2:48 CH
Thứ Năm
28
Tháng Ba
2024

Còn một chỗ để trở về - Thích Nguyên Hạnh

14 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 18031)

Còn một chỗ để trở về

Tôi bỏ mẹ mà đi tu từ khi mới vừa học xong mẫu giáo. Ngày đó tôi không còn hình dung ra thế nào. Chỉ còn chút ám ảnh mơ hồ là giọt nước mắt lấp lánh trên khuôn mặt nặng buồn của mẹ; là tiếng mẹ tôi – mà sau này nghĩ lại, tôi mới nghe được hết cái nghẹn ngào tủi hờn trong đó – “Thôi, đi đi. Đi ở với người ta cho sướng. Ở với mẹ khổ quá mà!”

 Còn lấy chút ám ảnh mơ hồ này là vì, những gì đó đã đọng lại trong trái tim thơ dại của tôi, đã hiện lên và vang động trong những đêm đầu tiên, tôi nằm một thân một mình như đứa trẻ mồ côi dưới mái Ngôi Chùa nhỏ ở một quận lỵ trên miền cao nguyên lạnh lẽo, xa vời, cách biệt. Đứa bé là tôi đó đã khóc với nỗi cô độc đầu đời của mình, lặng lẽ trong nhiều đêm lạnh với giọt nước mắt mẹ, với khuôn mặt mẹ buồn, với tiếng nói như xa như gần của mẹ trong cái buổi sáng mẹ tôi đưa tôi đi tu.


 Rồi cũng thôi, tôi không khóc nữa để còn cắp sách đến trường, để sớm chiều còn lo học kinh kệ. Nhưng những đêm đầu tiên đó cũng đã đủ cho tôi giữ chặt trong lòng để khi nào nghĩ đến cũng mường tượng ra, dù mơ hồ, cái hình ảnh xa vời của ngày tôi bỏ mẹ mà đi tu. Cuộc chiến tranh 1947-1954 trên quê nghèo xơ xác từ bao đời đã làm cho cửa nhà cha mẹ tôi tan nát mấy bận. Cơm không đủ ăn, phải sắn khoai đắp đổi qua ngày.


 Một chiều đông, sau cơn lụt tháng mười gạo thóc để dành cho những ngày rét mướt bị hư hao, cả nhà ngồi quanh cái mâm … không cơm, mẹ phán “từ rày, mỗi bữa mỗi đứa chỉ được một chén cơm lưng thôi.” Đứa bé là tôi không hiểu nỗi cơ hàn vây bủa đang đè nặng trong lòng mẹ thế nào, đã ấm ức và gan lì chấp nhận, tự hẹn sẽ không bao giờ ăn chén cơm thứ hai nào nữa. Để rồi, mặc cho mẹ buồn, mẹ giận, mẹ năn nỉ, đứa bé là tôi cũng nhất định sống với cái “khẩu quyết” một bữa một chén dễ chừng đến cả mấy tháng về sau, ngay cả khi cơm gạo đã có đủ cho cả nhà tạm no bụng. Mùa đông nơi quê tôi lạnh rét đến như cắt da cắt thịt.


 Hình ảnh mẹ trong những đêm đông mưa gió mới thật là não lòng. Dưới mái nhà tranh rách nát vì bom đạn chưa được sửa chữa, lờ mờ bóng mẹ ngồi co ro nơi một góc nhà ướt đẫm, lặng nhìn mấy anh chị em chúng tôi cuốn tròn trong những manh chiếu rách hay tấm vải bố tả tơi nơi một góc nhà còn khô ráo. Có lẽ, đây là hình ảnh gây ấn tượng sâu nhất nơi tôi; đến nỗi trong suốt gần nửa thế kỷ trôi qua, hễ cứ nhìn thấy mưa gió ở đâu trên mặt đất này là lòng tôi cũng chùng xuống với cái hình ảnh đã trở thành kinh nghiệm đầu đời gắn liền với thịt da mình “bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn…” để cho nỗi thương thân mình thì ít mà nỗi thương thân mẹ thì nhiều. Thân mẹ tôi đó. Cả một đời còm cõi dưới sức nặng của cuộc sống đầy những tai trời, ách nước, họa người. tôi không có nhiều năm tháng sống với mẹ để có thể hiểu được sức chịu đựng của mẹ như thế nào.


 Lại đi tu ở những miền xa hun hút, không thư từ liên lạc, không một kẻ đồng hương lai vãng trong suốt nhiều năm trời. Chỉ còn chừng đó kỷ niệm về mẹ của cái thời tôi mới lên 5, lên 6 trong cảnh nghèo da diết với đói, với lạnh và với mẹ. Nhưng chính vì chỉ có chừng đó mà kỷ niệm thành mạnh, thành sâu, thành đáng trân trọng hơn cả món quà hiếm hoi nào của đời sống này cho tôi. Mãi đến năm 1963, khi đã bắt đầu lớn, từ Nha Trang về ở Phật Học Viện Báo Quốc, Huế, tôi mới có cơ hội về thăm mẹ. Nhưng cũng chỉ hai, ba lần của năm này. Rồi thôi.


 Mẹ rồi lại xa biền biệt khi tôi như một tu sĩ “du phương” năm này chốn này, năm sau đã chốn khác. Rồi Tết Mậu Thân 1968. Rồi Đại Lộ Kinh Hoàng 1972. Mẹ bị vây hãm trong vòng lửa đạn mấy lần. Chị tôi kể, lần đó, chiến tranh sắp tràn về làng, chết chóc rình rập ở khắp mọi nơi, ai ai cũng kinh hoàng lo chạy loạn, con cháu đem võng lên để võng mẹ cùng đi. Nhưng năn nỉ, lạy lục bao nhiêu mẹ cũng từ chối, chỉ sợ mình làm vướng tay, vuớng chân của con cháu mà thôi. Mấy chị tình nguyện ở lại với mẹ, mẹ cũng không cho mà bảo “đã lấy chồng thì phải theo gia đình chồng cho trọn đạo.


 Ở lại với mệ có bề gì thì lấy ai lo cho các cháu. Để mệ một mình niệm Phật mà yên thân mẹ hơn. Thôi, đi đi. Đừng có ở đó mà mệ lo mệ chết bây chừ.” Thế đành là phải gạt lệ bỏ mẹ ở lại với không một ai giữa xóm làng hoe vắng. Rồi chiến tranh đến. Rồi chiến tranh đi. Hơn một ngày sau, con cháu cùng với dân làng lục tục trở về. Chạy vội đến ngôi nhà của mẹ, con cháu thảng thốt chỉ thấy một nền nhà trống không, không cột, không kèo, không một vết tích gì của ngôi nhà còn lại bên cạnh một hố sâu dưới gốc cây ổi chỉ còn tan tác những cành và lá. Mẹ làm sao mà sống sót được nữa với cảnh hoang tàn này! Con cháu vừa khóc lóc vật vã vừa lo đi tìm xác mẹ về chôn cất.


 Bỗng đâu, một đứa cháu kêu lên: "Mệ đây. Mệ đây. Mệ còn sống." Mọi người vội chạy lại. Nơi đó là cái ao bao quanh vườn nhà đã khô nước. Mẹ ngồi dưới đó, miệng mấp máy như đang niệm Phật với xâu chuỗi cầm ở trên tay. Vực mẹ đứng dậy rồi bồng mẹ lên. không một vết thương nào trên thân thể mẹ. Mẹ chỉ mệt mà nói không ra lời. Để mẹ nghỉ ngơi, uống nước, ăn cháo. Rồi con cháu bao quanh nghe mẹ kể: "Mấy đứa bây đi hết rồi, mệ mặc áo dài, ngồi trước bàn thờ niệm Phật cả ngày. Mệ chẳng biết họ bắn nhau ở đâu. Chỉ nghe một tiếng nổ kinh hoàng rồi mệ ngất đi. Đến khi tỉnh dậy thì thấy nằm ở đó mới hay là mệ còn sống. Phật cứu mệ. Mệ chỉ biết vậy chứ chẳng còn biết gì khác." Chị tôi nói, trong khi ai cũng sợ đến hãi hùng thì mẹ tỉnh táo chi lạ.


 Nghe mẹ kể và thấy cảnh trước mắt, ai cũng cho là Phép Lạ Phật Cứu. Tôi, tôi cũng cho là phép lạ. Đã nghe quý Thầy kể, đã đọc trong kinh sách nhiều những phép lạ; nhưng thú thật, con người lý trí và chỉ biết sống theo những suy nghĩ và hiểu biết của một Tu sĩ nơi tôi có biết thì chỉ biết vậy, không bài bác bao giờ mà cũng chẳng có gì gọi là tin tưởng sâu xa để phải xem là quan trọng mà bận tâm tìm hiểu. Nhưng khi trở về nhà, mấy tuần sau trận chiến, ngồi trên nền nhà trơ trọi, với mẹ, với mấy chị và em, nghe chị tôi kể, lần đầu tiên tôi mới cảm nghiệm được thế nào là Phép Lạ thực sự có mặt trong đời sống này. Phép Lạ là sống an vui với những gì bất tồn hữu hạn của thế gian này. Là đi trên mặt đất, là từng bước nở hoa sen như sau này, một vị Thầy từng dạy.


 Và điều đó chỉ thành tựu khi con người có Niệm Lực, Định Lực chân chánh và vững chãi, có Trí Tuệ thuần khiết và chân thực để sống an nhiên với mọi cảnh. Nhưng ở một bình diện khác - và chỉ lúc này mới là lần đầu tiên tôi cảm nghiệm - Phép Lạ còn là một cái gì đó nằm ngồi mọi ngôn từ lý giải, mọi đầu óc nghĩ suy tinh tế nhất - những thứ luôn luôn đòi hỏi tính cách xác thực cho mọi chân lý được phô diễn - để có thể gọi đó như một năng lực nhiệm mầu. Bởi làm sao ta có thể đòi hỏi một lý giải mang tính xác thực về nó khi cái gọi là xác thực với ta đang sống đây rút cùng cũng chỉ là hư ảnh? Trong biển nghiệp trùng trùng với cái chết vây bủa bốn bề như trường hợp của mẹ đây, mẹ chỉ ngồi đó niệm Phật với duy một niềm xác tín ở Phật không thôi mà sự sống đuợc bảo tồn nguyên vẹn.


 Có một kẻ hở mong manh hiếm hoi nào giữa vòng vây của cái chết và một năng lực nhiệm mầu nào đẩy mẹ vào ngay đó cho Phép Lạ có thể xuất hiện? Trong cảm nghiệm sâu xa ở mẹ, tôi nhận ra một điều: Trong biển nghiệp mênh mang này, ở đâu mà không có nguyện lực của chư Phật, Bồ Tát, của những trái tim thuần khiết nguyện sống vì đời! Và, một niềm xác tín mạnh mẽ có thể xô dạt lớp lớp sóng nghiệp để ta đi vào ngay trong biển nguyện lực đó - điều mà những đầu óc say mê lý giải với những gì gọi là xác thực của đời sống hư ảo này không thể làm được. Chiến tranh triền miên. không ai sống chỉ để đợi chờ Phép Lạ. Tôi tìm cách đưa mẹ vào Sài Gòn. Phải nói là tìm cách, bởi vì với mẹ lúc đó, hình như không thể tưởng ra được có một đời sống nào của mẹ ngoài mảnh đất quê nhà mà những nấm mộ của tổ tiên bao đời còn đó và họ hàng ngày nay còn đó.


 Dù đói lạnh đến mấy. Dù chết chóc rình rập đêm ngày. Và dù cho những đứa con trai của mẹ có sống ở phương nào. Cuối cùng thì mẹ cũng vào Sài Gòn. Nhưng chỉ được vài hôm. không ai cầm lòng nổi khi thấy mẹ ngồi ăn mà chén cơm chỉ chan toàn nước mắt. Mẹ đòi về mặc cho bom đạn có gieo rắc chết chóc đêm ngày ở đó. Mẹ đã chẳng màng chi đến sự an toàn của bản thân thì sá gì những tiện nghi cho một đời sống ở Sài Gòn mà có thể cầm chân mẹ được. Thế rồi, mẹ về. Mẹ về để sống với mảnh đất quê cha đất tổ, với cháu con họ hàng còn sống sót ở đó. Mẹ về để trọn nghĩa thuỷ chung với ông bà, và với cha đã nằm xuống trước. Chỉ đến sau 1975, họ hàng con cháu bỏ làng ra đi tìm sự sống cho lớp trẻ mai sau, mẹ mới đành theo con cháu mà đi vào Nam. Cũng một nỗi buồn trĩu đầy trong mắt mẹ. Cũng những ngày ăn cơm với nước mắt chan hòa. Xa làng, xa xóm, xa nấm mộ tổ tiên ông bà, mẹ héo hắt với những giọt lệ của tuổi già. Nhưng rồi, với con với cháu, mẹ dần nguôi ngoai. Mẹ không đòi về nữa. Mẹ dấu kín nỗi buồn tận đáy lòng cho cháu con còn có chút niềm vui.


 Mẹ tìm nguồn an ủi cho riêng mẹ trong câu niệm Phật đêm ngày. Mẹ thâm tín Tam Bảo đâu như từ thuở nào còn nhỏ chưa lấy chồng. tôi chỉ biết, niềm tin của mẹ sâu đến không gì lay chuyển mà lại cực kỳ đơn thuần. Tin Phật thì mẹ niệm Phật, thì đừng sát sanh hại vật, đừng làm điều bậy bạ cho Phật quở. Tin Phật thì thấy ai mặc chiếc áo tu của Phật - không kể lớn nhỏ, già trẻ hay tu kiểu gì - mẹ cũng chỉ một lòng hết mực cung kính. Thấy ai đó nói gì về một người tu thì mẹ gọi con cháu rầy ngay "đừng nghe theo người ta nói bậy mà tội chết." Cực kỳ đơn thuần như vậy. Có lần, thấy mẹ cung kính với một chú mới tu, có người bảo "mệ đừng làm vậy vì chú còn nhỏ" thì mẹ bảo "Dạ ... thì bây chừ chú còn nhỏ nhưng mai sau chú tu chú cũng thành thầy, thành Phật vậy." Mẹ vốn không biết đọc kinh, không học hỏi đạo lý.


 Nhưng mẹ sống với Phật và với chỉ một câu niệm Phật cho cả một đời thôi mà nhìn ai tu, mẹ cũng thấy ở người đó, một vị Phật đang thành, sẽ thành. Có lẽ, cái tâm cực thuần của mẹ cho mẹ thấy ra như vậy chứ mẹ nào có biết, đó chính là cái thấy của Bồ Tát; và người tu đạo, học đạo trọn đời cũng chỉ để làm sao có được cái thấy như vậy mà thôi. Cái tâm đơn thuần. Cái sống của mẹ cũng đơn thuần rất mực. Cả đời, mẹ chẳng biết xa hoa là gì. có thể, đó là do cái nghèo đã đeo đẳng mẹ suốt đời. Nhưng không hẳn vậy. Không biết thuở nhỏ và sau này, từ khi tôi bỏ xứ ra đi, mẹ ra sao. Chứ trong những tháng ngày ít ỏi sống với mẹ - hoặc tôi không nhớ - nhưng chưa bao giờ tôi thấy mẹ mặc một chiếc áo dài nào khác ngoài chiếc áo dài màu xanh lam. Chiếc áo đó, mẹ mặc để ngồi niệm Phật, để đi lễ chùa. Cũng chiếc áo đó, mẹ mặc mỗi khi kỵ giỗ, hội họp bà con hoặc phải đi đâu. Trong khi, đâu phải là mẹ không có những chiếc áo dài khác.


 Phấn son thì chắc là chuyện không bao giờ có với mẹ. còn cái ăn cái uống của mẹ, không kể những năm tháng đói lạnh, thì chẳng khác gì của một ông thầy tu ở núi ngày xưa. không cao lương mỹ vị đã đành, mà thảng hoặc, bữa nào có miếng cá miếng thịt, mẹ cũng chỉ chan một chút nước cho những người chung quanh khỏi buồn mà thôi. Một dĩa rau với chén nước chấm là như đã quá đủ cho mẹ, ngay cả sau này khi có điều kiện để ăn ngon hơn. Từ bao giờ, mẹ chẳng có của cải riêng - hay có mà mẹ đã cho hết các chị em tôi khi đi lấy chồng rồi, tôi không biết. còn bây giờ, kể từ khi đi vào sống ở Nam, thì mẹ thực sự chẳng có gì gọi là của mẹ. Chẳng nhà cửa. Chẳng ruộng nương vườn tược. có chăng, là những nấm mộ của ông bà nội ngoại và của ba tôi ở tận quê nhà Quảng Trị mà mỗi năm, dù già yếu (năm nay đã 90 tuổi) mẹ vẫn về để thăm viếng và tự tay chăm sóc. Trước đây thì thỉnh thoảng, sau này đều đặn hơn, mỗi năm hai lần, tôi gởi quà và ít tiền về dâng mẹ. Nhiều người quen qua đây nói, quà thì mẹ chỉ giữ lại chai dầu xanh và ít thứ thuốc cần dùng những khi trái gió trở trời; còn thì đem cho hết các con, các cháu.


 Tiền thì mẹ để một phần đem cúng dường các chùa, một phần thì san sẻ cho "đứa nào" trong các con, cháu bị sa cơ túng thiếu, và một phần khác nữa thì để bố thí cho những kẻ nghèo khó quanh mình và đóng góp việc làng, việc họ. còn riêng mẹ, mẹ nào có biết tiêu gì cho mẹ đâu. Mấy năm trước, tôi muốn mẹ về ở một ngôi chùa nào đó để "gần" với cảnh Phật hơn. Sư cụ Tuệ Đăng, quý Thầy Huệ Minh, Phước Trí, Đạt Đức ... đều sẵn lòng mong và dành chỗ cho mẹ về ở. Nhưng mẹ không chịu, ngại làm phiền quý thầy, quý chú mà tội; lại vì không nỡ xa con cháu. Thôi thì, tôi nghĩ, mẹ đã ở với Phật ngày đêm; chỉ còn chút "nợ" với con cháu để an ủi tuổi già nên thôi, không tính chuyện để mẹ lên chùa ở nữa. Mẹ vốn không học. Chữ nghĩa Thánh Hiền với mẹ là một cái gì cao xa vời vợi. Suốt đời, mẹ lặng lẽ sống, không bao giờ bàn chuyện thế sự, thị phi của ai đến độ tôi tưởng như mẹ không biết chuyện gì trên đời này cả. Ngay với tôi, trong những lúc dầu sôi lửa bỏng của cái thời "Phật Giáo đấu tranh", mẹ có nghe người ta nói tới đấy.


 Nhưng khi gặp, mẹ cũng chẳng bao giờ hỏi han để coi sự thế đi về đâu, trong đó có con của mẹ. Mẹ chỉ thắp nhang mỗi sớm tối để cầu nguyện mà thôi. Thảng hoặc, có la rầy con cháu thì cũng chỉ một lời. Và cái lời gần như duy nhất mà tôi nghe được nhiều lần là "làm người thì lo tu thân vi bổn, nghe con!" Bốn chữ "tu thân vi bổn" ở ai thì nghe sách vở văn hoa nhưng ở mẹ sao tự nhiên như hơi thở, như cái ăn phải có để sống, nhẹ nhàng mà trầm thống chi lạ. có lẽ, đó là chữ nghĩa Thánh Hiền duy nhất trong đầu mẹ mà tôi được biết. Còn chuyện dựng vợ gả chồng cho các anh chị em của tôi, tôi không biết trong âm thầm mẹ lo như thế nào. Chỉ biết có một lần, tôi nghe mẹ dặn dò với một ai trong số mà tôi không còn nhớ "Này con, con mà thương ai thì đừng bỏ người ta mà tội chết nghe con!" Hỡi ơi! Cái tâm cực thuần cho mẹ nhìn ai cũng thấy Phật, cũng thấy là quý để chẳng nghĩ đến "người ta" là xấu hay tốt mà chỉ sợ "người ta" khổ mà con mình nên tội. Những quan niệm, lề thói suy nghĩ, toan tính của thế hệ những người như mẹ như để dành cho ai khác. còn mẹ thì như chỉ nghĩ đến cái tội, cái phước để mong con mình sống làm sao cho Phật Trời đừng bắt tội là đủ. Đã 18 năm rồi tôi bỏ xứ ra đi, xa mẹ. Mười tám năm.


 Thời gian như cơn gió chiều hun hút, nào biết thổi về đâu! Mười tám năm. Gần một phần tư của đời người. tôi biết, mười tám năm mẹ trông ngóng từng giờ, tôi về. Những lúc sau này, hẹn trước, tôi gọi điện thoại để mẹ con nghe được tiếng nói của nhau. Và lần nào cũng như lần nào, mẹ chỉ hỏi một câu: "Chừng nào thầy về cho mẹ chộ một chút." Tôi điếng người mà nói với mẹ: "Dạ ... sớm muộn gì rồi con cũng về. Mệ niệm Phật nghe." Rồi thôi. Mẹ không nói gì thêm nữa. Tôi cũng chẳng còn biết nói gì thêm nữa cho mẹ an tâm. Lại cũng khi nào, có người về thăm, gặp mẹ sang đây cũng chỉ một lời nhắn nhủ đó của mẹ cho tôi. Chừng nào thì thầy về cho mệ chộ một chút! Chừng nào! Đã rất nhiều khi, tôi muốn bỏ hết tất cả nơi đây để trở về với mẹ - không phải chỉ để mẹ "chộ một chút" mà là để sống với mẹ những ngày cuối cùng của đời mẹ. Tôi chỉ muốn được làm một người con chăm sóc mẹ mình như bất cứ một người con nào khác trên đời. Mấy năm trước, có Phật sự ở Thái Lan, nghĩ đến khoảng cách chưa đầy một giờ máy bay, tôi đã muốn về thăm mẹ.


 Nhưng rồi, chẳng phải vì lý do bên ngoài nào mà chỉ vì, nghĩ đến mẹ, nghĩ đến mình phải sống làm người chân thật, ngay thẳng không được quanh co dối trá với ai chuyện gì như lòng mẹ mong muốn mà tôi đã ngậm lòng không về. Mười tám năm. tôi từng ôm mộng đi giữa đời, sống cho một chút hồi vọng nào đó với cả tấm lòng mà nhìn lại, lại chỉ thấy một cõi mù bay. Tôi đã ở bên lề những trò chơi của triết lý, văn chương, của những nỗi khổ siêu hình nào mà một thời tâm thức tôi thường vẽ ra; ở bên lề cả những trò chơi với đủ thứ pháp tướng ít nhiều dính dáng tới Phật Giáo trong cơn hỗn mang của thế sự như phù vân lai khứ này. Nhưng trong "nỗi riêng, riêng cả đến tình chung" đó, tôi đã luôn có mẹ trong tôi như có Phật trong tôi. Để cho tôi lớn lên được giữa thời ngửa nghiêng này của thế đạo nhân tâm trong từng bước đi quyết định của đời mình, để nuôi dưỡng tấm lòng tôi với Đạo, với quê nghèo và với những kẻ bất hạnh trên đời. Tôi mà có làm được chút gì cho ai bớt khổ thêm vui trong suốt cuộc đời này, dù nhỏ như cây kim, cọng cỏ thì đó cũng là vì có mẹ trong tôi như có Phật trong tôi mà thôi. Và vì vậy mà tôi biết, sẽ có một ngày, tôi bỏ lại tất cả nơi đây để về với mẹ. tôi chỉ xin lạy Phật ngàn lạy, vạn lạy mà cầu cho ngày đó đến trước khi quá muộn./.


Thích Nguyên Hạnh
Ý kiến bạn đọc
27 Tháng Giêng 20148:00 SA
Khách
bài của thầy rất hay và cảm động
27 Tháng Giêng 20148:00 SA
Khách
bài của thầy rất hay
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Chín 2020(Xem: 7674)
binh nghiệp của mình đi lên từ cấp bậc “binh ba”, ông bảo: “Các anh nên hãnh diện đang có một người chỉ huy như thế!”
23 Tháng Tám 2020(Xem: 7430)
Và có được bao nhiêu người còn mang mểnh trong lòng bài ca vọng cổ, để thấy hình ảnh quê hương vẫn còn nằm nguyên trong đó
05 Tháng Tám 2020(Xem: 6826)
không thể tin được ở tai mình. Thật tội cho em, nếu em ở lại Việt Nam thì đáng thương cho một kiếp người.
05 Tháng Tám 2020(Xem: 7306)
“Ăn cơm chưa?”, tôi bâng khuâng nhớ lại mối tình yêu đầu và nao nao buồn thương mối tình đầu của tôi.
12 Tháng Bảy 2020(Xem: 7739)
Cuộc chiến này dù đã kết thúc như thế nào, người dân Miền Nam Việt Nam vẫn cúi đầu ghi nhớ công ơn các anh, sự hy sinh cao cả của các anh
08 Tháng Bảy 2020(Xem: 6479)
Chính người da trắng văn minh đã cầm súng chiến đấu sống_chết với người da trắng và đấu khẩu không khoan nhượng trên các diễn đàn, mặt trận chính trị, tôn giáo và văn hoá để giải phóng cho nô lệ da đen.
30 Tháng Sáu 2020(Xem: 6744)
'Đây không thể là nước Mỹ. Đâykhông phải là nền dân chủ tự do lớn nhất trên thế giới. Đây là một quốc giađang có chiến tranh với chính mình
21 Tháng Sáu 2020(Xem: 7840)
Mộc Hóa và Long Khốt là những điểm trọng yếu QLVNCH cần trấn giữ để ngăn chặn quân CS (Tr đoàn Z-15) từ Svayrieng kéo sang.
18 Tháng Sáu 2020(Xem: 8208)
‘Nhứt Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng.”Cả 4 vị tướng được dân chọn đều rất xứng đáng với lòng tin của dân chúng VNCH
18 Tháng Sáu 2020(Xem: 7074)
Những lời lẽ trong bài ai điếu của ông Bùi Quang đã thể hiện hào khí của tinh hoa nước Việt được un đúc, truyền lại qua hàng ngàn năm lịch sử dân tộc
23 Tháng Năm 2020(Xem: 9323)
với vai trò là một nhân chứng kể lại một khúc quanh của lịch sử, người đọc, và thế hệ sau sẽ tự biết cái nào đúng, cái nào sai
18 Tháng Năm 2020(Xem: 6935)
Ở một miền có tên là Quá Khứ. Thầy sẽ để thì giờ dẫn con về miền Quá Khứ..
08 Tháng Năm 2020(Xem: 7845)
điều mà ông gọi là lương tâm của nước Mỹ, hay là thật lòng. Những dẫu sao thì quốc hội Mỹ cũng đã quyết định thay giùm ông, rằng VNCH phải chết.
05 Tháng Năm 2020(Xem: 7422)
ông đã chải lại mái tóc bạc chưa kịp dài để được cuốn tròn kẹp lên sau ót, như ngày xưa…
29 Tháng Tư 2020(Xem: 37092)
Đáng thương thay, một tài năng trẻ mà gia đình tôi hằng khâm phục và yêu thương đã bị hủy diệt. Anh là một trong những người lính VNCH
24 Tháng Tư 2020(Xem: 50904)
trịnh trọng như trong đời tôi lần đầu tiên tôi được ăn món này, món cháo huyết đậm tình người của bà xẩm Đakao
13 Tháng Tư 2020(Xem: 49911)
chiếc xe màu đen đang nổ máy đậu trước cửa. Chiếc xe lao nhanh vào bóng đêm mịt mùng
09 Tháng Tư 2020(Xem: 23114)
Những người trước đó đã nhăn nhó và phàn nàn thì ngượng nghịu vì cảm thấy xấu hổ!
29 Tháng Ba 2020(Xem: 7149)
Họ hy vọng tiền Sài Gòn gửi ra bằng hàng không Air VN,thường thường vào buổi chiều,cho nên vẫn cố nán đợi
29 Tháng Ba 2020(Xem: 7025)
Chúng tôi vào đến thành phố Đà Nẵng vắng vẻ. Một vài nơi đổ nát hoang tàn, phố xá thảm hại, dân chúng chắc ở trong nhà nhiều hơn ngoài đường
20 Tháng Ba 2020(Xem: 8034)
có Anh, Người Lính mất Quê Hương - Người Lính Sống- Chết một lần với Miền Nam. Với Việt Nam
11 Tháng Hai 2020(Xem: 8753)
Người Nam Kỳ viết không sai chánh tả nhưng trong văn nói có nhiều đặc trưng của vùng
03 Tháng Hai 2020(Xem: 6926)
tôi cầu nguyện cho mọi người, cầu cho thái bình mau đến trên thế giới, đất nước và thành phố quê hương tôi
14 Tháng Giêng 2020(Xem: 7851)
với tư cách một con dân Việt Nam và một người trả nợ ân tình cho người Miền Nam…Đó là ước mơ của tôi.
06 Tháng Giêng 2020(Xem: 7440)
Hãy để những thiện ý này lưu truyền mãi về sau … như thế, mỗi ngày của chúng ta, sẽ là mỗi ngày hạnh phúc và may mắn!
08 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8147)
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi
08 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 7026)
Tôi nghe lời mình từ bên trong: Con sẽ là một dấu cộng cạnh dấu cộng của ba…
08 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8308)
người lính này đã ra khỏi chiếc xe jeep của mình, đứng nghiêm trang trong khi trời đang mưa tầm tã.
06 Tháng Mười 2019(Xem: 7680)
Triều đình nhà Nguyễn đã gởi một phái đoàn ngoại giao đầu tiên sang phương Tây là vào năm 1863, với sứ bộ Phan Thanh Giản đi Pháp
29 Tháng Chín 2019(Xem: 7461)
Chúng tôi được họ cưu mang, dìu về căn nhà lá, đốt than rừng sưởi ấm tình người vào đêm thứ 41 trên tuyến đường vượt biển.
22 Tháng Chín 2019(Xem: 8759)
Chao ôi! Trí thức, trình độ dân nước ta xem với tên phu xe Nhật Bản chẳng đáng chết thẹn lắm hay sao".
15 Tháng Chín 2019(Xem: 7738)
lý do duy nhất là bài hát hay, mà vì lý do anh muốn nhắc nhở người nghe về thảm họa của dân tộc Việt Nam.
11 Tháng Chín 2019(Xem: 7441)
Chiến tranh mang lại những tổn thương khó lành trong tâm khảm những người lính tham chiến
05 Tháng Chín 2019(Xem: 11138)
Từ nay mẹ đừng phiền nữa nhé, để con phiền mẹ cho – Cô ôm chặt mẹ, nước mắt thấm đẫm vai áo mẹ
29 Tháng Tám 2019(Xem: 7870)
Mẹ không nói, nhưng chắc vẫn nhớ nhiều điều trong quá khứ, nhất là cái ngày hai mẹ con mình đi nhặt lại xác cha,
15 Tháng Tám 2019(Xem: 9298)
Không. Không. Không được. Con của mẹ phải mạnh dạn, hùng dũng, không sợ ai cả. Mà ai dạy cho con câu nói nầy
11 Tháng Tám 2019(Xem: 7590)
Và tôi còn nợ nàng, nợ Ninh Hòa. Mảnh đất hiền hòa đã cho tôi một người vợ chung tình, cùng tôi qua bao cuộc biển dâu.
04 Tháng Bảy 2019(Xem: 7627)
Ai ai cũng có cuộc sống của riêng mình, hãy để những ngày tháng tuổi già của cha mẹ là ngày tháng đẹp nhất và ấm áp tình thương yêud
09 Tháng Sáu 2019(Xem: 9783)
Chẳng phải Sài Gòn, những cuộc thảm sát đã xảy ra tại nhiều nơi ở miền Nam trong Tết Mậu Thân 1968. Bé trai con của Trung tá Nguyễn Tuấn
26 Tháng Năm 2019(Xem: 7955)
Con đừng giấu Dì nữa, con về mà không thấy Quan, Dì biết liền !” Nước mắt Hiền lại rơi thật nhanh xuống đất. Má Quan thất thểu bước vào nhà
15 Tháng Năm 2019(Xem: 9208)
Trong khi truy tìm tài liệu và tư liệu để viết bài này – cũng như suốt thời gian dài phỏng vấn rất nhiều sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ để thực hiện cuốn Tài Liệu Lịch Sử Hải Quân V.N.C.H.
15 Tháng Năm 2019(Xem: 7914)
Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ vẫn tung bay trên các kỳ đài chiến hạm đang hải hành ngoài hải phận quốc tế nhưng đối với thế giới thì ngọn cờ nầy không còn tồn tại.
13 Tháng Năm 2019(Xem: 8108)
Biến cố đã tạo ra một tin tức dội ngược về Hoa Kỳ, và bố mẹ tôi – không hay biết rằng tôi đang có một sứ mệnh bí mật tại Việt Nam
28 Tháng Tư 2019(Xem: 9492)
Thương làm sao cho những người lính trẻ của tôi, kể cả tôi nữa đang phải tự xa cách nỗi riêng tư để chỉ thấy trước mặt là lửa đạn.
16 Tháng Tư 2019(Xem: 7181)
Cùng ngày đó, những người Việt Nam còn kẹt lại bắt đầu một cuộc sống đen tối dưới bạo quyền cộng sản.
14 Tháng Tư 2019(Xem: 9440)
Trong cuộc chiến chống Cộng Sản ở miền Nam Việt Nam, hàng ngàn anh linh hào kiệt của QLVNCH đã ngã xuống cho an nguy của dân tộc
14 Tháng Tư 2019(Xem: 7791)
Xin nghiêng mình tôn vinh một Vị Anh Hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Hai giờ chiều ngày 29.3.1975, việt cộng đã treo cờ ở Tòa Thị Chính Đà Nẵng
02 Tháng Tư 2019(Xem: 6994)
Nếu ai còn nhớ đến các anh linh tử sĩ thì hãy nhớ đến họ bằng câu kinh tiếng kệ, cây nhang, bó hoa, tùy lòng đóng góp cho Trai Đàn Chẩn Tế
01 Tháng Tư 2019(Xem: 8969)
Tại xa cảng xa lộ Biên Hòa, tất cả các quân nhân di tản đều được đưa lên những chiếc GMC đương đợi sẵn, xe vừa đầy là tài xế lăn bánh trực chỉ
11 Tháng Hai 2019(Xem: 8822)
Thế thì , vấn đề là: Ngày nay, câu nói giết người của anh Tầu cổ hủ: Nhất tướng công thành vạn cốt khô có còn đúng đắn không nhỉ?