8:17 SA
Thứ Sáu
29
Tháng Ba
2024

NHỮNG ĐÀN CHIM THIÊN DI - PHẠM TÍN AN NINH

02 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 20172)

PTAN.jpg




NHỮNG ĐÀN CHIM THIÊN DI


phạmtínanninh

Cả hai tuần nay, mấy quan chức sở "bảo vệ súc vật” thành phố thường xuyên đến thăm gia đình tôi, để tìm hiểu lý do vì sao, trước mùa đông năm nay những đàn chim trane không còn trở về vùng này nữa. Họ đã cho người dọn dẹp lại khu bờ sông, chăm sóc cánh đồng cỏ và trồng thêm mấy hàng thông phía bên kia để đón những đàn chim, nhưng chờ mãi mà chẳng thấy bóng dáng một con trane nào trở lại.

Trane là một loài chim sống thành đàn, màu nâu đen, có dáng như con hạc ở quê nhà. Là một giống chim không chịu lạnh, nên hàng năm, cứ trời sắp sang đông là tụ tập từng đàn ở một nơi nào đó rồi chia nhau bay tìm những xứ nóng phương nam. Ở Bắc Âu có nhiều loài chim trốn lạnh, nhưng loại trane này nhiều nhất, có tổ chức khá qui củ, và khi bay đi chúng bay thành từng nhóm theo hình những mũi tên, có khoảng cách đều nhau, rất đẹp.

Định cư ở Nauy hơn ba năm. Lúc kinh tế gia đình và việc học hành của mấy đứa con tạm ổn định, cũng là lúc vợ chồng tôi bắt đầu có thời gian để hồi tưởng về quá khứ, và nhớ quê hương. Chúng tôi quyết định mua một ngôi nhà dưới thung lũng nhỏ, bên bờ sông Nitelva yên tĩnh, bên kia là cánh đồng cỏ mênh mông tiếp giáp với núi rừng. Cái khung cảnh có mang một chút hình dáng và màu sắc quê nhà giúp tâm hồn tôi yên ả hơn mỗi khi thấy lòng trăn trở, nhung nhớ một điều gì.

Những lúc buồn, tôi ngồi hằng giờ trong bao lơn nhìn ra phía cánh đồng và rừng núi phía xa xa, để ngỡ là quê hương mình như đang ở phía bên kia triền núi đó. Không những vợ chồng tôi mà mấy đứa con đều thích thú ngôi nhà này, vì nó khá rộng rãi đủ để mỗi đứa có một phòng riêng, trang trí, sắp xếp theo sở thích của mình. Trong thung lũng nhỏ này, ngoài chúng tôi, chỉ có ba gia đình láng giềng, một đến từ Thụy Điển, một đến từ Tây Đức, chỉ có một gia đình là dân bản xứ chính tông. Có lẽ sống trong một khu "hợp chủng quốc" bé nhỏ nhất trên lục địa này, nên chúng tôi sớm gần gũi, thân tình.

Dọn đến cuối mùa xuân, nên suốt hè năm ấy, chúng tôi lần lượt là khách mời của mấy người bạn láng giềng. Ông bà người Thụy Điển có chiếc du thuyền lớn với đầy đủ tiện nghi. Cả nhà chúng tôi được cùng họ xuôi ngược cả một tuần trên con sông Nitelva chảy dài qua những rừng thông, đồng cỏ và một vài vùng quê êm ả, lãng mạn. Những ngày còn lại, cùng với gia đình ông bà người Đức vào rừng cắm trại, đi săn, rồi cùng với gia đình ông bà Nauy đi cắm lều bên kia bờ sông, vừa câu cá vừa ngắm những cặp thiên nga tung tăng bơi lội.

Khi những chiếc lá vàng cuối cùng rơi xuống, trời đột nhiên trở lạnh, báo hiệu sắp chấm dứt mùa thu bắc âu thơ mộng, cũng là lúc chúng tôi bắt đầu chuẩn bị mọi thứ cho một mùa đông băng giá kéo dài cả năm, sáu tháng.

Một buổi tối, khi ngồi ở phòng khách đọc mấy tờ báo, tôi nghe tiếng chim kêu, mỗi lúc một nhiều, vang động cả một vùng xưa nay tĩnh mịch. Tiếng chim có cái âm sắc như đang tìm nhau, gọi nhau, mừng rỡ. Hôm sau, hỏi ông láng giềng người Đức, tôi mới biết là chính ngã ba sông ngay trước nhà tôi, từ bao nhiêu năm nay, là nơi nhiều đàn chim trane di xứ chọn làm địa điểm tập trung để bay về phương nam trước khi mùa đông đến.

Cả mấy đêm liền sau đó, cứ vào khoảng chín giờ tối, những đàn chim từ mọi nơi bắt đầu kéo về tụ tập ở bờ sông và cánh đồng cỏ bên kia, kêu gọi nhau cả đêm. Đến mờ sáng, chia nhau từng nhóm chừng hai mươi con, nối tiếp bay đi, theo hình những mũi tên, vẽ lên nền trời mờ hơi sương một bức tranh tuyệt đẹp.

Nhiều đêm, tôi lặng lẽ ra bờ sông, ngồi cả mấy tiếng đồng hồ, nhìn chim từng đàn bay tới, cả trăm, rồi hàng vạn con. Chúng đón nhau gọi nhau líu lo mừng rỡ. Tiếc là loài người đã không hiểu được ngôn ngữ của loài chim, để nghe nó chào nhau, nói với nhau những lời tình tự, và bàn nhau phân công, tổ chức, sắp xếp từng đàn lần lượt bay đi trong trật tự. Tôi miên man hồi tưởng thời gian hơn mười năm trong lính. Rồi bất ngờ nảy ra một ý tưởng so sánh lạ kỳ: Những “đội quân” chim trane này có tinh thần kỷ luật và tình đồng đội. Các “vị chỉ huy” của nó còn tài giỏi hơn nhiều ông quan chỉ huy của bọn tôi ngày trước. Con chim dẫn dầu trong một đội hình mũi tên chắc chắn phải là con chim chỉ huy cấp nhỏ nhất, nhóm trưởng. Con chim "tổng tư lệnh" phải là con chim bay lên ở những nhóm cuối cùng. Phải như thế mới có được một cuộc "hành quân triệt thoái" diễn ra trong trật tự và đẹp đẽ như tôi vừa chứng kiến. Cái may mắn, là chúng có cả một không gian yên bình để sắp xếp những chuyến ra đi, khác với những người lính chúng tôi vào những ngày cuối tháng tư, với bom đạn xe pháo dày đặc của cả một khối liên minh đối phương kéo từ phương Bắc. Trong lúc chúng tôi bị người bạn đồng minh bội phản, và điều đáng buồn hơn, đã có nhiều cấp chỉ huy hèn mạt, xa chạy cao bay trong khi chúng tôi vẫn còn kiên cường chiến đấu.

Những năm sau đó, năm nào cũng thế, khi trời chỉ mới vào thu là tôi đã bắt đầu ngóng chờ những con chim trane trở lại. Tôi chờ chúng như đã từng chờ những chiến hữu của mình. Tôi thấy như mình trẻ lại, lòng rộn rã niềm vui. Cho dù cứ mỗi lần đàn chim tụ tập về đây là tôi có nhiều đêm mất ngủ, trăn trở nghĩ suy về quê hương và thân phận của mình cùng những bạn bè xưa.

Hầu hết bạn bè tôi, nếu còn sống sót sau cuộc chiến tang thương đó, kẻ đã phải ra đi trong loạn lạc, ly tan, người thì được ông bạn đồng minh phản bội năm xưa, can thiệp với kẻ cựu thù cho "ra đi trong vòng trật tự" sau nhiều năm bị đày đọa ngục tù, vợ con nheo nhóc, để giờ này mỗi người trôi dạt một phương, mang theo những vết thương không lành được ở trong lòng. Biết đến khi nào chúng tôi mới đuợc như những con chim trane đang tụ tập ca hót líu lo ngoài kia, trươc giờ bay xuống phương nam?

Có một lần, dường như vào mùa đông thứ năm, khác với mọi năm, khi trời đã sáng hẳn rồi mà đàn chim cuối cùng vẫn chưa rời khỏi địa điểm tập trung, kêu lên những tiếng kêu lạ, buồn và khắc khoải. Tôi tò mò chạy ra xem. Lúc ấy những con chim vội vàng tung cánh bay lên rồi lần lượt xếp lại thành đội hình mũi tên, nhưng vẫn bay vòng lại mấy lần và tiếp tục những tiếng kêu buồn không dứt. Tôi đứng nhìn theo, lòng lắng xuống như muốn nhắn gởi theo từng cánh chim một ít nỗi niềm. Nghe có tiếng sột soạt trong một hốc đá, tôi chạy lại tìm. Một chú chim, chẳng hiểu vì sao bị gẫy đôi chân, nằm sâu trong đó, bên cạnh có khá nhiều hạt lúa mì, thức ăn dành cho nó. Tôi bế con chim vào nhà. Nó nhìn tôi như van lơn, đôi mắt ướt nhè. Tôi có cảm tưởng là nó đang khóc. Tôi lại chợt nhớ tới những đồng đội bất hạnh, bị trọng thương trong những ngày cuối cuộc chiến, đau đớn, cô đơn, rồi lang thang sau khi bị đuổi ra khỏi các quân y viện. Mắt tôi bỗng nhòe đi khi nghĩ đến mấy vị tướng oai hùng, cùng ở lại sống chết với anh em rồi tuẫn tiết trước giờ thứ hai mươi lăm.

Từ ngày có con chim trane thương tích, nhà tôi lại vui hơn, nhất là hai cô con gái nhỏ của tôi, tha hồ nâng niu, chăm sóc và kể cả tâm tình với nó. Cô bé thích sau này làm nghề y tá, thì mang nó ra phòng bác sĩ thú y khám, mua thuốc băng bó cho nó. Riêng tôi, mỗi lần chăm lo cho nó, tôi có cảm giác như đang lo cho một đồng đội bị thương tích của mình. Hơn hai tháng sau, khi đôi chân của nó lành hẳn, cũng là lúc tuyết đang rơi trắng cả khung trời. Được thả ra khỏi lồng, nhưng nó chỉ quanh quẩn trong nhà. Suốt gần một năm nó là một thành viên đặc biệt trong gia đình tôi và là bạn thân của hai cô con gái nhỏ.

Khi mùa thu trở lại, tôi bàn bạc, khuyên mấy đứa con chuẩn bị trả nó lại với đàn, khi những con chim thiên di đầu tiên trở lại. Giải thích và năn nỉ mãi mấy cô mới chịu. Hôm trả nó lại sum họp với đàn, hai cô con gái nâng niu, âu yếm tâm tình rồi chia tay nó. Không khí cảm động không thua gì những cuộc chia ly trên thế gian này.

Một điều làm cả nhà tôi ngạc nhiên và xúc động. Cuối mùa thu năm sau, khi những đàn chim bắt đầu trở lại, một buổi tối khi sửa soạn đi ngủ, mấy cô con gái của tôi bất ngờ thấy con chim trane đậu ngoài cửa sổ. Khi cửa sổ vừa mở, nó bay vào trong phòng, kêu lên rộn rã. Nhờ vết thương cũ còn in dấu trên đôi chân của nó, mấy cô con gái mới biết chắc, nó chính là con chim năm trước. Từ đó, có thể tôi còn biết về loài chim trane này nhiều hơn những nhà nghiên cứu chim muông: trung thành và có trí nhớ.

Không ngờ, những con chim trane lại là những niềm vui, nỗi nhớ cho gia đình tôi trong những ngày lưu lạc ở một vùng bắc âu xa lạ..

Bây giờ mấy cô con gái của tôi đã thành người lớn. Tất cả đã đi học bên Mỹ, bên Anh rồi ở lại làm việc luôn bên ấy, nhưng cứ gần tới cuối mùa thu đều gọi về nhà hỏi thăm đàn chim trane có còn tụ tập trước nhà, và con chim bị thương ngày trước có còn bay về đậu trên khung cửa sổ.

Suốt mùa thu vừa rồi, tôi trông chờ nhưng đàn chim không trở lại. Tôi thấy nhớ tiếc những đêm nghe tiếng chim kêu, và những buổi sáng tinh mơ nhìn từng nhóm lặng lẽ bay theo hình những mũi tên hướng về phương nam, hùng vĩ như một binh đoàn vượt tuyến xuất phát, bắt đầu một cuộc hành quân qui mô dài hạn. Nhiều lúc tôi đã từng ước mơ có thêm đôi cánh, để cùng được bay lên với chúng.

Cơ quan bảo vệ súc vật và sở y tế & vệ sinh thành phố, cũng đã đến đây từ đầu mùa thu, xịt thuốc sát trùng và dọn dẹp bờ sông, đồng cỏ, để đón những đàn chim trane trở lại. Năm nay, họ làm việc nhiều hơn, chuẩn bị mọi điều chu đáo hơn, vì có tin bệnh "cúm gia cầm" ở một vài xứ nóng phía nam. Họ lo lắng những con chim trane bị lây nhiểm vi khuẩn H5N1. Loại vi khuẩn mà cả thế giới đang bàn tán về nguy cơ một cơn đại dịch. Hội Đồng thành phố họp liên miên, bàn bạc về khả năng những con chim trane, có thể sẽ bị giết chết trên một xứ nóng nào đó, để ngăn ngừa mang bệnh vào. Họ liên lạc với cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc, gởi thư cho chính phủ của một số nước nhiệt đới phía nam, nhằm bảo vệ cho những đàn chim trane bay sang trốn lạnh. Họ chuẩn bị, lo lắng để đón những đàn chim của họ quay về.

Trời đã vào đông, ngoài kia, bầu trời đã đổi sang màu trắng đục, trên dòng sông Nitelva dày đặc sương mù, báo hiệu những hạt tuyết đầu mùa sắp rơi. Bà Anne-Mari, trưởng Sở bảo vệ súc vật thành phố, cùng một số nhân viên đến nhà tôi từ chiều nay. Họ kiên nhẫn ngồi chờ để hy vọng được đón những đàn chim trane có thể trở lại muộn màng. Họ cùng vợ chồng tôi uống hết mấy bình trà, rồi chia tay lúc nửa đêm. Tuyết bắt đầu rơi. Chắc chắn giờ này những con chim trane không còn đến nữa. Khi đứng lên chia tay, nhìn họ thoáng buồn nhưng không tuyệt vọng. Mỗi người đều nắm chặt tay tôi và nói lời cầu nguyện bằng an cho những con chim trane di xứ, dù nó đang trôi dạt ở nơi đâu cũng mong cuối mùa thu năm sau sẽ kéo nhau trở lại nơi này.

Suốt cả đêm tôi không hề chợp mắt. Không phải tôi nghĩ đến những con chim trane, mà nghĩ đến thân phận của chính mình cùng những người đồng hương đang lưu lạc khắp năm châu. Ngược lại với loài chim trane thiên di, bay về nam tìm nắng ấm, chúng tôi đã phải bỏ quê hương bốn mùa nắng ấm để đi tìm tự do và tình người ở những vùng băng tuyết xa xăm. Những mùa đông kéo dài, trong cái lạnh lẽo mới thấy thấm thía tận cùng nỗi cô đơn xa xứ.

Tự dưng, tôi nghĩ đến một điều: Biết đến khi nào chính quyền ở quê nhà thật lòng xem những người ra đi là "khúc ruột ngàn dặm", là "một bộ phận không thể tách rời", để biết yêu thương lo lắng và mong ước đón tiếp họ trở về, như chính quyền của cái thành phố nhỏ ở xứ Bắc Âu xa xôi này - nơi từng cưu mang gia đình tôi - đã lo lắng mong chờ những con chim trane di xứ? Điều đặc biệt hơn, là những người Việt tha phương sẽ mang về cho quê hương biết bao nhiêu tài năng, trí tuệ, và bạc tiền, còn những con chim trane kia có thể sẽ mang về cho họ những con vi khuẩn chết người.

Tôi đắp kín chăn nhưng vẫn thấy lạnh toát, mơ hồ như tuyết đang phủ đầy người, và vết thương cũ trong lòng vừa mới nhói đau trở lại.

phạmtínanninh
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Năm 2011(Xem: 19771)
Hôm nay là ngày giỗ mẹ, tôi viết những dòng này là tâm sự của một người con suốt đời không có mẹ ở bên và thành kính dâng lên hương hồn mẹ như một nén nhang thắp muộn.
01 Tháng Năm 2011(Xem: 18453)
Rải tro theo gió... trên đỉnh đèo Hải Vân... ý nguyện của người đã khuất gợi lên trong tôi hình ảnh vừa bi hùng lại vừa lãng mạn, như là sự kết hợp tuyệt vời giữa mối tình của viên dũng tướng với cô con gái đầu lòng của nhà văn Tự Lực Văn Đoàn.
27 Tháng Tư 2011(Xem: 19596)
Tôi không nói được gì hết, chỉ gục đầu vào vai vợ tôi rồi bật khóc . Vợ tôi chưa biết những gì đã xãy ra nhưng chắc nàng đoán được rằng tôi phải đau khổ lắm mới phát khóc như vậy. Cho nên nàng vừa đưa tay vuốt vuốt lưng tôi vừa nói, giọng đầy cảm xúc :« Ờ…Khóc đi anh ! Khóc đi ! »
23 Tháng Tư 2011(Xem: 18044)
Tôi ngồi đó để tưởng nhớ nước Việt Nam Cộng Hòa thân yêu của tôi. Tôi để hình tôi trên bàn thờ là coi như mình đã chết theo với nước Việt Nam Cộng Hòa của tôi. Tôi chỉ sống lây lất, lo nhang khói cho đồng đội, cho cha mẹ, vợ con
03 Tháng Tư 2011(Xem: 19705)
Trong niềm bồi hồi xúc động đến rưng rưng lệ khi đọc, chắc chắn quý độc giả không thể không biết ơn những người lính VNCH, Mỹ, Úc... đã đổ máu bảo vệ Miền Nam trước làn sóng xâm lăng của cộng sản trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam.... *
23 Tháng Ba 2011(Xem: 20141)
tưởng đã được giải quyết, phân tán người Việt Nam tỵ nạn trên nước Mỹ, nhưng không ngờ Xe đò Hoàng đơn thân độc mã mỗi ngày một chuyến kéo hai thành phố đông dân cư Việt Nam lại càng gần với nhau hơn nữa.
21 Tháng Hai 2011(Xem: 19845)
Già thì già, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc – hạnh phúc hơn một tỷ người khác – cho dù hạnh phúc đó vẫn được họ đếm từng ngày sau mỗi buổi sớm mai thức dậy…
10 Tháng Hai 2011(Xem: 18520)
Tôi nhớ ơn anh chị, và cả vợ chồng anh Hy, chịu đựng được chúng tôi, mà không đấm cho vỡ mồm, hộc máu mũi. Càng lâu, tôi càng thấm thía cái câu ' Bầu bí một giàn'
04 Tháng Hai 2011(Xem: 19466)
Thế đó, họ bán, họ mua vừa như thật, vừa như “chơi” nhưng ai cũng hăm hở, náo nức. Dường như mỗi người đi chợ đang “bán”, đang “mua” cho mình một nỗi nhớ quê nhà vời vợi.
02 Tháng Hai 2011(Xem: 21371)
Hương thơm của gạo, vị ngọt của cơm lẩn với cát sạn tựa như cuộc đời của những quân nhân QLVNCH nói chung, SVSQTĐ nói riêng đã tự hào vào ngày mãn khóa sau mấy tháng quân trường mồ hôi thử thách đó là hương thơm của gạo. Để rồi chuẩn bị dấn thân vào cuộc đời đầy gian khổ hiểm nguy sống chết khó lường
28 Tháng Giêng 2011(Xem: 21001)
Họ gặp nhau và nhận ra nhau. Mới đầu, Hà Giang ôm chầm lấy Đôn mà khóc nức nở. Cô quên mất anh đang là một vị thầy tu. Xúc động nhất là khi Hà Giang cho anh biết Lam Khê chính là con của anh. Hai cha con họ ôm lấy nhau thật lâu và cả hai đầm đìa nước mắt.
21 Tháng Giêng 2011(Xem: 19746)
Hiện tại chúng tôi đang sống tràn trề hạnh phúc. Mùa xuân của cuộc đời tuy đến muộn nhưng chúng tôi bằng lòng lắm với những gì mình đang có, đang sống. Thiên đường có thật anh Hoàng ạ! Và chúng tôi đang tắm trong suối nguồn tươi mát của Thiên Đường.
16 Tháng Giêng 2011(Xem: 20190)
Thành phố lên đèn, tôi vật vờ vô định thoáng nghe bên tai tiếng dương cầm giai điệu bản "Giao hưởng số chin, cung rê thứ" của L.V. Beethoven mà tôi học ngày nào. Hiện tại, tôi chơi nhạc đám ma. Cái chết - quy luật tất yếu giúp tôi sinh tồn, các giá trị nghệ thuật cao quý chỉ còn là hoài niệm!
02 Tháng Giêng 2011(Xem: 21897)
Mũi súng AK thúc vào cạnh sườn, người vệ binh chắc cũng ngạc nhiên không hiểu sao bỗng dưng tôi đứng như trời trồng giữa lộ. Anh quắc mắt nhìn tôi dò hỏi, tôi không nói gì, im lặng nhập vào dòng tù. Nước mắt chảy dài trên hai má hóp, tôi bước đi như kẻ mộng du ...
07 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 20711)
Trong cuộc chiến Việt Nam, những chàng pilot nổi tiếng hào hoa ở thành phố. Là thần tượng của các cô con gái đẹp. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, những chàng trai trẻ ấy lại là những chiến sĩ rất hào hùng trên khắp các chiến trường. Bao phen xem cái chết tựa lông hồng.
05 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 21722)
Lâu nay, khá đông người cho rằng thi sĩ Hàn Mạc Tử và nhà giáo kiêm cư sĩ Hoàng Thị Kim Cúc từng có một tình yêu đôi lứa. Lắm sách báo ghi nhận như vậy. Ngay cả lối sống khá đặc biệt của Kim Cúc – suốt đời độc thân, làm thơ tặng Hàn, chẳng chuyện trò điều này với người trong nhà… – càng khiến dư luận nghĩ vậy.
17 Tháng Mười Một 2010(Xem: 20952)
Một câu chuyện thật dí dỏm. Câu chuyện phần nào đã gợi nhớ đến một quảng đời thơ ấu thật êm đềm, hoa bướm ở vùng quê . Phải chi không có biến cố tháng tư 75, cuộc sống của những người dân miền nam hiền hòa chắc chắn là mãi mãi thanh bình, thịnh vượng, và an lành như tác giả "Lấy vợ miền quê" đã mô tả rất chân thật trong câu chuyện
11 Tháng Mười 2010(Xem: 19293)
Bây giờ, nhìn chú Ba nằm đó, tôi lại nhớ câu nói cuối cùng của chú: “Cứ để lá cờ ở đó, trong đầu óc của chú sẽ nhớ mãi hình ảnh lá cờ VNCH tung bay trong gió. Sau này, lá cờ sẽ ra sao? Để tương lai trả lời.”
08 Tháng Mười 2010(Xem: 20145)
Tôi rời khỏi Cheo Reo, chạy ngược về cầu sông Ba theo Tỉnh lộ 7 ngày xưa, mang theo trong lòng nỗi đau đứt ruột. Đang giữa mùa xuân nhưng cả bầu trời nhuộm màu ảm đạm. Nhìn núi rừng hai bên đường, trong ràn rụa nước mắt, tôi mơ hồ như cây lá không còn nữa...
08 Tháng Mười 2010(Xem: 21878)
Mọi người đều đến cõi đời nầy với hai bàn tay trắng, thì lúc ra đi cũng chỉ với hai bàn tay trắng mà thôi. Ai ai cũng đều biết như vậy, nhưng hễ sao mỗi khi nghĩ đến chết thì thấy rờn rợn và hơi lo một chút... Sống sao cho đáng sống mới là việc khó. Đời là vô thường!
07 Tháng Mười 2010(Xem: 27853)
Kính nguyện cầu Đấng Thiên Thựợng Đế tối cao và Hồn thiêng sông núi phù hộ cho toàn dân Việt sớm có ngày "đắc lộ thanh vân", đưa nước Việt lên đỉnh đài vinh quang thịnh trị ngàn đời.
06 Tháng Mười 2010(Xem: 22595)
Chúng ta thường đi tìm một cái gì bên ngoài để mang lại cho mình hạnh phúc như vật chất, nhà cửa, xe hơi, máy móc, tiện nghi, … hoặc tình cảm gia đình, thân quyến, bạn bè, người yêu, … hoặc danh vọng, địa vị, lý tưởng. Ta khát khao tìm kiếm vì tưởng mình nghèo nàn, thiếu thốn, tâm luôn phóng ra ngoài chạy theo trần cảnh. Trong kinh Pháp Hoa kể thí dụ đứa cùng tử suốt đời đi ăn xin vì không biết trong túi mình có viên ngọc quý, đến khi được người bạn nhắc tỉnh ngộ lấy ngọc ra xài liền hết đói khổ.
06 Tháng Mười 2010(Xem: 18795)
Tháng 8-1999, tôi dọn nhà đến một căn phòng mới mướn. Trên ngăn kệ cao của closet, người mướn trước để sót lại một xấp “hồi ký” dầy 27 trang viết tay. Đêm đầu tiên ở phòng trọ mới, tôi đọc đoạn “hồi ký” bi hùng đó với nỗi niềm thương cảm không tả xiết: Thương cảm cho một danh tướng trong bước đường cùng của vận nước đen tối; thương cảm cho phu nhân và 2 người con của Tướng tuẫn tiết và thương cảm vị sĩ quan trẻ, có lẽ là Chánh Văn Phòng của vị tướng anh hùng, tức tác giả của đoạn “hồi ký” nầy.
06 Tháng Mười 2010(Xem: 19615)
Lần nầy, bà Hoa quyết định tự tay đem hộp tro xương ông chồng về tận Việt Nam. Bà sợ thất lạc thêm lần nữa, thì tấm lòng hoài.
06 Tháng Mười 2010(Xem: 23160)
Người chết lâu rồi , người còn ở lại Từ cuối chân mây đêm bấc lạnh lùng Ngày hiển thánh cả giống nòi mong mỏi Của những linh hồn hữu thủy hữu chung
06 Tháng Mười 2010(Xem: 19698)
Tôi chắc chồng tôi cũng nuối tiếc như tôi và đang chờ tôi đi với anh. Chúng tôi phải nối tiếp lại những ngày hạnh phúc ngắn ngủi xa xưa. Tôi không thể sống mãi trong cô đơn để run sợ trước những ám ảnh của dĩ vãng và những nhung nhớ khôn nguôi người chồng mà tôi mãi mãi yêu thương như buổi đầu gặp gỡ!!
06 Tháng Mười 2010(Xem: 21553)
Cổ nhân cũng đã có câu “ngu si hưởng thái bình”, hay là ta cứ an phận thủ thường, con gái thì mong trời sinh ra đừng quá đẹp, con trai thì đừng có quá tài ba. Còn giàu có bạc muôn không ham, chỉ mong đừng chạy gạo từng ngày. Cứ làng nhàng là xong, không ai thèm muốn, đố kỵ, ganh ghét, nghĩ chuyện đời: “Giàu như người ta cơm ngày ba bữa, đói như mình đây cũng đỏ lửa ba lần.”
05 Tháng Mười 2010(Xem: 19470)
hôm nay ngồi viết lại những hàng chữ này như được thắp nén hương trang trọng cho chị, thưa chị Nở.