7:27 SA
Thứ Sáu
29
Tháng Ba
2024

VÔ LƯỢNG TẤM LÒNG NGƯỜI MẸ NGƯỜI VỢ MIỀN NAM - PHAN NHẬT NAM

09 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 10828)

VÔ LƯỢNG TẤM LÒNG NGƯỜI MẸ NGƯỜI VỢ MIỀN NAM



voluong-large-content

Ngày ấy cách đây rất xa, khi những giọt mưa đầu mùa Hè rơi xuống…... Từ trong thăm thẳm, xa xôi, tận cùng trí nhớ... Nầy đây, lần tháng Sáu 1965, ngày vỡ trận Đồng Xoài, bắt đầu từ những ngày sau ngày 10, 11... nơi Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp, với hằng trăm, lên đến số ngàn xác chết của Tiểu Đoàn 2/7 Sư đoàn 5 Bộ Binh; Tiểu Đoàn 52 Biệt Động, và đơn vị thân thiết đầu đời, Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù mà số người chết không thể kiểm kê chính xác.. Nên chỉ biết lấy quân số cơ hữu của đơn vị xong trừ cho đám người hiện còn có mặt để thấy ra số người đã chết ! Đại đội anh, buổi hành quân lên xe phải bốn GMC mới chuyển chở hết, bấy giờ đếm đi đếm lại còn đúng 14 người. Anh là sĩ quan độc nhất còn có mặt.

Văn phòng đại đội, nơi anh thường ngồi họp với các bạn, nay chỉ còn mấy cái ghế để chỏng chơ, đi ngang qua không dám nhìn vào. Người sống sót ngồi nhìn nhau ngơ ngác, vô hồn ở sân cờ tiểu đoàn đang là bãi hỗn mang chen chúc, gào kêu những người vợ lính quấn vội những vành khăn trắng xổ tung tưởi do những con nhỏ bấu víu, khóc ngất.. Ba, ba đâu má ơi !! Anh lúc ấy chỉ là gã Thiếu Úy tuổi vừa qua hai mươi tuổi, nhìn trân vào mỗi người vợ, con người lính với cảm giác có tội - Tội sống sót khi người khác phải chết - Những người rất cần thiết cho một đơn vị gia đình mà anh không hề có chút nhỏ kinh nghiệm để đảm đương.

Nhưng nỗi đau không hẳn chỉ như trên, với những ngày chiến trận tàn khốc, nơi trại gia binh, hậu cứ đơn vị anh. Anh lần sống với người nơi Miền Nam và chứng kiến.. Chiều 13 tháng Ba, 1975 anh đến Pleiku, phi cơ tắt máy, trả tĩnh mịch lại cho toàn khu phi trường mà đã một lần vô cùng náo nhiệt, là nơi đặt đại bản doanh chỉ huy quân sự toàn Tây Nguyên, lẫn duyên hải trung bộ nước Việt.
Nhưng chiều ngày tháng Ba năm ấy, vùng phi trường quân sự, bộ tư lệnh Quân Đoàn II đã thực sự là một cảnh chiến địa cuối mùa, tàn cuộc, với người lính đã mất hẳn hùng khí chiến đấu bởi trạng huống bị bỏ rơi, bị phản bội.
Khi anh vào thành phố, đêm xuống nhanh chụp bóng tối âm u lên hàng thông xăm xắp trĩu nặng dọc hai bên con lộ chính. Đường Hoàng Diệu heo hút hàng phố đóng kín, điện tắt, chập choạng đàn chó đói chạy ngóng hơi chủ. Ánh đèn dầu của quán ăn người Hoa trước rạp Diệp Kính chìm chìm vũng vàng đục qua màn sương dày cho anh hiểu rõ thêm..
Thành phố đã là một thây chết không người chôn cất đang dần khô lạnh.
Từ buổi sáng 13 tháng Ba kia, Tây Nguyên đã thật chết, dù người lính Sư Đoàn 23 Bộ Binh trong buổi sáng 14 tháng Ba tại sân bay Hàm Rồng đã hiện thực hành vi bi tráng tuyệt vọng.. Cả tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 45 đồng thanh hô lớn: "Thề quyết chiến lấy lại Ban Mê Thuộc" trước khi trực thăng vận xuống quận Phước An, Tây nam Ban Mê Thuộc để từ đấy tái chiếm thị xã. Cuộc trực thăng vận cũng được thực hiện với những người lính khác lạ: Họ có đủ giây ba chạc, ba lô, nhưng không mang vũ khí, đạn dược, thay vào đó bế những con nhỏ hay mang xách vật dụng gia đình, dành cho việc nội trợ: Những người vợ lính, nhảy trực thăng cùng chồng.
Như một phản ứng tự nhiên, họ cũng chia lời thề nguyền quyết liệt với người lính, bởi ở nơi chốn vừa bị lực lượng cộng sản chiếm đóng kia là hậu cứ Sư Đoàn 23, trại gia binh của mỗi gia đình họ.
Nhưng tình hình đã là điều bi thảm không thể che dấu, hồi phục. Những chiếc trực thăng bị trúng đạn ngay tại bãi đáp Phước An, cuộc trực thăng vận không thể hoàn tất. Đồng lúc, Đại tá Trịnh Tiếu (Trưởng phòng II - Phòng Quân Báo - Quân Đoàn), người được Tướng Phú chỉ định quyền Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột (trong ngày 13 tháng Ba) nhận được "mật lệnh cũng là phản lệnh": "Bỏ Phước An, di chuyển về hướng đồng bằng. Chiến dịch giải tỏa Ban Mê Thuột đồng lúc bị loại bỏ thay thế bởi lệnh, "di tản Quân Đoàn II khỏi Tây Nguyên". Quyết định có từ cuộc họp gồm những "lãnh đạo" miền Nam, những nhân sự có tước vị gọi là "tổng thống, thủ tướng, đại tướng tư lệnh, tổng tham mưu trưởng, cố vấn chính trị, quân sự..v..v.." Buổi họp ngày 14 tháng Ba ở Cam Ranh khai diễn cùng thời điểm khi người vợ lính Sư Đoàn 23 nhẩy xuống bãi pháo Phước An. Lần bức tử Miền Nam thật sự bắt đầu từ cuộc họp tàn hại nơi Cam Ranh với những kẻ chức quyền kể trên.
Người di tản chết lây lất, lềnh đặc dọc hai trăm cây số đường đất đá Tỉnh Lộ 7 khởi từ ngã Ba Mỹ Thạch xuống Phú Bổn, băng sông Ba về Tuy Hòa. Không phải cách chết thông thường với thân xác liền lặn, nhắm mắt bình an, nhưng chết nhiều lần, bởi tử thương do nhiều loại vũ khí gây nên, nằm xuống vương vãi với nhiều vị thế, nơi hốc đất, hẻm núi, bên cạnh đường. Người chết đứng tròng mắt kinh khiếp sững nhìn trời, kiến bâu đầy quanh khóe miệng. Bà nội dần chết để lại bên cạnh đường, với vị thế ngồi dựa lưng vào gốc cây, nhìn con cháu đi xa.. Những người lính và những người vợ lính bế con trong tay đi dưới đạn pháo. Biết đi được đến đâu hở trời ?
Hai-mươi bốn tháng Ba, cảnh tượng lập lại với cường độ hung hãn, thương tâm gấp bội, bởi co cụm lại nơi bến phà Thuận An, trên sóng nước sông Hương chảy ra biển dọc trăm cây số đường từ Huế vào Đà Nẵng, giữa đường đèo Hải Vân.
Người mẹ quê đầu trần chân đất, phủ đứa bé vừa thai sinh dưới vạt áo dài vải đen vá đụp. Người mẹ đi từ Quảng Trị, vượt sông Mỹ Chánh vào địa vực Thừa Thiên-Huế, nhưng Huế đã là một địa ngục kinh hoàng vỡ toang theo độ lửa bừng bừng khô nỏ trong mắt người. Người mẹ tiếp nhập vào dòng người thất thần tan tác rời Huế (bởi đã tận hiểu nghĩa kinh hoàng của Mậu Thân, 1968, của tổng công kích Mùa Hè 1972), băng qua bãi pháo đèo Ro Tượng, đèo Phú Gia.. Đến đỉnh Hải Vân, đoàn người bị xé tung, cắt khúc, những bàn chân trần xênh xếch dính hắc ín và máu người chảy xối. Người mẹ vô hồn vén vạt áo nhìn con, đứa bé đã là một thây chết khô từ ngày qua, lúc nào không biết.
Ngày 30 tháng Ba, bãi Tiên Sa Đà Nẵng thực sự trở nên là một nghĩa địa di động, trên bọt sóng những thây người chen chúc, đầu tóc rối xoắn, mắc vào những đồ đạc bập bềnh chìm lặng vào ra theo triều xô đẩy. Thây đàn bà, con trẻ nhiều hơn thây người mặc áo trận.
Làm sao Người Lính có thể tồn tại và chiến đấu trong hoàn cảnh khắc nghiệt thế kia ? Hóa ra, tham dự cùng cuộc trường chinh nhọc nhằn với người lính từ bước đầu khởi cuộc có một nhân dáng nhỏ bé, yếu đuối, âm thầm chịu đựng với nỗi chết canh cánh không rời - Người Vợ Lính. Đây là một đối tượng bị ngộ nhận một cách bạc bẽo và đáng trách qua tất cả những chữ nghĩa, văn hóa phẩm (của Miền Nam trước 1975, mà hiện nay ở hải ngoại thì lại hứng chịu cách đối xử lạnh nhạt, coi thường- Vợ của HO).
Những người đàn bà nầy, từ lúc tuổi vừa qua hai mươi đã gánh chịu những giờ phút nguy nan thấp thỏm mà họ không có cách nào để chống đỡ, làm nhẹ bớt. Họ thức dậy rất sớm vào buổi sớm mai khi đơn vị di chuyển hành quân để sửa soạn cho người chồng bữa điểm tâm kham khổ với ý tưởng không dám nghĩ hết, biết đâu đây là lần chót ?"
Họ bế đứa con còn quá nhỏ không hề biết đang xảy ra lần tạm biệt hay chia ly đành đoạn với người cha. Hai mẹ con thu người lại dưới ánh đèn đoàn xe GMC đang rời hậu cứ.
Và người đàn bà, vợ người lính, thật sự chỉ là những cô thiếu nữ đang ở tuổi thanh xuân kia trở về khu trại gia binh để chờ đợi (một lần rất khả thể) vào một buổi nào đó viên sĩ quan chỉ huy hậu cứ sẽ đến gõ cửa nhà với câu nói khó khăn, ngắn lạnh: "chị chuẩn bị ngày mai theo xe hậu cứ lên nghĩa trang nhận anh !"
Và nếu biến cố bi thảm nầy không xảy ra (như một phép mầu ân sủng), người đàn bà dần qua hết tuổi trẻ để cùng chia sẻ với chồng một ngọn nguồn đau thương, cảnh sống nhục nhằn thống khổ - Lần Miền Nam bị bức tử , sáng sớm ngày 30 tháng Tư, năm 1975. Vợ và những đứa con người lính bị đuổi ngay ra khỏi những căn nhà trong trại gia binh, khi người lính bắt đầu chịu cơn nhục hình (kể cả sự chết) bởi đoàn lũ đám người thắng trận đến từ Miền Bắc, nơi rừng sâu, đồng lầy trở vào thành phố với cách báo thù hả hê ti tiện của loại người hãnh tiến tham tàn vừa đoạt thắng.
Sau 30 tháng Tư 1975, tại Miền Nam, theo như chính sách gọi là "khoan hồng nhân đạo" của chế độ cộng sản, những người thuộc gia đình "ngụy quân, ngụy quyền", những người có dính líu với chế độ Mỹ-ngụy, kể cả những người làm công trong các căn cứ Mỹ, có nhà cho Mỹ kiều mướn ở những năm 65-75... Tất cả thành phần nầy, nghĩa là toàn bộ thị dân miền Nam đồng loạt bị đánh giá là “kẻ thù của nhân dân". Danh sách tổng hợp nầy xếp chung thành một loại "tiện dân" mới với hạng thứ 13 trong 14 giai tầng xã hội. Loại cuối đáy thứ 14 kia là bọn giết người, cướp của với trường hợp gia trọng, đang chờ ra pháp trường hoặc án tù cấm cố chung thân.
Liệt kê hàng đầu của danh sách thứ 13 kia là những thân nhân trực hệ của người đang trong các trại tập trung - Gia đình của tập thể quân-dân-cán-chính Miền Nam đang chịu phần trực tiếp bách hại. Và tiếp theo, có một chính sách rất mực hèn hạ được chế độ cộng sản cầm quyền áp dụng để thực hiện món đòn thù lên những người đàn bà, những đứa trẻ không chút liên hệ chính trị nầy: Từ những cuốn sách với một lối hành văn xỏ xiên, đểu cáng (đặc chất và đặc thù của những tay làm "công tác văn hóa" Hà Nội chuyển vào Nam) như Tháng Ba Tây Nguyên của Nguyễn Khải, đến cách đuổi nhà, hôi của qua chước "ăn cướp ban ngày” gọi là "đi kinh tế mới"; hoặc chính sách "Ba Cùng: Cùng ăn, ở, làm" xâm nhập dần vào đời sống gia đình người Miền Nam (Đã thực hiện một lần có hiệu quả với gia đình nông dân, phụ nữ Miền Nam trước ngày bộ đội cộng sản tập trung ra Bắc Vĩ Tuyến 17, theo điều khoản Hiệp Định Genève 1954) để hoàn tất bước đường "thực dân-nô dịch-cộng sản hóa Miền Nam" theo kế sách gọi là "xã hội chủ nghĩa".
Nhưng tất cả mưu định hiểm ác ti tiện chính trị xã hội của chế độ bất nhân gọi là Xã hội Chủ nghĩa kia đã hoàn toàn bất tác dụng đối với tấm lòng kiên trinh sắc son cao thượng của Người Đàn Bà Trung Liệt Miền Nam. Dẫu trận chiến khắc nghiệt im lặng trên diễn ra với ba tầng vây khổn. Trước tiên người đàn bà phải tự thân chiến đấu để tồn tại của bản thân mình. Thứ đến, phải giữ vững gia đình với đàn con đang tuổi lớn bị thiếu đi hẳn phần có mặt tối cần thiết của người cha.
Và cuối cùng, họ chính là và phải là nguồn thúc giục, gìn giữ và hy vọng cho kẻ cùng khổ nơi xa - Những người chồng sau cửa tù ngục. Cuối cùng, khi đến Mỹ lại là một mặt trận im lặng kinh dị khác. Không nghề nghiệp; học vấn, bằng cấp không có; ngoại ngữ không biết, đường sá xa lộ Mỹ là một hỗn trận đe dọa.. !! Thế nhưng họ lại vào trận với một nghị lực tưởng như của một thứ hạng siêu nhân với vóc dáng bé nhỏ, yếu đuối.. Như đã một lần. Như đã nhiều lần nơi quê nhà trước, sau 1975..
Sau 30 Tháng Tư, 1975, họ ra đi từ Miền Nam với những giỏ, xắc đựng những món quà cứu đói - Cũng là khẩu phần chiết giảm, dành dụm của toàn thể gia đình sau hằng tháng ngày dài túng thiếu. Chen chúc trong những chuyến tàu lửa "kinh hoàng" với những đám hành khách buôn hàng tàu chợ lềnh đục tiếng lời chưởi thề hạ tiện tục tĩu, thứ ngôn ngữ đặc thù chính thống của "xã hội xã hội chủ nghĩa tiên tiến", gồm những tay cướp dọc chuyên nghiệp, những kẻ đâm chém thiện nghệ. Nếu không bị cướp dọc đường, nếu không bị trấn lột nhiều lần trong suốt chiều dài di chuyển qua "miền Bắc xã hội chủ nghĩa", họ sẽ đến một nhà ga tan nát nào đấy ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam Ninh, Vĩnh Phú, Hà Tây...
Cuối cùng lúc tàn trăng cuối tháng, tiếp tục con đường vạn dặm với những lần xe trâu, xe bò, xe thồ lẫn chân trần để vào các cổng trại tù... Nơi những trại giam giữ người thân với bàn chân ruộm rách nứt nẻ máu, những cách tay tê mỏi, trầy trụa do phải mang vác khối quá nặng dài đường xa, nếu thoát khỏi dàn dựng "ghê tởm ác độc của những trò cướp giật, hiếp, giết phanh, xé, xóa tung tích thây (như cách mô tả "sáng tạo" ngược ngạo của Dương Thu Hương trong Tiểu Thuyết Vô Đề nói về lính Biệt Kích VNCH hoạt động trên đường Hồ Chí Minh trong Trường Sơn ở giai đoạn chiến tranh), chủ trì bởi đám thảo khấu do bộ đội, công an cộng sản ngụy trang dọc đường vào các trại. Cuối cùng, họ lại phải đối phó với một hệ thống cán bộ trại sẵn sàng ăn có đồ thăm nuôi và tìm cách hạ nhục xuyên qua áp lực "để được phép gặp mặt con; gặp mặt chồng".
Con đường từ ga Thanh Hóa vào các trại tù Lam Sơn, Thanh Phong, Thanh Cẩm dài khoảng năm chục cây số đường chim bay; đây là đường thượng sơn nối vùng núi non thượng lưu sông Đà, dẫn lên mạn Lai Châu, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Điện Biên Phủ hành lang thông qua vùng Trưng và Bắc Lào. Đường hiểm trở chạy quanh co giữa những rặng núi đá vôi dựng trường thành, làm thành một trở ngại thiên nhiên vô cùng lợi hại mà ngựa Mông Cổ Thế Kỷ 13 dẫu giẫm nát toàn cõi lục địa Á, Âu vẫn không thể nào xâm nhập được.
Thế Kỷ 15, đạo binh xâm lược Nhà Minh đang ở đỉnh cao cường thịnh cũng không thể bén mảng vào đến những căn cứ địa Lam Sơn, Chí Linh của nghĩa quân Lê Lợi. Xe thiếc giáp bọc sắt của Quân Đoàn Viễn Chinh Pháp trong chín năm 1945-1954 cũng đành thúc thủ dưới đồng bằng. Cuối cùng, biệt kích Mỹ với vũ khí tối hảo, yểm trợ tuyệt đối cũng không có cơ may đổ bộ, tấn công. Và bản thân những lính bộ đội cộng sản, dẫu trong những ngày kháng chiến vệ quốc chưa lộ mặt, vẫn phải ngã gục trên đoạn đường gai góc...

"Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Chiến trường đi đâu tiếc ngày xanh

Để rồi,
Anh bạn dãi dầu không bước nỗi
Gục bên mũi súng bỏ quên đời !"
(Thơ Quang Dũng- Tây Tiến)

Thế nhưng, dọc con đường xuyên sơn hiểm nghèo trên, Người Mẹ- người Vợ- người Đàn Bà Miền Nam đã nhiều lần đi đến. Họ đến đủ với chồng, với con hằng mười năm, hai mươi năm khổ nạn quê hương, để nói cùng chồng, cùng con trong năm mười phút thăm nuôi, lời trung hậu đơn giản: "Anh yên tâm, ở nhà có em lo; hoặc: "Con cố gắng học tập...Mẹ còn sống ngày nào, Mẹ không bao giờ bỏ con".
Có người đã đi như thế nhiều lần trong suốt hơn mười năm. Có người thực hiện chuyến đi vạn dặm từ Mỹ về nuôi con, thăm chồng như các bà KMT, Trần Thị Thức (bà Đoàn Viết Hoạt), những người đàn bà bản lãnh, kiên trung cùng chồng dự phần vào cuộc đấu tranh lớn cho Tự Do, Phẩm Giá Con Người. Nhưng bền bỉ âm thầm, và kỳ diệu đến độ tưởng chừng như không thực là những người vợ lính chịu cùng khổ nạn với chồng từ một thuở rất lâu, trước 1975, bắt đầu thập niên 60, lúc chiến tranh còn trong vòng bí mật - Những người lính không mang số quân thuộc những đơn vị mang bí số, bí danh - Những người lính bị bắt giữ không được công bố, không tính đến trong danh sách trao trả của Hiệp Định Ba-lê 1973; chịu hạn tù tương đương với bản án tử hình, chung thân cấm cố (nếu sống sót sau những trận nhục hình tra tấn của phía bắt giữ). Không hề ai biết đến, nói về họ - Kể cả cơ quan quân số, Phòng Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH - Chỉ những Người Mẹ - người Vợ Lính ở cùng, chờ đợi hằng hai mươi năm, hằng ba mươi năm, kết nên dấu ấn đau thương vô vàn cao thượng. Chỉ với những hành vi, tiếng lời nhỏ bé thăm thẳm thương yêu vừa kể ra trên - Người Lính đã kiên cường xốc tới trong lửa đạn, và tồn tại sau chiến tranh, trong ngục tù, bởi họ đã vô vàn nhận lãnh: Vô Lượng Tấm Lòng Người Mẹ - Người Vợ Miền Nam.
Thủy chung, anh chỉ có một tấm lòng để nói Cùng Người - Với Người Lính, như đã một lần, về một nội dung, trong suốt một đời.(Thơ Quang Dũng- Tây Tiến)

Đất Mỹ, Ba-mươi năm sau
Phan Nhật Nam
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Chín 2020(Xem: 7687)
binh nghiệp của mình đi lên từ cấp bậc “binh ba”, ông bảo: “Các anh nên hãnh diện đang có một người chỉ huy như thế!”
23 Tháng Tám 2020(Xem: 7448)
Và có được bao nhiêu người còn mang mểnh trong lòng bài ca vọng cổ, để thấy hình ảnh quê hương vẫn còn nằm nguyên trong đó
05 Tháng Tám 2020(Xem: 6849)
không thể tin được ở tai mình. Thật tội cho em, nếu em ở lại Việt Nam thì đáng thương cho một kiếp người.
05 Tháng Tám 2020(Xem: 7328)
“Ăn cơm chưa?”, tôi bâng khuâng nhớ lại mối tình yêu đầu và nao nao buồn thương mối tình đầu của tôi.
12 Tháng Bảy 2020(Xem: 7754)
Cuộc chiến này dù đã kết thúc như thế nào, người dân Miền Nam Việt Nam vẫn cúi đầu ghi nhớ công ơn các anh, sự hy sinh cao cả của các anh
08 Tháng Bảy 2020(Xem: 6490)
Chính người da trắng văn minh đã cầm súng chiến đấu sống_chết với người da trắng và đấu khẩu không khoan nhượng trên các diễn đàn, mặt trận chính trị, tôn giáo và văn hoá để giải phóng cho nô lệ da đen.
30 Tháng Sáu 2020(Xem: 6759)
'Đây không thể là nước Mỹ. Đâykhông phải là nền dân chủ tự do lớn nhất trên thế giới. Đây là một quốc giađang có chiến tranh với chính mình
21 Tháng Sáu 2020(Xem: 7863)
Mộc Hóa và Long Khốt là những điểm trọng yếu QLVNCH cần trấn giữ để ngăn chặn quân CS (Tr đoàn Z-15) từ Svayrieng kéo sang.
18 Tháng Sáu 2020(Xem: 8234)
‘Nhứt Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng.”Cả 4 vị tướng được dân chọn đều rất xứng đáng với lòng tin của dân chúng VNCH
18 Tháng Sáu 2020(Xem: 7100)
Những lời lẽ trong bài ai điếu của ông Bùi Quang đã thể hiện hào khí của tinh hoa nước Việt được un đúc, truyền lại qua hàng ngàn năm lịch sử dân tộc
23 Tháng Năm 2020(Xem: 9346)
với vai trò là một nhân chứng kể lại một khúc quanh của lịch sử, người đọc, và thế hệ sau sẽ tự biết cái nào đúng, cái nào sai
18 Tháng Năm 2020(Xem: 6948)
Ở một miền có tên là Quá Khứ. Thầy sẽ để thì giờ dẫn con về miền Quá Khứ..
08 Tháng Năm 2020(Xem: 7859)
điều mà ông gọi là lương tâm của nước Mỹ, hay là thật lòng. Những dẫu sao thì quốc hội Mỹ cũng đã quyết định thay giùm ông, rằng VNCH phải chết.
05 Tháng Năm 2020(Xem: 7435)
ông đã chải lại mái tóc bạc chưa kịp dài để được cuốn tròn kẹp lên sau ót, như ngày xưa…
29 Tháng Tư 2020(Xem: 37101)
Đáng thương thay, một tài năng trẻ mà gia đình tôi hằng khâm phục và yêu thương đã bị hủy diệt. Anh là một trong những người lính VNCH
24 Tháng Tư 2020(Xem: 50907)
trịnh trọng như trong đời tôi lần đầu tiên tôi được ăn món này, món cháo huyết đậm tình người của bà xẩm Đakao
13 Tháng Tư 2020(Xem: 49911)
chiếc xe màu đen đang nổ máy đậu trước cửa. Chiếc xe lao nhanh vào bóng đêm mịt mùng
09 Tháng Tư 2020(Xem: 23118)
Những người trước đó đã nhăn nhó và phàn nàn thì ngượng nghịu vì cảm thấy xấu hổ!
29 Tháng Ba 2020(Xem: 7152)
Họ hy vọng tiền Sài Gòn gửi ra bằng hàng không Air VN,thường thường vào buổi chiều,cho nên vẫn cố nán đợi
29 Tháng Ba 2020(Xem: 7026)
Chúng tôi vào đến thành phố Đà Nẵng vắng vẻ. Một vài nơi đổ nát hoang tàn, phố xá thảm hại, dân chúng chắc ở trong nhà nhiều hơn ngoài đường
20 Tháng Ba 2020(Xem: 8036)
có Anh, Người Lính mất Quê Hương - Người Lính Sống- Chết một lần với Miền Nam. Với Việt Nam
11 Tháng Hai 2020(Xem: 8758)
Người Nam Kỳ viết không sai chánh tả nhưng trong văn nói có nhiều đặc trưng của vùng
03 Tháng Hai 2020(Xem: 6928)
tôi cầu nguyện cho mọi người, cầu cho thái bình mau đến trên thế giới, đất nước và thành phố quê hương tôi
14 Tháng Giêng 2020(Xem: 7856)
với tư cách một con dân Việt Nam và một người trả nợ ân tình cho người Miền Nam…Đó là ước mơ của tôi.
06 Tháng Giêng 2020(Xem: 7450)
Hãy để những thiện ý này lưu truyền mãi về sau … như thế, mỗi ngày của chúng ta, sẽ là mỗi ngày hạnh phúc và may mắn!
08 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8147)
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi
08 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 7029)
Tôi nghe lời mình từ bên trong: Con sẽ là một dấu cộng cạnh dấu cộng của ba…
08 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8314)
người lính này đã ra khỏi chiếc xe jeep của mình, đứng nghiêm trang trong khi trời đang mưa tầm tã.
06 Tháng Mười 2019(Xem: 7683)
Triều đình nhà Nguyễn đã gởi một phái đoàn ngoại giao đầu tiên sang phương Tây là vào năm 1863, với sứ bộ Phan Thanh Giản đi Pháp
29 Tháng Chín 2019(Xem: 7466)
Chúng tôi được họ cưu mang, dìu về căn nhà lá, đốt than rừng sưởi ấm tình người vào đêm thứ 41 trên tuyến đường vượt biển.
22 Tháng Chín 2019(Xem: 8763)
Chao ôi! Trí thức, trình độ dân nước ta xem với tên phu xe Nhật Bản chẳng đáng chết thẹn lắm hay sao".
15 Tháng Chín 2019(Xem: 7746)
lý do duy nhất là bài hát hay, mà vì lý do anh muốn nhắc nhở người nghe về thảm họa của dân tộc Việt Nam.
11 Tháng Chín 2019(Xem: 7445)
Chiến tranh mang lại những tổn thương khó lành trong tâm khảm những người lính tham chiến
05 Tháng Chín 2019(Xem: 11158)
Từ nay mẹ đừng phiền nữa nhé, để con phiền mẹ cho – Cô ôm chặt mẹ, nước mắt thấm đẫm vai áo mẹ
29 Tháng Tám 2019(Xem: 7887)
Mẹ không nói, nhưng chắc vẫn nhớ nhiều điều trong quá khứ, nhất là cái ngày hai mẹ con mình đi nhặt lại xác cha,
15 Tháng Tám 2019(Xem: 9303)
Không. Không. Không được. Con của mẹ phải mạnh dạn, hùng dũng, không sợ ai cả. Mà ai dạy cho con câu nói nầy
11 Tháng Tám 2019(Xem: 7597)
Và tôi còn nợ nàng, nợ Ninh Hòa. Mảnh đất hiền hòa đã cho tôi một người vợ chung tình, cùng tôi qua bao cuộc biển dâu.
04 Tháng Bảy 2019(Xem: 7632)
Ai ai cũng có cuộc sống của riêng mình, hãy để những ngày tháng tuổi già của cha mẹ là ngày tháng đẹp nhất và ấm áp tình thương yêud
09 Tháng Sáu 2019(Xem: 9786)
Chẳng phải Sài Gòn, những cuộc thảm sát đã xảy ra tại nhiều nơi ở miền Nam trong Tết Mậu Thân 1968. Bé trai con của Trung tá Nguyễn Tuấn
26 Tháng Năm 2019(Xem: 7958)
Con đừng giấu Dì nữa, con về mà không thấy Quan, Dì biết liền !” Nước mắt Hiền lại rơi thật nhanh xuống đất. Má Quan thất thểu bước vào nhà
15 Tháng Năm 2019(Xem: 9211)
Trong khi truy tìm tài liệu và tư liệu để viết bài này – cũng như suốt thời gian dài phỏng vấn rất nhiều sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ để thực hiện cuốn Tài Liệu Lịch Sử Hải Quân V.N.C.H.
15 Tháng Năm 2019(Xem: 7922)
Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ vẫn tung bay trên các kỳ đài chiến hạm đang hải hành ngoài hải phận quốc tế nhưng đối với thế giới thì ngọn cờ nầy không còn tồn tại.
13 Tháng Năm 2019(Xem: 8127)
Biến cố đã tạo ra một tin tức dội ngược về Hoa Kỳ, và bố mẹ tôi – không hay biết rằng tôi đang có một sứ mệnh bí mật tại Việt Nam
28 Tháng Tư 2019(Xem: 9511)
Thương làm sao cho những người lính trẻ của tôi, kể cả tôi nữa đang phải tự xa cách nỗi riêng tư để chỉ thấy trước mặt là lửa đạn.
16 Tháng Tư 2019(Xem: 7185)
Cùng ngày đó, những người Việt Nam còn kẹt lại bắt đầu một cuộc sống đen tối dưới bạo quyền cộng sản.
14 Tháng Tư 2019(Xem: 9458)
Trong cuộc chiến chống Cộng Sản ở miền Nam Việt Nam, hàng ngàn anh linh hào kiệt của QLVNCH đã ngã xuống cho an nguy của dân tộc
14 Tháng Tư 2019(Xem: 7794)
Xin nghiêng mình tôn vinh một Vị Anh Hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Hai giờ chiều ngày 29.3.1975, việt cộng đã treo cờ ở Tòa Thị Chính Đà Nẵng
02 Tháng Tư 2019(Xem: 6998)
Nếu ai còn nhớ đến các anh linh tử sĩ thì hãy nhớ đến họ bằng câu kinh tiếng kệ, cây nhang, bó hoa, tùy lòng đóng góp cho Trai Đàn Chẩn Tế
01 Tháng Tư 2019(Xem: 8981)
Tại xa cảng xa lộ Biên Hòa, tất cả các quân nhân di tản đều được đưa lên những chiếc GMC đương đợi sẵn, xe vừa đầy là tài xế lăn bánh trực chỉ
11 Tháng Hai 2019(Xem: 8829)
Thế thì , vấn đề là: Ngày nay, câu nói giết người của anh Tầu cổ hủ: Nhất tướng công thành vạn cốt khô có còn đúng đắn không nhỉ?