng lớp, cùng tuổi. Chúng gọi tôi là “ thằng không có mẹ ”. Tôi rất xấu hổ khi có người biết tôi không có mẹ, biết tôi là con người vợ thứ hai của bố tôi. Đã thế tôi còn bị đặt tên là “Thứ” (là con nguời vợ thứ) để khỏi lẫn với con người vợ cả. Cũng vì sợ có người biết và chế nhạo nên mỗi lần gặp mẹ là tôi sợ run lên. Nhưng mẹ tôi không biết tôi sợ nên bà hay đón tôi lúc tan trường. Mẹ tôi thường mặc áo nâu, yếm màu đỏ nhạt, trên đầu chít khăn mỏ quạ, miệng cười rất tươi mỗi khi gặp tôi.

Mẹ tôi từ khi bỏ nhà ra đi , bà buôn bán hàng xén, gánh những đồ lặt vặt ra chợ bán như cái kim, sợi chỉ để sống qua ngày. Tôi không biết rõ mẹ ở đâu, hình như vừa ở nhà ông ngoại, vừa ở nhà họ hàng hay bạn bè gì đó. Tôi sợ bị chế diễu nên tuyệt đối không dám nghĩ tới mẹ và cũng không dám nói chuyện với ai về mẹ. Mỗi khi đi học về gặp mẹ là tôi chạy trốn để khỏi phải ở bên bà. Tôi chưa kịp trông thấy mẹ thì mấy đứa trẻ cùng lớp đã gọi “Thứ kìa, bu của Thứ kìa !” thế là tôi lại phải một phen sợ hãi. Có lần đi ngược chiều với mẹ, tôi không thể chạy thoát đuợc. Mẹ tôi nắm tay tôi và nói: “Thứ lại đây với bu, con của bu ngoan, bu thương con…” Tôi giật tay ra khỏi mẹ và hét: “Bỏ tay nguời ta ra, bỏ ra ! bỏ ra !” rồi tôi vụt chạy. Cũng có lần mẹ nắm đuợc tay tôi lâu hơn và bỏ tiền vào túi tôi. Hôm ấy về nhà, bị bà chị lớn vặn hỏi, tôi sợ quá vất tiền vào gầm giuờng và thầm trách sao mẹ tôi lại cho tiền để tôi bị mắng.

Tuy sợ hãi như vậy nhưng tôi lúc nào cũng mong mẹ tôi về với tôi, để tôi có mẹ ở bên như những đứa trẻ khác, tôi sẽ không bị mấy đứa trẻ chê cuời là “thằng không có mẹ” nữa. Sự khao khát có mẹ không phải chỉ trong lúc còn bé mà ngay cả khi tôi trưởng thành. Tôi nhớ lúc đã là sinh viên ban Cao học, tôi quen một cô nữ sinh Trưng Vương, tôi với nàng tình cảm chưa có gì đậm đà nhưng tôi quý bà mẹ của nàng, bà rất dịu dàng, ôn tồn, bà bảo tôi: “ cháu uống ly nuớc chanh cho mát ”, “ cháu uống ly nuớc trà cho ấm ” mỗi khi trời trở lạnh hoặc “ cháu đợi một lát em ra bây giờ … ”. Bà ngồi bên tôi, nụ cười của bà thật hiền hậu, bà hỏi han tôi những câu chân tình mà trong đời tôi chưa bao giờ có ai hỏi tôi như vậy. Mỗi lần đến chơi tôi mong đuợc gặp bà, được nói chuyện với bà hơn là gặp nguời con gái út của bà. Ngày nay mỗi khi tôi nghe ai nói đến mẹ hiền là tôi liên tuởng tới bà. 

Tôi cũng hay đi chơi với người con trai thứ hai của cô tôi. Cô tôi thương con trai rất mực, mỗi khi bọn tôi đi chơi về khuya cô tôi nhẹ nhàng trách con “ Sao con đi chơi về khuya quá vậy? ” hoặc “ Con nhớ về sớm không rồi lại ho ”. Con trai cô muốn được tự do, không muốn bị gò bó, nhung ngược lại tôi thèm có đuợc nguời mẹ săn sóc như vậy mà tôi không có. Tôi đã đọc nhiều lần cuốn Bông Hồng Cài Áo. Mỗi lần đọc càng khiến tôi thêm buồn, thêm tủi cho một người con có mẹ mà không được ở bên, có mẹ mà không dám nhận mẹ mình là mẹ. 
Tôi sống trong sự khiếp sợ mọi người trong gia đình. Bản năng tự vệ của một đứa trẻ trong tôi thúc đẩy tôi phải thật ngoan, thật lễ phép cho tôi bớt bị hành hạ. Tôi nghĩ rất đơn giản là mẹ tôi bị mọi nguời trong nhà ghét, tôi cần phải từ khuớc mẹ thì tôi mới là đứa trẻ ngoan, đứa trẻ có hiếu trong gia đinh. Nhưng mấy nguời thợ làm cho nhà tôi, họ không biết lại chửi tôi là đứa con bất hiếu, tệ bac, không nhìn nhận mẹ đẻ ra mình. Lúc đó tôi không hiểu và lấy làm lạ tại sao tôi là đứa trẻ ngoan ngoãn, không bao giờ dám cãi lại ai trong gia đinh mà họ lại chửi tôi là đứa con bất hiếu. Tôi nghe người nhà nói mẹ tôi tranh để làm vợ cả không được nên bỏ nhà ra đi. Như vậy là mẹ tôi bỏ tôi, chứ tôi đâu có bỏ mẹ, còn tôi đến gần mẹ thì tôi bị chế diễu, chê cười và nhất là sợ người nhà, tôi đâu có làm gì khác hơn đuợc… 

Sự ngoan ngoãn, sợ sệt của tôi chỉ đuợc lòng bà cả và người anh lớn, còn đối với bà nội và người chị thì không lay chuyển đuợc. Có lần chị lớn đánh tôi đau quá cũng động lòng bố tôi. Bố tôi không có một sự ngăn cản nào nhưng rủ tôi ra ngoài ruộng xem mấy người nông dân gặt lúa cho nhà tôi. Gió đồng thổi nhẹ làm lay động những bông lúa vàng tạo nên âm thanh êm dịu và bay lên mùi thơm của lúa mới. Tôi cảm thấy thật thoải mái, tôi chạy nhẩy tung tăng đi bắt những con cào cào, châu chấu và đã quên đi cái đau do chị tôi đánh lúc ban trưa. Nhưng tối về tôi bị người chị chửi một trận: “ Chỉ có một mình bố bênh mày, còn mọi người ghét mày, bố không làm gì được đâu ! ”.

Gần đây tôi có đọc một truyện ngắn của một tác giả vô danh, đại ý câu chuyện nói về tâm sự của một người con có mẹ mù một mắt. Đứa trẻ bị bạn bè chế nhạo và gọi là “ cái thằng có mẹ một mắt ” nên rất xấu hổ khi đi với mẹ, không muốn ai biết về mẹ mình, không dám nhận mẹ mình là mẹ. Tôi hiểu đuợc tâm trạng của tác giả lúc đó, tâm trạng của một đứa trẻ như tôi, nhưng tôi không hiểu đuợc khi tác giả của câu chuyện này lúc đã truởng thành, đã có vợ con, mẹ từ nơi xa sang tận Singapore để thăm mà còn sợ bị vợ con chê cười để xua đuổi mẹ vì mẹ có một mắt. Điểm cảm động nhất của câu chuyện là sở dỉ mẹ có một mắt vì lúc còn nhỏ con bị tai nạn và hỏng một bên mắt người mẹ đã hy sinh để bác sĩ lấy mắt mình thay cho con nên mẹ chỉ còn một mắt. Khi nguời con biết được việc này thì mẹ đã chết… Đọc xong chuyện tôi thấy bàng hoàng và gần gũi với tác giả. Nhưng tôi cầu mong đây không phải là chuyện thật, nếu có thật thì chỉ thật ở phần trên chứ không thể thật ở phần duới, tức là phần người con đã truởng thành, đã có đầy đủ lý trí mà còn trốn chạy mẹ, hất hủi mẹ thì không chấp nhận được. 
Cuộc di cư năm 1954 xẩy ra, bố tôi vào Nam, tôi đuợc cho đi theo để sau này săn sóc bố. Gia đình tôi ở miền quê, một vùng truớc kia đã từng là nơi kháng chiến nên sự ra đi rất khó khăn, phải đi thành từng nhóm nhỏ. Bố tôi đi truớc, tôi đi sau và giữ khoảng cách khá xa để không ai biết. Tôi phải giả làm đứa trẻ đi câu, chân đi đất, quần xắn đến đầu gối và đi tắt qua những cánh đồng lúa. Hai bố con đi bộ từ sáng sớm đến tối và nằm ở duới thuyền bến đò Khuể chờ gần nửa đêm người lái đò mới dám chở sang đất Kiến An. 

 Sang đuợc Kiến An rồi bố con tôi không biết ở đâu cho hết đêm. Ban đầu chúng tôi định ngồi ở gốc cây đa bên đường đợi sáng về sau nghĩ lại thấy tình trạng an ninh có vẻ nguy hiểm nếu ngồi đó nên đã cố gắng đi tìm một nơi khác trú ngụ cho an toàn hơn. Sao may đi được chừng nửa giờ thì gặp một ngôi chùa. Chúng tôi vào xin tạm trú, mới đầu sư bà rất ngại vì là chùa nữ và đã quá khuya nhưng lòng từ bi đối với khách lỡ độ đường nên đã thuận cho chúng tôi ở tạm nơi gác chuông bên ngoài chứ không cho vào trong chùa. Sư bà sai nguời mang nước uống và cho mượn chăn đắp. Tôi nghe tiếng cầu kinh và tiếng gõ mõ nho nhỏ biết là sư bà đã thức suốt đêm hôm đó như để cầu nguyện và canh chừng khách lạ.

 Sáng sớm hôm sau bố con tôi cám ơn sư bà rồi đáp xe đò đi Hải Phòng và ở trại tạm trú Lạch Chay, nơi đây cũng có rất nhiều gia đình trú ngụ để đợi chuyến tàu vào Nam. Khoảng hơn một tuần lễ hai bố con tôi xuống được tàu vào Sài Gòn. Giai đoạn này thật là đen tối vì gia đình tôi ra đi với hai bàn tay trắng, mọi tài sản phải bỏ lại hết. Người chị lớn và bà nội bị kẹt lại ngoài Bắc không vào Nam đuợc. Tôi được người cô, chị ruột của bố tôi ở Sài Gòn nuôi hai năm cho đi học. Cũng tại đây, cô tôi đã cho tôi biết sự thật về mẹ tôi, khác hẳn với những tin tức truớc kia mà gia đinh nói sai về bà. 

Tôi ý thức đuợc và đã ngẩng đầu lên nhìn nhận mẹ đẻ ra mình chứ không như truớc nữa, nhưng không có cách nào để gặp mẹ. Khi tôi vào Nam rồi mẹ tôi vì nhớ con, đã đi khắp nơi dò hỏi, mãi sau mới biết được địa chỉ của tôi tại Saì Gòn do con trai lớn của cô tôi ở lại Hà Nội cung cấp nên đã viết bưu thiếp cho tôi. Bưu thiếp là một miếng bìa cứng to bằng nửa trang giấy học trò theo điều kiện của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến chứ không được viết thư có phong bì dán kín để cho hai bên dễ kiểm soát.

Đại ý mẹ tôi hỏi thăm tôi và mong tôi học giỏi, khỏe mạnh v. v. . Tôi rất cảm động về tấm lòng rộng lượng của mẹ vì đã nhiều lần tôi chạy trốn mà mẹ không bỏ rơi tôi, vẫn tìm tôi và vẫn muốn đến gần tôi. Lòng mẹ thật bao la như người ta đã nói. Tôi viết hồi âm cho mẹ, lần đầu tiên tôi được gọi mẹ tôi là mẹ, xưng con, và an ủi mẹ tôi là vì chế độ phong kiến, lạc hậu nên hai mẹ con phải xa nhau và hứa với mẹ là sẽ chăm học rồi ký tên: “ Thứ, con trai của mẹ bên này vỉ tuyến”. Viết xong nước mắt tôi tự nhiên chảy ra, nếu có mẹ ở bên chắc tôi đã gục đầu vào lòng mẹ để khóc thật to cho vơi đi nỗi buồn bao năm tôi phải ôm giữ. Sau này tôi được biết khi nhận đuợc tin, mẹ tôi mừng lắm và mang tờ bưu thiếp đi khoe với mọi người là tôi không còn trốn chạy mẹ tôi. Mẹ con tôi đã nhận nhau, hiểu nhau và thương nhau tuy không còn cơ hội gần nhau nữa… 

Cuộc chiến mỗi ngày một khốc liệt, thư từ Nam-Bắc bị gián đoạn, tôi không sao liên lạc được với mẹ tôi thêm một lần nào nữa kể từ đấy. 
Rồi vận nuớc nổi trôi, tôi sang đuợc Hoa Kỳ. Sau một thời gian đời sống nơi đây đã tạm ổn định, đường bưu điện giữa hai quốc gia Mỹ và Việt Nam được thiết lập, tôi cố gắng liên lạc về Sài Gòn để nhờ tìm mẹ. Tiếc thay, tôi đuợc tin mẹ tôi đã qua đời từ lâu tại vùng quê xứ Bắc. Mẹ tôi chết trong cô đơn, mang theo xuống huyệt lạnh tất cả nỗi buồn khổ của một người đàn bà không chồng, không con bên cạnh… 

Hôm nay là ngày giỗ mẹ, tôi viết những dòng này là tâm sự của một người con suốt đời không có mẹ ở bên và thành kính dâng lên hương hồn mẹ như một nén nhang thắp muộn. 

Cám ơn mẹ đã gửi bưu thiếp cho con để trong đời con đuợc một lần gọi “ Mẹ ”. 

Hoàng Nguyên Linh
Linhnhoang@yahoo.com
__________________________________________________________________ 
Trích trong Tập Truyện “Mẹ Và Những Mùa Xuân” của Hoàng Nguyên Linh
Đã xuất bản. 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Ba 2024(Xem: 90)
để bước lên xe tang đi về hướng nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, đưa ông bà Thiếu Tá Trần Ba đến nơi an nghỉ cuối cùng!
07 Tháng Ba 2024(Xem: 165)
Căn nhà xưa vẫn đứng đó như một bức tượng bám đầy rêu phong; còn con hẻm không tên kia đến nay tôi không hề nghe ai nhắc tới,
04 Tháng Ba 2024(Xem: 309)
Nguyện thất vọng, mặt trở nên lạnh tanh và ngạc nhiên thấy tôi vẫn đi cùng hướng, ra tới chỗ đậu xe chàng mới hiểu
04 Tháng Ba 2024(Xem: 234)
"Vợ đẹp hay xấu điều đó không quan trọng, quan trọng đối xử sao để vợ trở thành một thiên thần hay thành mụ phù thủy"
16 Tháng Hai 2024(Xem: 361)
Nhưng em không hề biết mấy giọt nước mắt của tôi đã rớt trên mái tóc dài của em ... thương lắm
16 Tháng Hai 2024(Xem: 320)
Còn người mở được hai cái khóa lấy nó đi thì ông ta còn lấy đi niềm vui, lẽ sống của bao nhiêu người nữa
06 Tháng Hai 2024(Xem: 371)
Hãy động viên con cố gắng hơn chính bản thân mình ngày hôm qua là được.
06 Tháng Hai 2024(Xem: 395)
nên viết lại kỷ niệm của tôi , để chia xẻ một vài cảm xúc của một thời còn khỏe mạnh, còn hăng say
18 Tháng Giêng 2024(Xem: 394)
Đời người bao nỗi vân vi Yêu thương lắm lắm, nhưng vì chiến tranh
08 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 688)
người Sài Gòn xưa thì đang sống ở Cali và Sài Gòn giờ toàn là bộ đội, cán ngố, và người Hà Nội vào cướp đất, chiếm nhà của người Saigon …
04 Tháng Mười 2023(Xem: 1257)
Nữ danh ca KIM ANH. Cô Kim Anh đã một thời lừng danh trên sân khấu Thanh Minh đóng cặp chung với anh Út Trà Ôn.
18 Tháng Chín 2023(Xem: 1222)
đã không cho phép ngoại trưởng Blinken và tôi cùng chạy đến quán Liên Hương, để thưởng thức món bún chả nổi tiếng mà ông Barack Obama
28 Tháng Tám 2023(Xem: 1435)
Nếu các bạn muốn đi tìm một vị thầy để nương tựa tu tập, không cần phải đi tìm một cao tăng, nhưng hãy tìm một thanh tịnh tăng.
27 Tháng Tám 2023(Xem: 1062)
Trời đêm dần tàn, con đến sân ga để đón mẹ yêu quý trở về. Tàu cũ năm nao chưa mang về trả cho tôi mẹ xưa
18 Tháng Tám 2023(Xem: 1279)
Bà nhắm mắt mà trong lòng chắc vẫn trách thằng con sao đi mất biệt. Lúc hấp hối, bà Hai còn rán thều thào
05 Tháng Tám 2023(Xem: 1262)
Bão tố từ trong em, trong chị, trong con ngựa đá chỉ có do sự tưởng tượng thi vị của dân làng ven sông.
31 Tháng Ba 2023(Xem: 1588)
Với sứ mệnh chăm sóc đời sống tinh thần Quý khán thính giả gần xa. Nội dung xuyên suốt là những câu chuyện, những bài học từ cổ chí kim, Lúa Vàng mong muốn chia sẻ với Quý vị
21 Tháng Ba 2023(Xem: 1877)
Ngày mất nước, Miền Nam có 17 triệu rưỡi người. Tất cả mọi người đều chịu thảm cảnh, thảm hình. Truyện về kiếp của từng ấy người, gom cả lại, chẳng đã thành một truyện dài ư?
12 Tháng Ba 2023(Xem: 2132)
Cả một thời trai trẻ lại về. Ông nhắm mắt lại, nhớ mùa xuân quân trường. Nhớ nụ hôn ngọt mềm: "Em đến thăm anh vào một ngày đẹp nắng..."
07 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2767)
Cái kỳ cục của người Sài-Gòn, sao mà nghe nó rất dễ thương cũng như đặc trưng cái giọng điệu quá mộc mạc
07 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2439)
Không có ai trong số họ được thần thánh hóa, kể cả lãnh đạo. Nãy giờ tao nói vậy mày đã hiểu ra chưa?
31 Tháng Mười 2022(Xem: 2281)
Nhưng nếu thật tình như lời chú nói: “Uống rượu để lãng quên được chuyện đời!”, thì Tám Hổ ơi! Anh đây cũng xin được làm người nát rượu.
17 Tháng Năm 2022(Xem: 3965)
Vì vậy, khi đã biết sử, ta không thể sống tồi tàn, bệ rạc, ăn cắp của công, vì cha ông ta, cách đây mấy trăm năm đã sống có nhân cách, sống tử tế, sống lương thiện.
14 Tháng Năm 2022(Xem: 3916)
câu vọng cổ của đào hoặc kép đã làm nãy sanh ra cái nét riêng của ngôn ngữ cải lương mà người yêu mến phải chấp nhận để thấy cái hay của cải lương.
14 Tháng Năm 2022(Xem: 3773)
Bấy nhiêu đó cũng khẳng định được rằng bài Tình Anh Bán Chiếu xứng đáng là "bài vọng cổ vua" của làng cổ nhạc miền Nam Việt Nam thời ấy và tận đến bây giờ.
12 Tháng Tư 2022(Xem: 4046)
Nếu nó còn mạnh giỏi, tôi xin Ơn Trên xui khiến cho nó đọc được mấy dòng nầy…
08 Tháng Tư 2022(Xem: 3628)
Gà tây nhúng sữa, kẹp phô mai đút lò chắc gì đã bắt mồi hơn cá lóc nướng trui?
02 Tháng Tư 2022(Xem: 3809)
Kế đó mất thêm nhiều thời gian nữa để nuối tiếc, than thở, rồi sinh ra chán nản. Nhiều khi trở nên bực bội và gắt gỏng nữa.
15 Tháng Hai 2022(Xem: 3938)
Không lẽ những con người bình thường như con trai lại không có đất tồn tại hay sao.
11 Tháng Hai 2022(Xem: 4518)
Chuyện ma tại trường trunghọc Gia-Hội hiện nay vẫn còn ăn sâu trong óc tôi, không bao giờ quên được!
06 Tháng Hai 2022(Xem: 3728)
nghe cũng sốt ruột nhưng nghĩ lại đó là nếp lễ nghi cần duy trì nên cũng kềm bớt cái tính nóng nảy lại.
20 Tháng Giêng 2022(Xem: 3804)
Chỉ có một câu lục và một câu bát, một câu ca dao có tổng cộng chỉ 14 chữ mà ông bà mình kể lại một thiên anh hùng ca của những người dân Việt bất khuất.
16 Tháng Giêng 2022(Xem: 4953)
Tôi ôm Chi vào lòng, vì quá cảm động, tôi chỉ thốt lên được một tiếng “Em!” Chi cũng vậy, nàng thổn thức trên vai tôi “Anh!”
16 Tháng Giêng 2022(Xem: 4647)
Chỉ biết rằng họ là những Anh Hùng Mũ Xanh QLVNCH cùng những cái chết thầm lặng nhưng vô cùng can đảm và oai hùng. Những ai đã chết vì Sông Núi
22 Tháng Tám 2021(Xem: 5103)
Ký ức của chúng ta rồi có quên đi những ngày tháng này? Lịch sử dịch bệnh có ghi lại nỗi sợ, nỗi lo của chúng ta hay chỉ để lại những con số thống kê?
24 Tháng Bảy 2021(Xem: 5688)
Bên tách cà phê vớ ở cà phê lá me, gã thất tình bộc bạch nguồn cơn, rằng hắn rất cảm kích khi được bạn bè chia sẻ nỗi buồn riêng
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 6185)
cũng vì chủ rạp bán vé quá tải. Ở Mỹ bây giờ mua vé online không phải sắp hàng, tới nơi chỉ đưa smartphone ra là xong.
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 4703)
Giờ thì dân với dân, có lẽ nhanh gọn và không phiền hà phán xét gì nhau. Vậy lại nhanh hơn, và tình người hơn.
20 Tháng Sáu 2021(Xem: 5173)
tưởng nhớ Quân Cán Chính VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến với lời tri ân “ Các anh hùng đã chết để chúng ta được sống “
09 Tháng Sáu 2021(Xem: 5523)
. Lâu lâu nhớ đến ông, nước mắm thắm duyên nhau mà ông Sáu, tôi vẫn hình dung ra được ông bận đồ ta trắng, tóc búi tó, như một ông tiên mà không cần thi ca đánh bóng.
27 Tháng Tư 2021(Xem: 7289)
Hơn nữa Tướng Trà phạm phải lỗi lầm vì đã không nghe các hướng dẫn trước khi tấn công của Tổng Tham Mưu
27 Tháng Tư 2021(Xem: 6385)
nhờ sự chỉ đạo kiên quyết của Tướng Đảo, tất cả đều là những yếu tố quan trọng giúp đánh bại được những cuộc tấn công của quân CSBV trong những ngày đầu tiên.
22 Tháng Ba 2021(Xem: 6320)
nhưng theo tôi nghĩ, câu chuyện giữa cô bé 16 tuổi tên Trúc và anh chàng học sinh nghèo tên Khải hơi giống chuyện cổ tích của một thời đã qua, nay khó có nữa
23 Tháng Hai 2021(Xem: 5711)
Những mảnh đời méo mó qua những mẩu đối thoại thô tục (thượng dẫn) của những kẻ may mắn sống sót đến được bến bờ, cùng với oan hồn của hàng triệu sinh linh
03 Tháng Hai 2021(Xem: 5394)
Và tôi lại nghĩ: bọn… ’đỉnh cao trí tuệ’ này không tình không nghĩa, hữu thủy vô chung, tiền hậu bất nhứt. . . thì làm gì biết được Tiết Nhơn Quí là ai?“.
16 Tháng Giêng 2021(Xem: 5519)
Sợ không còn đủ tỉnh táo để viết nên điều gì ra hồn, chỉ mong đây là những cảm nghĩ rất thật về một giọng hát mà người đời sẽ tiếc nhớ khôn nguôi
11 Tháng Giêng 2021(Xem: 5280)
thì tôi cũng đã có một nhìn nhận rõ ràng hơn về cái giới mà nhiều người cho là, hoặc tự họ cho là tinh hoa, ở Việt nam.